Trang chủ » Chương 10. Vạn Chương Hạ

Chương 10. Vạn Chương Hạ

by Hậu Học Văn
289 views

VẠN CHƯƠNG, PHẦN SAU

1. Mạnh Tử nói: “Bá Di, mắt chẳng nhìn hình sắc không chính đáng, tai chẳng nghe âm thanh không chính đáng. Chẳng phải vua (hợp ý) mình, không phụng sự; chẳng phải dân (hợp ý) mình, không sai khiến (cai trị). Đời yên ổn thì tiến (làm quan); thời loạn lạc thì rút lui. Nơi nào xảy ra chính trị bạo tàn, nơi nào dân chúng ăn ở ngang ngược, ông không chịu ở lại. Nghĩ đến sống cùng với dân quê (thô lỗ), ông coi như mặc áo triều, đội mũ triều mà ngồi nơi bùn than. Đương thời vua Trụ, ông ở bến bờ Bắc Hải để chờ thiên hạ thanh bình. Cho nên nghe thấy phong cách của ông Bá Di, kẻ tham lam hóa liêm khiết, kẻ hèn yếu có chí tự lập.

“Y Doãn nói: ‘Vua nào chẳng phải để phụng sự? Dân nào chẳng phải để sai khiến (cai trị)? Đời yên ổn thì tiến (làm quan); thời loạn lạc cũng tiến (làm quan). Trời sinh ra dân này, khiến cho người biết trước giác ngộ kẻ biết sau, khiến cho người giác ngộ trước bảo cho kẻ giác ngộ sau. Ta là người giác ngộ trước trong dân Trời, ta sẽ đem đạo này mà giác ngộ dân này. Nghĩ rằng dân trong thiên hạ, những đàn ông đàn bà tầm thường mà không được cùng đội ơn đức của Nghiêu Thuấn, thì như mình đã xô đẩy họ vào trong ngòi nước. Tự thấy trách nhiệm ấy đối với thiên hạ nặng nề vậy.

“Liễu Hạ Huệ không xấu hổ vì vua nhơ nhuốc, chẳng khước từ chức quan nhỏ. Tiến ra làm quan thì không giấu tài đức, ắt đem đạo của mình ra. Nếu bị bỏ phải ẩn dật thì không oán hận. Gặp cảnh khốn cùng thì không lo buồn. Sống cùng với dân quê (thô lỗ) thì nhởn nhơ tự nhiên, chẳng chịu bỏ đi. ‘Ngươi là ngươi, ta là ta. Tuy có xắn tay áo cởi trần ở bên ta, người ấy có thể vấy bẩn vào ta chăng?” Cho nên nghe thấy phong cách của ông Liễu Hạ Huệ, kẻ hẹp hòi hóa rộng rãi, kẻ nhỏ nhen hóa dày dặn.

“Khổng Tử lúc rời nước Tề, đón lấy gạo mới vo mà đi. Rời nước Lỗ thì nói: ‘Ta đi chậm chậm thôi.’ Đó là đường lối rời bỏ đất nước cha mẹ. Cần nhanh thì nhanh; cần lâu thì lâu; nên ở ẩn thì ở ẩn; đáng làm quan, thì làm quan; Khổng Tử là thế.”

Mạnh Tử nói: “Bá Di là thánh thanh khiết. Y Doãn là thánh trách nhiệm. Liễu Hạ Huệ là thánh hài hoà. Khổng Tử là thánh thức thời.

“Khổng Tử được gọi là bậc kết hợp thành tựu lớn. Bậc kết hợp thành tựu lớn, đó là chiêng vang rồi khánh ngọc trỗi vậy. Tiếng chiêng vang là khởi đầu điều lý (dàn nhạc). Tiếng khánh ngọc trỗi là kết thúc điều lý (dàn nhạc). Khởi đầu điều lý là việc của bậc trí. Kết thúc điều lý là việc của bậc thánh.

“Bậc trí ví như có tài khéo léo; bậc thánh ví như có sức mạnh. Cũng như bắn cung ở ngoài trăm bước vậy; đạt tới mức, người ấy mới có sức; trúng đích, chẳng phải người có sức đâu.”


BÌNH GIẢI:


Mạnh Tử nêu ra bốn nhân cách tiêu biểu được người xưa tôn là bậc thánh: Bá Di, Y Doãn, Liễu Hạ Huệ, Khổng Tử.

Bá Di có tâm hồn và nếp sống thanh khiết: không nhìn, không nghe những gì bất chính; không phụng sự ông vua vô đạo; không cai trị đám dân ngỗ nghịch; không chịu làm quan trong thời loạn; không chịu gần gũi những kẻ thô lỗ.

Y Doãn luôn luôn đề cao trách nhiệm và phụng sự: hợp tác với bất cứ vua nào để cai trị dân cho ổn định. Ra làm quan là cơ hội phụng sự, cho nên không kể đến thời bình hay thời loạn. Cai trị dân là thi hành ý nguyện của Trời để giác ngộ cho dân. Là người hiểu biết về đạo Trời được hiện thực trong thời Nghiêu Thuấn, ông cảm thấy có bổn phận đem ơn đức của đạo ấy ban phát cho dân.

Liễu Hạ Huệ biểu hiện thiện chí đối với mọi người: vua nào cần ông cũng sẵn sàng hợp tác vô điều kiện. Đã hợp tác thì phục vụ hết mình. Gặp cảnh ngộ bất như ý, ông không oán giận, lo buồn. Sẵn sàng đồng cam cộng khổ với đám dân quê thô lỗ, dốt nát.

Khổng Tử thể hiện thái độ tùy thời: lúc nhanh, lúc chậm; khi ẩn, khi hiện; lúc ân cần, lúc lãnh đạm, v.v. tùy theo thời thế, hoàn cảnh xã hội và đất nước.

Đúc kết lại, Mạnh Tử cho rằng Khổng Tử gom góp thành tựu được cả những ưu điểm của ba vị thánh trên: Bá Di, Y Doãn và Liễu Hạ Huệ; gọi ông là vị thánh thức thời. Mạnh Tử đã dùng âm thanh của tiếng chiêng đồng, âm thanh của tiếng khánh ngọc trong một dàn nhạc bát âm để nói lên sự tổng hợp đại thành của Khổng Tử.

