Trang chủ » Lý tưởng của Karma-yoga

Lý tưởng của Karma-yoga

by Trung Kiên Lê
105 views

 Lời giới thiệu của người dịch

Đại sư Vivekananda

 JNĀNA-YOGA

Sự cần thiết của tôn giáo

Thực tính của con người

Mãyã

Mãyã và sự tiến hóa trong quan niệm về thượng đế

Mãyã và tự do

Cái tuyệt đối về sự biểu hiện

Thượng đế trong vạn hữu

Thực chứng

Tính thống nhất trong đa thù

Sự tự do của linh hồn

Vũ trụ thế giới vĩ mô

Thế giới vi mô

Sự bất tử

Chân ngã (Atman)

Atman: ràng buộc và giải thoát

Con người thực và con người biểu kiến

Vedanta thực tiễn I

Vedanta thực tiễn II

Vedanta thực tiễn III

Vedanta thực tiễn IV

Con đường thực chứng tôn giáo phổ quát

Lý tưởng của tôn giáo phổ quát

BHAKTI-YOGA

Lời cầu nguyện

Định nghĩa Bhakti

Triết học về thần Isvara

Thực chứng tâm linh: Mục tiêu của Bhakti-yoga

Cần có một bậc đạo sư (Guru)

Phẩm chất của người nhiệt tâm cầu đạo và vị đạo

Các hóa thân

Âm om (Aum) huyền mật

Sùng bái vật thay thế hay ngẫu tượng

Pháp môn tu học

Tu tập pháp môn Bhakti như thế nào

Bước đầu buông xả

Sự buông xả của hành giả Bhakti phát sinh từ yêu thương

Bản chất tự nhiên của Bhkti-yoga và bí quyết cốt yếu

Những hình thức biểu hiện của tình yêu

Lòng bác ái

Tính nhất như giữa tri thức tâm truyền và tình yêu tối thượng

Tam giác tình yêu

Thượng đế của tình thương là bằng chứng của chính

Cách biểu hiện tình yêu của con người dành cho thượng đế

Kết luận

KARMA-YOGA

Karma và ảnh hưởng của nó trên tính cách

Ai cũng vĩ đại trong chính chức vị của mình

Bí quyết làm việc

Bổn phận là gì?

Chúng ta tự giúp mình, không phải giúp thế gian

Vô chấp là vô ngã hoàn toàn

Tự do

Lý tưởng của Karma-yoga

RAJA-YOGA

Lời tựa của tác giả

Lời giới thiệu

Những giai đoạn đầu tiên

Prāna

Prāna tâm linh

Điều khiển Prana tâm linh

Pratyahara và Dharana

Dhyāna và Samādhi

Tóm lược về Rāja-yoga

Giới thiệu cách ngôn yoga của Pantajaly

Chương I: Chú tâm - tác dụng tâm linh

Chương II: Chú tâm - Thực hành

Những quyền năng

Tự tại

Phụ lục: Tham chiếu đến yoga

Thuật ngữ

Ghi chú thêm của người dịch

Ý tưởng vĩ đại nhất trong tôn giáo Vedānta là chúng ta có thể đạt đến cùng một cứu cánh bằng nhiều con đường khác nhau, và tôi chia những con đường này thành bốn loại: công việc, tình yêu, tâm lý và tri thức.

Nhưng đồng thời các bạn cũng cần phải nhớ rằng cách phân chia này không dứt khoát và không hoàn toàn loại trừ lẫn nhau. Loại này trộn lẫn trong loại kia.

Trên thực tế, các bạn thấy rằng đâu phải có những người không có khả năng gì ngoài làm việc, hoặc những người chỉ biết thành tâm sùng bái, hoặc những người chỉ thuần túy nắm được tri thức. Các phân chia này được thực hiện theo các kiểu hoặc xu hướng chiếm ưu thế nơi một người.

Chúng ta đã thấy rằng cả bốn con đường này cuối cùng sẽ đồng quy và hợp nhất. Mọi tôn giáo và mọi pháp môn tu tập đều đưa đến một mục tiêu duy nhất. Tôi đã cố gắng chỉ ra mục tiêu này rồi.

