Trang chủ » Về cái đẹp, tình yêu và cái chết P.1

Về cái đẹp, tình yêu và cái chết P.1

by Hậu Học Văn
336 views

“Không có phẩm chất của cái đẹp, của sự nhạy cảm thì sẽ không có chân lý.Vẻ đẹp không phải là trạng thái đa cảm hay sự lãng mạn do cảm xúc đem đến. Chỉ có cái đẹp khi không có bản ngã, không còn lòng tư lợi, không còn cái tôi thường xuyên nghĩ về mình. “

Thứ tư, 17 tháng 7 năm 1985

Tôi xin bắt đầu buổi nói chuyện, và xin các ngài cũng cùng chia sẻ trong buổi nói chuyện. Đây không phải là buổi độc thoại, nhưng là hội thoại, người nói không hướng dẫn các ngài, giúp đỡ hay cố thuyết phục các ngài, nhưng cùng với nhau – từ ngữ này rất quan trọng – chúng ta cùng nhau dự một cuộc hành trình rất dài. Đó là một định hướng khó khăn – ồ, tôi không muốn dùng từ ngữ này nữa vì nó nguy hiểm – đó là con đường khá phức tạp vì chúng ta sẽ nói về sự tư lợi, sự giản dị, hành vi, và liệu xem trong đời sống thường ngày chúng ta có thể chấm dứt tất cả sầu muộn, nỗi đau buồn hay không. Đây là câu hỏi rất hệ trọng: Tại sao con người sau nhiều ngàn năm đã chưa bao giờ giải thoát khỏi nỗi sầu muộn, không chỉ nỗi sầu muộn của riêng từng người, cùng với đau khổ, lo âu, cô đơn bao hàm trong nỗi sầu muộn đó, mà còn liên đới đến nỗi sầu muộn của cả nhân loại. Chúng ta sẽ nói về điều đó. Và nếu có thì chúng ta sẽ nói về niềm vui, và cả cái chết.

 Buổi sáng hôm nay rất đẹp, rất đáng yêu, bầu trời xanh trong, những ngọn đồi im vắng có các vệt tối hằn sâu, dòng nước chảy quanh co, cánh đồng, lùm cây và bãi cỏ xanh xanh trải dài, vậy chúng ta có nên nói về buổi sáng xinh đẹp này vì đó là một vấn đề rất quan trọng? Không phải nói về vẻ đẹp của thiên nhiên hay sự sinh động phi thường cùng với sức mạnh vô song của một con hổ. Có lẽ các ngài chỉ thấy hổ trong thảo cầm viên nơi chúng bị nhốt để mua vui cho ngài. Vài nơi trên thế giới mà người nói đã đến, ông ta từng đến sát bên một con hổ hoang dã, cách nhau chưa đầy một mét.

 Chúng ta nên đi vào vấn đề này vì không có vẻ đẹp và tình yêu thì sẽ không có chân lý. Chúng ta sẽ khảo sát kỹ từ ngữ vẻ đẹp. Vẻ đẹp là gì? Mong ngài cũng hỏi câu này như người nói đang hỏi; cả hai chúng ta cùng xem với nhau, không chỉ qua từ ngữ, nhưng ẩn nghĩa của vẻ đẹp, xem sự sâu thẳm bao la, khôn dò của vẻ đẹp. Chúng ta có thể nói về nó, nhưng lời nói, giải thích, mô tả không phải là cái đẹp. Từ ngữ đẹp không phải là cái đẹp. Đẹp là cái hoàn toàn khác hẳn. Vì thế cần cảnh giác với chữ nghĩa vì trí não chúng ta hành xử, hoạt động trong động thái của ngôn từ. Từ ngữ truyền đạt điều mình cảm thấy, điều mình nghĩ, và trí não chấp nhận các giải thích, mô tả vì hầu hết cơ cấu não của chúng ta chứa từ ngữ. Vì thế mình phải cẩn trọng xem xét, không chỉ với vẻ đẹp mà với cả sự giản dị và tư lợi. Sáng nay chúng ta sẽ đi vào các vấn đề này.

 Chúng ta đang tự hỏi: Vẻ đẹp là gì? Có phải vẻ đẹp trong dáng người, trên khuôn mặt? Có phải vẻ đẹp trong viện bảo tàng, trong hội họa cổ điển hay hiện đại? Có phải vẻ đẹp trong âm nhạc, của Beethoven, Mozart, của Bach và những tiếng ồn ào mà người ta gọi là âm nhạc hiện đại? Có phải vẻ đẹp trong thi ca, trong văn chương, trong khiêu vũ? Có phải tất cả những thứ như vậy là vẻ đẹp, hay vẻ đẹp là cái gì đó hoàn toàn khác hẳn? Chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu. Xin đừng chấp nhận ngôn từ, đừng hài lòng với sự mô tả và giải thích, mà chúng ta hãy bỏ qua hết mọi sự đồng ý hay không đồng ý trong trí não và ngắm nhìn nó kỹ lưỡng, trụ lại với nó để xuyên thấu ngôn từ.

