Trang chủ » Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

by Trung Kiên Lê
77 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Về phương pháp và phương tiện của bhakti-yoga, ta tìm đọc trong bản chú giải của tôn giả Ramakrishna về các kinh Veda: “Đạt đến Cái Đó là nhờ vào năng lực phân biệt, kiểm soát dục vọng, công phu thực hành, thực hiện nghi thức hiến tế, tâm hồn thuần tịnh, sức mạnh và kiềm chế vui mừng thái quá “.

Viveka hay phân biệt, theo Rāmānuja, là phân biệt thực phẩm thanh tịnh với thực phẩm bất tịnh.

Theo ông thì có ba nguyên nhân khiến thực phẩm trở nên bất tịnh: (1) do bản chất của thực phẩm, ví dụ như hành, tỏi, v.v… (2) xuất phát từ những người hung ác và đáng kinh tởm; và (3) do sự bất tịnh của vật chất như bụi bẩn, lông, tóc, v.v…

Kinh Veda nói: “Khi thực phẩm thanh tịnh thì những yếu tố Sattva trở nên thanh tịnh và trí nhớ trở nên kiên định”, và Rāmānuja đã trích dẫn câu này từ Chhāndogya Upanishad.

Thực phẩm luôn là một trong những vấn đề tối quan trọng đối với các hành giả bhakta. Ngoài sự cường điệu quá mức mà một số tông phái bhakti đã mắc phải, còn có một chân lý vĩ đại nằm bên dưới vấn đề thực phẩm.

Theo triết học Sāmkhya, chúng ta phải nhớ rằng cả sattva lẫn các raja và tama – mà trong trạng thái quân bình thuần nhất đã tạo nên prakriti hay cái thế giới vô sai biệt uyên nguyên sơ thủy, và trong trạng thái hỗn độn đã tạo nên cái vũ trụ này – đều là bản thể và phẩm tính của prakriti.

Như thế chúng đều là chất liệu cấu tạo nên thể xác con người, và ưu thế của chất liệu sattva là điều tối quan trọng cho sự phát triển tâm linh.

Những chất liệu, mà chúng ta đón nhận thông qua thực phẩm để cấu tạo nên cơ thể, có vai trò rất lớn trong việc định hình nên tâm trí; bởi vậy, chúng ta cần phải quan tâm đặc biệt đến thực phẩm mình ăn.

Tuy nhiên, trong vấn đề này cũng như trong các vấn đề khác thì sự cuồng tín, mà các môn đồ luôn mắc phải, không cần phải được đặt trước cửa của những vị đạo sư.

Suy cho cùng thì sự phân biệt thực phẩm chỉ mang tầm quan trọng thứ yếu. Cũng chính đoạn kinh văn trích dẫn ở trên lại được triết gia Śhankara, trong tác phẩm Bhāshya luận giải về các Upanishad của ông, giải thích theo một lối khác bằng cách gán một ý nghĩa hoàn toàn khác hẳn cho từ āhāra, thường được dịch là thực phẩm.

Theo ông thì: “āhāra là cái được hội tụ lại. Tri thức từ những cảm giác, chẳng hạn như âm thanh, v.v… được hội tụ lại trong trạng thái hỷ lạc của người hưởng thụ, tức tự ngã; sự tịnh hóa của tri thức – vốn hội tụ trong sự nhận thức của các giác quan – là quá trình tịnh hóa thực phẩm ( āhāra).

Tịnh hóa thực phẩm có nghĩa là thu thập tri thức từ những cảm giác, vốn vô nhiễm trước những khiếm khuyết của lòng luyến cảm, ác cảm hay vọng tưởng.

Do đó, một khi tri thức như thế, hay āhāra, đã được tịnh hóa thì chất liệu sattva của cơ quan sở hữu nó – tức cơ quan nội tại – sẽ trở nên thuần tịnh; và một khi sattva đã trở nên thuần tịnh thì sẽ phát sinh một ký ức toàn mãn về đấng Vô Biên – đấng được nhận biết trong thực tính của Ngài từ kinh điển”.

Nhìn bề ngoài thì hai cách giải thích này có vẻ như xung đột với nhau, tuy nhiên cả hai đều đúng và cần thiết. Vận dụng và điều khiển cái gọi là thể xác tế vi – nghĩa là tâm trí – hiển nhiên là đòi hỏi những chức năng cao hơn việc điều khiển thể xác thô bằng xác thịt.

