Trang chủ » Trung Dung – Chương 27

Trung Dung – Chương 27

by Hậu Học Văn
198 views

CHƯƠNG XXVII

Đạo của thánh nhân lớn lao thay! Mênh mang bát ngát, đạo ấy phát sinh và nuôi nấng vạn vật; cao lớn, đạo ấy lên đến tận trời. Tốt đẹp to tát thay! Có tới ba trăm thứ lễ nghi, ba nghìn vẻ uy nghi. Phải đợi có thánh nhân rồi đạo mới được thực hành sau. Cho nên có lời nói: Ví bằng chẳng có bậc đức hạnh tuyệt vời, thì đạo cao cả không thành tựu được.

Cho nên người quân tử tôn trọng đức tính mà hướng đến việc học hỏi; suy cứu rộng rãi lớn lao mà hiểu thấu đáo những điều tinh vi; lên đến chỗ cao cả sáng láng mà hướng đến mức trung dung; ôn lại điều cũ để biết những điều mới; dốc lòng nhân hậu để nâng cao điều lễ.

Vì vậy ở địa vị trên thì không kiêu căng; ở cấp dưới thì không phản bội. Nước có đạo, thì nói lời đủ để cho nước hưng thịnh; nước không có đạo, thì sự thinh lặng đủ để dung thân.

Kinh Thi nói: “Đã sáng suốt lại khôn ngoan, bảo vệ được thân mình.” Đó là nói như trên vậy.

Trên đây là chương thứ hai mươi bảy.

BÌNH GIẢI:

Chương 26, Tử Tư đã bàn đến sự phổ cập của đạo thánh nhân và đạo trời đất, bởi vì cả hai là một. Sang chương 27 này, Tử Tư bàn về qui mô của đạo thánh nhân và nỗ lực của con người hướng tới thánh đạo, trong khi chờ đợi thánh đạo được thi hành.

Mở đầu chương, Tử Tư đã mô tả qui mô thánh đạo bằng một lời tán thán: “Đại tai thánh nhân chi đạo! Dương dương hồ, phát dục vạn vật; tuấn, cực vu thiên: Đạo của thánh nhân lớn lao thay! Mênh mang bát ngát, đạo ấy phát sinh và nuôi nấng vạn vật, cao lớn, đạo ấy lên đến tận trời.”

Lời tán dương này đã thể hiện quan điểm nhất quán của Nho giáo về vũ trụ nhân sinh. Trái lại, dưới mắt con người thì thường có sự ly cách. Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều người muốn tách rời con người ra khỏi Trời, ra khỏi thiên nhiên vạn vật. Họ muốn tạo ra một cái đạo riêng của con người, hiên ngang, kiêu hãnh, tự túc, tự tồn. Một cái đạo không có trời che đất chở như thế là một hình thức tự cô lập, cho nên không tồn tại được bao lâu; nhưng trước khi lụn tắt, nó đã gây nên đổ vỡ, chia rẽ, đau thương cho con người không ít.

Trong truyền thống đã có từ lâu, Nho giáo quan niệm chỉ có một đạo chung cho vũ trụ vạn vật. Tùy theo qui mô và trình độ, đạo ấy có tên là thiên đạo, thánh đạo hay nhân đạo.

Đạo của con người trong cõi Hình nhi hạ nhân đạo (tam cương, ngũ thường, quân tử…). Thành tựu nhân đạo tiến lên bậc thánh nhân (chí thành), con người đứng trong hàng Tam Tài: Thiên-Địa-Nhân là thánh đạo. Ở trong hàng Tam Tài, thánh nhân tham gia vào năng lực của thiên địa (càn khôn) là thánh đạo trở thành thiên đạo. Thiên đạo thuộc về Thái cực, tiềm tàng trong Vô Cực (Tuyệt đối thể).

Như thế, trong Nho giáo, con người không cô đơn; do đó không bao giờ có tình trạng buồn nôn (La nausée) như con người trong viễn tượng triết học hiện sinh của Jean Paul Sartre.

