Trang chủ » Chương III: Trí năng, ủy quyền và trí tuệ

Chương III: Trí năng, ủy quyền và trí tuệ

by Hậu Học Văn
146 views

Nhiều người nghĩ rằng nhờ việc dạy mọi người biết đọc biết viết, chúng ta sẽ giải quyết được nhiều vấn nạn của nhân loại; nhưng đây là một tư tưởng sai lầm. Những người tạm gọi là có giáo dục không hẳn là những người yêu hòa bình, sống toàn diện; họ cũng phải chịu trách nhiệm cho tình trạng nhiễu nhương và khốn khổ của thế giới.

Giáo dục đúng đắn có nghĩa là làm thức tỉnh trí tuệ, nuôi dưỡng một đời sống toàn diện, và chỉ có loại hình giáo dục ấy mới có thể dựng xây một nền văn hóa mới, một thế giới hòa bình; nhưng để xây dựng nền giáo dục mới này, chúng ta cần phải tái thiết từ đầu trên một nền móng hoàn toàn khác với nền móng hiện tồn.

Với thế giới quanh ta đang ngày một tàn tạ, chúng ta không ngừng bàn luận về các lý thuyết, về các vấn đề chính trị vô bổ, và đùa giỡn với những cải cách giả tạm. Chẳng lẽ điều này không cho thấy sự thiếu chín chắn trong suy nghĩ của chúng ta hay sao? Một số người có thể đồng ý với điều này, nhưng họ vẫn sẽ tiếp tục thực hiện chính xác những gì họ từng làm – và đấy là điều đáng buồn của cuộc sống. Khi chúng ta nghe một sự thật và không hành động theo sự thật ấy, nó trở thành thuốc độc trong chính chúng ta, và thuốc độc ấy lan ra, gây xáo trộn về tâm lý, mất cân bằng và bệnh tật thể chất. Chỉ khi nào trí tuệ sáng tạo được đánh thức trong cá nhân thì cuộc sống hòa bình và hạnh phúc mới có thể tồn tại.

Chúng ta không thể trở nên có trí tuệ chỉ bằng cách thay chính quyền này bằng một chính quyền khác, đảng phái hay giai cấp này bằng một đảng phái hay giai cấp khác, kẻ bóc lột này bằng kẻ bóc lột khác. Cuộc cách mạng đẫm máu chẳng thể nào giải quyết rốt ráo các vấn đề của chúng ta. Chỉ có cuộc cách mạng nội tâm sâu sắc làm thay đổi mọi giá trị của chúng ta mới có thể tạo ra một môi trường khác, một cấu trúc xã hội có trí tuệ; cuộc cách mạng ấy chỉ có thể được tạo nên bởi bạn và tôi. Sẽ không có một trật tự mới nào nếu cá nhân chúng ta không phá vỡ những rào cản tâm lý của mình và trở thành người tự do.

Chúng ta có thể vẽ ra trên giấy những bản thiết kế chi tiết cho xã hội Không tưởng tươi sáng, một thế giới mới tráng lệ; nhưng việc hy sinh các thế hệ hiện tại cho một tương lai chưa biết rõ sẽ không bao giờ giải quyết được bất cứ vấn đề nào của chúng ta. Có quá nhiều yếu tố đan xen giữa hiện tại và tương lai đến mức không ai có thể biết cái tương lai ấy sẽ là thứ tương lai nào. Việc chúng ta có thể làm và phải làm, nếu chúng ta có thái độ nghiêm túc, là giải quyết các vấn đề ngay bây giờ chứ không trì hoãn chúng cho ngày mai. Sự vĩnh hằng không nằm ở tương lai; sự vĩnh hằng nằm ở ngay khoảnh khắc này. Các vấn đề của chúng ta nằm ở hiện tại và chỉ trong hiện tại chúng mới có thể được giải quyết.

Những ai có thái độ nghiêm túc đối với chuyện này phải ra sức tái tạo chính mình; nhưng việc tự tái tạo chỉ có thể xảy ra khi chúng ta đoạn tuyệt với những giá trị mà chúng ta đã tạo ra bằng những ham muốn tự phòng vệ và gây hấn trước đây. Nhận biết chính mình là khởi đầu của tự do, và chỉ khi nào chúng ta biết chính mình thì chúng ta mới có thể tạo dựng được sự trật tự và nền hòa bình.

Một số người có thể hỏi: “Chỉ một cá thể thì có thể làm gì để tác động đến diễn trình của lịch sử? Anh ta có thể làm được điều gì qua cách sống của mình?”. Chắc chắn anh ta có thể. Bạn và tôi rõ ràng là sẽ không ngăn chặn được những cuộc chiến tranh trực tiếp, hay tạo ra được sự thông hiểu tức thời giữa các quốc gia; nhưng ít ra chúng ta có thể tạo ra, trong thế giới các mối tương quan hàng ngày, sự thay đổi cơ bản, và sự thay đổi này sẽ có lối tác động riêng của nó.

