Trang chủ » Trung Dung – Chương 3

Trung Dung – Chương 3

by Hậu Học Văn
236 views

CHƯƠNG III

Đức Khổng nói: “Trung dung cao siêu vậy thay! Ít người theo được lâu rồi!”

Trên đây là chương thứ ba.

BÌNH GIẢI:

Đạo Trung dung đã được Khổng tử tán thán là “Trung dung kỳ chí”. Chí có nghĩa là mức đến rốt ráo, cũng có nghĩa là cùng cực, cao siêu, to lớn, thâm diệu. Như vậy, trong cái nhìn của Khổng tử, đạo Trung dung chính là cứu cánh của con người. Con người chỉ thành tựu được “nhân tính” khi hoàn thành được đạo Trung Dung.

Trung dung sở dĩ cao siêu bởi vì thoát thai từ Trời: “Minh đạo chi bản nguyên xuất ư thiên.” (Chu Hy). Đạo Trung dung có gốc ở cõi siêu hình; trong hai chữ “thiên mệnh”, “thiên” là Trời, là Thượng đế, là Thực tại tối cao vô thủy vô chung. “Mệnh” là cái phần Trời trao cho con người. Thiên mệnh là tính bản nhiên, là tính thể của con người. Trong đạo Nho, cái học về Trung dung, Thiên mệnh là cái học thuộc Hình nhi thượng. Phần này rất thâm viễn, diệu huyền. Đạo Trung Dung dẫn con người nhìn ra tính thể của mình, giúp con người sáng tạo, tác động trên vạn vật dưới ánh sáng của tính thể, đồng thời đạo Trung dung cũng đem con người trở về với thiên (Thực tại tối cao).

Nói theo ngôn ngữ Công giáo thì đó là đạo giảng dạy cho con người nhận ra địa vị của mình là con Thiên Chúa, để cho con người sống theo ý Cha, để cho “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Kinh Lạy Cha).

Muốn theo đạo Trung dung, người ta phải bớt nghĩ đến của cải tiền bạc (lợi). Nghĩ đến lợi thì sẽ quên mất nghĩa, mất đạo. Do đó, Đức Giêsu đã dạy người ta cầu nguyện: “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày” (Kinh Lạy Cha). Dạy xin đủ lương thực (cơm bánh) cho hôm nay thôi, tức là dạy người ta đi trong đạo Trung dung, nói theo ngôn ngữ nhà Nho.

Vì cao siêu như vậy, cho nên ít người theo được; cũng như ít người Do Thái thời Đức Giêsu chịu bước vào Cửa Hẹp.

Thực ra, trong khi lang thang đó đây ở bình nguyên Trung quốc, Khổng tử cũng chưa tìm được người như ý để truyền rốt ráo đạo trung dung, cho nên ngài đã nghĩ tới những người “cuồng, quyến” ở quê nhà, hy vọng có thể truyền đạo cho họ. Cuộc đối thoại giữa thầy trò Mạnh tử sau đây cho biết điều đó.

“Vạn chương vấn viết: “Khổng tử tại Trần, viết: ‘Hạp qui hồ lai? Ngô đảng chi sĩ cuồng giản, tiến thủ, bất vong kỳ sơ.’ Khổng tử tại Trần, hà tư Lỗ chi cuồng sĩ?’ Mạnh tử viết: “Khổng tử bất đắc Trung đạo nhi dữ chi, tất dã cuồng, quyến hồ” Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã. Khổng tử khởi bất dục trung đạo tai? Bất khả tất đắc, cố tư kỳ thứ dã.”

– Vạn chương hỏi rằng: “Khổng tử ở nước Trần có nói: ‘Sao chẳng trở về? Những kẻ sĩ xứ ta là người cuồng vong giản ước, có chí tiến thủ, không quên cái thuở ban đầu.’ Khổng tử ở nước Trần, sao lại nhớ đến cuồng sĩ nước Lỗ?” Mạnh tử nói: “Khổng tử chẳng được những người đạt đạo trung để truyền cho, ắt chẳng chọn hạng cuồng, quyến ư? Người cuồng có chí tiến thủ, người quyến có điều (bất nghĩa) chẳng làm. Khổng tử há chẳng muốn bậc trung đạo sao? Chẳng thể đạt mức đó, nên Ngài nghĩ đến hạng thấp hơn.”

(Mạnh tử: Tận tâm hạ, 37).

Vì tìm không ra người trung với “thường hằng” như “hoa quì chăm chắm hướng về thái dương”, cho nên Khổng tử phải tìm đến hạng người thấp hơn: người cuồng, người quyến. Đó là những người có chí tiến thủ, có ước vọng cao xa, và giữ bền khí tiết, không làm điều bất nghĩa, xằng bậy. Hy vọng rằng họ có thể tiếp thu ít nhiều đạo trung dung để dần dần thăng tiến lên cao.