Trong một dàn nhạc xưa, mỗi khi tiếng chiêng vang lên là báo hiệu cho các nhạc công trong dàn nhạc bắt đầu hợp tấu. Tiếng chiêng là khởi đầu sự điều lý cho bản giao hưởng. Khi gần chấm dứt, tiếng ngọc khánh trỗi lên báo hiệu cho các nhạc công chuẩn bị kết thúc. Khổng Tử vừa là tiếng kim thanh (chiêng vang) vừa là tiếng ngọc chấn (khánh trỗi), bao hàm ý nghĩa Khổng Tử vừa là bậc trí vừa là bậc thánh. Bậc trí là người giỏi giang khéo léo ứng thời. Bậc thánh là người có sức mạnh tinh thần, có tâm tư thiện hảo mưu ích cho đời. Trí và thánh liên kết với nhau cũng như tài bắn cung trúng đích ở ngoài trăm bước. Thánh là sức mạnh đưa mũi tên đi xa. Trí là tài khéo léo dẫn mũi tên trúng đích. Có sức mà không khéo cũng không thành công. Có tâm tư thiện hảo của một bậc thánh mà không có tài khéo léo thích ứng của bậc trí, đôi khi đã không thành công lại còn bị ô nhục, thiệt thòi.

2. Bắc Cung Ỷ hỏi rằng: “Nhà Chu ban phát tước lộc như thế nào?”

Mạnh Tử đáp: “Những điều rõ ràng thì không được nghe. Các chư hầu ghét những điều đó có hại cho mình, nên đều vất bỏ sổ sách đi. Vậy nên Kha này từng nghe được những điều sơ lược thôi.

“Thiên tử (nhà Chu) một bậc, tước công một bậc, tước hầu một bậc, tước bá một bậc, tước tử, tước nam cùng một bậc; gồm năm cấp. Vua (chư hầu) một bậc, quan khanh một bậc, đại phu một bậc, thượng sĩ một bậc, trung sĩ một bậc, hạ sĩ một bậc; gồm sáu cấp.

“Thể chế thiên tử có đất vuông nghìn dặm; công hầu có đất vuông trăm dặm; bá có bẩy mươi dặm; tử nam có năm mươi dặm; gồm bốn cấp. (Nước nào) không được năm mươi dặm, không được đến chầu thiên tử, phải phụ vào một nước chư hầu, gọi là nước phụ dung.

“Quan khanh của thiên tử nhận được phần đất coi như bậc hầu; đại phu nhận được phần đất coi như bậc bá; quan nguyên sĩ nhận được phần đất coi như bậc tử nam.

“Ở nước lớn, đất vuông một trăm dặm, vua có lộc gấp mười quan khanh; lộc quan khanh gấp bốn đại phu; lộc đại phu gấp hai thượng sĩ; lộc thượng sĩ gấp hai trung sĩ; lộc trung sĩ gấp hai hạ sĩ. Hạ sĩ cùng với dân thường làm quan, bổng lộc bằng nhau. Bổng lộc đủ để thay cho hoa lợi làm ruộng của họ.

“Ở nước hạng thứ, đất vuông bảy mươi dặm, vua có lộc gấp mười quan khanh; lộc quan khanh gấp ba đại phu; lộc đại phu gấp hai thượng sĩ; lộc thượng sĩ gấp hai trung sĩ; lộc trung sĩ gấp hai hạ sĩ. Hạ sĩ cùng với dân thường làm quan, bổng lộc bằng nhau. Bổng lộc đủ để thay cho hoa lợi làm ruộng của họ.

“Phần nhận được của người làm ruộng là: một đàn ông (gia trưởng) được một trăm mẫu. Trăm mẫu mà khéo chăm bón, nông phu hạng cao nhất nuôi được chín người; hạng cao thứ hai nuôi được tám người; hạng trung bình nuôi được bảy người; hạng dưới trung bình nuôi được sáu người; hạng thấp nuôi được năm người. Dân thường làm quan, bổng lộc của họ (tùy theo chức việc) lấy theo hoa lợi (của các nông phu) nêu trên làm tiêu chuẩn sai biệt.”

BÌNH GIẢI:

Một người nước Vệ là Bắc Cung Ỷ hỏi Mạnh Tử về việc nhà Chu ban phát tước lộc cho các chư hầu và các quan lại. Mạnh Tử xác nhận ông không được biết rõ, chỉ được nghe những điều sơ lược, vì các chư hầu thời Chiến Quốc đã vất bỏ sổ sách ghi chép về thể chế ấy. Ông không nói rõ lý do tại sao các chư hầu lại ghét những thể chế ấy. Có lẽ, vua các chư hầu muốn thu vét của cải trong dân nhiều hơn số lượng được qui định trong thể chế của nhà Chu.

Mạnh Tử cho biết: Thiên tử nhà Chu thiết lập chế độ phong kiến (phong tước kiến địa: phong chức tước và cho một miếng đất để dựng nghiệp) gồm năm cấp: thiên tử, công, hầu, bá tử nam. Công, hầu, bá, tử, nam là năm tước; nhưng tử nam cùng một cấp.

Ở nước chư hầu, có sáu cấp: vua, khanh, đại phu, thượng sĩ, trung sĩ, hạ sĩ.

Về đất đai, thiên tử được một nghìn dặm vuông đất; công, hầu được một trăm dặm; được bảy mươi dặm; tử nam đều được năm mươi dặm. Nước nhỏ dưới năm mươi dặm không được trực tiếp triều cống thiên tử, phải nhờ vào một nước chư hầu lớn hơn.

Vua và các quan từ trên xuống dưới đều được nhận bổng lộc trọng hậu. Căn cứ theo trí nhớ của Mạnh Tử, bổng lộc một vua chư hầu gấp mười quan khanh, quan khanh gấp bốn lần đại phu, đại phu gấp hai lần thượng sĩ, thượng sĩ gấp hai lần trung sĩ, trung sĩ gấp hai lần hạ sĩ. Như thế, bổng lộc vua chư hầu gấp 320 lần bổng lộc một viên quan thấp nhất là hạ sĩ.

Đó là theo thể chế của nhà Chu; còn các chư hầu cho rằng thể chế đó có hại cho họ. Thế thì, trên thực tế, bổng lộc của vua chư hầu còn lớn hơn rất nhiều. Rõ ràng vua quan thời đó đã thi nhau bóc lột sức lao động của nông dân một cách khủng khiếp chừng nào! Tai hại của chế độ phong kiến là như vậy.

Tuy nhiên, sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung quốc, xóa bỏ chế độ phong kiến, thay bằng chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền, thì dân chúng lao động còn bị bóc lột nặng nề hơn nữa. Tổng số tài sản được gom về cho vua ở trung ương quả thực hết mức khổng lồ. Các triều đại về sau cứ tiếp tục hướng đi của Tần Thủy Hoàng đã vạch ra đó.

