Trang chủ » Chương 3. Công Tôn Sửu Thượng

Chương 3. Công Tôn Sửu Thượng

by Hậu Học Văn
1142 views

CÔNG TÔN SỬU, PHẦN TRƯỚC

1. Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Thầy được chức vị ở nước Tề, công nghiệp của Quản Trọng, Yến Tử có thể hứa hẹn được lặp lại chăng?”

Mạnh Tử nói: “Ngươi thật là người nước Tề, nên chỉ biết Quản Trọng, Yến Tử mà thôi. Có người đã hỏi Tăng Tây: ‘Nhà thầy với Tử Lộ, ai hơn?’ Tăng Tây bối rối trả lời: ‘Tiên tổ của ta (Tăng Sâm) còn phải nể sợ ông ấy.’

“Người ấy nói: ‘Phải, thế nhà thầy với Quản Trọng, ai hơn?’ Tăng Tây bực mình không vui, nói: ‘Ngươi sao lại so sánh ta với Quản Trọng? Quản Trọng được vua dùng, dường như đó là khả năng riêng của ông ấy; thi hành việc nước dường như đó là việc đã quen lâu rồi; công lao rỡ ràng dường như đó là cách thức thấp hèn. Ngươi sao lại so sánh ta với ông ấy?’”

Mạnh Tử nói: “Đối với Quản Trọng, Tăng Tây chẳng làm theo ông ấy, mà ngươi sao bảo ta mong muốn theo ông ấy?”

Công Tôn Sửu nói: “Quản Trọng đem vua lên bậc Bá chủ, Yến Tử làm cho vua được vẻ vang. Quản Trọng, Yến Tử còn chẳng đủ để làm theo ư?” Mạnh Tử nói: “Làm cho nước Tề thịnh vượng, giống như trở tay thôi.”

Công Tôn Sửu nói: “Như thế thì đệ tử ngờ vực nhiều lắm. Vả lại, Văn Vương đức hạnh là thế, trăm năm sau mới mất, mà còn chưa kết hợp được thiên hạ. Vũ Vương, Chu Công tiếp nối, về sau mới nên việc lớn được. Lời nói ngày nay của thầy làm cho thịnh vượng ví bằng dễ dàng như thế, thì Văn Vương chẳng đủ để bắt chước ư?”

Mạnh Tử nói: “Làm sao có thể sánh kịp Văn Vương được? Từ vua Thang đến vua Võ Đinh, các vua hiền thánh xuất hiện sáu, bảy vị. Thiên hạ theo về nhà Ân đã lâu rồi; lâu thì khó mà thay đổi. Vua Võ Đinh mời chư hầu vào triều, có thiên hạ giống như điều động bàn tay. Vua Trụ cách xa vua Võ Đinh chưa lâu. Những gia tộc cố cựu, những thói tục còn sót, những phong hoá còn truyền, những việc chính trị tốt vẫn còn tồn tại. Lại có Vi Tử, Vi Trọng, Vương tử Tỷ Can, Cơ Tử, Giao Cách đều là những bậc hiền, cùng nhau hỗ trợ. Cho nên lâu về sau mới mất. Một thước đất nào chẳng phải của vua Trụ; một người dân nào chẳng phải bề tôi ông ấy? Vậy nên Văn Vương do mảnh đất trăm dặm khởi lên, chiếm lấy thì khó khăn.

“Người nước Tề có câu nói: ‘Tuy có trí sáng suốt, chẳng bằng thừa thế; tuy có nông cụ, chẳng bằng đợi thời.’ Thời nay thật dễ dàng vậy.

“Lúc thịnh trị của các vua nhà Hạ, nhà Ân, nhà Chu, đất đai chưa quá ngàn dặm. Thế mà nước Tề có được đất đai thế này. Gà gáy, chó sủa đều được nghe thấy khắp cả bốn phương. Nước Tề lại có dân chúng. Đất đai không cần thay đổi, đã mở mang rồi; dân chúng không cần tăng thêm, đã đông đúc rồi. Thi hành chính trị nhân đạo mà nên nghiệp vương, chẳng có gì ngăn cản nổi.

“Vả lại, bậc minh quân không xuất hiện, chưa có thời nào từ xa xưa đến giờ như vậy. Dân khô héo vì cai trị tàn bạo, chưa từng có thời nào thậm tệ như vậy. Người đói thì dễ dãi với thức ăn, kẻ khát thì dễ dãi với đồ uống. Khổng Tử nói: ‘Sự lưu hành của đức hạnh còn nhanh hơn mệnh lệnh truyền rao do cách thông tin bằng người chạy, ngựa ruổi.’ Trong thời buổi nay, nước có vạn xe trận mà thi hành chính trị nhân đạo, dân sẽ vui mừng, giống như được cởi khỏi nạn treo ngược. Cho nên, công việc chỉ bằng nửa của người xưa, thành công ắt gấp nhiều hơn. Duy có thời buổi này được như vậy thôi.”

