Trang chủ » Chương 9. Ám thị

Chương 9. Ám thị

by Hậu Học Văn
226 views

ÁM THỊ là gì?

Ám thị là dùng cách âm thầm mà chỉ thị để khiến người ta bất giác phải theo mình. Cái công dụng của nó ở thuật thôi miên như thế nào, ở đây không cần bàn đến, vì các bạn cũng đã thừa hiểu. Người bị ám thị là người đã mất tự chủ, chỉ làm theo kẻ khác làm, nói theo kẻ khác nói; mừng, giận, thương, vui cho đến tư tưởng cũng theo chỉ thị của kẻ khác.

Người điềm đạm, tức là người tự chủ, hết sức hữu tâm trong các hành động hay tư tưởng của mình, nhất định không bị phải ám thị hay thôi miên vì một lẽ gì cả.

Con người khi sống một mình, ít bị sự ám thị hơn là khi phải sống giữa đô hội, quần đoàn.

Hơn nữa, sống ở trong một thế hệ văn minh máy móc ngày nay mà tránh cho khỏi bị ám thị thật là khó.

Máy móc thạnh-hành, con người ngày nay không gì là không dùng đến máy móc. Bởi vậy thể chất, tình cảm, đến tinh thần của ta cũng đều không có dịp dùng đến. Lâu ngày chúng thành ra vô dụng. Con người hết biết suy nghĩ.

Người tự chủ phải coi chừng, đừng để bị lôi cuốn một cách vô tâm theo hoàn cảnh bên ngoài, nhứt là theo những ám thị của ra-đi-ô (radio), hát bóng, báo chí và quảng cáo: sản vật của văn minh cơ giới.

Những món ấy là những lợi khí nguy hiểm nhứt nếu lọt vào tay những người khôn-quỉ họ lợi dụng.

Nói cho đúng, người bây giờ, từ sớm tới chiều đều sống theo những ám thị của bốn món kể trên, không một phút yên tĩnh để suy nghĩ, phán đoán, nghĩa là để sống với tâm hồn mình.

Mở mắt ra, là đã nghe ra-đi-ô “nhồi” cho một mẻ tin tức và những quảng cáo là những quảng cáo “lừa dối” Rồi thì tiếp đó, các báo chí hằng ngày “nhồi” cho những cái vụn vặt của tư tưởng “hối hả”, những tin “chó chết” cùng là tiểu thuyết ái tình, kiếm hiệp. Bước ra ngoài, thì chung quanh tầm con mắt, toàn là hình ảnh quảng cáo: thuốc tiên, thuốc thánh, phấn, son, giày, dép, áo quần Thuật quảng cáo, là thuật lường gạt người bằng cách tuyên truyền lớn lối, dối trá, một nói mười, mười nói trăm.

Đến giờ nghỉ ngơi, thì còn hát bóng “nhồi tiếp” cho những cái xa hoa dâm dật, những cái quan niệm mơ mộng rất sái xa với sự thật ở đời.[10]

Con người bấy giờ là một con vật thụ cảm hoàn toàn: sống theo ám thị chung quanh. Đấy là số phận của phần đông chúng ta.

Kẻ muốn có được một tinh thần tự chủ, phải giữ mình đừng để bị lôi cuốn theo những sức mạnh âm u ấy.

Ngay bây giờ, phải đề phòng cái nạn ấy: chống cự với ám thị. Giáo dục ở nhà trường, rất thiếu sót về cái thuật nầy.[11]

Theo tôi, muốn chống cự với ám thị chỉ có hai phương pháp:

