Trang chủ » Trung Dung – Chương 29

Trung Dung – Chương 29

by Hậu Học Văn
159 views

CHƯƠNG XXIX

Cai trị thiên hạ cho thịnh vượng có ba điều trọng yếu. Có thế mới ít lỗi lầm.

Người ở ngôi trên, tuy tốt lành, mà không biết bày tỏ; không biết bày tỏ, không tạo được niềm tin; không tạo được niềm tin, thì dân không theo. Người ở bậc dưới, tuy tốt lành, mà không có ngôi tôn; không có ngôi tôn, không tạo được niềm tin; không tạo được niềm tin, thì dân không theo.

Cho nên đạo của người quân tử (ở ngôi vua) đặt nền tảng ở thân mình, rồi bày tỏ ra cho thứ dân. Khảo sát ở ba vua mà không có lầm lỗi; kiến tạo so với trời đất mà không trái nghịch; gạn hỏi với linh lực siêu nhiên mà không nghi ngại; cho rằng có đợi thánh nhân ở trăm đời sau, mình cũng không bị ngờ vực.

Gạn hỏi với linh lực siêu nhiên mà không nghi ngại: ấy là biết Trời. Cho rằng có đợi thánh nhân ở trăm đời sau, mình cũng không bị ngờ vực: ấy là biết người.

Vậy nên, người quân tử (ở ngôi vua) hành động thì trở nên đường lối cho thiên hạ ở đời,[155] cư xử thì làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng thì làm mẫu mực cho thiên hạ. Người ở xa thì trông ngóng; kẻ ở gần thì không chán ghét.

Kinh Thi nói: “Ở chỗ kia không ai ghét, ở chỗ này không ai chán, sớm cũng như tối, thì được khen mãi mãi.” Nếu người quân tử không giữ được như thế, thì sao sớm được thiên hạ khen ngợi?

Trên đây là chương thứ hai mươi chín.

BÌNH GIẢI:

Chữ vượng () dùng trong câu “Vượng thiên hạ hữu tam trọng yên” là một động từ (verbe), vì thế được phát âm là “vượng” (thay vì là vương), có nghĩa là cai trị thịnh vượng.

Theo văn mạch xuyên suốt từ chương 28 đến đây, “tam trọng” (ba điều trọng yếu) phải được hiểu như Lữ thị và Chu Hy là: lễ nhạc, pháp độ văn tự. Quả thực, theo chế độ quân chủ ngày xưa, chỉ có vị Thiên tử cai trị cả nước mới có quyền chế tác lễ nhạc (nghị lễ), chế tác phép tắc, luật lệ (chế độ) và khảo sửa chữ nghĩa (khảo văn). Ba việc ấy rất quan hệ tới vận mạng cả nước:

Lễ nhạc:

Lễ nhạc quan hệ mật thiết đến luân lý, phong tục và chính trị. Người xưa đã dùng lễ nhạc để điều chỉnh đạo làm người cho ngay chính.

Lễ bao gồm những hình thức, mẫu mực mà phong tục tập quán của xã hội đã thừa nhận để tiết chế, điều hoà các hành vi của con người. Công dụng của lễ gồm có những chủ đích sau:

– Hàm dưỡng tính tình cho thật trung hậu. Lễ tạo nên một bầu khí tương giao tốt đẹp, khiến người ta có thói quen làm điều lành một cách tự nhiên.

– Định lẽ phải trái, tình thân sơ và trật tự trong gia đình, xã hội và quốc gia, tránh sự hỗn độn, vô tổ chức.

– Tiết chế những tình cảm thông thường của con người (thất tình: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), nhờ đó giúp cho những tình cảm này được có chừng mực, không thái quá, không bất cập và luôn biểu lộ đúng thời, đúng chỗ (trúng tiết).

Sách Lễ Ký đã nói đến hiệu quả sâu xa của Lễ như sau: “Sự giáo hóa của lễ vi diệu, ngăn cấm điều sai trái ngay lúc chưa thành hình, khiến người ta mỗi ngày đến gần điều thiện, tránh xa điều tội lỗi mà tự mình không biết.” (Lễ Ký: Kinh giải, 26).

Bổ túc cho lễ thì có nhạc đi kèm. Tác dụng của nhạc là hoà thanh âm cho tao nhã để di dưỡng tính tình. Khổng tử nói: “Trí nhạc dĩ trị tâm, tắc dị, trực, từ, lượng chi tâm du du nhiên sinh hỹ. (Đạt cho cùng các lẽ về nhạc để trị lòng người thì cái lòng giản dị, ngay thẳng, từ ái, độ lượng tự nhiên phơi phới sinh ra.) (Lễ Ký: Tế nghĩa 24).

