Trang chủ » Chương 5 – QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA SIDIS

Chương 5 – QUAN ĐIỂM GIÁO DỤC CỦA SIDIS

by Hậu Học Văn
129 views

1.

Ở phần trên, tôi đã đề cập đến cuốn sách Người bình thường và thiên tài nói về phương pháp giáo dục của tiến sĩ Boris Sidis. Đây là một cuốn sách khá thú vị. Xin phép nhắc lại để bạn đọc nhớ.

Tiến sĩ Sidis là người Mỹ gốc Nga. Ông di cư sang Mỹ từ nhỏ và sau đó vào Đại học Harvard, chuyên ngành tâm lý, là học trò của tiến sĩ James. Từ lâu đã nghe danh của thầy mình nên Sidis cảm thấy rất vui, ngược lại tiến sĩ James cũng rất yêu mến người học trò xuất sắc. Cảm kích trước tình cảm của thầy, Sidis đã lấy họ của thầy gắn kèm với họ tên mình: James Boris Sidis. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu về đề tài tâm lý và viết rất nhiều sách liên quan đến bệnh thần kinh như Nghiên cứu về giấc ngủ, Tâm lý học về tiếng cười, Trạng thái bình thường và không bình thường trong tâm lý học…

2.

Trước đây, triết gia Platon đã đưa ra những khái niệm về việc xây dựng mô hình nhà nước lý tưởng với nền tảng dựa trên giáo dục. Đây thực sự là một ý tưởng uyên bác. Việc giáo dục từ sớm có ảnh hưởng quan trọng đến sự hình thành tính cách của một cá nhân, từ đó bồi đắp nên những tình cảm lớn hơn như tình yêu đồng loại, yêu quê hương đất nước. Giá trị truyền thống của các nước châu Á, chủ nghĩa tri thức của người Hy Lạp, chủ nghĩa tự do, tôn thờ nghệ thuật, chủ nghĩa bảo thủ của người La Mã… đều là kết quả của sự giáo dục mà nên.

Con người trưởng thành được ví như những công trình nghệ thuật, và công trình đó có hình dáng, đường nét ra sao hoàn toàn phụ thuộc vào cách các bậc cha mẹ “tạo tác” ngay từ giai đoạn ban đầu. Vì thế, chúng ta có thể thông qua việc giáo dục để điều chỉnh, nuôi dạy trẻ theo như chúng ta muốn.

3.

Rõ ràng việc giáo dục trẻ ngay từ giai đoạn đầu sẽ để lại dấu ấn mạnh mẽ trong tính cách của trẻ về sau. Tôi khẳng định lại một lần nữa và triển khai thêm ý này.

Hiện nay, những người nghĩ đến việc giáo dục từ sớm không phải ít. Nhưng họ lại cho rằng đầu óc trẻ là những tảng đá vô tri hay chiếc hộp trống rỗng, thế nên họ cố gắng nhồi nhét những kiến thức mà họ nghĩ rằng có ích cho tương lai của trẻ. Tuy nhiên, nếu không được chọn lọc cẩn thận thì vô hình trung những thứ gọi là kiến thức ấy có thể trở thành một đống hổ lốn với toàn là những câu chuyện cổ quái hay những hiểu biết khoa học kiểu nửa vời… Chúng ta vô tình bị chi phối bởi một học thuyết nào đó mà chúng ta làm, hoặc cái gọi là niềm tin, rồi nhắm mắt tin rằng điều đó đúng, rồi cố nhồi nhét vào đầu trẻ. Liệu cách làm đó có thể giúp trẻ xây dựng nền tảng kiến thức và hình thành những phẩm chất tuyệt vời không? Ngoài ra, vì muốn trẻ vâng lời, hành động theo ý chúng ta như những con búp bê ngoan ngoãn không hề phản kháng, chúng ta đã “dán” vào suy nghĩ của trẻ những khái niệm tượng trưng cho sự tưởng thưởng hay trừng phạt như “Thiên đường”, “Địa ngục”… Theo quan điểm của tôi thì việc này rất nguy hiểm.

4.