Một người được khai minh có thể tác động đến nhiều nhóm người, nhưng chỉ khi nào anh ta không háo hức trông chờ kết quả. Nếu anh ta nghĩ đến lợi ích hay tác động thì anh ta không thể đạt đến sự chuyển hóa thực sự.

Các vấn đề của nhân loại không đơn giản, chúng rất phức tạp. Muốn hiểu được chúng đòi hỏi phải có sự nhẫn nại và thấu triệt; điều quan trọng nhất đó là chúng ta phải hiểu chúng và giải quyết chúng cho chính mình. Chúng không thể được hiểu bằng các công thức hay các khẩu hiệu, và cũng không thể được giải quyết bởi những nhà chuyên môn đang hoạt động trong lĩnh vực của họ, điều đó chỉ càng gia tăng thêm sự hỗn loạn và khốn cùng mà thôi. Nhiều vấn đề chỉ có thể được hiểu và được giải quyết khi ta ý thức về chính mình, nghĩa là khi ta hiểu toàn bộ cấu trúc tâm lý của mình; và không một nhà lãnh đạo tôn giáo hay chính trị nào có thể mang lại chìa khóa cho sự thông hiểu ấy.

Để hiểu chính mình, ta phải ý thức về mối tương quan giữa ta, không chỉ với người khác, mà còn với của cải, với những tư tưởng và với thế giới tự nhiên. Nếu ta muốn tạo nên cuộc cách mạng thực sự trong các mối tương quan của con người, cái vốn là nền tảng của mọi xã hội, cần phải có sự thay đổi căn cơ trong các giá trị và tầm nhìn của chính ta; nhưng ta lại lẩn tránh đối mặt với sự chuyển hóa thiết yếu và căn cơ trong chính ta, và cố gắng tạo ra những cuộc cách mạng chính trị trên thế giới, những thứ luôn dẫn tới cảnh tang thương, máu chảy đầu rơi.

Các mối tương quan dựa trên cảm xúc không bao giờ là phương tiện để giải thoát khỏi cái tôi; thế nhưng phần lớn các mối tương quan của chúng ta lại dựa trên cảm xúc, chúng là kết quả của ham muốn vị lợi, sự an nhàn, cảm giác an toàn tâm lý. Mặc dù có những lúc chúng có thể giúp ta tạm thời thoát khỏi cái tôi, nhưng mối tương quan như thế chỉ củng cố cho cái tôi thêm vững mạnh, và làm cho ta càng thêm khép kín. Mối quan hệ là một tấm gương soi, trong đó cái tôi và toàn bộ các hoạt động của nó có thể được nhìn thấy; và chỉ khi nào các phương cách tồn tại của cái tôi được hiểu trong những phản ứng của mối tương quan thì sự giải phóng mình một cách sáng tạo khỏi cái tôi mới có thể xảy ra.

Để thay đổi thế giới, trước hết chúng ta phải tái tạo lại bản thân. Không thứ gì có thể đạt được bằng bạo lực, bằng việc triệt hạ lẫn nhau. Có thể chúng ta tìm được sự giải thoát tạm thời bằng cách gia nhập vào những nhóm người nào đó, bằng cách nghiên cứu các biện pháp cải cách kinh tế – xã hội, bằng cách ban hành pháp chế, hay cầu nguyện; nhưng dù chúng ta có làm bất cứ điều gì chăng nữa, nếu thiếu sự nhận biết chính mình và tình yêu thương thì các vấn đề của chúng ta sẽ không ngừng mở rộng và gia tăng. Trong khi đó, nếu chúng ta đưa trí óc và con tim vào công việc hiểu biết chính mình, chúng ta chắc chắn sẽ giải quyết được nhiều xung đột và đau khổ.

Nền giáo dục hiện đại đang biến chúng ta thành các thực thể không có khả năng suy nghĩ; nó chẳng giúp ta phát hiện ra thiên hướng cá nhân của mình. Chúng ta phải vượt qua hàng tá kỳ thi và sau đó, với chút may mắn, chúng ta có được công ăn việc làm – kéo dài nó suốt phần đời còn lại. Có thể chúng ta không thích việc làm của mình, nhưng chúng ta buộc phải tiếp tục vì đâu còn phương tiện nào khác cho cuộc mưu sinh. Có thể chúng ta ấp ủ làm một việc gì đó hoàn toàn khác, nhưng sự cam kết và trách nhiệm níu giữ chúng ta lại, và chúng ta bị vây bủa trong nỗi lo âu và sợ hãi của chính mình. Bị vỡ mộng, chúng ta tìm cách trốn tránh qua tình dục, nhậu nhẹt, chính trị hay tôn giáo hão huyền.