Thiên Nhạc ký lại nói rằng: “Nhạc là cái vui của thánh nhân mà có thể khiến cho lòng dân trở nên tốt lành, có thể cảm được lòng người rất sâu và di phong dịch tục được; cho nên tiên vương mới đặt ra dạy nhạc.” (Nhạc ký 19).

Nhạc cũng ảnh hưởng rất nhiều về đường chính trị. Nhạc ký nói: “Thanh âm chi đạo, dữ chính thông hỹ.”: Đạo âm thanh thông với chính trị vậy” và lại nói: “Thẩm nhạc dĩ tri chính: xét kỹ âm nhạc để biết chính trị” (Nhạc ký, 19).

Để cho việc cai trị được tốt đẹp, xã hội được ổn định, bậc quân tử ở ngôi vị thiên tử cần phải khéo léo kết hợp lễ nhạc làm cho lòng dân hướng về điều thiện, trong hoà ngoài thuận. (Xin xem phần Lễ Nhạc trong Nho giáo của Trần Trọng Kim, Quyển thượng, trang 145).

Pháp độ:

Pháp độ bao gồm tất cả luật lệ chi phối các sinh hoạt chính trị trong một nước như: hình luật, luật kinh tế, luật thương mãi, luật điền sản…, cùng là những qui định về hệ thống cân đo, đong lường, về chất lượng hàng hóa, sản phẩm…

Pháp độ cần phải đáp ứng khát vọng công bằng của dân chúng, không thiên vị một đẳng cấp thiểu số nào. Một nước có pháp độ tốt thì tránh được sự bất công, dân chúng vui vẻ hưởng ứng, dễ cai trị.

Văn tự:

Văn tự rất cần thiết trong việc giáo dục, trong mối tương giao giữa chính quyền và dân chúng, trong sự giao thiệp liên lạc giữa mọi người với nhau. Văn tự phải thống nhất thì ý tưởng truyền đạt mới không bị hiểu sai, lệnh trên ban xuống mới được chấp hành nghiêm chỉnh và tránh được sự tranh tụng trong dân chúng.

Tóm lại, tam trọng (lễ nhạc, pháp độ, văn tự) rất cần thiết cho việc cai trị. Tam trọng có hoàn hảo thì việc cai trị mới đem đất nước đến thịnh vượng. Người trên căn cứ vào tam trọng mà cai trị, dân chúng căn cứ vào tam trọng mà thi hành thì cả hệ thống công quyền và dân chúng ít mắc phải lỗi lầm. Do đó, Tử Tư nói: “Kỳ quả quá hỹ hồ.” Chữ “kỳ” thay cho “tam trọng”. Câu đó có nghĩa là: Theo tam trọng thì ít lỗi lầm vậy.

Trong hệ thống công quyền cai trị dĩ nhiên có hai loại người: người ở bậc trên và người ở cấp dưới. Ở đây, “thượng yên giả” chỉ người ở bậc trên, “hạ yên giả” chỉ người ở cấp dưới. “Thượng yên giả” là thiên tử, là vua, hoặc Tổng thống, Chủ tịch, Thủ tướng… trong thời đại dân chủ, cộng hoà ngày nay. “Hạ yên giả” là các quan thừa hành lệnh vua, là các bầy tôi, hoặc là các công chức cấp dưới.

Theo quan điểm đạo Nho, đứng ở vai trò lãnh đạo đất nước. Điều kiện tiên quyết dành cho vua hay Tổng thống, Thủ tướng là tài đức. Nhưng có tài đức lại phải biết bày tỏ tài đức ra trong ngôn ngữ, tác phong, hành vi. Cũng như Tân Ước nói: “Người ta không thắp đèn rồi đặt nó dưới đấu, nhưng là bày nó trên giá đèn, và nó rọi sáng mọi người trong nhà.” (Matthêô: 5, 15).

Nếu bậc lãnh đạo không bày tỏ tài đức ra thì không tạo được niềm tin trong dân chúng; do đó dân chúng không ủng hộ, phục tòng. Vì thế, ở đây, Tử Tư nói: “Thượng yên giả, tuy thiện, vô trưng; vô trưng, bất tín; bất tín, dân phất tùng.” (Người trên, tuy tốt lành mà không bày tỏ; không bày tỏ, không tạo niềm tin; không tạo được niềm tin, dân không theo.)

