Trang chủ » Trung Dung – Chương 6

Trung Dung – Chương 6

by Hậu Học Văn
195 views

CHƯƠNG VI

Đức Khổng nói: “Vua Thuấn là bậc rất sáng suốt vậy thay! Thuấn thích hỏi han, rồi thích suy xét những lời tầm thường gần gũi. Giấu điều xấu mà lại phô trương điều tốt. Nắm hai đầu mối, áp dụng chỗ vừa phải cho dân. Ấy mới là vua Thuấn vậy!”

Trên đây là chương thứ sáu.

BÌNH GIẢI:

Ở đây, Đức Khổng nêu ra vua Thuấn như là một khuôn mẫu điển hình thực hiện đạo trung dung và áp dụng đạo trung dung vào việc chính trị.

Trước hết, Đức Khổng khen vua Thuấn là một bậc đại trí. Đại trí khác với trí giả ở chương bốn. Trong khi trí giả là người phát triển mạnh lý trí về một ngành chuyên môn, hay là vận dụng trí xảo trong hành vi để vượt thắng người mà không kể tới đạo nghĩa, thì đại trí là người rất sáng suốt: hiểu đạo, duy trì thiên mệnh và rất cận nhân tình. Đức Khổng đã triển khai đại trí của vua Thuấn thành 4 ưu điểm:

1. Hiếu vấn:

Thích học hỏi là một phương diện của đại trí. Có ham học hỏi thì sự hiểu biết mới rộng, mới sâu. Hỏi là một cách thức học.

Khổng tử sở dĩ được người đời sau tôn là Vạn thế sư biểu cũng vì ngài ham học. Học hỏi với người trên, người già, người ngang hàng với mình và học cả với người dưới mình, ít tuổi hơn mình (bất sỉ hạ vấn). Khổng tử đã từng nói: “Ngô thường chung nhật bất thực, chung dạ bất tẩm, dĩ tư; vô ích, bất như học dã – 吾嘗終日不食,終夜不寢,以思;無益,不如學也。” (Ta từng suốt ngày không ăn, suốt đêm không ngủ để nghĩ ngợi; chẳng có ích, không bằng học.) (Luận ngữ: Vệ Linh Công, 30).

Hỏi người còn tiềm tàng một ý niệm về sự quên mình (vong ngã), sự khiêm nhường, tập bỏ tính kiêu ngạo. Có quên mình, có khiêm nhường thì con người đích thực, tức là tính bản nhiên con người (thiên mệnh) mới lộ rõ. Nói theo ngôn ngữ của Tân Ước thì: “Người (thiên mệnh) phải lớn lên, còn tôi (con người thế tục) phải nhỏ đi.” (Tin mừng Gioan: 3, 30).

2. Hiếu sát nhĩ ngôn:

Ưu điểm thứ hai của vua Thuấn là thích suy xét những lời nói tầm thường gần gũi của người xung quanh hay của dân chúng. Người có kinh nghiệm học tập thì không bỏ qua một lời nào dù tầm thường, thiển cận đến đâu. Có thể trong 99 câu thiển cận lại có 1 câu tuy được nói ra vô tình hay cố ý nhưng lại rất hay, hợp tình hợp lý, có thể giúp giải quyết nhanh gọn một vấn đề nan giải nào đó. Vả chăng để ý đến những lời thiển cận của người xung quanh cũng là nằm trong đức “hoà” của người quân tử. Chịu nghe người nói, chịu suy xét ý kiến của người là một cách yêu người, một cách tôn trọng người, khiến người vui lòng. Đó cũng là một phương diện của đạo trung dung vậy.

Ngoài ra, đứng trên quan điểm chính trị mà nói, có biết suy xét những lời thiển cận của dân chúng mới biết nguyện vọng của dân, mới có thể phục vụ dân tốt được. Đó là phương diện nhân đạo của đạo trung dung.

3. Ẩn ác nhi dương thiện:

Ưu điểm thứ ba của vua Thuấn là: sau khi nghe chuyện của người rồi, đến lúc thuật lại thì ngài giấu những điều xấu của người đi, mà chỉ phô trương, tán thưởng những điều tốt của người. Đây là một điểm thuộc về tâm lý giáo dục rất sâu sắc. Giấu điều xấu, phô trương điều tốt là một cách khích lệ rất hay để người ta phấn chấn tinh thần, cố gắng thăng tiến trong đường thiện.

4. Chấp kỳ lưỡng đoan, dụng kỳ trung ư dân:

Bất cứ việc gì trong thiên hạ cũng có hai đầu mối nghịch nhau: cấp tiến và bảo thủ, cương cường và nhu nhược, nhanh và chậm, tốn phí và rẻ tiền… Việc có hai mối, cho nên cũng có hai loại người đeo đuổi hai mối ấy. Người trẻ thích cấp tiến, người già thích bảo thủ; giới giàu ủng hộ những công trình tốn phí, giới nghèo ủng hộ những công trình rẻ tiền; người khỏe muốn nhanh, người yếu muốn chậm…

Tuy nhiên, việc trong một nước bao giờ cũng liên quan đến toàn dân, bao giờ cũng phải được mọi người nhất trí tham gia mới nên. Vì thế, làm một vị nguyên thủ quốc gia cần phải biết “nắm hai đầu mối” (chấp kỳ lưỡng đoan), rồi dung hoà ở giữa sao cho mọi người có thể tham gia mà không phản đối, không mệt mỏi; sau đó giải thích tình thế cho người mức trên (cấp tiến) hạ xuống, khích lệ người mức dưới (bảo thủ) nâng lên, để cho công việc được thành công mỹ mãn.

Đại đa số quần chúng thời xưa là những người ít học, nghèo khó, cho nên để có thể nêu ra cho dân một chính sách, một đường lối nào đó mà muốn cho dân ít mệt nhọc thì người cầm quyền cần phải biết “nắm hai đầu mối” rồi áp dụng chỗ vừa phải cho dân.

Đây có thể nói là đạo trung dung ở trong phần thực hành hay nói cách khác, đây là phần hình nhi hạ của đạo trung dung vậy. Vua Thuấn có những ưu điểm như thế nên mới xứng đáng là vua Thuấn của thời đại hoàng kim, được các thế hệ sau này kính ngưỡng.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x