Trang chủ » Trung Dung – Chương 8

Trung Dung – Chương 8

by Hậu Học Văn
195 views

CHƯƠNG VIII

Đức Khổng nói: “Hồi là một con người (đích thực) vậy. Chọn đạo trung dung, được một điều lành, thì khư khư ôm vào lòng, mà chẳng để mất.”

Trên đây là chương thứ tám.

BÌNH GIẢI:

Trong chương 6, Đức Khổng đã nêu ra một mẫu người giữ đạo trung dung vào thời thượng cổ ở Trung quốc là vua Thuấn. Tại chương 8 này, ngài lại nêu ra một gương mẫu về đạo trung dung trong thời Xuân Thu là Nhan Hồi. Cách thức giữ đạo trung dung của Nhan Hồi là: “Được một điều lành, thì khư khư ôm vào lòng mà chẳng để mất.” Bởi vì, ý thức được đạo trung dung là con đường dẫn đến trọn lành, cho nên Hồi phải tích lũy từng điều lành, để lâu dần có được mức trọn lành. Nhan Hồi đã áp dụng tích cực câu tục ngữ: “Kiến tha lâu cũng đầy tổ” vậy.

Vì thiết tha với đạo, Hồi chẳng nghĩ đến việc làm giàu, trái lại ông luôn tìm thấy niềm vui trong cảnh nghèo, đến nỗi Đức Khổng đã phải khen rằng: “Hiền tai Hồi dã, nhất đan tự, nhất biều ẩm, tại lậu hạng. Nhân bất kham kỳ ưu, Hồi dã bất cải kỳ lạc. Hiền tai Hồi dã!” (Hiền thay trò Hồi, một giỏ cơm, một bầu nước, ở ngõ hẻm. Người ta thì không chịu nổi cảnh ưu phiền đó, trò Hồi thì không đổi niềm vui ấy. Hiền thay trò Hồi!) (Luận Ngữ: Ung dã, 9).

Đức hạnh của Nhan Hồi xem như sánh được với thầy mình, vì thế có lần Đức Khổng đã nói với ông: “Dụng chi, tắc hành, xả chi, tắc tàng; duy ngã dữ nhĩ hữu thị phù!  (Nếu được dùng, thì hành đạo; nếu bị bỏ, thì ẩn dật; chỉ có ta và ngươi được như thế thôi.) (Luận ngữ: Thuật nhi 10).

Có nghĩa là, nếu có vị quân vương nào dùng làm quan cai trị, thì đem đạo ra thi hành; nếu chẳng được dùng, hay bị phế bỏ quan chức, thì lui về ẩn dật để giữ đạo. Trong đám môn sinh của Khổng tử lúc bấy giờ, chỉ có Nhan Hồi có hạnh như thầy thôi. Thế là, cả Khổng tử lẫn Nhan Hồi đều cho đạo là trên hết, tất cả cho đạo!

Do đó, khi Nhan Hồi chết, Khổng tử coi như bị mất một đồng chí, một bạn tri âm. Sách Luận Ngữ ghi lại sự kiện này như sau:

Nhan Uyên tử, Tử viết: ‘Y! Thiên táng dư! Thiên táng dư!(Nhan Uyên (Hồi) chết, Đức Khổng kêu lên: “Ôi! Trời hại ta! Trời hại ta! (Luận Ngữ: Tiên tiến, 8).

Sau đó, Khổng tử đã thương khóc không thôi: “Nhan Uyên tử, tử khốc chi động. Tùng giả viết: ‘Tử động hỹ.’ Viết: ‘Hữu động hồ? Phi phù nhân chi vị động, nhi thùy vị?’” (Nhan Uyên mất, Đức Khổng Tử thương xót quá khóc to. Đệ tử theo hầu nói: “Thầy thương xót quá vậy!” Ngài nói: “Có thương xót quá chăng? Chẳng thương xót người ấy, còn vì ai nữa?”” (Luận Ngữ: Tiên tiến, 9).

Sau này, nhắc đến Nhan Hồi, Khổng tử vẫn còn tiếc mãi: “Tích hồ! Ngô kiến kỳ tiến dã, vị kiến kỳ chỉ dã.” (Tiếc thay! Ta chỉ thấy trò ấy tiến lên, mà chưa thấy trò ấy ngưng lại.) (Luận Ngữ; Tử hãn, 20).

Sở dĩ Khổng tử thương tiếc Nhan Hồi như vậy, bởi ngài kỳ vọng rất nhiều vào ông này về việc truyền bá đạo trung dung cho hậu thế. Đạo vốn có đó nhưng thiếu người xứng đáng để truyền bá thì đạo khó hoằng dương được.

Trong Khổng môn, Nhan Hồi được coi là đệ nhất hiền giả, Tử Cống (Đoan Mộc Tứ) tự nhận còn kém xa.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x