Trang chủ » Trung Dung – Chương 30

Trung Dung – Chương 30

by Hậu Học Văn
160 views

CHƯƠNG XXX

Đức Trọng Ni (Khổng tử) truyền lại đạo Nghiêu Thuấn đời trước, làm sáng tỏ luật pháp của Văn Vương, Võ Vương, trên thì giữ luật thời trời, dưới thì thuận theo thủy thổ.

Ví như trời đất, không gì không giữ gìn nâng đỡ, không gì không che chắn bao trùm. Ví như bốn mùa luân phiên vận hành; ví như mặt trời mặt trăng thay nhau chiếu sáng.

Muôn vật đều phát triển mà không làm hại nhau. Đạo lý đều lưu hành mà không chống lại nhau. Đức nhỏ như giòng sông chảy khắp; đức lớn thì dày dặn sinh hóa. Đó là cái chỗ làm cho trời đất lớn lao vậy.

Trên đây là chương thứ ba mươi.

BÌNH GIẢI:

Trong các chương trên, Tử Tư đã bàn tới nhân đạo là đạo làm người, đạo của thánh nhân, đạo của trời đất, đạo của người quân tử ở ngôi vị Thiên tử trị nước. Tuy mang những tên khác nhau, nhưng chung qui, các đạo ấy chỉ là một đạo duy nhất, đó là đạo Trung dung. Sự khác nhau giữa các đạo ấy có chăng chỉ là khác nhau về tầm mức, kích cỡ lớn nhỏ, cao thấp; do đó, đưa đến ảnh hưởng xa hoặc gần, rộng hay hẹp, nông hay sâu.

Ở chương này, Tử Tư nói trực tiếp về đạo của Đức Khổng, tức là đạo Nho mà chính ông là người kế thừa. Tử Tư nói:

Trọng Ni tổ thuật Nghiêu Thuấn, hiến chương Văn Võ, thương luật thiên thời, hạ tập thủy thổ.”: Đức Trọng Ni truyền lại đạo Nghiêu Thuấn đời trước, làm sáng tỏ luật pháp của Văn vương, Võ Vương; trên thì giữ luật thời trời, dưới thì thuận theo thủy thổ.

Như thế, đạo của Đức Khổng không phải đạo nào khác mà chính là đạo thống cổ truyền của các tiên thánh (Nghiêu Thuấn), hậu thánh (Văn Võ) thuở xưa. Tông chỉ của đạo thống ấy là tuân theo qui luật âm dương của thiên địa, tức là qui luật thiên nhiên (thiên thời, thủy thổ) dành cho vạn vật. Ai tuân theo qui luật ấy thì tồn tại, ai chống lại qui luật ấy thì hư mất (Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong. Mạnh tử). Khổng tử chỉ là người noi theo đạo ấy, truyền thuật trung thành đạo ấy. Chính ngài đã tuân theo một cách nghiêm chỉnh qua các hành vi cử chỉ, phong cách sinh hoạt phù hợp với thời mùa, với điều kiện địa lý thiên nhiên; cho nên ngài thường được an nhiên, thư thái.

Sách Luận ngữ chép: “Tử chi yến cư, thân thân như dã, yêu yêu như dã.” (Thầy vào lúc rảnh rỗi, thì thư thái, vui vẻ.) (Thuật nhi 4) Lại nói: “Tử ôn nhi lệ, uy nhi bất mãnh, cung nhi an.” (Đức Khổng tử ôn hoà mà nghiêm trang, oai vệ mà không hung dữ, cung kính mà yên bình.) (Thuật nhi 37). Sở dĩ ngài được như vậy vì ngài luôn sống theo đạo.

Đạo mà Khổng tử truyền đạt đó chính là Đế đạo, vương đạo bao gồm các phép cai trị tốt đẹp (Hồng phạm cửu trù, Cửu kinh) mà chúng ta đã nói tới trong chương 20. Đạo ấy cũng có ở qui mô thấp hơn là những nguyên tắc luân lý thông thường mà con người phải vận dụng trong khi cư xử với nhau (ngũ thường: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín; thập nghĩa…).

Xét trên qui mô rộng lớn, đạo ấy là thiên đạo cho nên có thể sánh với trời đất, không gì không gìn giữ nâng đỡ, không gì không che chắn bao trùm (Thí như thiên địa chi vô bất trì tải, vô bất phúc đảo.)

Cũng giống như bốn mùa luân phiên vận hành, như mặt trời, mặt trăng thay nhau chiếu sáng (Thí như tứ thời thác hành; như nhật nguyệt chi đại minh), đạo ấy thường xuyên xem xét, săn sóc đến mọi người trong nước, tạo cơ hội tốt cho dân chúng được an cư lạc nghiệp.

Cũng như đạo của trời đất tôn trọng tự do của mỗi loài, để cho mọi vật phát triển đồng đều mà không can thiệp (vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại), đạo của Khổng tử cũng không hề có tính cách áp chế mà chỉ khuyên dạy người ta tu thân để thăng tiến đồng đều và tôn trọng lẫn nhau.

Cũng tương tự như các tinh cầu trên bầu trời có quĩ đạo riêng, các hiện tượng thiên nhiên trên trái đất triển diễn theo mùa, đạo ấy giúp cho phàm nhân có thể trở nên quân tử, thánh hiền bằng đường lối tự chọn, bằng những hướng khác nhau mà đến cùng một đích, không phản lại nhau. (Đạo tịnh hành nhi bất tương bội).

Cũng giống như những sông ngòi tuôn chảy khắp nơi, đem nước vào ruộng vườn cho cây cối hoa màu tốt tươi, những đức nhỏ của đạo ấy (ngũ thường, thập nghĩa…) thấm nhuần vào từng gia đình trong xã hội để cho đất nước được ổn định, bình an. (Tiểu đức xuyên lưu).

Đức lớn của đạo ấy tức là đức thành bao gồm ba năng lực nhân, trí, dũng rất dày dặn, mạnh mẽ, có đủ sức giúp cho cõi người ta được phát triển và tiến hóa tốt đẹp (Đại đức đôn hóa).

Những khả năng mà đạo trời đất làm cho vạn vật sinh hóa lớn lao như thế nào thì khả năng đạo của Khổng tử – tức là đạo của các bậc thánh vương Nghiêu, Thuấn, Văn, Võ đời trước – cũng có sức cảm hóa nâng đỡ nhân sinh lớn lao như vậy.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x