Trang chủ » Trung Dung – Chương 7

Trung Dung – Chương 7

by Hậu Học Văn
179 views

CHƯƠNG VII

Đức Khổng nói: “Người ta đều nói: ‘Tôi sáng suốt’, thế mà bị xua đuổi vào lưới, mắc bẫy ở trong hầm hố, lại chẳng biết trốn đi. Người ta đều nói: ‘Tôi sáng suốt’, thế mà chọn đạo trung dung, không thể giữ được trọn một tháng.

Trên đây là chương thứ bảy.

BÌNH GIẢI:

Trong chương này, chữ “nhân” chỉ chung nhiều người. Nhiều người vẫn tự hào mình sáng suốt, rốt cuộc cứ bị mắc lừa. Ở đây, Khổng tử dùng những từ “khu nhi nạp chư cổ, hoạch hãm tỉnh chi trung” (bị xua đuổi vào lưới, mắc bẫy ở trong hầm hố) là có ý coi những người ấy như là những con thú rừng bị thợ săn ruồng bắt!

Những người ấy là ai? Thợ săn là ai? Xét theo cổ sử Trung quốc mà nói, những người ấy là những sĩ phu nghe theo lời dụ hoặc đường mật, chạy theo bả lợi danh của vua chúa phong kiến để trở nên những tay sai đắc lực làm hại dân lành. Họ có thể là những dũng sĩ như Chuyên Chư, Yêu Ly nước Ngô bị mua chuộc, nên việc cho người mà thân mình và gia đình bị hy sinh. Họ có thể là người như Văn Chủng nước Việt, tài trí mưu lược, cứu nước thành công rồi bị sát hại vì ghen tài. Họ cũng có thể là những hào kiệt như Hàn Tín, Anh Bố, Bành Việt thời Tây Hán ở vào tình huống bị “vắt chanh bỏ vỏ”.

Xét trong thời thực dân xâm lược mà nói, họ là những người bị chính quyền cai trị mua chuộc, mê hoặc bằng chiêu bài khai hóa để rồi phản lại quyền lợi đồng bào mà không tỉnh ngộ!

Còn thợ săn là những hôn quân vô đạo, những nhà cầm quyền phản bội dân chúng.

Những lời nói của Khổng tử ở trên còn muốn ám chỉ những người tự xưng mình khôn ngoan, sáng suốt nhưng lại bị thị dục lôi cuốn, vô tình trở nên tù nhân của những thói xấu như rượu chè, cờ bạc, ma túy… Bấy giờ, những thói xấu trong tứ đổ tường trở thành những ông chủ khó tính, những thợ săn quỉ quyệt có lưới bền chắc, có hầm kiên cố nhốt hãm, khiến ai đã rơi vào thì không thoát ra được.

Những người ấy không ai khác hơn là những người chọn đạo trung dung (trạch hồ trung dung) mà “bán đồ nhi phế” (nửa đường bỏ lỡ), không giữ trọn đạo trung dung nổi trong một tháng, cho nên họ trở thành mồi ngon cho cường quyền, cho bọn xấu trong xã hội. Nếu giữ trọn đạo trung dung tức là đi trong thiên đạo thì đâu có thể phản bội dân chúng? Bởi vì ý dân là ý Trời, phục vụ nhân dân là thuận thiên mệnh, là “suất tính”, là “ái nhân”, tức là thể hiện đức “hoà”. Giữ đạo trung dung còn là chống lại thói xấu, tật hư, tức là xa rời vật đạo để bước đi trên nhân đạo thênh thang. Đứng vững trong đạo trung dung thì không có thể hư hỏng, không thể làm những việc thân bại danh liệt.

Thế thì, đối với Đức Khổng, những người không giữ trọn đạo trung dung trong một tháng chỉ là hạng trí giả hiệu thôi!

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x