 Như đã nói, nếu không có phẩm chất của cái đẹp, của sự nhạy cảm, thì sẽ không có chân lý. Phẩm chất đó không chỉ gồm của vẻ đẹp của thiên nhiên – sa mạc, những cánh rừng, sông suối và những dãy núi trùng trùng to lớn cùng với vẻ hùng vĩ, uy nghi mênh mang của chúng, nhưng vẻ đẹp còn gồm cảm xúc về chúng, không phải là các hình ảnh lãng mạn và trạng thái đa cảm do cảm giác đem đến. Vậy vẻ đẹp có phải do cảm giác? Vì chúng ta sống dựa vào cảm giác, như cảm giác tình dục đem đến khoái lạc, nhưng cũng kèm theo đau khổ vì cảm thấy không được trọn vẹn, vân vân. Vậy có thể nào sáng nay chúng ta bỏ ra khỏi trí não mình tất cả những từ ngữ đó để đi vào vấn đề rất mênh mang, hết sức tinh tế này: Bản chất của cái đẹp là gì? Chúng ta không làm thơ đâu.

 Khi ngài ngắm nhìn dãy núi kia với những mõm đá lao vút vào bầu trời – nếu ngài ngắm nhìn chúng một cách lặng lẽ, ngài sẽ cảm thấy sự bao la của nó, vẻ uy nghi mênh mang của nó, và ngay trong giây phút đó, sự hùng vĩ, vững chãi vô cùng của nó sẽ xua tan mọi suy nghĩ của ngài, xua tan các vấn đề của ngài; và ngài nói, ‘Quang cảnh thật là kỳ diệu!’ Vậy cái gì đã xảy ra? Sự hùng vĩ của dãy núi, sự bao la của bầu trời xanh, tuyết phủ đỉnh núi đã xua tan mọi vấn đề của ngài trong giây lát. Nó khiến ngài quên đi chính mình trong giây lát. Ngài bị mê hoặc bởi nó, ngài bị sửng sốt, giống như một đứa bé cả ngày nghịch ngợm, bây giờ được cho một món đồ chơi tinh xảo. Nó bị món đồ chơi lôi cuốn cho đến khi nó tháo bung ra hết. Món đồ chơi đã chế ngự nó và nó im lặng, nó thưởng thức món đồ chơi. Nó đã quên gia đình nó, quên các lời dặn ‘phải làm điều này, không được làm điều nó’, món đồ chơi trở nên một vật hứng thú làm nó say mê.

 Cũng giống vậy, núi non, sông suối, những cánh đồng, bụi cây đã lôi cuốn ngài, ngài quên đi chính mình đi. Có phải đó là vẻ đẹp? Bị thu hút bởi núi non, bởi sông suối, cánh đồng xanh, có nghĩa là ngài giống như đứa trẻ bị đồ chơi lôi cuốn, ngài sẽ im lặng trong giây lát, bị chế ngự, lạc hồn vào cái gì đó. Như vậy có phải là vẻ đẹp không khi ngài bị chế ngự, khi thả hồn vào một điều vĩ đại nào đó và điều đó khiến ngài đã quên chính mình trong giây lát? Rồi ngài lệ thuộc, như đứa bé lệ thuộc vào món đồ chơi, ngài lệ thuộc vào phim ảnh hay truyền hình, ngài tự đồng hóa mình với vai diễn trong giây lát.

Xin các ngài hãy xem xét trạng thái đó – bị chế ngự, bị chi phối, bị lôi cuốn – phải chăng ngài thấy giây phút lặng lẽ đó là vẻ đẹp? Khi ngài đi nhà thờ, đền, chùa nghe thấy tiếng tụng niệm, giọng xướng ngân nga, thấy nghi lễ uy nghi, là các thứ được tính toán kỹ lưỡng sao cho tạo được một cảm giác nhất định trong lòng ngài mà các ngài gọi là lòng tôn kính, các ngài gọi là cảm xúc thiêng liêng. Đó có phải là vẻ đẹp? Hay cái đẹp là điều gì đó hoàn toàn khác hẳn?

