Trang chủ » Suy niệm mỗi ngày P.1 – Lev Tolstoy

Suy niệm mỗi ngày P.1 – Lev Tolstoy

by Hậu Học Văn
528 views

1. ĐỨC TIN

Quy luật của Thượng đế tất yếu bao hàm đòi hỏi việc chu toàn ý chí của Ngài. Bởi vì tất cả mọi con người đều được Thượng đế sáng tạo ra một cách bình đẳng, nên quy luật của Ngài là Một, chung cho tất cả chúng ta. Đời chúng ta chỉ có thể tốt đẹp khi nào chúng ta hiểu quy luật của Thượng đế và tuân theo nó.

Có một câu cách ngôn cổ của Do Thái: “Linh hồn của một người là ngọn đèn của Thượng đế”. Khi ngọn đèn ấy chưa được thắp lên thì một cá nhân sẽ vẫn mãi bơ vơ; nhưng khi nó được thắp lên, у trở nên mạnh mẽ và tự do. Dĩ nhiên, điều này không thể khác, bởi vì đó không phải là quyền lực của chính y, mà là của Thượng đế.

Mặc dù chúng ta không biết sự thiện phổ quát là gì, chúng ta thực sự biết rằng, tất cả chúng ta nên tuân theo quy luật của sự thiện, vốn hiện hữu cả trong sự khôn ngoan của con người lẫn trong trái tim chúng ta.

Nếu người ta tin rằng, họ có thể làm hài lòng Thượng đế thông qua những nghi lễ và những lời cầu nguyện thôi – chứ không phải bằng hành động – thì họ đã nói dối  với cả Thượng đế lẫn chính họ.

2. LINH HỒN

Tôi gọi “cái tôi nội tại” của tôi là gì? Nó là linh hồn tôi, vốn sống trong – và được nối kết với – thân thể tôi. Theo dòng thời gian, tất cả chúng ta đều kinh qua những giai đoạn nhất định. Trước hết, thời kỳ ấu niên, sau đó là thiếu niên, rồi trung niên, và sau cùng là lão niên. Nhưng trong suốt thời gian này, cái tôi nội tại của ta vẫn giữ nguyên như cũ. Cái tôi nội tại này chính là linh hồn ta.

Hiểu chính mình bao gồm việc nhận thức rằng, sự sống không phải ở trong thân thể, mà ở trong linh hồn.

Sắt thì mạnh hơn đá, đá mạnh hơn gỗ, gỗ mạnh hơn nước, và nước mạnh hơn không khí. Nhưng có một cái gì đó mà chúng ta không thể xúc chạm, thấy và nghe, nhưng nó lại mạnh hơn bất cứ cái gì khác. Nó đã hiện hữu trước đây, nó đang hiện hữu bây giờ, nó sẽ luôn hiện hữu và sẽ không bao giờ biến mất. Nó là cái gì? Nó là tinh thần, linh hồn vốn sống trong mọi cá nhân.

3. MỘT LINH HỒN TRONG TẤT CẢ

Một con sông nom không giống như một cái ao, một cái ao nom không giống như một cái thùng, và một cái thùng trông khác với một ly nước. Nhưng mỗi cái đều cùng chứa đựng nước ở bên trong. Cũng như vậy, cùng một linh hồn sống trong mọi loại người – một người trưởng thành khỏe mạnh, một đứa bé bệnh hoạn, một ông vua trẻ, hay một người đàn bà nghèo. Cùng một linh hồn ban sự sống cho tất cả chúng ta.

Khi ta thấy trong những người khác cái linh hồn vốn sống trong ta, thì ta cảm thấy như thể mình đã thức dậy từ một giấc ngủ dài.

Chúng ta được hợp nhất với tất cả mọi con người và mọi sinh vật. Như thế, chúng ta phải đối xử như chúng ta muốn được đối xử, không chỉ với những người khác, mà còn với những con vật nữa.

Thượng đế sống trong mọi con người nhân ái.

4. THƯỢNG ĐẾ

Người ta thường nói rằng, Thượng đế là tình yêu, hay tình yêu là Thượng đế. Người ta cũng nói rằng, Thượng đế là trí tuệ, hoặc rằng trí tuệ tham dự vào quyền lực của Thượng đế. Nhưng không thể nào như vậy. Tình yêu và trí tuệ là những phẩm tính của Thượng đế mà chúng ta biết được. Còn Thượng đế là cái gì, chắc chắn là chúng ta không biết.

Mọi người có thể cảm thấy sự hiện hữu của Thượng đế, nhưng không ai có thể thực sự hiểu Thượng đế. Do vậy, đừng tìm cách hiểu Ngài. Thay vào đó, hãy cố cảm nhận sự hiện diện của Thượng đế bên trong bạn. Nếu bạn không thể tìm thấy Ngài ở đó, thì bạn sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài.