Đó là giải thoát, là tự do theo như tôi hiểu. Mọi thứ ta nhận thức được quanh ta đều đang đấu tranh để đi đến tự do, từ nguyên tử cho đến con người, từ những hạt vật chất vô tri không có sự sống cho đến dạng tồn tại tối cao trên trái đất là linh hồn con người.

Trên thực tế, toàn thể vũ trụ là kết quả của sự đấu tranh vì tự do này. Trong mọi dạng tổ hợp, mỗi hạt đều cố gắng di chuyển cho quỹ đạo của nó, cố gắng bay ra khỏi những hạt khác, nhưng những hạt khác cố giữ lại. Trái đất chúng ta đang cố gắng bay ra khỏi mặt trời, còn mặt trăng thì cố gắng bay ra khỏi trái đất.

Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trong vũ trụ đều có nền tảng là sự đấu tranh duy nhất hướng đến tự do này. Do sự thôi thúc của xu hướng này mà nhà hiền triết thì cầu nguyện, còn bọn cường đạo thì cướp bóc.

Khi phương hướng hành động mà ta chọn tỏ ra không phù hợp thì ta gọi đó là xấu, còn khi nó tỏ ra phù hợp và cao quý thì ta gọi đó là tốt Nhưng động lực thúc đẩy là giống nhau, đó là sự đấu tranh hướng đến tự do.

Nhà hiền triết bị thôi thúc bởi tri thức của ông ta về sự trói buộc, và ông ta muốn dứt bỏ nó, vì thế ông sùng bái Thượng Đế. Tên cường đạo thì bị thôi thúc bởi ý tưởng rằng y không sở hữu được một thứ gì đó, y muốn thoát khỏi sự thiếu hụt đó để đạt đến tự do, vì thế mà y đi trộm cắp.

Tự do là mục tiêu của muôn vật trong thiên nhiên, dù hữu tình hay vô tri. Và dù vô tâm hay hữu ý thì muôn vật đều đấu tranh hướng đến mục tiêu đó.

Tự do mà nhà hiền triết đi tìm khác xa với tự do của tên cường đạo, tự do mà nhà hiền triết thương yêu dẫn ông ta đến trạng thái hỷ lạc trong cõi vô biên, một niềm lạc phúc không nói nên lời, trong khi tự do mà tên cường đạo đã đặt cả tâm hồn vào đấy chỉ rèn đúc nên những xích xiềng trói buộc linh hồn y.

Trong mọi tôn giáo, phải tìm cho ra sự biểu hiện của cuộc đấu tranh hướng đến tự do. Nó là nền tảng của mọi nền đạo đức, của lòng vị tha, có nghĩa là thoát khỏi ý nghĩ cho rằng con người cũng chỉ như cái thể xác nhỏ bé của mình.

Khi ta thấy một người làm việc thiện, giúp đỡ người khác, điều đó có nghĩa là anh ta không thể bị đóng khung trong cái vòng tròn chật hẹp của “Tôi và của Tôi”. Không có một giới hạn nào cho việc thoát khỏi lòng vị kỷ. Mọi hệ thống đức lý vĩ đại đều thuyết giảng lòng vị tha tuyệt đối là mục tiêu.

Giả sử có người có thể đạt đến lòng vị tha tuyệt đối thì người đó sẽ ra sao? Anh ta sẽ không còn là ông X. hay bà Y. nữa, mà đạt đến sự khoáng trương vô tận.

Cá tính nhỏ bé của anh ta trước kia giờ đây đã biến mất vĩnh viễn, anh ta đã trở nên vô biên vô tận. Và đạt đến trạng thái khoáng trương vô tận đó là mục tiêu thực sự của mọi tôn giáo và mọi giáo huấn về triết học và đạo đức.

Người theo thuyết cá tính, khi nghe ý tưởng này được biểu hiện về mặt triết học, sẽ cảm thấy kinh hãi. Đồng thời, nếu thuyết giảng về đạo đức thì rốt cuộc bân thân anh ta cũng sẽ giảng dạy chính tư tưởng đó. Anh ta không đặt ra một giới hạn nào cho lòng vị tha của con người.

Giả sử người nào đó trở nên hoàn toàn vị tha qua thuyết cá tính thì làm cách nào chúng ta có thể phân biệt được anh ta với những con người hoàn hảo trong những học thuyết khác?

