Trang chủ » Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn II

by Trung Kiên Lê
72 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

( Diễn thuyết tại London, 12 tháng 12, 1896)

Tôi xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện rất xa xưa, trong Chhāndogya Upanishad, về một đứa bé thu hoạch kiến thức như thế nào.

Hình thức câu chuyện thì rất thô thiển, nhưng chúng ta sẽ thấy rằng nó hàm chứa một nguyên lý. Một đứa bé trai nói với mẹ: “Con sẽ nghiên cứu các kinh Veda. Mẹ cho con biết tên của cha và chủng cấp[1] của con”.

Người mẹ không phải là đàn bà có chồng theo hôn thú; và ở Ấn Độ, đứa con của người mẹ không hôn thú bị xem như là đồ bỏ đi; nó không được xã hội công nhận trong hệ thống chủng cấp, và không có quyền nghiên cứu kinh Veda.

Bởi vậy, người mẹ đáng thương kia bảo: “Con à, mẹ không biết đến họ của mình. Mẹ đã quen phục dịch người khác. Mẹ sinh con khi đang dọn dẹp nhà cửa cho người ta. Mẹ không biết cha con là ai. Nhưng tên mẹ là Jabalā, và tên con là Satyakāma”.

Đứa bé bèn tìm đến một nhà hiền triết và xin được làm đệ tử. Nhà hiền triết mới hỏi: “Cha con tên gì và con thuộc chủng cấp nào?”. Đứa bé lặp lại lời mẹ nó nói. Nhà hiền triết liền bảo: “Chỉ có tu sĩ Brahmin mới có thể nói sự thật về mình.

Con là một Brahmin, và ta sẽ dạy cho con. Con đã không đi chệch khỏi chân lý”. Bởi vậy, ông ta giữ đứa bé lại và dạy dỗ nó. Bây giờ chúng ta đến với những phương pháp giáo dục đặc biệt trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Vị thầy bèn sai Satyakāma dắt bốn trăm con bò gầy gò, ốm yếu vào rừng để chăm sóc.

Đứa bé vào rừng và sống ở đó một thời gian. Người thầy dặn khi nào số bò tăng lên đến một ngàn con thì hãy quay về. Vài năm sau, một hôm Satyakāma nghe con bò đực to lớn trong bầy nói với mình: “Bây giờ chúng ta đã lên tới một ngàn con, hãy dẫn chúng ta về với vị đạo sư của ngươi đi.

Ta sẽ dạy cho ngươi đôi điều về Brahman”. Satyakāma nói: “Xin ngài hãy nói” Con bò bèn nói: “Phương Đông là một phần của đấng Chúa Tể; các phương Tây, Nam, Bắc cũng vậy. Bốn phương là bốn phần của Brahman. Lửa sẽ dạy cho ngươi đôi điều về Brahman”.

Thuở đó, lửa là biểu tượng vĩ đại, và bất kỳ người tầm sư học đạo nào cũng phải giữ gìn ngọn lửa thiêng và dâng lễ vật để cúng lửa. Ngày hôm sau, Satyakāma lên đường quay về nhà người thầy, đến chiều thì nó sửa soạn lễ vật để dâng cúng ngọn lửa.

Satyakāma ngồi kề bên ngọn lửa, và nghe một tiếng nói cất lên từ ngọn lửa: “Này Satyakāma!”. Satyakāma vội nói: “Hỡi đấng Chúa Tể, xin Ngài hãy nói”. (Chắc các bạn nhớ đến một chuyện tương tự trong Cựu Ước, Samuel đã nghe ra tiếng nói bí ẩn như thế nào).

“Này Satyakāma, ta đến để dạy cho ngươi đôi điều về Brahman. Trái đất này là một phần của Brahman. Cả bầu trời cùng các cõi trời cũng là một phần của Nó. Đại dương là một phần của Brahman”.

Rồi ngọn lửa lại bảo có một con chim có thể dạy cho Satyakāma đôi điều khác. Satyakāma bèn tiếp tục cuộc hành trình.

Đến chiều hôm sau, khi đứa bé chuẩn bị lễ vật dâng cúng ngọn lửa thì một con thiên nga bay đến và bảo: “Ta sẽ dạy cho ngươi đôi điều về Brahman. Ngọn lửa mà ngươi đang thờ cúng, này Satyakāma, là một phần của Brahman. Mặt trời, mặt trăng, sấm chớp cũng là một phần của Brahman. Một con chim tên là Mangu sẽ nói cho ngươi nghe về Nó”.

Chiều hôm sau, con chim đó bay đến, và Satyakāma lại nghe một giọng điệu tương tự: “Ta sẽ dạy cho ngươi đôi điều về Brahman. Hơi thở là một phần của Brahman, mắt nhìn, tai nghe và tâm trí cũng đều là một phần của Brahman”.

Rồi đứa bé về đến nhà thầy, và kính cẩn ra mắt thầy theo lễ nghi quy định.

Vừa thấy môn đồ, vị hiền triết kia liền nói: – Này Satyakāma, gương mặt con rạng ngời như gương mặt của một người biết được Brahman! Ai đã dạy con điều đó? Satyakāma đáp: – Những sinh vật không phải là người, nhưng con mong ước được thầy chỉ dạy, thưa sư phụ.

Bởi vì con đã từng nghe những người như sư phụ nói rằng chỉ có tri thức học hỏi được từ một guru mới dẫn đến cảnh giới tối thiện được. Vị hiền triết bèn dạy cho đưa bé những điều ông tiếp thu được từ người khác. “Không có gì bị bỏ sót, vâng, không có gì bị bỏ sót”.

Bây giờ, bỏ qua những ẩn dụ từ lời dạy của con bò, ngọn lửa và những con chim, chúng ta thấy được xu hướng của tư tưởng thời bấy giờ. Ở đây, ta thấy được mầm mống tế vi của một tư tưởng lớn, đó là: tất cả những tiếng nói đó đều ở bên trong chúng ta.

Khi thấu hiểu chân lý hơn, chúng ta thấy rằng tiếng nói nằm ngay trong tâm chúng ta, và người tầm sư học đạo hiểu rằng lúc nào anh ta cũng nghe chân lý, nhưng cách giải thích của anh ta lại không đúng. Anh ta giải thích rằng tiếng nói đó đến từ thế giới bên ngoài, trong khi nó luôn ở trong tâm mình.

Ý tưởng thứ hai mà chúng ta rút ra từ câu chuyện này là cách biến tri thức về Brahman trở nên thực tiễn. Thế giới này luôn tìm kiếm những khả năng thực tiễn của tôn giáo; và chúng ta thấy, trong những câu chuyện này, tư tưởng đó trở nên ngày càng thực tiễn trong đời sống hàng ngày như thế nào rồi.

Chân lý được chứng minh thông qua tất cả những sự vật mà tất cả các nhà tầm sư học đạo đều quen thuộc. Ngọn lửa mà họ thờ cúng là một phần của Brahman, trái đất là một phần của Brahman, v.v… Câu chuyện tiếp theo đây là câu chuyện của Upakośala Kamalāyana, một môn đồ của Satyakāma này.

Upakośala Kamalāyana tìm đến Satyakāma để học đạo và sống với vị này một thời gian. Lúc bấy giờ, Satyakāma đang vân du, và người môn đồ tầm sư học đạo thấy lòng trĩu nặng.