Khi bạn nhìn vào bên trong chính mình, bạn thấy cái được gọi là “cái tôi của riêng bạn”, hay linh hồn bạn. Bạn không thể xúc chạm nó, hoặc thấy nó, hoặc hiểu nó, nhưng bạn biết rằng nó ở đó. Và cái phần này của chính bạn – cái phần mà bạn không thể hiểu – là cái được gọi là Thượng đế. Thượng đế vừa ở xung quanh ta, vừa ở bên trong ta – trong linh hồn ta.

Bạn càng hiểu rằng bạn là Một với Thượng đế, thì bạn càng hiểu rằng, bạn là Một với tất cả những biểu hiện của Ngài trên trần thế.

5. SỰ HỢP NHẤT TRONG LINH HỒN

Khi Socrates được hỏi, ông sinh ra ở đâu, ông trả lời: “Trên trái đất này”. Khi được hỏi, ông là công dân của thành bang nào, ông đáp: “Một công dân của thế giới”. Chúng ta phải nhớ những lời sâu xa đó. Tất cả chúng ta đều sống trên cùng một trái đất, bên dưới quy luật của Thượng đế, và dưới quyền lực vĩ đại của Thượng đế, nó vốn ưu việt hơn quyền lực của con người.

Chúng ta biết trong tim mình rằng, chúng ta nên phấn đấu cho sự hợp nhất với tất cả mọi con người. Càng trở nên hợp nhất, đời ta sẽ càng tốt hơn. Trái lại, chúng ta càng tách rời nhau, đời chúng ta sẽ càng tồi tệ hơn.

Mọi người đều có hai ông chủ: Thể xáclinh hồn. Khi thể xác nắm quyền cai trị, thì người ta đấu đá và thù địch với kẻ khác. Ngược lại, người ta càng phát triển trong sự “hiểu biết về tâm linh”, thì cái sức mạnh bên trong họ càng thuyên chuyển tới linh hồn – cái linh hồn vốn tìm kiếm sự hợp nhất với linh hồn của những người khác.

6. TÌNH YÊU ĐẠI ĐỒNG

Mọi người đều yêu cái bản ngã của riêng mình, và việc này tuyệt đối không có gì sai trái. Tuy nhiên, nếu chỉ yêu thân xác mình, thì sẽ mang sự khổ đến cho kẻ khác.

Bạn trở thành cái mà bạn yêu. Nếu bạn yêu những sự thể trần thế, bạn sẽ trở thành “thế tục”. Nếu bạn yêu Thượng đế, thì bạn sẽ trở nên thành phần của Thượng đế.

Tình yêu mà có một nguyên nhân, có một lý do, thì không phải là tình yêu thuần khiết. Chỉ có tình yêu không có giới hạn – tình yêu vô điều kiện – mới là vĩnh cửu. Nó không biến đi, mà liên tục tăng trưởng với thời gian.

Không thể có đức hạnh hay sự tốt lành nào mà không có tình yêu.

7. LÒNG KIÊU MẠN

Người ta có khuynh hướng kiêu hãnh về những cái mà lẽ ra họ nên xấu hổ về chúng – chẳng hạn như sự giàu có, hay quyền lực của họ trên kẻ khác.

Một người có thể tin rằng, у tốt hơn một ai khác chỉ khi nào cái tính cách của kẻ khác không thực sự được biết đến.

Khi bạn thực hiện những hành vi tốt lành, thường khó mà nói chắc chắn, liệu bạn làm chúng cho linh hồn, cho Thượng đế, cho một người khác, hay là chỉ để thỏa mãn lòng kiêu mạn của riêng bạn. Tuy nhiên, thật dễ để xác định điều ấy nếu bạn tự hỏi, liệu mình có làm những cái này, nếu không ai hay biết về chúng? Khi thực hiện những hành vi tốt lành một cách ẩn danh, thì bạn làm như thế vì linh hồn bạn và vì Thượng đế.

Khi người ta ca ngợi về hành động của bạn, điều ấy là tốt thôi, không sao cả. Nhưng sẽ là sai trái, nếu bạn hành động chỉ để được người khác ca ngợi.

8. TỰ PHỤ VÀ DANH VỌNG

Bạn không thể được tất cả mọi người yêu mến và ca ngợi. Thật vậy, nếu bạn hành động như một người tốt, thì những người xấu sẽ trách mắng bạn. Nếu bạn hành động như một người xấu, thì những người tốt sẽ phản đối những hành vi xấu của bạn. Giải pháp tốt nhất, là hãy sống tử tế và nhân ái, trong khi đó hãy phớt lờ những dư luận của người khác.