Chúng ta có cùng thấy được vấn đề này không? Có vẻ đẹp không khi ngài có nỗ lực đầy ý thức về mình? Hay vẻ đẹp chỉ có khi tự ngã không hiện diện – khi cái tôi, chủ thể quan sát không có? Vậy có thể nào không bị lôi cuốn, không bị chế ngự, không bị chi phối, mà hiện thể trong trạng thái không có tự ngã, không có bản ngã, không có cái tôi luôn luôn nghĩ ngợi về chính nó? Có thể nào sống trong thế giới hiện đại này với tất cả sự chuyên môn hóa của nó – không kể tiếng dòng suối chảy, tiếng chim hót? Có thể nào sống trong thế giới này mà không có tự ngã, cái tôi, bản ngã, cá tính, sự khẳng định cá nhân mình? Trong trạng thái đó, khi thực sự giải thoát khỏi mọi thứ này, chỉ khi đó mới có cái đẹp. Có thể ngài nói, ‘Điều đó quá khó, điều đó không thể được’.

Nhưng tôi đang hỏi: Có thể nào sống trong thế giới này mà không có tư lợi? Tư lợi nghĩa là gì? Từ ngữ đó có ngụ nghĩa gì? Chúng ta sẽ ra sao khi không có tư lợi để sống ở đây, trong cái nơi đầy huyên náo, tiếng ồn, sự trơ trẽn, tranh giành, tham vọng cá nhân, vân vân và vân vân? Chúng ta hãy cùng nhau tìm ra xem.

 Lòng tư lợi ẩn kín trong nhiều hình thức, trong nhiều ngõ ngách, trong mọi hành động – ẩn kín trong lời cầu nguyện, trong sự thờ phượng, trong sự thành công nghề nghiệp, trong tri thức uyên bác, trong danh tiếng vang lừng, giống như người nói đây. Khi có một đạo sư nói, ‘Ta biết hết chuyện này. Ta sẽ nói cho ngươi nghe’ – nói vậy không có lòng tư lợi trong đó sao? Mầm mống của lòng tư lợi đã có trong chúng ta hằng triệu năm qua. Trí não chúng ta bị khuôn định vào tư lợi. Nếu như mình nhận ra điều đó, chỉ nhận ra thôi, không cần nói rằng, ‘Tôi không cần sống vì tư lợi đâu’, hay ‘Làm sao sống mà không vì tư lợi cho được’? mà chỉ nhận ra nó. Rồi mình có thể tìm hiểu đến mức nào, mình có thể tra hỏi chính mình đến mức nào để tìm ra cho mình, cho mỗi người chúng ta, trong hành động, trong sinh hoạt hằng ngày, trong hành vi mỗi người, mình có thể sống sâu lắng đến mức nào nếu như không có lòng tư lợi?

 Vậy chúng ta hãy xem xét mọi điều này. Tư lợi là phân rẽ, tư lợi là sự suy đồi ghê gớm nhất, và ở đâu có tư lợi thì ở đó có phân hóa – như quyền lợi của ngài đối nghịch với quyền lợi của tôi, mong ước của tôi đối nghịch với mong ước của ngài, sự háo hức leo lên nấc thang thành công của tôi đối nghịch với sự háo hức của ngài. Chỉ cần quan sát điều này, ngài không thể làm gì vì nó – ngài thấy chứ? – mà chỉ quan sát nó, trụ lại với nó rồi xem điều gì xảy ra. Nếu ngài từng tháo tung một chiếc xe hơi ra, như người nói đã làm, ngài sẽ biết các bộ phận, ngài thấy được cách hoạt động của xe. (Tôi chỉ nói về những chiếc xe vào năm 1925; vào thời đó xe hơi rất giản dị, rõ ràng, mạnh và đẹp.) Và khi ngài biết hết về các bộ phận, ngài cảm thấy dễ chịu khi điều khiển xe chạy nhanh hay chậm. Vậy chúng ta biết gì về lòng tư lợi của chính mình, chúng ta bắt đầu tìm hiểu nó. Ngài không cần nói: Tôi phải chống lại nó, hay theo nó, hay làm sao sống mà không có nó, hay ai sẽ nói cho tôi nghe về chính tôi đây?

 Khi ngài bắt đầu tình cờ nhận ra lòng tự lợi của mình, hãy trụ lại đó, nghiên cứu nó, tìm hiểu nó, quan sát mọi rắc rối của nó, rồi ngài sẽ tìm ra khi nào nó cần và khi nào hoàn toàn không cần nó. Nó cần thiết cho cuộc sống hằng ngày trong những việc như tìm thức ăn, quần áo, chỗ ở và các thứ vật chất khác, nhưng về mặt tinh thần bên trong, có cần tư lợi các loại để làm gì không? Để biết được, chúng ta hãy xem xét các mối quan hệ. Trong quan hệ của chúng ta với nhau có quyền lợi hỗ tương. Ngài làm hài lòng tôi và tôi làm hài lòng ngài; ngài dùng tôi và tôi dùng ngài, ở đâu có tư lợi thì ở đó có phân hóa. Tôi khác với ngài là cũng do tư lợi.

