Trang chủ » Tinh hoa văn hóa dưỡng sinh – Thuật ăn uống

Tinh hoa văn hóa dưỡng sinh – Thuật ăn uống

by Hậu Học Văn
201 views

I. CẨN TRỌNG ĐIỀU HOÀ 5 VỊ

– 5 vị:

Nguồn của âm tinh là do 5 vị ăn uống. 5 tạng chứa âm tinh sẽ vì 5 vị mà tổn thương. Nếu ăn uống quá chua, gan quá thịnh dẫn đến tỳ suy nhược.

Nếu quá mặn, xương cốt sẽ tổn hại, cơ bắp co rút, tâm khí uất ức. Nếu quá ngọt, tâm khí đầy phiền muộn khiến tỳ quá táo mà không trơn hoạt, làm cho dạ dày ứ đọng. Nếu quá cay, gân mạch sẽ hoại tử, phát sinh buông thả, tinh thần tổn hại.

Cho nên, cần thận trọng điều hoà 5 vị, để xương cốt cứng rắn, gân mạch mềm dẻo, khí huyết lưu thông, cơ bắp săn chắc. Đúng là, phép dưỡng sinh cần tuân thủ chính xác thì sẽ kéo dài sức lực và tuổi thọ một cách hiệu quả.

– Gạo

Chữ TINH chữ KHÍ đều từ chữ MỄ (gạo) mà ra. Có thể nói tinh khí đều sinh sôi từ gạo. Con người có lúa gạo thì sống, dứt lúa gạo thì chết.

– 5 tạng

Tâm hợp với mạch, biểu hiện ở sắc mặt, chủ ở thận. Phế hợp với da, biểu hiện ở lông mao, chủ ở tâm. Can hợp với gân, biểu hiện ở móng, chủ ở phế. Tỳ hợp với cơ bắp, biểu hiện ở môi, chủ ở can. Thận hợp với xương, biểu hiện ở tóc, chủ ở tỳ. Vì vậy, ăn mặn nhiều mạch sẽ ngưng kết không thông; ăn đắng nhiều, da sẽ khô và rụng lông; ăn cay nhiều, gân sẽ co và móng khô; ăn chua nhiều, cơ bắp sẽ thô nhăn và môi rộp. Ăn ngọt nhiều, xương sẽ đau nhức và tóc rụng. Đó là do thương tổn từ 5 vị.

– 5 điều nên

Can tạng (tiêu biểu là gan) ưa màu xanh nên ăn ngọt, gạo nếp, thịt bò, táo, đều có vị ngọt. Tâm trạng (tiêu biểu là tim) ưa màu đỏ, nên ăn chua, đậu đỏ, thịt chó, mận đều có vị chua. Phế (tiêu biểu là phổi) ưa màu trắng, nên ăn đắng, thịt dê, hạnh, kệu đều có vị đắng. Tỳ ưa màu vàng, nên ăn mặn, đậu tương, thịt lợn đều có vị mặn. Thận ưa màu đen, nên ăn cay, thịt gà, đào, hành, kê vàng đều có vị cay.

Công dụng của 5 vị: cay có sức phát tán, chua có thể thu hợp, ngọt có thể viện trợ, đắng làm vững âm, mặn làm yếu cứng. Thuốc độc đều có thể dùng để công trị bệnh tà, ngũ cốc là thực phẩm duy trì sinh mệnh, hoa quả là thực phẩm phụ trợ, thịt cá là thực phẩm bổ dưỡng, rau củ là thực phẩm bổ trợ. 5 loại thức ăn này, mùi vị chua cay mặn ngọt đắng khác nhau, có tác dụng bổ ích với phủ tạng, căn cứ vào 4 mùa xuân hạ thu đông và khí thế khác nhau của 5 tạng mà dùng cho thích hợp.

– 5 lối vào và 5 lối cấm

5 vị thức ăn sau khi vào dạ dày, mỗi vị lại quy về tạng phủ mà nó hợp: vị chua vào gan, vị cay vào phế, vị đắng vào tâm, vị mặn vào thận, vị ngọt vào tỳ. Đó là 5 lối vào.

Vị cay xua đuổi khí, nếu khí bệnh, không nên ăn nhiều cay. Vị mặn đuổi máu, nếu máu bệnh, không nên ăn nhiều mặn. Vị đắng đuổi xương, nếu xương bệnh, không nên ăn nhiều đắng. Vị ngọt đuổi cơ bắp, nếu cơ bắp bệnh, không nên ăn nhiều ngọt. Vị chua đuổi gân, nếu gân bệnh, nên ăn nhiều chua. Đó là năm cấm kỵ đối với 5 vị, không thể ăn nhiều được.

Ăn uống nên tuân theo tự nhiên

Khi dùng thuốc lạnh nên tránh khi khí lạnh bao trùm. Khi dùng thuốc nóng nên tránh khí nóng bao trùm. Khi dùng thuốc mát nên tránh khi khí mát bao trùm. Khi dùng thuốc ấm nên tránh khi khí ấm bao trùm. Nguyên tắc này rất nên tuân theo. Nếu khí hậu biến hoá bất thường, không cứ phải câu nệ vào nguyên tắc này, đó là quy tắc tự nhiên. Nếu vi phạm quy luật tự nhiên, sẽ làm nhiễu loạn cả âm dương trời đất.

Ăn ngọt chống đói, ăn đắng thọ lâu

Sách xưa chép: kẻ ăn tạp thì trăm bệnh yêu tà dồn lại. Ăn càng ít, tâm càng mở, tuổi càng dài. Ăn càng nhiều, tâm càng tắc, tuổi càng tổn hại.

Người xưa bảo: ngũ cốc làm thân khỏi đói nhưng không ích thọ, trăm thuốc trị bệnh tật, khiến thọ lâu nhưng không ngọt ngào. Ăn ngon ngọt cho khỏi đói, người đời coi thế là quý. Ăn đắng để thọ lâu, đó là của quý của người tu dưỡng.

Ăn nóng – Cách dưỡng sinh thiết yếu

Việc ăn, trước tiên cần ăn nóng, thứ đến thức ăn ấm, sau mới làm đồ ăn lạnh. Ăn đồ ăn nóng xong rồi, nếu không còn thức nguội thì uống một hụm nước lạnh, nếu luôn ghi nhớ như thế, thì đó là rất biết dưỡng sinh.

Việc ăn, trước tiên hít nhẹ lấy khí, nuốt một hơi rồi ăn, sẽ không có bệnh.

Bậc chân nhân bảo, ăn nóng hại xương, ăn lạnh hại tạng, đồ nóng rộp môi, đồ lạnh tê răng. Uống miếng lớn thì huyết mạch bế tắc, uống quá say thì tâm thần tán loạn.

Mùa xuân nên ăn cay, mùa hạ nên ăn chua, mùa thu nên ăn đắng, mùa đông nên ăn mặn. Đó là cách trợ giúp 5 tạng, ích khí huyết, tránh mọi bệnh. Nhưng chua cay mặn đắng không được ăn quá nhiều.

Xuân không nên ăn gan, hạ không nên ăn tim, thu không nên ăn phổi, mùa đông không nên ăn thận, cả bốn mùa không nên ăn tỳ. Nếu có thể không ăn 5 thứ tạng này, là biết thuận theo lẽ trời đất đó.