Anh ta đã hợp nhất với vũ trụ, và được hợp nhất với vũ trụ là mục tiêu của tất cả, chỉ những người theo thuyết cá tính đáng thương mới không đủ can đảm theo đuổi lý luận của mình để đi đến kết luận đúng đắn. Karma-yoga là pháp môn dùng việc làm vị tha để đạt đến sự tự do đó – mục tiêu của mọi bản tính con người.

Mọi hành động vị kỷ, do đó, làm chậm trễ quá trình đạt đến mục tiêu đó, còn mọi hành động vị tha lại kéo ta hướng đến nó; do đó ta chỉ có thể đưa ra định nghĩa duy nhất về đạo đức như vầy: Cái gì mang tính vị kỷ đều vô đạo đức, còn những gì mang tính vị tha đều đạo đức.

Nhưng nếu xét đến tận chi tiết thì vấn đề lại không hoàn toàn đơn giản như vậy. Chẳng hạn, hoàn cảnh thường làm thay đổi các chi tiết, như tôi đã nhắc đến. Cũng một hành động đó, trong bối cảnh này có thể mang tính vị tha, nhưng trong bối cảnh khác lại hoàn toàn mang tính tính vị kỷ.

Bởi vậy, chúng ta chỉ có thể đưa ra một định nghĩa chung, và để các chi tiết được hình thành tùy theo sự khác biệt của thời gian, không gian, và hoàn cảnh cụ thể. Ở quốc gia này, hành vi này được xem là đạo đức, nhưng cũng chính hành vi đó, ở quốc gia khác lại bị xem là vô đạo đức do hoàn cảnh khác nhau.

Mục tiêu của toàn bộ thiên nhiên là tự do, và tự do chỉ có thể đạt được bằng lòng vị tha hoàn toàn; mọi ý nghĩ, lời nói, hay hành vi mang tính vị tha đều hướng chúng ta đến với mục tiêu, và như thế được gọi là đạo đức. Các bạn sẽ thấy rằng định nghĩa đó vẫn luôn có giá trị trong mọi tôn giáo và mọi nền đạo lý.

Trong một vài hệ thống tư tưởng, đạo đức được rút ra từ một đấng Tối Cao, tức Thượng Đế. Nếu các bạn hỏi tín đồ của những tông phái đó vì sao con người phải làm điều này mà không được làm điều kia, câu trả lời của họ sẽ là: “Bởi vì đó là mệnh lệnh của Thượng Đế”.

Nhưng cho dù nguồn gốc có được rút ra từ đâu chăng nữa thì các chuẩn mực đạo lý đó cũng đều có chung một tư tưởng trọng tâm, đó là không nghĩ tới bản thân mình mà hãy giải trừ bản ngã. Tuy nhiên, có những người dù thực hành ý tưởng đạo lý cao thượng này, nhưng lại kinh hãi trước ý tưởng phải từ bỏ cá tính nhỏ bé của mình.

Chúng ta có thể yêu cầu những người bám chặt vào cái ý tưởng cá tính nhỏ bé xem xét trường hợp người đã hoàn toàn vị tha, không còn nghĩ gì về bản thân mình, người hoàn toàn không làm gì cho mình, không nói gì về mình, để hỏi thử “cái tôi, cái tự thân” của người đó nằm ở đâu.

Người đó chỉ biết đến cái “tự thân” đó khi anh ta suy nghĩ, hành động hay nói về nó. Nếu anh ta chỉ ý thức về kẻ khác, chỉ ý thức về vũ trụ thì “cái tự thân” đó nằm ở nơi đâu? Nó biến mất vĩnh viễn.

Pháp môn karma-yoga, do đó, là một hệ thống giới luật nhằm đạt đến tự do, thông qua tinh thần vị tha và những việc làm tốt. Hành giả karma-yogi không cần phải tin vào bất kỳ giáo lý nào. Anh ta có thể không tin vào Thượng Đế, có thể không cần hỏi linh hồn là gì, không cần suy tư về những tư biện siêu hình học.

Mục đích đặc biệt của người đó là giải trừ bản ngã, và anh ta phải tự mình vạch lấy đường đi.

