Trang chủ » Trạng thái Tối thượng

Trạng thái Tối thượng

by Hậu Học Văn
487 views

Ngày 7 tháng 1 năm 1981

Người hỏi: Bây giờ mỗi khi có sự kiện nào đó xảy ra, thay vì bị lôi cuốn vào thì tôi thấy tất cả chỉ là do cái biết “Ta Hiện Hữu”. Tôi đang chứng nghiệm điều đó.

Maharaj: Hành vi nhân chứng xảy ra, chẳng có gì được làm cả. Người nào không còn đồng hóa mình với thân xác thì hoàn toàn tự do.

H: Mọi chuyện tự xảy ra và tôi không hề bận tâm đến chúng.

M: Nếu quả như thế thì có nghĩa là ông đã thông hiểu mọi chuyện và ông không cần lưu lại đây thêm nữa.

Người hỏi [người khác]: Đối với tôi thì khác. Tôi phải cố gắng mới không bị lôi cuốn vào các ý nghĩ khi tôi thiền quán.

Maharaj: Bản chất của nguồn sinh lực tự thể hiện qua ý nghĩ và ngôn từ, vì thế ý nghĩ vẫn tiếp tục kéo đến. Nếu lúc đầu ông phải cố gắng để không bị lôi cuốn thì cứ tiếp tục như thế cho đến khi không còn phải cố gắng.

H: Bậc giác ngộ cũng có tâm và ý nghĩ sao?

M: Dù ý nghĩ có đến và đi thì người giác ngộ không hề bận tâm. Các ý nghĩ xuất hiện trong ý thức; hành vi nhân chứng cũng xảy ra trong ý thức. Ông phải tin rằng ông là ý thức. Sau đó ông không còn gì để làm cả; cứ phó mặc cho ý thức làm những gì cần phải làm. Bất cứ gì xảy ra đều tự xảy ra.

H: Nơi chốn của ý thức là ở đâu?

M: Trong từng hạt tinh túy của thân xác. Kinh sách thường ghi rằng có nhiều Chakras – luân xa. Có các luân xa nếu ông muốn xác định các vị trí như thế, nhưng theo Ta thì ý thức có khắp nơi trong thân xác.

H: Sự khác biệt giữa thân xác và ý thức là gì?

M: Sự khác biệt giữa đường và vị ngọt là gì? Vị ngọt có trong nước mía. Trong thân xác, vị ngọt là cái biết ông hiện hữu – ý thức. Cái biết này do cái gì mà có? Điều kiện tiên quyết để có ý thức là gì?

H: Có phải là thân xác không?

M: Thân xác cần thiết để duy trì ý thức; để thân xác tồn tại thực phẩm là cần thiết, có phải thế không?

H: Phải.

M: Nếu thân xác không còn thì ý thức sẽ không còn. Không có thân xác và ý thức, ông là cái gì?

H: Tôi không biết.

M: Thế nào, ông muốn được lợi lạc, thuận lợi cho chính ông. Lợi lạc là lợi lạc cho ai?

H: Ý thức.

M: Nếu không phải là thân hay ý thức vậy ông là cái gì? Khi ông đạt được cái biết cái Ta, thì cái ta được phóng thích, được giải thoát.

H: Rồi sao?

M: Rồi ông biết, một cách chắc chắn, ông là ai. Cái mà nhờ nó ông biết, ông cũng biết cái đó.

H: Có phải đó là giải thoát?

M: Giải thoát nghĩa là gì? Không còn nữa. [Bật và tắt cái bật lửa] Cái bật lửa này là thân xác, ý thức là ngọn lửa. Bây giờ ngọn lửa không còn nữa, nó đã được giải thoát.

Khi ý thức không có nữa, đâu là sự cần thiết để gán cho nó một cái tên?

❁ ❁ ❁

Ngày 8 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Bề ngoài ông có thể làm ra vẻ một người giác ngộ, nhưng người giác ngộ thì vô úy.

Người hỏi: Người giác ngộ là cái Tối Thượng.

M: Trạng thái Tối Thượng là trạng thái trong đó hoàn toàn không còn thân xác, danh xưng và hình tướng, mầu sắc hay danh xưng, còn ai ở đó để hỏi bất cứ gì? Ông chấp nhận bất cứ gì xảy ra, căn cứ vào sự nhận diện ông với thân xác, mà thân xác thì bị câu thúc bởi thời gian.

H: Tôi đã kinh nghiệm rằng nó không hiện hữu.

M: Ông hiểu gì bằng kinh nghiệm đó? Ý nghĩa của kinh nghiệm đó là gì?

H: Nó không phải là một kinh nghiệm của bất cứ ai.

M: Kinh nghiệm chỉ xảy ra khi có sự thay đổi. Nếu không có thay đổi, không thể có kinh nghiệm.

H: Nó không phải là một kinh nghiệm, nó là một trạng thái hiện hữu phi hiện hữu.

M: Cái ông nói thì có và không, nó là ngôn từ, hay nó là một kinh nghiệm? Ta không chơi trò trốn tìm với chữ nghĩa. Cái mà ông mô tả đó, nó là một kinh nghiệm hay chỉ là ngôn từ?

Có vẻ như ông bị ảnh hưởng bởi những gì ông đã đọc và nghe được, vì thế những gì ông nói ra chỉ là những gì ông đã nghe được. Có phải thế không, hay những gì ông nói là một kinh nghiệm thực tế mà ông đã trải qua?

H: Tôi đã nói rồi, nó không phải là kinh nghiệm của ai cả.

M: Thoạt tiên Ta nghĩ Ta là thân xác, rồi Ta kinh nghiệm là Ta không phải thân xác mà Ta là ý thức, rồi Ta kinh nghiệm ý thức này không thực sự là Ta, rồi chẳng còn hình tướng, chẳng còn tính cách cá nhân, chẳng còn gì cả. Có phải đó là kinh nghiệm của ông?

H: Kinh nghiệm đó là không có ai cả, không có gì cả, tôi hiện hữu và tôi không hiện hữu.

M: Cái gì là cái không còn nữa?

H: Ý thức về thân xác. Bây giờ không còn một trung tâm nào nữa, ý nghĩ không còn sinh khởi từ một trung tâm như là thân xác.