Người ta không nên ăn đêm; ăn xong có thể đi lại vài quảng là rất tốt. Ăn no rồi nằm sẽ sinh trăm bệnh, thức ăn không tiêu được mà còn tích tụ lại. Ăn nên ít lượng mà nhiều bữa, không nên dùng 1 bữa quá nhiều đến khó tiêu.

Người theo đạo dưỡng sinh, đói mới ăn khát mới uống, sợ đói quá thì ăn sẽ nhiều, khát quá thì uống tất quá. Ăn xong nên đi lại, đi lại rồi xoa bụng vài trăm lượt, cực kỳ ích lợi: Ăn xong đi lại 5 dặm rồi nằm nghỉ, sẽ trừ mọi bệnh trong người.

Việc ăn, nên luôn ăn nóng để vào ruột dễ tiêu hóa, chớ nên quên ăn lạnh.

Việc ăn, đồ nấu chín hơn sống ăn ít hơn ăn nhiều. Không nên để quá đói mới ăn, mà ăn cũng không nên quá no. No thì tổn thương thần tâm, đói thì tổn hại dạ dày. Không nên để quá khát mới uống, uống cũng không nên quá nhiều, nhiều thì hại khí, khát thì hại máu.

Bệnh về ăn uống, nặng hơn mê thanh sắc

Phàm muốn bệnh chợt sinh, tuổi đời chợt yểu, phần nhiều là họa bởi ăn uống. Trị họa ăn uống còn hơn cả họa mê thanh sắc. Thanh sắc có thể bỏ hàng năm, còn ăn uống thì không thể bỏ một ngày. Về ăn uống lợi cũng lắm mà hại càng sâu. Thức ăn trăm vị, hoặc công phạt nhau, hoặc kỵ nhau, trở nên độc hại, chậm thì hàng năm mới thành bệnh, nhanh thì như lửa ào ào tới.

Từ sau hạ chí tới thu phân, chớ ăn các loại bánh nhiều chất béo, đồ ăn này xung khắc với rượu, hoa quả. Hoặc đột nhiên sinh bệnh, vào thu biến đổi, bộc phát, đều do mùa hạ ăn lạnh thái quá, ăn uống không tiết chế.

Con người nhờ 5 vị mà sống, cũng vì 5 vị mà tiêu

Việc ăn uống, thứ nhất cần tiết chế, thứ hai cần điều hòa. Điều hoà ăn uống không phải việc dễ, đòi hỏi con người phải có những hiểu biết nhất định về y dược học, dinh dưỡng học, nấu nướng học. Sơ lược thì trong ăn uống có mấy chú ý sau:

1. Tuỳ thời mà khác nhau. Khí hậu 4 mùa biến đổi là ngoại cảnh, sinh lý cơ thể con người là nội cảnh. Ngoại cảnh có ảnh hưởng cực lớn đối với nội cảnh. Để gìn giữ nội cảnh tương đối ổn định cân bằng, tuỳ theo biến đổi ở ngoại cảnh, nhu cầu cơ thể cần thức ăn cũng khác nhau. Xuân, hạ nên ăn thanh mát, ăn ít, không nên ăn đồ nóng nhiệt; cho nên ăn nhiều hạt sen, đậu xanh, dưa hấu, kỵ thịt chó, ăn ít thịt bê, cá chép. Mùa thu nên ăn nhiều thức ăn có hàm lượng cao, ăn ít đồ cay nóng; cho nên ăn nhiều lê, uống ít loại rượu trắng. Mùa đông nên ăn đồ bổ, ấm nóng, ăn ít đồ ngọt lạnh; vì vậy có thể ăn nhiều thịt bò, dê, chó, ăn ít cá.

2. Tuỳ nơi mà khác nhau. Vị trí sống và hoàn cảnh sinh hoạt khác nhau, thói quen nhu cầu ăn uống cũng khác nhau. Vùng ven biển và sông hồ nhiều nước, nên ăn thanh đạm bỏ ẩm thấp. Nơi cao nguyên lạnh khô, nên ăn thực phẩm nóng ấm, sinh nước bọt, trừ lạnh.

3. Tuỳ người mà khác nhau. Tính cách, tuổi tác, cơ thể khác nhau, ăn uống cũng khác nhau. Nhi đồng nên ăn đồ bình hòa, dễ tiêu hóa hấp thụ, ăn ít đồ béo bổ. Người già nên ăn ít đồ bổ, dễ tiêu hóa, kỵ lạnh mát. Đàn ông nên bổ dương, phụ nữ nên ăn loại thực phẩm trong mát âm nhu. Người hay bị gió lạnh nên bổ khí; hay bị thấp nhiệt nên thanh đạm. Người bị chứng đầy nên ăn thực phẩm trừ tà, bị chứng hư nên ăn thực phẩm dẫn bổ.

4. Cân bằng dinh dưỡng, tránh ăn quá nhiều 1 thứ. Ăn uống toàn diện để đảm bảo tỷ lệ cân bằng thành phần dinh dưỡng.

5. Phối hợp khoa học, chú ý các cấm kỵ. Để nâng cao giá trị về mặt nào đó hoặc giảm tối thiểu tác dụng phụ của nó, người ta hay phối các thức ăn với nhau. Nhưng có 1 số thức ăn tuyệt đối không được phối hợp, nếu không sẽ rất hại.

II. ĂN UỐNG CÓ CHỪNG MỰC

Ăn nên theo thời, thân không tai họa

Việc ăn uống, chớ màng những đồ béo bổ, chớ uống rượu mạnh, đậm. Những thứ ấy đều là đầu mối gây bệnh cả. Ăn uống nên theo thời, thân thể sẽ không bệnh tật. Nguyên tắc ăn uống, không nên quá no quá đói, để 5 tạng được an ninh. Thức ăn trong miệng nhất định phải thấy ngon ngọt (ăn ngon miệng) khiến tinh thần hài hòa, phong độ đoan chính, để thần khí hỗ trợ thu nạp và vận chuyển, giúp toàn thân khoan khoái, tinh chất của thức ăn được chắt lọc trọn vẹn. Nên ăn miếng nhỏ, tư thế ngay thẳng như cán bút, chớ bạo ăn bạo uống.

Ăn đừng ngại nhai kỹ

Khi đói mà ăn, đừng ngại nhai kỹ. Khi khát mà uống, đừng ngại uống từng ngụm nhỏ. Đừng quá đói mới ăn, ăn đừng quá no.

Khi khát quá mà uống, đừng uống quá nhiều. Ăn đừng ghét nhỏ kỹ, uống đừng chê nóng ấm.

Khoái khẩu nhất thời, tham lâu ắt hại

Ăn uống vào dạ dày, thông suốt tinh khí. Nếu ăn uống không chừng mực, tham ăn quá nhiều, máu trào khí tràn đến nỗi độc hại, tiêu hóa rối loạn, huyết mạch ứ trệ, không tự vận hành, bệnh tật lan khắp.

Đạm bạc thì yên, bổ béo thì nguy

Sống nơi xóm núi nghèo hèn, thường xuyên đạm bạc, động tác không suy, thân thể khỏe mạnh. Xưa nay, thọ hơn trăm tuổi, phần nhiều đều sống nơi dân gian. Những người hiển đạt giàu sang thì lại hiếm kẻ trường thọ. Thành ra, hậu chẳng bằng bạc, nhiều chẳng bằng kiên nhẫn, giơ mũi dao chẳng bằng né mũi giáo. Thà phụ cái bụng mình còn hơn phụ cái cuộc sống trời cho mình, đó là đạo gìn giữ cuộc sống.

