Trang chủ » Chia sẻ và giao tiếp với con.

Chia sẻ và giao tiếp với con.

by Hậu Học Văn
44 views

Có một phân đoạn trong bộ phim Captain Fantastic giữa bố và con gái:

– Con đang đọc gì thế. Ồ Lolita á? Bố có đưa con cuốn đó đâu nhỉ?

– Con cứ đọc trước thôi.

– Và sao?

Thú vị ạ!

– Thú vị kìa! Một từ sai luật. Bố ơi chị Kielyr nói “thú vị” kìa – 3 đứa con khác reo lên.

– “Thú vị” không phải là một từ hoàn chỉnh. Con biết là con không được dùng nó mà. Nói rõ hơn đi!

– Khá là gây khó chịu ạ.

– Chi tiết hơn nữa!

– Bố hãy cứ để con đọc nó đi có được không?

– Chỉ sau khi con phân tích đến đoạn hoàn chỉnh con đang đọc.

– Có một ông già yêu một cô gái, và cô ấy mới 12 tuổi thôi.

– Đó mới chỉ là phần nội dung mở đầu.

… Cô con cái lấy hơi.

– Vì nó được viết từ góc nhìn của ông ta, nên người đọc kiểu như thấu hiểu và thông cảm cho ông ta. Vì kì lạ thay ông ta lại là một kẻ ấu dâm, nhưng tình yêu của ông ta dành cho cô bé thật đẹp. Nhưng nó cũng là chuyện khá là khó chấp nhận vì đó là chuyện sai trái. Vì ông ta trưởng thành hẳn hoi, và nói đúng nhất là ông ta cưỡng bức cô bé. Nên nó làm con cảm thấy con ghét ông ta, và một mặt nào đó con lại cũng thấy tội nghiệp cho ông ta.

– Tốt lắm con gái!

Cô gái thở phào nhẹ nhõm khi vừa được giải tỏa những suy nghĩ và mâu thuẫn bên trong nội tâm mình.

Đây là điều người bố muốn khi xây dựng văn hóa “không nói thú vị” khi chia sẻ cảm nhận về một điều gì đó, mà đứa con phải tự mình đi vào nội tâm, lần theo dấu vết của từng suy nghĩ và cảm xúc để gọi chúng ra, và từ đó những đứa con có cơ hội để nhìn rõ lại một lần nữa những tư tưởng, suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Chỉ cần lắng nghe con chia sẻ và từ đó gợi thêm cho con những câu hỏi mở để con tự khám phá tư tưởng và suy nghĩ của bản thân hay giúp con uốn nắn những tư tưởng lệch lạc mới manh nha là điều vô cùng đơn giản nhưng quan trọng mà bố mẹ có thể thực hiện hàng ngày với con.

Càng trưởng thành, con sẽ không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ cảm nhận ra nữa, mà sẽ đào sâu hơn đi tìm lý do, nguồn gốc khởi phát những cảm nhận ấy, từ đó mở ra cho con những tri thức về: di truyền (sinh học), tâm lý học, khoa học thần kinh, triết học và cả tâm linh nữa – Khi con đi đến cái vấn đề gốc rễ bên trong bản ngã của mình, và cảm nhận được cái Chân Tâm nơi mình.

Điều quan trọng là trong khoảng thời gian trưởng thành ấy, con có bố mẹ ở bên như một “tấm gương” để giúp con ý thức được chính mình.

“Làm tấm gương cho con” nên có hai nghĩa: Một là bố mẹ sống với con người tốt đẹp của mình để con học hỏi và noi theo.

Hai là để giúp con soi lại chính mình, khám phá bản ngã của mình. Khi con còn nhỏ, điều này sẽ đơn giản hơn khi bố mẹ chỉ cần hỏi lại con một vài câu hỏi để con tự chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của mình.

Nhưng khi con dần lớn hơn, bản ngã phức tạp hơn, thì lúc đó tâm thức cha mẹ cần có nhiều hơn sự tỉnh thức, tĩnh lặng và trong sáng như một tấm gương, thì mới thấy được những dấu hiệu phức tạp trong con mà từ đó dẫn dắt, khai mở cho con những tầng sâu hơn trong tâm thức mình qua những cuộc trò chuyện và chia sẻ sâu sắc – Điều này đặc biệt quan trọng với những đứa con nhạy cảm, có thiên hướng về triết học và tâm linh.

Hãy cố gắng duy trì trò chuyện và giao tiếp thường xuyên. Đừng để những tháng ngày trong gia đình trở nên đơn điệu, tẻ nhạt và chẳng có gì để chúng ta chia sẻ cùng con nữa.

❁ ❁ ❁

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x