Trang chủ » Tự tại

Tự tại

by Trung Kiên Lê
74 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

1 Những siddhi, hay quyền năng, đạt được là nhờ bẩm sinh, nhờ những phương tiện hóa học, nhờ thần chú, khổ hạnh hoặc tập trung tư tưởng.

Đôi khi có người có những quyền năng bẩm sinh, dĩ nhiên đó là do họ đã tu tập từ tiền kiếp. Kiếp này họ sinh ra và, có thể nói như vậy, hưởng những thành quả của mình.

Tương truyền Kapilam, thủy tổ của triết học Sāmkhya, là một siddha bẩm sinh, có nghĩa là một người có những quyền năng siêu nhiên. Các hành giả yogi cho rằng những quyền năng đó có thể đạt được bằng những phương tiện hóa học.

Tất cả các bạn đều biết rằng hóa học nguyên thủy là khoa luyện kim, con người bắt đầu tìm kiếm hòn đá “biến sắt thành vàng” cùng những tiên dược cho đời sống, v.v…

Tại Ấn Độ, có những tông phái bí mật gọi là Rasāyna. Theo họ thì tất cả những giáo lý, tri thức, tâm linh và tôn giáo thâm huyền đều rất tốt, nhưng thể xác là khí cụ duy nhất được dùng để đạt được các thứ đó. Nếu thể xác phải thường xuyên kết thúc thì cần có nhiều thời gian hơn để đạt được mục tiêu.

Chẳng hạn một người muốn thực hành pháp môn yoga, hoặc muốn hướng về đời sống tâm linh. Trước khi đi được một quãng đường xa thì anh ta chết. Rồi anh ta lại mang một thể xác khác để bắt đầu tu tập lại, và cứ tiếp tục như thế.

Theo cách này thì mất nhiều thời gian vì phải chết đi rồi đầu thai lại nhiều lần. Nếu ta có thể làm cho thể xác cường tráng và hoàn hảo, để nó có thể thoát được khỏi vòng sinh tử thì ta có nhiều thời gian hơn để hướng về đời sống tâm linh.

Bởi vậy, những tông phái Rasāyna này bảo rằng trước hết chúng ta cần phải làm cho thể xác cường tráng. Họ khẳng định rằng có thể biến thể xác trở nên bất tử.

Họ quan niệm thế này: nếu tâm trí tạo nên thể xác, và nếu đúng là mỗi tâm trí là lối ra duy nhất cho nguồn năng lượng vô tận thì không có giới hạn nào cho mỗi lối ra đó tiếp thu năng lượng từ bên ngoài. Vậy thì cớ sao lại không thể giữ cho thể xác được sống mãi mãi? Chúng ta phải tạo ra mọi thân xác mà chúng ta từng có.

Khi thân xác này chết đi, ta sẽ tạo ra một thân xác mới. Nếu có thể làm được điều đó, tại sao chúng ta lại không thực hiện ngay bây giờ và tại nơi đây, mà không cần phải thoát ra khỏi các thân xác hiện tại này? Lý thuyết này hoàn toàn chính xác.

Nếu chúng ta có thể sống sau khi chết và tạo ra những thân xác khác, vậy thì vì sao chúng ta lại không thể có được năng lực tái tạo đó ngay tại kiếp này, mà không cần phải để thân xác rã nát hoàn toàn – chỉ đơn giản là thay đổi nó một cách liên tục?

Họ cũng cho rằng trong thủy ngân và sul-phua ẩn giấu một năng lực phi thường, và bằng một số phương pháp bào chế nào đó thì con người có thể giữ cho thân xác lâu dài tùy ý. Một số người khác lại tin rằng một số loại thuốc nào đó có thể mang lại quyền năng như bay lượn trên không.

Nhiều phương thuốc thần diệu nhất mà chúng ta có được ngày nay là nhờ những người Rasāyana, đáng kể nhất là việc sử dụng kim loại làm dược liệu.

Một số tông phái của các hành giả yogi lại khẳng định rằng nhiều vị đại sư của họ hiện vẫn còn sống trong thân xác cũ. Patanjali, vị đạo sư có thẩm quyền to lớn về Yoga, cũng không hề phủ nhận điều này.

Quyền năng của ngôn từ: có những linh ngữ gọi là mantra, hay mật chú, chứa quyền năng, khi được lặp đi lặp lại trong những điều kiện phù hợp thì chúng sẽ tạo ra những quyền năng kỳ diệu. Chúng ta đang sống giữa biết bao điều kỳ diệu cả ngày lẫn đêm, nhưng chúng ta không hề nghĩ gì đến chúng.