 Tương quan, quan hệ là gì? Tương quan với trái đất, với mọi vẻ đẹp của thế giới, của thiên nhiên, của những người khác, với vợ mình, chồng mình, bạn gái hay bạn trai, vân vân. Sự ràng buộc đó là gì? Xin hãy cùng xem xét đến vấn đề này. Xin đừng dựa vào các mô tả mà người nói quen dùng. Hãy nhìn nó thật gần.

 Quan hệ là gì? Khi không có quan hệ chúng ta cảm thấy cô đơn, buồn chán, lo âu, và một chuỗi vận động của lòng tư lợi. Tương quan là gì? Khi ngài nói, ‘vợ tôi’, ‘chồng tôi’, điều đó có nghĩa là gì? Khi ngài nói có tương quan với thượng đế, giả sử có thượng đế, điều đó có nghĩa là gì? Từ ngữ ‘quan hệ’ rất quan trọng, cần phải tìm hiểu. Tôi quan hệ với vợ tôi, với con tôi, với gia đình tôi. Chúng ta hãy bắt đầu ở đây, vì gia đình là cốt lõi của xã hội. Trong các xã hội châu Á, gia đình có ý nghĩa rất lớn; đối với họ nó hết sức quan trọng – con, cháu, ông, bà. Gia đình là nền tảng trung tâm của mọi xã hội. Vì thế khi mình nói, ‘vợ tôi’, ‘bạn gái tôi’, điều đó có nghĩa là gì?, hay có đối tượng tình cảm rồi. Tương quan với họ có nghĩa là gì? Ngài đang tương quan với cái gì?

 Chúng ta hãy khoan nói về vợ và chồng. Khi ngài theo ai đó, một đạo sư, một nhà tiên tri, một chính khách, theo người nói đây hay theo người nào khác, vậy thì ngài đang theo cái gì, ngài đang hiến mình cho cái gì? Có phải hình ảnh ngài tạo ra về người nói hay một đạo sư nào đó, hay hình ảnh ngài có sẵn trong trí não, là việc đúng đắn phải làm, và do đó ngài theo ông ta? Có phải hình ảnh, biểu tượng là cái ngài đã xây dựng và đang theo đuổi, chứ không phải theo bản thân người đó, không phải theo những gì ông ta nói? Người nói đã nói chuyện trong bảy mươi năm qua. Thật tội nghiệp cho ông ta! Và rủi thay ông ta đã tạo dựng được danh tiếng đôi chút, có sách in và các thứ, vì thế dĩ nhiên là ngài đã tạo một hình ảnh về ông ta và ngài đang theo nó, chứ không phải theo lời truyền đạt. Lời của ông ta nói, ‘Đừng theo bất kỳ ai’. Nhưng ngài đã tạo ra hình ảnh, và ngài theo hình ảnh mà ngài mong ước, vì nó đã thỏa mãn ngài, phù hợp với quyền lợi ngài, có đúng vậy không?

 Nào bây giờ quay lại việc vợ chồng. Khi ngài nói, ‘vợ tôi’, ý ngài muốn nói gì, ý nghĩa của từ ngữ này là gì, ẩn ý của nó là gì? Hãy tìm hiểu xem. Có phải đó là trí nhớ, cảm giác, vui sướng, đau khổ, lo lắng, ganh tị – mọi thứ đó nằm trong từ ngữ ‘vợ’ hay ‘chồng’? Người chồng có tham vọng đạt đến một địa vị tốt hơn, nhiều tiền hơn, và người vợ không chỉ ở nhà thôi, còn có tham vọng, ước mơ riêng của bà ấy. Họ là thế đó. Họ có thể ngủ chung giường, nhưng tách biệt với nhau mọi lúc. Chúng ta hãy trung thực với sự kiện này.

 Luôn luôn có xung đột. Mình có thể không nhận ra được chuyện này nên nói, ‘Ồ không, chúng tôi không xung đột với nhau’. Nhưng cạo lớp vỏ ngoài ra và ngài sẽ thấy gốc rễ của mọi thứ này là tư lợi. Cũng có tư lợi của người thuộc ngành chuyên môn như bác sĩ, nhà khoa học, triết gia, tu sĩ, tất cả đều mơ ước thành đạt. Chúng ta không thêu dệt đâu, chúng ta chỉ nói lên hiện trạng, không che giấu nó, không lấp liếm nó. Đó là hạt giống có từ khi chúng ta sinh ra, hạt giống đó tiếp tục triển nở, lớn mạnh cho đến lúc ta chết. Và khi chúng ta cố kiềm chế lòng tư lợi, chính sự kiềm chế này cũng là một hình thức tư lợi. Hoạt động của lòng tư lợi thật là tinh vi. Nó cũng còn ẩn giấu đằng sau sự đau khổ của nhà tu.