Người vợ của Satyakāma trở về, hỏi Upakośala vì sao không ăn, cậu bé đáp: – Con đau buồn quá nên chẳng muốn ăn. Lập tức từ ngọn lửa mà đứa bé đang thờ cúng vọng lên tiếng nói: – Cuộc sống này là Brahman, Brahman là ākāśa, Brahman là lạc phúc.

Hãy nhận biết Brahman. Đứa bé đáp: – Thưa ngài, con biết cuộc sống này là Brahman, nhưng Nó là ākāśa và lạc phúc thì con không biết. Ngọn lửa bèn giảng giải hai danh từ ākāśa và lạc phúc đều có chung một nghĩa trên thực tế, đó là Trí Thông Minh Thuần Khiết ngự trị trong tâm hồn.

Thế đó, ngọn lửa dạy cho Upakośala biết Brahman là cuộc sống, là ākāśa trong tâm. Rồi ngọn lửa dạy tiếp: – Trái đất này, thức ăn này, lửa và mặt trời này mà người đang sùng bái đều là những hình thể của Brahman. Đấng hiển lộ trong mặt trời – Ta là Ngài.

Kẻ nào biết được điều này và trầm tư về Ngài thì mọi tội lỗi sẽ được tiêu trừ, người đó sẽ sống đời đời trong lạc phúc. Đấng sống ở bốn phương, trên mặt trời và trăng sao – Ta là Ngài. Đấng sống trong đời này, sống trong ākāśa, các cõi trời và trong tia sấm chớp – Ta là Ngài.

Tại đây, ta thấy quan niệm tương tự về tôn giáo thực tiễn. Những sự vật mà họ sùng bái như lửa, mặt trời, mặt trăng, v.v… và tiếng nói quen thuộc đó đã tạo nên chủ đề của những câu chuyện đã giải thích chúng và đem lại cho chúng một ý nghĩa cao hơn.

Và đây là khía cạnh thực tiễn, chân thực của triết học Vedānta. Nó không phá hủy, mà giải thích, thế giới; nó không phá hủy, mà giải thích, con người; nó không phá hủy, mà giải thích, bản sắc cá nhân bằng cách trưng ra một bản sắc cá nhân thực sự.

Nó không chứng minh rằng thế giới này là hư ảo và không tồn tại, mà nó nói rằng: “Hãy hiểu thế giới này là gì, để nó khỏi làm tổn thương các bạn”.

Tiếng nói đó không bảo Satyakāma rằng ngọn lửa mà anh ta đang sùng bái, hay mặt trời, mặt trăng, hay tia sấm chớp hay bất kỳ thứ gì khác là sai; mà nó chứng minh cho Satyakāma thấy cái Tinh Thần chung đang ngự trị trong mặt trời, mặt trăng, trong tia sấm chớp hay lửa và đất cũng chính là Tinh Thần đang ngự trị trong tâm anh ta; do đó, có thể nói là muôn vật đều biến đổi dưới đôi mắt Satyakāma.

Ngọn lửa trước đây chỉ là một ngọn lửa vật chất để làm lễ hiến tế, giờ đây đã mang một dáng vẻ khác và trở thành đấng Chúa Tể.

Trái đất biến đổi, cuộc sống biến đổi, mặt trời, mặt trăng, tinh tú biến đổi, sấm chớp biến đổi, tất cả vạn sự đều biến đổi và trở nên linh thiêng. Thực tính của chúng được nhận biết.

Chủ đề của triết học Vedānta là kiến chiếu được Thượng Đế trong muôn vật, thấy được muôn vật trong thực tính của chúng, chứ không phải theo hình tướng bề ngoài. Một bài học trong Upanishad: “Đấng chiếu sáng qua đôi mắt là Brahman; Ngài là đấng Mỹ Lệ, Kiều Diễm, Ngài là đấng tỏa sáng.

Ngài chiếu sáng muôn vật trong tất cả các thế giới”.

Luồng ánh sáng đặc dị khác đến với người thuần tịnh, theo lời một nhà phê bình, là muốn nói đến luồng ánh sáng chiếu sáng từ đôi mắt, và người ta bảo rằng khi một người giữ tâm thuần tịnh thì ánh sáng đó sẽ tỏa sáng từ đôi mắt, và ánh sáng đó thực sự thuộc về Linh Hồn vô sở bất tại ở bên trong.

Đó cũng chính là ánh sáng chiếu sáng cho mặt trời, mặt trăng, và muôn vì tinh tú. Bây giờ tôi sẽ đọc cho các bạn nghe một số giáo lý của các cổ thư Upanishad về lẽ tử sinh.

Có lẽ các bạn sẽ thấy lý thú. Śvetaketu đến kinh đô Panchālas để yết kiến nhà vua, và nhà vua hỏi: – Ngươi có biết con người chết rồi đi về đâu không? Ngươi có biết họ quay về cõi đời này như thế nào không? Ngươi có biết vì sao trái đất này không đầy mà không trống rỗng không? Śvetaketu trả lời là mình không biết gì cả.

Thế là Śvetaketu quay về gặp cha, và hỏi lại những câu hỏi đó. Người cha đáp: – Cha cũng không biết. Thế rồi hai cha con cùng đến yết kiến nhà vua.

Nhà vua trả lời rằng những điều bí ẩn đó ngay cả giới tăng lữ cũng không bao giờ biết được, mà chỉ có những vị vua mới biết với nhau thôi, cho nên các vị vua mới trị vì thiên hạ. Cả hai cha con đều dốc sức phục vụ nhà vua và cuối cùng nhà vua bảo rằng ông ta muốn dạy cho họ.

Đức vua bảo: – Này Gautama, có một thế giới khác là lửa. Mặt trời là nhiên liệu của nó, các tia sáng là khói của nó, ngày là ánh lửa của nó, mặt trăng là than hồng của nó, tinh tú là tia lửa của nó. Trong ngọn lửa này, chư thần rót rượu cúng, và đức vua Soma ra đời từ rượu cúng đó.

Ngươi không cần rót rượu cúng cho ngọn lửa nhỏ bé đó; cả thế giới này là một ngọn lửa, và rượu cúng này, nghi thức sùng bái này vẫn cứ tiếp tục diễn ra như thế. Chư thần, chư thiên, và tất cả mọi người đều sùng bái nó. Con người là biểu tượng lửa vĩ đại nhất – thể xác con người.

Ở đây, chúng ta xem lý tưởng này trở thành thực tiễn như thế nào. Brahman hiện hữu trong muôn vật.

Nguyên lý chạy ngầm bên dưới của tất cả những câu chuyện này là như vầy: thuyết biểu tượng được phát minh có thể tốt và có ích, nhưng đã tồn tại sẵn những biểu tượng tốt hơn bất kỳ biểu tượng nào mà chúng ta phát minh ra.

Các bạn có thể phát minh ra một hình ảnh để dùng nó mà thờ Thượng Đế, nhưng đã có sẵn một hình ảnh tốt hơn rồi – đó là con người sống. Các bạn có thể dựng lên một đền thờ để dùng nó mà thờ Thượng Đế, điều đó có thể tốt đẹp, nhưng đã có sẵn một đền thờ tốt hơn rồi – đó là thể xác con người.

Các bạn nên nhớ rằng triết học Vedānta có hai phần: phần nghi lễ và phần kiến thức. Theo thời gian, nghi lễ ngày càng phát triển và trở nên rối rắm đến mức khó lòng mà gỡ rối được nó; do đó, trong các Upanishad, chúng ta thấy rằng nghi lễ hầu như dần biến mất đi, nhưng có thêm được ý nghĩa thâm huyền hơn.