Trước hết, phải dạy cho con người chỉ nên tin cậy nơi sức mình, và đừng bao giờ chịu sống nô lệ lấy những dẫn dụ, những kích thích của bên ngoài. Kẻ nào chỉ biết ỷ lại vào sự dẫn dụ của bên ngoài là tự hiến tâm hồn mình hoàn toàn cho sức mạnh của ám thị nào. Ai nói gì cũng nghe theo, phải quấy nên hư gì cũng mặc. Phần đông sống không mục đích. Họ ghiền sách báo, ghiền ra-đi-ô, ghiền hát bóng, cũng như họ ghiền rượu hay á phiện vậy. Thiếu mấy món kích động ấy, họ thấy đời sống họ như thiếu thốn bất thường.
Vậy, muốn dạy cho con người biết cậy lấy sức mạnh thiêng liêng của mình và chống cự với mọi sự quyến rủ bên ngoài, đừng trở nên những kẻ ghiền báo chí, ghiền ra-đi-ô hay xi-nê, phải làm cách nào?
Trước hết, phải tập sự tiêu khiển bằng sức mình, tự chế tạo đồ vật, tự học một nghệ thuật, hoặc nghiên cứu về một môn học nào Hãy tùy thích tập lấy một nghề thủ công nào, như nghề thợ mộc, thợ máy, thợ sơn hay học đàn, học vẽ chẳng hạn.
Pascal nói rất chí lý: “Phần nhiều tai nạn đến cho con người đều do sự không biết sống một mình yên tĩnh trong phòng”. Tai nạn ấy, theo tôi, là tai nạn về phần tinh thần trước hết.
Phương pháp thứ hai để chống cự ám thị là thuật phân tích và phê bình những lối quảng cáo và tuyên truyền, bất cứ là bằng món lợi khí nào: xi-nê, ra-đi-ô, báo chí hay quảng cáo.
Điều trước hết, là phải tập phân tích những tiếng thường dùng của báo chí, của những nhà diễn thuyết, v.v…
Thường họ hay dùng những tiếng “trống rỗng” mà “kêu vang” như Tự do, Bình đẳng Xã hội, Nhân đạo, v.v…
Ví dụ như chữ Tự do. Ta có bao giờ để ý đến cái thực nghĩa của nó như thế nào không? Tự do là gì? Sao là Tự do? Tự do có giới hạn nào? Người ta sống có Tự do được không? Chánh phủ có nên để nhân gian tự do làm gì thì làm không? Nếu quần chúng được tự do tha hồ làm gì thì làm, thì mình có sống được tự do yên ổn với chung quanh không? Phải hiểu tự do như thế nào? Bấy nhiêu câu hỏi ấy, có mấy ai hiểu nó một cách ráo riết không? Thế mà chữ Tự do đã làm cho người ta điên đảo, say mê ùa chết theo nó. Tại đâu? Tại nó “trống rỗng” mà “kêu vang”, quần chúng vô tâm thích lắm. Họ thích những cái gì họ không hiểu, cũng như họ thích những cái chi u ơ mờ mịt vậy. Tâm hồn thiên về thần bí của họ còn sâu nặng quá.
Bọn người lợi dụng hay dùng những tiếng ấy để quyến rủ, mê hoặc, ám thị, thôi miên quần chúng.[12]
Phải tập diễn giải những chữ “rỗng không” ấy ra, và đem so sánh chúng nó với những sự thật hiển nhiên trong đời.
Sự ám thị bằng miệng ấy, chẳng phải chỉ có một mình nó là tai hại cho tinh thần con người thôi. Ta còn phải lo ngăn ngừa lối ám thị trên mặt giấy, bằng hình mà bọn con buôn vô liêm sỉ hay dùng để mê hoặc người, như lối quảng cáo sử dụng phương pháp liên hợp một cách đột ngột ý tưởng của mình muốn quyến rủ với một vật, hoặc một cái hình, hoặc một thứ văn tả cảnh rất hay để gợi cho người ta một hứng thú tuyệt điểm. Ví dụ, họ đem cái hình một người đàn bà rất đẹp, với một nước da bóng nhoáng, khêu gợi sửa soạn đi tắm trong một cái phòng tắm bằng cẩm thạch màu hường rất xinh xắn, chưng dọn xa hoa cực điểm theo lối tân thời để làm quảng cáo cho một thứ xà-bông. Hoặc muốn quảng cáo thuốc điếu, thì họ vẽ một bức tranh dạ hội có nhiều người cực kỳ sang trọng, áo quần tuyệt “mốt” cùng nhau ngậm điếu thuốc phì phà; hoặc đem hình ngôi sao chớp bóng nào lộng lẫy, hay một chàng thanh niên đẹp trai, bảnh bao nào cũng được. Hoặc muốn quảng cáo cho một món thuốc bổ, thì họ vẽ một chàng lực sĩ đả hổ, hay bẻ gãy sừng trâu, v.v Tôn chỉ của nhà quảng cáo – bất kỳ là thuộc về loại nào cũng một thế – là tìm cách liên hợp cái món hàng của mình với những ý tưởng mà phần đông con người cho là khoái trá hơn hết, như ý tưởng dâm dật, mê ly, giàu sang, thế lực.