Mỗi phút giây trong đời người đó đều phải là sự thực chứng, vì anh ta phải giải quyết vấn đề chỉ bằng công việc, không dựa vào sự giúp đỡ của một giáo lý hay học thuyết nào, đó chính là vấn đề mà tín đồ đạo Jain dùng lý trí và linh cảm để giải quyết, còn các bhakta thì dùng tình yêu.

Bây giờ đến câu hỏi tiếp theo: Công việc này là gì? Làm việc thiện cho thế gian nghĩa là gì? Chúng ta có thể làm việc thiện cho thế gian không? Theo nghĩa tuyệt đối thì không, theo nghĩa tương đối thì có. Không một việc thiện nào làm cho thế gian lại có thể trường tồn vĩnh viễn.

Chúng ta có thể làm thỏa mãn cơn đói cho một người trong vòng năm phút, rồi anh ta sẽ đói trở lại. Mọi niềm vui ta đem lại người khác chỉ có tính cách tạm thời. Không ai có thể chữa dứt điểm cơn sốt tuần hoàn không dứt giữa lạc thú và khổ đau.

Có hạnh phúc vĩnh viễn nào có thể đem trao được cho thế giới hay không? Trong đại dương, ta không thể làm dậy một ngọn sóng mà lại không gây nên một lỗ hõm ở đâu đó.

Tổng số những điều tốt trong thế giới luôn luôn như nhau xuyên suốt trong mối quan hệ giữa nhu cầu và tham dục của con người. Nó không thể tăng hoặc giảm.

Hãy nhìn lịch sử nhân loại, như ta được biết hiện nay. Chúng ta há không thấy cũng những khốn khổ đó, cũng những hạnh phúc đó, cũng những lạc thú và đau khổ đó, cũng những sự khác biệt về địa vị đó hay sao?

Há không phải là có kẻ giàu người nghèo, kẻ cao người thấp, kẻ mạnh người yếu đó hay sao? Tất cả đều như vậy với người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã thời cổ, cũng như với người Mỹ ngày nay.

Trong chừng mực lịch sử mà chúng ta được biết, điều đó vẫn cứ luôn luôn như vậy. Tuy nhiên đồng thời chúng ta cũng thấy rằng: đi đôi với tất cả những sự khác biệt không thể chữa giữa lạc thú và đau khổ, lúc nào cũng có sự đấu tranh nhằm làm dịu chúng đi.

Mọi giai đoạn lịch sử đều sản sinh ra hàng ngàn nam nữ làm việc vất vả, để giúp cho con đường đời của bao người khác được thuận lợi trơn tru. Và cho đến nay họ có thành công hay không? Chúng ta chỉ có thể chơi đùa, đá trái bóng từ nơi này đến nơi khác.

Chúng ta giải quyết được cơn đau trên bình diện thể xác thì nó lại chạy lên bình diện tinh thần. Nó giống như bức tranh trong địa ngục của Dante, trong đó những kẻ khốn khổ phải đẩy một khối vàng lên đồi. Mỗi khi họ đẩy lên được một chút thì nó lại lăn xuống.

Tất cả những cuộc thảo luận của chúng ta về thời hoàng kim đẹp đều giống như những câu chuyện của học sinh, nhưng chúng cũng chẳng khá hơn gì.

Tất cả những quốc gia nào mơ tưởng đến một thời hoàng kim cũng đều nghĩ rằng trong tất cả những dân tộc trên thế giới này, riêng họ sẽ có được một kỷ nguyên đẹp đẽ nhất.

Đó là quan niệm vị tha tuyệt diệu về thời hoàng kim! Chúng ta không thể làm tăng thêm hạnh phúc cho thế gian này thì, tương tự như vậy, chúng ta cũng không thể làm tăng thêm khổ đau cho nó. Tổng số hạnh phúc và khổ đau trong thế gian này sẽ luôn luôn như nhau tự cổ chí kim.

Chúng ta chỉ đẩy nó từ phía bên này sang phía bên kia, rồi lại đẩy từ phía bên kia sang lại phía bên này, nhưng tổng số đó sẽ như nhau, bởi vì chính bản chất của nó luôn luôn là vậy.