Chúng ta thấy rằng trong thời cổ đại, con người đã có nghi thức rót rượu cúng tế; rồi các triết gia xuất hiện, thay vì giật lấy những biểu tượng đó khỏi tay của những người dân ngu dốt, thay vì giữ một vị trí tiêu cực – mà không may là chúng ta thường thấy rất nhiều trong những phong trào cải cách hiện đại – thì họ gán cho những biểu tượng một cái gì đó để đảm nhận vai trò của chúng.

“Đây là biểu tượng của lửa”, họ bảo, “Tốt lắm! Nhưng đây là một biểu tượng khác: đất. Thật là một biểu tượng vĩ đại, hoành tráng! Đây là một đền thờ nhỏ bé, nhưng cả vũ trụ này là một đền thờ, con người có thể thờ cúng ở bất cứ nơi đâu.

Con người dựng lên một số tế đàn, nhưng có một tế đàn vĩ đại nhất trong các tế đàn, đó là thể xác con người có ý thức và sinh động; và cúng tế ở tế đàn này có ý nghĩa sâu xa hơn sùng bái bất kỳ một biểu tượng chết nào”.

Bây giờ chúng ta đến với một giáo lý đặc thù. Bản thân tôi cũng không hiểu nhiều về nó. Tôi sẽ mô tả nó với các bạn, và xem thử các bạn có thể tiếp thu được một chút gì từ đó hay không.

Một người khi chết, nếu nhờ công phu trầm tư thiền quán mà tâm được thuần tịnh và có được tri thức thì trước tiên sẽ đi vào cõi sáng; rồi từ cõi sáng đó anh ta đi vào cõi ngày; từ cõi ngày đi vào cõi nửa sáng của mặt trăng, từ cõi nửa sáng của mặt trăng đi vào cõi sáu tháng khi mặt trời đi về phương bắc; từ cõi đó đi vào cõi năm; từ cõi năm đi vào mặt trời; từ mặt trời đi vào mặt trăng; từ mặt trăng đi vào cõi sáng; và khi đi đến tinh cầu của ánh sáng, anh ta sẽ gặp một sinh thể không phải là người và sinh thể đó dẫn anh ta đến với Brahman.

Đó là Con Đường của Chư Thiên. Còn các nhà hiền triết và các học giả khi chết đi, họ sẽ đi theo con đường đó và không quay về. Năm tháng này cùng tất cả những thứ này có nghĩa là gì, không một ai hiểu rõ. Mỗi người giải thích theo một kiểu, và có người cho rằng những thứ đó hoàn toàn vô nghĩa.

Đi vào thế giới mặt trời, mặt trăng, và sinh thể đi theo để giúp đỡ linh hồn đi vào cõi sáng có nghĩa là gì, cũng không một ai biết. Người Ấn cho rằng mặt trăng là nơi có sự sống, và chúng ta sẽ xem thử sự sống đến từ nơi đó như thế nào.

Những người không đạt đến trình độ hiểu biết, nhưng bình sinh đã làm nhiều điều thiện thì khi chết đi, họ sẽ đi ngang qua khói, rồi đi vào bóng đêm, từ bóng đêm họ đi vào cõi mười lăm ngày tăm tối, sau đó đi tiếp vào cõi sáu tháng, khi mặt trời đi về phương bắc; từ đó họ đi đến vùng đất của tổ tiên, rồi đi tiếp vào cõi ākāśa, rồi đi vào tinh cầu mặt trăng; tại đây họ biến thành thức ăn cho chư thần, rồi tái sinh thành chư thần, và hưởng thọ lạc phúc tùy theo công đức đã tạo.

Cái này được gọi là Con Đường của Tổ Tiên. Khi quả phúc đã mãn phần, họ quay về lại thế gian cũng theo con đường đó. Trước tiên, họ rơi xuống đất như là những giọt mưa, thấm vào trong thức ăn, bị con người ăn và cuối cùng biến thành con cái loài người.

Những ai thuở bình sinh làm điều thiện sẽ được sinh vào những nhà quyền quý, còn ai thuở bình sinh làm điều ác sẽ bị sinh vào những nhà hạ tiện hoặc đầu thai làm cầm thú. Cầm thú lại tiếp tục tiến hóa lên cao và thoát khỏi trái đất.

Còn những kẻ nào không đi theo Con Đường của Chư Thiên cũng không đi theo Con Đường của Tổ Tiên – tức những người tạo nên ác nghiệp – sẽ biến thành côn trùng, sinh ta rồi lại chết đi ngay. Đó là lý do vì sao trái đất không đầy mà cũng không trống rỗng.

Từ thuyết này, ta có thể rút ra được một vài ý tưởng, có lẽ sau này chúng ta sẽ hiểu nó rõ hơn; và chúng ta có thể suy ngẫm một chút về ý nghĩa của nó.

Phần sau cùng – phần đề cập đến những người quay về cõi trời – có lẽ rõ ràng hơn phần đầu; nhưng toàn bộ ý tưởng dường như là thế này: không có thiên đàng vĩnh cửu nếu không thực chứng được Thượng Đế.

Giờ đây, một số người không thực chứng được Thượng Đế, nhưng bình sinh làm điều thiện để cầu phúc thì, khi chết đi, họ sẽ đi qua các vùng này cõi nọ, để cuối cùng đến được thiên đàng; ở đó họ cũng được sinh ra theo cách của chúng ta ở trần gian để làm con của chư thần, và họ sống ở cõi đó để hưởng lạc phúc lâu hay mau tùy theo công đức.

Từ thuyết này đã phát sinh một quan niệm cơ bản của triết học Vedānta, đó là tất cả những sự vật có danh tướng (tên gọi và hình tướng) đều phù du.

Trái đất phù du vì có danh tướng, các cõi trời cũng phù du vì cũng có danh tướng. Một cõi trời hằng cửu là điều mâu thuẫn trong thuật ngữ, vì bất cứ sự vật nào có danh tướng đều phải khởi đầu trong thời gian, tồn tại trong thời gian, và kết thúc trong thời gian.

Đây là những giáo lý bất di bất dịch của triết học Vedānta, và những cõi trời như vậy đều bị từ bỏ. Chúng ta đã thấy, trong các cổ thư Samhitā, một quan niệm về thiên đàng vĩnh cửu − ý tưởng tương tự như vậy cũng rất phổ biến đối với những tín đồ Hồi giáo hay Cơ Đốc giáo.

Các tín đồ Hồi giáo ít nhiều đã cụ thể hóa cõi thiên đàng này. Họ hình dung đó là một cung điện có những khu vườn và dòng sông chảy bên dưới. Trong sa mạc xứ Á Rập, nước là thứ quý hiếm, cho nên các tín đồ Hồi giáo luôn hình dung thiên đàng của họ có rất nhiều nước.

Tôi sinh ra tại một đất nước mỗi năm có đến sáu tháng mưa. Giả sử phải hình dung ra một thiên đàng thì tôi hình dung đó là một nơi khô ráo, có lẽ người Anh cũng vậy[2].

Các cõi trời trong các cổ thư Samhitā là thường hằng, vĩnh cửu, những người chết lên đến cõi đó đều có thân thể xinh đẹp, sống mãi với cha mẹ tổ tiên trong lạc phúc đời đời. Ở đó, họ gặp lại cha mẹ, con cái cùng những thân bằng quyến thuộc, cũng sống cuộc đời như ở trần gian, chỉ khác là hạnh phúc nhiều hơn.

