Trang chủ » Trung Dung – Chương 4

Trung Dung – Chương 4

by Hậu Học Văn
214 views

CHƯƠNG IV

Đức Khổng nói: “Đạo (trung dung) không thi hành được, ta biết rồi, người trí thì vượt quá, người ngu si thì chẳng kịp.

“Đạo (trung dung) không sáng tỏ ra được, ta biết rồi, người đức hạnh thì vượt quá, người hư đốn thì chẳng kịp.

“Người ta ai mà chẳng ăn uống, nhưng ít người có thể biết mùi vị.

Trên đây là chương thứ tư.

BÌNH GIẢI:

Trong chương II, Khổng Tử chia người ta làm hai hạng: quân tử và tiểu nhân. Ở đây, Khổng tử nhắc tới bốn loại người: người trí, người ngu, người đức hạnh và người hư đốn. Theo ngài, cả bốn loại người này đều không thực hành đạo trung dung, cho nên đạo ấy không thi hành được. Để vấn đề được sáng tỏ, chúng ta hãy xét từng loại người.

1. Người trí:

Người trí là người khôn ngoan, phát triển mạnh về lý trí. Loại người này gồm có hai hạng sau đây: nhà khoa học và nhà triết học.

Nhà khoa học:

Nhà khoa học là những người có lý trí sắc bén, giỏi cả phân tích lẫn tổng hợp, có trực giác nhạy bén, có suy luận rạch ròi. Vì thế họ thường hướng lý trí của mình về các hiện tượng thiên nhiên để tìm hiểu và nêu ra những định luật khoa học, hầu chinh phục thiên nhiên. Cái biết của họ là cái biết chạy theo vật (trục vật). Họ rất nghi ngờ, hoặc không quan tâm gì đến những hiện tượng siêu hình, hiện tượng tâm hồn. Cho dù là một nhà tâm lý học hay nhà xã hội học, họ vẫn nghiên cứu hiện tượng tâm hồn, hiện tượng xã hội một cách khách quan, nhằm mô tả hiện tượng ấy hơn là trực tiếp trải nghiệm. Họ có thể vùi đầu trong phòng thí nghiệm, trong tư duy nhiều ngày tháng mà không để ý tới đại chúng đang sống ra sao.

Nhà triết học:

Nhà triết học là những người vận dụng lý trí tối đa để phân biện sự vật, tạo ra những học thuyết đồ sộ thuần lý. Vào thời Khổng tử, các học phái triết học mới manh nha, nhưng sang thời Chiến quốc, các triết gia Trung Hoa đã bắt đầu tung hoành. Trong khi đó, ở bầu trời Hy Lạp, triết học duy lý ra đời với học thuyết về những lý tưởng, hay Hữu thể học (Ontologie của Platon), học thuyết mô chất (Hylesmorphisme) của Aristote… và mãi cho tới thế kỷ 19, triết học duy lý và duy niệm vẫn bá chủ Tây phương.

Xét về mặt phát triển trí khôn, các nhà khoa học và các nhà triết học quả là đã vượt qua đạo trung dung. Tuy nhiên, nhiều “lý” thì dễ đi vào không tưởng, đã chẳng có lợi mà đôi khi còn có hại cho con người. Đạo trung dung đòi hỏi phải có tình, “ngoài là lý nhưng trong là tình”, mà “tình thâm nhi văn minh”, có tình nghĩa sâu sắc mới có tốt đẹp được. Cái tình trong đạo trung dung phải là cái tình “trúng tiết” mới đưa tới cảnh thái hoà giữa người với người. Vì vậy, Khổng tử nói: “trí giả quá chi”, người trí không thành tựu đạo trung dung được.

2. Người ngu:

Ngược lại với người trí, người ngu chẳng biết gì khác ngoài bản năng sinh tồn: đói ăn, khát uống, rét mặc… Họ đâu có biết trong người có tâm, có “thiên mệnh”, tình cảm phát ra chẳng có chừng mực nào, ngẫu hứng tùy tiện. Họ không vượt xa loài vật bao nhiêu, cho nên Khổng tử nói: “ngu giả bất cập”, người ngu không theo kịp đạo trung dung vậy.

3. Người đức hạnh:

Người đức hạnh (hiền giả) là tất cả những người đi vào con đường tu đức, xa lánh thế tục. Có thể nói họ là những người mẫu mực, không bao giờ nói và làm điều ác. Xét về mặt đạo đức, họ là những con người tuyệt vời, nhưng họ vẫn không thành tựu đạo trung dung. Họ vượt qua trung dung ở chỗ không tha thiết gì tới tha nhân. Trước những nỗi thống khổ lầm than của bà con đồng bào, họ thờ ơ, không để mắt tới. Các bậc hiền giả này thường tìm đến những nơi thâm sơn cùng cốc để ẩn dật tu đạo.

Nếu chỉ đứng lại trong bậc hiền (đức hạnh) thì quả là ứng với lời của Khổng tử: “Hiền giả quá chi”, người đức hạnh thì vượt qua trung dung, tức là vẫn chưa thành tựu đạo trung dung, chưa làm cho đạo trung dung sáng tỏ ra được.

4. Người hư đốn:

Người hư đốn (bất tiếu) là người không ở trong một khuôn mẫu luân lý, đạo đức nào. Hư đốn khác với ngu si. Người ngu si thì không biết, còn người hư đốn thì có hiểu biết nhưng bị vật dục lôi cuốn. Trước những cám dỗ sa đọa, người hư đốn không có ý chí chống trả, hoặc không cần chống trả, mà tự buông thả theo sự sai sử của tư ý, tư dục.

Do đó, Khổng tử nói: “bất tiếu giả bất cập dã”, người hư đốn không theo kịp đạo trung dung, bởi vì họ chẳng làm điều thiện đã đành, lại còn làm xấu lây đến những người khác, làm hư hốt những tâm hồn ngây thơ, trong trắng.

Tóm lại, sở dĩ đạo trung dung không thi hành được, không sáng tỏ được trong trần gian, vì đa số nhân loại ở vào trong bốn loại người trên.

Để cho dễ hiểu, Khổng tử đã đưa ra một ví dụ: Ai ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người biết rõ được mùi vị của đồ ăn thức uống như thế nào. Lý do là người ta thường ăn uống vội vàng, vừa ăn vừa nói chuyện, hoặc vừa ăn vừa nghĩ ngợi mông lung về những nông nỗi xa gần, đâu có chuyên tâm ăn uống. Cũng vậy, đạo trung dung là mối đạo hiện diện trong đời sống hằng ngày giữa người với người mà người ta nào có để ý. Đa số người ta cứ để cho thất tình (hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục) bộc phát tùy tiện mà không cần xét xem có “trúng tiết” hay không, có làm vui lòng, hay làm mếch lòng người, có đem đến mối giao hảo, hoà hoãn giữa người với người hay không?

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x