Thăng rồi giáng, phát triển rồi suy tàn, những hiện tượng đó đều nằm trong chính bản chất của thế giới này, nếu quan niệm khác đi thì chuyện đó cũng hợp lý như bảo rằng chúng ta có thể sống mà không chết. Điều đó hoàn toàn vô nghĩa, bởi vì ngay cái ý tưởng về lạc thú cũng đã hao hàm sự khổ đau.

Ngọn đèn thường xuyên cháy tàn dần, và đó là sự sống của nó. Nếu các bạn muốn có sự sống thì phải chết đi trong từng phút, từng giây. Sinh và tử chỉ là hai cách biểu hiện khác nhau của cùng một sự vật được nhìn từ hai quan điểm khác nhau, nó là hiện tượng lên và xuống của cùng một con sóng.

Người nhìn ở góc độ “xuống” thì đâm ra bi quan, còn người nhìn ở góc độ “lên” thì trở nên lạc quan. Khi một đứa bé cắp sách đến trường thì được cha mẹ chăm lo, mọi thứ đối với nó tựa hồ như tràn đầy hạnh phúc, nhu cầu của đứa bé rất đơn giản, và nó là người rất lạc quan.

Nhưng người già, với nhiều trải nghiệm khác nhau, trở nên trầm tĩnh hơn và chắc chắn là bầu nhiệt huyết đã nguội lạnh đi đáng kể. Bởi vậy, những quốc gia già cỗi, với những dấu hiệu suy tàn vây quanh, thường ít mang hoài vọng hơn những quốc gia mới nổi.

Ở Ấn Độ có một câu ngạn ngữ: “Đô thị ngàn năm, rừng cũng ngàn năm”. Cảnh dâu biển tang thương biến đô thị thành rừng, và ngược lại, vẫn đang diễn ra ở khắp mọi nơi, và nó khiến cho con người trở nên bi quan hay lạc quan tùy theo họ nhìn ở góc độ nào.

Quan niệm tiếp theo mà chúng ta sẽ bàn tới là quan niệm về bình đẳng. Những quan niệm về thời hoàng kim đã là động lực vĩ đại khích lệ con người làm việc.

Nhiều tôn giáo rao giảng điều này như là một trong những lý tưởng của họ, cho rằng Thượng Đế đang đến để cai trị vũ trụ này, và sẽ hoàn toàn không còn sự khác biệt về thân phận nữa. Những người rao giảng giáo lý này chỉ là những kẻ cuồng tín, và những kẻ cuồng tín thực ra là những người chân thành nhất của nhân loại.

Cơ Đốc giáo được rao giảng trên nền tảng đầy mê hoặc của lòng cuồng tín này, và điều đó trở thành thứ vô cùng hấp dẫn đối với đám nô lệ Hy Lạp và La Mã.

Họ tin rằng với tôn giáo của kỷ nguyên hoàng kim này thì không còn cảnh nô lệ, họ sẽ được ăn uống đầy đủ, bởi vậy, họ lũ lượt kéo nhau tụ tập chung quanh ngọn cờ Cơ Đốc giáo. Trước hết, những người rao giảng giáo lý này dĩ nhiên là những người cuồng tín ngu muội, nhưng rất mực chân thành.

Trong thời hiện đại, khát vọng về thời hoàng kim đó được kêu gọi bằng những câu khẩu hiệu về tự do, bình đẳng và tình huynh đệ. Đó cũng là cũng sự cuồng tín.

Trên trái đất này, chưa bao giờ có và sẽ không bao giờ có bình đẳng thực sự. Làm sao mà tất cả chúng ta đều có thể bình đẳng trong thế gian này? Loại bình đẳng bất khả thi đó bao hàm sự chết chóc hoàn toàn. Cái gì làm cho thế giới này được như nó hiện nó? Sự mất cân bằng.

Trong trạng thái nguyên thủy, được gọi là hỗn độn, có sự cân bằng hoàn toàn. Vậy thì tất cả những lực kiến tạo của vũ trụ đã đến bằng cách nào? Bằng đấu tranh, ganh đua, xung đột.

Giả sử tất cả các hạt vật chất đều được giữ ở trạng thái cân bằng thì liệu có thể có được quá trình sáng tạo hay không? Nhờ khoa học, chúng ta biết rằng điều đó không thể.