Khi các tham vọng bị ngăn trở, chúng ta quan trọng hóa mọi chuyện và ngày càng lộ rõ sự méo mó về tâm lý. Nếu chúng ta không thông hiểu một cách toàn diện về cuộc sống và tình yêu, về những ham muốn chính trị, tôn giáo và xã hội, cùng với những đòi hỏi và cản trở từ chúng, chúng ta sẽ ngày càng gặp nhiều vấn đề hơn trong các mối quan hệ của mình, và các vấn đề này sẽ dẫn chúng ta tới chỗ khốn cùng và hoại diệt.

Ngu dốt là tình trạng thiếu hiểu biết về các phương cách tồn tại của cái tôi, và sự ngu dốt này không thể được xóa bỏ bằng các hoạt động và cải cách giả tạm bề ngoài; nó chỉ có thể được xóa bỏ bằng việc con người ta thường xuyên ý thức về những chuyển động và phản ứng của cái tôi trong tất cả các mối tương quan của nó.

Điều mà chúng ta phải nhận ra là chúng ta không bị quy định bởi môi trường, mà chúng ta chính là môi trường – chúng ta không phải là cái gì đó tách rời khỏi môi trường. Các tư tưởng và phản ứng của chúng ta bị quy định bởi các giá trị mà xã hội đã áp đặt lên chúng ta.

Chúng ta không nhận thấy rằng chúng ta chính là môi trường, bởi lẽ trong mỗi người tồn tại nhiều khía cạnh khác nhau, tất cả chúng đang phát triển xoay quanh cái “tôi”, hay bản ngã. Cái tôi được tạo thành từ nhiều khía cạnh, và các khía cạnh này chỉ là sự phóng chiếu của những ham muốn dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ tập hợp hỗn tạp các ham muốn ấy xuất hiện nhân vật trung tâm, người suy tưởng, ý chí của cái “tôi” và “của tôi”; và sự phân chia theo đó được xác lập giữa cái tôi và cái không-tôi, giữa cái “tôi” và môi trường hay xã hội. Sự phân chia này là khởi đầu của xung đột, cả bên trong lẫn bên ngoài.

Nhận thức về toàn bộ quá trình này, cả tầng ý thấu triệt biết được lẫn tầng ý thức ẩn tàng, chính là thiền định; qua thiền định, cái tôi, cùng với những ham muốn và xung đột của nó, được chuyển hóa. Nhận thức về bản thân là điều kiện thiết yếu nếu ta muốn thoát khỏi những ảnh hưởng và giá trị đã làm nơi trú ngụ cho cái tôi; và trạng thái tự do này sẽ làm hiển lộ sự sáng tạo, chân lý, Thượng đế hay bất cứ những gì bạn muốn.

Dư luận và truyền thống đúc khuôn các tư tưởng và tình cảm của chúng ta từ lúc ta mới lọt lòng. Những ảnh hưởng và ấn tượng tức khắc gây ra tác động mạnh mẽ và lâu dài, định hình toàn bộ diễn trình đời sống ý thức và vô thức của chúng ta. Sự tuân phục bắt đầu từ thời thơ ấu qua cách thức giáo dục và tác động của xã hội.

Ham muốn bắt chước là một nhân tố rất mạnh mẽ trong cuộc sống của chúng ta, không chỉ ở những cấp độ bề mặt mà còn ở những cấp độ bề sâu. Chúng ta khó lòng có được những tư tưởng và cảm nhận độc lập. Khi xảy ra, chúng chỉ là những phản ứng, và do đó không thoát ra khỏi khuôn mẫu đã được xác lập; vì trong hành vi phản ứng, không có bất cứ sự tự do nào.

Triết học và tôn giáo đề ra những phương pháp nhất định, nhờ đó người ta có thể đi đến chỗ nhận thức chân lý hay Thượng đế; thế nhưng chỉ tuân theo một phương pháp nhất định vẫn là chưa thấu triệt và không toàn diện, dù phương pháp ấy có lợi như thế nào trong đời sống xã hội hằng ngày của chúng ta. Động cơ thúc đẩy sự tuân phục đó là sự mong cầu an toàn, nó gây ra nỗi sợ hãi và làm cho các uy quyền chính trị và tôn giáo trở nên tối thượng, mang lại sự uy nghiêm cho những người cổ xúy tinh thần tuân phục và thống trị chúng ta một cách tinh vi hay thô thiển; nhưng không chịu tuân phục chỉ là một phản ứng chống lại uy quyền, chứ đấy chưa phải là cách giúp ta trở trành con người toàn diện. Phản ứng là chuỗi hành vi vô cùng tận, nó chỉ dẫn đến những phản ứng khác mà thôi.

Sự tuân phục, cùng những luồng chảy sợ hãi ngấm ngầm của nó, là một trở ngại; nhưng chỉ mỗi sự thừa nhận của trí tuệ về sự kiện này sẽ không giải quyết được trở ngại. Chỉ khi nào chúng ta ý thức về những trở ngại này thì chúng ta mới thoát khỏi chúng mà không tạo ra những trở ngại mới sâu kín hơn.