M: Nếu ý nghĩ không sinh khởi từ trung tâm của ông như một thân xác cá nhân, vậy ý nghĩ đã sinh khởi như thế nào? Thế hiện nay ông đồng hóa chính ông với ý nghĩ? Ông có tư duy ý nghĩa của ý nghĩa, ông là một và đồng với ý nghĩ?

H: Không?

M: Thế thì cái gì thực sự đã xảy ra? Sự thay đổi là gì?

H: Sự thay đổi là cái trung tâm trong ý thức, nó từng có đó nhưng đã biến mất, cái trung tâm “Ta Hiện Hữu” không còn nữa.

M: Hãy cho Ta biết một cái gì đó về cái trung tâm đó.

H: Trước kia vẫn có một trung tâm nhận diện ở trong thân xác, nhưng bây giờ tôi không cảm thấy nó nữa. Bây giờ không còn ranh giới nào nữa, không còn một thực thể riêng biệt nào nữa.

M: “Ta Hiện Hữu” có nghĩa là biết mà ông là cái biết đó.

H: Đúng thế. Cám ơn ông. Bây giờ tôi phải đi.

M: Khi người đó nói “Tôi đang làm cái này” hoặc “Tôi đang làm cái kia”, thì ông ta muốn nói rằng: Tôi là cái biết “Ta Hiện Hữu”, tức là ý thức. Vì nếu không có ý thức thì không có thân xác. Trong giấc ngủ sâu chúng ta không biết có thân xác, chúng ta chỉ biết có thân xác khi chúng ta thức và có ý thức. Vì thế khi Ta nói điều này, Ta muốn nói rằng chính ý thức này là Ta, chứ không phải thân xác, thân xác đến sau.

Căn bệnh này là một phương diện của ý thức và Ta không phải ý thức. Ta không phải cái biết “Ta Hiện Hữu”. Nếu có căn bệnh nào thì nó chỉ ở trong phạm trù của ý thức.

Với sự trợ giúp của ý thức mà căn bệnh được kinh nghiệm. Khi Ta hoàn toàn ở trong trạng thái Tối Thượng, khi ý thức này hoàn toàn tịch diệt, ĐÓ là trạng thái viên mãn và toàn hảo của Ta.

Khi nào thì Ta không còn kinh nghiệm căn bệnh này nữa? Cũng giống như mặt trời lặn, chỉ khi nào ý thức này chìm xuống thì mới có sự khỏe mạnh hoàn toàn, hoặc không còn kinh nghiệm về căn bệnh này nữa. Bao giờ ý thức còn có đó thì căn bệnh phải được kinh nghiệm. Cái gì là sự vui thích hay hạnh phúc của Ta? Không có gì khác hơn cái biết “Ta Hiện Hữu” này, ý thức này.

Ý tưởng của ông về cái biết là một cái gì đó ông có thể nắm bắt được, một cái gì đó ông có thể sờ mó được và bỏ vào túi. Cái biết này không phải như thế. Khi Ta biết rằng Ta chính là cái biết, Ta còn hy vọng có thể đạt được cái gì?

❁ ❁ ❁

Ngày 9 tháng 1 năm 1981

Người hỏi: Ý nghĩ là gì?

Maharaj: Nó là kết quả của điều kiện trước đó mà tâm đã có.

H: Ý nghĩ của bậc giác ngộ và ý nghĩ của kẻ vô minh có khác nhau không?

M: Sự khác biệt là người giác ngộ đã tách chính mình ra khỏi thân tâm, các ý nghĩ của thân tâm đến và đi nhưng người giác ngộ không bận tâm; còn kẻ vô minh bị lôi cuốn vào các ý nghĩ đó, và kẻ vô minh cho mình là một danh xưng và hình tướng.

H: Tôi có luôn luôn phải giữ trong tâm rằng tôi chỉ là ý thức?

M: Ông là ý thức và ý thức là ông, chỉ có thế; không nhất thiết lúc nào cũng phải chú ý vào thực tế đó. Khi ông biết đây là ngón tay của ông, liệu có cần thiết lúc nào cũng lập đi lập lại rằng nó là ngón tay của ông? Có cái gì phải làm đâu?

H: Khi một hành động hay một sự lựa chọn phải được thực hiện, một người thực hiện sự lựa chọn như thế nào?

M: Chỉ cần hiểu được rằng đó không phải là hành động hay sự lựa chọn của ông.

Đừng để bị lôi cuốn thành người gây ra hành động.

Tại sao ông lại bị lôi cuốn vào những khái niệm như thế này? Trước tiên phải tìm ra cái gì mà ông cho là chính ông? Có phải ông là một thực thể? Hãy giải quyết vấn đề đó thay vì bị lôi cuốn vào đủ loại khái niệm. Ông là cái gì? Ông không thể hiểu bằng tri thức của ông, nó ở ngoài tầm nắm bắt của tri thức.

❁ ❁ ❁

Ngày 11 tháng 1 năm 1981

Người hỏi: Những kinh nghiệm tâm linh mà tôi có, có phải chúng là cái gì đó không nên có? Những kinh nghiệm đó là gì?

Maharaj: Chúng hoàn toàn chỉ là trò giải trí. Ông hiện diện ở đây; thế thân xác ông không phải là kết quả của sự giải trí của một ai đó sao? Nếu ông biết được kinh nghiệm chỉ là những hiện tướng (appearances) trong ý thức thì không sao.

Hiểu không phải là vấn đề thuộc thời gian. Nếu ông thực sự nhận ra chân lý, thì nó rất đơn giản và được nắm bắt rất nhanh.

Sự hiện diện hữu thức tùy thuộc vào thân xác, và thân xác chỉ là tinh trùng và trứng, vậy cái “ta” này ở đâu? Thân xác này như một công cụ và bảo “Ta Hiện Hữu” như một cái máy thông báo. Hiện ông nghĩ rằng ông là thân tâm, và bất cứ khái niệm nào ông đã thu thập được đang tuôn trào ra. Khi bắt đầu tu tập tâm linh, ông bác bỏ thân tâm bằng

“Ta không phải nó”. Rồi đến giai đoạn ông chỉ còn “Ta Hiện Hữu” vô ngôn. Rồi ông là tất cả, ông không còn bị giam hãm trong thân xác. Vì có công cụ thân xác, nên có cảm thọ về ý thức, còn Ta – cái Tuyệt Đối – không phải nó.