 Nào bây giờ chúng ta xem xét tiếp sự khổ hạnh có nghĩa là gì. Sự khổ hạnh là gì? Cả thế giới, nhất là thế giới tôn giáo, đã dùng từ ngữ này, đã đặt ra quy định cho nó, nhất là các tu sĩ trong một số tu viện đặc biệt. (Ở Ấn Độ chẳng có tu viện nào, ngoại trừ các chùa của Phật giáo. May mắn là không có tu viện có tổ chức nào.) Vậy theo chúng ta khổ hạnh là gì mà sinh ra oai nghiêm lớn lao như vậy? Chúng ta tra từ điển chữ ‘austerity’ thì thấy nó xuất phát từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là từ bỏ việc tắm nước nóng xa xỉ, có ít áo quần, mặc một chiếc áo lễ đặc biệt, nguyện sống độc thân, chịu nghèo khổ, chịu ăn chay, ngồi thiền mãi mãi, khống chế lòng khát khao, ước mong. Dĩ nhiên mọi thứ đó không phải là khổ hạnh. Nó chỉ là sự phô diễn bên ngoài.

Vậy có một sự khổ hạnh nào không thuộc cảm giác, không có ý đồ, không phỉnh gạt ai, không nói rằng ‘tôi chịu khổ hạnh để…’? Có sự khổ hạnh nào mà người khác không hề thấy? Các ngài thấy rõ việc này chứ? Có sự khổ hạnh nào mà không cần kỷ luật, lại có cảm thức toàn vẹn bên trong, trong đó không có lòng thèm khát, không có sự vụn vặt, phân mảnh? Chỉ có sự khổ hạnh như vậy mới uy nghi, tĩnh lặng.

 Mình cũng cần hiểu bản chất của mong cầu. Đó cũng là gốc rễ của toàn bộ cơ cấu tư lợi. Lòng mong cầu là một cảm giác mạnh mẽ. Sự mong cầu làm mình cảm thấy mình đang sống. Như đã nói, cảm giác rất quan trọng đối với chúng ta, nào là cảm giác tình dục, cảm giác về kinh nghiệm mới, cảm giác được gặp người có tiếng tăm. (Tôi phải kể các ngài nghe câu chuyện hay này. Một bà bạn của chúng tôi đến gặp Nữ hoàng Anh và bắt tay Nữ hoàng. Sau đó có người đến nói, ‘Tôi có thể bắt tay với bà không, vì bà đã bắt tay Nữ hoàng?’!)Chúng ta luôn sống bằng cảm giác, xin hãy quan sát: cảm giác được an toàn, cảm giác đã thành tựu, cảm giác được vui sướng cực kỳ, cảm giác hài lòng, vân vân. Có tương quan nào giữa cảm giác và lòng mong cầu? Lòng mong cầu có tách biệt với cảm giác không? Xin hãy tìm hiểu điều này vì nó rất quan trọng. Tôi không đang giải thích cho ngài nghe. Chúng ta đang xem xét cùng nhau. Tương quan giữa mong cầu và cảm giác là gì? Khi nào cảm giác trở thành ước mơ? Hay là chúng tách biệt nhau? Phải chăng chúng luôn luôn đi cùng nhau? Các ngài có tham gia tích cực như người nói không, hay chỉ nói, ‘Vâng, nói tiếp đi.’ Hay ngài đã nghe điều này rồi nên nói, ‘Ôi trời, ông ta lại nói chuyện cũ nữa?

 Chúng ta luôn sống bằng cảm giác, xin hãy quan sát: cảm giác được an toàn, cảm giác đã thành tựu, cảm giác được vui sướng cực kỳ, cảm giác hài lòng, vân vân. Có tương quan nào giữa cảm giác và lòng mong cầu? Lòng mong cầu có tách biệt với cảm giác không? Xin hãy tìm hiểu điều này vì nó rất quan trọng. Tôi không đang giải thích cho ngài nghe. Chúng ta đang xem xét cùng nhau. Tương quan giữa mong cầu và cảm giác là gì? Khi nào cảm giác trở thành ước mơ? Hay là chúng tách biệt nhau? Phải chăng chúng luôn luôn đi cùng nhau? Các ngài có tham gia tích cực như người nói không, hay chỉ nói, ‘Vâng, nói tiếp đi.’ Hay ngài đã nghe điều này rồi nên nói, ‘Ôi trời, ông ta lại nói chuyện cũ nữa’?