BÌNH GIẢI:

Công Tôn Sửu, thuộc dòng dõi công tộc nước Tề, là học trò của Mạnh Tử. Vì là người Tề, Công Tôn Sửu rất coi trọng sự nghiệp của Quản Trọng và Yến Tử.

Quản Trọng tức là Quản Di Ngô, làm Tướng quốc nước Tề trước thời Khổng Tử. Ông có tài dùng người và khéo liệu việc, cho nên đã làm cho nước Tề được thịnh vượng, đưa Tề Hoàn Công lên bậc Bá chủ chư hầu.

Yến Tử tức là Án Anh, người đồng thời với Khổng Tử, làm Tướng quốc nước Tề dưới triều Tề Cảnh Công. Ông có nếp sống giản dị, tiết kiệm, chăm chỉ, có tính khiêm cung, có tài ăn nói, đã giúp vua Tề được vẻ vang trên trường chính trị thời Xuân Thu.

Công Tôn Sửu muốn biết thầy Mạnh Tử có khả năng lặp lại sự nghiệp của Quản Trọng, Yến Tử không, nếu được trọng dụng tại đất Tề.

Thấy học trò không hiểu được lý tưởng chính trị của mình, Mạnh Tử đã khéo léo đem chuyện Tăng Tây ra nói để bày tỏ quan điểm.

Tăng Tây là cháu nội của Tăng Tử (Tăng Sâm), một trong mấy cao đệ của Khổng Tử ngày trước, Tăng Tây không dám sánh mình với Tử Lộ, nhưng lại không phục Quản Trọng, bởi vì ông nhận thấy Quản Trọng có những hành động thấp hèn. Quản Trọng vốn là nhà chính trị thuần túy, chứ không phải nhà đạo đức, cho nên ông chỉ nghĩ cách hành động sao cho đạt kết quả thực tiễn. Để công quỹ được đủ dùng, Quản Trọng đã khuyên Tề Hoàn Công sử dụng biện pháp vô đạo đức: “Cất ba trăm nhà nữ lưu (lầu xanh) cho các khách buôn bán đi lại tụ họp ở đó mà đánh thuế.Thấy Tề Hoàn Công xa xỉ, tiếm phạm các nghi dụng của Thiên tử nhà Chu, “Quản Trọng cũng đắp một cái đài cao ba tầng gọi là ‘Tam qui’, nghĩa là cả ba hạng người: nhân dân, chư hầu, mọi rợ đều tùng phục mình cả. Lại còn lập ra Tắc môn để che cửa, Phản điếm để tiếp sứ thần các nước.[24]Đã xa xỉ, tự cao như thế, Quản Trọng còn ngụy biện với Bảo Thúc Nha: “Việc làm của tôi cũng chỉ vì Chúa công mà muốn chia cái tiếng chê cười của thiên hạ đó.

Tuy khiến nước Tề cường thịnh nhưng cách làm của Quản Trọng có điểm trái đạo lý và kiêu mạn, không hợp với lý tưởng của đạo Nho; cho nên Tăng Tây đánh giá là thấp hèn và không chịu sánh mình với Quản Trọng.

Đức Khổng, mặc dầu khen Quản Trọng có công với dân Trung Hoa, tránh được sự xâm lăng của người Di Địch, nhưng cũng chê Quản Trọng có khí độ nhỏ mọn: “Quản Trọng chi khí tiểu tai!” (Luận Ngữ, Bát dật), nhỏ mọn vì không tiết kiệm và không biết lễ vì tiếm dụng nghi lễ dành cho vua (xây lầu Tam qui, lập ra Tắc môn và Phản điếm). Quản Trọng tỏ ra khoe khoang, hãnh diện, xa xỉ và tự cao. Đó là khí độ của hạng tiểu nhân, chứ không phải khí độ của hiền nhân quân tử.

Kể chuyện Tăng Tây, Mạnh Tử cho Công Tôn Sửu thấy Quản Trọng không phải là tấm gương tốt cho ông theo. Mạnh Tử có ý nguyện làm hơn Quản Trọng nữa kìa.

Dù sao, Công Tôn Sửu vẫn cho rằng Quản Trọng cũng có công giúp nước Tề thu phục được các nước chư hầu một thời; còn Yến Tử đã làm cho Tề Cảnh Công được vẻ vang.

Mạnh Tử quả quyết: “Làm cho nước Tề thịnh vượng giống như trở tay thôi.”