3. Vạn Chương hỏi rằng: “Xin hỏi về bạn bè.”

Mạnh Tử nói: “Đừng cậy lớn, đừng cậy sang, đừng cậy anh em thuận thảo. Bạn bè, đó là kết bạn về đức hạnh vậy; không thể có sự nhờ cậy nào.

“Mạnh Hiến Tử, nhà có trăm cỗ xe, có năm người bạn: Nhạc Chính Cừu, Mục Trọng; còn ba người nữa, ta quên rồi. Hiến Tử cùng với năm người đó kết bạn, không do gia thế của Hiến Tử. Năm người đó, nếu tính đến gia thế của Hiến Tử, thì cũng chẳng kết bạn với ông.

“Chẳng riêng nhà có trăm cỗ xe làm như vậy, tuy nhiên, vua một nước nhỏ cũng có nữa. Phí Huệ Công nói: ‘Ta coi Tử Tư là thầy. Ta coi Nhan Ban là bạn. Vương Thuận, Trường Tức là những người phục vụ ta.’

“Chẳng riêng vua một nước nhỏ làm như vậy, tuy nhiên, vua nước lớn cũng có nữa. Tấn Bình Công đối với Hợi Đường, mời vào thì vào; mời ngồi thì ngồi; mời ăn thì ăn. Tuy đồ ăn đơn sơ, canh rau, mà chưa từng không no. Hễ (là bạn) không dám không no. Vậy, thế là đến cùng (của tình bạn) rồi. Không cùng chung địa vị Trời cho, không cùng cai trị chung chức vụ Trời cho, không cùng ăn chung bổng lộc Trời cho. Đó là tư cách kẻ sĩ tôn trọng bậc hiền, chứ chẳng phải tư cách bậc vương công tôn trọng bậc hiền.

“Ông Thuấn thành kính yết kiến vua Nghiêu, vua Nghiêu cho con rể ở cung thất thứ hai; cũng thết đãi ông Thuấn. Hai vị thay nhau làm khách, làm chủ. Thế là thiên tử kết bạn với kẻ thường dân vậy.

“Lấy bậc dưới kính bậc trên gọi là quý người quý; lấy bậc trên kính bậc dưới gọi là tôn người hiền. Quý người quý, tôn người hiền, nghĩa lý đó là một.”

BÌNH GIẢI:

Về bằng hữu, người Trung Hoa có câu định nghĩa: “Đồng tính viết bằng, đồng chí viết hữu.” (Cùng tính chất gọi là bằng, cùng chí hướng gọi là hữu.) Như vậy, “bằng” là bạn bè hợp nhau về tính tình, sở thích và thói quen; “hữu” là bạn bè hợp nhau về giá trị tinh thần, cho nên chú trọng về đức hạnh. Một khi đã là bạn bè thân thiết nhau qua đức hạnh, tức là cùng một chí hướng, một lý tưởng, dĩ nhiên không còn kể đến lớn nhỏ, sang hèn, giàu nghèo hoặc có anh em thân thuộc nhiều thế lực. Hữu là bạn bè thể hiện qui luật thanh khí (đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu) ở mức độ cao nhất.

Để giải thích cho Vạn Chương, Mạnh Tử nêu ra bốn trường hợp: Mạnh Hiến Tử, Phí Huệ Công, Tấn Bình Công và Đế Nghiêu.

Mạnh Hiến Tử cùng với hai họ Thúc, Quý, là những đại gia quyền thế ở nước Lỗ. Ông có năm người bạn, chơi thân với nhau không vì địa vị giàu sang.

Phí Huệ Công là vua một nước nhỏ kết bạn với Nhan Ban.

Tấn Bình Công là vua một nước lớn kết bạn với Hợi Đường. Tình bạn giữa hai người thân thiết đến nỗi Bình Công không kể đến cái nghèo của bạn. Ông thân hành đến với bạn mà không dám đòi bạn triều yết mình. Mỗi khi đến nhà bạn chơi, bạn mời vào thì vào, mời ngồi thì ngồi, mời ăn thì ăn rất tự nhiên, không lộ vẻ gì là kiêu hãnh, kiểu cách trong địa vị vua chúa của mình. Ngồi ăn với bạn, tuy đồ ăn đơn sơ, chỉ có canh rau mà cũng ăn thật tình tới no. Bình Công không dám ăn đói, sợ vô lễ với bạn. Cư xử với nhau trong tình bạn mà đến như thế là cùng rồi.

Dĩ nhiên, tuy làm bạn, nhưng mỗi người một cảnh ngộ khác nhau. Ai giữ phận người ấy, chứ bạn chẳng đòi hỏi vua phải chia địa vị vua, chia chức vụ cai trị, chia bổng lộc của Trời cho mình. Vua chơi với bạn là thể hiện tư cách của kẻ sĩ đối với kẻ sĩ, bình đẳng hoàn toàn, chứ chẳng phải tư cách của bậc vương công hạ cố đến bậc hiền.

Vào thời thượng cổ, Đế Nghiêu cư xử với ông Thuấn cũng với tư cách bạn bè. Khi ông Thuấn đến với vua Nghiêu, mặc dầu ở tương quan cha vợ và con rể, vua Nghiêu vẫn coi ông Thuấn như bạn bè ngang hàng. Hai người ở hai cung thất, nhưng có lúc vua Nghiêu đóng vai chủ thết đãi ông Thuấn; có lúc ông Thuấn đóng vai chủ thết đãi vua Nghiêu. Đó là trường hợp hiếm có trong đời: Thiên tử kết bạn với thường dân.

Vua và kẻ thường dân tuy địa vị khác nhau, hoặc gọi là quý người quý, hoặc gọi là tôn người hiền chăng nữa, thì đạo lý trong tình bạn vẫn mang ý nghĩa duy nhất, bình đẳng, không hai.

4. Vạn Chương hỏi rằng: “Dám hỏi về tâm ý trong việc giao tế ra sao?” Mạnh Tử đáp: “Cung kính vậy.”

Hỏi: “Tại sao từ chối đi từ chối lại bị cho là bất kính?”

Đáp: “Bậc tôn quý ban cho, mình lại nói: ‘món đồ có được đây là hợp nghĩa hay bất nghĩa?’ rồi sau mới nhận. Thế là bất kính. Vì vậy không được từ chối.”

Hỏi: “Xin hỏi không lấy lời mà từ chối, nhưng trong lòng lại từ chối, nói thầm: ‘Món đồ lấy của dân là bất nghĩa’; rồi dùng cách khác để từ chối không nhận. Không thể được sao?”