Chỉ có những ai đã phó thác linh hồn cho tiền tài và danh vọng, thì mới quan tâm đến dư luận của người khác.

Hãy nuôi dưỡng linh hồn bạn – chứ không phải cái danh vọng và tiếng tăm của mình.

Nếu một người thoát khỏi tính khoe khoang tự phụ, thì người ấy dễ phụng sự Thượng đế hơn.

Kẻ nào sống một cuộc đời chân chính, trung thực, thì không cần lời khen hay danh vọng.

9. THAM LAM VÀ CỦA CẢI

Người nào sống giữa những kẻ túng thiếu, mà lại giàu có, và kiêu hãnh về sự giàu có đó, thì người ấy sống một cuộc đời thiếu vắng chân lý.

Những người trải qua trọn đời mình trong việc thủ đắc của cải, sẽ không bao giờ thỏa mãn. Càng trở nên giàu có, họ càng ham muốn nhiều hơn, và cứ thế, không có kết thúc.

Bạn phải nhớ rằng, đời là một bài học. Bài học này là: Làm thế nào để nuôi dưỡng linh hồn bạn; và những ai mà, thay vì nuôi dưỡng linh hồn mình, lại dâng hiến đời mình cho việc thủ đắc của cải – họ đều nhầm lẫn.

Thật hiển nhiên là, những người giàu xem sự giàu có của họ như là một công trạng, và đánh giá cao chính mình về điều đó. Người nghèo cũng nể trọng người giàu, chỉ vì họ giàu. Tại sao như vậy? Bởi vì, cả người nghèo lẫn người giàu đều tin rằng, của cải là cái xứng đáng phấn đấu để thủ đắc.

10. KIÊU MẠN

Chúng ta có thể xưng hô với người khác, bằng cách dùng những danh xưng trang trọng khác nhau: Thưa Ngài, tâu Bệ hạ, thưa Linh mục, bạch Đại đức… Nhưng chỉ có một danh xưng đích thực phù hợp với tất cả chúng ta: “Huynh đệ”. Từ “huynh đệ” nhắc nhở ta rằng, tất cả chúng ta đều là huynh đệ, hoặc tỷ muội, trước Thượng đế.

Không ai chứng minh chính cái yếu tính của sự bình đẳng tốt hơn trẻ con. Trẻ con đối xử với tất cả mọi người một cách bình đẳng, trong khi người lớn dạy trẻ con kính trọng vua chúa, người giàu, người có danh vọng, và khinh bỉ kẻ tôi tớ và kẻ ăn xin.

Thật dễ hòa hợp với người khác, khi bạn đối xử với họ như thể là họ tốt hơn bạn, chứ không phải bạn tốt hơn họ.

Một đứa trẻ chào một đứa trẻ khác với một nụ cười thân thiện và vui vẻ, bất luận đứa trẻ kia thuộc về giai cấp, quốc tịch, chủng tộc nào. Tại sao người lớn thì lại khác?

11. PHÁN XÉT VÀ TRỪNG PHẠT

Khi một con chó bị một con chó khác cắn, thì nó cắn lại. Người ta cũng thường hay hành xử theo cách này. Dấn mình vào cách hành xử như thế, thật là khủng khiếp, nhưng thật ra, nó ít nguy hại hơn so với việc dạy kẻ khác rằng, những ai xử tệ với chúng ta, họ nên bị trừng phạt.

“Mắt đền mắt, răng đền răng, mạng đền mạng” – đây không phải là luật lệ của con người, mà là luật lệ của những con vật.

Khi chúng ta không hài lòng về bản thân, chúng ta không trách cứ chính mình, cái bản ngã nội tại của ta, hay linh hồn của riêng ta. Thay vào đó, ta trách cứ hành vi của ta. Ta nên đối xử với kẻ khác theo cách như vậy. Khi họ làm một cái gì đó sai trái, ta nên trách cứ những hành động của họ, chứ đừng trách linh hồn họ.

Hãy lấy đức báo oán, và tổng số điều thiện trên thế gian này sẽ gia tăng.

12. BẠO ĐỘNG VÀ CHIẾN TRANH

Tin rằng một người có thể cải thiện cuộc đời một người khác thông qua bạo lực là một sai lầm.

Sự bạo động là rào cản tồi tệ nhất – mà người ta có thể tạo ra – đối với việc đạt tới vương quốc của Thượng đế trên trần gian.

Chúng ta được ban cho một trí năng – và quan trọng hơn, tình yêu trong trái tim ta – để làm cái gì, nếu ta liên tục đối xử với kẻ khác bằng những lời đe dọa và bạo động, như thể họ là những con vật?