Khi đã an định trong ý thức, bước kế tiếp là ở vào vị trí quan sát ý thức, cùng toàn thể vở kịch đang diễn ra trong ý thức, và chỉ hiểu. Sự ràng buộc với thân xác và ý thức rất mãnh liệt, loại bỏ được sự ràng buộc này là vô cùng khó khăn.

Nguyên lý của sự sinh (birth principle), loại hóa chất mà quanh nó sự hình thành thân xác xảy ra thì không có hình tướng hay kiểu mẫu và đã thực sự không tồn tại. Cái không tồn tại đó đột nhiên trở thành tồn tại. Cái gì là giá trị sự tồn tại của nó? Nó chỉ là hiện tướng mà không thể nào là sự thật. Đó là điều tại sao Ta giám nói như thế này. Đó chỉ là một trò lừa phỉnh, một sự lừa dối tài tình được tạo ra từ hư không. Liệu ông có thể tạo ra một cái gì đó từ hư không?

Những gì Ta nói đều đã được gieo cấy trong nguyên lý sinh của ông, ông không thể tống nó ra được. Vào đúng lúc nó sẽ nẩy sinh thành cái biết.

Ta không cần cuộc sống, dù chỉ trong khoảnh khắc, nhưng trong cuộc sống phù du đó có vô số sự sống.

Ta không hề sợ chết. Cùng với cái chết thì sự bất toàn hảo cũng sẽ mất đi. Ý thức, tức dấu vết của sự bất toàn hảo, không còn nữa. Cái gì còn lại là sự toàn hảo.

Không có gì chắc chắn Ta sẽ gặp ông ngày mai, nhưng sự thật là không hề có sự tách biệt nào giữa ông và Ta, vì chúng ta là một. Đừng tưởng tượng ra bất cứ tách biệt nào.

❁ ❁ ❁

Ngày 12 tháng 1 năm 1981

Maharaj: [đề cập đến cái bật lửa] Ngọn lửa sẽ cháy cho đến khi hết nhiên liệu. Có cần phải đặt ra vấn đề giải thoát hay tỉnh thức cho ngọn lửa không? Thân xác và ý thức được cấu thành bởi ngũ đại, liệu có sự giải thoát cho thân xác và ý thức không? Cái có trước sự xuất hiện của các đại thì luôn luôn có đó.

Những gì ông đang làm là vận dụng tâm và tri thức của ông, nhưng những gì Ta đang nói thì không dựa vào tri thức, mà đúng ra là từ bất cứ gì tự sinh khởi trong ý thức.

Ông cố tìm cách đưa cái biết đó – cái biết tự sinh khởi từ ý thức – vào cơ cấu của các khái niệm mà ông dựng lập bằng tâm và tri thức. Đó là điều không thể được.

Người hỏi: Vì sao tôi cảm thấy thật thỏa mãn ở đây trong sự hiện diện của Maharaj?

M: Vì sự cần cầu sinh khởi trong ý thức và đưa ông đến đây đã được thỏa mãn.

Có người đến đây để muốn được biết. Ta nói vì ngôn từ tự nhiên tuôn ra. Không hề có ý định nào đằng sau những thuyết giáo của Ta là ông phải đạt được cái biết. Có người đến đây vì họ gặp chuyện khó khăn. Ta không hề quyết định những khó khăn đó phải ra đi, nhưng thực tế là trong nhiều trường hợp những khó khăn đó đã ra đi. Ta chỉ ngồi đây, người ta đến và đi, Ta không hề bận tâm. Họ từ những nơi rất xa xôi đến đây vì ý thức cảm thấy cần đến đây. Mỗi người không đến đây vì một quyết định có tính cách tri thức phải đến đây. Ý thức nắm tai người đó và đem người đó đến đây. Hàng xóm kế bên nhà Ta không đến, nhưng người từ khắp nơi trên thế giới đến đây một cách cấp bách. Vì sao thế?

H: Lần đầu tiên tôi đến đây, Maharaj bảo tôi rằng cái biết “Ta Hiện Hữu” của tôi chỉ là sản phẩm của thực phẩm, và ý thức của Đấng Krishna cũng đồng với ý thức của con lừa. Tôi cố mua vé rời Bombay hôm đó, nhưng suốt cả tuần vẫn không được, nên tôi đành phải ở lại.

M: Rất nhiều người tài giỏi và nổi tiếng đã đến đây, nhưng họ đến với tất cả khiêm tốn. Có ai trong số họ có được cái biết về chính mình?

H: Tôi đang theo pháp niệm danh hiệu, như thế có được không?

M: Tụng niệm danh hiệu thiêng liêng thì cũng được, nhưng điều quan trọng là nhận ra và hiểu được cái gì là nguyên lý tối cao mà nhờ nó ông biết ông hiện hữu, và nhờ nó ông nhận thức mọi cái khác. Ông phải nhìn lại chính ông, tìm cách biết chính ông. Sự bí hiểm của tâm linh không thể giải quyết bằng tri thức. Giỏi lắm thì tri thức có thể giúp ông sinh nhai.

Bất cứ gì mà ông muốn trở thành thì cái đó không phải là ông. Trước khi có ngôn từ, trước khi ông nói “Ta Hiện Hữu” thì đó là ông. Ông chỉ nên quan tâm với chính ông.

Đừng để ý đến ai khác. Ông là ai?

❁ ❁ ❁

Ngày 14 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Trạng thái Tối Thượng là trạng thái trong đó không có gì tồn tại, không có Ta, không có ông, không có sự thị hiện.

Người hỏi: Maharaj có thể mô tả trạng thái Tối Thượng?

M: Liệu Ta có thể cắt nhỏ giấc ngủ của Ta và phác họa nó? Hãy tách ông ra khỏi thân xác và nói cho Ta biết một điều gì đó về trạng thái đó. Ông mô tả nó được không?