Qua đây, chúng ta mới thấy rằng nền minh triết Nho giáo là minh triết tương giao, gắn bó con người với nhau, gắn bó con người với thiên nhiên vạn vật, gắn bó con người với Trời (Tuyệt đối thể). Trong Nho giáo không có chỗ đứng cho các thứ triết học duy: duy tâm, duy lý, duy nghiệm, duy linh… Triết học “duy” là triết học tự cô lập, ích kỷ, cho nên méo mó, khập khiễng, khiến con người bơ vơ, chán chường, tàn nhẫn, thác loạn…

Trong Nho giáo, con người là con của Trời, là anh em với nhau (tứ hải giai huynh đệ), là thân hữu của thiên nhiên vạn vật. Con người là chỗ hội thông của hai chiều dọc và ngang. Về chiều dọc, với tâm linh, con người giao hội với Trời (Tuyệt đối thể hay Vô cực); với thân xác, con người giao lưu với thiên nhiên vạn vật… Về chiều ngang, với tinh thần và thân xác, con người liên hệ với mọi người trên mặt đất, từ hiện tại có thể hội thông với các thế hệ quá khứ và các thế hệ tương lai.

Trong các chương trên, có lúc Tử Tư nói về thiên đạo, có lúc nói về nhân đạo, thánh đạo. Ở chương 27 này, Tử Tư qui kết nên một và gọi chung là đạo của thánh nhân (con người lý tưởng). Với câu “Dương dương hồ, phát dục vạn vật” thì thánh đạo chính là thiên đạo; với câu “Tuấn, cực vu thiên”, thì nói thánh đạo đạt tới thiên đạo!

Chưa thấy nơi nào khác trong Tứ Thư, Ngũ kinh dùng đến những chữ có chiều kích to lớn, tuyệt vời như ở đây: “Ưu ưu đại tai! Lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên.”

Bốn chữ “ưu ưu đại tai” đã nói lên qui mô vĩ đại và mức độ toàn thiện của thánh đạo. Tám chữ “Lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên” diễn tả hình thức biểu lộ rực rỡ, huy hoàng, long trọng của thánh đạo.

Chữ “tam” là số 3: số biểu thị sự định hình. Sự vật được định hình trong số theo hình học Hy Lạp: qua 3 điểm không thẳng hàng, có thể định được một mặt phẳng. Cũng vậy, cái cây được định hình qua 3 thứ: rễ, thân, lá.

Căn nhà được định hình qua ba bộ phận: nền, tường, mái…

Chữ bách (trăm), chữ thiên (ngàn) chỉ sự phong phú đa dạng của hình thức thánh đạo thích ứng với thời gian và không gian.

Như vậy, câu “Lễ nghi tam bách, uy nghi tam thiên” có nghĩa là, một khi thánh đạo xuất hiện thì có muôn vàn hình thức tốt đẹp, rực rỡ, huy hoàng thích ứng với các nền văn hóa của các dân tộc trải qua các thời gian, để đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của loài người trong các thế hệ.

Thánh đạo tuy to tát, huy hoàng thật, nhưng nếu không có bậc thánh nhân chủ trì thì thánh đạo không thể triển khai và thi hành được. Do đó, Tử Tư nói: “Đãi kỳ nhân nhi hậu hành.” Chữ “kỳ” thay cho thánh đạo. “Kỳ nhân” là người của thánh đạo, tức thánh nhân.

Đãi kỳ nhân” nghĩa là đợi thánh nhân xuất hiện, “nhi hậu hành” nghĩa là sau đó đạo được thi hành.

Câu này do Tử Tư nói, cho nên phải hiểu là thánh nhân xuất hiện sau Tử Tư.

Nhưng tại sao phải có thánh nhân thì thánh đạo mới thi hành được?

Về hình thể, chữ thánh () được kết hợp bởi 3 chữ: nhĩ (): cái tai, khẩu (): cái miệng và vương (): ông vua.

Chữ nhĩ () và chữ khẩu () đặt trên nền chữ vương ().

Trong đạo lý Nho giáo, ông vua (vương) đúng nghĩa là con người quán Tam Tài (con người lý tưởng). Con người lý tưởng ấy có tâm nhĩ (cái tai tâm linh) để có thể nghe được lời thiên thu (thần âm) vọng về từ Trời và có tú khẩu (cái miệng chuyên nói điều tốt lành) để truyền đạt lời thiên thu cho nhân loại. Đó mới xứng đáng gọi là thánh.