Thử khuấy động một mặt nước yên tĩnh, các bạn sẽ thấy các phân tử nước cố gắng yên tĩnh trở lại, phân tử này xô đẩy phân tử kia, cũng tương tự như vậy, tất cả những hiện tượng mà chúng ta gọi là vũ trụ này – tất cả muôn vật trong đó – đều đang đấu tranh để quay về lại với trạng thái cân bằng hoàn toàn.

Một sự khuấy động khác lại xảy đến, và một lần nữa, chúng ta lại có kết hợp và sáng tạo. Bất bình đẳng chính là nền tảng của mọi sự sáng tạo. Đồng thời, những lực đang đấu tranh để được bình đẳng cũng cần thiết cho sự sáng tạo như những lực phá hoại nó.

Bình đẳng tuyệt đối, nghĩa là trạng thái cân bằng tuyệt đối của tất cả những lực đang đấu tranh trên mọi bình diện, không thể nào có được trong thế giới này.

Trước khi các bạn đạt đến trạng thái đó thì thế giới này đã biến thành nơi hoàn toàn không phù hợp cho bất kỳ sự sống nào, và sẽ không còn một ai ở nơi đây nữa.

Do đó, chúng ta thấy rằng những ý tưởng về thời hoàng kim và sự bình đẳng tuyệt đối không những là bất khả thi, mà còn hơn thế nữa, nếu chúng ta cố gắng thực hiện thì chắc chắn chúng sẽ đưa ta đến ngày tận diệt. Cái gì tạo nên sự khác biệt giữa người và người? Phần lớn là do sự khác biệt trong trí não.

Ngày nay, chỉ có kẻ loạn trí mới bảo rằng tất cả chúng ta sinh ra đều có trí lực như nhau. Chúng ta đi vào thế giới này với những tố chất bẩm sinh khác nhau, chúng ta đi vào đây như là những người cao siêu hơn hoặc thấp kém hơn, và không có cách nào thoát ra khỏi thân phận tiền định trước khi sinh.

Người da đỏ châu Mỹ đã ở xứ sở này hàng mấy ngàn năm, và chỉ có một nhóm tổ tiên các bạn[1] đến vùng đất của họ.

Họ đã tạo cho bộ mặt của xứ sở này một sự khác biệt biết là ngần nào! Tại sao người da đỏ không phát triển và xây dựng thành phố, nếu như tất cả đều bình đẳng? Cùng với tổ tiên của các bạn, một loại trí lực khác đã đến miền đất này, những khối ấn tượng khác trong quá khứ đã đến, rồi chúng hoạt động và tự biểu hiện mình.

Bất sai biệt tuyệt đối là sự chết chóc. Chừng nào thế giới này còn tồn tại thì phải còn và sẽ còn sai biệt, và thời hoàng kim của sự bình đẳng tuyệt đối chỉ đến khi chu kỳ sáng tạo đi đến hồi kết thúc. Trước đó, không thể có sự bình đẳng được.

Tuy nhiên, ý tưởng thực hiện được thời hoàng kim vẫn là một nguyên động lực vĩ đại. Trạng thái bất bình đẳng cần thiết cho sự sáng tạo thế nào thì sự đấu tranh để hạn chế nó cũng cần thiết như thế nấy. Nếu không có sự đấu tranh để trở thành tự do và quay về với Thượng Đế thì cũng sẽ không có sự sáng tạo.

Chính sự khác biệt giữa hai lực này đã quy định bản chất động cơ hoạt động của con người. Sẽ luôn luôn có những động cơ thúc đẩy làm việc, một số có xu hướng đưa đến tình trạng trói buộc, một số hướng đến tự do.

Tình trạng rối rắm của thế giới này là một cơ chế khủng khiếp. Vừa đặt tay vào nó thì lập tức chúng ta bị nắm lấy và cuốn theo ngay.

Tất cả chúng ta đều nghĩ rằng khi đã làm tròn một bổn phận nào đó thì chúng ta sẽ được nghỉ ngơi, nhưng trước khi làm tròn một phần của bổn phận này thì bổn phận khác lại đang chờ sẵn. Tất cả chúng ta đều bị cái cỗ-máy-thế-giới mãnh liệt và phức tạp này kéo đi.