Trước lời nói quá tự tin của thầy, Công Tôn Sửu đâm ngờ vực, bèn nêu ý kiến: Tài đức như Văn Vương mà suốt đời cũng không dám đánh Trụ, gồm thâu thiên hạ. Nay thầy nói nên nghiệp vương (gồm thâu thiên hạ) dễ như trở tay, chẳng hoá ra Văn Vương kém lắm, chẳng đáng bắt chước sao?

Mạnh Tử phân giải: Dĩ nhiên về tài đức, chẳng ai sánh kịp Văn Vương. Nhưng sở dĩ Văn Vương không thu phục thiên hạ của nhà Thương Ân được, bởi vì từ vua Thành Thang tới vua Võ Đinh, nhà Thương Ân có tới sáu vị minh quân vào bậc hiền thánh. Đó là: Thành Thang (1783-1754), Thái Giáp (1753-1721), Thái Mậu (1637-1563), Tổ Ất (1525-1507), Bàn Canh (1401-1374) và Võ Đinh (1324-1266).[26] Vì thế, nhà Thương Ân đã thu phục được nhân tâm từ lâu. Những gia tộc cố cựu và những phong tục, những nếp cai trị tốt của nhà Thương Ân vẫn còn tồn tại ít nhiều trong dân chúng. Vua Trụ tuy vô đạo nhưng thời gian cai trị chưa xa cách vua Võ Đinh là bao nhiêu. Vua Trụ lại có nhiều hiền thần hỗ trợ như Vi Tử, Vi Trọng, Vương tử Tỷ Can, Cơ Tử, Giao Cách. Trước tình thế ấy, uy tín vua Trụ vẫn còn vững, dân chúng chưa bỏ nhà Ân hẳn. Do đó, Văn Vương phải bó tay chịu ngồi tù ở ngục Dữu Lý mà chờ thời. Phải đợi đến khi vua Trụ quá tàn bạo, Vi Tử bỏ nước ra đi, Cơ Tử bị đày làm nô bộc, Tỷ Can bị moi tim… dân chúng oán ghét cực độ, các chư hầu chẳng còn tín nhiệm, ủng hộ, bấy giờ Vũ Vương và Chu Công mới diệt Trụ, gồm thâu thiên hạ được.

Cách ngôn nước Tề nói: “Tuy có trí sáng suốt, chẳng bằng thừa thế; tuy có nông cụ, chẳng bằng đợi thời.” Trường hợp của Văn Vương và Vũ Vương ứng vào câu cách ngôn đó. Văn Vương có tài đức, có trí sáng suốt, nhưng chưa có cơ hội, chưa hội đủ thế lực. Vũ Vương nhờ thừa thế của các chư hầu hưởng ứng mà có thể hội binh ở Mục Dã để oanh liệt chiến thắng. Cũng vậy, nhà nông tuy có nhiều cày bừa tinh xảo, nhưng thiếu mưa trời, cũng không thể cày cấy thành công được. Người canh nông giỏi là người biết đợi thời: thời nào nghỉ ngơi, thời nào nên gieo, thời nào nên gặt… mới thu đạt kết quả tối đa.

Tương tự như thế, nước Tề nay đã có thời cơ ấy: nước Tề có đất đai rộng lớn như đất đai của nhà Hạ, nhà Ân, nhà Chu. Dân chúng đông đúc, kinh tế phát triển thịnh mậu; khắp nước đâu đâu cũng rộn rã tiếng gà kêu, chó sủa… Lâu nay, suốt thời Xuân Thu sang Chiến Quốc, mấy trăm năm trời không có một bậc minh quân nào ra đời. Toàn thể thiên hạ trong các nước chư hầu lầm than, khốn khổ như bị nạn treo ngược, chỉ trông ngóng có một vị minh quân, thánh chúa xuất hiện, cứu vớt dân khỏi cảnh nước lửa. Nay nếu vua Tề thi hành nền chính trị nhân đạo, tu sửa chính mình theo thiên lý, lấy dân làm gốc, lấy hạnh phúc của dân làm mục đích; vua Tề ắt là vị minh quân mà mọi người mong mỏi đã lâu. Như vậy, dân chúng khắp nơi sẽ ùn ùn hướng về nước Tề mà tùng phục, mà chờ lệnh… ai mà ngăn cản được.? Thế có phải là xây dựng nghiệp vương, thu phục thiên hạ, làm cho thiên hạ thịnh trị thái bình dễ như trở bàn tay không?


2.
Công Tôn Sửu hỏi rằng: “Thầy tham gia vào hàng khanh tướng nước Tề, được thi triển đạo lý, do đó nghiệp bá vương thành tựu, chắc chẳng có gì lạ. Như thế, tâm thầy có xao động không?”

Mạnh Tử nói: “Không. Ta bốn mươi tuổi, tâm chẳng xao động.” Hỏi: “Như vậy, thì chắc thầy vượt xa Mạnh Bôn rồi?”