Khi nội tâm chúng ta bị phụ thuộc thì đấy là do truyền thống đã ăn quá sâu vào trong ta; và cái trí óc nghĩ suy theo lề lối truyền thống không thể nào phát hiện ra được cái gì là mới. Khi tuân phục, chúng ta trở thành những kẻ bắt chước xoàng xĩnh, những bánh xe trong một cỗ máy xã hội tàn nhẫn. Chính những gì chúng ta nghĩ mới là vấn đề, chứ không phải những gì người khác muốn chúng ta nghĩ. Khi tuân phục truyền thống, chúng ta sớm trở thành bản sao của những gì chúng ta nên là.

Việc bắt chước những gì chúng ta nghĩ mình nên là sản sinh ra nỗi sợ hãi, và sợ hãi giết chết tư duy sáng tạo. Sợ hãi làm cho trí óc và con tim mê muội đến mức chúng ta không còn đủ tỉnh táo để hiểu được toàn bộ ý nghĩa của cuộc sống; chúng ta trở nên vô cảm trước những nỗi đau của chính mình, với cánh chim bay lượn, với những nụ cười và những cảnh khốn cùng của người khác.

Nỗi sợ dù trong ý thức hay vô thức đều bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, và cần phải tỉnh táo xem chừng để loại bỏ chúng. Nỗi sợ hãi không thể bị xóa bỏ bằng kỷ luật, sự thăng hoa hay bằng bất cứ hành vi nào khác của ý chí: các nguyên nhân của nó phải được truy tìm và phải được thấu hiểu. Nhưng điều đó đòi hỏi ở ta lòng kiên nhẫn và sự thông tuệ, không có bất cứ đánh giá nào hết, dù là đánh giá thuộc loại nào.

Hiểu và xóa bỏ những nỗi sợ ý thức thì tương đối dễ; nhưng với những nỗi sợ vô thức, đối với nhiều người, chúng không được nhận thấy vì ta không để chúng bộc lộ ra bên ngoài, và đôi khi trong những dịp hiếm hoi chúng lại trồi ra, rồi chúng ta vội vàng dồn nén lại, trốn tránh chúng. Những nỗi sợ sâu kín thường bộc lộ sự hiện diện của chúng qua những giấc chiêm bao và các hình thức ám chỉ khác, chúng khiến cho tình hình thêm xấu đi và gây ra xung đột trầm trọng hơn so với những nỗi sợ ý thức.

Cuộc đời chúng ta không chỉ ở trên bề mặt, phần lớn chúng bị che giấu khỏi sự quan sát tình cờ. Nếu chúng ta muốn những nỗi sợ sâu kín nổi lên bề mặt và bị tiêu tan, thì ý thức nhận biết phải trở nên tĩnh lặng, không được chộn rộn theo thói quen của nó; khi những nỗi sợ này bộc lộ ra bên ngoài, chúng phải được quan sát nhưng không được can thiệp hay làm trở ngại, vì bất cứ hình thức kết án hay biện minh nào cũng chỉ làm cho những nỗi sợ ấy thêm mạnh mẽ mà thôi. Để thoát khỏi mọi sợ hãi, chúng ta phải ý thức về những ảnh hưởng ngấm ngầm của nó, và chỉ có sự cảnh giác liên tục thì chúng ta mới phơi bày ra được nhiều nguyên nhân.

Một trong những hệ quả của sợ hãi là chúng ta chấp nhận uy quyền trong các vấn đề của con người. Uy quyền được tạo ra là do chúng ta muốn mình là một kẻ có lý, muốn mình được an toàn, muốn có cảm giác an tâm, muốn mình không dính tới bất cứ xung đột ý thức hay xáo trộn nào; nhưng không có cái gì sinh ra từ nỗi sợ lại có thể giúp ta hiểu được các vấn đề của mình, cho dù nỗi sợ hãi ấy có thể mang hình thức là sự tôn kính hay tuân phục kẻ được coi là nhà hiền triết. Bậc hiền triết đích thực không dùng đến uy quyền, và những ai sử dụng uy quyền thì không phải là hiền triết. Nỗi sợ, dưới bất cứ hình thức nào, đều ngăn cản chúng ta hiểu về chính mình và về mối tương quan giữa ta với vạn vật.

Tuân theo uy quyền là phủ nhận trí tuệ. Chấp nhận uy quyền là tuân phục sự thống trị, là khuất phục trước một cá thể, một nhóm người trong xã hội hay trước một ý thức hệ; và khuất phục trước uy quyền là sự phủ nhận, không những trí tuệ mà còn cả sự tự do của cá nhân. Làm đúng theo một tín điều hay một hệ tư tưởng là một phản ứng có tính phòng vệ. Việc chấp nhận uy quyền có thể tạm thời giúp che được những khó khăn và vấn đề của chúng ta; nhưng tránh né một vấn đề chỉ làm cho vấn đề ấy được củng cố thêm mà thôi, và trong quá trình ấy, việc nhận thức về chính mình và về sự tự do bị phớt lờ.