Năng lực con người không hề có giới hạn: quyền năng của ngôn từ cũng như quyền năng của tâm trí. Khổ hạnh: các bạn sẽ thấy rằng tôn giáo nào cũng đề xướng lối tu khổ hạnh như là giới luật. Trong quan điểm này thì người Ấn Độ đi đến chỗ cực đoan.

Các bạn sẽ thấy có những người giơ bàn tay lên trời suốt cả đời, cho đến khi bàn tay họ khô quắt lại và chết đi. Lại có người ngủ đứng cả ngày lẫn đêm cho đến khi bàn chân họ sưng phù lên, nếu như họ sống thì đôi chân đã chết cứng trong tư thế đó đến mức họ không thể nào gập lại được nữa, mà phải giữ nguyên tư thế suốt cả đời.

Tôi có lần gặp một người giơ bàn tay lên trời theo cách đó, và hỏi ông ta có cảm giác gì khi làm điều đó lần đầu tiên. Ông ta bảo đó là một cực hình. Nó gây đau đớn đến mức ông ta phải đi đến một con sông và dầm mình trong đó để cơn đau dịu đi đôi chút.

Sau một tháng thì ông ta không còn thấy đau đớn nữa. Bằng những cách tu hành như thế có thể đạt đến quyền năng (siddhi).

Tập trung tư tưởng hay định: Đây là nét đặc thù của yoga, và là chủ đề chính của bộ môn khoa học này, nó là pháp môn tu tập tối cao. Những phương pháp đi trước chỉ là thứ yếu, không thể giúp chúng ta đạt đến mục tiêu. Samādhi (định) là phương tiện giúp chúng ta đạt đến mọi mục tiêu: tinh thần, đạo đức và tâm linh.

2 Việc thay đổi loài là do lấp đầy bản tính.

Đạo sư Patanjali đã tuyên bố những quyền năng này có thể đạt được do bẩm sinh, nhờ tu khổ hạnh hoặc tập trung tư tưởng. Ông cũng nói rằng ta có thể giữ cho thân xác sống một thời gian bất kỳ nào.

Bây giờ ông tiếp tục tuyên bố nguyên nhân thể xác biến đổi thành loài khác. Ông bảo đó là do việc lấp đầy bản tính, sẽ được giải thích trong câu sau đây.

3 Việc làm thiện hay ác không phải là nguyên nhân trực tiếp làm thay đổi bản tính, nhưng chúng tác động như một tác nhân khai thông những chướng ngại trong quá trình tiến hóa, cũng như người nông dân khai thông những chướng ngại để dòng nước chảy thuận theo bản tính của nó.

Nước dẫn vào ruộng đã có sẵn trong các kênh mương, chỉ có điều là chúng bị các cổng nước chặn lại. Người nông dân tháo cổng ra là nước tự nhiên tuôn chảy theo định luật hấp dẫn. Cũng vậy, mọi tiến bộ và quyền năng đều có đầy đủ nơi con người.

Bản tính con người vốn toàn hảo, chỉ có điều là chúng bị ngăn chặn và cản trở không được chảy xuôi thuận theo dòng. Nếu có người tháo các cổng chắn ra thì thiên nhiên sẽ ào ạt tràn vào. Lúc đó con người sẽ đạt được những quyền năng vốn có sẵn của mình.

Khi các chướng ngại vật đều gãy vỡ, và thiên nhiên ào ạt tràn vào thì những người mà ta gọi là ác sẽ trở nên thánh thiện.

Chính thiên nhiên hướng ta tới sự toàn mãn, và cuối cùng nó sẽ đưa tất cả mọi người đến đó. Mọi công phu tu tập và mọi năng lực để thành người có đạo tâm chỉ là công việc tháo bỏ những chướng ngại đó, và mở toang những cánh cửa để đón nhận sự toàn mãn, vốn là tự tính bản lai của chúng ta.

Ngày nay, lý thuyết tiến hóa của các hành giả yogi được hiểu rõ ràng hơn dưới ánh sáng của những công trình nghiên cứu khoa học.

Nhưng lý thuyết của các hành giả yogi giải thích hay hơn. Hai nguyên nhân chính của sự tiến hóa do các cách nhà khoa học hiện đại đề xướng là sự chọn lọc giới tính và thích nghi để tồn tại[1] đều không thích đáng.

Giả sử tri thức nhân loại đã tiến xa đến mức nó loại bỏ được sự cạnh tranh – xem như là nhân tố trong yêu cầu sinh tồn lẫn giống đực – thì, theo các khoa học hiện đại, sự tiến bộ sẽ dừng lại và loài người sẽ tiêu vong. Hậu quả của lý thuyết này là cung cấp cho mọi kẻ áp bức một lập luận để trấn an sự cắn rứt của lương tâm.