Đáp: “Điều đó không khó. Trước ta, Cáo tử tâm đã chẳng xao động.” Hỏi: “Tâm chẳng xao động, có đường lối nào không?”

Đáp: “Có. Thuật nuôi dũng khí của Bắc Cung Ẩu là chẳng chùng da, chẳng chớp mắt. Đối với một chút khuất nhục với người, hoặc như bị đánh ở chợ búa hay triều đình, ông chẳng chịu nhục trước người mặc áo thô rộng, cũng chẳng chịu nhục trước vị vua có vạn cỗ xe. Ông nhìn một vị vua có vạn cỗ xe bị đâm chết cũng như nhìn một kẻ mặc áo thô bị đâm chết. Ông không sợ các vua chư hầu. Nghe thấy lời nói xấu, ông chống lại ngay.

“Thuật nuôi dũng khí của Mạnh Thi Xá là: ‘Thấy sự thất bại cũng như sự thắng lợi. Ai cân nhắc kẻ địch rồi sau mới tiến lên, toan tính thắng được rồi sau mới vào cuộc; thế là người sợ chốn ba quân. Xá này há có thể chắc thắng sao? Có năng lực chẳng biết sợ mà thôi.’

“Mạnh Thi Xá giống Tăng Tử; Bắc Cung Ẩu giống Tử Hạ. Này, cái dũng của hai người ấy, chưa biết ai hơn. Tuy nhiên, Mạnh Thi Xá giữ được phần trọng yếu.

“Ngày xưa, Tăng Tử bảo Tử Tương rằng: ‘Ngươi thích dũng ư? Ta từng nghe Phu tử (Khổng Tử) nói về đại dũng. ‘Trở lại tự xét mình mà thấy chẳng ngay thẳng, dầu đối với người mặc áo thô rộng, ta chẳng lo sợ sao?

Trở lại tự xét mình mà thấy ngay thẳng, dầu có ngàn vạn con người, ta vẫn đi như thường.’ Cách gìn giữ dũng khí của Mạnh Thi Xá lại không bằng cách gìn giữ điều trọng yếu của Tăng Tử vậy.”

Hỏi: “Dám hỏi cách giữ tâm không xao động của thầy và của Cáo Tử có thể nghe được chăng?”

“Cáo Tử nói: ‘Cái gì không nói được nên lời, đừng tìm ở tâm; cái gì không tìm được ở tâm, đừng tìm ở khí lực.’ Cái gì không tìm được ở tâm, đừng tìm ở khí lực, điều đó có thể được; cái gì không nói được nên lời, đừng tìm ở tâm, điều đó không thể được. Này, ý chí là chủ sối của khí lực; khí lực là sự sung mãn của cơ thể. Này, ý chí là phần cao cả; khí lực là phần theo sau. Cho nên mới nói: Hãy giữ gìn ý chí, đừng làm hại khí lực.”

Thầy đã nói: “Ý chí là phần cao cả; khí lực là phần theo sau. Lại nói: Hãy giữ gìn ý chí, đừng làm hại khí lực. Đó là thế nào?”

Đáp: “Ý chí chuyên nhất về đâu, thì tác động đến khí lực; khí lực chuyên nhất về đâu, thì tác động đến ý chí. Nay có người ngã nhào hay chạy mau, đó là do khí lực; trở lại tác động đến tâm.”

“Dám hỏi: Thầy có những sở trường gì?”

Đáp: “Ta hiểu thấu lời người nói, ta khéo nuôi cái khí thuần nhiên lớn lao của ta.”

“Dám hỏi: Sao gọi là khí thuần nhiên lớn lao?”

Đáp: “Thật là khó nói. Cái khí ấy rất lớn lao, rất cứng rắn; lấy sự ngay thẳng nuôi nó mà không làm tổn hại, nó tràn đầy cả khoảng trời đất. Cái khí ấy phải kết hợp với điều nghĩa và đạo lý; không thế, nó sẽ hư hoại đi.

“Phải gom góp điều nghĩa, cái khí ấy mới sinh sôi; chẳng phải điều nghĩa lẻ loi (bất chợt) mà thu giữ được nó. Hành động mà chẳng có lòng biết ân hận, khí ấy sẽ hư hoại đi. Cho nên ta mới nói rằng Cáo tử chưa từng hiểu biết điều nghĩa, đã để cho khí ấy (hạo nhiên) ở bên ngoài mình thôi.