 Các ngài biết rằng càng hiểu hoạt động của suy nghĩ thì càng đào sâu vào gốc rễ của suy nghĩ; lúc đó ngài có thể hiểu nhiều điều khác; lúc đó các ngài thấy được toàn bộ hiện trạng của thế giới, của thiên nhiên, sự thật về tự nhiên; lúc đó các ngài tự hỏi, ‘Chân lý là gì’? Tôi chưa đi vào những chuyện đó lúc này.

 Cuộc sống của chúng ta dựa trên cảm giác và lòng mong cầu, và chúng ta đang hỏi: Tương quan thực sự giữa hai cái đó là gì? Các ngài có theo dõi không? Vào lúc nào sự mong cầu trở nên lấn át? Tôi thấy một máy chụp ảnh đẹp, có nhiều tính năng hiện đại. Tôi cầm lên xem, có cảm giác muốn ngắm nghía, muốn xem vẻ đẹp của máy, giá trị máy càng cao thì chúng ta càng muốn sở hữu nó, càng muốn chụp thử. Vậy cảm giác đó có liên quan gì đến lòng mong cầu? Khi nào lòng mong cầu đó biến thành hành động, ‘Tôi phải có nó’?

 Các ngài có từng quan sát hoạt động của cảm giác, dù là cảm giác tình dục, hay khi đi dạo trong thung lũng, leo đồi, ngắm nhìn toàn thế giới từ đỉnh cao, hay ngắm một khu vườn xinh đẹp trong khi ngài chỉ có một bãi cỏ khiêm nhường nho nhỏ? Ngài thấy chứ, rồi cái gì làm cảm giác biến thành mong cầu? Tương quan giữa cảm giác và mong cầu là gì? Hãy trụ lại với nó, đừng tìm câu trả lời, mà chỉ quan sát nó, ngắm nhìn nó, thấy được hàm ý của nó; rồi ngài sẽ khám phá ra rằng cảm giác tự nhiên biến đổi thành lòng mong cầu khi suy nghĩ tạo ra một hình ảnh từ cảm giác đó. Ví như có một cảm giác đang xem chiếc máy ảnh xinh xắn, đắt tiền, rồi suy nghĩ đến và nói, ‘Giá mà mình có chiếc máy ảnh đó!’ vì thế chính suy nghĩ tạo ra hình ảnh từ cảm giác và ngay lúc đó lòng mong cầu phát sinh. Hãy tự quan sát, tìm hiểu điều này. Ngài không cần cuốn sách nào, triết gia nào hay bất cứ ai nói cho ngài nghe; chỉ cần quan sát nó một cách kiên nhẫn, chú tâm rồi ngài sẽ thấy được. Nghĩa là, cảm giác là nô lệ của suy nghĩ, suy nghĩ đã tạo ra hình ảnh, và ngay lúc đó lòng mong cầu sinh ra. Kết quả là chúng ta sống trong lòng mong cầu: tôi phải có cái này, tôi không muốn cái kia, tôi phải trở thành… Đó là toàn bộ vận động của lòng mong cầu.

 Bây giờ hãy xem lòng mong cầu có tương quan gì với tư lợi. Chúng ta đang nói đến cùng một vấn đề. Bao lâu còn lòng mong cầu, do suy nghĩ tạo ra hình ảnh từ cảm giác, thì phải có tư lợi, dù là tôi muốn lên thiên đường, tôi muốn trở thành ông quản lý ngân hàng, hay muốn là một người giàu có thì cũng vậy thôi. Dù là ngài muốn bước lên thiên đường hay trở thành giàu có thì cũng giống y như nhau thôi. Nếu người này muốn trở thành một ông thánh và người khác muốn có một kỹ năng điêu luyện thì cũng là một thứ như nhau, nhưng người này được xem là có lòng tín ngưỡng, mộ đạo, còn người kia thì phàm phu, trần tục. Chữ nghĩa đã làm què quặt tâm trí chúng ta quá sức!