Vì vậy, phải có bậc thánh chủ trì thì thánh đạo mới thành hình và thi hành được. Do đó, Tử Tư đã đồng ý với một sấm ngôn trong dân gian rằng: “Cẩu bất chí đức, chí đạo bất ngưng yên.”: Ví bằng chẳng có bậc đức hạnh tuyệt vời, thì đạo cả không thành tựu được.

Kinh Dịch nói: “Tại thiên thành tượng, tại địa thành hình. 在天成象,在 地成形。” (Ở cõi siêu hình mới là dáng vẻ; ở cõi thế gian mới thành hình thể.) 

Thánh đạo vốn có trong cõi siêu hình, nhưng cần phải có thánh nhân xuất hiện mới đem đạo từ cõi siêu hình sang cõi hiện thực để cho mọi người theo đó thi hành.

Sau khi bàn về thánh đạo, Tử Tư đã phác họa ra những bước cần thiết kế tiếp nhau để cho người quân tử có thể dần dần tiến lên bậc thánh nhân: “Cố quân tử tôn đức tính, nhi đạo vấn học; Trí quảng đại, nhi tận tinh vi; cực cao minh, nhi đạo trung dung; ôn cố, nhi tri tân; đôn hậu dĩ sùng lễ.”

Chúng ta nên nhớ chỉ có người quân tử là người tương đối có đạo đức mới có thể dấn bước trên đường tiến lên bậc thánh nhân. Còn đối với những kẻ tiểu nhân, suốt đời chỉ chú tâm đến lợi, đến những điều vật dục, nghĩa là chỉ chú trọng tới yếu tố “địa” (giá trị vật chất) mà không bao giờ chú ý đến “thiên” (giá trị tinh thần), thì không có vấn đề thánh đạo. Nói theo Lão tử, thánh đạo chỉ làm cho họ cười to lên thôi! (đại tiếu chi).

Xét về ngữ pháp, ở đây Tử Tư dùng rất nhiều động từ (verbe). Các từ: “tôn, đạo, trí, tận; cực, đạo, ôn, tri, đôn, sùng” đều là các động từ chỉ khả năng tiến hành:

tôn: tôn trọng.
đạo: hướng đến.
trí: suy đến cùng.
tận: hiểu thấu.
cực: lên đến.
đạo: hướng đến.
ôn: ôn lại.
tri: biết
đôn: dốc lòng, ra sức.
sùng: nâng cao.

Để cho sáng tỏ hơn, chúng ta hãy thử tìm hiểu từng bước một.

1. Tôn đức tính: (Tôn trọng đức tính).

Trước hết, người quân tử phải tôn trọng những đức tính sẵn có nơi mình, những đức tính đi kèm với thiên mệnh phát xuất từ thẳm sâu trong lòng người. Có tôn trọng mới chịu khó giữ gìn và phát huy thêm. Đó là những đầu mối lành làm cho người quân tử khác với tiểu nhân.

2. Đạo vấn học: (Hướng đến việc học hỏi).

Tôn đức tính mới là cái nền nhân bản. Người quân tử cần phải hướng đến việc học hỏi. Học hỏi đưa đến sự hiểu biết dồi dào sâu sắc. Học hỏi với thầy, với bạn. Thầy là những người có tuổi hơn mình, đi trước mình, có kinh nghiệm hơn mình. Bạn là những người sống trong hoàn cảnh khác mình; do đó có kinh nghiệm và cách ứng xử khác mình. Khổng tử đã từng nói: “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư yên.”: Ba người cùng đi, ắt có người làm được thầy mình. Đôi khi chúng ta còn phải học hỏi với người dưới mình nữa (Bất sỉ hạ vấn: Không cảm thấy xấu hổ khi phải hỏi người dưới mình.)

3. Trí quảng đại: (Suy cứu rộng rãi lớn lao).

Người quân tử cần phải vận dụng trí khôn để suy cứu đến những vấn đề rộng rãi lớn lao. Ví dụ: từ những hiện tượng thiên nhiên trước mắt, chúng ta suy tưởng về những thời xa xôi trong lịch sử loài người, mở rộng vũ trụ quan và nhân sinh quan, đưa ra những lý giải xác đáng. Đó là những vấn đề thuộc phạm vi triết học và khoa học.