Tất cả những thứ gây khó khăn, cản trở cho hạnh phúc đều tan biến hết, chỉ còn lại những điều tốt đẹp và lạc thú. Tuy nhiên, một số nhân loại thích sống thoải mái lại xem xét tình trạng này, vì chân lý là một chuyện, còn tiện nghi thoải mái là một chuyện khác.

Có những trường hợp, chân lý không hề dễ chịu cho đến khi ta đạt tới cực đỉnh. Bản tính con người vốn bảo thủ. Khi làm một điều gì đó, mà đã làm xong thì họ khó lòng dứt ra. Tâm trí sẽ không đón nhận những tư tưởng mới, bởi vì những tư tưởng đó gây khó chịu.

Trong các Upanishad, ta thấy diễn ra một cuộc ly khai đáng kinh ngạc. Người ta tuyên bố rằng các cõi trời, mà nơi đó con người sống với tổ tiên sau khi chết, đều không trường cửu; bởi vì bất cứ sự vật gì có danh tướng đều phải hoại diệt.

Nếu có các cõi trời mang hình tướng thì các cõi trời đó đều phải bị hoại diệt theo thời gian; chúng có thể tồn tại hàng triệu năm, nhưng cuối cùng cũng phải mất đi.

Cùng với quan niệm này đã nảy sinh một quan niệm khác: những linh hồn đó phải quay về lại trần gian, và các cõi trời là nơi họ hưởng thụ lạc phúc do thiện quả, và sau khi mãn phần, họ phải quay về lại với kiếp sống ở trần gian. Từ thuyết này có một điểm rất rõ ràng: con người đã nhận thức được triết lý nhân quả từ rất sớm.

Về sau, chúng ta mới thấy các triết gia giới thiệu nó bằng ngôn ngữ triết học và lý luận, nhưng ở nơi đây, nó hầu như nằm trong ngôn ngữ của trẻ con. Khi đọc các cổ thư này, các bạn hãy lưu ý một điều: tất cả những nhận thức này đều xuất phát từ thế giới nội tâm.

Nếu các bạn hỏi tôi tất cả những điều này có thực tiễn hay không thì tôi xin trả lời: thực tiễn trước, triết lý sau. Các bạn có thể thấy rằng tất cả những điều này được nhận thức, được thực chứng rồi sau đó mới được ghi lại thành kinh văn.

Thế giới này trò chuyện với những triết gia nguyên thủy. Chim chóc trò chuyện cùng họ, muông thú trò chuyện cùng họ, và mặt trời, mặt trăng trò chuyện cùng họ; dần dần họ thực chứng được sự vật, và đi vào trái tim của thế giới tự nhiên.

Không phải bằng nhận thức theo khái niệm, không phải bằng sức mạnh lý luận, cũng không phải bằng cách cóp nhặt tim óc của kẻ khác để viết thành những cuốn sách đồ sộ – theo cách thức của thời hiện đại, thậm chí cũng không phải bằng cách như tôi đang làm là chọn ra một số bài trong đó để thuyết trình tràng giang đại hải; mà họ đã tìm ra chân lý bằng sự khảo cứu và khám phá đầy kiên nhẫn.

Phương pháp cốt yếu của họ là tính thực tiễn, do đó nó phải luôn luôn mang tính thực tiễn. Tôn giáo vẫn luôn là một khoa học thực tiễn; không có và sẽ không bao giờ có một tôn giáo mang tính lý thuyết. Thực tiễn trước, tri thức sau. Quan niệm linh hồn tái sinh vào cõi thế đã có sẵn rồi.

Những người làm việc thiện chấp nhận quan niệm này, nhưng thiện quả không kéo dài mãi mãi. Ở đó, chúng ta thấy quan niệm nhân quả được đề xướng rất là khéo léo, đó là: quả chỉ tương ứng với nhân. Nhân nào, quả nấy. Nhân hữu hạn thì quả cũng hữu hạn.

Nếu nhân vô biên thì quả sẽ vô biên; nhưng tất cả các nhân, dù là làm điều thiện hay mọi điều khác, cũng chỉ là những nhân hữu hạn, nên không bao giờ có thể sinh ra quả vô biên được. Bây giờ chúng ta đến với một khía cạnh khác của vấn đề.

Bởi vì không có thiên đàng vĩnh viễn nên, cũng theo lý luận đó, không thể có địa ngục đời đời. Giả sử tôi là người vô cùng tàn ác, bình sinh gây nên không biết bao nhiêu tội lỗi. Nhưng cả cuộc đời của tôi ở trần gian này, so với đời sống vĩnh cửu của tôi, chẳng là gì cả.

Nếu có sự trừng phạt đời đời thì có nghĩa là có một quả vô biên được tạo ra bởi một nhân hữu hạn, điều này hoàn toàn không thể. Nếu tôi cả đời làm việc thiện mà lại không được hưởng một thiên đàng vĩnh cửu thì điều đó hẳn là điều sai lầm tương tự.

Chúng ta đã nói về Con Đường của Chư Thiên và Con Đường của Tổ Tiên. Nhưng còn có một con đường thứ ba áp dụng cho những người đã liễu ngộ và thực chứng được Chân Lý. Đây là con đường duy nhất để vượt qua khỏi tấm màn māyā: thực chứng được thực tính của Chân Lý.

Và các Upanishad chỉ ra thực chứng Chân Lý có nghĩa là gì. Đó là giác ngộ được rằng không có thiện không có ác, mà tất cả đều xuất phát từ Chân Ngã; Chân Ngã hiện hữu trong muôn vật.

Thực chứng Chân Lý có nghĩa là phủ nhận vũ trụ; nhắm mắt lại trước vũ trụ; thấy được Thượng Đế nơi địa ngục cũng như tại thiên đàng, thấy được Thượng Đế trong cái chết cũng như trong sự sống. Đó là một dòng tư tưởng trong đoạn kinh văn mà tôi đã đọc cho các bạn nghe.

Trái đất này là biểu tượng của đấng Chúa Tể, bầu trời kia là đấng Chúa Tể, muôn vật là Brahman. Và điều này phải được quán chiếu, được thực chứng, chứ không phải để tư duy hay luận bàn suông.

Chúng ta có thể thấy rằng – như một kết quả lý luận – khi một linh hồn đã thực chứng được muôn vật đều ngập tràn đấng Chúa Tể, ngập tràn Brahman thì nó sẽ không quan tâm đến chuyện lên thiên đàng hay xuống địa ngục, hay đi tới bất kỳ nơi đâu; mà cũng chẳng quan tâm đến chuyện sẽ tái sinh lại ở trần gian hay thác sinh lên các cõi trời.

Những điều này này không còn ý nghĩa gì nữa đối với linh hồn ấy, bởi vì mọi nơi chốn đều bình đẳng như nhau, đâu đâu cũng là đền thờ đấng Chúa Tể, đâu đâu cũng linh thiêng, và nó thấy đấng Chúa Tể toàn nhiên phổ hiện trên thiên đàng hay địa ngục, hay ở bất cứ nơi đâu. Không có thiện ác, chẳng có tử sinh – chỉ có Brahman vô biên tồn tại.