Thế giới chúng ta đang sống dường như đang chìm trong hỗn loạn: từ những cuộc sát hại hàng loạt người dân vô tội, những cuộc chiến tranh tôn giáo, những cuộc tàn sát đẫm máu… Tất cả những hành động đó đều rất dã man, thiếu tính người. Chúng ta luôn tự hào rằng chúng ta là người văn minh, tuy nhiên cái gọi là văn minh ấy dường như đã được phết một lớp sơn dày và còn được đánh bóng bằng véc-ni.

5.

Động vật khi thường xuyên tiếp xúc với một mùi nào đó thì sẽ có cảm giác quen thuộc, sẽ không e dè hay sợ hãi nữa. Có rất nhiều hành vi sai trái nhưng chúng ta không nhận thức được. Cứ xem những bài báo hàng ngày thì rõ: nào là chiến tranh, sát hại, tử hình, giết người, bãi công, biểu tình, chết đói, trầm mình, tham nhũng, án oan… Nhưng mấy chuyện đó chúng ta nghe rồi lập tức quên ngay, dường như không chút ấn tượng. Như vậy chúng ta khác gì con vật kia – khi quen mùi rồi thì không còn cảm giác sợ nữa.

6.

Những hành động dã man không hề thay đổi so với trước đây. Không những thế, mức độ dã man còn tăng lên gấp bội. Cách đây vài thế kỷ, có nhà tiên tri đã dự đoán rằng trong tương lai chiến tranh sẽ không còn. Nhưng trái với lời tiên tri đó, những cuộc chiến tranh cứ kéo dài liên miên, từ thế kỷ này sang thế kỷ khác và còn lan rộng đến nhiều vùng trên khắp thế giới… Một số quốc gia tự xưng là văn minh đã liên tục mở nhiều cuộc tấn công xâm lược, cướp bóc, chiếm đoạt lãnh thổ và tài nguyên của các nước khác dưới những hình thức khác nhau. Cái gọi là chủ nghĩa hòa bình đang bị lợi dụng. Trong thời đại mà quy luật “mạnh được yếu thua”, “cá lớn nuốt cá bé” vẫn tồn tại thì cả thế giới dường như bị cuốn vào niềm tin về sự “cứu rỗi” của một đấng cứu thế nào đó nhằm đưa con người thoát khỏi biển máu chiến tranh. Đây dường như là thời đại mà đạo đức và những giá trị nhân văn bị lãng quên.

Chúng ta đã không được giáo dục để không gây ra những điều xấu, trong khi thực tế đang diễn ra trước mắt chúng ta đã như dạy điều ngược lại. Và chúng ta đã dạy con cháu mình dựa trên những gì chúng ta tin tưởng và mong muốn. Chúng ta đã mượn danh nghĩa của Thuyết Tiến hóa để khẳng định về cái gọi là “mạnh được, yếu thua”. Theo lập luận này, kẻ chiến thắng luôn là kẻ chiếm ưu thế, còn cái gọi là tình yêu, công lý, hòa bình, từ bi, niềm tự hào… chỉ là những thứ tình cảm yếu đuối cản trở sự tiến bộ của nhân loại. Do vậy, từ cách đây 2.000 năm, thành ngữ “được làm vua, thua làm giặc” đã trở thành một khẩu hiệu phản ánh chính xác quan điểm xã hội của thời đại.

7.

Chúng ta là những người theo chủ nghĩa lạc quan, thậm chí nhà bác học Leibniz còn lạc quan đến mức cho rằng mọi thứ trên thế giới này đều tuyệt vời. Ngược lại, triết gia Schopenhauer lại tỏ ra bi quan. Ông cho rằng “thế giới này đầy rẫy những chuyện khổ đau và bi thảm. Người và người sống với nhau quá lạnh lùng, vô cảm như không có trái tim”. Ông muốn dẫn những người thuộc trường phái chủ nghĩa lạc quan đi đến bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà tù, chiến trường, những nơi buôn bán nô lệ… để họ xem thử. Rất hiếm những người có suy nghĩ như Schopenhauer, nhưng tôi cho rằng ông là một người thực tế.

8.

Có lần, trong bài phát biểu trước sinh viên tốt nghiệp đại học, tiến sĩ James nhấn mạnh: “Mục đích của giáo dục là dạy cho các em tính hướng thiện”. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến này.