4. Tận tinh vi (Hiểu thấu đáo những điều tinh vi).

Song song với việc suy cứu rộng rãi lớn lao có tính cách hướng ngoại, người quân tử lại cần hướng cái nhìn vào nội tâm con người, soi thấy những điều tinh tế, kín đáo thuộc phạm vi sinh hoạt tâm lý của chính mình và của người khác. Bởi vì có hiểu thấu những miền sâu thẳm của tâm hồn con người, nhận ra những điểm tế nhị của nó, chúng ta mới có thể tự cải thiện mình và giúp cải thiện người khác bằng cách giảm trừ những điều xấu hay thăng hoa những điều tốt.

5. Cực cao minh: (Lên đến chỗ cao cả sáng láng).

Trên đường tiến tới thánh đạo, bốn bước trên đều thuộc phạm vi con người và cõi nhân sinh (Hình nhị hạ). Bước thứ 5 (cực cao minh) này có thể đưa người quân tử – bây giờ đã trở nên bậc hiền nhân – tiếp cận những luồng ánh sáng siêu nhiên, để có những cảm nghiệm vượt trên thân phận con người, vượt trên những yếu tố vật chất; do đó, có thể tiếp thu được những thông điệp từ siêu nhiên giới.

6. Đạo trung dung: (Hướng đến mức trung dung).

Chữ đạo ở đây không phải là danh từ (nom), cho nên không có nghĩa là con đường, đường lối. Theo ngữ pháp, chữ đạo ở đây là động từ (verbe), vì thế, “đạo trung dung” nghĩa là: hướng đến mức trung dung, hay đi theo hướng trung dung.

Hướng đến mức trung dung là không thiên lệch giữa “thiên” và “địa”, giữ cân bằng giữa hai yếu tố tinh thần và vật chất. Về phương diện tu đức, không nghiêng về khổ hạnh mà cũng không lệch về dục lạc. Nếu không gặp tình huống khẩn cấp, mức Trung dung cũng có thể là không đi quá nhanh (dễ bị vấp váp), không bước quá chậm (dễ bị bê trễ). Trong cách cư xử, mức trung dung còn là không quá thiên về lý mà bỏ quên tình, không nặng về tình mà bỏ lý, bỏ phép công (ngoài là lý nhưng trong là tình, tình lý tương tham)…

7. Ôn cố: (Ôn lại điều cũ).

Người quân tử sống trong đời, ít nhiều cũng phải thi hành bổn phận với gia đình, xã hội, đất nước. Muốn thành công trong bổn phận, muốn hành động chu đáo phải biết ôn lại điều cũ. Phải tìm hiểu lại chuyện xưa bằng cách đọc lịch sử: lịch sử thế giới, lịch sử dân tộc mình, lịch sử các danh nhân; từ đó phê phán, phân tích ưu khuyết điểm và rút ra những bài học để có thể áp dụng cho đời sống hiện tại, để tránh những vết xe đã đổ…

8. Tri tân: (Biết những điều mới).

Có ôn lại việc cũ mới có thể biết về những điều mới trong hiện tại và tương lai. Có người chủ trương “tri nan hành dị” (biết khó làm dễ); có người chủ trương “tri dị hành nan” (biết dễ làm khó); cũng có người như Vương Dương Minh cho rằng “tri hành hợp nhất” (biết và làm kết hợp với nhau). Dù thế nào chăng nữa, tri (biết) phải khởi đầu: có biết tốt mới làm tốt được.

Trong hành động, nhiều khi sai một ly đi một dặm; nếu không biết để tiên liệu, làm sao có thể thành công được. Làm người chồng, người cha trong gia đình cần phải biết để tiên liệu thì làm lãnh tụ một đất nước, hướng dẫn cả một dân tộc càng cần phải biết để tiên liệu sâu xa hơn, nhiều hơn. Tương lai của trăm triệu con người đều nằm trong việc tri tân của một người; vì thế tri tân là một bước hết sức quan trọng của người quân tử khi giữ vai trò lãnh đạo.

9. Đôn hậu: (Dốc lòng nhân hậu).