Ăn uống có bí quyết

Ăn uống là để dưỡng sinh, tham lam vô độ thì cái sinh cũng là cái hại. Huống gì chẳng bổ béo cho sự sống, mà cứ tham vị lạ cho sướng cái miệng, đó đều ẩn tai họa cả.

Bậc chân nhân nói: đói lâu không được ăn, ăn no ắt sinh bệnh tức.

Sách xưa dạy: khi ruột trống không ăn quả tươi, nó sẽ khiến lớp mạc nóng nhiệt, xương bị hun, gây mụn nhọt. Uống rượu nóng chưa được giải chớ rửa mặt nước lạnh, nó sẽ khiến mặt bị thương. Ăn no chớ nên gội đầu, gội đầu sẽ bị thống phong.

Sách Cấm kỵ ăn uống dạy: bệnh mới nảy, không được ăn táo tươi, thịt dê, rau sống sẽ hại nhan sắc, suốt đời không hồi phục được, dễ chết, lớp bạc nóng nhiệt.

Ăn để dưỡng âm. Uống để dưỡng dương. Ăn nên thường ít, nhưng chớ để bị hư suy, không đói, cố ăn thì tỳ mệt; không khát, cố uống thì dạ dày chướng. Mùa đông hàng sáng chớ để bụng chống, mùa hạ hàng đêm chớ để dạ đầy. Ăn no không được nằm ngửa, sẽ gây thành trở ngại khí. Sau khi ăn không được đi nằm, sẽ sinh trăm bệnh. Khi ăn, gặp màu sắc đáng ghét thì không ăn; gặp mùi vị đáng ghét thì không ăn; không nấu chín không ăn; không đúng lúc không ăn.

Không ăn vật sống, lạnh

Thái Ất chân nhân bảo rằng: ăn uống ngon là dưỡng dạ dày. Dạ dày là biển của khe nước, là chủ nhận các khe nước. Tỳ ở trung ương, mài giũa mà tiêu thức ăn, hóa làm khí huyết, ngấm khắp phủ tạng, nuôi dưỡng toàn thân. Điều cốt yếu là không điều chỉnh sự ăn uống ngon lành. Ăn uống ngon lành không phải ở sơn hào hải vị, mà là: không ăn đồ sống, lạnh; không ăn đồ thô cứng, không cố uống. Đói hãy ăn, ăn đừng quá no, khát hãy uống, uống đừng quá nhiều. Những thứ ấy đều làm tổn hại dạ dày, dù không nảy bệnh thì cũng hại sự sống.

Không nên ăn no

Việc ăn uống, trước ăn nóng, sau ăn lạnh là tốt nhất. Thận thuộc thuỷ, thuỷ thường tính lạnh, vì vậy ăn nóng trước để làm nóng thận. Bất kể bốn mùa, thường làm như thế, tiêu hóa sẽ rất tốt. Tháng giữa hè, chỉ nên ăn nóng, để giữ dương khí bên trong.

Ăn chớ nên quá no, quá no thì thương tổn tâm, làm khí ngắn lại. Ăn xong, trước hết lấy tay xoa bụng vài chục lần, rồi ngửa mặt hà khí 20 lần rất tốt để tiêu những thức ăn độc.

Ăn rồi, không được nằm ngủ bởi sẽ gây hại cho phế, dinh dưỡng không thông, mạch máu ứ đọng. Xương cốt mệt mỏi nặng nề càng thích ngủ, trăm bệnh từ đó mà ra. Ăn rồi, nên vận động ít phút, đi lại 35 bộ để thức ăn tiêu hóa, tâm phủ nhẹ nhàng, sau mới đi nằm.

Khi nằm không nên nói cười ca hát. 5 tạng như chuông khánh, không gõ thì không phát tiếng kêu.

Ăn uống là để trợ khí, ăn no thì khí không lưu hành được. Ăn rồi kỵ nhất nằm ngửa. Ăn chớ thô tục và vội vàng, vội thì tổn khí, thô thì tổn tỳ, tỳ tổn thương thì ăn khó vào.

Ăn no không nên đi bộ nhanh, đi ngựa, leo cao, lội sâu, tất cả đều gây nội thương.

Sau khi ăn nóng chớ dùng nước lạnh xúc miệng, sau khi ăn lạnh chớ dùng nước nóng tráng miệng. Nóng lạnh đánh nhau, sẽ gây đau nhức răng, chân răng sụt lộ.

Sáu điều cốt yếu khi ăn uống

1. Người thích ăn thì ăn nhiều, thích ăn món gì thì món ấy nuôi thân, sẽ thường ăn món ấy. Nhưng phải biết xác định món nào là chính.

2. Người ghét ăn thì ăn ít, ăn ít mà đầy ứ, không tiêu hóa được, là do từ gốc bệnh. Với thức ăn không lành, cố gắng ăn ít, không ăn càng tốt.

3. Quá đói chớ ăn no, muốn điều hoà ăn uống, trước hết phải cân bằng no đói.

Đói 7-8 phần thì ăn, trước đó thì sớm, sau đó thì muộn. Đói 7 phần cũng chỉ nên ăn no 7 phần. Như là ruộng lúa, cần bao nhiêu nước thì tưới bấy nhiêu, đổ quá thì úng lúa. Nếu quá đói mới ăn, thì thà ăn ít còn hơn ăn nhiều, nếu nhiều thì no đói xung khắc, tỳ khí thương tổn, công điều hoà mấy tháng chẳng bằng sự rối loạn một buổi.

Độ no đói, không vượt quá 7 phần là được. Nếu no quá khó tiêu, thì theo phép nuôi chim ưng, khiến cho ruột trống rỗng. Tựa như sau mùa bội thu, bỗng gặp hoang hóa. Dân nghèo, đói thì chịu được. Người giàu, đói không chịu được, bệnh tật sẽ phát sinh, phần nhiều do đó cả. Người giỏi dưỡng sinh từ xưa, ắt không lấy thân làm trò đùa.

4.Khi giận khi buồn chớ ăn. Buồn giận vui buồn mới phát đều không phải là lúc ăn vào. Những khi mừng vui thì còn có thể ăn, những khi buồn giận thì nhất định không thể. Khi giận ăn vào dễ xuống mà khó tiêu, khi buồn ăn khó tiêu mà cũng khó xuống. Nói chung nên tạm thời bỏ bữa, đợi khí giận khí buồn tiêu tán cả. Ăn uống bất luận sớm muộn, đều lấy lúc thức ăn vào ruột tiêu hóa làm hạn. Ăn sớm mà không tiêu, chẳng bằng ăn muộn mà tiêu ngay. Không tiêu tức là bệnh, tiêu được thì có thể tránh được mối lo của mỗi bữa ăn.

5. Khi mệt chớ ăn, đề phòng buồn ngủ. Buồn ngủ thì thức ăn dừng ở trong mà không xuống được.

6. Khi phiền muộn chớ ăn, để tránh phản ứng xấu. Tâm có phản ứng xấu thì không những không xuống được mà còn bị nôn mửa. Ăn vào cốt để lấy chất, được chất thì bổ ích, không có chất thì bổ ích vào đâu được.