Khi người ta hỏi đấng Christ, quy luật của Thượng đế bao gồm nội dung gì? Ngài trả lời: “Yêu Thượng đế và kẻ láng giềng của ngươi”. Khi họ, một lần nữa, hỏi Ngài cùng câu hỏi đó, Ngài đáp: “Các ngươi mong muốn kẻ khác đối xử với mình ra sao, hãy đối xử với họ như thế ấy”. Đây là quy luật của Thượng đế trong tính toàn vẹn của nó; Đức Phật và Khổng Tử cũng công bố cái quy luật đó. Thế nhưng, nếu bạn hỏi những nhà làm luật, quy luật là cái gì, thì họ sẽ không cho bạn một câu trả lời ngắn gọn. Thay vào đó, họ sẽ nói: “Bạn có nhiều cái để học”. 

13. KHOA HỌC SAI LẦM

Người ta tin rằng, càng biết nhiều thì sẽ càng trở nên tốt hơn. Thế nhưng, việc biết nhiều thì không quan trọng cho bằng biết một ít trong số những điều cần thiết nhất.

Socrates nói rằng, ngốc nghếch không có nghĩa là biết ít, mà đúng hơn, đó là làm ra vẻ như biết cái mà mình không biết.

Thường khi, người ta học những khoa học bằng cách đơn giản nhớ và lặp lại những tư tưởng của người khác – rồi sau cùng, lên mặt kiêu hãnh và vênh váo khi họ đứng trước một người thợ rèn, thợ mộc, hay thợ giày. Tôi kính trọng những người làm kinh doanh hơn là những kẻ mệnh danh là “học giả” này.

Đa số mọi người đều tin rằng, nhân tính có thể được cải thiện bằng cách thường trực thủ đắc kiến thức, mà có thể khiến cho đời dễ sống hơn. Điều này không hoàn toàn đúng. Để cải thiện nhân tính, người ta phải tìm thấy những câu trả lời cho những câu hỏi thực sự quan thiết trong cuộc đời này. Việc khám phá ra những chân lý như thế là điều có thể được.

14. DỤC VỌNG VÀ ĐAM MÊ

Trái tim bạn ở đâu, kho báu của bạn ở đó. Nếu một người tin rằng, kho báu của у chỉ ở trong thể xác – chẳng hạn, trong thức ăn ngon, một căn nhà tiện nghi, у phục đẹp mắt, hay những lạc thú khác – thì у sẽ bị thiêu đốt bởi việc theo đuổi những thứ đó. Quả vậy, càng đặt nhiều năng lượng vào việc chiều chuộng thể xác, người ta sẽ càng phải đầu tư ít hơn vào một cuộc sống tâm linh.

Những dục vọng của cơ thể ta thì giống như những đứa trẻ nhỏ, chúng luôn luôn ham muốn nhiều hơn. Bạn càng đầu hàng thì chúng càng đòi hỏi ở bạn nhiều hơn, và việc này tiếp diễn vô tận, không có kết thúc.

Nếu tuân theo những dục vọng của xác thịt, thì bạn làm cho nó yếu đi. Nếu quá ép xác (khổ hạnh), bạn cũng làm cho nó yếu đi. Vậy thì, chỉ có một con đường đúng đắn, đó là con đường giữa (trung đạo).

15. GIẬN VÀ THÙ

Nếu một cái thùng có một cái lỗ nhỏ, thì nước sẽ rỉ ra từng chút một. Cũng như vậy, bạn sẽ cảm thấy đời mình trống rỗng, nếu bạn nuôi lòng thù hận, đối với thậm chí một người.

Khi bạn giận, hãy đếm từ 1-10, trước khi làm hay nói một điều gì. Nếu bạn vẫn còn giận, hãy đếm tới 100. Trong khoảnh khắc im lặng đó, bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi: “Tại sao mình lại nổi giận trước những cái nhỏ nhặt như vậy?”

Một trong những điều quý giá nhất mà một người có thể làm trên thế gian này, là trải nghiệm cơn thịnh nộ mà không trút nó ra ngoài.

Nếu ai đó làm phật ý bạn, bạn có thể phản ứng giống như một con chó, một con bò cái, hay một con ngựa: Bỏ chạy, hay cắn trả lại. Hoặc bạn có thể hành động như một con người, và nói với chính mình: “Người này lăng mạ tôi. Đó là sự lựa chọn của y; nhưng sự lựa chọn của tôi, là làm cái thiện lành”.

16. NỖ LỰC

Điều quan trọng là sống theo ý chí của riêng mình, chứ không theo ý chí của người khác. Thế nhưng, để làm như thế, một người phải sống cho linh hồn mình, và sẵn sàng để làm cái nỗ lực đáng kể mà điều này đòi hỏi.