Theo triết học Vedānta, khi một người nhận thức được rằng mình đã giải thoát thì chỉ người đó mới xứng đáng sống trong thế gian này.

Những người khác thì không. Người nào còn thấy có tội ác – làm sao anh ta có thể sống được nơi thế gian này? Cuộc đời anh ta đầy khổ não. Kẻ nào còn thấy những sự hiểm nguy thì đời là cảnh khốn khổ, kẻ nào còn thấy cái chết thì đời là cảnh khốn khổ.

Người duy nhất có thể sống trong thế gian này, người duy nhất có thể nói: “Tôi thưởng ngoạn cuộc đời này, tôi hạnh phúc trong cuộc đời này”, đó là người đã thấy được Chân Lý.

Và Chân Lý hiện hữu trong muôn vật. Từng bước một, tôi có thể nói với các bạn rằng quan niệm về địa ngục không hề xuất hiện ở bất cứ nơi nào trong triết học Vedānta.

Nó xuất hiện cùng với các Purāna rất muộn về sau. Sự trừng phạt nặng nề nhất, theo triết học Vedānta, là đầu thai trở lại trần gian, sống thêm một lần nữa trong cõi đời này.

Ngay từ đầu, ta đã thấy quan niệm đó tạo một bước đảo ngược về phi nhân thể. Những quan niệm về thưởng phạt mang quá nặng yếu tố vật chất, chúng chỉ hợp với quan niệm về một Thượng Đế như con người, biết yêu ghét như con người.

Thưởng phạt chỉ có thể chấp nhận được với sự tồn tại của một Thượng Đế như thế. Các Samhitā quan niệm một Thượng Đế như vậy đó, và trong đó ta thấy ý tưởng sợ hãi đã len lỏi vào, nhưng đến các Upanishad thì những ý tưởng sợ hãi đều tan biến hết, và thay vào đó là những quan niệm phi nhân thể.

Dĩ nhiên quan niệm phi nhân thể đó là điều khó hiểu nhất đối với con người, bởi vì họ luôn bám vào hình ảnh con người.

Những người được xem là những tư tưởng gia vĩ đại đều cảm thấy kinh tởm quan niệm về Thượng Đế Phi Nhân Thể. Nhưng đối với tôi thì thấy thật vô lý khi quan niệm một Thượng Đế được thể hiện như một con người.

Quan niệm nào cao cả hơn: một Thượng Đế sống hay một Thượng Đế chết? Một Thượng Đế không một ai thấy, chẳng một ai hay, hay một Thượng Đế được nhận biết? Thượng Đế Phi Nhân Thể là một Thượng Đế sinh động, một Nguyên Lý.

Sự khác biệt giữa một Thượng Đế Nhân Thể với một Thượng Đế Phi Nhân Thể là thế này: Thượng Đế Nhân Thể chỉ là một con người, còn Thượng Đế Phi Nhân Thể có thể là con người, con vật, hoặc một cái gì đó khác nữa, mà chúng ta không thể nhìn thấy, bởi vì phi nhân thể bao hàm cả nhân thể, nó là tổng số của tất cả những sự vật trong vũ trụ, và cả những sự vật vô biên vô tận khác nữa.

“Khi ngọn lửa duy nhất đến thế gian này, nó tự hiển lộ trong nhiều hình tướng, và còn hiển lộ trong vô biên vô tận hình tướng khác nữa” – Thượng Đế Phi Nhân Thể cũng vậy. Chúng ta cần phải sùng bái một Thượng Đế sống.

Suốt cuộc đời, tôi chưa hề thấy một cái gì khác ngoài Thượng Đế, các bạn cũng vậy. Để nhìn thấy được cái ghế này thì trước hết các bạn nhìn thấy Thượng Đế, rồi mới thấy cái ghế trong Ngài và qua Ngài. Ngài toàn nhiên phổ hiện và nói “Ta hiện hữu”.

Giây phút mà các bạn cảm nhận được “Ta hiện hữu” tức các bạn ý thức được Cái Tồn Tại.

Ta sẽ đi đâu để tìm Thượng Đế, nếu như chúng ta không thể thấy được Ngài trong tận cùng sâu thẳm tâm hồn mình, và trong mọi chúng sinh?

“Ngài là đàn ông, Ngài là đàn bà; Ngài là người nam, Ngài là người nữ; Ngài là ông lão đang mò mẫm với cây gậy chống; Ngài là chàng trai đang bước đi với niềm kiêu hãnh vì tuổi trẻ của mình: Ngài là tất cả những gì tồn tại” – đó là một Thượng Đế sinh động một cách kỳ diệu, là sự kiện duy nhất trong vũ trụ này.

Đối với nhiều người thì điều này tựa hồ như mâu thuẫn với một Thượng Đế theo truyền thống, sống ở đâu đó sau một tấm màn che và không một ai nhìn thấy.

Giới tăng lữ chỉ đảm bảo được cho chúng ta rằng nếu ta làm theo họ, lắng nghe theo những lời răn đe của họ, và đi theo con đường mà họ đã vạch sẵn, thì khi chúng ta chết đi, họ sẽ cấp cho chúng ta tấm giấy thông hành để có thể hội kiến được Thượng Đế!

Tất cả những ý tưởng về thiên đàng đó là gì, nếu chẳng phải là điều bịa đặt của cái nghề đi tu vô nghĩa? Dĩ nhiên, ý tưởng về một Thượng Đế Phi Nhân Thể thì bất khả hoại diệt, nó lấy đi tất cả mọi chuyện kinh doanh đổi chác từ giới tăng lữ, giáo hội và những đền thờ.

Ở Ấn Độ hiện nay đang có một nạn đói lớn, nhưng có những ngôi đền mà trong mỗi ngôi lại có số ngọc ngà châu báu sánh ngang với cống phẩm của một ông vua! Nếu giới tăng lữ mà giảng thuyết về vị Thượng Đế Phi Nhân Thể này thì nghề nghiệp họ cũng đi đứt.

Tuy nhiên, chúng ta phải dạy điều này một cách vị tha, mà không hành nghề tu sĩ. Các bạn là Thượng Đế, và tôi cũng vậy. Ai tuân phục ai? Ai sùng bái ai?

Các bạn là ngôi đền thờ Thượng Đế cao cả nhất; tôi thà sùng bái các bạn còn hơn là sùng bái bất cứ một ngôi đền nào, bất cứ ảnh tượng hay cuốn Kinh Thánh nào. Vì sao một số người lại mâu thuẫn với tư tưởng của chính họ? Họ như những con cá trườn qua ngón tay ta.

Họ bảo họ là những người thực tiễn cứng đầu. Tốt lắm. Nhưng có gì thực tiễn hơn việc sùng bái các bạn, ở chính nơi đây? Tôi nhìn thấy các bạn, tôi cảm nhận được các bạn, các bạn chính là Thượng Đế. Tín đồ Hồi giáo cho rằng không có Thượng Đế nào khác ngoài đấng Allah.

Triết học Vedānta bảo rằng không có gì khác ngoài Thượng Đế. Điều đó có thể khiến nhiều bạn sợ hãi, nhưng các bạn sẽ hiểu nó từ từ. Vị Thượng Đế sống động đang ở trong tâm hồn các bạn, vậy mà các bạn còn xây dựng nhà thờ, đền thờ và tin vào những điều vô nghĩa bằng hình tượng đó.