Đáp: “Cái gì trao cho mà hợp đạo, cái gì nhận được mà hợp lễ, đến Khổng Tử còn nhận.”

Vạn Chương hỏi: “Nay có kẻ trấn lột người, bỏ qua phép nước; đem trao cho mà hợp đạo, đưa tặng mà hợp lễ, thì có thể nhận đồ trấn lột được ư?”

Đáp: “Không được. Thiên Khang Cáo nói: ‘Kẻ giết chóc người lấy của, liều lĩnh chẳng sợ chết thường dân chưa từng không oán ghét.’ Thế thì không cần đợi giáo dục mà đem giết kẻ ấy đi. Nhà Ân thừa tiếp nhà Hạ, nhà Chu thừa tiếp nhà Ân, điều đó không bỏ qua; cho đến nay vẫn quyết liệt. Làm sao lại nhận thứ của đó được?”

Hỏi: “Nay các chư hầu lấy của dân cũng giống như kẻ trấn lột. Ví bằng họ lấy lễ đem cho, bậc quân tử thu nhận, dám hỏi giải thích làm sao?”

Đáp: “Ngươi cho rằng (giả như) có bậc vương giả ra tay, sẽ tóm trọn các chư hầu mà giết hết đi chăng? Hay giáo dục mà họ không chịu sửa đổi rồi sau mới giết? Này, nếu bảo rằng cái gì chẳng phải mình có mà lấy là trộm cướp, ấy là cho các loại trộm cướp đều theo một nghĩa như nhau. Khổng Tử ra làm quan ở nước Lỗ, người Lỗ tranh đua săn bắn, Khổng Tử cũng tranh đua săn bắn. Tranh đua săn bắn còn có thể được, huống chi nhận những đồ được ban cho?”

Hỏi: “Vậy thì Khổng Tử ra làm quan, chẳng phải phụng sự đạo lý ư?” Đáp: “Phụng sự đạo lý vậy.”

“Phụng sự đạo lý sao còn tranh đua săn bắn?”

Đáp: “Khổng Tử trước đã lên sổ những con vật dùng để chính tế, không cần lấy những thực phẩm ở bốn phương để cung cấp cho việc chính tế.” Hỏi: “Sao ngài chẳng bỏ mà đi?”

Đáp: “Ngài thử khởi đầu. Khởi đầu đủ để hành đạo, nếu không hành, sau mới bỏ đi. Vậy nên cuối cùng ngài chưa từng ở đâu lâu tới ba năm.

“Khổng Tử cho rằng có những điều khiến ngài có thể làm quan: thấy đạo thi hành được; có sự giao tế thích hợp; có vị quốc công bảo dưỡng. Đối với Quý Hoàn Tử, đó là thấy đạo thi hành được nên ra làm quan. Đối với Vệ Linh Công, đó là thấy sự giao tế thích hợp nên ra làm quan. Đối với Vệ Hiếu Công, đó là vị quốc công biết bảo dưỡng nên ra làm quan vậy.”

BÌNH GIẢI:

Việc giao tế được đề cập ở đây là việc ban tặng lễ vật. Một vị vua ban tặng lễ vật cho một bậc hiền, đó là bày tỏ niềm cung kính đối với bậc hiền ấy. Khi vua ban cho mà từ chối đi từ chối lại, không chịu nhận, đó là bất kính đối với vua, không đón nhận thiện chí của vua. Chần chừ không chịu nhận ngay lễ vật bao hàm ý nghĩa rằng lễ vật đó là đồ bất nghĩa. Như thế là bất kính với vua.

Vạn Chương là một môn đệ ngay thẳng, lại có lương tâm áy náy về vấn đề nhận lễ vật, cứ thắc mắc hoài, cho nên Mạnh Tử nêu ra trường hợp Khổng Tử như một tấm gương. Đạo đức như Khổng Tử cũng đã nhận lễ vật nếu lễ vật ấy được trao một cách phải phép và hợp lễ (tế nhị và lịch sự).

Vạn Chương chưa yên dạ, thắc mắc rằng: đối với của cải trấn lột mà được trao tặng một cách phải phép, hợp lễ, cũng nhận hay sao?

Mạnh Tử giải rằng: đối với kẻ bỏ phép nước, trực tiếp trấn lột của người, thì đáng xử tử. Luật pháp từ đời Hạ, đến đời Ân, Chu đều thi hành quyết liệt như vậy. Vì thế không thể nhận của cải trấn lột được.

Vạn Chương lập luận xa hơn: các vua chư hầu thời Chiến Quốc này đều là loại trấn lột của dân. Nay, người quân tử nhận lễ vật của họ, tức là nhận của trấn lột. Điều đó giải thích sao được?

Chúng ta có thể hiểu ý câu trả lời của Mạnh Tử như sau: Nói theo Vạn Chương, ý nghĩa hai chữ “trộm cướp” (trấn lột) được sử dụng quá rộng. Hai chữ “trộm cướp” chỉ nên hiểu theo nghĩa trực tiếp và chặt chẽ đối với kẻ nào trấn lột người ta ngoài đường, ngoài chợ hay xâm phạm gia cư mà cướp bóc. Còn các vua chư hầu thu thuế má quá mức của dân tuy là bất công, đáng trách; nhưng việc ấy nằm trong thể chế chính trị, chỉ có thể được hiểu ngầm là trộm cướp gián tiếp mà thôi. Thế mà việc trộm cướp gián tiếp thì không thể đem ra xử theo luật được; lý do là không có luật nào xử việc ấy cả. Việc ấy chỉ có thể được giải quyết khi có một thể chế chính trị mới. Nếu như có một bậc vương giả (thánh vương) xuất hiện, ra tay chỉnh trang lại chế độ, ban hành hiến pháp nhân đạo, tôn trọng nhân quyền, đề cao dân quyền, thiết lập công bằng xã hội tốt đẹp, thì việc trộm cướp gián tiếp mới được giải quyết. Nhưng giá như có vị thánh vương ấy, chẳng lẽ vị ấy lại tóm hết các vua chư hầu mà giết đi, hay là phải giáo dục họ trước đã; bởi vì họ là con đẻ của một thể chế bất công kéo dài đã bao đời rồi!

Mạnh Tử đưa ra ví dụ: khi Khổng Tử làm quan ở nước Lỗ, ngài cũng theo thói quen của quân dân nước Lỗ đi tranh đua săn bắn. Tranh đua săn bắn nếu hiểu theo nghĩa rộng, đó là “trộm cướp” của thiên nhiên, chứ có phải lễ vật được ban tặng phải phép và hợp lễ đâu!