Làm sao có thể có được sự thỏa hiệp giữa tự do và chấp nhận uy quyền? Nếu có sự thỏa hiệp, thì những ai nói họ đang tìm kiếm sự nhận thức về chính mình và về tự do đều không nghiêm túc trong nỗ lực của họ. Chúng ta nghĩ rằng tự do là mục đích tối hậu, và rằng để trở nên tự do, chúng ta trước hết phải cúi mình trước những hình thức đàn áp và đe dọa khác nhau. Chúng ta hy vọng đạt được sự tự do qua việc tuân phục; nhưng lẽ nào phương tiện lại quan trọng không kém gì mục đích?

Muốn có hòa bình, người ta phải dùng đến nhiều phương tiện hòa bình, vì nếu dùng các phương tiện bạo lực, thì kết quả của nó sao có thể là hòa bình được? Nếu mục đích là sự tự do, thì khởi đầu phải là tự do, vì kết thúc và khởi đầu là một. Hiểu biết về chính mình và trí tuệ chỉ có thể có được khi ngay từ đầu đã có sự tự do; và tự do bị phủ định bởi việc chấp nhận uy quyền.

Chúng ta sùng bái uy quyền dưới nhiều hình thức khác nhau: kiến thức, thành công, quyền lực, v.v. Chúng ta áp đặt uy quyền lên người trẻ, đồng thời chúng ta lại sợ thứ uy quyền cao hơn. Khi ta không có một cái nhìn nội tâm, thì quyền lực và chức vụ bên ngoài được cho là hết sức quan trọng, thế là cá nhân càng ngày càng tuân phục theo uy quyền và sự cưỡng chế, anh ta trở thành công cụ cho người khác. Chúng ta có thể thấy quá trình này diễn ra xung quanh: trong những lúc khủng hoảng, các quốc gia dân chủ hành động giống như các quốc gia toàn trị khi quên mất nền dân chủ của họ và ép buộc con người phải phục tùng.

Nếu chúng ta có thể hiểu được sự cưỡng ép ẩn đằng sau ham muốn thống trị hay bị thống trị của mình, thì có lẽ chúng ta có thể thoát khỏi những tác động tai hại của uy quyền. Chúng ta hết lòng khao khát có được sự đảm bảo, có được lẽ phải, có được sự thành công, có được sự hiểu biết; và nỗi ham muốn có được sự an toàn và bền vững này dựng lên trong chính ta sự uy quyền của kinh nghiệm cá nhân, trong khi đó ở bên ngoài nó tạo ra uy quyền của xã hội, của gia đình, của tôn giáo, v.v. Nhưng chỉ đơn thuần phớt lờ uy quyền, rũ bỏ các biểu tượng bên ngoài thì chẳng có mấy ý nghĩa.

Đoạn tuyệt với một truyền thống này và tuân phục một truyền thống khác, rời bỏ người lãnh đạo này để bám theo người lãnh đạo khác, cũng chỉ là một động thái hời hợt. Nếu muốn ý thức về toàn bộ diễn trình của uy quyền, nếu muốn nhìn thấy trạng thái thực chất của nó, nếu muốn thấu hiểu và vượt khỏi nỗi ham muốn có được sự chắc chắn, thì chúng ta phải có sự nhận biết và thấu triệt mang tính tổng thể, chúng ta phải có sự tự do ngay từ điểm khởi đầu chứ không phải điểm kết thúc.

Khao khát có được sự chắc chắn, sự an toàn là một trong các hoạt động chủ đạo của cái tôi, hay bản ngã; và chính động lực thôi thúc đầy tính cưỡng ép này là cái ta phải thường xuyên quan sát theo dõi, và không nên lèo lái nó theo một hướng khác hay đưa nó vào khuôn mẫu nào đó mà ta muốn. Bản ngã, tức cái “tôi” và cái “của tôi”, rất mạnh mẽ; dù đang yên ngủ hay đang thức, nó bao giờ cũng cảnh giác, không ngừng củng cố chính nó. Nhưng khi chúng ta ý thức về bản ngã và nhận ra rằng tất cả mọi hoạt động của nó, dù tinh vi đến mức nào, tất yếu dẫn đến xung đột và đau khổ, thì nỗi khao khát sự chắc chắn ấy, ý muốn kéo dài ấy sẽ đi đến chỗ kết thúc. Ta phải liên tục chú ý đến cái tôi khi nó bộc lộ ra những phương cách tồn tại và những mánh khóe của nó; nhưng khi chúng ta bắt đầu hiểu chúng, và hiểu những ẩn ức của uy quyền và tất cả những gì liên quan đến việc ta chấp nhận hay phủ nhận nó, thì chúng ta đã tự mình vượt ra khỏi uy quyền rồi.