Xoa bóp tiêu hóa

Khi ăn quá no, dù thân rất mệt, hãy chớ đi nằm. Có thể vận động đi bộ vài trăm bộ, sau bỏ thắt lưng, nới áo rộng, vươn lưng ngồi thẳng. 2 tay xoa vào bụng, xoa đi xoa lại, khoảng một hai trăm lần. Rồi trở 2 tay, xoa từ vùng ngực xuống hai bên sườn, khoảng mười mấy lượt, khiến khí trong bụng lưu thông, không bị ứ trệ.

Sớm không trống bụng, tối chẳng ăn no

Khi ăn nóng sẽ ra mồ hôi, chớ nên hứng gió, để đến nỗi đau đầu, mỏi mắt, hay ngủ. Đêm không nên ăn nhiều.

Ăn xong, tráng miệng bằng nước ấm, để răng không sâu, miệng không hôi.

Cơm nấu nát, thịt nấu mềm, ngủ một mình

Người xưa ngày thường đi lại dưỡng sinh; người ngày nay đợi già mới giữ gìn sự sống, thì vô ích thôi. Người xưa có câu: người ở Quảng Đông, sáng không trống bụng, tối chẳng ăn no.

Cấm kỵ trong ăn uống

5 vị đạm bạc, khiến tinh thần sáng khoái, tinh khí trong trẻo, ít bệnh tật. Nhiều chua hại tỳ, nhiều mặn hại tâm, nhiều cay hại gan, nhiều ngọt hại thận. Kỵ nhất là thức ăn sống, lạnh, cứng. Trong bụng thường ấm, thì khí huyết mạnh mẽ, mọi bệnh không sinh.

Ăn uống không thể quá nhiều, không thể quá vội, kỵ nhất uống trà làm bụng rỗng, uống rượu sau khi ăn, ăn vào lúc hoàng hôn. Đêm khuya không nên say, không nên no, không nên đi xa.

Dù giữa hạ cực nóng, nếu rửa tay rửa mặt bằng nước lạnh, 5 tạng sẽ khô, ít chất dịch, huống gì tắm rửa nữa. Sau khi giận dữ không nên ăn, sau khi ăn không nên phát giận.

Cơm nấu mềm, thịt nấu nhừ, ngủ một mình là bí quyết dưỡng sinh huyền diệu. Tỳ tiêu hóa thức ăn, ăn đêm thì tỳ ngủ nên nó không cọ sát. Sách xưa bảo dùng âm nhạc trợ giúp tiêu hóa, là vì tỳ ưa âm nhạc đó. Nghe âm nhạc thì tỳ mạnh mẽ mà co bóp. Cho nên âm nhạc đều ra từ tỳ.

Mùa hạ đêm ngắn, nên ăn ít để tránh khó tiêu hóa.

Dùng gạo mới nấu cháo, không đặc không loãng. Ăn nóng và ít không kể sớm tối. Đói mới ăn, đây là điều rất tốt để dưỡng sinh.

Ăn vào bị đầy chướng, nên ngậm kín răng miệng, nhô vai, nhìn lên đưa khí lên họng. Lát sau, lại hạ xuống vào đan điều. Lên xuống như thế 4 – 5 lượt, thức ăn sẽ được tiêu hóa.

Để trị chứng ăn không tiêu, ngửa mặt nằm thẳng, hai tay xoa ngực và bụng, xoa đi xoa lại, vận khí lên miệng 9 lần.

3 loại người ăn uống

1. Ăn lấy no, lượng ăn rất nhiều, không kể tinh khô, cốt ở no bụng

2. Ăn ngon, coi trọng mùi vị, phải tươi béo, phải là sơn hào hải vị, bữa ăn như cỗ. Hợp vị thì rất khoái khẩu. Nhưng mỗi vật đều có lợi hại, như tươi thì hay hại tỳ, nướng thì thường hại máu. Loại này sướng mồm bụng nhưng quên tính mạng.

3. Dưỡng sinh, uống cần nước sạch, ăn cần gạo lành. Rau cỏ thịt cá coi là vật thường trước mắt, cốt tươi, sạch, chín, nấu nướng thích hợp, không cầu quý hiếm, chỉ cần ngon miệng.

Ăn không cần nhiều món, mỗi lần ăn chỉ cần 1,2 món ngon miệng. Nếu ăn quá nhiều món vào bụng, 5 tạng sẽ chẳng đủ mà tiêu hóa.

Chú ý điều tiết ít và nhiều khi ăn uống

Ít uống rượu, ăn nhiều cháo; ăn nhiều rau; ăn ít thịt; mở miệng ít; nhắm mắt nhiều; chải đầu nhiều; tắm gội ít; ít gặp nhiều người; hay ở một mình; đọc sách nhiều; ít tích của báu; ít háo danh; nhiều nhẫn nhục; làm việc thiện nhiều; ít lao tâm khổ tứ.

III. DINH DƯỠNG VÀ PHƯƠNG PHÁP CHỮA BỆNH BẰNG THỨC ĂN.

Nếu như bạn muốn dinh dưỡng bảo vệ tuổi thanh xuân, kéo dài tuổi thọ thì việc nắm vững phương pháp chữa bệnh thông qua việc ăn uống, dinh dưỡng là điều kiện không thể thiếu được. Bởi vì việc ăn uống, dinh dưỡng không những ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe của mỗi người, mà còn liên quan trực tiếp đến khỏe đẹp của cơ thể.

Phạm vi của phương pháp chữa bệnh, thông qua ăn uống, dinh dưỡng là rất rộng; nó liên quan tới các kiến thức về việc ăn uống, phương pháp chữa bệnh của thức ăn và nhiều phương diện khác nữa. Dưới đây xin giới thiệu để bạn đọc nắm vững được những điểm cơ bản của từng vấn đề.

Dinh dưỡng và việc ăn uống hợp lý

Nhiệt năng và các loại chất dinh dưỡng mà cơ thể đòi hỏi đều thu được từ các loại thức ăn, đồ uống mà ta sử dụng hàng ngày. Do sự phát triển của khoa học dinh dưỡng, con người tuy rằng có thể thông qua toàn bộ các loại thức ăn để thu lấy tất cả các loại dinh dưỡng cần thiết; song đây chỉ là phương pháp dinh dưỡng đặc biệt trong một hoàn cảnh đặc thù; nó không thích ứng với tình hình chung. Hàng ngày trong các loại thức ăn mà ta ăn vào đều có chứa các chất như các hợp chất các – bon tan trong nước, chất béo, chất lòng trắng trứng (prô – tê –in), chất khoáng, vitamin, các chất xen-lu-lô, nước và các chất dinh dưỡng khác đưa vào cơ thể. Thông qua tác dụng tiêu hóa, hấp thụ và sự trao đổi vật chất; các thành phần dinh dưỡng có chứa trong thức ăn có thể cung cấp nhiệt lượng và những vật liệu giúp cơ thể phát triển và khôi phục ở các bộ phận; mặt khác còn có tác dụng điều tiết các loại cơ năng sinh lý của cơ thể. Nếu như các loại thành phần dinh dưỡng chứa trong thức ăn thỏa mãn được yêu cầu sinh lý của cơ thể, sẽ đảm bảo cho cơ thể khỏe mạnh và phát triển bình thường. Trường hợp dinh dưỡng không đủ hoặc quá thừa cũng dẫn tới những nguy hại ở nhiều hình thức khác nhau cho cơ thể.