Đạo trung dung quả thực cao siêu, đến nỗi Công Tôn Sửu đã phải thưa với Mạnh tử như trong mẩu đối thoại sau đây:

“Công Tôn sửu viết: “Đạo tắc cao hỹ, mỹ hỹ. Nghi nhược đăng thiên nhiên, tự bất khả cập dã. Hà bất sử bỉ vi khả cơ cập, nhi nhật tư tư dã?”

Mạnh tử viết: “Đại tượng bất vị chuyết công cải phế thằng mặc. Nghệ bất vị chuyết xạ biến kỳ cấu luật. Quân tử dẫn nhi bất phát; dược như dã. Trung đạo nhi lập, năng giả tùng chi.” 

(Công Tôn Sửu nói: “Đạo thì cao cả thay, làm cho tốt đẹp thay. Nên giống như lên cõi trời; dường như không theo kịp được. Sao không làm cho đạo có thể theo kịp, mà mỗi ngày chăm chắm theo?”

Mạnh Tử nói: “Người thợ mộc giỏi không vì thợ vụng mà thay đổi dây mực. Ông Nghệ không vì kẻ bắn dở mà biến đổi phép giương cung. Người quân tử dẫn dắt mà không khởi động, như nhảy qua vậy. Đứng vững trong đạo trung dung, người nào có khả năng thì theo.”)

(Mạnh tử: Tận tâm thượng, 41).

Tuy cao siêu nhưng phải nói rằng con người vẫn có khả năng theo đạo Trung dung. Sở dĩ không theo bởi vì người ta không có ý hướng trở nên thánh hiền, mà chỉ muốn tìm cái đẹp ở cõi trần gian!

Cũng thế, ở đất Tây Trúc (Ấn Độ) năm xưa, sau khi chứng đạo dưới gốc bồ- đề, Đức Phật Thích Ca đã biết rằng đạo ấy cao siêu, khó có người theo được; cho nên Ngài chẳng muốn thuyết giáo! Tương truyền, biết được ý định ấy, các vị Trời đã đến khuyên Đức Phật hãy cứ thuyết giảng, biết đâu có ai đó thiết tha với sự giác ngộ mà chịu khó nghe chăng, thì cũng là điều ơn ích cho thế gian. Đạo Giác ngộ của Đức Thích Ca là con đường tìm lại Chân tính, tức là tìm lại Bản lai diện mục của con người. Muốn tìm lại Chân tính thì phải vẹt mây mù vô minh (Avidya). Đó là cốt tủy của đạo Phật; đó cũng là con đường cao siêu khó theo như đạo Trung dung vậy. Người ta đi tìm phúc lạc, bình an, thành công trần thế thì nhiều, còn cầu Chân tính thì có mấy ai!

Sau khi tán thán đạo Trung dung cao siêu, Đức Khổng Tử lại nói: “Ít người theo được lâu rồi!” Câu này hàm ý rằng: Đã từ lâu, ít người theo đạo Trung dung, nhưng trước đó đã có thời, có nhiều người theo đạo ấy. Vậy thời đó là thời nào? Và tại sao từ đó đến thời Khổng tử số người theo đạo lại ít đi?

Theo Kinh Thư (Đại Vũ mô), khi vua Nghiêu truyền ngôi cho vua Thuấn, và sau này khi vua Thuấn truyền ngôi cho vua Vũ, các ngài đều có truyền tâm pháp về đạo trung. Vì các vua thời ấy giữ đạo trung, ắt hẳn dân chúng bấy giờ cũng đua nhau giữ đạo trung. Cho nên, tương truyền rằng thời ấy là thời hoàng kim trong lịch sử cổ đại Trung quốc (khoảng 2000 năm trước Công nguyên): của rơi ngoài đường không có ai nhặt (đạo bất thập di), không cần đóng cửa ngõ về đêm vì không có trộm cướp, vua quan không dùng những đồ xa xỉ… Đó là thời đại mà mỗi khi nhắc lại, cả Khổng lẫn Lão đều thương nuối không nguôi.

Thời hoàng kim qua đi vì trong chế độ phong kiến đã xuất hiện những ông vua bạo ngược như Kiệt (nhà Hạ), Trụ (nhà Thương)… càng ngày càng nhiều những tham quan ô lại. Vào thời Xuân Thu, có Vương Tử Đồi (nhà Chu) chơi trâu, Vệ Ý Công chơi hạc… hao tốn biết bao công quỹ… Vua quan sa đọa bỏ đạo thì dân chúng cũng bỏ đạo theo, đua nhau tranh danh đoạt lợi, dùng đủ mọi mưu mô trí xảo quỉ quyệt để hại người. Đó là lý do khiến cho đạo Trung dung bị mai một, ít người theo vậy.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x