Nhưng điều khiển thể xác thô là điều tuyệt đối cần thiết để ta có thể tiến tới việc điều khiển được thể xác tế vi.

Do đó, kẻ sơ cơ phải chú tâm đặc biệt đến tất cả những quy tắc dinh dưỡng được truyền thừa từ những vị đạo sư uy tín; nhưng thói cuồng tín quá đáng và vô nghĩa – vốn đưa đẩy toàn bộ tôn giáo vào nhà bếp, như ta có thể ghi nhận trong trường hợp của nhiều tông phái, mà không hy vọng gì để cho chân lý cao thượng của tôn giáo đó xuất hiện được dưới ánh sáng tâm linh – là một dạng đặc thù của thuyết duy vật thuần túy và đơn giản.

Nó không phải là jnana, bhakti hay karma; mà là một dạng đặc biệt của chứng loạn óc, và những kẻ gắn chặt tâm trí vào đó giống như đang đi đến nhà thương điên hơn là đi tới cảnh giới của Brahman.

Vậy thì hợp lý khi cho rằng sự phân biệt trong việc chọn lựa thực phẩm là điều cần thiết để đạt đến trạng thái cấu tạo tinh thần cao hơn, một trạng thái mà chúng ta không dễ gì đạt đến nếu dùng phương pháp khác, Điều tiếp theo mà chúng ta cần quan tâm là kiểm soát dục vọng.

Kiềm chế các indriya hay các cơ quan, không cho chúng hướng tới đối tượng của các giác quan, chế ngự chúng và đặt chúng dưới sự hướng dẫn của ý chí, đó là đức hạnh trọng tâm trong công phu hành đạo. Tiếp theo là việc thực hành tinh thần tự chế và khắc kỷ.

Tất cả những khả tính bao la trong việc thực chứng được Thượng Đế trong linh hồn không thể nào biến thành hiện thực, nếu không có đấu tranh và không có công phu thực hành của tín đồ nhiệt tâm sùng đạo. “Tâm trí phải luôn luôn nghĩ đến Thượng Đế”.

Lúc ban đầu rất khó mà bắt tâm trí phải luôn luôn nghĩ đến Thượng Đế, nhưng với từng nỗ lực mới thì năng lực để quán tưởng như thế dần lớn mạnh trong ta. “Nhờ thực hành, này con trai của Kunti, và nhờ vô luyến cảm mà đạt được yoga”, Śri Krishna đã nói thế trong Gitā[1].

Về công việc hiến tế thì chúng ta phải hiểu là “năm nghi lễ hiến tế lớn” cần phải được thực hành như thường lệ[2]. Thanh tịnh phải là công việc cơ bản tuyệt đối, là hòn đá tảng dùng để kiểm tra toàn bộ tòa nhà bhakti đặt trên đó.

Tẩy uế thể xác và phân biệt thực phẩm, cả hai đều là điều dễ làm, nhưng nếu không có việc tẩy uế và thanh tịnh trong nội tâm thì việc tuân thủ những giới luật bên ngoài đó cũng chẳng có chút giá trị nào.

Trong danh mục những phẩm tính trợ duyên cho sự thuần tịnh, do Rāmānuja đề xướng, có những thứ được liệt kê như sau: satya: chân chính; ārjava: thành thực; dayā: làm việc thiện mà không mong báo đáp; ahimsā: bất hại, không sát sinh bằng tư tưởng, lời nói hoặc hành động; anabhidhyā: không tham muốn tài sản của kẻ khác, không suy nghĩ vớ vẩn và không để trong lòng những tổn hại mà kẻ khác gây ra cho mình.

Trong danh mục những phẩm tính này, có một ý tưởng đáng được quan tâm đặc biệt, đó là ahimsā hay bất hại, không gây tổn thương cho bất kỳ ai. Có thể nói nhiệm vụ bất hại này mang tính chất bắt buộc trong mối quan hệ của chúng ta với tất cả chúng sinh.