Thực ra Khổng Tử đã từng liệt kê những gia súc có thể đem dùng để cúng tế tổ tiên và thần linh, đâu cần đi kiếm những con vật săn bắt trong thiên nhiên. Tuy vậy, trước một tập quán đã có từ lâu đời (săn bắt thú hoang để cúng tế), Khổng Tử cũng phải hoà đồng với mọi người.

Vạn Chương chất vấn thêm: Trước cái tập quán sai trái (trộm cướp của thiên nhiên) như vậy, sao Khổng Tử không từ quan mà bỏ đi?

Mạnh Tử cho rằng đó là Khổng Tử nương theo tập quán cũ làm khởi đầu để có cơ hội thi hành đạo lý. Sau một thời gian chỉnh sửa các tập quán cũ mà không được, ngài mới bỏ đi. Vì thế, ngài chẳng làm quan được ở đâu lâu tới ba năm.

Theo Mạnh Tử, có ba điều kiện để cho Khổng Tử chấp nhận ra làm quan là:

– Thấy cơ hội có thể hành đạo được.

– Có vua chư hầu biết phép giao tế với mình.

– Có vị quốc công sẵn sàng bảo dưỡng mình.

Ba điều kiện ấy đã phù hợp với ba lần làm quan của Khổng Tử cùng Quý Hoàn Tử, Vệ Linh Công và Vệ Hiếu Công.

5. Mạnh Tử nói: “Làm quan chẳng phải vì nghèo, thế mà có lúc làm vì nghèo. Lấy vợ chẳng phải để được nuôi nấng, thế mà có lúc lấy để được nuôi nấng. Người làm quan vì nghèo, hãy từ chối chức vị tôn quý, mà nên ở chức thấp nhỏ; hãy từ chối sự giàu sang, mà nên ở chức lương ít. Từ chối chức vị tôn quý, ở chức thấp nhỏ, từ chối giàu sang, ở chức lương ít, thì nên như thế nào? Làm chức giữ cửa thành, làm chức đánh mõ cầm canh thôi.

“Khổng Tử đã từng làm chức quan nhỏ coi kho, nói rằng: ‘Cần tính sổ đích đáng mà thôi.’ Ngài đã từng làm chức quan nhỏ chăn nuôi, nói rằng: ‘Khiến cho trâu dê sinh sôi, mạnh khỏe, chóng lớn mà thôi.’

“Ở địa vị thấp mà nói leo đến địa vị cao, đó là có tội. Làm người đứng trong triều đình mà chẳng thi hành đạo lý, đó là điều sỉ nhục vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ra làm quan là thi hành bổn phận đối với đất nước; đó là đem tài đức, công phu học tập tu dưỡng ra giúp vua cai trị xã hội mưu cầu hạnh phúc cho dân. Đạo lý của người quân tử là như vậy. Tuy nhiên, cũng có lúc, người quân tử phải ra làm quan vì nghèo, muốn kiếm kế sinh nhai. Cũng như đạo lý của việc lấy vợ là thi hành bổn phận làm người trong trời đất, hiện thực qui luật “nhất âm nhất dương” để phát triển nòi giống. Tuy thế, có lúc người ta phải lấy vợ vì nghèo, muốn có một người đỡ đần mình trong cuộc mưu sinh.

Trong trường hợp ra làm quan vì nghèo, Mạnh Tử khuyên hãy từ chối chức vị tôn quý, nên nhận chức vị thấp nhỏ; hãy từ chối bổng lộc giàu sang, nên nhận chức vị có bổng lộc ít thôi. Bởi vì chức vị tôn quý, bổng lộc giàu sang dành cho những bậc quân tử tài cao đức dày, có khả năng đảm đương trọng trách trong triều đình. Còn người ra làm quan cốt để giải quyết cái nghèo thì nên biết tự trọng, tự khiêm, chỉ nhận chức vị thấp nhỏ, lương ít là đủ sống rồi.

Chức vị thấp nhỏ, lương ít như là chức giữ cửa thành, chức đánh mõ, đánh kẻng cầm canh đêm…

Mạnh Tử lấy trường hợp của Khổng Tử làm gương. Ở giai đoạn hàn vi, Khổng Tử đã từng nhận những chức quan nhỏ như coi kho hoặc chăn nuôi súc vật. Ngài đã làm tròn bổn phận trong những chức phận đó: tính sổ sách cẩn thận các hàng hóa nhập xuất kho; chăm sóc cho súc vật sinh đẻ tốt, mạnh khỏe, chóng lớn.

Mạnh Tử cho rằng người quân tử ở trong chức phận nào cũng cần làm tròn bổn phận ấy mà không nên bình phẩm gì đến các chức vị ở trên cao. Đó là người có đạo đức chân chính. Nói leo lên trên, chê bai cách làm việc của cấp trên là phạm lỗi “việt chức” (vượt chức phận). Đó lá cách hành xử của tiểu nhân.

Giá như người quân tử ấy có thời cơ, có vận mệnh được đứng trong hàng ngũ các quan khanh trong triều, người ấy phải có bổn phận hành đạo, làm cố vấn cho vua, cùng họp bàn với các quan đồng triều để xây dựng một thể chế, một chính sách tốt đẹp cho đất nước. Nếu không làm được như vậy, đó là điều đáng sỉ nhục. Khi hoàn cảnh không cho phép hành đạo, người ấy nên từ chức mà đi.

Như thế, người quân tử trong đạo Nho đâu phải là loại “cố đấm ăn xôi” như các quan lại trong những triều đại đã qua!

6. Vạn Chương nói: “Kẻ sĩ chẳng chịu nhờ vả vua chư hầu, tại sao vậy?”

Mạnh Tử đáp: “Chẳng dám nhờ. Một vua chư hầu mất nước, sau đó đến nhờ vả một vua chư hầu khác, đó là lẽ thường. Kẻ sĩ mà nhờ vả vua chư hầu, chẳng phải lẽ thường vậy.”

Vạn Chương nói: “Vua ban tặng thóc lúa thì có nhận chăng?”

Đáp: “Hãy nhận lấy.” “Nhận là nghĩa lý làm sao?”

Đáp: “Vua đối với dân, cố nhiên phải chu cấp.”

Hỏi: “Chu cấp thì nhận; ban cho thì không nhận, tại sao vậy?”

Đáp: “Chẳng dám.”

Hỏi: “Xin hỏi tại sao chẳng dám?”

Đáp: “Giữ cửa thành, đánh mõ cầm canh đều có chức vụ hẳn hoi thì được hưởng lương thực ở cấp trên. Không có chức vụ hẳn hoi mà nhận trợ cấp ở trên, đó là chẳng cung kính.”