Nhân loại này đâu có thiếu những kẻ ra vẻ cao đạo như triết gia – bọn họ dĩ nhiên là những quan tòa đầy thẩm quyền – muốn giết sạch những người yếu đuối và tật nguyền để duy trì nòi giống.

Nhưng nhà tiến hóa luận vĩ đại thời cổ đại Patanjali tuyên bố điều bí ẩn thực sự của thuyết tiến hóa là sự biểu hiện của sự toàn mãn vốn đã có sẵn nơi mỗi con người, sự toàn mãn đó đã bị chặn lại, và đợt thủy triều vô tận đằng sau nó đang đấu tranh để tự hiển lộ ra.

Tất cả sự đấu tranh và cạnh tranh này của chúng ta chỉ là hậu quả của vô minh, bởi vì chúng ta không biết mở cổng cho đúng cách để nước tràn vào. Đợt thủy triều vô tận đằng sau nó cần phải tự hiển lộ ra, và nó là nguyên nhân của mọi sự hiển lộ.

Đấu tranh sinh tồn hay thỏa mãn tình dục chỉ là những nhân tố tạm thời, không cần thiết và xa lạ, do vô minh mà có. Ngay cả khi mọi sự cạnh tranh đã kết thúc thì thiên tính toàn mãn trong ta sẽ thôi thúc chúng ta tiến tới, cho đến khi tất cả mọi người đều trở nên toàn mãn.

Do đó, không có lý do gì để tin rằng sự cạnh tranh là điều kiện cần thiết để tiến bộ cả. Trong con vật là một con người đang bị trấn áp, nhưng khi cánh cửa mở toang ra thì con người xông ra ngoài.

Cũng vậy, trong mỗi con người đều có một vị thần tiềm ẩn, nhưng bị khóa chặt bởi then cài, và tấm chắn của vô minh. Khi trí tuệ phá vỡ rào chắn này thì vị thần này tự nhiên hiển lộ.

4 Một hành giả yogi có thể sáng tạo nên nhiều tâm trí từ ngã tính của mình

Giáo lý về nghiệp (karma) là thế này: chúng ta phải gánh chịu hậu quả của những việc làm thiện hay ác của mình, và toàn bộ nền triết học này giúp chúng ta thực chứng được sự vinh quang của con người.

Tất cả kinh điển đều ca ngợi sự vinh quang của con người, của Linh Hồn, và cũng bằng phong cách đó, kinh điển lại thuyết giảng về karma. Việc thiện thì mang lại quả báo này, việc ác thì mang lại quả báo kia. Nếu như Linh Hồn có thể bị tác động bởi hành vi thiện ác thì rốt cuộc nó cũng chỉ là con số không.

Hành vi ác tạo nên rào cản không cho bản thể của Purusha hiển lộ, còn hành vi thiện gỡ bỏ rào cản đó đi, và Purusha hiện ra trong vẻ rực rỡ huy hoàng.

Tự thân Purusha bản lai bất biến. Dù các bạn làm bất cứ điều gì đi chăng nữa thì cũng không bao giờ phá hủy được sự vinh quang của chính mình, không bao giờ phá hủy được tự tính của mình, bởi vì không có gì gây được ảnh hưởng tới Linh Hồn, chỉ có một lớp màn che khuất trước Nó, giấu đi sự toàn mãn của Nó mà thôi.

Với quan niệm giũ sạch nghiệp một cách nhanh chóng, các hành giả yogi tạo ra các kāya-vyuha tức muôn nghìn thân tướng để trả hết nghiệp. Họ dùng ngã tính [ egoity] của mình để tạo ra tâm trí cho tất cả những thân tướng này, và gọi đó là những “tâm trí sở tạo” để phân biệt với tâm trí uyên nguyên của mình.

5 Mặc dù hoạt động của những tâm trí sở tạo diễn ra thiên hình vạn trạng, nhưng tâm trí uyên nguyên vẫn điều khiển được hết thảy.

Những tâm trí khác nhau này, hoạt động trong những thể xác khác nhau, được gọi là “tâm trí sở tạo”, và những thể xác đó được gọi là “thể xác sở tạo”.

Vật chất và tâm trí là hai cái kho vô tận. Khi nào trở thành một hành giả yogi, các bạn sẽ học được bí quyết điều khiển của họ. Bí quyết đó vẫn luôn luôn là của các bạn, nhưng các bạn đã quên mất. Khi nào trở thành một hành giả yogi, các bạn sẽ nhớ lại.