Cả trẻ con lẫn người lớn đều tin rằng, sự thật là một nguồn của sự thiện lành. Tuy nhiên, sự thật đòi hỏi người ta làm một nỗ lực, nếu người ta muốn được giải phóng khỏi những quan niệm sai lầm và những lời dối trá.

Bạn làm một nỗ lực để tự đánh thức mình dậy từ một cơn ác mộng. Cùng theo cách như vậy, bạn phải làm một nỗ lực để thức dậy trong đời, và hoán chuyển từ cái tôi thú vật sang cái tôi tâm linh của mình.

Lão Tử, một hiền nhân Trung Hoa, dạy rằng, “không làm gì cả” là đức hạnh cao nhất. Mặc dù ban đầu điều này nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nó trở nên bớt kỳ lạ, khi chúng ta xem xét tất cả những cái xấu ác mà đã từng được làm trên thế gian này.

17. Ý TƯỞNG

Chúng ta thường hay tin rằng, đời ta di chuyển về phía trước chỉ khi nào ta gặp người khác. Điều này không đúng. Cuộc đời thực của ta tự phơi mở ra khi ta ở một mình, khi ta đối mặt trực diện với những ý tưởng của ta.

Một ý tưởng là một sức mạnh lớn. Cái lực này đi ra khỏi một người qua những lời nói, làm cho hành vi của у trở thành một phúc lành hay một lời nguyền rủa, tùy thuộc vào việc nó là một ý tưởng tốt hay xấu.

Chỉ sau khi một viên đạn pháo rời khẩu đại bác, mà ta nghe tiếng nổ từ đằng xa. Cùng cách thức như vậy, chúng ta có thể thấy cái xấu ác gây ra bởi những ý tưởng xấu chỉ sau khi chúng được biểu đạt và khiến cho những điều xấu ác xảy ra. Tất cả mọi hành động con người đều tùy thuộc vào những ý tưởng của chúng ta.

Khi một hạt giống ở trong đất, nó là vô hình. Thế nhưng sau cùng, qua thời gian, một cây khổng lồ mọc lên từ nó. Cũng vậy, những ý tưởng của con người có thể vận hành một cách không ai hay biết. Thế nhưng, những biến cố lớn nhất trong lịch sử nhân loại thường hay “mọc lên” từ những ý tưởng như thế.

18. LỜI NÓI

Nói những điều xấu về một ai đó, tác hại đến ba phía: Đối tượng được nói về; người nghe bạn nói; và quan trọng nhất, là chính bạn.

Hãy nhớ rằng, một lời nói là một hành vi, và chỉ khác với những hành vi khác ở một khía cạnh này: Chúng ta không thể luôn nhận biết về những hậu quả của nó. Vì lý do này, hãy hết sức cẩn thận với những lời nói của bạn.

Một lời nói chính trực có sức mạnh lớn hơn lời nói của những Giáo sĩ, Giám mục, những vị vua và những kẻ giàu có.

Người ta học cách nói như thế nào cho đúng, và nói cái gì, nhưng có một khoa học quan trọng hơn nhiều: Biết khi nào cần giữ im lặng – và bằng cách nào.

“Một lời nói nhân ái là một chìa khóa mở vào trái tim một người”.

Tục ngữ Trung Hoa

19. CHÂN LÝ

Chúng ta phải dạy con cái những quy tắc phổ biến – những chân lý vốn hợp nhất lại những dân tộc khác nhau của thế giới này.

Sự thật thì tự nó vốn đơn giản và rõ ràng. Trái lại, một lời nói dối thì luôn phức tạp, và đòi hỏi phải nói thêm vô tận những lời nói và những lời bào chữa.

Bạn có thể giết chết những ai nói ra sự thật, nhưng một khi nó đã được nói ra, sự thật đó sẽ sống mãi mãi.

Một chân lý mà được biết đến một cách gián tiếp thông qua một người khác, nó dính vào ta như thể nó không thuộc về ta – giống như một cái mũi bằng sáp ong. Trái lại, một chân lý mà ta tự khám phá cho chính mình, thì giống như một phần của cơ thể ta. Nó thuộc về ta.

Cản trở lớn nhất cho việc hiểu biết chân lý thì không phải là chính tự thân sự dối trá, mà là sự kiện rằng, sự dối trá cố làm ra vẻ như nó là chân lý.

20. KHIÊM CUNG VÀ KHIÊM TỐN

Chúng ta thường hay cố che giấu những thói xấu của mình, sao cho người khác sẽ không trách cứ chúng ta. Đây là một sai lầm, bởi vì sự phê bình có thể là hữu ích.

Mọi cám dỗ đều phát xuất từ lòng kiêu mạn. Để tự cứu thoát mình khỏi sự cám dỗ, hãy khiêm cung.