Mục đích của giáo dục là tạo ra những con người lương thiện, giàu tình cảm, có nhiệt tình cống hiến, biết hy sinh vì hạnh phúc của cộng đồng và xã hội. Những tín đồ cuồng đạo luôn miệng rêu rao về tình yêu đất nước và sẵn sàng quên mình vì lợi ích tôn giáo của họ không phải là đối tượng mà tôi muốn nói đến. Trong thế giới thiện ác lẫn lộn này, việc dạy cho trẻ phân biệt rõ ràng tốt xấu không phải là điều dễ. Chúng ta cũng không thể phó mặc điều đó cho nhà trường, mà phải có sự chung tay của cả gia đình – tất cả nhằm tạo ra môi trường tốt nhất để giúp trẻ tiếp thu những kiến thức tốt nhất.

9.

Điều quan trọng trong giáo dục là không được nhồi nhét vào đầu óc trẻ các khuôn mẫu và từ ngữ học thuật. Hãy giúp trẻ phát huy tiềm năng một cách tự nhiên nhất. Người lớn thường hành động máy móc, như chiếc xe lửa cứ chạy theo đường ray sẵn có, rồi dạy trẻ hành động và tư duy theo kiểu đó. Nhưng việc hành động theo thói quen lâu ngày sẽ đánh mất đi tính sáng tạo vốn là điều kiện cần thiết để mở rộng và phát huy khả năng tiềm ẩn của con người. Có thể nói, giáo dục trẻ hành động theo thói quen là nguyên nhân khiến tài năng thui chột.

Mặt khác, giáo dục thường coi trọng tính kỷ luật. Kỷ luật là để sửa chữa những thói quen xấu, hình thành thói quen tốt. Tuy nhiên, xét từ một góc độ khác thì tính kỷ luật cũng làm ngăn trở sự phát huy tiềm năng của trẻ, khiến trẻ vì sợ hãi mà không dám – hay không thể – phát huy khả năng vốn có.

Giáo dục là một cách để tạo thói quen, nhưng theo tôi, không nên áp dụng một khuôn mẫu cố định nhằm tránh biến trẻ thành những robot, chỉ biết hành động như một cái máy, không suy nghĩ.

10.

Ngoài việc dùng kỷ luật, quy tắc để ràng buộc trẻ, chúng ta thường dùng uy quyền để gây áp lực buộc trẻ phải vâng lời. Phương pháp giáo dục này cũng làm cho trẻ không thể phát huy tính độc lập trong tư duy và sáng tạo. Không những thế, áp lực có thể làm trẻ cảm thấy sợ hãi, dẫn đến những tổn hại lâu dài về thần kinh. Do đó, trong việc giáo dục trẻ cần tránh gây áp lực ngay cả khi yêu cầu trẻ làm hoặc không làm việc gì đó.

Có rất nhiều ông bố bà mẹ, vì cảm thấy bực bội với những câu hỏi ngớ ngẩn của trẻ, đã gắt gỏng hay quát mắng, chỉ để trẻ thôi không hỏi nữa. Thái độ đó thật sai lầm, bởi khi đó, cha mẹ đã vô tình khiến trẻ cụt hứng, dẫn đến tâm lý bị ức chế. Tốt nhất là cha mẹ hãy cố gắng trả lời mọi câu hỏi của trẻ. Không phải trả lời qua loa cho xong chuyện, mà cần giải thích thật tỉ mỉ để trẻ hiểu tường tận vấn đề, hay ít nhất cũng giúp trẻ thỏa mãn với những thông tin mà cha mẹ cung cấp. Quan trọng là bất cứ việc gì cũng phải nói đúng, nói thật, cho dù là việc của thần thánh hay người trần, tránh để trẻ rơi vào “thế giới ảo” và cho rằng như thế sẽ giúp trẻ nuôi dưỡng óc tưởng tượng. Cách làm đó không chỉ khai nhãn, tức là mở mang tầm nhìn, vốn hiểu biết cho trẻ, mà còn giúp khai tâm, tức là giúp trẻ hiểu và cảm nhận được những việc đúng, sai đang diễn ra xung quanh bằng một nhận thức đúng đắn. Có thể nói con người lý tưởng mà chúng ta cần sẽ phải nhận thức được đầy đủ về hoàn cảnh mình đang sống và những hành động mình đang làm, tránh trường hợp giống như Adam và Eva ở vườn Địa đàng – cứ mãi u mê, không nhận rõ tình trạng khỏa thân của mình.