Chừng nào tâm trí còn cho phép nó bị thống trị và bị kiểm soát bởi ham muốn an toàn, thì ta vẫn chưa thể thoát khỏi cái tôi và các vấn đề của nó; đó là lý do tại sao ta không thể tự giải phóng mình ra khỏi cái tôi bằng các giáo điều hay các đức tin. Giáo điều và đức tin chỉ là sự phóng chiếu từ trí óc. Các nghi lễ, các hình thức thiền định phổ biến, những câu chú niệm (mantra), cho dù chúng có thể thỏa mãn điều gì đó nhưng không giải thoát tâm trí khỏi cái tôi và các hoạt động của nó; vì cái tôi về cơ bản là kết quả của cảm xúc.

Trong những lúc đau khổ, chúng ta hướng đến Thượng đế; nhưng vị Thượng đế ấy chẳng qua chỉ là một hình ảnh do tâm trí tạo tác ra; hoặc là chúng ta tìm cầu những lối giải thích khiến ta thỏa mãn, và điều này mang lại sự an tâm nhất thời. Các tôn giáo ra đời từ những hy vọng và nỗi sợ hãi của con người, bởi sự mong muốn cảm giác an toàn và vững dạ trong nội tâm; và song hành cùng với sự sùng bái uy quyền, dù đó là uy quyền của Đấng cứu thế, của người thầy hay của giáo sĩ, là sự khuất phục, sự chấp nhận và bắt chước. Cho nên chúng ta bị bóc lột khi người ta nhân danh Thượng đế, cũng như chúng ta bị bóc lột khi người ta nhân danh đảng phái hay ý thức hệ – và chúng ta cứ thế tiếp tục chịu đựng.

Chúng ta đều là con người, dẫu chúng ta có gọi mình bằng bất kỳ cái tên nào, thì đau khổ chính là số mệnh của chúng ta. Đau khổ là tình trạng chung của tất cả chúng ta, bất kể người duy tâm hay duy vật. Chủ nghĩa duy tâm là sự trốn tránh cái đang tồn tại, còn chủ nghĩa duy vật là phương cách khác để phủ nhận những chiều sâu khó dò xét của hiện tại. Cả người duy tâm lẫn người duy vật đều có cách riêng để tránh né những vấn đề phức tạp liên quan đến đau khổ; cả hai đều bị bào mòn bởi các ham muốn, tham vọng và xung đột, và phương cách sống của họ đều không dẫn tới sự yên bình. Cả hai đều phải chịu trách nhiệm cho tình trạng nhiễu nhương và khốn cùng của thế giới.

Lúc này, chúng ta đang ở trong trạng thái xung đột, đau khổ, không có sự thấu hiểu. Trong trạng thái đó, dù tư tưởng và hành động của chúng ta có ma mãnh và cẩn trọng đến mức nào, nó chỉ có thể dẫn đến sự hỗn loạn và khổ sở thêm mà thôi. Để hiểu rõ sự xung đột và tự do khỏi nó, chúng ta cần phải nhận biết những phương cách tồn tại của tầng ý thức và vô thức của tâm trí.

Không một chủ nghĩa lý tưởng nào, không một hệ thống hay khuôn mẫu nào có thể giúp ta phát hiện ra những hoạt động sâu kín của trí óc; trái lại, bất cứ công thức hay kết luận nào cũng sẽ gây trở ngại cho việc tìm kiếm ấy. Việc theo đuổi cái nên là, sự trung thành với các nguyên tắc, với các lý tưởng, việc xác lập một mục tiêu – tất cả đều dẫn tới nhiều ảo tưởng. Nếu muốn hiểu chính mình, ta cần phải ở trong trạng thái an nhiên tự tại, tự do quan sát, và tính an nhiên tự tại này không thể có được khi tâm trí bị vây bủa bởi các giá trị hời hợt, thuộc duy vật hay duy tâm.

Một khi đã hiện hữu trên cõi đời này, chúng ta luôn ở trong mối quan hệ, mối tương giao, dù là với con người, với sự vật hay môi trường; và cho dù chúng ta có thuộc về một tôn giáo hay không, cho dù chúng ta sống một cách trần tục hay bị cột chặt vào những lý tưởng, thì nỗi đau khổ của chúng ta chỉ có thể được giải quyết qua việc hiểu về chính mình trên bình diện các mối tương quan. Chỉ bằng cách nhận biết chính mình mới mang lại cho con người sự bình yên và hạnh phúc, bởi lẽ nhận biết chính mình là bước khởi đầu của trí tuệ và sự phát triển toàn diện. Trí tuệ không phải là sự điều chỉnh đơn giản; nó không phải là kết quả của việc đào luyện của trí óc, hay sở đắc kiến thức. Trí tuệ là năng lực hiểu các phương cách tồn tại của cuộc sống, là nhận biết được các giá trị đúng đắn.