Lúc đó, các bạn có thể làm bất cứ điều gì với nó, muốn xoay xở nó theo cách nào cũng được. Chất liệu dùng để tạo nên tâm trí cũng chính là chất liệu tạo nên thế giới vĩ mô. Không phải tâm trí là thứ này, còn vật chất là thứ nọ, mà chúng chỉ là hai phương diện của cùng một sự vật.

Asmitā – hay ngã tính – là chất liệu, là trạng thái tồn tại tế vi dùng để cấu tạo nên các “tâm trí sở tạo” cùng “thể xác sở tạo” của hành giả yogi. Do đó, khi hành giả yogi phát hiện được điều bí ẩn của những nguồn năng lượng trong thiên nhiên thì họ có thể tạo ra một số lượng bất kỳ những thể xác hay tâm trí từ chất liệu cơ bản gọi là ngã tính.

6 Giữa vô vàn tâm trí sai biệt, tâm trí nào đạt được samādhi (định) thì vô dục.

Giữa tất cả những tâm trí khác nhau mà chúng ta thấy nơi những con người khác nhau, tâm trí nào đạt được samādhi – hay trạng thái nhập định – là tâm trí tối cao.

Những người nào đạt được một số quyền năng nào đó nhờ dược liệu, nhờ mật chú hay công phu khổ hạnh cũng đều còn tham dục; chỉ có ai đạt trạng thái samādhi nhờ tập trung tư tưởng mới hoàn toàn thoát khỏi mọi tham dục.

7 Không một hành vi nào là đen hay trắng đối với hành giả yogi, còn đối với người khác thì chúng có ba loại: đen, trắng và trắng đen lẫn lộn.

Khi một hành giả yogi đã đạt đến sự toàn mãn thì mọi hành động của ông ta cùng những hậu quả của hành động đó không ràng buộc được ông, bởi vì tâm của hành giả yogi đó đã hoàn toàn vô dục. Ông hành động vô tâm.

Ông hoạt động để làm điều thiện, và ông làm điều thiện, nhưng lại không quan tâm gì đến kết quả, mà kết quả cũng chẳng đến với ông. Nhưng đối với với một người bình thường chưa đạt đến trạng thái tối cao đó thì hành vi có ba loại: đen, trắng và trắng đen lẫn lộn.

8 Từ ba loại hành vi đó, chỉ những tham dục nào thích hợp với hoàn cảnh mới hiển lộ [còn những tham dục khác tạm thời chờ đợi]

Giả sử tôi đã tạo ra ba loại nghiệp: thiện, ác, vừa thiện vừa ác, rồi giả sử tôi chết đi và trở thành một vị thần trên trời. Tham dục trong thể xác một vị thần sẽ khác với tham dục trong thể xác một con người. Thể xác của vị thần không đòi hỏi ăn uống.

Vậy thì phần nghiệp chưa trả xong của tôi trong quá khứ sẽ ra sao, phần nghiệp mà lẽ ra sẽ tạo nên quả báo là thèm ăn, thèm uống? Khi tôi trở thành một vị thần thì nghiệp báo đó đi về đâu? Câu trả lời là tham dục chỉ có thể hiển lộ trong những hoàn cảnh phù hợp.

Chỉ những tham dục thích nghi với hoàn cảnh mới hoạt động, những tham dục còn lại sẽ nằm ở dạng dự trữ. Ở đời này, chúng ta có nhiều tham dục của chư thần, nhiều tham dục của con người, nhiều tham dục của loài vật.

Nếu chúng ta mang thể xác của chư thần thì chỉ những tham dục của chư thần mới trỗi dậy, vì hoàn cảnh thích hợp với chúng. Nếu chúng ta mang thể xác của loài vật thì chỉ những tham dục của loài vật mới trỗi dậy, những tham dục của chư thần sẽ phải chờ đợi.

Điều đó cho thấy gì? Nó cho thấy rằng nhờ vào hoàn cảnh mà chúng ta có thể kiểm soát được những tham dục này. Chỉ những tham dục thích hợp với hoàn cảnh sẽ hiển lộ. Điều đó cho thấy sức mạnh của hoàn cảnh là then chốt để điều khiển trọn nghiệp lực.

9 Các tham dục nối tiếp nhau không dứt, ngay cả khi bị cách ly bởi chủng loại, không gian và thời gian, do có sự đồng nhất giữa ký ức và ấn tượng.

