Trang chủ » Trung Dung – Chương 28

Trung Dung – Chương 28

by Hậu Học Văn
192 views

CHƯƠNG XXVIII

Đức Khổng nói: “Kẻ ngu dốt mà thích tự mình làm lấy; kẻ ở cấp dưới mà thích tự chuyên quyền; sinh ra ở đời nay, lại làm trái đạo thời xưa; như thế thì tai họa đến thân mình vậy.”

Chẳng phải bậc thiên tử thì không bàn đến lễ, không chế tác pháp độ, không khảo sửa văn tự. Ngày nay, thiên hạ xe cùng một kích cỡ, sách cùng một thứ văn tự, cách ăn ở cùng một luân lý. Tuy có ngôi vị, nếu không có đức, không dám chế tác lễ nhạc. Tuy có đức, nếu không có ngôi vị, cũng không dám chế tác lễ nhạc.

Đức Khổng nói: “Ta nói về lễ nhà Hạ, nước Kỷ không đủ trưng dẫn. Ta học lễ nhà Ân, có nước Tống còn theo. Ta học lễ nhà Chu, ngày nay đều dùng, nên ta theo nhà Chu.”

Trên đây là chương thứ hai mươi tám.

BÌNH GIẢI:

Lễ là một phần thuộc về nhân đạo trong đạo Trung dung. Công dụng của lễ là tạo nên trật tự, do đó có sự tương giao tốt đẹp giữa các phẩm trật, các cấp bậc, các loại người trong xã hội. Tuy phát xuất từ tấm lòng nhân hậu ở bên trong, nhưng khi phát hiện ra bên ngoài thì lễ lại có những nghi thức thay đổi tùy theo không gian và thời gian, tức là tùy theo khu vực địa lý, văn hóa, tôn giáo và tùy theo thời đại. Do đó, tuy ở cùng một nước, dân chúng cùng theo một phong tục, nhưng một khi thời thế đã đổi khác thì lễ nghi cũng phải thay đổi theo cho hợp thời.

Vậy ai là người có khả năng và có quyền đặt ra lễ nghi mới cho hợp thời? Lễ nghi tốt đẹp, thích hợp với thời mới, khiến cho mọi người biểu đồng tình thì đạo Trung dung được khai thông, triển diễn. Lễ nghi cổ hủ không hợp thời khiến cho mọi người bất mãn, không hưởng ứng, hoặc tuân theo một cách ép uổng, thì đạo Trung dung bị bế tắc.

Đó là một vấn đề rất quan trọng, quan hệ tới vận mệnh cả nước.

Trong chương 27, Tử Tư đã nói đến việc “sùng lễ”, ở đây Tử Tư bàn về việc chế tác lễ nhạc, pháp độ.

Trước hết, Tử Tư trích dẫn lời Khổng tử: “Ngu nhi hiếu tự dụng, tiện nhi hiếu tự chuyên, sinh hồ kim chi thế, phản cổ chi đạo; như thử giả, tai cập kỳ thân giả dã.”: Kẻ ngu dốt mà thích tự mình làm lấy; kẻ ở cấp dưới mà thích tự chuyên quyền; sinh ra ở đời nay, lại làm trái đạo thời xưa; như thế thì tai họa đến thân mình vậy.

Tuy là lời nói trống không, không nhắm vào việc gì, nhưng thực ra Khổng tử có ý nói về ba loại người: kẻ ngu dốt lại thích tự mình làm ra lễ, kẻ ở cấp dưới mà lại muốn chuyên quyền để sửa đổi lễ, kẻ sinh sau ở đời nay lại muốn phế bỏ lễ nghi thời xưa để đặt ra lễ nghi mới. Theo Đức Khổng, ba loại người ấy ắt phải rước tai họa vào thân.

Câu nói này của Khổng tử phải được hiểu trong hoàn cảnh lịch sử thời Xuân Thu. Vào thời ấy ở Trung Hoa, một người nào chế ra lễ nghi, nếu không phải là một kẻ điên, ắt là bị liệt vào tội có ý đồ soán nghịch. Chế lễ, đưa đến việc thay đổi lễ nghi trong thiên hạ là có ý muốn chống lại chính quyền cai trị đương thời, có ý định lên ngôi Thiên tử, thay Trời trị dân. Đó chính là rước lấy tai họa vào thân mình.

Công việc bàn bạc về lễ, sửa đổi một nghi thức nào trong đó là công việc của Thiên tử, vua toàn cõi Trung Hoa. Các vua chư hầu không có quyền này. Vua chư hầu nào làm điều đó nếu không bị Thiên tử vấn tội, thì cũng bị các chư hầu mạnh hơn đem quân tấn công, bởi vì bỏ lễ đương thời là bỏ chế độ cai trị hiện hành, là cố ý làm rối loạn trật tự xã hội.

Vì thế Tử Tư mới nói: “Chẳng phải bậc Thiên tử, thì không bàn đến lễ, không chế tác pháp độ, không khảo sửa văn tự.” (Phi thiên tử, bất nghị lễ, bất chế độ, bất khảo văn.) Pháp độ là những phép tắc trong nước, trong đó có pháp luật và những qui định về cân đo, đong lường… Văn tự là chữ viết dùng trong văn bản của triều đình, trong kinh sách, trong sự tương giao xã hội. Là dân thường, là vua chư hầu, không có quyền bàn đến lễ, châm biếm lễ; không có quyền đặt ra pháp độ, không có quyền sửa đổi văn tự.