Chỉ có hai cách để thoát ra khỏi nó, một cách là cứ phó mặc cho cỗ máy, cứ để nó vận hành và làm khách bàng quan, từ bỏ những khát vọng của chúng ta.

Cách này nói thì nghe rất dễ, nhưng hầu như không thể thực hành được. Tôi không biết trong số hai mươi triệu người thì có được một người làm nổi điều đó không. Cách kia là lăn lộn vào cuộc sống, học hỏi lấy những bí quyết làm việc, và đó là con đường của karma-yoga.

Đừng có bay xa khỏi bánh xe của cỗ máy, mà hãy bên trong nó và học hỏi lấy những bí quyết làm việc. Thông qua những việc làm thích hợp ở bên trong, ta cũng có thể thoát được ra ngoài. Thông qua chính cỗ máy, ta tìm được đường ra. Bây giờ thì chúng ta đã thấy được làm việc là gì rồi.

Nó là một phần trong nền tảng của tự nhiên, và cứ luôn luôn như thế. Những ai tin vào Thượng Đế sẽ hiểu điều này rõ hơn, vì họ biết rằng Thượng Đế không phải là một sinh thể bất lực đến độ phải cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Dù vũ trụ này vẫn luôn tiếp tục vận hành, chúng ta phải nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là tự do, và theo karma-yoga thì mục tiêu đó có thể đạt được bằng công việc.

Mọi ý tưởng muốn xây dựng một thế giới hoàn toàn hạnh phúc có thể là động cơ tốt đẹp cho những kẻ cuồng tín, nhưng ta phải nhớ rằng óc cuồng tín mang lại điều ác nhiều không kém gì điều thiện.

Hành giả karma-yogi hỏi vì sao các bạn lại phải yêu cầu một động cơ làm việc nào đó, ngoài động cơ là tình yêu tự do bẩm sinh. Hãy vượt lên trên những cái gọi là động cơ “xứng đáng”. “Các bạn có quyền làm việc, nhưng không có quyền trông mong thành quả”.

Các hành giả karma-yogi cho rằng con người có thể tự tu tập để biết và thực hành điều đó. Khi ý tưởng làm việc thiện đã trở thành một phần ngay trong bản chất của một người rồi thì anh ta sẽ không còn đi tìm động cơ nào ở bên ngoài nữa.

Chúng ta hãy làm việc thiện, chỉ vì làm việc thiện là điều tốt đẹp, người nào làm việc thiện để cầu mong lên thiên đàng là tự trói buộc để kéo mình xuống thấp, theo lời các hành giả karma-yogi.

Bất cứ việc gì được thực hiện dù chỉ bằng chút ít động cơ vị kỷ cũng sẽ rèn thêm xích xiềng buộc vào chân chúng ta, thay vì giúp chúng ta được tự do.

Bởi vậy, con đường duy nhất để từ bỏ tất cả những thành quả lao động là giữ tâm vô luyến với chúng. Nên biết rằng thế giới này không phải là chúng ta, và chúng ta cũng chẳng phải là thế giới này, rằng chúng ta không thực sự là thể xác, chúng ta cũng không thực sự làm việc.

Chúng ta là Chân Ngã, vĩnh viễn tự tại an nhiên và yên bình. Vậy thì cớ sao chúng ta lại để bị ràng buộc bởi bất cứ thứ gì? Nói rằng chúng ta hoàn toàn vô luyến cảm, điều đó thật là tốt, thế nhưng có cách nào để thực hiện được điều đó không?

Mọi việc tốt ta làm mà không vì bất kỳ một động cơ thầm kín nào, thay vì rèn đúc thêm một xích xiềng mới, sẽ bẻ gãy một trong những mắt xích trong chuỗi xích hiện có.

Mọi ý nghĩ tốt đẹp ta gởi cho thế gian này, mà không nghĩ đến chuyện báo đáp, sẽ được tích trữ ở đó và bẻ gãy một mắt xích trong chuỗi xích, giúp chúng ta ngày càng thuần tịnh hơn, cho đến khi chúng ta trở thành người thuần tịnh nhất trong loài người.