Những kinh nghiệm nào trở nên tế vi sẽ biến thành ấn tượng, những ấn tượng nào phục hoạt sẽ biến thành ký ức. Từ ký ức ở đây bao hàm sự phối hợp vô thức của những kinh nghiệm quá khứ, bị giảm trừ thành những ấn tượng, với hành động có ý thức hiện tại.

Trong mỗi thể xác, chỉ những nhóm ấn tượng được thu hoạch trong cùng một thể xác mới trở thành nhân của hành động trong thể xác đó. Mỗi thể xác hành động như là hậu duệ thuộc dòng dõi các thể xác loại này, do đó các tham dục nối tiếp nhau không dứt.

10 Bởi khát vọng lạc phúc thì vĩnh cửu, nên tham dục không có khởi đầu.

Đi trước mọi kinh nghiệm là khát vọng được hưởng lạc phúc. Kinh nghiệm không có khởi đầu, bởi vì mọi kinh nghiệm tươi mới đều được xây dựng trên xu hướng được phát sinh bởi kinh nghiệm quá khứ, do đó tham dục không có khởi đầu.

11 [Tham dục] được duy trì bởi nhân, quả, bởi trợ duyên và những đối tượng, nên khi không có những thứ đó thì nó cũng không hiện hữu.

Tham dục được duy trì bởi quan hệ nhân quả[2], nếu tham dục được dung dưỡng thì không bao giờ nó chết đi mà lại không sinh quả.

Lại nữa, tâm là kho chứa khổng lồ, là chỗ dung nạp mọi tham dục trong quá khứ – những tham dục này đã suy giảm thành hình thức samskāra, chúng sẽ sống mãi cho đến khi nào tự thể hiện được mình.

Hơn nữa, chừng nào giác quan còn thu nhận ngoại cảnh thì những tham dục mới lại sinh khởi. Nếu có thể thoát bỏ nhân, quả, trợ duyên và những đối tượng tham dục thì tham dục sẽ tan biến.

12 Quá khứ và tương lai hiện hữu trong tự tính của chúng, sự khác biệt giữa chúng chỉ là sự khác biệt về guna.

Đây là quan niệm cho rằng không thể có chuyện “vô trung sinh hữu”, tức một sự vật sinh ra từ hư không. Dù không hiện hữu dưới một hình thức hiển lộ rõ ràng, nhưng quá khứ và tương lai tồn tại trong một hình thức tế vi.

13 Dù chúng hiển lộ hay tiềm ẩn dưới dạng tế vi thì guna vẫn là bản tính nội tại thâm sâu của chúng.

Guna là ba loại bản chất: sattva, raja và tama, mà trạng thái thô của chúng chính là cái vũ trụ hữu hình này. Quá khứ và tương lai sinh khởi từ những thể cách hiển lộ khác nhau các guna này.

14 Tính thống nhất của sự vật xuất phát từ tính thống nhất trong biến dịch [của các guna].

Dù có ba loại bản chất hòa hợp và biến đổi, nhưng muôn vật đều hiển lộ tính thống nhất.

15 Đối với cùng một sự vật nhưng nhận thức và tham dục khác nhau, nên tâm và vật mang bản tính khác nhau.

Điều đó có nghĩa là có một thế giới khách quan tồn tại độc lập với tâm trí chúng ta. Đây là luận điểm phản bác của thuyết duy tâm Phật giáo. Cùng một sự vật nhưng nhiều người khác nhau nhìn vào lại thấy khác nhau, cho nên nó không thể là trí tưởng tượng đơn thuần của một cá nhân riêng biệt[3].

16 Sự vật được tâm trí nhận biết hoặc không, tùy thuộc vào sắc màu mà chúng đem lại cho tâm trí.

17 Các trạng thái của tâm trí luôn được nhận biết, bởi vì Purusha – vị Chúa Tể của tâm trí – bất biến.

Toàn bộ nội dung của phần giáo lý này là: vũ trụ vừa là tinh thần, vừa là vật chất. Cả vật chất lẫn tâm trí đều ở trong trạng thái tuôn chảy ào ạt. Cuốn sách này là gì? Nó là sự kết hợp của những phân tử đang biến đổi không ngừng: một số phân tử đi, một số phân tử khác đến.

Nó giống như cơn lốc xoáy. Nhưng cái gì đã tạo nên sự thống nhất? Cái gì đã giúp nó luôn được là một cuốn sách? Sự biến đổi này có tiết tấu nhịp nhàng, chúng gởi các ấn tượng đến tâm trí theo một trật tự hài hòa, và những mảnh ấn tượng đó kết nối lại thành một bức tranh liên tục, mặc dù những thành phần đều đang biến đổi không ngừng.