“Muốn có việc ấy (nuôi khí hạo nhiên), đừng muốn mau thành; tâm đừng bỏ quên, đừng mong nó lớn mạnh. Đừng giống như người nước Tống kia. Người nước Tống lo lắng về lúa mạ của anh không lớn, nên đã nhấc chúng lên. Trở về với vẻ phờ phạc, bảo người nhà rằng: ‘Hôm nay phát ốm rồi. Ta đã giúp cho mạ chóng lớn.’ Con cái của anh chạy đi xem. Mạ đã khô hết. Những kẻ chẳng giúp cho mạ chóng lớn trong thiên hạ thì ít thôi. Cho nên việc nuôi khí hạo nhiên là vô ích, mà buông bỏ thì giống như là không làm cỏ cho mạ vậy. Giúp cho khí hạo nhiên chóng lớn mạnh thì như nhấc mạ lên vậy; chẳng phải vô ích thì cũng có hại.”

“Thế nào gọi là hiểu lời người ta nói?”

Đáp: “Nghe lời nói lệch lạc thì biết có chỗ che giấu; nghe lời dâm tình thì biết có chỗ chìm đắm; nghe lời thối thác thì biết có chỗ cùng lý. Những điều ấy sinh ra ở tâm thì có hại cho nền chính trị. Những điều ấy phát khởi ở chính trị thì có hại cho việc làm. Thánh nhân mà sinh khởi trở lại, ắt nhận theo lời ta nói.”

“Tể Ngã, Tử Cống khéo nói lời biện thuyết. Nhiễm Ngưu, Mẫn Tử, Nhan Uyên khéo nói lời đức hạnh. Khổng Tử bao gồm cả hai, nói rằng: ‘Đối với lời văn hoa, ta chẳng có khả năng.’ Thế thì, thầy (Mạnh Tử) đã là thánh rồi chăng?”

Đáp: “Ôi, sao lại nói thế? Ngày xưa Tử Cống hỏi Khổng Tử rằng: ‘Thầy là Thánh rồi chăng?’ Khổng Tử nói: ‘Thánh, ta chẳng có khả năng. Ta học mà chẳng chán, dạy mà chẳng mỏi.’ Tử Cống nói: ‘Học không chán là bậc trí, dạy không mỏi là bậc nhân. Đã nhân lại trí, thầy là Thánh rồi.’ Này, Thánh, Khổng Tử còn chẳng nhận. Sao lại nói thế?”

“Ngày xưa, trộm nghe rằng: Tử Hạ, Tử Du, Tử Trương đều được một phần của Thánh nhân; Nhiễm Ngưu, Mẫn Tử, Nhan Uyên được đủ phần thánh mà nhỏ hơn. Dám hỏi thầy là thế nào trong hai loại đó?”

Đáp: “Hãy bỏ qua chuyện đó.”

Công Tôn Sửu nói: “Bá Di, Y Doãn, như thế nào?”

Đáp: “Không cùng đường lối (với ta). Chẳng phải vua mình, không phụng sự; chẳng phải dân mình, không điều khiển. Nước an trị thì tiến; nước loạn lạc thì thối; đó là Bá Di. Vua nào chẳng phải để phụng sự? Dân nào chẳng phải để điều khiển? Nước an trị thì tiến; nước loạn lạc cũng tiến (làm quan); đó là Y Doãn. Có thể nên làm quan, thì làm quan; có thể nên ngừng, thì ngừng; nên ở lâu, thì lâu; nên nhanh chóng, thì nhanh chóng; đó là Khổng Tử. Các vị ấy đều là Thánh nhân đời xưa. Ta chưa có khả năng hành xử như thế. Nhưng điều mong ước của ta là học theo Khổng Tử.”

“Bá Di, Y Doãn so với Khổng Tử, có ngang hàng chăng?”

Đáp: “Không. Từ khi con người sinh ra đến nay, chưa có ai như Khổng Tử.”

Hỏi: “Vậy các vị ấy có chỗ giống nhau chăng?”

Đáp: “Có. Nếu được làm vua một khoảnh đất trăm dặm, đều có thể khiến các chư hầu vào chầu, thu phục thiên hạ. Làm một điều bất nghĩa, giết một kẻ vô tội mà được thiên hạ thì đều không làm. Đó là chỗ giống nhau.”

Hỏi: “Dám hỏi chỗ khác nhau của các vị ấy.”

Đáp: “Tể Ngã, Tử Cống, Hữu Nhược có đủ trí khôn để hiểu biết Thánh nhân; các ông chẳng chịu ô nhục dua theo điều mình ưa thích.

“Tể Ngã nói: ‘Theo tôi thấy thì Phu tử còn vượt xa vua Nghiêu, vua Thuấn nữa.’

“Tử Cống nói: ‘Nhìn vào lễ tiết thì biết cách cai trị; nghe âm nhạc thì biết đức hạnh; theo dõi một trăm đời, cùng các vị vua của trăm đời, chẳng bao giờ sai. Từ khi con người sinh ra đến nay, chưa có ai như Khổng Tử.’