12.

Vậy việc giáo dục trẻ nên bắt đầu từ khi nào? Nên “Dạy con từ thuở còn thơ” như người xưa thường nói. Nên bắt đầu giáo dục trẻ từ độ tuổi lên 2 lên 3. Môn tâm lý học hành vi thừa nhận những hành động cơ bản của trẻ thường bắt đầu ở độ tuổi 2, 3. Do đó, nếu không được kích thích phù hợp đúng trong giai đoạn này thì cả hành vi, cảm xúc và tâm hồn đều không phát triển được đầy đủ. Việc có thể dạy mà không dạy thì thật lãng phí. Như nhà tự nhiên học Lamarck nói: “Nếu không được sử dụng và phát huy đúng cách thì năng lực của trẻ sẽ không phát triển được”.

13.

Chúng ta đã không chú trọng mục tiêu của giáo dục là có những con người với trái tim nhân hậu. Điều đó thể hiện rõ nét ở giai đoạn phát triển thời kỳ đầu của trẻ. Thậm chí, chúng ta cũng bỏ quên việc phát huy đặc điểm tâm lý ấy ở trẻ. Do vậy, trái tim hồn nhiên thánh thiện của trẻ như cây khô, cứ chết mòn. Trong trạng thái này làm sao trẻ có thể cảm thấy hứng thú, say mê với tri thức? Người Hy Lạp giáo dục trẻ từ rất sớm và không theo chủ trương nhồi nhét kiến thức tổng hợp hoặc nuôi dưỡng “trong lồng chậu” với những khuôn phép, quy tắc sẵn có. Ngược lại, họ đề cao tính độc lập, quan tâm bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn trẻ.

Nhà kinh tế chính trị Anh John Stuart Mill đã phải lên tiếng khi các trường học ở Anh, ngay cả những ngôi trường danh tiếng nhất, cũng không có được phương pháp giáo dục đúng cách. Ông cũng khẳng định rằng phát triển trí tuệ và nhân cách cho trẻ là nhiệm vụ của cha mẹ. Mục tiêu của giáo dục là phải tạo ra những con người thực sự vĩ đại. Để làm được điều đó, chúng ta phải nuôi dưỡng tâm hồn cho trẻ thơ, dạy trẻ biết yêu thương và cố gắng phát huy hết khả năng tiềm ẩn của trẻ. Đặc biệt là việc giáo dục không nhất thiết phải gò trong khuôn phép hay giới hạn trong những suy nghĩ, ý tưởng cũ của lớp người đi trước. Giáo dục thực sự phải là sự thường xuyên và kiên trì theo dõi và phát huy khả năng của trẻ, từng chút từng chút một.

15.

Có người cho rằng việc giáo dục sớm sẽ gây tổn hại cho thần kinh của trẻ, nhưng qua những quan sát thực tế, tôi cho rằng chính phương pháp giáo dục áp đặt chủ quan, rập khuôn ở các trường học hiện nay mới gây nhiều thiệt thòi cho trẻ. Tôi không tin rằng việc khuyến khích trẻ học sớm sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ. Nếu học nhiều nhưng học bằng sự say mê thì không hề tổn hại cho hệ thần kinh. Và trong tâm trạng thoải mái, trẻ sẽ dễ tiếp thu kiến thức hơn. Hơn nữa nếu cha mẹ chú ý việc rèn luyện thể chất cho trẻ thì hoàn toàn không có việc “học nhiều có hại” như người ta vẫn nghĩ.

Nếu được giáo dục từ sớm, đứa trẻ lên 10 đã có trình độ học vấn tương đương với học sinh đại học, như vậy việc giáo dục được một đứa trẻ như thế rất có lợi về mặt kinh tế. Thử tính xem chúng ta đã tiêu tốn và cần bao nhiêu thời gian để đào tạo học sinh và giáo viên? Ngoài ra, những chi phí về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường, lương giáo viên… cũng là những khoản hao tốn không nhỏ. Trong khi đó, trình độ của một sinh viên tốt nghiệp đại học chắc gì đã tốt hơn khả năng tiếp thu của một đứa trẻ 10 tuổi, nếu đứa trẻ đó nhận được sự giáo dục từ sớm. Cho dù không xét đến khía cạnh kinh tế đi nữa thì điều lãng phí lớn nhất là năng lực tiềm ẩn của trẻ không được phát huy, còn cha mẹ chỉ biết than thở và tiếc nuối.