Thức ăn mà cơ thể người đòi hỏi, phải phù hợp với các yêu cầu cơ bản sau:

Thức ăn cần phải đa dạng hóa

Thức ăn đa dạng hóa là gồm nhiều loại món ăn hợp thành. Ý nghĩa của nó là ở chỗ, sử dụng thức ăn đa dạng hóa sẽ có thể thu được tất cả các loại chất cần thiết như prô-tê-in, chất béo, hợp chất hữu cơ, chất khoáng và các loại vitamin.

Nếu như thức ăn đơn điệu, cơ thể sẽ không có đủ các chất cần thiết để đảm bảo sức khỏe tốt, mặt khác sẽ dẫn tới các tai biến đối với sức khỏe.

Thức ăn và dưỡng sinh để giữ mãi tuổi thanh xuân

Tác dụng của dưỡng sinh giữ được tuổi thanh xuân của thức ăn đã được các nhà y học coi trọng. Quan niệm về dưỡng sinh của Trung Quốc cho rằng: Hiệu quả này của thức ăn là thông qua bổ thận, làm cho tỳ (lá lách) được khỏe mạnh, máu dồi dào, vì thế khả năng đề kháng và chữa bệnh cao, đó là điều có cơ sở lý luận khoa học.

Sự sinh trưởng, phát triển, già lão có liên quan rất mật thiết đến sự mạnh hay yếu của quả thận. Nếu suy thận, có thể hom hem, xơ xác; khả năng trao đổi chất thấp, rất dễ bị lão hóa. Ngược lại, thận khỏe mạnh, người sẽ béo tốt mỡ màng đầy sức sống. Vì vậy, việc ăn uống mà có tác dụng làm cho thận khỏe thì làm làm cho sức sống được nâng cao, chính vì thế sẽ đạt được tác dụng kéo dài tuổi xuân, nâng cao tuổi thọ.

Dạ dày cũng là một bộ phận rất quan trọng; dạ dày bao gồm tổng hòa chức năng của lá lách (tỳ) và dạ dày; chúng cùng có tác dụng hoàn thành quá trình tiêu hóa và hấp thụ. Nếu như dạ dày và lá lách yếu, không tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt; vì thế cơ thể không được bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết: sẽ dẫn tới hiện tượng dinh dưỡng bị thiếu gây thiếu máu, phù nề, thở hồi hộp, choáng váng, cân tay rã rời… điều này làm tăng nhanh sự lão hóa. Vì vậy, những thức ăn làm bổ tỳ, bổ dạ dày, trực tiếp tác dụng chống lại sự lão hóa nhanh.

Máu là động lực của sự sống con người, nó là nguồn sinh hóa của cơ thể, trong con người lục phủ ngũ tạng, chân tay xương cốt đều phải dựa vào sự luân chuyển của máu nhằm cung cấp dinh dưỡng liên tục. Vì thế, nguyên nhân dẫn tới sự lão hóa nhanh là rất phức tạp, song tát yểu phải xét tới diễn biến về bệnh ở đường máu. Các loại thức ăn bổ máu, chắc chắn sẽ kéo dài được tuổi thanh xuân và càng sống lâu.

Những loại thức ăn có tác dụng chữa bệnh rõ rệt, chắc chắn là có tác  dụng chống lão hóa. Dưới đây xin giới thiệu các loại thức ăn có thể đảm bảo dưỡng sinh, giữ được tuổi thanh xuân.

Các loại rau xanh

Rau xanh có chứa các loại vitamin mà hàm lượng so với lương thực có thể cao hơn từ vài lần đến vài chục lần. Ví dụ vitamin A trong cà rốt, gấc… có thể phòng được bệnh mù do suy thoái mắt, bệnh nhũn giác mạc; vitamin B trong rau cải trắng, rau cúc… có thể chống và phòng ngừa được bệnh suy dinh dưỡng, bệnh viêm góc mép, bệnh viêm thần kinh đốt cuối; cà chua, ớt, bắp cải có chứa vitamin C phòng chống được bệnh hoại máu, xuất huyết máu dưới da; rau thơm, cải dưa có chứa vitamin B có thể phòng chống bệnh nhũn xương, kích thích phát triển xương và kích thích mọc răng…

Trong rau xanh còn có lượng khoáng chất phong phú, ví dụ can-xi trong rai cải, dưa là nguyên liệu chủ yếu phát triển răng và xương; sắt trong rau chân vịt là nguyên liệu tạo hồng cầu trong máu; phốt-pho trong các loại rau lá nhọn có tác dụng nhất định với hệ thống thần kinh.

Có một số loại rau xanh có chứa các chất có tính năng lượng nhất định, như các chát protein , chất béo trong họ rau đậu hạt; chất đường trong khoai tây… Những chất dinh dưỡng này qua tác dụng ô xy hóa, có thể tỏa ra năng lượng nhát định cung cấp cho nhu cầu cơ thể.

Trong rau xanh có tới trên 90% là thành phần xen lu lô . Tuy không có giá trị dinh dưỡng, nhưng cơ thể không thể thiếu được nó, vì xen lu lô có tác dụng kích thích nhu động ruột, giúp cho việc tiêu hóa, có lợi cho việc đại tiện, đặc biệt đối với người già, phụ nữ có thai và những người bí đại tiện đều có tác dụng chữa bệnh rất tốt.

Nhiều loại rau còn có tác dụng chữa một số bệnh có tính chuyên môn. Ví dụ: cà rốt có tác dụng bổ phổi, thông đường hô hấp; gừng  chống được lạnh làm cho dạ dày khỏe, chống được các bệnh cảm mạo và một số bệnh về dạ dày.

Một số loại rau mang tính chất như thuốc chữa bệnh chuyên dụng:

Tỏi

Tỏi có công hiệu sát trùng mạnh, điều này từ cổ chí kim, cả Đông y và Tây y đều công nhận. Ở Mỹ, trong một số loại thuốc, tỏi được coi là một loại thuốc thần diệu. Hiện nay, tỏi là thứ hàng hóa có giá trị trên thị trường thế giới.

Tỏi được dùng bất kể là sống hay nấu chín đều có tác dụng giữ ấm cho đường tiêu hóa, lưu thông khí huyết. Nói chung, khi tỳ vị yếu, đường khí huyết ngừng trệ và lạnh giá, sẽ dẫn tới lạnh bụng, phù nề vì ứ nước, không ăn uống được – đều có thể dùng tỏi là thức ăn có tác dụng như một loại thuốc tốt.

Nước tỏi ép có tác dụng tiêu độc chống sưng tấy phù nề. Ăn tỏi sống có thể chống được bệnh chướng hơi, giải độc do ăn cá, trì trệ trong cơ thể. Nói chung, tỏi chữa được cả các bệnh do trúng độc, phù nề do ứ nước.