 Rồi chúng ta phải gặp một câu hỏi nữa: Đau buồn là gì? Có phải đau buồn sẽ tồn tại bao lâu vẫn còn tư lợi? Xin hãy tìm hiều nó. Nếu ngài hiểu mọi điều này thì ngài chẳng cần phải đọc cuốn sách nào. Nếu ngài thực sự sống với điều này thì cửa thiên đường sẽ rộng mở – không phải là thiên đường đúng như trong sách mô tả đâu, chỉ là một cách nói vậy thôi. Vậy tôi đang hỏi một câu rất hệ trọng đã ám ảnh con người từ thời mới bắt đầu cuộc sinh tồn của họ: Đau buồn, cùng với nước mắt, nụ cười, đau khổ, lo âu, cô độc, tuyệt vọng, là gì? Và có thể chấm dứt nó được không? Hay con người bị đọa đày vĩnh viễn phải sống với đau buồn? Mọi người trên trái đất, mọi người, dù là họ ở địa vị cao hay chẳng là gì cả, mọi người đều trải qua sự bấn loạn trong đau buồn, qua cơn sốc của nó, nỗi đau của nó, sự bất định của nó, sự cô độc hoàn toàn của nó. Như đau buồn của một người nghèo không hề biết đọc viết, chỉ có một bữa ăn mỗi ngày và phải ngủ bên vệ đường, nỗi đau buồn riêng của anh ta cũng giống như đau buồn của ngài. Có nỗi buồn của hàng triệu con người bị tàn hại bởi sức mạnh vô hình, bởi niềm tin mù quáng, bị dày vò bởi tín ngưỡng, bởi sự phân biệt của kẻ ngoại đạo và tín đồ nên đã tàn hại nhiều người hơn bất cứ nguyên do nào khác, các ngài cũng thấy những chuyện này rồi!

 Vậy là có nỗi đau buồn. Từ ngữ ấy có nghĩa gì? Có phải nó chỉ là ký ức về điều ngài đã mất? Ngài có người em, người vợ, đứa con đã chết, và ngài đặt tấm hình họ trên chiếc dương cầm, trên bệ lò sưởi, hay kế bên giường ngủ, và ngài vẫn ôm ấp ký ức về những ngày họ còn sống. Đó có phải là đau buồn? có phải đau buồn sinh ra, nuôi dưỡng bởi trí nhớ? Ngài thấy vấn đề chứ? Khi mình có người thân mất đi và cái chết, vì tai nạn, tuổi già hay lý do gì đó, nhưng trí nhớ của mình về người đó vẫn còn tiếp tục, đó có phải là nỗi buồn? Đau buồn có liên quan gì với trí nhớ? Xin các ngài tiếp tục tìm hiểu.

 Tôi có đứa con, người em, người mẹ mà tôi rất thích – tôi tạm dùng chữ ‘thích’. Tôi gọi cái thích đó là tình yêu. Tôi rất thích những người đó. Tôi đã sống với họ, trò chuyện với họ, chơi đùa với họ. Tất cả ký ức đó được lưu giữ. Và rồi khi con tôi, em tôi, mẹ tôi, hay ai đó chết đi, qua đời, ra đi mãi mãi, tôi cảm thấy sốc, tôi cảm thấy cô đơn kinh khủng đến ứa cả nước mắt. Tôi chạy đến nhà thờ, chùa chiền, vớ lấy một cuốn sách, cố tìm điều này điều nọ làm để chạy trốn; hay nói, ‘Mình sẽ cầu nguyện và sẽ khắc phục được. Trời sẽ cứu mình.’ Các ngài cũng biết những thứ ấy.Trời, Phật, hay hình tượng biểu tượng nào đó, cũng đều có nghĩa như nhau nhưng khác tên gọi. Hình tượng có thể thay đổi nhưng chúng vẫn có cùng một nội dung.

 Vậy đau buồn có phải là do cái thực tế của ký ức bị chấm dứt? Cái thực tế đã tạo ra, đã gom lại thành ký ức bị chấm dứt và do đó tôi cảm thấy mất mát, bơ vơ. Tôi đã mất con. Đó là đau buồn, hay đó chỉ là sự tự thương hại có liên quan đến ký ức, đau khổ, lo âu của chính mình hơn là sự ra đi của ai đó? Có phải đau buồn chính là tư lợi? Xin hãy tìm hiểu nó. Tôi muốn nuôi dưỡng ký ức đó: tôi rất nhớ con mình, tôi chung thủy với người vợ quá cố của mình, dù vẫn ráng cưới thêm một bà vợ nữa. Tôi rất trung kiên về ký ức về những việc đã xảy ra trong quá khứ. Đó có phải là đau buồn? Rồi lại có nổi buồn vì thất bại. Các ngài cũng biết cường độ tự đồng hóa của lòng tư lợi với các từ ngữ đó làm ứa nước mắt chúng ta đến thế nào. Và những giọt nước mắt này con người đã khóc trong hằng triệu năm qua, bây giờ chúng ta vẫn còn khóc. Những người tham chiến mà khóc thì sẽ bị bắn tan tành vì một ý tưởng là một người lính phải biết tự kiềm chế, không được ủy mị, hèn nhát. Ý tưởng, suy nghĩ đang hủy diệt mỗi người chúng ta. Hãy nghĩ đến những người đã khóc trước khi ngài khóc.