Những món hàng khéo quảng cáo nhất là bán chạy nhất.

Thậm chí Văn chương là một món sản vật của Tinh thần, thuộc về phần thiêng liêng cao trọng nhất mà người ta cũng đem nó làm món hàng “làm tiền” xúm nhau mà quảng cáo với những mánh khóe con buôn trăm phần trăm, thật là vô sỉ quá.

Sứ mạng của Văn chương là giải thoát tinh thần, mà lại hội hiệp được với sứ mạng quảng cáo là nhồi sọ lường gạt, thật là trạng thái của một tinh thần khủng hoảng đến cực điểm. Cả những bậc vĩ nhân như Stéfan Zweig, Keyserling, R. Rolland, André Gide cũng đều lên án cái thói “làm ô nhục văn hoá” ấy. Người ta dùng những lối văn rườm rà nghe rất kêu để giới thiệu quảng cáo, xu bợ, nịnh hót nhau, dẫn dụ ám thị độc giả mất cả sự phán đoán phê bình.

Phân giải những ý tưởng liên hiệp một cách đột ngột và vô lý ấy là một điều khẩn cấp, các tín đồ của Điềm Đạm cần phải chuyên tập hơn hết.

Phải để ý đến cái chỗ quan hệ giữa lối quảng cáo với món hàng quảng cáo, phân tích nó ra sao mà so sánh phê bình Ta sẽ thấy: có ăn chịu chỗ nào giữa cái hình đứa con gái đẹp điểm nụ cười xinh xắn với cục phấn đánh răng không? Phấn đánh răng không phải làm cho mọi người đều có đặng một hàm răng đẹp như cô gái ấy và cũng chưa ắt là nhờ phấn đó mà cô gái đẹp kia có đặng một hàm răng đẹp.

Đem bất kỳ lối quảng cáo nào để phân giải, ta sẽ thấy chỗ liên hợp của lối quảng cáo và món hàng không ăn chịu nhau chỗ nào cả.

Thế mà người ta chỉ thấy cái cách trình bày rất thoả mãn lòng khoái trá là đủ, không chịu để ý đến món hàng của mình như thế nào. Bởi vậy, cũng một món mà trình bày khéo léo để rủ quến khách mua hơn là để tự nhiên không tô điểm.

Gérard de Lacaze Duthiers nói rất chí lý: “Càng thấy làm quảng cáo chung quanh một người nào hay một vật nào, càng làm cho ta nên nghi ngờ chân giá trị của người ấy hay vật ấy. Đối với một quyển sách cũng vậy”.[13]

Đem cái thuật phân giải và phê bình đối với lối quảng cáo của con buôn, mà chuyển đi qua các lối quảng cáo khác, ta sẽ thấy bất kỳ là thuộc về giới nào: chánh trị, tôn giáo, học thuyết hay đảng phái đều cũng một thế. Phải tập quan sát, nghiên cứu mỗi sự mỗi vật theo cái giá thật của nó, đừng căn cứ theo quảng cáo của nó.

Tín đồ của Điềm Đạm phải nhất định, suốt đời mình, không bao giờ chịu để cho ai ám thị hay thôi miên, dẫu để chữa bệnh cũng vậy. Hơn nữa, nhất quyết không để cho những sức mạnh âm u vô trách nhiệm của hoàn cảnh dẫn dụ mình, mê hoặc mình, sai sử mình đến mất cả sự suy nghĩ, phán đoán của mình. Đây là công trình của trí dục mà tôi đã dành sẵn ở một nơi khác.[14]

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x