Vị Thượng Đế duy nhất cần sùng bái là linh hồn con người trong thể xác con người. Loài vật, dĩ nhiên, cũng là những đền thờ, nhưng con người là đền thờ cao cả nhất, vĩ đại nhất trong tất cả các đền thờ. Nếu tôi không thể sùng bái trong ngôi đền đó thì sẽ không có một ngôi đền nào thuận lợi hơn.

Giây phút mà tôi thực chứng được Thượng Đế đang ngự trị trong ngôi đền thể xác của từng người, giây phút mà tôi kính cẩn đứng trang nghiêm trước mỗi con người và thấy Thượng Đế nơi họ – thì chính trong giây phút đó, tôi thoát khỏi ràng buộc, mọi thứ trói buộc tôi đều tan biến và tôi được giải thoát.

Đây là sự sùng bái thực tiễn nhất trong mọi sự sùng bái, nó không liên quan gì đến lý luận hay tư biện. Thế nhưng nó làm nhiều bạn kinh hãi.

Họ nói rằng điều đó không đúng. Họ tiếp tục lý luận về những lý tưởng xưa cũ mà tổ tiên đã nói cho họ nghe, rằng có một vị Thượng Đế sống đâu đó ở trên trời bảo rằng ông ta chính là Thượng Đế. Kể từ lúc đó, chúng ta chỉ còn lý thuyết suông.

Đối với những người này thì điều đó mới là thực tiễn, còn những quan niệm của chúng ta lại không thực tiễn! Rõ ràng triết học Vedānta nói rằng mỗi người đều phải có con đường đi riêng biệt của mình, nhưng con đường đó không phải là mục tiêu.

Sùng bái Thượng Đế trên thiên đàng cùng tất cả những quan niệm này không phải là không phải tốt, nhưng chúng chỉ là những bậc cấp dẫn đến Chân Lý chứ không phải là bản thân Chân Lý.

Những điều đó đều tốt đẹp, và một số ý tưởng rất là tuyệt vời, nhưng triết học Vedānta nói tại mọi điểm: “Này các bạn, Đấng mà các bạn sùng bái như một đấng xa lạ thì tôi sùng bái Ngài như là các bạn. Đấng mà các bạn đang sùng bái như một đấng xa lạ và đang đi tìm khắp cả vũ trụ này, đấng đó vẫn luôn ở trong tâm các bạn.

Các bạn đang sống qua Ngài, và Ngài là Chứng Nhân Vĩnh Viễn của vũ trụ này”. Ngài là Đấng mà tất cả các kinh Veda đều sùng bái, không, còn hơn thế nữa, Đấng luôn hiện hữu trong cái “Tôi” vĩnh cửu này, Đấng hiện hữu trong toàn thể vũ trụ.

Ngài là ánh sáng và cuộc sống của cả vũ trụ này. Nếu cái “Tôi” không hiện hữu trong các bạn thì các bạn sẽ không nhìn thấy được mặt trời; tất cả sẽ chìm trong bóng tối, nhờ Ngài tỏa sáng mà các bạn mới thấy được thế giới này.

Ý kiến phản bác thường là vầy: thuyết này sẽ dẫn đến vô số khó khăn. Mỗi người trong chúng ta sẽ nghĩ: “Ta là Thượng Đế, bất kỳ hành vi hay ý nghĩ nào của ta cũng đều tốt đẹp, vì Thượng Đế thì không thể nào làm điều ác được”.

Trước hết, dù có mặc nhiên chấp nhận nguy cơ hiểu sai, thì liệu có thể chứng minh được rằng mặt kia của cùng mối nguy cơ đó không tồn tại? Lâu nay, họ sùng bái một Thượng Đế trên thiên đàng khác biệt với họ, vị Thượng Đế mà họ vô cùng kính sợ.

Lâu nay họ đang sợ run lẩy bẩy, và cả cuộc đời họ vẫn tiếp tục run lẩy bẩy.

Thuyết này có làm cho thế giới tốt đẹp hơn chăng? Những người hiểu và sùng bái Thượng Đế Nhân Thể cùng những người hiểu và sùng bái Thượng Đế Phi Nhân Thể, bên nào sẽ là những kẻ xây dựng vĩ đại cho cái thế gian này.

Bên nào là những người thợ khổng lồ, những sức mạnh đạo đức khổng lồ? Chắc chắn là những người hiểu và sùng bái Thượng Đế Phi Nhân Thể! Các bạn có thể nào mong đợi đạo đức phát triển từ nỗi sợ hãi? Không bao giờ. “Ở đâu con người nhìn thấy có sự khác biệt, ở đâu con người nghe thấy có sự khác biệt thì đó là māyā.

Khi con người không còn nhìn thấy sự khác biệt, khi con người không còn nghe thấy sự khác biệt, khi muôn vật đã trở thành Ātman thì còn ai thấy ai, còn ai nhận thức được ai?” Tất cả đều là Ngài, và đồng thời tất cả đều là Ta. Linh hồn trở nên thuần tịnh.

Đến khi đó, và chỉ đến khi đó, con người mới hiểu được tình yêu có nghĩa là gì. Tình yêu không thể đến trong sợ hãi, mà nền tảng của nó là tự do. Chỉ khi chúng ta bắt đầu thực sự yêu thương thế giới này thì chúng ta mới hiểu thế nào là tình huynh đệ hay tình nhân loại, chứ không phải trước đó.

Bởi vậy, không đúng khi nói rằng quan niệm Phi Nhân Thể sẽ đem đến vô số điều xấu xa trong thế giới này, làm như giáo lý khác chưa hề tạo nên điều ác, làm như giáo lý khác chưa hề dẫn đến khuynh hướng bè phái khiến cho thế giới bị nhận chìm trong máu và nhân loại xâu xé nhau tơi tả.

“Thượng Đế của tôi là Thượng Đế vĩ đại nhất, chúng ta hãy quyết định điều đó bằng cuộc chém giết tự do”. Đó là hậu quả của thuyết nhị nguyên trên toàn thế giới.

Hãy bước ra giữa cảnh trời lồng lộng ánh dương, hãy tránh khỏi những con đường mòn nhỏ hẹp, bởi vì linh hồn vô biên làm sao có thể chịu sống và chết trong những lối mòn đó được? Hãy bước ra giữa vũ trụ ngập tràn ánh sáng. Muôn vật trong vũ trụ này đều là của các bạn, hãy dang tay ôm choàng lấy nó bằng sự thương yêu.

Nếu các bạn cảm thấy cần phải làm điều đó thì các bạn đã cảm nhận được Thượng Đế rồi. Các bạn nhớ một đoạn kinh trong bài thuyết pháp của Đức Phật. Ngài đã phóng xuất những tư tưởng từ bi đến bốn phương đông, tây, nam, bắc, và trên trời dưới đất, cho đến khi cả vũ trụ này ngập tràn bởi tâm từ bi, vĩ đại và bao la vô tận.

Khi các bạn cảm nhận được điều đó thì các bạn đã có được nhân cách thực sự. Toàn vũ trụ này là một Nhân Thể duy nhất, hãy vất bỏ hết những thứ vụn vặt. Hãy từ bỏ điều vụn vặt để lấy cái Vô Biên, hãy từ bỏ những lạc thú nhỏ mọn để lấy Lạc Phúc Vô Biên.

Tất cả những thứ đó là của các bạn, bởi vì Phi Nhân Thể bao hàm Nhân Thể. Bởi vậy, Thượng Đế vừa là Nhân Thể vừa là Phi Nhân Thể. Và Con Người – Con Người Vô Biên, Phi Nhân Thể – đang hiển lộ tự thân như là nhân thể.