Đối với người cấp dưới, Tử Tư cho rằng: “Hạ yên giả, tuy thiện, bất tôn; bất tôn, bất tín; bất tín, dân phất tùng.” (Người ở dưới tuy tốt lành, mà không ngôi tôn; không ngôi tôn không tạo được niềm tin; không tạo được niềm tin, dân không theo.)

Vào đời Đào Đường, nếu vua Nghiêu không đem ông Thuấn về giữ vai Nhiếp Chính để cho ông Thuấn có cơ hội bày tỏ tài đức (trưng), thì các quan và dân chúng đâu có tin theo. Không có cơ hội để trưng tài đức, suốt đời ông Thuấn chỉ là một tên dân cày mà thôi. Đức Khổng cũng có tài đức không thua gì ông Thuấn, nhưng thiếu ngôi tôn, nên dân chúng chẳng theo, và không thể thi thố tài năng gì được.

Vì vậy; người quân tử trau dồi thiện đức lại cần phải có hai điều kiện “trưng, tôn” mới có thể lập nên đại nghiệp ở đời; từ đó, đạo trung dung mới có thể phát huy được.

Để có thể lập nên đại nghiệp đem lại thái bình, thịnh vượng cho dân chúng, đất nước, đạo người quân tử phải đạt được những điểm sau đây:

Đặt nền tảng ở thân mình.
Bày tỏ cho thứ dân.
Hợp với các thánh vương đời trước.
Hợp với đạo trời đất.
Hợp với linh lực siêu nhiên.
Hợp với thánh nhân các thế hệ sau.

Tử Tư gói gọn sáu điểm trên vào câu: “Cố quân tử chi đạo, bản chư thân, trưng chư thứ dân; khảo chư tam vương nhi bất mậu; kiến chư thiên địa nhi bất bội; chất chư quỉ thần nhi vô nghi; bách thế dĩ sĩ thánh nhân nhi bất hoặc.

1. Đặt nền tảng ở thân mình: (Bản chư thân).

Người quân tử nói về đạo và hành động theo đạo thì phải thật có đạo ngay tại bản thân mình. Nếu chưa có phải tu sửa cho có. Phải khơi dậy được nguồn suối tâm đạo phát xuất tự đáy lòng mình, chứ không phải chỉ nhắc lại những gì nghe được từ người khác hay đọc trong sách vở. Nếu chỉ thuyết minh lẽ đạo bằng ngôn ngữ khéo léo, chải chuốt, thì đạo đó không có thực chất. Không có thực chất trong lòng thì không thể thuyết phục ai được, sớm muộn gì cái chân tướng tiểu nhân cũng lộ ra; người ta rất dễ nhận ra đó là hiện tượng “thùng rỗng kêu to”.

2. Bày tỏ cho thứ dân: (Trưng chư thứ dân).

Một khi có đạo đầy ắp trong lòng, theo qui luật “có ở trong ắt hiện ra ngoài”, người quân tử không cần khoe khoang, đạo cũng biểu hiện qua ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của mình. Nhưng vì muốn dân chúng tin theo để có cơ hội phục vụ dân chúng, người quân tử cần tìm điều kiện thuận tiện để có thể bày tỏ tài đức của mình ra. Sự biểu hiện đó nhanh hay chậm, nhiều hay ít là tùy thuộc vào không gian và thời gian. Với thực tế “đèn cao chiếu xa”, “đêm tối đèn sáng”, người quân tử nếu có được địa vị cao, có ngôi tôn, có khung cảnh lịch sử thích hợp, hẳn là có đủ điều kiện để tài đức có thể bày tỏ cùng mọi người.

3. Hợp với các thánh vương đời trước: (Khảo chư tam vương).

Ở thời Tử Tư, Tam vương là Đại Vũ của nhà Hạ, Thành Thang của nhà Thương và Văn hoặc Vũ Vương của nhà Chu. Các vị này là đại biểu cho các bậc thánh vương đời trước, có tài đức, khéo trị dân, khiến cho thiên hạ thái bình. Sự nghiệp của các ngài đã được chép trong sử sách. Đó là những khuôn mẫu cai trị mà các Nho gia và các nhà lãnh đạo thời Xuân Thu, Chiến quốc thường viện dẫn.

Muốn biết việc cai trị của mình có điểm nào được, điểm nào chưa được, Tử Tư cho rằng người quân tử ở ngôi cai trị cần khảo sát phương pháp của Tam vương để điều chỉnh lại đường lối của mình.