Những gì Ta nói không dành cho người thường. Phạm trù hiểu biết của người thường không vượt quá thân xác của họ.

Kẻ đồng hóa chính mình với thân xác chính là ý thức. Nó lầm nhận mình là thân xác và hành xử như thể tiềm năng vô biên của nó đã bị hạn chế bởi một hiện tượng duy nhất này. Vì thế, qua sự đồng hóa này, bất cứ hành xử nào mà ý thức chấp nhận và thực hiện đều bị giới hạn bởi thân xác.

Người nào hiểu được ý nghĩa tuyệt đối này của sự sống, tách ra khỏi thân xác thì sự chuyển hóa sẽ xảy ra. Ý thức có tính cách vũ trụ, cũng như ngày có tính cách vũ trụ, cũng như đêm có tính cách vũ trụ. Ông không thể gán cho nguyên lý đó một danh hiệu hay một tước vị. Ai là kẻ biết đã không có ngày, đã không có đêm, đã không có ý thức?

Ngày và đêm, nhớ và quên, trạng thái thức và trạng thái ngủ sâu, là một và đồng như nhau, hay tách biệt?

Khả năng của ý thức là một cái gì đó thật đáng sợ. Ta đã không biết Ta hiện hữu, rồi đột nhiên Ta biết “Ta Hiện Hữu”. Cái biết “Ta Hiện Hữu” này là quyền lực của Maya.

H: Mong muốn giải thoát có sai lầm không?

M: Chẳng có gì xảy ra – chẳng có ai bị ràng buộc – do đó không có vấn đề giải thoát. Chỉ khi nào một người nghĩ về mình như một cá nhân thì người đó mới nghĩ đến ràng buộc và giải thoát.

Bất cứ khái niệm nào mà ông gom góp được trong thế giới này đều hoàn toàn vô dụng. Hãy hiểu rằng toàn thể sự thị hiện là đứa con của một phụ nữ vô sinh sản, và sau khi đã hiểu được như thế hãy dồn hết chú ý vào việc làm của ông, và hãy để cho công việc ấy được hoàn tất một cách thật hữu hiệu. Hãy chăm lo công việc ông làm trong thế gian, vì nó là một đứa trẻ mồ côi!

❁ ❁ ❁

Ngày 17 tháng 1 năm 1981

Người hỏi: Trong ý thức liệu có người hành động và hành vi nhân chứng?

Maharaj: Tất cả đều ở trong cõi giới của ý thức.

H: Có phải mọi hành động trong thế giới được thực hiện qua ý thức? Sự vận hành của ngũ đại cũng thế?

M: Tổng thể của ngũ đại là ý thức.

H: Tán dương ý thức bằng chính ý thức có phải là một điều hay, hay không?

M: Ồ, hay chứ. Dù ông có là bất cứ gì thì chỉ ông biết. Trong thân xác chỉ có cái biết, không hề có con người. Vì những mục đích có tính cách thực tiễn nên ông sử dụng nhiều tên gọi khác nhau.

H: Trong thân, tại sao ý thức này nói “Ta”, “người”, vân vân?

M: Ý thức là một nhưng thị hiện thành nhiều, do đó vì những mục đích thực tiễn nên ông nói “Ta”, “người”, vân vân.

H: Ý thức của tôi có là do thân xác này, được duy trì bởi thân xác này, mà không phải bởi những thân xác khác.

M: Tất cả các thân xác đều ở trong ý thức của ông.

H: Maharaj bảo rằng tôi không ở trong thân xác, mà thân xác ở trong tôi.

M: Nếu ông là người viết văn thì những cuốn sách được ông viết ra đều tiềm ẩn trong cây bút của ông. Ông nhận ra ông đã hiện hữu từ bao giờ?

H: Khi thân xác và ý thức xuất hiện.

M: Toàn thể tính cách tâm linh của Ta hiện nay là “không”, kể cả từ ngữ “không” cũng không có, vì thế chẳng có tính cách tâm linh nào còn lại.

Giả sử như Ta không thích thân xác của Ta, hoặc ngay cả hơi thở của sự sống, thì Ta có thể làm được gì – thân xác còn đó, hơi thở của sự sống còn đó, và vì thế cái “Ta Hiện Hữu” này có đó. Chúng tự hành hoạt, việc gì Ta phải bận tâm? Ý thức đang thưởng thức vở kịch của nó thì cứ để nó thưởng thức. Bao giờ cái biết đó, cái biết “Ta Hiện Hữu” có đó thì sự thu hút đối với những cái khác có đó. Cái biết là sản phẩm của thân xác thực phẩm; khi thân xác này mất đi, cái biết “Ta Hiện Hữu” ở đâu?

Không hề có cái như là tâm linh; bất cứ gì có chỉ có trong cuộc sống thế gian này, trong vở kịch của ngũ đại. Ông cũng chẳng khác gì cây cỏ. Cũng như cỏ mọc, con người lớn lên. Có ai chấp nhận điều này không? Sinh ra là một phương diện vật chất. Nếu ông chỉ là chính ông thì trạng thái đó không thể được cảm nhận; nhưng khi có một yếu tố ngoại lai thì đau khổ phát sinh. Cái yếu tố ngoại lai này được áp đặt lên ông, tức cái tiên nguyên, và đó là lý do nó gây đau khổ.

Ông chẳng tìm hiểu ông là cái gì. Vì ông là những khả năng tri thức, ông sẽ dọn ra cao lương mỹ vị từ tri thức rồi chính ông ăn những cao lương mỹ vị đó. Ngay cả trong lĩnh vực tâm linh ông cũng dùng đến tri thức của mình, ông bầy ra không biết bao nhiêu cao lương mỹ vị từ những khái niệm rồi ông thưởng thức chúng.

Từ những gì Ta nói hãy rút ra một ẩn ý. Tất cả những gì ông kinh nghiệm thế giới chỉ là kết quả vui đùa của một ai đó; bây giờ thì nó trở thành nguồn gốc của khốn khổ.

H: Liệu có thể nào ở trong trạng thái vô ngôn?

M: Liệu ông có thể sống mà không có ngôn từ? Ngôn từ rất cần thiết.

H: Chúng tôi đều là tù nhân của những khái niệm của chính mình.