Chúng ta, những Cái Vô Biên, đã tự giới hạn mình – có thể nói như vậy – thành những phần nhỏ bé. Triết học Vedānta nói rằng tự tính con người vốn Vô Biên Vô Tận, nó sẽ không bao giờ tan biến, mà mãi mãi thường trụ.

Nhưng chúng ta tự giới hạn mình bằng karma (nghiệp); nghiệp này giống như sợi xích quấn vào cổ, kéo chúng ta chìm xuống tình trạng giới hạn này. Hãy bẻ gãy xích xiềng để được tự do. Hãy chà đạp quy luật xuống dưới chân ngươi.

Không có quy luật nào trong bản tính con người, không có số phận hay định mệnh. Làm sao có quy luật trong cõi vô biên? Tự do là khẩu hiệu của cõi vô biên. Tự do là bản tính, là quyền thừa kế của cõi vô biên. Hãy tự do, rồi sau đó muốn mang bao nhiêu tính cách tùy thích.

Rồi chúng ta sẽ như một diễn viên đóng vai làm gã ăn mày trên sân khấu. Đối chọi với vai diễn này là hình ảnh gã ăn mày thực sự trên đường phố.

Trong cả hai trường hợp thì cảnh diễn có thể giống nhau, lời nói có thể giống nhau, nhưng lại khác nhau một trời một vực! Một người thì vui với cảnh ăn mày, còn người kia thì chịu đau khổ. Cái gì tạo nên sự khác biệt này? Một người thì tự do, một người bị trói buộc.

Người diễn viên biết cảnh ăn mày của mình là không thực, nhưng anh ta vẫn đảm nhận vai trò đó; còn gã ăn mày thực sự thì nghĩ rằng cảnh ăn mày là thực trạng của mình, và y phải gánh chịu cảnh đó dù muốn hay không; bởi vì đó là quy luật.

Chừng nào chúng ta chưa nhận thức được thực tính của mình thì chúng ta chỉ là những kẻ ăn mày, để cho những sức mạnh trong thế giới tự nhiên đẩy trôi dạt khắp nơi, tự biến mình thành những kẻ nô lệ của tất cả tạo vật.

Chúng ta kêu gào cả thế gian giúp đỡ, nhưng chẳng một ai giúp chúng ta; chúng ta khóc lóc cầu xin những thần linh tưởng tượng, nhưng chẳng một ai đến.

Nhưng chúng ta vẫn cứ hy vọng sẽ được giúp đỡ, và do đó vẫn cứ khóc lóc, kêu gào, vẫn cứ hy vọng, cuộc đời vẫn cứ trôi qua; và cũng vở kịch đó, cũng tấn tuồng đó cứ tiếp tục diễn đi diễn lại. Hãy tự do; đừng có hy vọng điều gì từ bất cứ ai.

Tôi tin chắc nếu quay lại nhìn vào đời mình thì các bạn sẽ thấy rằng các bạn đã hoài công vô ích khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Tất cả sự giúp đỡ đến với các bạn đều đến từ chính thế giới nội tâm của các bạn.

Các bạn chỉ gặt những trái chín mà mình đã bỏ công sức gieo trồng, vậy mà lúc nào các bạn cũng vẫn cứ mong đợi được giúp đỡ, thiệt quá đỗi lạ lùng.

Phòng khách của một đại gia luôn đầy ắp khách khứa; nhưng nếu để ý, các bạn sẽ thấy những người khách đó không giống nhau.

Khách khứa luôn mong đợi sẽ nhận được sự giúp đỡ nào đó từ những người giàu, nhưng không bao giờ có. Đời sống chúng ta cũng trải qua như thế ấy, cứ mong đợi, mong đợi và mong đợi, không bao giờ ngưng. Triết học Vedānta bảo hãy từ bỏ hy vọng, đừng có mong đợi.

Vì sao các bạn phải mong đợi? Các bạn có tất cả, không, các bạn là tất cả. Vậy các bạn còn mong đợi điều gì? Nếu ông vua lên cơn loạn trí, chạy khắp nơi để tìm vị vua của đất nước thì ông ta sẽ không bao giờ tìm thấy, bởi vì ông ta chính là vua rồi.

Ông ta có thể đi qua khắp các làng mạc, thành phố của đất nước mình, sục sạo từng nhà, rồi than khóc, kêu gào nhưng sẽ không bao giờ tìm thấy, bởi vì ông ta chính là vua rồi.

Tốt hơn là nên biết rằng chúng ta là Thượng Đế, và hãy từ bỏ cuộc tìm kiếm Thượng Đế của những kẻ điên rồ; khi biết mình là Thượng Đế, chúng ta sẽ hạnh phúc và mãn nguyện. Hãy từ bỏ những cuộc tìm kiếm điên rồ đó đi, rồi diễn vai trò của mình trong vũ trụ, như một diễn viên trên sân khấu.

Toàn bộ cảnh tượng đều thay đổi, thay vì là một nhà tù vĩnh viễn, thế giới sẽ trở thành một sân chơi; thay vì là nơi giành giật tranh đua, thế giới sẽ trở thành một miền cực lạc, quanh năm luôn là mùa xuân với hoa thơm bướn lượn.

Chính cái thế giới này, trước kia là địa ngục, giờ đây biến thành một thiên đàng. Dưới mắt của người bị trói buộc thì cõi đời này là nơi đày đọa khốn khổ, nhưng dưới mắt của người đã giải thoát thì hoàn toàn ngược lại. Chính cuộc sống là Cuộc Sống Trong Vũ Trụ.

Thiên đàng và các cõi trời đều ở cả nơi đây. Tất cả thần linh – cái gọi là nguyên mẫu của con người – cũng đều ở cả nơi đây.

Thần thánh không tạo ra con người theo hình ảnh của mình, mà chính con người tạo ra thần thánh. Đây là các nguyên mẫu của chư thần, đây là thần Indra, đây là thần Varuna cùng tất cả những vị thần khác trong vũ trụ.

Chúng ta đang phóng chiếu những bản sao nhỏ bé của mình, và là bản gốc của những vị thần này; chúng ta là những vị thần thực sự, những vị thần duy nhất đáng để sùng bái. Đây là quan điểm của triết học Vedānta, là tính thực tiễn của nó.

Khi đã được tự do, chúng ta đâu cần từ bỏ xã hội một cách điên rồ để lao vào chết trong những chốn thâm sơn cùng cốc; chúng ta vẫn ở nơi mình đã ở, chỉ có chúng ta mới hiểu được toàn bộ sự vật. Thế giới hiện tượng vẫn y nguyên như cũ, nhưng mang một ý nghĩa mới.

Chúng ta vẫn chưa biết được thế giới, chỉ thông qua tự do mà chúng ta mới có thể thấy được chân tướng của thế giới, và hiểu được bản tính của nó. Chúng ta sẽ thấy rằng cái gọi là quy luật, hay định mệnh, hay số phận chỉ chạm đến một phần cực nhỏ trong bản tính của ta.

Đó chỉ là một mặt, còn mặt bên kia vẫn luôn luôn là sự tự do. Chúng ta không biết được điều này, đó là lý do chúng ta luôn luôn tìm cách lẩn tránh điều xấu xa bằng cách chui đầu vào đất, giống như con thỏ khi bị săn đuổi đến đường cùng.