Nó không phải chỉ có nghĩa là, như đối với một số người, không gây tổn hại cho con người nhưng lại tàn ác với những loài vật thấp kém; nó cũng không phải là, như đối với một số người khác, bảo vệ chó mèo, hoặc nuôi kiến bằng đường, nhưng lại tự do tàn hại những người anh em bằng đủ mọi thủ đoạn kinh tởm[3].

Điều đáng lưu ý là phần lớn các ý tưởng tốt đẹp đó trên thế giới có thể bị đẩy đến một cực đoan đáng ghê sợ. Một tập quán tốt, khi được tiến hành đến mức cực đoan và hoạt động hợp với từng câu chữ của luật pháp, sẽ biến thành một tội ác tích cực.

Những thầy tu hôi hám của một vài tông phái không dám tắm vì sợ làm chết chấy rận trên người mình, họ không bao giờ nghĩ đến sự khó chịu và bệnh tật mà họ mang đến cho đồng loại. Tuy nhiên, họ không thuộc về tôn giáo của kinh điển Veda.

Điều kiểm chứng cho phẩm tính ahimsā là không có lòng ghen tỵ. Một người bất kỳ có thể làm điều tốt hoặc trao một tặng phẩm giá trị trong lúc ngẫu hứng bốc đồng, hoặc do áp lực của lòng mê tín hay của giới tăng lữ, nhưng kẻ thực sự yêu thương nhân loại là người không có tâm ganh tỵ với bất kỳ một ai.

Ta thấy những người được gọi là vĩ nhân của nhân loại vẫn có thể trở nên ganh tỵ với nhau vì một chút hư danh, vì một chút lợi lộc. Chừng nào mà thói ganh tỵ này còn tồn tại trong tâm thì chúng ta còn cách xa sự toàn thiện của ahimsā muôn trùng diệu vợi.

Con bò không ăn thịt, con cừu cũng vậy. Vậy chúng có phải là những nhà yogi vĩ đại, những hành giả ahimsā vĩ đại hay không? Bất kỳ kẻ ngốc nào cũng có thể từ bỏ việc ăn thịt này nọ, nhưng chắc chắn điều đó cũng không tạo thêm sự khác biệt bao nhiêu giữa họ với loại thú ăn thịt.

Kẻ đối xử tàn bạo với cô nhi quả phụ, vì tiền mà làm những điều tàn độc nhất thì còn tồi tệ hơn cả bất kỳ loại súc vật nào, cho dù hắn ta có thể sống toàn bằng rau cỏ.

Người mà trong lòng không mang tư tưởng hại người, hân hoan vui mừng trước sự thành đạt của ngay cả kẻ thù không đội trời chung thì đó là một hành giả bhakta.

Người đó là một yogi, là bậc đạo sư (guru) của tất cả mọi người, cho dù người đó có thể hàng ngày sống bằng thịt heo.

Bởi vậy, chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng việc trì giới bên ngoài chỉ có giá trị trợ giúp cho sự phát triển của tâm thuần tịnh bên trong.

Khi trên thực tế không thể quan tâm tỉ mỉ đến việc trì giới bên ngoài thì tốt hơn là chỉ nên gìn giữ sự thuần tịnh bên trong.

Nhưng thật khốn khổ cho người nào và cũng thật khốn khổ cho quốc gia nào quên mất những yếu tố tâm linh trọng yếu và chân thực bên trong của tôn giáo, mà cứ lo bám chết cứng một cách máy móc vào những hình thức giới luật bên ngoài, không bao giờ chịu buông ra.

Những hình thức giới luật đó chỉ có giá trị chừng nào chúng biểu hiện được đời sống nội tâm. Nếu chúng không còn biểu hiện được sức sống thì hãy đập vỡ chúng đi đừng thương tiếc.

Phương tiện kế tiếp để đạt đến bhakti-yoga là sức mạnh, hay anavasāda. Kinh điển nói: “Ātman này không thể đạt được bởi những kẻ yếu đuối bạc nhược”.

Bạc nhược ở đây muốn chỉ đến sự bạc nhược về thể xác lẫn tinh thần. “Chỉ có những kẻ mạnh khỏe, những kẻ gan dạ” mới là hành giả thích hợp.

Những kẻ hom hem lụ khụ, nhỏ bé, yếu đuối thì có thể làm được gì? Họ sẽ vỡ tan ra thành từng mảnh bất cứ khi nào những sức mạnh huyền bí của thể xác và tâm trí bị đánh thức nhẹ do thực hành một yoga nào đó.