Trong quá trình phát triển trí năng, nền giáo dục hiện đại đưa ra ngày càng nhiều các lý thuyết và dữ kiện, nhưng lại không mang đến sự thông hiểu về toàn bộ diễn trình của cuộc sống con người. Chúng ta là những kẻ có trí năng ở mức cao; chúng ta đã phát triển những đầu óc ranh mãnh, và bị cột chặt vào lối giải thích. Trí năng thỏa mãn với các lý thuyết và lối giải thích, còn trí tuệ thì không; để hiểu được toàn bộ diễn trình của sự hiện hữu, cần phải có sự hợp nhất giữa trí óc và con tim trong hành động. Trí tuệ không tồn tại tách rời với tình thương yêu.

Đối với hầu hết mọi người, hoàn thành cuộc cách mạng bên trong này là cực kỳ gian nan. Chúng ta biết cách thiền, biết chơi đàn như thế nào, biết viết văn như thế nào, nhưng chúng ta lại không có sự hiểu biết về người thiền định, người chơi đàn, người viết văn. Chúng ta không phải là những con người sáng tạo, vì chúng ta đã nhét đầy con tim và trí óc mình những kiến thức, thông tin và thói kiêu căng ngạo mạn. Chúng ta chất đầy trí óc mình những suy nghĩ hoặc diễn giải của người khác. Nhưng trải nghiệm là cái có trước, chứ không phải phương cách trải nghiệm. Tình yêu thương phải là cái có trước, sau đó mới đến những biểu hiện của tình yêu thương.

Thế thì, rõ ràng là chỉ qua đào luyện trí năng, tức là phát triển năng lực hay sở đắc kiến thức, không dẫn đến trí tuệ. Có sự khác biệt giữa trí năng và trí tuệ. Trí năng là tư duy đang hoạt động một cách độc lập với xúc cảm, trong khi đó trí tuệ là năng lực cảm nhận cũng như lập luận; và nếu chúng ta không tiếp cận cuộc sống bằng trí tuệ, thay vì chỉ bằng mỗi trí năng, thì không một hệ thống chính trị hay giáo dục nào trên thế giới có thể cứu chúng ta ra khỏi cạm bẫy của sự hỗn loạn và tàn phá.

Có kiến thức không thể sánh bằng trí tuệ, có kiến thức chưa phải là trở nên khôn ngoan. Khôn ngoan không phải là cái có thể mua bán được, nó không phải là một thứ hàng hóa có thể được mua với cái giá của việc học hành hay kỷ luật. Sự khôn ngoan không thể được tìm thấy trong sách vở; nó không thể được tích lũy, được nhớ hay được lưu trữ. Sự khôn ngoan song hành với việc từ bỏ cái tôi. Có đầu óc cởi mở quan trọng hơn học hành; và chúng ta có thể có đầu óc cởi mở, không phải bằng cách nhét đầy thông tin, mà bằng cách ý thức về những tư tưởng và tình cảm của chính mình, bằng cách quan sát bản thân và những ảnh hưởng đến mình một cách cẩn trọng, bằng cách lắng nghe người khác, bằng cách quan sát người giàu và người nghèo, kẻ quyền thế và người hèn mọn. Khôn ngoan không đến từ nỗi sợ hãi và sự áp bức, mà đến từ sự quan sát và thông hiểu các sự việc hàng ngày trong mối tương quan của con người.

Trong sự tìm kiếm tri thức, trong những ham muốn vị lợi của chúng ta, chúng ta đang đánh mất tình yêu thương, chúng ta đang chai sạn cảm xúc trước cái đẹp, dửng dưng trước hành vi tàn ác; chúng ta càng ngày càng trở nên chuyên môn hóa hơn và ngày càng thiếu sự hợp nhất. Sự khôn ngoan không thể được thay thế bằng việc sở đắc kiến thức; và không một sự giải thích nào, không một sự tích lũy dữ kiện nào, có thể giải phóng con người khỏi sự đau khổ. Có kiến thức là cần thiết, khoa học có vị trí của nó; nhưng nếu trí óc và con tim bị chết ngạt bởi kiến thức, và nếu nguyên nhân của sự đau khổ bị che mờ bằng lời giải thích, thì cuộc sống trở nên hão huyền và vô nghĩa. Và đây chẳng phải là điều đang xảy ra đối với hầu hết chúng ta hay sao? Nền giáo dục đang khiến chúng ta ngày càng trở nên hời hợt hơn; nó không giúp chúng ta vén mở những tầng sâu hơn về sự tồn tại của chúng ta, và cuộc sống của chúng ta ngày càng trở nên thiếu hài hòa và trống rỗng.