“Hữu Nhược nói: ‘Há chỉ có một hạng người sao? Kỳ lân đối với con thú chạy, phượng hoàng đối với con chim bay, Thái Sơn đối với gò đống, sông biển đối với vũng nước trên đường, cùng một loại vậy. Bậc Thánh nhân đối với người dân cũng là một loại. Ra khỏi đồng loại, vượt cao hơn quần chúng, từ khi con người sinh ra đến nay, chưa có ai sung mãn bằng Khổng Tử.”

BÌNH GIẢI:

Tâm xao động là tình trạng tinh thần không bình thường, gây ra sự xao xuyến, hồi hộp, hoặc lo lắng sợ hãi, hoặc phấn chấn, tự hào, kiêu căng, hoặc chán nản, thất vọng… Người thường mỗi khi gặp những cảnh ngộ khác thường không thể tránh được tình trạng tâm xao động.

Ở đây, Công Tôn Sửu muốn hỏi xem Mạnh Tử có xao động tâm không khi ngồi ở địa vị khanh tướng, đứng trên muôn người, được vua tôn trọng, được các quan đồng triều nể nang.

Mạnh Tử cho biết đến tuổi bốn mươi, ông không động tâm nữa. Đó là thành quả của một công phu tu luyện lâu dài và có phương pháp.

Vào thời Chiến Quốc, Mạnh Bôn là dũng sĩ nước Tề, không hề biết sợ sệt trước kẻ thù cũng như thú dữ; nhưng để có sự thanh thản trong tâm hồn thì Mạnh Bôn còn kém xa Mạnh Tử.

Mạnh Tử cho rằng giữ cho khỏi động tâm thì không khó; ngay Cáo tử, một đệ tử không mấy tiếng tăm cũng đã đạt được vào lúc chưa tới tuổi bốn mươi.

Trả lời cho Công Tôn Sửu về phương pháp dưỡng tâm cho khỏi xao động, Mạnh Tử nhắc tới mấy người tiêu biểu.

Kìa như Bắc Cung Ẩu, một người thuộc dòng công tộc nước Tề, đã có thuật giữ được can đảm chẳng rùng mình, chẳng chớp mắt, dù có bị nhục hình trước công chúng, trước triều đình. Đối với một người không có địa vị gì (mặc áo thô rộng) hay đối với một vị vua có đầy uy lực, ông tỏ ra bất khuất, luôn luôn có cái nhìn thản nhiên, không xao động. Nghe thấy một lời nói không hợp đạo lý (ác thanh), bất kể của ai, ông đều phản kháng liền.

Lại như Mạnh Thi Xá, một người giỏi chiến đấu, đã có thuật giữ được bình tâm trước thất bại cũng như thắng lợi; giữa chốn ba quân, ông cứ xông vào tấn công mà không biết sợ địch thủ, không tính chuyện được thua.

Cả hai người ấy đều có dũng khí, không biết động tâm, nhưng có khác nhau: Bắc Cung Ẩu chẳng chịu thua ai, Mạnh Thi Xá chẳng biết sợ dù thua hay thắng.

Trong hàng đệ tử của Đức Khổng có Tăng Tử học được phần trọng yếu của thuật đại dũng còn cao hơn Mạnh Thi Xá nữa. Nghĩa là ông học được ở Đức Khổng việc tự xét mình. Nếu xét thấy mình không ngay thẳng, dù đứng trước một kẻ tầm thường mặc áo thô rộng, mình cũng phải sợ; sợ người ta chê cười nhân cách phẩm giá của mình. Có biết sợ mới biết cải thiện. Nếu xét thấy mình đã ngay thẳng, tâm trí quang minh chính đại, dù đứng trước vua chúa, hoặc muôn vạn người, mình vẫn bình tâm, thảnh thơi tiến bước.

Như muốn tâm không xao động, phải biết nuôi dũng khí. Bắc Cung Ẩu và Mạnh Thi Xá đều có dũng khí phi thường, nhưng đó chỉ là dũng khí của kẻ thất phu. Còn dũng khí của Tăng Tử là dũng khí của bậc hiền nhân quân tử; đó mới là đại dũng.

Cáo tử cũng giữ được tâm không xao động, nhưng thuật nuôi khí giữ tâm của Cáo tử có phần thiếu sót. Cáo tử nói: “Cái gì không nói được nên lời, đừng tìm ở tâm; cái gì không tìm được ở tâm, đừng tìm ở khí lực.” Mạnh Tử cho rằng câu này chỉ đúng một nửa. “Cái gì không tìm được ở tâm, đừng tìm ở khí lực”; điều này đúng. Nghĩa là: khi tâm trí mình chưa hiểu rõ về một điều gì, chớ nên vận dụng khí lực để hành động. Chưa rõ mà làm sẽ dẫn đến những sai trái tai hại. “Cái gì không nói được nên lời, đừng tìm ở tâm”; điều này sai. Khi mình không nói được nên lời điều gì, không giải thích được minh bạch, tức là mình chưa hiểu rõ; nếu vậy cần phải dụng tâm suy nghĩ, tìm tòi thêm để hiểu cho rõ. Không dụng tâm suy nghĩ sẽ trở thành con người ù lỳ, tăm tối, không xứng danh người có học.