Chúng ta có thể tạo ra những con người vĩ đại, thậm chí xuất sắc hơn người Hy Lạp – điều đó phụ thuộc vào chúng ta. Nếu áp dụng tốt phương pháp giáo dục từ sớm thì việc tạo ra thiên tài như sao mọc trên bầu trời Athens hoàn toàn là có thể. Vận mệnh của nhân loại phụ thuộc vào chất lượng giáo dục, vì vậy, vấn đề giáo dục luôn là vấn đề trọng yếu trong bất kỳ thời đại nào và ở bất kỳ quốc gia nào.

17.

Liên quan đến việc giáo dục trẻ còn một việc quan trọng nữa là giáo dục tinh thần lành mạnh. Điều này cũng giống như giáo dục thể chất vậy. Giống như những loài nấm độc gây bệnh, nỗi sợ hãi và dị đoan rất có hại cho tinh thần của trẻ. Do đó, tránh kể cho trẻ em nghe những câu chuyện về linh hồn, ma quỷ, địa ngục… kể cả những khi muốn răn đe hay ra lệnh. Đây gọi là phương pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống vẫn còn rất nhiều sự khủng bố tinh thần đang bày ra trước mắt hay được trẻ tiếp thu một cách vô thức. Cho nên phòng ngừa thôi thì chưa đủ, mà phải dùng đến biện pháp tiêm chủng để giúp trẻ miễn dịch với cái xấu. Muốn vậy, các bậc cha mẹ cần nuôi dưỡng tinh thần lành mạnh, biết tự chủ cho trẻ, giúp trẻ nhận thức những cái xấu xung quanh để tự tránh xa.

Sự sợ hãi, những điều u mê, sự kém hiểu biết… đều không tốt cho sự phát triển tinh thần của trẻ mà hậu quả thế nào chắc chúng ta đều biết. Tuy hàng triệu người bị gọi là bệnh nhân tâm thần chức năng, nhưng nếu họ được giáo dục tốt ngay từ nhỏ thì tình trạng sẽ không quá xấu, chưa kể việc giáo dục đúng cách còn có thể làm giảm mức độ rối loạn tâm thần hữu cơ. Dựa trên quan điểm này, tôi cho rằng có thể kết hợp y học và giáo dục trong việc giúp đỡ các bệnh nhân tâm thần, nhất là trong giai đoạn sớm.

Tôi có một bệnh nhân 26 tuổi bị bệnh trầm cảm. Anh ta bị ám ảnh bởi ý nghĩ rằng mình đã phạm tội lỗi tày đình và suốt đời bị lưu đày nơi địa ngục, mãi mãi không siêu thoát. Tôi thử kiểm tra bằng phương pháp phân tích tâm lý thì kết quả cho thấy căn bệnh của anh ta xuất hiện từ khi lên 5 tuổi. Khi đó, mỗi Chủ nhật đến nhà thờ anh ta đều được cha xứ kể những chuyện kinh dị về ma quỷ và địa ngục.

Một bệnh nhân trầm cảm khác là vợ của mục sư. Cô sợ tất cả mọi thứ và đặc biệt sợ ở một mình, sợ ánh nắng mặt trời, sợ chỗ tối… Đêm đến cô không ngủ được, hễ ngủ là gặp ác mộng. Theo kết quả phân tích bằng phương pháp phân tâm học thì căn bệnh của cô là do nỗi ám ảnh từ những câu chuyện ma quỷ mà cô thường nghe kể từ khi còn nhỏ.

19.

Trên đây là những điều cơ bản trong quan điểm giáo dục của tôi, tuy có thể quan điểm này chưa đủ để lay chuyển tính bảo thủ của các nhà giáo dục. Nhưng tôi cũng không định dùng nó để phản bác họ và kêu gọi họ nghĩ lại. Tôi chỉ viết lên những suy nghĩ của mình, đồng thời trông chờ vào các ông bố bà mẹ và độc giả. Tương lai con cái của các vị sau này thế nào, chúng trở thành người bình thường hay thiên tài – điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào các vị.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Kimura Kyuichi
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy để ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x