Ở thời đại ngày nay, ngoài Tam Vương ra, người quân tử làm chính trị còn có thể tìm được nhiều tấm gương cai trị tốt của cổ nhân trên thế giới để học hỏi.

4. Hợp với đạo trời đất: (Kiến chư thiên địa).

Trong Hồng phạm cửu trù, việc cai trị hợp với đạo trời đất nằm trong các mục: Ngũ hành (thủy, hỏa, mộc, kim, thổ), ngũ kỷ (năm, tháng, ngày, tinh cầu, lịch số) và thứ trưng (xem các điềm trời).

Ở ngôi lãnh đạo, người quân tử phải biết hoặc cắt đặt những người biết về thiên văn, địa lý phụ trách các công trình kiến tạo.

Các công trình kiến tạo phải được xây dựng sao cho phù hợp với địa lý môi trường, với khí hậu thì mới bền vững lâu dài và có nhiều ích lợi cho người sử dụng. Kiến trúc nhà cửa phải xét tới lượng ánh sáng, hướng gió thuận lợi, phải tránh gió lùa, mưa tạt, hoặc ánh sáng quá chói chang. Phải xét tới thế đất, cứng mềm, cao thấp, để xây móng cho vững chắc, tránh những nơi có thể bị sụt lở, lụt lội, sấm sét, bão bùng…

Các công trình thủy lợi như kênh, mương phải đào như thế nào để thoát được nước úng, giữ được màu dất, có lợi cho việc canh tác nông nghiệp.

Các công trình lớn như định đô, đặt nền móng ngàn năm cho đất nước, hoặc xây đắp thành lũy bảo vệ cần phải được xét kỹ để tránh hại, thu được nhiều lợi. Nếu các công trình ấy hợp với đạo trời đất, không phản lại (bất bội) những qui luật thiên nhiên, vật lý thì sẽ thu được nhiều kết quả có lợi cho dân nước.

5. Hợp với linh lực siêu nhiên (chất chư quỉ thần).

Trong chương 16 ở trên, quỉ thần đã được giải thích là linh lực siêu nhiên, thoát thai từ nguồn năng lực Thái cực. Linh lực ấy “lồng trong vạn vật” (thể vật); do đó tiềm tàng trong tâm hồn con người. Mỗi khi, người ta hành động phù hợp với linh lực ấy thì cảm thấy an nhiên thư thái trong lòng. Nếu người ta hành động điều gì sai trái, linh lực ấy tác động làm cho tâm can bối rối, khắc khoải như là bị phiền trách, cắn rứt không nguôi. Nói một cách khác, linh lực siêu nhiên ấy chính là tiếng nói của lương tâm con người. Ở đây, Tử Tư dùng những chữ “chất chư quỉ thần” (chất vấn, gạn hỏi cùng quỉ thần) có nghĩa là chất vấn, gạn hỏi cùng lương tâm. Người quân tử trị nước, mỗi khi hành động điều gì quan trọng, phải chất vấn cùng lương tâm của mình xem có gì trái với lương tâm chăng. Nếu không bị lương tâm cản trở, phiền trách, ấy là hợp đạo Trời, trong lòng không cảm thấy nghi ngại gì nữa (vô nghi).

Ngày xưa, bởi vì tâm thức chưa tiến hóa, nhất là bị chi phối bởi quan niệm nhân hình hóa (Anthropomorphisme) người ta có thói quen “chất chư quỉ thần” bằng cách xem bói, cho rằng quỉ thần dạy qua hào quẻ âm dương. Nhưng thực ra, với minh triết, người ta cần tự hỏi lòng; điều gì mình không cảm thấy thẹn với lương tâm, tức là không thẹn với Trời.

6. Hợp với thánh nhân các thế hệ sau: (Bách thế dĩ sĩ thánh nhân).

Làm việc nước tức là lo cho hạnh phúc của dân chúng, đồng thời đặt nền móng an lạc cho các thế hệ mai sau; vì thế bậc lãnh đạo phải vươn tới những giá trị siêu thời. Những điều làm ở thời nay cần phải phù hợp với các thế hệ mai sau; dầu cho trăm, ngàn năm tới, có thánh nhân xuất hiện thì cũng không chê trách, ngờ vực được những giá trị của mình bây giờ (Bách thế dĩ sĩ thánh nhân, nhi bất hoặc).

Khi bàn về phép cai trị của vua Thuấn (2206 trước Công nguyên) và Văn Vương (1134 trước Công nguyên), cách nhau trên 1.000 năm, Mạnh tử nói: “Tiên thánh, hậu thánh, kỳ quĩ nhất dã: Phép cai trị của vị thánh trước (vua Thuấn) và vị thánh sau (Văn Vương) vẫn là một đường lối vậy.