 Vậy có sự kết thúc cho nỗi đau buồn không? Từ ngữ ‘đau buồn’ cũng ngụ nghĩa nỗi khổ hình. Khi nào còn có lòng tư lợi tự đồng hóa với các ký ức về các thực tế đã mất đi, lòng tư lợi đó sẽ là một phần, một mảng của cảm xúc đau buồn. Có thể nào mọi thứ này chấm dứt? Khi nào có đau buồn thì không thể có tình yêu. Tình yêu là gì? Ngài thấy chúng ta đã bước vào những vấn đề rất hệ trọng. Đó không phải là trò giải khuây trong buổi sáng Chủ nhật hay trong ngày nghỉ. Không phải là chuyện làm nôn nóng, mà là cuộc dạo bước chậm rãi trên con đường quê, ngắm nhìn và ngắm nhìn mọi thứ, trụ lại với các thứ gây phiền lòng cho ngài, trụ lại với những điều làm ngài thích thú, trụ lại với các ý tưởng trừu tượng, xa vời – trụ với mọi hình ảnh, mọi thứ do trí não sắp đặt, bày vẽ, kể cả thượng đế. Đó là hoạt động của suy nghĩ. Thượng đế không tạo ra chúng ta, mà chúng ta tạo ra thượng đế theo hình ảnh của chúng ta, đó là chuyện hết sức giản dị và rõ ràng.

 Nói về tình yêu cũng là nói về cái chết. Tình yêu, cái chết và sự sáng tạo. Các ngài thấy điều này phải không? Có thể ngài phải mất cả giờ để nói về nó, vì nó rất hệ trọng. Chúng ta đang đặt câu hỏi: Sáng tạo là gì? Không phải là phát minh, chế tạo. Xin phân biệt giữa hai từ sáng tạo và phát minh. Phát minh gồm một chuỗi ý tưởng kỹ thuật, tâm lý, khoa học… Chúng ta không nói về ý tưởng. Chúng ta đang nói về những điều rất hệ trọng: tình yêu, cái chết, sáng tạo. Xin lỗi, tôi không thể trả lời hết trong năm phút. Chúng ta sẽ nói về nó vào Chủ nhật khác. Không phải tôi chiêu dụ các ngài đến. Chúng ta sẽ tìm hiểu điều đó, và cũng tìm hiểu tín ngưỡng là gì, thiền định là gì, và tìm xem có gì đó vượt ngoài chữ nghĩa, vượt ngoài sự đắn đo và suy nghĩ, điều gì đó không tạo ra từ tư tưởng, điều gì đó không thể diễn tả, vô biên, phi thời gian. Chúng ta sẽ tìm hiểu tất cả điều đó. Nhưng người ta không thể tiếp cận được nó nếu còn sợ hãi, hay thiếu tương quan đúng nghĩa. Nếu trí não ngài không giải thoát khỏi mọi điều này thì ngài không thể hiểu người khác được.

 Tình yêu không thuộc tâm trí. Tình yêu chỉ có khi tâm trí thực sự tĩnh lặng, khi nó không còn trông chờ, đòi hỏi, yêu cầu, tìm kiếm, sở hữu, ganh tị, sợ hãi, lo âu.

 Sống và chết luôn luôn đi với nhau. Một tâm trí biết chết đi trong từng giây phút, không tích lũy, không tom góp kinh nghiệm, là tâm trí biết thơ ngây, và do đó biết được tình yêu.

❁ ❁ ❁

Lời Cuối Bình YênKrishnamurti
Mộc Nhiên dịch.

Xem thêm: Về cái đẹp, tình yêu và cái chết P.2

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

3 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bình chọn nhiều nhất
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
trackback

[…] Xem thêm: Về cái đẹp, tình yêu và cái chết P.1 […]

trackback

[…] ý thức mãnh liệt về cái vô cùng 2. Sự trống không nội tâm 3. Về Cái đẹp, Tình yêu và Cái chết P.1 4. Về Cái đẹp, Tình yêu và Cái chết […]

trackback

[…] là ai? 2. Một ý thức mãnh liệt về cái vô cùng 3. Sự trống không nội tâm 4. Về Cái đẹp, Tình yêu và Cái chết P.1 5. Về Cái đẹp, Tình yêu và Cái chết P.2 6. Thư gửi người bạn […]

3
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x