Thông tin hay sự nhận biết các dữ kiện là có giới hạn. Sự khôn ngoan thì vô hạn, nó bao gồm cả kiến thức và phương cách sống; nhưng chúng ta chỉ bám giữ lấy một nhánh và nghĩ nhánh ấy là toàn bộ cái cây. Có kiến thức về cái bộ phận không bao giờ cho phép ta tận hưởng được thú vui của cái toàn thể. Trí năng không bao giờ dẫn đến cái toàn thể, vì nó chỉ là một phân mảnh, một bộ phận.

Chúng ta đã tách trí năng ra khỏi tình cảm, và đã phát triển trí năng bằng cách hy sinh tình cảm. Chúng ta giống như một đồ vật có ba chân, trong đó một chân dài hơn hẳn hai chân còn lại, và chúng ta không có sự cân bằng. Chúng ta được huấn luyện để thành người có trí năng, nền giáo dục đào luyện cái trí năng ấy trở nên sắc bén, ranh mãnh, hám lợi, và vì thế nó giữ vai trò quan trọng nhất trong cuộc sống của chúng ta. Trí tuệ quan trọng hơn trí năng nhiều, vì nó là sự hợp nhất giữa lý trí và tình thương; nhưng trí tuệ chỉ có thể thụ đắc khi chúng ta nhận biết được chính mình, thấu hiểu được toàn bộ diễn trình cuộc sống của mình.

Điều thiết yếu đối với con người, dù già hay trẻ, là sống một cuộc sống trọn vẹn và toàn diện, đó là lý do tại sao vấn đề chính của chúng ta là vun bồi cái trí tuệ mang lại sự hợp nhất ấy. Nhấn mạnh quá mức bất cứ bộ phận nào, trong toàn bộ cấu trúc, đều làm thiên lệch và theo đó làm xuyên tạc cái nhìn về đời sống, chính sự xuyên tạc này là cái gây ra hầu hết những nỗi khó khăn của chúng ta. Bất cứ sự phát triển có tính thiên lệch nào của khí chất chắc chắn sẽ gây tai hại cho cả chúng ta lẫn cho xã hội, và do đó việc chúng ta tiếp cận các vấn đề của con người từ góc nhìn toàn diện là điều tối quan trọng.

Một con người toàn diện là phải hiểu toàn bộ diễn trình ý thức của mình, cả ở phương diện được bộc lộ lẫn ở phương diện bị ẩn tàng. Đây là điều không thể xảy ra nếu chúng ta nhấn mạnh quá mức tới trí năng. Chúng ta hết sức coi trọng việc đào luyện trí óc, nhưng trong nội tâm chúng ta lại thiếu thốn, nghèo nàn và hỗn loạn. Lối sống dựa hết vào trí năng là con đường dẫn đến sự phân ly; vì các tư tưởng, cũng giống như lòng tin, không thể nào làm cho con người đến với nhau ngoại trừ dẫn họ vào các nhóm xung đột.

Chừng nào chúng ta còn dựa vào trí năng như là phương tiện để hợp nhất, thì chừng đó chắc chắn chúng ta còn phân ly; và hiểu được hành động phân ly của trí năng là ý thức được những phương cách tồn tại của cái tôi, tức những phương cách ham muốn của chính chúng ta. Chúng ta phải ý thức về tình trạng bị quy định của chúng ta và những giải pháp cho tình trạng ấy, cả ở bình diện tập thể lẫn ở bình diện cá nhân. Chỉ khi nào ta ý thức đầy đủ về các hoạt động của cái tôi cùng với những ham muốn và mong cầu đầy mâu thuẫn của nó, những hy vọng và sợ hãi của nó, thì ta mới có thể vượt qua được cái tôi.

Chỉ có tình yêu thương và tư duy đúng đắn mới làm nên cuộc cách mạng thực sự, cuộc cách mạng bên trong chính mình. Nhưng làm thế nào chúng ta có được tình yêu thương? Không phải bằng sự theo đuổi một tình yêu lý tưởng, mà chỉ khi nào không còn thù hận, không còn tham lam, không còn cảm thức về cái tôi, tức về cái là nguyên nhân của mọi sự đối kháng. Người nào mưu cầu trục lợi, chạy theo thói tham lam, ganh tị, kẻ ấy không bao giờ có tình yêu thương.

Nếu không có tình yêu thương và tư duy đúng đắn, thì tình trạng đàn áp và sự bạo tàn sẽ gia tăng mãi mãi. Vấn đề đối kháng giữa người với người có thể được giải quyết, không phải bằng cách theo đuổi lý tưởng hòa bình, mà bằng cách hiểu được những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh đang nằm trong thái độ của chúng ta đối với cuộc sống, đối với đồng loại; và sự thông hiểu này chỉ có thể có được nhờ loại giáo dục đúng đắn. Nếu không có sự thay đổi trong trái tim, không có thiện ý, không có sự chuyển hóa nội tâm vốn được sản sinh từ việc nhận biết chính mình, thì sẽ không thể có hòa bình, không thể có hạnh phúc cho con người.

❁ ❁ ❁
Tác giả: Jiddu Krishnamurti
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ người dịch và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x