M: Hãy tìm hiểu cái nguyên lý sinh ra đó (birth principle). Ông hiện hữu bởi vì có ông, và có cha mẹ. Đó là một diễn tiến đồng thời. Vì hành nghiệp của họ mà có ông, và (cùng lúc đó) ông có cha mẹ. Nếu không có thân xác, cha mẹ ông là gì? Cố tìm hiểu xem cha mẹ ông có thể là gì nếu họ không có thân xác. Đừng kể đến cái hành nghiệp vì nó mà có ông; rồi cố nhận ra cha mẹ là gì. Kết quả của hai sự hiện diện đó là có sự hiện diện thứ ba, “Ta Hiện Hữu”. Sao, liệu ông có thể xóa bỏ những khái niệm của ông về cha mẹ?

❁ ❁ ❁

Ngày 21 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Trước kia cái biết vẫn thường tràn ngập Ta, và Ta thường mời người khác đến nghe thuyết giảng, nhưng nay thì thời gian đó đã qua. Bây giờ Ta không khuyến khích ai đến nghe, Ta không lưu giữ ai ở lại lâu. Ta cho họ một số hiểu biết và mời họ ra về.

Thật là khó tin rằng dưới cái vẻ bề ngoài của cái nhỏ bé được gọi là “sinh ra” đó mà mọi chuyện đã xảy ra. Không những cái biết “Ta Hiện Hữu” mà toàn thể thế giới hữu hình xuất hiện. Có thể tin được không? Thật ra thì Ta không có, nhưng Ta cảm nhận có Ta vì sự kiện “sinh ra” đó.

Khi có được cái biết này ông sẽ nhận ra rằng cái biết về thế giới và ý thức không đáng một bãi nước bọt của ông. Ông có thể khạc nó ra, nó chẳng có giá trị gì. Ta khẩn khoản kêu gọi ông đừng sa vào chuyện tâm linh này. Sự hiểu biết hay khái niệm của ông có là gì đi nữa, thì chỉ cái chợt lóe lên sau cùng đó được áp dụng. Ông có tất cả, nguyên vật liệu đều có sẵn cho ông, các biểu tượng của sinh và tử đã được tháo gỡ cho ông.

Trạng thái đích thực của tất cả mọi chuyện thì công khai và vô cùng minh bạch nhưng chẳng có ai muốn nhìn nó.

Người hỏi: Ông ấy chuộng sự sùng tín đơn giản đối với Thượng đế. Đối với những người chỉ có lòng sùng tín, dù tri thức rất hạn hẹp, thì tri thức đó vẫn không gây ra tai họa, như trường hợp ở đây.

M: Đây là nơi tri thức bị hủy diệt.

Đã đã được tạo ra và bị sai xử bởi con ma ngũ đại, nhưng Ta an định trong Parabrahman. Ta biết nó là cái gì và Ta thoát khỏi nó.

Bây giờ, hãy xem Ta đã bị sai xử bởi tính chất của các đại đó như thế nào. Ta nghiện thuốc lá nhai (chewing tobacco); bất kể lời khuyên của bác sĩ, Ta vẫn nhai thuốc lá. Đó là vì Ta bị sai sử bởi tính chất của ngũ đại.

Không gian là biểu thị của thế giới, trong không gian là thế giới. Không gian cũng như một thế giới phôi thai. Thế giới chưa có, nhưng chất liệu của thế giới thì có đó. Từ đó Ta bắt đầu cảm nhận “Ta Hiện Hữu”. Cùng với không khí có sự chuyển động, với lửa có nhiệt, với nước là tất cả các mầm mống và mọi thứ khác, và vì có nước nên có vị (taste).

Nhưng Satguru giải thoát ông khỏi các đại đó. Satguru (Parabrahman) là tất cả tình yêu cái không biết. Chính sự liên đới của ông với Satguru có nghĩa là sự soi sáng cho ông.

Ta không cảm thấy muốn thuyết giảng nữa, Ta muốn nhập vào một trạng thái im lặng. Những gì Ta thuyết giảng hiện nay, nếu ai thực sự hiểu được thì chẳng cần đến tu tập hay sadhana. Nó sẽ khai mở ngay chỗ đó và lúc đó.

H: Có một thời, nhiều bậc thánh nhân có phẩm vị tối thượng đã xuất hiện. Vì sao lại có đông các bậc thánh nhân vào giai đoạn đó?

M: Lúc đó lòng sùng tín đã mãnh liệt đến nỗi chính đối tượng của sự thiền quán có thể hiện nguyên hình trước người thiền quán. Chính vì sự sùng tín đó, mà toàn thể không khí thấm nhiễm sự sùng tín, bây giờ không khí đó chỉ đầy những tri thức. Người ta không chấp nhận bất cứ gì một cách mù quáng, vì tri thức của họ đã trở nên vi tế hơn, như không gian. Họ cân nhắc, lựa chọn, và phân tách mọi chuyện.

❁ ❁ ❁

Ngày 24 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Lắng nghe những điều Ta nói, nhưng đừng chờ mong bất cứ lợi lạc nào từ những gì ông nghe, vì để được lợi lạc thì phải có một thực thể, nhưng không hề có thực thể. Từ khi Ta bị căn bệnh này thì trong cách Ta nhìn sự vật có một thay đổi nhỏ.

Trước kia Ta còn cảm nhận đôi chút thoáng gợn của tính cách cá nhân, trong mức độ Ta cảm thấy ý thức vũ trụ này hành hoạt thông qua một hình tướng nào đó. Còn bây giờ thì không một thoáng gợn nào của hình tướng cá nhân hay hành hoạt của nó. Hiện nay chỉ có cái biết về toàn thể sự hành hoạt như thế, nhưng ngay cả cái biết đó chỉ có khi nào thân xác này có. Trong thân xác đó có ý thức, và cả hai đều là vật chất. Trong tất cả các hành hoạt đó không hề có bất cứ thực thể nào biết bất cứ gì là tách biệt. Trái lại, cái tổng thể hành hoạt qua hàng triệu hình tướng khác nhau. Ta đã đồng hóa căn bệnh với tổng thể ý thức.

