Trang chủ » Trung Dung – Chương 5

Trung Dung – Chương 5

by Hậu Học Văn
196 views

CHƯƠNG V

Đức Khổng nói: “Đạo (trung dung) không được thi hành nữa rồi!” Trên đây là chương thứ năm.

BÌNH GIẢI:

Lời than này của Đức Khổng được thốt ra có lẽ vào lúc ngài đang chu du liệt quốc cùng với nhóm đệ tử thân tín, đi tìm một vị minh quân muốn dùng đạo để cai trị. Tuy nhiên trong 13 năm xa rời nước Lỗ, ngài đã hoàn toàn thất vọng: Không một ai trong các vua thời ấy, từ thiên tử nhà Chu tới các chư hầu, tha thiết với đạo trung dung. Đó là thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc.

Thời Xuân Thu (thời kỳ lịch sử này được Khổng tử chép trong một bộ sử lấy tên là Xuân Thu) kéo dài từ năm 722 đến năm 480 trước Công nguyên. Vào thời ấy:

“Các nước chư hầu phân ra đến 160 nước. Chiến tranh ngày càng kịch liệt, cương thường đổ nát, nhân dân đồ thán. Chư hầu ai mạnh thì làm bá cả thiên hạ, như nước Tề, nước Tấn, nước Tống, nước Tần, nước Sở, nước Ngô, nước Việt … Rồi nước nọ kiêm tính nước kia. Thiên tử (nhà Chu) cũng không có đủ uy quyền mà ngăn cấm được… Trong thời Xuân Thu loạn lạc như thế, đạo đế vương đời trước mờ tối, người đời say đắm về đường công lợi, không ai thiết gì đến nhân nghĩa nữa.

(Nho giáo: Trần Trọng Kim, trang 50).

Chi tiết về giai đoạn lịch sử này đã được viết như sau:

“Cảnh hỗn loạn, mất kỷ cương thời đó đã được chép trong sử. Người ta tính ra có tới 36 vụ giết vua, còn những vụ con giết cha, anh em, vợ chồng sát hại nhau thì không biết bao nhiêu mà kể. Không năm nào không có chiến tranh. Theo Xuân Thu (Lỗ sử) trong 242 năm có 483 lần hành quân.” (Đại cương triết học Trung quốc: Giản chi và Nguyễn Hiến Lê, trang 28).

Biến cố được kể là quan trọng nhất trong giai đoạn mở đầu thời Xuân Thu là việc mất nhà Tây Chu do U Vương say mê Bao Tự, bỏ ngàn vàng để mua một tiếng cười.

Thế rồi, cứ theo đà suy vong này, các thiên tử nhà Chu đã bỏ đạo trung dung, lãng quên thiên mệnh, mặc kệ dân chúng lầm than. Vì thế, các vua chư hầu và các quan lại cao thấp cũng theo gương đó mà bóc lột dân chúng. Giữa chính quyền cai trị và dân chúng làm gì có sự giao hoà: “Thượng bất chính, hạ tắc loạn” (trên không chính đáng, dưới ắt rồi loạn), giai cấp lãnh đạo đã bỏ đạo thì dân chúng còn giữ đạo sao được? Đó là lý do thứ nhất khiến đạo trung dung không được thi hành.

Các lý do tiếp theo phải kể đến là đạo trung dung khó biết, khó tìm, ngoài ra theo được đạo trung dung cần phải có điều kiện.

Từ xưa đến nay, đa số nhân loại đi tìm đạo đều đem tâm trí của mình phóng ngoại: tìm ở trời cao, ở trên núi hay ở ngoại vật. Có biết đâu cái đạo chân chính phải là “tâm đạo” (đạo trong lòng). Người ta phải quay vào trong lòng mình mà tìm đạo, rồi mới đem đạo ấy chia sẻ với tha nhân, nghĩa là yêu thương, phục vụ mọi người.

Trong Kinh Thánh Tân Ước, khi Đức Giêsu nói chuyện với người đàn bà xứ Samaria bên giếng Giacob, ngài cũng đã đề cập đến Tâm đạo.

“Này bà, hãy tin tôi, sẽ đến giờ, không phải trên núi này hay tại Yêrusalem mà các người sẽ thờ phượng Cha đâu!… nhưng giờ sẽ đến và là ngay bây giờ những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần khí và sự thật vì Cha chỉ muốn gặp thấy những kẻ thờ phượng Người như thế.” (Ga: 4, 21-23).

Thờ phượng trong Thần khí và sự thật là trở về với cái tâm thanh khiết và “hoà” với mọi người.

Cựu Ước Kinh cũng nói về đạo như sau:

“Vì chưng lệnh truyền này Ta truyền dạy ngươi hôm nay không phải là điều ngươi vô phương làm nổi, cũng không phải là quá ư xa vời. Nó không ở mãi trên trời, để phải nói: ‘Ai sẽ thay ta lên trời lấy xuống cho ta, mà nói cho ta nghe, để ta thi hành?’ nó cũng không ở mãi bên kia biển, để phải nói: ‘Ai sẽ thay ta vượt qua bên kia biển lấy về cho ta, mà nói cho ta nghe để ta thi hành’, vì lời ở rất gần ngươi, nơi miệng ngươi, nơi lòng ngươi, để ngươi thi hành.”

(Thứ luật: 30, 11-14).

Như vậy, đạo thật thì ở trong lòng mà người ta cứ đi tìm kiếm ở bên ngoài để rồi gặp một tha vật nào đó lại tôn lên làm thần tượng. Mạnh tử nói: “Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn, sự tại dị nhi cầu chư nan. Nhân nhân thân kỳ thân, trưởng kỳ trưởng, nhi thiên hạ bình: Đạo ở gần lại tìm ở xa, việc ở chỗ dễ dàng lại tìm ở chỗ khó. (Nếu) người người thương yêu người thân của mình, tôn trọng người trên của mình, thì thiên hạ sẽ thái bình.” (Ly Lâu thượng, 11) Câu này của Mạnh Tử đã chứng thực rằng ông là người hiểu rất rõ đạo thống chân truyền của Nho giáo.

Còn thiên hạ sở dĩ cho rằng đạo trung dung là khó hiểu, khó tìm, khó thực hành là bởi vì đã theo đường lối ngược chiều: thay vì hướng nội lại hướng ngoại, thay vì phục vụ tha nhân lại đi làm những việc cầu kỳ…

Ngoài ra, còn có một điều kiện tối hậu, không có không được, để cho đạo trung dung được tiếp thu và thi hành: đó là một niềm tin sâu xa vào Thực tại vĩnh hằng. Thực tại này tùy theo tôn giáo và khu vực văn hóa mà mang một tên khác nhau: Thượng đế, Thiên Chúa hay Brahman. Niềm tin đó đưa tới một hệ luận được Nho giáo xác nhận là: “nhân linh ư vạn vật” (con người linh thiêng hơn muôn vật). với chữ “linh”, con người thuộc về Thực tại vĩnh hằng. Chữ “linh” nói lên rằng con người vốn có một bản chất linh thiêng, có khả năng nên thánh, nên thần, chứ không phải một thể thuần vật chất.

Tóm lại, sở dĩ người thời Xuân Thu và nhiều người thời nay không thi hành đạo Trung dung, bởi vì: một mặt, đạo trung dung cao siêu, khó biết, khó tìm, lại có quá nhiều gương xấu trong đời, mặt khác, lòng người hướng chiều quá nhiều về chủ nghĩa thượng tôn vật chất.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x