Quyền ấy dành riêng cho thiên tử ở trung ương. Vào thời Xuân Thu, dưới sự cai trị của nhà Chu, Trung Hoa đã có một sự thống nhất lớn lao: xe cùng kích cỡ, sách một thứ chữ, cách ăn ở theo một luân lý (xa đồng quĩ, thư đồng văn, hạnh đồng luân). Kẻ nào muốn bỏ những chữ “đồng” này là có ý định làm loạn thiên hạ, chống lại triều đình trung ương.

Có người căn cứ vào câu này “Kim thiên hạ, xa đồng quĩ, thư đồng văn, hạnh đồng luân” mà cho rằng sách Trung dung không phải do Tử Tư viết, mà do một Nho gia nào đó đời Hán viết, sau khi Tần Thủy Hoàng đã thống nhất Trung Hoa, thống nhất văn tự, chế độ, cân lượng… Giả thuyết này được dựng lên căn cứ vào một câu sách trong Sử ký Tần Thủy Hoàng bản kỷ:

“Nhị thập lục niên… nhất pháp độ, hành thạch, trượng xích, xa đồng quĩ, thư đồng văn.” (Năm 26… một pháp độ, một cân lượng, một thước trượng, xe cùng kích cỡ, sách cùng một thứ chữ.)

(Trích theo Trung dung giảng luận, trang 209).

Thực ra, chẳng riêng đời Tần Thủy Hoàng, vào các đời Nghiêu, Thuấn đã có sự thống nhất về pháp độ, cân lường, lễ nghi… Kinh Thư viết:

“Tháng hai, năm ấy, vua Thuấn đi tuần về phía Đông, đến núi Đại Tông… định lại bốn mùa, tháng và ngày cho đúng nhau. Đặt lại luật âm nhạc, cách đo chiều dài, cách đong, cách cân đều nhất luật. Sửa lại năm lễ…”

(Thuấn điển, 8).

Tóm lại, việc chế tác lễ nhạc, pháp độ quan trọng như thế, cho nên Tử Tư viết tiếp: “Tuy hữu kỳ vị, cẩu vô kỳ đức, bất cảm tác lễ nhạc yên. Tuy hữu kỳ đức, cẩu vô kỳ vị, diệc bất cảm tác lễ nhạc yên.”: Tuy có ngôi vị, nếu không có đức, không dám chế tác lễ nhạc. Tuy có đức, nếu không có ngôi vị, cũng không dám chế tác lễ nhạc.

Chữ “kỳ” ở câu trên chỉ “thuộc về Thiên tử”. Kỳ vị: ngôi vị của thiên tử; kỳ đức: đạo đức của Thiên tử.

Trong lịch sử Trung Hoa thời thượng cổ, Tam đại (Hạ, Thương, Chu) đều có lễ nhạc riêng, bởi vì các vua mở nghiệp cả ba nhà ấy (Đại Vũ, Thành Thang, Vũ Vương) đều là những vị Thiên tử có tài đức. Còn những vị sau đó, tuy có ở ngôi Thiên tử, nhưng thiếu đạo đức của Thiên tử, cho nên không dám chế tác lễ nhạc. Bởi vì, thiếu đức, làm sao có thể hội thông với trời, đất, người; do đó lễ nhạc không có cơ sở nào mà phát sinh.

Ở trường hợp sau, tuy có đức của bậc Thiên tử, có khả năng chế tác lễ nhạc, nhưng không ở ngôi vị Thiên tử; thì cũng không dám chế tác lễ nhạc. Bởi vì, như trên đã nói, không ở ngôi Thiên tử mà dám “nghị lễ”, sẽ mắc tai họa sát thân. Đức Khổng cũng không ra ngoài trường hợp này. Mặc dầu, ngài có tài đức, có thể đổi mới lễ, nhưng không dám. Và Tử Tư đã trích dẫn lời Khổng tử để cho biết về trường hợp của người như sau:

Ngô thuyết Hạ lễ, Kỷ bất túc trưng dã. Ngô học Ân lễ, hữu Tống tồn yên. Ngô học Chu lễ; kim dụng chi; ngô tùng Châu.” (Ta nói về lễ nhà Hạ, nước Kỷ không đủ trưng dẫn. Ta học lễ nhà Ân, có nước Tống còn theo. Ta học lễ nhà Chu; ngày nay đều dùng; nên ta theo nhà Chu.)

Chu Hy đã nhận xét về đoạn văn trên như sau:

“Về lễ của Tam đại, Đức Khổng tử đều đã học cả, mà có thể nói lên được ý nghĩa của lễ cả. Nhưng lễ nhà Hạ thì đã không thể khảo chứng được nữa. Lễ nhà Ân tuy còn, nhưng lại không phải dùng lúc bấy giờ. Chỉ có lễ nhà Chu là pháp chế của vua đương thời, lúc bấy giờ đang dùng. Đức Khổng tử đã không được ở ngôi vua, thì chỉ có theo lễ nhà Chu mà thôi.”

(Trung Dung tập chú, bản dịch của Lê Xuân Giáo, trang 109).

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x