Tâm trí cũng vậy, bản thân nó biến đổi không ngừng. Tâm trí và thể xác giống như hai lớp của cùng một bản chất, chuyển động với tốc độ khác nhau. Một cái chậm hơn, một cái nhanh hơn, ta có thể phân biệt được hai chuyển động này.

Ví dụ có một xe lửa đang chạy, và một cỗ xe ngựa chạy bên cạnh nó. Có thể nhận ra chuyển động của cả hai xe, ở một mức độ nào đó. Nhưng vẫn còn có một điều cần thiết nữa. Ta chỉ có thể nhận ra được sự chuyển động là khi có cái không chuyển động.

Nếu cả hai hay ba vật cùng chuyển động tuyệt đối với nhau thì trước tiên ta nhận ra sự chuyển động của vật nhanh hơn, kế đó là những vật chậm hơn. Làm thế nào tâm trí có thể nhận ra được điều đó? Nó cũng đang tuôn chảy ào ạt.

Từ đó, vật chuyển động chậm hơn là điều cần thiết, rồi các bạn lại nghĩ tiếp đến vật chuyển động chậm hơn nữa, cứ tiếp tục như thế cho đến vô cùng. Do đó, lý luận buộc các bạn phải dừng tại một điểm nào đó. Các bạn phải kết thúc chuỗi chuyển động này bằng cách biết rằng có một cái gì đó bất biến.

Đằng sau chuỗi chuyển động không bao giờ kết thúc này là Purusha, cái bất biến, vô sắc, thuần tịnh. Tất cả những ấn tượng này chỉ phản chiếu trên Purusha, như một ngọn đèn chiếu đang chiếu những hình ảnh lên màn hình mà chẳng hề làm ố bẩn nó.

18 Tâm trí không tự tỏa sáng, vì là một đối tượng.

Năng lực khủng khiếp hiển lộ khắp nơi trong thiên nhiên nhưng nó không tự tỏa sáng, không tất yếu là thông minh. Chỉ có Purusha là tự tỏa sáng và chiếu ánh sáng của mình đến muôn vật. Chính năng lực của Purusha đang chiếu xuyến thấu qua tất cả sự vật và mọi nguồn năng lượng.

19 Do không thể nhận biết đồng thời cả hai [nên tâm trí không tự tỏa sáng được].

Nếu như tâm trí tự tỏa sáng rực rỡ thì hẳn nó có thể nhận thức được tự thân và đối tượng của nó cùng một lúc, nhưng nó không làm được điều đó. Khi tâm trí nhận thức đối tượng thì nó lại không thể tự phản chiếu trên chính mình. Do đó, chỉ Purusha là tự tỏa sáng, còn tâm trí thì không.

20 Giả sử có một tâm trí khác có thể nhận biết, vậy thì giả thiết đó cứ tiếp tục cho đến vô cùng, và kết quả là một đống hỗn độn của ký ức.

Giả sử rằng có một tâm trí khác nhận biết được một tâm trí bình thường thì phải còn có một tâm trí khác nhận biết được tâm trí ban đầu đó, và cứ thế cho đến vô cùng. Kết quả sẽ là một đống hỗn độn của ký ức, sẽ không còn kho chứa ký ức nữa.

21 Bản Thể Tinh Yếu của Tri Thức (Purusha) thì bất biến, khi tâm trí khoác lấy hình thức của Purusha thì nó biến thành ý thức.

Đạo sư Patanjali nói điều này nhằm làm sáng tỏ thêm một điều: tri thức không phải là một phẩm tính của Purusha. Khi tâm trí đến gần Purusha thì Purusha, có thể nói như vậy, được phản chiếu lên tâm trí, và tại thời điểm đó, tâm trí có khả năng nhận thức tựa như nó chính là Purusha.

22 Nhờ vào sắc màu của chủ thể năng quán và đối tượng sở quán mà tâm trí mới có thể hiểu được mọi vật.

Một mặt thì thế giới ngoại tại – tức đối tượng sở quán hay đối tượng được nhìn – đang được phản chiếu, mặt khác thì chủ thể năng quán – tức chủ thể nhìn – cũng đang được phản chiếu, nhờ vậy mà năng lực nhận thức mọi vật mới đến được với tâm trí.

23 Tâm trí, dù bị nhiễm ô bởi vô số tham dục, hoạt động thay mặt cho một cái khác (tức là Purusha), vì nó hoạt động trong sự kết hợp.