Người hỏi: Cái gì còn lại sau khi ý thức ra đi?

M: Không có gì thuộc về hiện tượng còn lại. Những gì Ta thuyết giảng hiện nay là tối thượng, hay là sự chung kết của cái hiểu tâm linh. Sự đau đớn của thân xác càng được quan sát kỹ thì càng nhận rõ rằng tất cả đều là hư huyễn.

H: Maharaj đã đến nơi, còn chúng tôi thì chưa.

M: Đã từng có một ngôi nhà, và trong ngôi nhà đó có một người; bây giờ người đó không còn nữa và ngôi nhà bị phá sập. Một cách tóm tắt là: bất cứ kinh nghiệm nào ông có, dù chỉ một ngày hay nhiều năm, đều hoàn toàn là hư huyễn. Mọi kinh nghiệm đều bắt đầu với cái biết.

Cái gì là thói quen thâm căn cố đế nhất của ông? Phải nói là cái “Ta Hiện Hữu”.

Nó là thói quen gốc rễ. Ngôn từ và kinh nghiệm không có tư cách là ông. Cái thói quen kinh nghiệm này chỉ ra đi khi nào ông nhận ra rằng tất cả cõi giới này của ngũ đại, và tất cả kinh nghiệm trong ngũ đại là không thật. Chính cái biết “Ta Hiện Hữu” này cũng không thật.

❁ ❁ ❁

Ngày 29 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Ông phải từ bỏ sự đồng hóa mình với thân xác này. An định trong cái biết “Ta Hiện Hữu” – cái không đồng hóa với thân tâm – là ánh sáng tâm linh. Yêu quý cái Ta và “Ta Hiện Hữu” vô ngôn thì như nhau. Đau ốm bệnh hoạn có thể đến và đi, nhưng sự yêu quý cái Ta chẳng bao giờ ra đi.

Người hỏi: Sự giác ngộ cái Ta không đến.

M: Ai nói điều đó? Nếu không có cái biết thì ai có thể nói được điều gì?

H: Cái biết phải tồn tại vì có một cái gì đó được biết.

M: Ông đã đến đây với ý tưởng ông đầy hiểu biết, đầy trí tuệ; vậy ý tưởng của ông về sự hiểu biết là gì? Ông là một người rất từng trải, đã chu du khắp thế gian.

H: Tôi biết rằng tôi không đầy hiểu biết.

M: Tại sao ông lại nói dối?

H: Các kinh sách đều nói rằng sự an vui và thỏa mãn Tối thượng là kết quả của sự hiểu biết.

M: Ông sẽ không gặp nó vì ông là nó. Liệu ông có phải đi ra để gặp cái Ta của ông?

H: Không, tôi đến đây.

M: Trước khi ông biết ông hiện hữu, thì ông đã biết hay ông vô minh. Không có ý thức, ai có thể nói “Ta Hiện Hữu”?

[Im lặng một lúc lâu]

Các ông đều đã nhập vào sự tĩnh lặng.

H: Mọi ý nghĩ, mọi cảm thọ trong ý thức luôn luôn biến đổi. Tôi không thể là cái biến đổi, tôi là ý thức bất biến, cho phép ý nghĩ đi qua. Đó là cách tôi hiểu. Đúng thế không?

M: Ông đã bị đánh lừa một cách thảm hại!

H: Những gì tôi đang làm là tìm cách chấm dứt đồng hóa tôi với ý nghĩ và cảm thọ, không để bị chúng sai xử, mà sử dụng chúng như những gợi ý (pointers), nhắm vào ý thức tối thượng.

M: Vậy thì tại sao ông nói? Những gợi ý của cảm thọ và ý nghĩ của ông chính là cái Ta của ông, và đó là ý thức, như thế ý thức và cái Ta của ông là một.

H: Tôi muốn thoát khỏi sự đau đớn.

M: Tâm đang đánh lừa ông, gạt gẫm ông.

H: Như thế tôi là sự đau đớn và tôi phải vui sướng là sự đau đớn?

M: Đặt sự chú ý của ông vào cái “ta là sự vui sướng”, rồi sự đau đớn sẽ tan biến.

Ông cho rằng mình hiểu biết. Niềm tự hào của ông tăng trưởng vì ông cho rằng mình hiểu biết, và để trắc nghiệm mình nên ông đã đến đây.

H: Bằng cách lập đi lập lại “ta là sự vui sướng” thì chẳng giúp gì cho sự đau đớn của tôi. Maharaj nói từ bình diện của ông. Tôi không có được sự vui sướng tối thượng đó để làm cho cơn đau tan biến.

M: Đó là vì ông cho thân xác là cái Ta của ông.

H: Chính xác là như thế. Đó là lý do tôi đang dùng một xảo thuật để trốn tránh nó.

M: Tốt lắm. Trong các giai đoạn về sau, chính ý thức này là sự đau đớn. Ông vẫn còn nhận diện mình với thân xác cho đến khi nào ông nhận ra và hoàn toàn đồng hóa mình với cái biết “Ta Hiện Hữu”. Cái biết “Ta Hiện Hữu” đó, ông không biết nó. Nhiều người ở đây không tự hào là họ biết nhiều, chỉ có ông nhận mình biết tất cả và hãnh diện.

Sao, ông còn ở thăm nơi này bao nhiêu ngày nữa?

H: Đến ngày mùng 7.

M: Những câu hỏi của ông đã được trả lời, vì sao ông trở lại?

H: Như vậy những người kia không có sự hiểu biết, và do đó họ có thể trở lại?

M: Ông biện hộ hay quá! Người khác có thể biết nhiều hơn ông, vì sao lại đặt họ ngang hàng với ông? Ông đã xúc phạm một cách nghiêm trọng khi đặt những người này ngang với tầm trí tuệ của ông. Cứ lo cho ông, đừng bận tâm đến người khác. Vì sao ông lại lo lắng cho người khác khi ông không biết chính mình một cách rốt ráo?

H: Có một sự liên kết nào đó ràng buộc chúng tôi với nhau.

M: Đừng bao giờ phê phán người khác.