Lý Thời Trân đánh giá rất cao rằng: “Tỏi là thứ vật ấm nóng, có thể thông được ngũ tạng, đạt được sự thông thoát của cơ thể, khử hàn lạnh, tránh được mầm gây bệnh, tiêu độc, chống sưng phù đau nhức, tiêu được thức ăn và nhiều công dụng khác”. Khoa học hiện đại đã chứng minh rằng: trong tỏi có chứa các chất như protein, béo, đường, vitamin B, vitamin C cũng như các chất khoáng là canxi, phốt pho, sắt, vv… Tác dụng chữa bệnh của tỏi chú yếu là ở tinh dầu tỏi, trong tinh dầu tỏi có chứa các hợp chất lưu huỳnh hóa, đối với người bị bệnh mỡ trong máu quá nhiều, có tác dụng khử mỡ rất rõ rệt. Tác dụng kiềm chế vi khuẩn ở một số mặt như trừ độc do với thuốc kháng sinh gốc sun-phua, tỏi có tác dụng mạnh hơn; vì vậy, tỏi thường được coi là strep-tô-mi-xin và chất khử độc có sẵn trong vườn nhà.

Tác dụng dược lý của tỏi có thể chống viêm nhiễm các vết thường, chống các vi trùng gây bệnh, các vi trùng hình roi, chống được ung thư vú, ung thư dạ dày, viêm khớp, hạ huyết áp, hạ đường trong máu, tăng dịch dạ dày, tăng khả năng miễn dịch, làm cho thành mạc máu mềm mại, điều tiết các loại nội tiết, đồng thời có lợi trong việc tiêu hóa và hấp thụ mỡ, đường gluco. Gần đây, người ta còn phát hiện trong tỏi có chất sê-len, nó giống như một loại thuốc, có thể giữ cho các tế bào phân giải một cách bình thường đối với bệnh ung thư, vì thế tỏi còn có tác dụng phòng tránh bệnh ung thư.

Bí đao:

Đặc điểm của bí đao là quả to, lượng nước nhiều, nhiệt lượng thấp. Căn cứ vào việc phân tích dinh dưỡng, cứ 500g bí đao có khoảng 1,5g protein, 8g đường; ngoài ra còn có 61 miligam vitamin C cùng các nguyên tố vi lượng: canxi, phốt pho, sắt, vitaminB1, B2… Nhiệt lượng do bí đao cung cấp không tới 50 calo, nếu so sánh với các loại rau, bí khác thì thành phần dinh dưỡng của bí đao không cao. Song giá trị về dược của bí đao lại vượt xa giá trị dinh dưỡng của nó. Hạt, vỏ, lá, thân, rễ của cây bí đao đều có thể dùng làm thuốc. Trong đông y Trung Hoa, người ta cho rằng, đối với những người bị bệnh xơ cứng mạch máu, bệnh về tim, cao huyết áp, béo phì… bí đao có công hiệu rõ rệt. Bí đao tính lạnh, lợi tiểu, chống khát, chữa các bệnh phù thũng của tuổi già, tức ngực, bốc hỏa lên mặt và đầu. Với người gầy còm, quá nhẹ cân, nên kiên trì ăn bí đao sẽ dần béo lên và tạo cảm giác ăn uống ngon miệng.

Bí đao có tác dụng giả độc do ăn cá, giải độc do uống rượu. Bí đao còn có tác dụng làm tiêu các cục mỡ thừa tích tụ, cũng như lượng nước ứ lại trong cơ thể. Lượng đường trong bí đao thấp, nên thích hợp cho người bị bệnh đái đường ăn hàng ngày. Người bị một số bệnh về tim, hàng ngày đỏi hỏi cung cấp một lượng calo tương đối thấp so với yêu cầu bình thường, ăn bí đao sẽ giảm bớt sự trao đổi cơ bản, làm cho tim dần dần khôi phục lại khả năng làm việc bình thường.

Hành tây:

 Hành tây đang được coi là vị thuốc tốt để chống bệnh xơ cứng mạch máu. Trong củ hành tây có chứa thành phần các chất làm giảm lượng mỡ trong máu một các rất hiệu nghiệm. Cách đây không lâu, qua thực nghiệm trên cơ thể người và động vật, khoa học đã chứng minh được rằng: hành tây có tác dụng hòa tan mạnh chất abumin sợi, và quan trọng hơn là nó có thể làm giảm lượng mỡ trong máu. Hành tây sống và nấu chín đều có tác dụng chống xơ cứng mạch máu như nhau. Người ta phát hiện thành phần hóa học của hành tây còn có chất kích thích tố giống như chất do thận tiết ra trong cơ thể người, nó có tác dụng hạ áp lực. Ở Mỹ, người ta vẫn thường dùng hành tây làm thức ăn cho người bị bệnh cao huyết áp.

Cà rốt:

Ở phương Tây, cà rốt được coi là loại thức ăn rau cao cấp, ở Hà Lan, họ coi cà rốt là một trong những thứ rau có tính “quốc gia”. Trong củ cà rốt chứa rất nhiều chất ca-rô-tin; mỗi phân tử ca-rô-tin có thể thu được hai phân tử vitamin A, vì thế cà rốt được coi là loại rau vitamin A.

Khoa học đã chứng minh rằng: Người được cung cấp lượng vitamin A quá thấp sẽ có khả năng mắc bệnh ung thư cao gấp hai lần. Điều đó cho thấy vitamin A quan trọng đến mức độ nào.

Trong cà rốt có chứa chất xen-lu-lô, nó có tác dụng nâng cao khả năng chống bệnh ung thư và tiêu diệt tế bào ung thư. Trong cà rốt còn có chữa chín loại a xít a min mà có thể cần là năm loại.

Ăn cà rốt sống hoặc chín đều có tác dụng bổ máu; những người bị suy nhược vì lao lực lâu ngày, cũng như suy nhược cơ thể ở người già và trẻ con đều rất nên ăn cà rốt thường xuyên. Cà rốt còn có tác dụng giúp dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt. Nó có tác dụng chữa bệnh trong các trường hợp ăn không tiêu, bụng đầy chướng, tức ách, bị kiết lỵ lâu ngày.

Ngoài ra, cà rốt còn có thể giải độc các nốt mẩn trên da mọng nước như bệnh sởi, thủy đậu và con có thể chữa bệnh ho gà.

Thức ăn là các loại hoa quả:

Quả sơn trà:

Còn gọi là quả hồng dại, được sử dụng như vị thuốc quý từ lâu đời. Nó có lượng dinh dưỡng rất phong phú. Mỗi cân có tới 890mg vitamin C, trong các loại hoa quả, sơn trà chỉ đứng sau táo tây, đào chua. Chất ca-rô-tin chiếm tới 8,2mg; sau đó mới đến quả hạnh mận. Đặc biệt quả sơn trà có chứa hàm lượng can xi cao, cứ 100g thịt quả, có tới 85mg, rất cần thiết đối với trẻ nhỏ và phụ nữ đang mang thai. Sơn trả có thể ăn tươi hoặc có thể qua chế biên. Nó có tác dụng làm tan chỗ đau nhức, sưng tấy, viêm, giải độc, lưu thông máu, gây hưng phấn, kích thích tiêu hóa, gây thèm ăn… Ngoài ra còn có tác dụng chữa các bệnh như cao huyết áp, một số bệnh về tim, bệnh đái đường. Trong quả sơn trà còn có các hợp chất chứa đồng, đây là thành phần của thuốc chống ung thư khá mạnh.