Tuy nhiên, tất cả những điều này có vẻ như mang tính hào hiệp viển vông và triết học cao xa, mang tính lý thuyết hơn là thực tiễn. Tôi đã đọc nhiều lập luận phản bác kinh Bhagavad Gitā, và nhiều người cho rằng các bạn không thể làm việc nếu không có động cơ.

Những người đó chưa bao giờ thấy được việc làm vị tha do ảnh hưởng của óc cuồng tín và do đó, họ mới nói theo cách đó. Để kết thúc, tôi xin được nói một đôi lời về một người đã thực sự vận dụng giáo lý karma-yoga này vào thực tiễn. Người đó là Đức Phật.

Ngài là người duy nhất đã thực hành trọn vẹn giáo lý này. Tất cả những nhà tiên tri trên thế giới, trừ Đức Phật, đều có những động cơ bên ngoài thúc đẩy họ đến với hành động vị tha.

Những nhà tiên tri trên thế giới, mà Đức Phật là ngoại lệ duy nhất, có thể được chia thành hai nhóm, một nhóm cho rằng họ là hóa thân của Thượng Đế để giáng trần, một nhóm khác lại cho rằng họ chỉ là sứ giả do Thượng Đế phái tới, và cả hai nhóm đều nhận sự thúc đẩy từ bên ngoài, hy vọng vào sự đền đáp từ bên ngoài, cho dù họ có dùng loại ngôn ngữ tâm linh cao siêu đến đâu đi nữa.

Chỉ có Đức Phật là nhà tiên tri duy nhất tuyên bố: “Ta không quan tâm tìm hiểu những lý thuyết của các ông về Thượng Đế. Tranh luận về tất cả những học thuyết tinh vi về linh hồn, thử hỏi có ích gì? Hãy làm việc thiện, và hãy có thiện tâm, điều đó sẽ đưa các ông đến giải thoát và đến bất kỳ chân lý nào hiện hữu”.

Trong hành vi xử thế, Ngài tuyệt đối không vì một động cơ cá nhân nào, và có người nào có thể làm được gì hơn Ngài? Hãy chỉ cho tôi trong lịch sử một nhân cách đã bay cao vút, vượt lên trên tất cả như thế.

Toàn thể nhân loại chỉ sản sinh ra một nhân cách duy nhất như thế, một triết học cao viễn như thế, một sự cảm thông rộng lớn như thế.

Vị triết gia vĩ đại đó, dù thuyết giảng giáo lý vô thượng, vẫn có sự cảm thông sâu xa nhất đến từng sinh vật nhỏ bé nhất, mà không bao giờ đưa ra bất kỳ một đòi hỏi nào cho mình.

Ngài là một hành giả karma-yogi lý tưởng, hành động hoàn toàn không có động cơ, và lịch sử nhân loại chứng minh Ngài là một con người vĩ đại nhất đã từng sinh ra, không gì sánh nổi – là sự kết hợp vĩ đại nhất giữa trí tuệ và tâm hồn đã từng hiện hữu, là sức mạnh tâm linh vĩ đại nhất từng hiển lộ.

Ngài là nhà cải cách vĩ đại đầu tiên dám tuyên bố: “Đừng tin điều gì bởi vì một số kinh điển xưa đã tạo ra, đừng tin điều gì bởi vì đó là tín ngưỡng của quốc gia các ông, bởi vì các ông được dạy phải tin từ lúc còn bé, mà hãy suy luận cho đến chỗ rốt ráo, và sau khi đã phân tích mà các ông thấy điều đó đem lại lợi ích cho một người và tất cả mọi người thì hãy tin nó, sống theo nó và giúp người khác sống theo nó”.

Người làm việc tuyệt vời nhất là người làm việc không vì bất kỳ động cơ nào, không vì tiền hay danh tiếng, cũng không vì bất cứ một thứ gì khác, và khi một người làm được điều đó thì anh ta sẽ là một vị Phật, và từ người đó sẽ xuất phát một năng lực làm việc theo cách nào đó có thể biến chuyển được thế giới.

Người đó đại diện cho lý tưởng tối cao của pháp môn karma-yoga.

[1] Chỉ người Mỹ.

Tác giả: Swami Vivekananda
Dịch giả: Huỳnh Ngọc Chiến
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ dịch giả và nhà xuất bản)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x