Tâm trí do nhiều thứ cấu thành, cho nên nó không thể hoạt động cho chính nó. Bất kỳ sự vật nào trong thế giới này, hễ đã là sự kết hợp thì nó đều phục vụ cho một thực thể khác – thực thể mà sự kết hợp được tạo ra vì nó. Bởi vậy sự kết hợp của tâm trí là để hướng tới Purusha.

24 Nhờ trí phân biệt mà không còn nhận tâm trí là Ātman.

Nhờ trí phân biệt mà hành giả yogi biết rằng Purusha không phải là tâm trí.

25 Nhờ kiên trì với trí phân biệt mà tâm trí đạt đến trạng thái trước cảnh giới kaivalya (tự tại vô ngại).

[Một dị bản khác: Rồi tâm trí phân biệt một cách sâu sắc và hướng về kaivalya] Như vậy, công phu tu tập Yoga dẫn đến trí phân biệt, đến tuệ nhãn. Màn che rơi khỏi mắt, và chúng ta thấy được sự vật y như thực.

Chúng ta phát hiện ra rằng thiên nhiên này là một phức thể, và nó đang phô bày toàn cảnh ra để làm hài lòng Purusha – người chứng kiến, rằng thiên nhiên này không phải là Chúa Tể, rằng toàn bộ những sự kết hợp của thiên nhiên chỉ là để phô bày hiện tượng giới ra cho Purusha – vị vua ngự trị bên trong.

Khi luyện tập lâu ngày và đạt được trí phân biệt thì không còn sợ hãi, và tâm trí đạt đến cảnh giới tự tại vô ngại.

26 Những tư tưởng nảy sinh [thỉnh thoảng] gây chướng ngại cho những tư tưởng phát sinh từ ấn tượng.

Tất cả những ý tưởng nào nảy sinh mà bắt ta tin rằng phải cần đến một sự vật bên ngoài mới có hạnh phúc thì chúng đều là chướng ngại trên con đường dẫn đến sự toàn mãn. Purusha là lạc phúc tự bản chất. Nhưng trí tuệ đó bị che phủ bởi những ấn tượng trong quá khứ. Những ấn tượng này phải tự giải quyết lấy.

27 Sự phá hủy của chúng tựa như sự phá hủy vô minh, ngã tính, v.v… như đã bàn ở phần trước (II.10).

28 Ngay cả khi đã đạt được trí phân biệt chân chính về bản thể tinh yếu, người nào từ bỏ thành quả thì chứng nhập “pháp vân định”[4].

Khi hành giả yogi đạt được trí phân biệt thì chứng được tất cả những quyền năng đã nhắc đến trong chương cuối, nhưng một hành giả yogi chân chính luôn khước từ chúng.

Hành giả đó chứng đắc một trí tuệ thù thắng và một ánh sáng thù thắng gọi là dharmamegha (pháp vân) hay “đám mây pháp”. Tất cả những nhà tiên tri trên thế gian được ghi chép trong lịch sử đều chứng đắc cảnh giới này.

Các vị đó đã phát hiện ra rằng toàn bộ nền tảng của tri thức vốn đầy đủ cả trong tự tâm. Chân lý đối với họ đã biến thành hiện thực. An bình, trầm lặng và thuần tịnh đã biến thành bản tính của họ, sau khi họ đã từ bỏ sự phù phiếm của quyền năng.

29 Do đó mà không còn đau khổ và tạo tác.

Khi “đám mây pháp” đến thì không còn sợ hãi gì nữa, không có gì có thể kéo hành giả yogi xuống thấp. Đối với vị đó thì không còn điều xấu ác, không còn đau khổ.

30 Nhờ bỏ được lớp màn che và những điều bất tịnh, trí tuệ trở nên vô lượng, và điều khả tri trở nên nhỏ bé.

Trí tuệ vẫn luôn hiện hữu ở đó, chỉ có lớp màn che bị mất đi. Một trong các cuốn kinh Phật giáo định nghĩa Phật – tức tên một trạng thái – là vô lượng trí, mênh mông vô tận như bầu trời. Chúa Jesus đã chứng nhập cảnh giới này và trở thành đấng Christ.

Tất cả các bạn đều sẽ chứng nhập được cảnh giới này. Trí tuệ trở nên vô lượng, và điều khả tri trở nên nhỏ bé. Toàn thể vũ trụ này, cùng với tất cả những đối tượng khả tri, đều trở nên nhỏ bé trước Purusha. Người phàm cứ cho là mình vô cùng nhỏ bé, bởi vì đối với họ thì cái khả tri tựa hồ như bao la vô tận.