Do mắc phải ảo tưởng mà chúng ta đã cố quên đi bản tính của mình, vậy mà chúng ta vẫn không làm nổi; bản tính đó vẫn luôn lên tiếng gọi, và tất cả những cuộc tìm kiếm Thượng Đế hay chư thần của chúng ta đều là cuộc tìm kiếm lại chân tính đó mà thôi.

Chúng ta đã nhận lầm tiếng nói. Chúng ta ngỡ nó xuất phát từ lửa, từ một vị thần hay từ mặt trời, mặt trăng, từ muôn vì tinh tú. Nhưng cuối cùng chúng ta phát hiện chúng xuất phát từ bên trong ta. Bên trong ta là tiếng nói vĩnh cửu đang nói về tự do vĩnh cửu, nhạc điệu của nó mãi mãi vọng vang.

Một phần của âm nhạc Linh Hồn đó đã biến thành trái đất, quy luật, vũ trụ, nhưng nó luôn luôn là của chúng ta và sẽ mãi mãi là của chúng ta.

Tóm lại, lý tưởng của triết học Vedānta là nhận biết con người y như thực, và thông điệp của nó là như vầy: nếu các bạn không thể sùng bái người anh em là Thượng Đế hóa thân thì làm sao các bạn có thể sùng bái được một Thượng Đế ẩn hình?

Các bạn có còn nhớ đến lời dạy trong Kinh Thánh: “Nếu các ngươi không yêu thương được người anh em mà các ngươi trông thấy thì làm sao các ngươi có thể yêu thương được Thượng Đế mà các ngươi không trông thấy?”.

Nếu các bạn không thể thấy được Thượng Đế trên khuôn mặt con người thì làm sao các bạn có thể nhìn thấy được Ngài ở trên mây, hay ở trong những hình ảnh được tạo bằng những chất liệu vô tri, hay trong những câu chuyện chỉ toàn là hư cấu?

Tôi sẽ xem các bạn là người có tinh thần tôn giáo kể từ khi các bạn bắt đầu nhìn thấy được Thượng Đế nơi người nam và người nữ.

Rồi các bạn sẽ hiểu ý nghĩa của hành động chìa má trái cho người ta tát, khi đã bị tát váo má phải[3]. Khi các bạn thấy được con người như là Thượng Đế thì muôn vật, kể cả loài cọp dữ, cũng được đón chào.

Bất cứ điều gì đến với các bạn cũng đều là đấng Chúa Tể, đấng Hằng Cửu, đấng hưởng Lạc Phúc, xuất hiện với chúng ta trong muôn ngàn hình tướng, như là cha mẹ, bạn bè, và con cái. Tất cả đều là Linh Hồn của chúng ta đang chơi đùa với chúng ta.

Những mối quan hệ giữa con người đều có thể biến thành thiêng liêng như thế nào, thì mối quan hệ giữa chúng ta với Thượng Đế cũng có thể mang bất cứ hình thức nào như thế ấy; và chúng ta có thể xem Ngài như là cha, mẹ, hay bạn bè, hay người yêu.

Gọi Thượng Đế là Mẹ là một lý tưởng cao hơn khi gọi Ngài là Cha; gọi Ngài là bạn là lý tưởng còn hơn nữa, và lý tưởng cao nhất là xem Ngài là Người Yêu. Cực đỉnh của tất cả điều này là không còn thấy sự khác biệt giữa Người Yêu và Người Được Yêu.

Có lẽ các bạn còn nhớ một câu chuyện Ba Tư cổ kể về một chàng trai đến gõ cửa người yêu, và nghe hỏi: “Ai đấy?”. Chàng trai đáp: “Chính là anh”, và không có tiếng trả lời. Lần thứ hai, chàng ta lại đến, và nói: “Anh đây mà”, và cánh cửa vẫn không mở.

Lần thứ ba, chàng ta lại đến, và giọng nói bên trong vọng ra “Ai đấy?”. Chàng trai đáp: “Anh là em, ôi em yêu dấu”, và cánh mở ra.

Đó là mối quan hệ giữa Thượng Đế với chúng ta. Ngài ở trong muôn vật, Ngài là muôn vật. Mọi người nam mọi người nữ đều là Thượng Đế sinh động bằng xương bằng thịt và chan hòa hạnh phúc. Ai bảo Thượng Đế là đấng xa lạ? Ai bảo Thượng Đế là đấng mà ta phải đi tìm?

Chúng ta vĩnh viễn đã tìm thấy Ngài, vĩnh viễn đã sống trong Ngài từ thiên thu vạn đại; ở bất kỳ nơi đâu Ngài cũng mãi mãi được nhận biết và được sùng bái. Bây giờ đến một quan niệm khác, đó là: những hình thức sùng bái khác không phải là chuyện sai lầm.

Đây là một điểm trọng đại cần ghi nhớ, những người sùng bái Thượng Đế bằng các lễ nghi, dù ta có thấy chúng thô thiển đến đâu chăng nữa, cũng không phải là chuyện sai lầm. Đó là cuộc hành trình đi từ chân lý đến chân lý, từ chân lý thấp hơn đến chân lý cao hơn.

Bóng đêm có nghĩa là sự giảm thiểu ánh sáng, điều xấu xa có nghĩa là sự giảm thiểu của điều tốt đẹp, bất tịnh có nghĩa là sự giảm thiểu của thuần tịnh.

Phải luôn ghi nhớ trong đầu rằng ta nên nhìn người khác bằng đôi mắt thương yêu, bằng sự cảm thông, biết rằng họ đang đi trên cùng một con đường mà ta đã đi qua.

Nếu các bạn được tự do thì các bạn phải biết rằng sớm muộn gì tất cả cũng đều được tự do; nếu các bạn được tự do thì làm sao các bạn có thể thấy được một người nào ở trong vòng trói buộc? Nếu các bạn thực sự thuần tịnh thì các bạn làm sao có thể thấy được kẻ bất tịnh?

Bởi vì cái gì thuộc về nội tâm thì thuộc về ngoại giới. Chúng ta không thể thấy được sự bất tịnh, nếu như nội tâm chúng ta không bất tịnh.

Đây là một trong những phương diện thực tiễn của triết học Vedānta, và tôi hy vọng rằng tất cả chúng ta sẽ đưa chúng vào cuộc sống. Toàn bộ cuộc đời chúng ta ở thế gian này là cơ hội để thực hành triết lý đó.

Nhưng cái được lớn nhất của chúng ta là chúng ta sẽ làm việc bằng sự hài lòng mãn nguyện, chứ không phải với sự bất mãn; bởi vì chúng ta biết rằng Chân Lý ở bên trong chúng ta, chúng ta có được Nó như là quyền thừa kế, và chúng ta chỉ việc làm cho nó hiển lộ, làm cho Nó trở thành hiện thực.

[1] Tôi dịch “Caste” là “chủng cấp”, vì đây là cách phân loại mọi người trong xã hội Ấn Độ theo chủng tính, nghĩa là theo dòng dõi, huyết thống chứ không phải căn cứ theo thân phận xã hội và tài sản như giai cấp (class).

[2] Vì nước Anh là xứ sở sương mù.

[3] Lời dạy của Chúa Jesus: “Đừng chống cự người làm ác, nếu bị ai tát má bên phải thì hãy đưa luôn má bên trái cho họ” (Tân Ước, Ma-thi-ơ, 5:39).

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x