Chỉ những “người trai trẻ, người khỏe mạnh và người tráng kiện” mới có thể thành công. Sức mạnh thể xác, do đó, là điều tuyệt đối cần thiết.

Chỉ có những thể xác cường tráng mới có thể chịu đựng được chấn động của phản lực phát sinh từ nỗ lực kiểm soát các cơ quan cảm giác.

Người nào muốn trở thành một hành giả bhakta thì phải cường tráng, phải khỏe mạnh. Khi những kẻ bạc nhược thảm thương mà cố thực hành bất kỳ một pháp môn yoga nào thì rất có thể họ sẽ mắc phải một căn bệnh nan y hoặc suy nhược tinh thần.

Tự nguyện làm cho thể xác suy nhược thực ra không phải cách dẫn đến giác ngộ tâm linh. Những kẻ bạc nhược tinh thần cũng không thể thành công trong việc đạt đến Ātman.

Kẻ nào khao khát muốn trở thành một hành giả bhakta phải là người vui tính. Trong thế giới phương Tây, quan niệm về một người có đạo tâm phải là người không bao giờ cười, lúc nào cũng như có mây đen bao phủ trên khuôn mặt chảy dài của y với hai gò má hầu như lõm sâu xuống.

Những người gầy gò hốc hác và khuôn mặt chảy dài chỉ thích hợp làm bệnh nhân cho các thầy thuốc, họ không phải là những hành giả yogi.

Chỉ những tâm trí vui tươi mới kiên tâm bền chí. Chỉ những tinh thần tráng kiện mới khai mở được con đường đi băng qua muôn ngàn gian khó.

Và việc này, việc gian khó nhất là cắt lìa con đường ta đi ra khỏi mạng lưới của māyā, công việc đó chỉ dành cho những người có ý chí vĩ đại.

Nhưng đồng thời cần nên tránh mừng vui thái quá, tức anuddharsha. Mừng vui thái quá khiến ta không còn thích hợp với tư duy nghiêm túc.

Nó cũng làm hao mòn năng lực tinh thần một cách vô ích. Hễ ý chí càng mạnh thì càng ít thuận theo dao động của những cảm xúc.

Hân hoan quá độ hoàn toàn cũng đáng chê trách như nghiêm trang rầu rĩ quá mức, mọi sự thực chứng tôn giáo chỉ có thể đạt được khi tâm trí ở trong tình trạng mạnh mẽ, yên tĩnh của sự quân bình hài hòa. Như thế là chúng ta có thể bắt đầu học cách yêu thương Thượng Đế.

[1] Đây là lời của thần Krishna nói với Arjuna, con trai của Kunti, trong Gitā.

[2] Chủ hộ nào cũng đều phạm phải tội sát sinh năm cấp, không sao tránh được, phát sinh từ việc dùng cối chày, cối xay, lò bếp, lọ nước và chổi. Họ được gột sạch tội lỗi này bằng cách thực hành năm bổn phận bắt buộc được gọi là yajna, hay lễ hiến tế. Năm lễ hiến tế đó gồm: (1) devayajna (dâng lễ vật lên chư thần); (2) brahmanyajna (dạy và trích dẫn kinh điển) (3) pitriyajna (dâng rượu lễ lên tổ tiên) (4) nriyajna (nuôi người đói rét) và (5) bhutayajna (nuôi những con vật thấp hèn). Việc thực hành năm nghi thức này hàng ngày sẽ giúp cho cuộc sống mang chất tâm linh, và tạo nên sự hòa thuận và hài hòa giữa người sống và người đã khuất, cũng như giữa cõi thế tục và thế giới siêu nhiên. Nếp sống vị kỷ sẽ chuyển biến thành nếp sống vị tha. Cá nhân sẽ ý thức được mối quan hệ hỗ tương giữa tất cả chúng sinh.

[3] Ở các quốc gia Tây phương, có nhiều đạo luật bảo vệ súc vật, nhưng thật là mỉa mai khi người da đen ở nhiều nơi vẫn còn bị kỳ thị khinh bỉ, bị đối xử kém cả loài vật trong các đạo luật ”nhân đạo” đó.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x