Trang chủ » “Trung Đạo” trong giáo dục con.

“Trung Đạo” trong giáo dục con.

by Hậu Học Văn
53 views

Khi giáo dục trẻ, tự bản thân ta nên hiểu một điều căn bản rằng ta chỉ là một nhân duyên trong vô vàn nhân duyên để tạo nên vận mệnh của đứa trẻ này – nhưng là một nhân duyên nền tảng quan trọng.

Với tâm thái ấy, ta bớt đi sự ngạo mạn cho rằng một mình ta có thể uốn nắn hay giáo dục đứa trẻ này trở thành người mà ta mong muốn hay kỳ vọng, đứa trẻ vì vậy cũng bớt khốn khổ hơn bởi những gò ép thái quá và thô bạo của cha mẹ.

Với tâm thái ấy ta cũng bớt đi sự thờ ơ, lãnh đạm hay nuông chiều trong việc giáo dục con. Bởi ta biết cha mẹ là nhân tố nền tảng tác động đến vận mệnh của chúng, nhất là trong những giai đoạn chúng còn nhỏ – khi cả thế giới của chúng là cha mẹ, khi từng cử chỉ, hành động, lời nói, tâm thái của cha mẹ dù nhỏ đến đâu cũng tác động rất lớn đối với chúng, mà từ đó hình thành nên nhân cách, thói quen, vận mệnh của chúng sau này.

Với tâm thái ấy, ta học cách cân bằng giữa sự thờ ơ và sự gò ép thái quá. Đó là nghệ thuật Trung Dung – Trung Đạo trong quá trình sửa mình và tu học.

Để thấy, làm cha mẹ không phải là ta gác lại quá trình tu học của mình để lo chuyện “cơm áo gạo tiền” như nhiều người từng than thở, mà có khi ta còn phải tu quyết tâm nhiều hơn, bởi giờ đây ta không còn tu cho riêng bản thân mình nữa, và bởi cách giáo dục hiệu quả nhất vẫn luôn là “thân giáo” – lấy mình làm gương.

Sẽ chẳng bao giờ ta biết được số phận sẽ đưa đẩy đứa trẻ này đến đâu, nhưng ta có thể tin tưởng một điều nếu những năm đầu đời chúng sống trọn vẹn với tình yêu thương và trí tuệ tỉnh thức của cha mẹ, thì đó chính là nền tảng giúp chúng Sống yêu thương và tỉnh thức sau này. Chỉ cần vậy thôi, mọi thứ khác sẽ mở ra cho chúng – theo hướng tốt đẹp hơn.

❁ ❁ ❁

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x