Muốn được như thế, người quân tử ở bậc lãnh đạo phải đạt tới chân lý vĩnh cửu. Chân lý vĩnh cửu là đạo hằng, tức là đạo thống của nhân loại xuyên suốt không gian và thời gian. Bậc lãnh đạo chẳng những phải thông dự vào, mà còn có bổn phận giáo dục dân chúng nhận ra chân lý vĩnh cửu để xóa đi tất cả những tỵ hiềm giữa các dân tộc, giữa các nền văn hóa, giữa các tôn giáo, khiến cho trong tương lai, nhân loại được thoát khỏi những kỳ thị (chủng tộc, tôn giáo, chủ nghĩa), được hít thở bầu khí đại đồng, tức là cùng thông dự vào một cội nguồn chân lý.

Có như thế, thế giới mới được ổn định, các quốc gia mới có thái bình, thịnh vượng thực sự, mọi người mới tránh khỏi lầm than.

Cũng trong niềm thao thức này, Linh mục Houang đã nói trong một phiên họp của Hiệp hội Âu châu phát huy văn hóa như sau:

“Bổn phận người Âu cũng như người Á là phải tìm cho ra chân lý hằng cửu và phổ quát… chúng ta có nhiệm vụ khơi mào cho một cuộc đối thoại giữa Á và Âu bằng cách minh định rằng trong mọi nền văn hóa đều có những điều hằng cửu và phổ quát. Như vậy, chúng ta sẽ có thể yêu nhau như anh em, và thế giới sẽ có thể sống bình yên thực…

“Trong suốt thế kỷ 19, quí vị đã coi thế giới như là chiếc tàu hỏa đang di chuyển, mà chân lý phổ quát là đầu tàu. Người Âu Châu thì ở các toa thượng hạng và hạng nhất, còn các toa hạng ba và toa hàng hóa thì dành cho người Á, Phi. Quan điểm này ngày nay không thể chấp nhận được… Trái lại phải quan niệm thế giới như là một chiếc hoa thị mà ta thấy ở các giáo đường xây thời Trung cổ, trong đó mỗi cánh hoa là một chủng tộc với tất cả những điều nguyện ước, thắc mắc, băn khoăn và đòi hỏi của họ…”

(Trích theo Nguyễn Văn Thọ, Trung dung giảng luận, trang 215).

Trong 6 điểm của đạo quân tử nói trên, có hai điểm sau là quan trọng hơn cả. Hợp với linh lực siêu nhiên mà không nghi ngại, tức là đạo quân tử thông với siêu nhiên giới; như thế thì người quân tử hiểu được lòng Trời (tri thiên). Vì hiểu được lòng Trời, cho nên người quân tử xứng đáng là con của Trời (thiên tử). Hợp với thánh nhân các thế hệ xuyên suốt thời gian tức là hợp với con người trong mọi thời đại; như thế, người quân tử hiểu thấu được lòng người (tri nhân). Hiểu được lòng người và hiểu được cả lòng Trời, người quân tử mới xứng đáng là bậc trung gian giữa Trời với người, đem đạo Trời truyền rao cho mọi người để làm tròn thiên chức thánh nhân.

Vì đảm đương thiên chức thánh nhân thông dự vào chân lý vĩnh cửu, cho nên người quân tử ở ngôi Thiên tử hành động thì trở nên đường lối cho thiên hạ ở đời noi theo, cư xử thì làm khuôn phép cho thiên hạ, nói năng thì làm mẫu mực cho thiên hạ. (Thị cố quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo; hạnh nhi thế vi thiên hạ pháp; ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc.)

Đối với một con người như vậy, làm sao thiên hạ không trông ngóng, không quí mến, không ngợi khen! Tử Tư quả thật đã phác họa ra một cái đạo chính trị thật là lý tưởng, thật là huy hoàng, cao cả; không bút nào tả xiết. Thật xứng đáng là một mẫu mực muôn đời cho việc trị nước, mà không biết cho đến bao giờ mới có thể thành tựu trong lịch sử của nhân loại. Cái đạo lý tưởng ấy, Kinh Thi nói một, thì Khổng tử nói hai, tới Tử Tư, đạo ấy mới đích thị được triển khai hết mức, phô bày tất cả chiều kích cao siêu, rộng rãi, vĩ đại trong lịch sử nhân loại từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x