Nếu bạn muốn trải nghiệm niềm vui chân thực của một hành vi tốt, hãy làm nó trong thầm lặng, và quên rằng bạn đã làm nó. Chỉ lúc đó, hành vi tốt sẽ xuất hiện cả bên ngoài lẫn bên trong bạn.

Nhiệm vụ chủ yếu trong đời mọi con người, là trở nên một người tốt hơn và nhân ái hơn. Làm thế nào mà bạn có thể trở nên tốt hơn, nếu bạn nghĩ rằng bạn đã đủ tốt rồi?

Sự khiêm cung hiến tặng một loại niềm vui mà một người ích kỷ và kiêu mạn không thể đạt tới được.

21. LÒNG HY SINH

Thánh Kinh nói rằng, ai hy sinh đời mình, sẽ tìm thấy lại nó. Như thế, cuộc đời thực của bạn chỉ bắt đầu khi bạn sống cho linh hồn mình, chứ không phải cho thể xác.

Cuộc đời của một người không thể được bảo đảm một cách an toàn; do vậy, người ta nên sẵn sàng chết bất cứ thời gian nào. Trong cách này, cuộc đời trở nên tự do, và người ta có thể phấn đấu cho sự hoàn thiện của linh hồn bằng cách yêu những người khác.

Không có cuộc sống nào mà không có sự hy sinh. Trọn cuộc đời bạn là một sự hy sinh của thân thể cho sự tốt đẹp của linh hồn.

Điều vui sướng nhất và chân thực nhất trong đời, là nuôi dưỡng linh hồn bạn. Để làm điều này, bạn phải quên đi chính mình và làm những hy sinh. Hãy bắt đầu với những hy sinh nhỏ bé, để khiến cho những hy sinh lớn hơn có thể được.

Để cải thiện đời mình, bạn phải sẵn sàng hy sinh nó.

22. CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là chiêm nghiệm về chân lý vĩnh cửu trong khi tự so sánh chính bạn với chân lý của Thượng đế.

Một sự cầu nguyện đích thực không cầu xin những ân huệ hay của cải thế gian, mà để tăng cường “cái tôi nội tại” của bạn và những ý tưởng tốt lành của bạn.

Một sự cầu nguyện đích thực đều cần thiết cho linh hồn, bởi vì khi bạn nói chuyện với Thượng đế trong cầu nguyện, những ý tưởng của bạn đạt tới mức cao nhất của chúng.

Một cầu nguyện đích thực là chỗ dựa cho linh hồn bạn, một tự thú, một sự kiểm thảo về những hành vi quá khứ, và sự định hướng cho những hành động tương lai của mình.

Tôi muốn cầu xin sự giúp đỡ từ Thượng đế. Đây là lời cầu nguyện của tôi. Thế nhưng, chưa ai từng thấy Thượng đế một cách trực tiếp, do vậy, làm thế nào mà chúng ta có thể nói chuyện với Ngài? Chúng ta có thể nói chuyện với Ngài qua tình yêu. Nếu chúng ta yêu kẻ khác với những hành động và hành vi của mình – điều này sẽ là sự trợ giúp từ Thượng đế, đây là phúc lành lớn nhất của chúng ta.

23. LAO ĐỘNG VÀ SỰ NHÀN RỖI

Một người không thể sống mà không lao động. Nếu nhân loại không làm việc thì sau cùng chúng ta sẽ chết vì đói và thiếu hụt. Điều này, tất cả chúng ta đều biết. Nếu một người không làm việc, mà thay vào đó, lại sống trong xa hoa, thì у đang lấy đi từ kẻ khác những thành quả lao động của họ.

Việc bố thí tiền bạc cho người nghèo thì không có gì sai trái, nếu chính bạn là người kiếm ra món tiền đó. Một câu tục ngữ nói: “Một bàn tay khô ráo, lười biếng thì tham lam; một bàn tay lao động, đẫm mồ hôi thì hào phóng”. Sau đây là những lời dạy của 12 Tông đồ: “Hãy bố thí cho kẻ nghèo với mồ hôi trên bàn tay bạn”.

Lao động tay chân thì hữu ích, bởi vì, bên cạnh những điều tốt khác, nó giữ cho tâm trí bạn bận rộn.

Lao động tay chân, nhất là làm việc với đất đai, thì ích lợi cả cho thể xác lẫn linh hồn bạn. Loại lao động này không những cho phép tâm trí bạn nghi ngơi, mà nó còn mang bạn đến gần hơn với thiên nhiên. Điều này thật khó mà hiểu được, đối với những ai không làm việc với hai bàn tay họ.

24. TÌNH YÊU

Người ta hỏi một hiền nhân Trung Hoa: “Khoa học là gì?” Ông đáp: “Biết người”. Họ hỏi: “Cái Thiện là gì?” Ông đáp: “Yêu người”.