❁ ❁ ❁

Sáng ngày 30 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Như một người tiếp tục đi làm mỗi ngày vì muốn nhận được tiền lương, các ông tiếp tục đến đây vì muốn có được cái biết. Một khi có được cái biết này, các ông không cần thiết phải lưu lại lâu hơn.

Các ông không muốn rời đây cho đến khi nào có được cái biết đó; tuy nhiên, chỉ những người ở lại mới là những người cảm thấy vô cùng cấp bách để biết.

[Maharaj yêu cầu một số người ra về]

Ta không muốn những người tìm đạo một cách hời hợt lưu lại đây nữa. Chỉ những ai ở lại bây giờ là những người thực sự quan tâm đến tiến bộ tâm linh, là những người cầu đạo một cách thành khẩn.

Nếu là người cầu đạo thành khẩn, các ông hãy chấp nhận lời Ta nói là chân lý, bằng không thì nên ra về vì Ta không muốn giúp vui các ông. Và Ta đang nói gì với các ông? Các ông không phải là thân xác. Các ông là sự hiện diện hữu thức. Hãy chấp nhận điều này và các ông có thể quên đi.

Trong tương lai, Ta không thể đi vào vấn đề của từng người trong các ông. Ta chỉ có thể bảo các ông “Điều này là hư giả”, hoặc “Điều này là chân lý”. Hoặc các ông chấp nhận những gì Ta nói, hoặc các ông ra về.

Người hỏi: Tôi không đủ khả năng chấp nhận những gì Maharaj cho tôi.

M: Nếu ông nghĩ không đủ khả năng thì ông có thể đi chỗ khác. Ta không quan tâm với bất cứ trạng thái nhất thời nào. Trạng thái ý thức này không phải sự lựa chọn của Ta. Nó ra đi càng sớm càng tốt. Một khi biết được cái gì là nhất thời, và cái gì là trạng thái nguyên thủy của một người thì không có cái biết nào thêm nữa là cần thiết.

Ngay khi ý thức bị khuấy động thì không gian và thời gian xuất hiện. Nó có một giới hạn thời gian. Trong cái không gian thời gian này mọi người đều đau khổ, như thế tại sao Ta lại chấp nhận sự đau khổ này là một cái gì đó duy nhất? Ta đã luôn luôn ở trong trạng thái an lạc, trọn vẹn và viên mãn, rồi đột nhiên Ta ở trong trạng thái bất toàn này.

Những ai đã quán triệt cái biết của Ta sẽ không làm mồi cho những lập luận hay sự hiểu biết tâm linh được người khác diễn giải. Ta giám nói với bất cứ học giả nào tự nhận là uyên bác rằng khi họ được sinh ra thì Ta đang quan sát sự ra đời của họ từ một nơi kín đáo. Liệu các ông có chấp nhận điều này?

H: Vâng. Nhưng tại sao ý thức lại sinh khởi?

M: Hãy bám lấy cái ý thức vừa đến này và nó sẽ giải thích tại sao nó đã sinh khởi mà không có nguyên nhân. Không ai khác có thể giải thích cho ông vì sao nó đã sinh khởi và đã sinh khởi như thế nào.

Chính ý thức thị hiện là cái thuyết giảng liên tục, Ta không hề thuyết giảng. Vì sao ngôn ngữ xuất hiện? Thế không phải vì những cố gắng của ông?

Nếu nắm được cốt lõi của những điều Ta thuyết giảng thì ông hiểu rõ thế giới.

Những ai bôn ba đây đó vô mục đích sẽ chẳng thu thập được gì. Cái gì là cái ông theo đuổi?

Eknath, một nhà hiền triết dân gian từng làm những bài thơ tuyệt tác, đã bảo: “Ta bị bọ cạp đốt!” Cái đốt ấy là gì? Nó là ý thức. Cái biết này là con bọ cạp đã cho Ta tất cả sự đau đớn dưới hình thức của vô số kinh nghiệm và khái niệm.

Ta nói với ông trong thẩm quyền của một người giác ngộ: tất cả đều không thật.

Tất cả chỉ là vở kịch vì do ý thức của ông, và ý thức của ông là do thân xác được cấu thành từ tinh chất của thực phẩm.

H: Tôi phải biết ơn thân xác đã đem tôi đến đây.

M: Ông đến đây chỉ để tự sát.

❁ ❁ ❁

Chiều ngày 30 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Một người đi tìm tâm linh chân chính thường xuyên suy gẫm những điều sau: Khi không có thân xác, Ta là cái gì? Thực tại Tối thượng là gì?

Trạng thái Tối thượng không thể giải thích được bằng ngôn từ. Ngôn từ chỉ là những gợi ý. Ông là cái tuyệt đối, bất biến đó. Ý thức, hay cái biết, thì chung nhất và chỉ có một. Khi ông ở trong trạng thái ý thức đó, tất cả chỉ là một, như nhau, chỉ có những thể hiện là khác biệt.

Bất cứ gì bị hao mòn, cạn kiệt đều không thật. Cái biết của ông vào đúng thời điểm sẽ bị hao mòn, sẽ biến mất, như vậy nó không thể là thật; nhưng ông không thể xua đuổi nó, mà ông phải hiểu nó một cách rốt ráo.

Hiện có vô số vấn đề trong các tương quan của ông với thế giới này vì ông có liên quan với hơi thở của sự sống. Giả sử như hơi thở đó ra đi. Lúc đó chuyện gì xảy ra đối với tất cả những tương quan của ông với thế giới?

Cái biết vừa được dẫn giải này sẽ không bị uổng phí, nhiều người đã vận dụng nó. Rồi đến lúc họ cũng sẽ giác ngộ, và họ sẽ lại dẫn giải cái biết.

Trạng thái của người giác ngộ lúc nào cũng thế dù có hay không có thân xác. Ông phải thiền quán, ông không được làm mất đi những gì ông đã học được.

Khi không còn đồng hóa với thân xác thì một người không những vượt ra khỏi thân xác mà còn vượt ra khỏi cả ý thức, vì ý thức là sản phẩm của thân xác. Ý thức không còn nói “Ta Hiện Hữu”, “Ta Hiện Hữu”.