Hỏi: “Vua ban tặng cho thì nhận, không biết có nên tiếp tục nhận như vậy chăng?”

Đáp: “Vua Mục Công đối với Tử Tư, luôn hỏi han, luôn ban tặng thịt nấu chín. Tử Tư chẳng được vui đối với kẻ bề dưới (đưa đồ ăn). Ông kéo sứ giả ra bên ngoài cửa lớn, quay mặt về hướng Bắc cúi đầu lạy hai lạy rồi chẳng nhận nữa. Ông nói: ‘Cho đến nay, mới biết vua nuôi Cấp này như chó ngựa.’ Thế là từ đền vua không còn việc ban tặng nữa. Quý mến người hiền mà chẳng cất nhắc, lại chẳng biết cấp dưỡng, có thể gọi là quý mến người hiền chăng?”

Hỏi: “Xin hỏi vị quốc quân muốn cấp dưỡng quân tử thì như thế nào có thể gọi được là cấp dưỡng?”

Đáp: “Lấy mệnh vua đưa đến, thì lạy hai lạy cúi đầu mà nhận. Sau đó, kẻ giữ kho tiếp tục cho thóc lúa, người đầu bếp tiếp tục cho thịt nhưng đừng lấy mệnh vua đưa đến. Tử Tư vì nhận thịt chín, khiến ông phải luôn lóc cóc lạy tạ. Đó chẳng phải là đạo cấp dưỡng quân tử.

“Vua Nghiêu đối với ông Thuấn, khiến chín con trai đến phục vụ, lại gả hai con gái cho; đem trăm quan, trâu, dê, kho lẫm đầy đủ để cấp dưỡng ông Thuấn khi còn ở trong đồng ruộng. Sau đó cất nhắc thêm lên địa vị bậc trên. Cho nên mới nói: ‘Đó là cách tôn trọng người hiền của bậc vương công vậy.’”

BÌNH GIẢI:

Vào đầu thời Xuân Thu, nước Trung Hoa có trên 100 nước chư hầu; sang thời Chiến Quốc, còn lại 7 nước. Theo lẽ thường, các chư hầu thân nhau vẫn nhờ vả nhau, có qua có lại. Vì thế, khi một vua chư hầu mất nước đến nhờ một chư hầu khác, đó là lẽ thường, hợp lễ. Tuy nhiên, một kẻ sĩ biết tự trọng không thể đến nhờ vả vua chư hầu. Đã nhờ vả thì phải trả ơn; kẻ sĩ lấy gì mà trả. Không trả được là không hợp lẽ thường vậy.

Khi kẻ sĩ thiếu thốn, được vua ban tặng thóc lúa; Mạnh Tử khuyên hãy nhận lấy; bởi vì vua có bổn phận chu cấp cho dân nghèo. Tuy thế, chu cấp trong lúc thiếu thốn thì nên nhận; còn vua thường xuyên ban tặng phẩm vật thì kẻ sĩ không nên nhận. Kẻ sĩ không đảm đương một chức vụ thường xuyên nào không thể nhận bổng lộc thường xuyên của triều đình.

Vạn Chương lại thắc mắc với Mạnh Tử xem sau khi chu cấp lần đầu, nếu vua cứ tiếp tục sai người ban tặng phẩm vật, có nên nhận chăng?

Để trả lời, Mạnh Tử nêu ra ví dụ: ngày xưa vua Lỗ Mục Công quý mến Tử Tư, thường xuyên sai người hỏi thăm và ban tặng thịt chín. Mỗi lần sứ giả đem thịt cho, nói rằng vua ban, Tử Tư lại phải lóc cóc cúi đầu lễ bái mà tạ ơn. Tử Tư cảm thấy phiền tối và nhục nhã quá, mới nói với sứ giả: “Cho đến nay, mới biết vua nuôi Cấp này như chó ngựa.” Điều đó chứng tỏ rằng Lỗ Mục Công đã không biết đạo cấp dưỡng người hiền.

Theo Mạnh Tử, đạo quý mến và cấp dưỡng người hiền là:

– Cất nhắc người hiền vào một chức vụ nào đó để có lương bổng danh chính ngôn thuận.

– Cấp dưỡng chỉ nêu mệnh vua một lần đầu. Từ lần sau, vua cho kẻ giữ kho tiếp tế thóc lúa, hoặc người đầu bếp cho thịt nhưng không nêu mệnh vua, tránh cho người hiền phải vất vả cúi đầu lạy tạ thường xuyên.

Ngày xưa vua Nghiêu quý trọng ông Thuấn, đã sai con trai, con gái và các quan đến hầu hạ, ban cho trâu, dê, thóc lúa, khi ông Thuấn còn lao động ngoài đồng áng. Vì thế, người đời cho rằng vua Nghiêu biết đạo tôn hiền.

7. Vạn Chương nói: “Dám hỏi, (kẻ sĩ) không yết kiến vua chư hầu, là nghĩa làm sao?”

Mạnh Tử đáp: “Ở tại kinh thành, (kẻ sĩ) được gọi là bề tôi thị tỉnh (chợ giếng); ở thôn quê, (kẻ sĩ) được gọi là bề tôi thảo mãng (cỏ rậm); đều là những người bình dân. Những người bình dân không được mời làm quan, không dám ra mắt vua chư hầu; đó là lễ phép.”

Vạn Chương nói: “Những người bình dân được gọi phục dịch thì đến phục dịch. Vua muốn tiếp kiến, gọi vào, thì không chịu đến yết kiến, sao vậy?”

Đáp: “Đến phục dịch là nghĩa vụ, đến yết kiến không phải nghĩa vụ. Vả lại vua muốn tiếp kiến, là tại sao?”

Đáp: “Vì chỗ nghe nhiều (lắm kiến thức), vì chỗ tài đức.”

Trả lời: “Vì chỗ nghe nhiều, thì bậc thiên tử còn không dám gọi mời bậc thầy, huống chi vua chư hầu ư? Vì chỗ tài đức, thì ta chưa nghe nói muốn gặp bậc tài đức mà lại gọi mời.

“Vua Mục Công (nước Lỗ) thường đến thăm ông Tử Tư, nói rằng: ‘Ngày xưa, vua nước chư hầu nghìn cỗ xe, muốn kết bạn với kẻ sĩ, thì như thế nào?’ Tử Tư chẳng vui lòng, nói: ‘Người xưa có lời rằng: Hãy nên phụng thờ, phải chăng? Há lại nói: hãy nên kết bạn, phải chăng?’