Táo (táo tây)

 Từ xưa đến nay, táo được coi là loại quả rất bổ, đây cũng là quan điểm y học truyền thống của Trung Quốc. Người ta còn gọi táo là “Cục vitamin thiên nhiên”, trong đó vitamin P là loại chứa nhiều nhất trong quả táo so với các loại quả khác. Hàm lượng phốt pho và can xi gấp từ 2-12 lần so với các loại quả thông thường. Táo là loại thức ăn bổ máu, khỏe tỳ vị. Lý Thời Trân nhận xét: “Táo vị ngọt, bình, an trung, dưỡng tỳ khí, bình vị khí, lợi cho ruột và dạ dày, thông suốt trong quá trình trao đổi chất, giú cho 12 kinh, giúp ích cho người khí huyết thiếu, khô háo, cơ thể mỏi mệt, làm chân tay cứng cáp. Táo là vị thuốc quý tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ”. Người ta đã thí nghiệm thấy rằng: Nếu ăn táo thường xuyên, thì khả năng hồi phục sức khỏe nhanh gấp ba lần so với việc uống các loại thuốc sinh tố.

Quả hạnh đào:

Hạnh đào hay còn gọi là quả hồ đào, là loại quả “kéo dài tuổi thọ”. Quả hạnh đào có tác dụng làm thông thoát kinh mạch, máu lưu thông tốt, làm cho tóc đen bóng, thường xuyên ăn quả hạnh đào sẽ làm cho xương cứng cáp, da thịt bóng sáng. Dinh dưỡng trong quả hạnh đào cao hơn thịt gà và thịt bò. Nhiệt lượng tạo ra cao gấp hai lần lương thực và thịt nạc. Hàm lượng li pít 40-50%, hàm lượng protit khoảng 15%; trong đó lượng vitamin E và chất béo phốt pho rất cao. Hạnh đào thực sự là loại thức ăn rất quý. Người bị suy nhược sau ốm đau, dinh dưỡng không tốt, thần kinh suy nhược, bí đại tiểu tiện, xơ cứng mạch máu… mỗi ngày ăn vài quả hạnh đào, sẽ có giá trị hồi phục sức khỏe rất tốt.

Lạc (đậu phộng)

Lạc cũng là loại thức ăn kéo dài tuổi thọ – còn gọi là thứ hạt trường sinh. Dinh dưỡng của lạc phong phú, giá thành thấp; hiện nay khoa học gọi lạc là “thịt thực vật”. Thực tế, so với thịt, lạc có nhiều ưu điểm hơn hẳn.

Protein trong lạc rất phong phú, cứ 100g lạc có tới gần 27,6g protein và có 8 loại axit amin mà cơ thể đòi hỏi.

Protit trong lạc chiếm 45%, trong đó axit béo không bão hòa chiếm khoảng trên 80%, chất kích thích và axit béo không bão hòa trong dầu lạc có hàm lượng cô-le-xte-rôn tương đối thấp, nên được sử dụng trong việc bôi trơn làm mềm và bóng da. Chất béo trong dầu lạc, vitamin E có quan hệ mật thiết đối với sinh trưởng và trường thọ của con người. Trong dầu lạc còn có một số chất rất cần cho hệ thống thần kinh, làm cho con người minh mẫn, sáng suốt, chống sự suy thoái lão hóa của não. Thành phần can xi trong lạc chiếm tới 124 miligam rất cần thiết đối với người già, thiếu niên và phụ nữ mang thai. Lạc ăn chín có vị thơm, làm nhuần lá lách, kích thích dạ dày làm việc; có tác dụng ổn định sự làm việc của dạ dày và lá lách, tiêu hóa chậm, bụng ấm ách – vì thể lạc còn được coi như một thứ thức ăn làm thuốc. Ngoài ra lạc luộc, nấu canh có tác dụng bổ phổi, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp, ho hen.

Long nhãn:

Đó là thịt của quả nhãn phơi khô; long nhãn mềm và mịn. Có mùi thơm đậm, ngọt như mật ong, kích thích nước miếng và được gọi là “thứ quả quý như thần”. Long nhãn có tác dụng nhất định chống suy lão. Trong thịt long nhãn còn có chất protein và citamin C rất phong phú. Nói chung thịt long nhãn chủ yếu là loại chất bổ chống lão hóa.

Vừng:

Vừng là một loại thực phẩm làm cho cơ thể khỏe mạnh, vừng đen có thể chữa được một số bệnh lâu ngày khó chữa, làm cho người già trẻ lại, giữ được tuổi trẻ thanh xuân. Ta có thể thấy được thành phần hóa học của vừng. Trong 100g vừng, có chứa một lượng sắt rất lớn: 50mg; không có loại thực phẩm nào có lượng sắt lớn như vậy. Vừng có giá trị bổ gan và thận, bổ máu và khí huyết, làm cho tóc đen bóng, gân cốt khỏe mạnh, cơ bắp rắn chắc. Đó là loại thức ăn cho người toàn thân suy nhược, tóc bạc sớm, thiếu máu. Ngoài ra, vừng còn có chất béo phong phú, nhuận tràng đôi với những người táo bón, khô háo. Tóm lại: vừng là loại thức ăn rất tốt đối với người thể trạng yếu ớt, nhẹ cân, gan thận yếu, âm hư, thiếu máu.

Các loại lương thực:

Đậu nành (đậu tương):

Đậu tương được coi là “vua của loài đậu”. Trong đậu tương khô, chiếm tới 40-50% chất béo, chiếm vị trí hàng đầu về hàm lượng chất béo. Tỷ lệ ép dầu đạt tới 20%, ngoài ra còn chứa những loại vitamin như A, B, D, E, vv… các chất khoáng cũng rất phong phú như canxi, phốt pho, sắt. Đặc biệt là sắt vừa có hàm lượng cao, lại dễ hấp thụ. Cứ 500g đậu tương có chứa 55mg sắt, đối với người lớn mỗi ngày chỉ cần 10mg là đủ, vì thế với người thiếu máu do nghèo chất sắt thì đậu tương là loại rất hữu ích. Cũng với 500g đậu tương, có chứa tới 2855mg phốt pho, rất có ích đối với thần kinh não. Theo phân tích của các nhà dinh dưỡng học, cứ 500g đậu tương có hàm lượng protein tương đương với hơn 1kg thịt nạc hoặc 1,5kg trứng gà hoặc 6kg sữa bò. Vì thế đậu tương có rất nhiều loại, song đứng về mặt dinh dưỡng và trao đổi chất của chúng thì như nhau. Mặt khác, bì trong đậu tương thành phần cô-le-xte-rôn rất ít, nên đó là loại thức ăn rất tốt đối với người bị bệnh cao huyết áp, xơ cứng động mạch, các bệnh về tim mạch.

Đậu xanh:

Đậu xanh là loại đậu có nhiều chất protein, mặt khác còn chứa một hàm lượng nhất định tinh bột, chất béo, vitamin và những chất dinh dưỡng khác. Đậu xanh không những là một loại thức ăn, nó có vị mát, chống được các cơn khát, và có tác dụng giải nhiệt, giải độc; đậu xanh còn là một vị thuốc. Đậu xanh dùng làm thuốc thường được xay vỡ hoặc nghiền thành bột hoặc lấy lớp vỏ ngoài màu xanh của hạt đậu (còn gọi là áo vỏ đậu xanh), kết hợp sử dụng với các loại thuốc.  Đậu xanh có thể cùng dùng với đậu cô-ve, trước hết cần bỏ vỏ hạt đầu bằng cách luộc xát cho vỏ bong ra, vỏ này có tể giải nhiệt và còn chữa được bệnh viêm đường ruột gây mất nước ở thể nhẹ. Người bị bệnh sứng tấy đỏ hai bên quai hàm, ở đầu hoặc ở mặt có những mụn độc hoặc các đám sưng tấy, uống nước đậu xanh và đường đỏ sẽ rất tốt. Ngoài ra, đậu xanh còn chữa rất công hiệu cho người bị bệnh viêm đường tiết niệu. Đậu xanh còn có thể giải độc khi ăn phải một số loại thức ăn có độc tố.