31 Như vậy không còn sự chuyển hóa liên tục của các guna, vì chúng đã đi đến chung cục.

Như vậy, tất cả sự chuyển hóa của các guna – biến đổi từ loài này sang loài khác – vĩnh viễn chấm dứt.

32 Những sự biến đổi – vốn tồn tại trong mối tương quan với các thoáng chốc biến dịch và được nhận ra tại một chung cục khác (nghĩa là ở cuối một chuỗi các thay đổi) – là ý nghĩa của tương tục.

Patanjali đã định nghĩa “tương tục” là những sự biến đổi tồn tại trong mối tương quan với các thoáng chốc. Khi tôi suy nghĩ thì nhiều cái thoáng chốc đã đi qua, và cùng với mỗi thoáng chốc kia là một sự thay đổi về quan niệm, nhưng tôi chỉ nhận ra được những sự thay đổi đó ở cuối một chuỗi các thay đổi. Đây được gọi là sự tương tục.

Nhưng đối với một tâm trí đã thực chứng được trạng thái toàn nhiên phổ hiện thì không hề có sự tương tục. Đối với tâm trí đó thì muôn vật đều hiện tiền trong thời khắc hiện tại. Chỉ có hiện tại là hiện hữu, còn quá khứ và tương lai đều lạc mất.

Thời gian trụ lại trong sự chế ngự, toàn bộ tri thức hiện hữu ra đó trong một phút giây. Muôn vật được nhận biết trong chớp nhoáng[5].

33 Sự phân giải các guna theo trật tự đảo ngược, khi chúng không còn động cơ hoạt động cho Purusha, là trạng thái kaivalya (tự tại vô ngại), hoặc kaivalya là sự thiết lập Quyền Năng của Trí Tuệ trong tự tính của Nó.

Công việc của thiên nhiên đã hoàn tất – công việc vị tha mà thiên nhiên, người bảo mẫu dịu dàng của chúng ta, đã đặt ra cho chính nó.

Thiên nhiên dịu dàng cầm lấy bàn tay của linh hồn vô ngã, có thể nói như vậy, và chỉ cho nó thấy tất cả những sự trải nghiệm trong vũ trụ, tất cả những cảnh tượng hiển lộ, nâng nó lên cao dần qua nhiều thể xác khá nhau, cho đến khi vinh quang đã mất của linh hồn quay trở lại, và nó nhớ lại tự tính của mình.

Rồi người mẹ hiền quay về lại, cũng trên con đường mà bà đã đến, vì những người lạc lối giữa sa mạc không lối đi của cuộc đời.

Người mẹ thiên nhiên đã làm việc như thế đó, từ vô thủy đến vô chung; và như thế đó, trải qua cảnh khổ đau và hạnh phúc, tốt đẹp và xấu xa, dòng sông linh hồn vô tận vẫn mãi trôi chảy về đại dương của sự toàn mãn, của cảnh giới tự chứng. Vinh quang thay cho những ai đã thực chứng được tự tính! Xin họ ban phúc lành cho tất cả chúng ta!

[1] Sự chọn lọc giới tính: sexual selection, và thích nghi để tồn tại: the survival of the fittest.

[2] Nhân là “những chướng ngại gây phiền não” (II.3) và những hành vi (IV.7); còn quả là “chủng loài, thọ mạng, cùng những kinh nghiệm về khổ lạc” (II.13) [Ghi chú trong nguyên tác].

[3] Trong những bản in khác, chỗ này có thêm các câu: “Không thể bảo rằng sự vật tùy thuộc vào tâm trí chúng ta. Nếu không có bằng chứng nào về sự tồn tại của nó [nghĩa là nếu tâm trí không nhận thức được nó] thì nó sẽ trở thành hư không”. Nếu sự nhận thức một đối tượng là tiêu chuẩn duy nhất để nó tồn tại, vậy thì khi con người tập trung toàn bộ tâm trí vào một sự vật nào đó hoặc khi nhập định, thì sự vật đó sẽ không được nhận biết bởi bất kỳ một người nào khác, như vậy cũng có thể bảo sự vật đó là hư không. Đây là một kết luận không thỏa đáng. [Ghi chú trong nguyên tác ]

[4] Nguyên tác là “the samādhi called ‘cloud of virtue’”, lẽ ra nên dịch là “đức vân”, nhưng theo tinh thần văn bản và lời chú giải thì đây là dharmamegha tức “pháp vân” trong tư tưởng Phật giáo đại thừa, là quả vị thứ mười trong quá trình tu học của Bồ Tát để thành Phật.

[5] Đây là cảnh giới đốn ngộ của Thiền tông.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x