“Tử Tư chẳng vui lòng chút nào, há lại không nói (thầm): ‘Lấy theo địa vị, ông là vua, ta là bề tôi, sao dám làm bạn với vua? Lấy theo đức hạnh, ông phải phụng thờ ta, sao có thể cùng ta kết bạn?’ Vua một nước nghìn cỗ xe mong kết bạn mà còn không thể được, huống chi có thể gọi mời ư?

“Tề Cảnh Công đi săn, cho gọi quan coi vườn thảo mộc bằng cờ gắn lông chim. Không đến, vua định giết. Khổng Tử sao lại chịu, rằng: ‘Người chí sĩ không quên tại ngòi rạch, kẻ dũng sĩ không quên chết mất đầu.’ Chịu ở chỗ chẳng phải cách gọi (phù hợp), thì chẳng đến.”

Hỏi: “Dám hỏi, gọi quan coi vườn thảo mộc, lấy gì?”

Đáp: “Lấy mũ da; gọi người bình dân, lấy cờ lụa; gọi quan sĩ, lấy cờ vẽ rồng; gọi quan đại phu, lấy cờ gắn lông chim.

“Lấy cách gọi đại phu mà gọi quan coi vườn thảo mộc, quan coi vườn thảo mộc đành chịu chết, mà không dám đến. Lấy cách gọi quan sĩ mà gọi người bình dân, người bình dân há dám đến ư? Huống hồ lấy cách gọi kẻ bất tài mà đem gọi bậc tài đức sao?

“Muốn tiếp kiến bậc tài đức mà chẳng lấy đạo lý cũng như muốn vào mà đóng cửa lại vậy. Này, nghĩa lý là đường lối, lễ phép là cửa nẻo. Chỉ riêng người quân tử mới có khả năng đi đường lối ấy, ra vào cửa nẻo ấy.

“Kinh Thi rằng: ‘Đường của nhà Chu như đá mài, thẳng như mũi tên; quân tử đi đứng trên đó, tiểu nhân nhìn vào đó.’”

Vạn Chương nói: “Khổng Tử, khi có lệnh vua gọi, không đợi đóng xe mà đi ngay. Vậy Khổng Tử chẳng phải ư?”

Đáp: “Khổng Tử đang làm quan, có quan chức; thì (vua) lấy chức quan mà gọi.”

BÌNH GIẢI:

Kẻ sĩ dù ở kinh thành hay thôn quê đều là những người bình dân, tuy có tên gọi khác nhau: bề tôi thị tỉnh, bề tôi cỏ rậm. Chốn kinh thành ngày xưa gọi là thị tỉnh. Thị tỉnh nghĩa là chợ, giếng. Sở dĩ có tên này vì chỉ ở nơi đông đúc mới có họp chợ; ở đó, người ta phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt, chứ không lấy nước ở sông, suối, hồ, ao như thôn quê. Do vậy, thị tỉnh chỉ nơi đô hội, kinh thành. Còn thôn quê là chốn thảo mãng, nơi có nhiều cây cỏ rậm rạp.

Theo lễ phép thời phong kiến, khi một người được vua mời làm quan, người ấy phải đem một món lễ vật nào đó gọi là “chí”, làm tín vật, đến yết kiến vua. Nếu chẳng được gọi mời, người ta không có quyền xin yết kiến vua. Lý do khiến kẻ sĩ không yết kiến vua chư hầu là như vậy.

Vua có thể ra lệnh gọi một ai đó vào phục dịch; phục dịch là nghĩa vụ của dân. Tuy nhiên nếu vua muốn tiếp kiến một người dân vì nghe tiếng người ấy có tài đức thì phải biết cách gọi mời cho đúng lễ. Đối với một bậc hiền, đa văn quảng kiến, người ấy là thầy của vua. Từ ngàn xưa, theo lễ, chính vua phải thân hành đem lễ vật đến xin yết kiến bậc thầy, chứ không thể gọi mời theo kiểu thường được.

Ông Tử Tư (cháu Khổng Tử) đã không bằng lòng cho vua Lỗ Mục Công kết bạn với mình. Tài đức của Tử Tư đáng bậc thầy, thì vua phải thờ phụng Tử Tư ở cương vị thầy, chứ không phải kết bạn ngang hàng.

Để cho xã hội có trật tự ổn định, mọi công việc tiến hành tốt đẹp, không có chuyện người nọ giẫm chân lên người kia, vì thế, lễ phép thời Xuân Thu đã qui định những hình thức mời gọi khác nhau.

Vua muốn gọi quan coi vườn thảo mộc đến hướng dẫn vua đi săn thì dùng hình thức gọi là cái mũ da. Nhìn thấy sứ giả đội mũ da, quan coi vườn biết vua muốn đi săn, nên lập tức chuẩn bị hành trang để làm hướng đạo.

Vua muốn gọi một dân thường thì lấy dấu chỉ là lá cờ lụa; muốn gọi một quan sĩ thì lấy lá cờ vẽ rồng; muốn gọi một quan đại phu thì lấy lá cờ gắn lông chim trên ngù.

Khi dùng sai cách gọi, người biết trọng lễ sẽ không đến. Nếu đến, người ấy sẽ bị mang tiếng là dốt nát và không biết lễ phép.

Xưa, Tề Cảnh Công gọi quan coi vườn thảo mộc bằng lá cờ gắn lông chim là gọi nhầm ra quan đại phu. Quan coi vườn là người trọng lễ nên không chịu đi mặc dù có thể bị giết. Nghe chuyện, Khổng Tử đã khen ngợi ông quan đó, coi ông như một chí sĩ, một dũng sĩ. Chí sĩ thà chịu chết ở ngòi rạch, dũng sĩ thà mất đầu, nhưng cả hai không chịu bỏ mất tiết tháo, lễ nghĩa.

Một bậc hiền ở chốn thôn dã chẳng lẽ lại còn thua một ông quan coi vườn thảo mộc hay sao? Vua muốn gọi mời một bậc hiền vào triều để tham khảo về quốc sách mà dùng cách gọi như gọi một kẻ bất tài vào phục dịch, thì bậc hiền đến sao được? Thà ở nhà cỏ, ăn cơm rau còn hơn! Nếu chịu đến, người ấy hẳn không phải bậc hiền; đó chỉ là hạng giá áo túi cơm, cầu danh lợi mà thôi!