Như thế, cái tâm không xao động của Cáo tử mới là cái tâm kẻ lười biếng, không chịu suy nghĩ, chưa chuyên chú vào việc học tập.

Tình trạng tâm không xao động lệ thuộc vào ý chí. Ý chí vững mạnh thì tinh thần an nhiên tự tại, không xao động trước một biến cố nào. Nhưng ý chí lại có liên hệ mật thiết với khí lực. Tuy ý chí là chủ sối, là phần cao cả, khí lực là phần theo sau; khí lực thuộc về thể chất, ý chí thuộc về tinh thần; nhưng thể chất có sung mãn với khí lực dồi dào thì ý chí mới vững bền. Vì thế công phu tu luyện phải bao gồm hai việc đồng thời: giữ gìn ý chí và đừng làm hại khí lực. Học làm hiền nhân quân tử trước phải nuôi ý chí cao thượng với nguyện ước trở nên bậc thánh hiền và phục vụ nhân sinh, lại phải giữ gìn thể chất khoẻ mạnh sung mãn, đừng làm điều gì khiến thân thể khí lực suy bại. Khi có ý chí cao thượng chuyên nhất, khí lực không dễ bị phân tán vào những hành vi xấu.

Khi thân thể khoẻ mạnh, khí lực sung mãn, ý chí dễ được bảo tồn, không bị cùn nhụt vì bệnh hoạn. Lấy hình ảnh thuỷ điện lực mà hình dung thì ý chí là điện năng, khí lực là nguồn nước dự trữ trong bờ đập. Bờ đập bị vỡ, nguồn nước hao thoát, không thể có điện năng. Cũng vậy, thân thể bị suy nhược vì đời sống phóng túng, trác táng, ý chí cao thượng bị mất.

Sau khi nghe Mạnh Tử luận về ý chí và khí lực, Công Tôn Sửu muốn nghe thêm về sở trường của thầy trong công phu tu tập.

Sở trường của Mạnh Tử là: hiểu thấu lời người nói (tri ngôn) và khéo nuôi cái khí thuần nhiên lớn lao (thiện dưỡng hạo nhiên chi khí).

Thế nào là khí hạo nhiên (khí thuần nhiên lớn lao)?

Khí hạo nhiên là một thể siêu hình nên rất khó dùng ngôn ngữ diễn đạt. Chỉ biết khí ấy vốn có sẵn trong con người, nên nói là thuần nhiên; khí ấy lại có thể được khuếch đại, nên nói là lớn lao (hạo). Khí hạo nhiên cần phải được nuôi, nếu không nó bị suy tàn, lịm tắt. Muốn nuôi nó cần phải có tư tưởng, hành động và ngôn ngữ ngay thẳng; nếu ai suy nghĩ, hành động và nói năng những điều xấu, những điều sai trái, ngược đạo lý thì khí hạo nhiên không thành tựu được. Là năng lực siêu hình cho nên khí hạo nhiên không bị ranh giới nào ngăn chặn; nó vượt qua không gian, thời gian, lan tỏa một cách diệu kỳ bao trùm cả trời đất. Khí hạo nhiên kết hợp với điều nghĩa và đạo lý có thể tác động rất lâu dài trong không gian bao la. Sở dĩ Khổng Tử, Mạnh Tử và các vị thánh hiền khác có thể gây ảnh hưởng rộng lớn trong thời đại của các ngài và gây ảnh hưởng sâu đậm xuyên suốt lịch sử nhân loại trên 2.000 năm cho tới nay và muôn đời sau là do các ngài đã thành tựu khí hạo nhiên. Ngày nay, những con người có thành tâm thiện chí trên khắp thế giới, khi đọc những lời của các ngài truyền lại dường như được tiếp nhận một dòng điện khí siêu nhiên làm chấn động tâm hồn để rồi bắt chước ít nhiều hành vi của các ngài theo quy luật cộng hưởng hay quy luật “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (Kinh Dịch).