Để sống theo quy luật của Thượng đế, một con chim phải bay, một con cá phải bơi, và một con người phải yêu thương. Nếu người ta làm hại kẻ khác thay vì yêu thương, thì họ đang hành xử một cách kỳ lạ, như thể một con chim phải bơi hay một con cá phải bay.

Cách tốt nhất để cải thiện cuộc đời của nhau, không phải là qua tiền bạc, quà tặng, hay lời khuyên tốt, hay thậm chí là công việc, mà là qua tình yêu.

Trách nhiệm của mọi con người là nuôi dưỡng tình yêu và mang nó vào trong thế gian này.

25. SỐNG TRONG HIỆN TẠI

Chúng ta chia thời gian thành ba phần: Quá khứ, hiện tại và tương lai. Trong thực tế, chỉ có một điểm tí hon mà ở đó tương lai gặp quá khứ, và mặc dù cái điểm này có thể dường như nhỏ bé, nó là nơi mà toàn bộ cuộc đời ta được tập trung vào.

Tình yêu là cái quan trọng nhất trong tất cả. Nhưng người ta không thể yêu trong quá khứ hay trong tương lai. Người ta chỉ có thể yêu bây giờ, ở thời khắc hiện tại và trong khoảnh khắc hiện tiền.

Mục đích của cuộc sống là mang đến cái tốt lành. Bây giờ, trong cuộc đời này.

Tinh yêu là một biểu hiện của cái thiêng liêng – mà đối với nó, khái niệm về thời gian không hiện hữu. Do vậy, tình yêu được biểu hiện chỉ bây giờ, trong hiện tại, trong mọi khoảnh khắc.

26. KHÔNG CÓ CÁI XẤU ÁC

Nếu không có bóng tối, chúng ta sẽ không biết màu sắc hay ánh sáng. Tương tự như vậy, nếu không có cái xấu ác, thì chúng ta sẽ không biết đức hạnh hay sự chính trực.

Có rất nhiều sự ác trên thế gian này. Thế nhưng, sở dĩ như vậy, không phải vì người ta không thực hiện đủ những hành vi tốt, mà đúng hơn, chỉ vì họ dấn thân vào những hành vi mà họ không nên làm.

Nếu chúng ta tin và nhớ lại rằng, sức mạnh của chúng ta nằm trong những ý tưởng của mình, rồi thì rất nhiều điều ác sẽ biến mất, cho phép nhiều điều thiện hơn đi vào thế gian này.

Chúng ta gọi cái xấu ác là những điều mang đến sự khổ và khó chịu cho cuộc sống thể xác của mình. Tuy nhiên, mục đích của đời ta là giải phóng linh hồn thoát khỏi thể xác ta.

Do vậy, đối với những ai hiểu cuộc sống như là một kinh nghiệm tâm linh thì không có sự xấu ác.

27. CÁI CHẾT

Khi ta biết rằng cái chết đang gần kề, ta phải hoàn tất công việc còn dang dở của ta trên thế gian này. Thế nhưng, chỉ có một điều mà đã luôn luôn hoàn tất – đó là tình yêu của ta đối với người khác – ở đây, trong khoảnh khắc hiện tại này.

Cái chết là sự phá vỡ cái lọ mà trong đó linh hồn ta bị giam giữ. Bạn không nên lẫn lộn cái lọ với cái được chứa đựng ở bên trong nó.

Nếu bạn sợ cái chết, thì nên nhớ rằng, nỗi sợ hãi đó không nằm trong chính sự chết, mà nằm trong bạn. Trở nên một người tốt hơn, có nghĩa là bạn sẽ sợ cái chết ít hơn. Bất luận điều gì xảy ra, bạn sẽ luôn hạnh phúc nếu bạn được hợp nhất với Thượng đế.

Một ngày nào đó, bạn sẽ nhận thức rằng bạn chưa bao giờ thực sự được sinh ra, mà bạn đã hằng luôn sống. Chính lúc đó mà bạn sẽ cảm nhận được, bạn sẽ không bao giờ chết.

28. SAU CÁI CHẾT

Chúng ta thường hay nghĩ rằng cuộc sống kéo dài giữa lúc ta sinh ra và lúc ta chết. Điều này cũng tương tự như việc nghĩ rằng, một cái ao thì không có một cái bờ, và rằng khi nước chảy đi, thì cái ao cũng biến đi.

Nếu bạn yêu Thượng đế với tất cả linh hồn mình, rồi thì bạn biết rằng, đời mình sẽ không kết thúc với cái chết.

Người ta hỏi một hiền nhân về cuộc sống vĩnh cửu: “Cái gì sẽ xảy ra cho chúng ta khi thế giới này kết thúc?” Ông đáp: “Tôi không cần thế giới, và tôi không sợ sự kết thúc của nó, bởi vì tôi biết rằng linh hồn tôi là vĩnh cửu”.