❁ ❁ ❁

Ngày 31 tháng 1 năm 1981

Maharaj: Ta chỉ nói về hai điều: Diện mạo của ông là gì và cái gì là sự tin tưởng của ông về cái mà ông là? Những vấn đề này không thể được bàn luận với mọi người. Ta chỉ nói về hai vấn đề này với những ai trong các ông thực sự thành khẩn. Có những người có rất nhiều trí tuệ nhưng vẫn chưa giải quyết được điều bí ẩn của cái biết “Ta Hiện Hữu”.

Người hỏi: Trong 10 năm qua các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng nếu họ không quan sát các phản ứng của các hạt nguyên tử thì các phản ứng vẫn như thế. Nếu họ quan sát những phản ứng đó thì có sự thay đổi. Chính hành vi quan sát gây ra sự thay đổi trong cái được quan sát.

M: Người quan sát cũng thay đổi. Những gì được quan sát đem lại sự thay đổi trong người quan sát, và nếu sự thay đổi đó không được tạo nên trong người quan sát thì người quan sát không thể quan sát đối tượng; vì thế, một người không bao giờ có thể đạt đến tận đáy sâu của tâm linh.

Khi ông biết một cái gì đó như một cá nhân, ông đặt ông ở vị trí nào? Ý thức là cái biết, sự biết, và cái bị biết.

Ông chỉ gãi cào trên bề mặt. Điều đó chẳng ích lợi gì cho ông. Những gì ông nghe phải xuyên suốt qua ông như một mũi tên và chạm đúng vào một cái gì sâu kín trong ông.

Phải có một phản ứng nội tại; nếu không có phản ứng đó thì những gì ông nghe được chẳng đem lại lợi lạc gì cho ông. Chắc chắn ông phải biết điều đó khi mũi tên trúng đích.

❁ ❁ ❁

Ngày 2 tháng 5 năm 1981

Người hỏi: Thoát ra khỏi hấp lực của sự đồng hóa chính mình với thân xác này quả thật là khó.

Maharaj: Ông phải tìm ra thân xác này là cái gì, lúc đó thì công việc hoàn tất.

Thoạt tiên thân xác này rất nhỏ bé. Ý thức xuất hiện trong thân xác, rồi thân xác nhỏ bé phát triển thành một thân xác lớn hơn.

Cái thân nhân quả (causal body) rất nhỏ bé đó cần phải được biết rõ. Bằng thiền quán ông có thể biết nó. Tính chất của thân nhân quả đó tiếp nhận sự xuất hiện của ý thức và hình tướng. Trong thế giới này có rất nhiều chủng loại, với đủ mọi kích thước; lúc đầu kích thước của mỗi chủng loại như thế nào?

Ngay lần đầu tiên ông cảm thấy biết thì ý thức không tĩnh; nó là một trạng thái liên tục, giống như một bánh xe chuyển động. Trung tâm của bánh xe, tức trục xe, thì không chuyển động. Khi ông di chuyển từ trung tâm trục xe ra ngoại vi thì chuyển động tăng dần, có phải thế không? Tương tự như thế, sự khởi đầu của ý thức cũng giống như trung tâm của bánh xe, điểm không thay đổi, bất biến. Trong con người nó là nguyên lý bất biến. Từ ngày Ta được sinh ra cho đến khi chết đi, nguyên lý ý thức đó luôn luôn có tại trung tâm đó. Khi ông hội nhập vào thế giới, sự chuyển động gia tăng. Quan sát cái tâm điểm đó, quan sát sự chuyển động của ý thức. Chaianya và Chetana, cái tâm điểm bất động của bánh xe quan sát sự chuyển động của ý thức. Cái quan sát sự chuyển động thì hầu như bất động.

Để tạo ra các hoạt động của thế giới – sự chuyển động – ý thức phải đi xuống. Nếu không có ý thức thì không có chuyển động trong thế giới.

Tương tự như thế, ông phải trở nên an định trong một vị trí ít động hơn, gần tâm điểm. Khi ông xa lìa tâm điểm đó, cái động sẽ xâm chiếm.

❁ ❁ ❁

Ngày 7 tháng 2 năm 1981

Người hỏi: Tôi trở nên biết rõ hơn cái “Ta Hiện Hữu” của tôi chỉ là sản phẩm của thân xác thực phẩm.

Maharaj: Ông phải là cái nguyên lý trước khi có sự sinh khởi của từ ngữ “Ta”. Giả sử như Ta bị một vết chích ở đây – cái nguyên lý có trước sự sinh khởi của ngôn từ biết đã có một vết chích. Trước khi có ngôn từ và cảm thọ là ông.

H: Làm sao có thể biết và cảm thọ cái Tuyệt Đối?

M: Cái biết, hay hiểu này là trong cõi giới của ý thức. Bất cứ gì ông nói là ông biết và ông cảm nhận đều là ý thức. Cái Tuyệt Đối ở ngoài ý thức.

H: Trong thực hành, làm sao chúng tôi có thể đi xa hơn?

M: Chỉ cần giải quyết ý thức, biết ý thức một cách tường tận. Đó là tất cả những gì có thể làm. Sau đó, mọi chuyện tự xảy ra, người làm không còn nữa.

Biết rõ ý thức từ trong ra ngoài, nhận ra nó vô dụng, và chỉ là một trò hư huyễn.

Khi vượt ra khỏi ý thức, ông sẽ nói: “Ta có thể xoay sở mà không cần có nó. Nó là cái bất hoàn hảo!” Vì thế, hãy thiền quán để biết rõ ý thức.

H: Tôi chưa bao giờ có thể thiền quán.

M: Khi ông không biết cái thông điệp “Ta Hiện Hữu” này ông đã hành hoạt như thế nào? Câu hỏi mà Ta đặt ra, không ai có thể trả lời. Tất cả học giả thông thái các ông, những người có kiến thức uyên bác, đều đã nhập vào cõi giới của sự yên lặng.

H: Các câu hỏi của tôi đã được trả lời.

M: Khi vấn đề của ông được giải quyết, thì ông cũng được giải quyết. Ta muốn ông an định ở ranh giới giữa ý thức và vô thức đó.

❁ ❁ ❁

Ý thức và cái Tuyêt đối – Sri Nisargadatta Maharaj
Ảnh: Jongsun Lee on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x