Ngô:

Ngô có chứa chất béo không bão hòa. Ăn ngô có tác dụng giúp cho cơ thể tăng chất béo và trao đổi chất bình thường của cô-le-xte-rôn. Đối với các bệnh về tim mạch cũng như trong hệ tuần hoàn có trở ngại, ăn ngô sẽ có tác dụng nhất định. Lượng cô-le-xte-rôn trong máu tăng lên, sẽ được báo hiệu bằng triệu chứng xơ cứng mạch máu, người ta thường dùng một số loại thuốc chứa thành phần phốt pho để chữa. Trong ngô, thành phần này khá cao. Hiện nay người ta thường ép dầu ngô, đó là loại dầu thực vật lý tưởng nhất đối với người già và người có bệnh cơ cứng động mạch, nó có tác dụng kỳ diệu làm mềm thành động mạch và giảm lượng cô-le-xte-rôn trong máu. Ngoài ra, còn xúc tiến các chức năng hoạt động bình thường của các chất nội tiết.

IV. KIẾN THỨC VỀ ĂN UỐNG

Trong cuốn “Thái bình thánh huệ phương” có một đoạn văn :

“Cái gốc của sự khỏe mạnh, sống lâu – đó là việc ăn uống hàng ngày và uống thuốc khi ốm đau. Giống như dòng nước trong con sông, ngày đêm đều đều chảy; giống như ngọn đèn dầu cháy sáng. Nếu nước đầu nguồn khô cạn, và dầu thắp sáng cũng dần hết, thì lòng sông sẽ cạn kiệt, ngọn đèn cũng lụi tắt.

Nước đầu nguồn và thêm dầu vào đèn – Đó là nguồn thức ăn và thức uống. Vậy mỗi người phải chọn đồ ăn thức uống và thuốc men cho mình thế nào? Dưới đây xin giới thiệu một số điểm để bạn đọc tham khảo:

Chọn lựa việc ăn uống

Căn cứ vào đòi hỏi của cơ thể để chọn lựa:

Theo nguyên tắc ‘Thiếu gì bù nấy”. Thiếu ở đây, tức là âm hư, dương hư, âm dương đều hư, khí huyết thiếu hay riêng khí thiếu hoặc huyết thiếu. Ở đây có hai vấn đề cần phải phân biệt rõ ràng:

Phân biệt về mặt Âm dương khí huyết, và phân biệt về mặt bệnh tật đau ốm. Từng trường hợp cụ thể, đòi hỏi có từng loại thức ăn và từng loại thuốc nhất định để đáp ứng.

Trên cơ sở phân biệt đó, mới có thể nắm được cụ thể từng cái “thiếu” của bản thân. Ví dụ cơ thể bị suy dinh dưỡng do ăn uống hay do lao lực quá độ, hoặc do sinh hoạt bất hợp lý, điều kiện sống khó khăn. Đau ốm bệnh tật vì các chứng về tim mạch hay dạ dày, đường ruột , tỳ vị, gan, thận…lao phổi, đau sỏi thận hay thấp khớp hoặc các bệnh tật về hệ thống thần kinh, hoặc bệnh tật về tai mũi họng. Người quá béo hay quá gầy yếu. Bệnh do tuổi tác già lão, ù tai, mắt kém hay lúc đang mang thai, hoặc kinh nguyệt không thông suốt, v.v… Tất cả những điểm “thiếu” đó, bản thân mình phải hiểu rõ tường tận.

Căn cứ vào các mùa trong năm để lựa chọn việc ăn uống và thuốc men.

Trong Đông y, chú trọng tới âm dương, hư thực; sự nóng lạnh của cơ thể và tính chất của đồ ăn là chua ngọt hay đắng cay. Truyền thống quan trọng của Đông y trong chữa bệnh mang đặc tính độc đáo là: Lấy việc ăn uống và thuốc men để đáp ứng đòi hỏi của cơ thể “thiếu gì bù nấy, đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Thuốc men nằm ngay trong các đồ ăn thức uống hàng ngày, được phối hợp sử dụng và có cùng công dựng bồi bổ nâng cao sức khỏe và chữa bệnh; đặc điểm này có tính chất hợp đồng tác chiến đạt hiệu quả cao trong việc phòng và chữa bệnh.

Ví dụ, gặp trường hợp âm hư và kèm theo các bệnh sốt thấp khớp, là một dạng rất khó khăn trong chữa chạy và chọn thuốc. Nhưng quan điểm Đông y Trung Hoa là dùng các vật phẩm thường gặp trong đời sống hàng ngày như thịt vịt, không những là một loại thức ăn ngon , mà còn là một vị thuốc rất tốt có khả năng chữa được các loại bệnh vừa nêu ở trên; có tác dụng bổ âm và không kỵ ẩm ướt.Có lợi cho sự ẩm ướt mà không hại tới âm. Ăn vịt sẽ dễ dàng kết hợp việc chữa bệnh dưỡng âm và đẩy lui nóng sốt, giữ được ẩm. Đây là quan điểm hết sức quan trọng của Đông y cổ truyển “Thuốc bổ cũng không bằng thức ăn bổ”, đó chính là căn cứ của học thuyết Đông y.

Sự thay đổi trong bốn mùa có ảnh hưởng rất lớn đối với hệ thống ngũ tạng cơ thể người. Tại các mùa khác nhau, phải có cách ăn uống và dùng thuốc khác nhau. Không được ăn uống, sử dụng thuốc tùy tiện bừa bãi, sẽ không mang lại lợi ích mà còn có những tác hại vô cùng nặng nề.

Việc chọn lựa thức ăn, thuốc uống theo thời tiết, chủ yếu có các đặc điểm như sau: Mùa xuân, thời tiết vẫn còn gió, lạnh; cần lưu ý vẫn phải chọn thức ăn ấm nóng, chọn loại thuốc giàu năng lượng. Mùa hè nóng bức, bên trong cơ thể trong tình trạng viêm nhiệt – cần loại thức ăn và thuốc mát, lạnh. Mùa thu khô và ẩm xen kẽ, thời tiết ôn hòa cơ thể cần thức ăn và thuốc có tính chất ôn bình. Mùa đông giá lạnh, cơ thể trong trạng thái co rút, đòi hỏi nhiều năng lượng để cơ thể duy trì hoạt động bình thường.

Ngoài ra, có những loại thức ăn và thuốc men không đòi hỏi phân biệt các mùa hay thời tiết khác nhau, đều có thể dùng được. Đó là các loại thực phẩm mang tính bình ổn, ôn hòa; ví dụ: thịt chim cu, súp thịt gà, một số loại cá biển, bánh bao.v.v…

❁ ❁ ❁
Tinh hoa văn hóa dưỡng sinh (trích)
Bùi Hạnh Cẩn – Bích Hằng – Việt Anh biên dịch.
Ảnh: Cedric Lim Ah Tock from Pexels

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x