Thượng đế là vĩnh hằng, ôm choàng tất cả, và hiện hữu xuyên qua không gian và thời gian. Thượng đế là tất cả những gì hiện hữu. Mọi sự hiện hữu trong Ngài. Mọi sự sống khi nó xuất hiện, không đến từ hư vô, mà đúng hơn từ Thượng đế. Và khi cái chết đến mang chúng ta đi, nó không mang chúng ta vào cõi hư vô; nó mang chúng ta đến Thượng đế.

29. ĐỜI LÀ MỘT PHÚC LÀNH

Mọi sự được ban cho chúng ta. Nếu bạn nhìn đúng hướng và tìm kiếm điều thiện tại những nơi mà nó thực sự hiện hữu – trong sự hợp nhất của linh hồn mình với Thượng đế – rồi thì, bạn sẽ có mọi thứ mà mình cần.

Cuộc sống là phúc lành cao nhất có thể có được. Chúng ta thường hay bỏ quên niềm vui của cuộc đời này, mong đợi rằng một ngày nào đó, một nơi nào đó, chúng ta có thể đạt được một phúc lành tốt hơn. Nhưng không thể có một phúc lành nào tốt hơn cái phúc lành này – ở đây, trong đời sống hằng ngày của bạn.

Phúc lành thực thụ của bạn nằm bên trong hai bàn tay của riêng mình. Giống như một cái bóng, nó theo sau một cuộc sống thiện lành.

Nếu đời bạn không có vẻ giống như một phúc lành vô giới hạn và niềm vui vô giới hạn, thì nó đang đi sai hướng.

Hãy cố sống đời bạn sao cho mà, nhỡ ra nếu nó kết thúc sớm, thì thời gian còn lại sẽ là một món quà bất ngờ.

30. HẠNH PHÚC

Nguồn hạnh phúc chân thực nằm ở trong trái tim bạn. Sẽ là ngốc nghếch, nếu bạn tìm kiếm nó ở nơi nào khác. Bạn sẽ giống như kẻ chăn cừu kiếm tìm một con chiên lạc, trong khi nó được nhét vào ngay bên trong áo sơ mi của y.

Quy tắc thứ nhất của minh triết, là biết chính bạn. Tuy nhiên, đây là cái khó làm nhất. Quy tắc thứ nhất của đức hạnh, là hạnh phúc với những điều nhỏ bé: Điều này nữa, cũng khó làm. Chỉ có những ai tuân theo những quy tắc này, mới đủ mạnh để là một tấm gương đức hạnh cho người khác.

Nếu bạn chỉ yêu chính mình, bạn không thể thực sự hạnh phúc. Hãy sống cho kẻ khác, rồi thì bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc chân thực.

Các bạn đang lang thang tới đâu, hỡi những con người bất hạnh? Đang tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn? Bạn đang chạy đi xa, nhưng hạnh phúc phải được tìm thấy bên trong bạn. Nếu nó không có mặt bên trong, thì nó không có mặt ở bất cứ nơi nào khác. Hạnh phúc nằm trong khả năng yêu kẻ khác của bạn.

31. TÌNH YÊU

Từ sinh cho đến tử, bạn muốn được tốt lành, và điều đó được ban cho bạn. Thật dễ tìm thấy cái tốt lành như thế, nếu bạn tìm đúng chỗ: Bằng cách yêu Thượng đế và tất cả những người khác.

Để hạnh phúc, bạn chỉ cần làm một điều: Yêu thương kẻ khác. Hãy yêu mọi người, cả người nhân ái lẫn người xấu ác. Hãy yêu không ngừng, và rồi bạn sẽ có không ngớt những ân phước và hạnh phúc.

Ngay khi bạn tập trung đời mình vào sự hợp nhất trong tình yêu với mọi sinh linh và với Thượng đế, thì đời bạn sẽ thay đổi ngay lập tức – từ những dằn vặt và đau khổ sang hạnh phúc và phúc lành.

Ý chí của Thượng đế được thành tựu bất luận bạn có tuân theo nó hay không. Bạn kháng cự lại, hay hết lòng tuân theo nó trong hình thức của tình yêu – và nhờ đó, hưởng phúc lành vô giới hạn – cái đó, chỉ tùy thuộc vào một mình bạn.

Vương quốc của Thượng đế nằm ở bên trong bạn. Phúc lành của bạn nằm ở bên trong trái tim bạn, nếu trái tim bạn được đổ đầy tình yêu.

❁ ❁ ❁
Trích – Suy niệm mỗi ngày – Lev Tolstoy.
(Nếu bạn yêu thích, hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x