Bởi vì đích đến của người quân tử là bậc thánh nhân, nên dù đảm đương bất cứ vai trò nào, làm bất cứ công việc gì, người quân tử đều phải qui chiếu trên đức nhân. Có nhân thì làm, bất nhân thì bỏ, dứt khoát như thế. Không thể lấy bất cứ một lý do nào để bào chữa cho điều bất nhân.

Trong ba đức căn bản của người quân tử: nhân, trí, dũng, thì nhân là nền tảng. Thừa trí, dũng mà thiếu nhân, người quân tử biến thành kẻ gian hùng, có thể làm hại dân, hại nước. Do đó, ở đây Tử Tư cho rằng cần phải dốc lòng, ra sức vun bồi đức nhân cho dày dặn (đôn hậu). Có như thế, người quân tử mới bước lên thánh đạo được.

10. Sùng lễ: (Nâng cao điều lễ).

Lễ được hiểu theo nghĩa cao nhất là: trật tự của trời đất (Lễ giả, thiên địa chi tự dã. Lễ ký).

Sách Lễ ký lại nói: “Thiên cao địa hạ, vạn vật tán thù nhi lễ chế hành hỹ. 天高地下,萬物散殊,而禮制行矣。” (Trời cao đất thấp, muôn vật khác nhau, nên lễ chế được thi hành vậy.)

Đối với cõi nhân sinh, lễ là sự tương giao tốt đẹp giữa người với người. Thiếu lễ, tình người sinh ra rối loạn. Rối loạn thì không tốt đẹp. Muốn cho xã hội ổn định và phát triển tốt đẹp thì cần có lễ. Do đó người quân tử phải là người xướng xuất nâng cao điều lễ (sùng lễ). Tuy nhiên lễ chân chính lại bắt rễ từ lòng nhân. Không có tấm lòng nhân hậu không thể nâng cao điều lễ được. Thiếu lòng nhân, lễ nghi chỉ là hình thức phù phiếm mà thôi.

Trên đường tiến tới bậc thánh nhân, người quân tử phải trọng lễ, sinh hoạt hợp lễ, để cho vẻ đẹp từ nội tâm chiếu tỏa ra bên ngoài, như một nguồn sáng tỏa sáng ra chung quanh để xóa tan sự u tối vây hãm xã hội.

Để cho các bước tiến dẫn lên bậc thánh nhân không bị gián đoạn, người quân tử khi gặp thời cơ thích hợp, được ở địa vị cao thì không kiêu căng; hợm hĩnh, khinh người; lại sẵn sàng hạ mình phục vụ những người cùng khổ. Gặp lúc phải ở địa vị dưới, người quân tử không phản bội cấp trên, luôn luôn chấp hành lệnh trên, hỗ trợ người trên để guồng máy trị an được tốt đẹp. Nhất nhất quân tử không được phản bội lý tưởng trở nên thánh nhân của mình. Dù bị mua chuộc, hay bị ép buộc, người quân tử vẫn trung thành với thánh đạo.

Gặp khi nước có đạo, tức là giới cầm quyền cai trị dân theo đạo lý (thời thái) thì người quân tử lên tiếng đóng góp vào việc làm cho đất nước hưng thịnh. Vào lúc nước không có đạo, tức là giới cầm quyền không cai trị dân theo đạo lý mà cai trị dân bằng cường quyền (thời bĩ), việc nước bị bế tắc, thì người quân tử tìm nơi ẩn cư, giữ thinh lặng, làm ngơ, làm điếc để gìn giữ lấy thân.

Ở Việt Nam, thời Pháp thuộc, Nguyễn Khuyến đã từng áp dụng đường lối này:

“Đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ,

Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây!”

(Mẹ Mốc)

Làm như thế, không phải là người quân tử sợ chết, nhưng cốt là để lưu lại tấm thân mong giúp ích cho thế hệ mai sau.

Tử Tư cho rằng hành xử như trên là một thái độ minh triết; vì thế, ông đã trích dẫn một câu Kinh Thi để minh chứng: “Ký minh thả triết, dĩ bảo kỳ thân.”: Đã sáng suốt lại khôn ngoan, bảo vệ được thân mình.

Nếu chẳng phải vì đại nghĩa, tấm thân người quân tử không nên để hư mất!

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x