Bậc hiền là người có tài đức, luôn sống trong đạo lý, thì nhà cầm quyền phải lấy đạo lý mà cư xử với bậc ấy. Đạo lý bao gồm nghĩa lý và lễ phép. Nghĩa lý là đường lối, lễ phép là cửa nẻo để cho nhà cầm quyền đến với bậc hiền. Bậc hiền là người quân tử nên thông hiểu đường lối cửa nẻo ấy; đó là thông hiểu cách xử lý phù hợp với đạo nghĩa và biết thích ứng theo lễ phép.

Nhà Chu ở giai đoạn thịnh vượng ban đầu, phép tắc của Chu Công đặt ra phẳng phiu như đá mài, ngay thẳng như mũi tên, sẵn sàng đón nhận những người quân tử tiến lên thi triển tài đức, giúp Thiên tử trị nước; còn dân chúng (tiểu nhân) thì nhìn vào cách thức cai trị đó mà chấp hành.

Còn trường hợp của Khổng Tử và trường hợp của Tử Tư (cháu Khổng Tử) có khác nhau: Khổng Tử là quan chức của vua, Tử Tư là khách của vua. Quan chức của vua, thì vua gọi, phải vội đến không đợi thắng xe. Khách của vua, thì vua phải đến, nếu muốn tham khảo ý kiến.

8. Mạnh Tử bảo Vạn Chương rằng: “Là kẻ sĩ đạo đức trong một làng, hãy nên kết bạn với những kẻ sĩ đạo đức trong làng. Là kẻ sĩ đạo đức trong một nước, hãy nên kết bạn với những kẻ sĩ đạo đức trong nước. Là kẻ sĩ đạo đức trong thiên hạ, hãy nên kết bạn với những kẻ sĩ đạo đức trong thiên hạ.

“Kết bạn với các kẻ sĩ đạo đức trong thiên hạ chưa lấy làm đủ, lại còn luận bàn hướng lên với người xưa bằng việc tụng đọc thơ văn, sách vở của người xưa. Thế mà có thể không biết được người xưa chăng? Do đó mà luận bàn về các tình thế của người xưa nữa. Thế là được kết bạn với các bậc trên xưa vậy.”

BÌNH GIẢI:

Kẻ sĩ là người có học. Thiện sĩ là người có học mà hướng sự học của mình về điều thiện. Đó là kẻ sĩ đạo đức. Thiện sĩ không thể độc thiện mà còn có bổn phận phải phát huy điều thiện cho mọi người để cả xã hội trở nên thiện. Nếu chủ trương “độc thiện kỳ thân” (thiện lấy một mình), kẻ sĩ đạo đức chỉ như một con chim én cô đơn, không thể làm nên mùa xuân được. Vì vậy kẻ sĩ đạo đức phải tìm cách kết bạn với những kẻ sĩ đạo đức trong một làng với mình, dần dần kết bạn với những kẻ sĩ đạo đức trong một nước; và mở rộng ra, liên kết với các kẻ sĩ đạo đức trong thiên hạ. Với một tập thể kẻ sĩ đạo đức đông đúc, người ta mới có thể vực dậy một xã hội lầm than, rối loạn, vô luân.

Chẳng những thế, kẻ sĩ đạo đức lại còn phải chăm tụng đọc thơ văn, kinh sách của người xưa để hiểu tâm sự cùng những cách đối nhân xử thế của người xưa trong từng cảnh huống của đời sống. Hiểu người xưa, biết rõ cách ứng xử của người xưa để học tập, phê phán và rút kinh nghiệm, giúp mình hành xử tốt trong thời hiện tại. Như thế là chúng ta đã được kết bạn vượt bậc với các bậc tiền bối trong các thế hệ trước. Điều đó chẳng hân hạnh lắm sao?

9. Tề Tuyên Vương hỏi về quan khanh.

Mạnh Tử nói: “Vua hỏi về quan khanh nào?” Vua nói: “Quan khanh không giống nhau ư?”

Đáp: “Không giống nhau. Có quan khanh thuộc họ tôn quý của vua; có quan khanh họ khác.”

Vua nói: “Xin hỏi về quan khanh thuộc họ tôn quý của vua.”

Đáp: “Vua có lỗi lớn thì can ngăn; nói đi nói lại kỹ lưỡng mà vua không nghe, thì thay đổi địa vị vua.” Vua thình lình đổi sắc mặt.

Đáp: “Vua chớ cho là lạ. Vua hỏi bề tôi, bề tôi chẳng dám không trả lời chính đáng.”

Sắc mặt vua ổn định lại, rồi sau hỏi về quan khanh họ khác.

Đáp: “Vua có lỗi thì can ngăn. Nói đi nói lại kỹ lưỡng mà vua không nghe thì ra đi.”

BÌNH GIẢI:

Tề Tuyên Vương hỏi Mạnh Tử về quan khanh với thâm ý muốn biết đạo lý phụng thờ của quan khanh đối với vua cần phải tận tụy ra sao, trung thành đến đâu. Cho nên khi thấy Mạnh Tử trả lời không hợp ý mình, ông mới thình lình biến sắc mặt, đồng thời nhận ra nguy cơ câu trả lời có thể khiến cho ngai vàng của mình lung lay!

Mạnh Tử phân biệt ra hai loại quan khanh:

Quan khanh trong hoàng thân quốc thích, họ hàng ruột thịt với vua, có thể là chú bác, anh em của vua.

Quan khanh họ khác là những người có tài đức, có công trạng được tuyển chọn ở bên ngoài, không có liên hệ ruột thịt với vua.

Loại quan khanh nào cũng phải có bổn phận hỗ trợ vua giữ gìn xã tắc vững bền, thiết lập nền cai trị an thịnh cho toàn dân. Tuy nhiên, các quan khanh trong hoàng thân quốc thích có trách nhiệm nặng nề hơn, bởi vì có thế lực hơn. Mỗi khi thấy vua phạm lỗi nặng nề có thể sớm chiều đưa đến mất nước, các quan khanh này phải ra sức can ngăn vua, khuyên đi khuyên lại thật kỹ lưỡng, nói rõ những điều họa hại. Nếu vua không chịu nghe, các quan khanh này phải vận động các nhân vật có thế lực, có uy tín trong hoàng tộc để tìm cách thay đổi, đưa một vị vương khác, có tài đức hơn, lên làm vua để giữ yên đất nước.

Các quan khanh họ khác thì không có đủ quyền thế như vậy. Cho nên khi thấy vua phạm lỗi, các quan khanh này chỉ có bổn phận khuyên can kỹ lưỡng. Nếu vua không nghe, hãy giã từ quan chức, tước lộc của triều đình mà ra đi. Khổng Tử ngày xưa ở nước Lỗ đã từng bỏ nước ra đi trong trường hợp này.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x