Muốn cho khí hạo nhiên sinh sôi nảy nở, người ta phải gom góp điều nghĩa. Điều nghĩa tạo nên khí hạo nhiên cũng tương tự những hạt phù sa lắng đọng lâu ngày tạo thành bình nguyên màu mỡ tươi mát. Phải kiên trì làm điều nghĩa bất kể lớn nhỏ lâu ngày, chứ không phải chỉ làm điều nghĩa theo ngẫu hứng bất chợt để lấy tiếng tăm nhất thời. Làm điều nghĩa tức là làm mọi điều cho tha nhân theo tiếng nói của lương tâm với châm ngôn khuôn vàng thước ngọc: “Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – 己所不欲,勿施於人。” (Điều gì mình không muốn, chớ làm cho người). Nếu hành động sai mà không biết ân hận (bất khiểm ư tâm), khí hạo nhiên sẽ hư hoại, không thành tựu được. Cáo tử không thành tựu khí hạo nhiên (để nó ở ngoài mình) bởi vì ông chưa từng hiểu biết điều nghĩa (vị thường chi nghĩa).

Hơn nữa, trong việc nuôi khí hạo nhiên, cần phải dùng phương pháp tiệm tiến, không thể vội vàng muốn mau chóng thành công. Đừng bắt chước người nước Tống kia, muốn cho mạ chóng lớn, lại nâng nhấc cao lên; đã nhọc sức mất công mà còn làm cho mạ khô chết. Tuy đó là một việc ngu dại ai cũng biết, nhưng chuyển sang việc nuôi khí hạo nhiên thì vô số người tiến hành theo kiểu người nước Tống như vậy. Số người khôn ngoan biết cách nuôi khí hạo nhiên bằng sự nhẫn nại tiệm tiến lại quá ít. Vì thế số người thành tựu khí hạo nhiên trong nhân loại chẳng có là bao. Đa phần nhân loại đều rơi vào hai cực đoan:

Một là không nuôi khí hạo nhiên, cho đó là vô ích.

Hai là nuôi khí hạo nhiên theo cách cấp tốc, muốn mau thành tựu. Không nuôi khí hạo nhiên giống như gieo mạ, cấy lúa mà không làm cỏ.

Giúp cho khí hạo nhiên mau lớn mạnh giống như nhấc mạ cao lên. Cả hai đường lối đó đều không thể giúp con người trở nên hiền nhân quân tử được.

Ngoài việc khéo nuôi khí hạo nhiên, Mạnh Tử còn có khả năng hiểu thấu lời người nói. Ông phân giải với Công Tôn Sửu: khi tiếp xúc với ai, nghe người ấy nói năng lệch lạc, không thuận lý thì biết rằng người ấy có chỗ muốn che giấu, không muốn tỏ bày sự thật. Nghe người nào nói lời dâm ô thì biết tâm hồn người ấy đang chìm đắm trong sắc dục. Nghe người nào nói có ý thối thác, tránh né thì biết người ấy chưa hiểu tận cùng sự lý.

Những điều ấy thoát ra từ miệng những người đương nhiệm việc nước thì có hại cho việc chính trị. Trong triều đình, nội các và các công sở, giữa vua quan và các công chức cai trị mà xuất hiện những điều ấy (lời lệch lạc, lời dâm ô, lời thối thác) thì việc nước sẽ hỏng. Do đó, đất nước sẽ rối loạn, dân chúng sẽ khốn cùng.

Mạnh Tử cho rằng những nhận định của ông là sự thật không thể chối cãi; các bậc thánh nhân xưa như Khổng Tử có sinh trở lại cũng phải công nhận là đúng.

Công Tôn Sửu nhắc lại khả năng biện thuyết của Tể Ngã, Tử Cống, khả năng truyền bá đức hạnh của Nhiễm Ngưu, Mẫn Tử, Nhan Uyên, tài năng kiêm toàn của Khổng Tử; sau đó cho rằng với những sở trường của Mạnh Tử, thầy tỏ ra xứng đáng là một bậc thánh chăng.

Mạnh Tử dứt khoát từ chối lời khen tặng đó, bởi vì tổ sư trong Nho giáo là Khổng Tử cũng không dám tự nhận như vậy.

Thấy Mạnh Tử khiêm nhường không nhận mình là thánh, Công Tôn Sửu lại muốn so sánh thầy với hai nhóm đệ tử của Đức Khổng: Tử Hạ, Tử Du, Tử Trương và Nhiễm Ngưu, Mẫn Tử, Nhan Uyên. Công Tôn Sửu muốn biết trình độ của thầy có thể sánh với nhóm nào trong hai nhóm trên. Mạnh Tử đã thẳng thắn gạt đi, bởi vì người chuyên tâm cầu đạo không nên tự so sánh mình với ai, nhất là so sánh với những bậc hiền nhân quân tử đã thành danh trong đời.

Để hiểu biết thêm về các danh nhân xưa, Công Tôn Sửu đã hỏi Mạnh Tử về Bá Di và Y Doãn. Bá Di là con trai lớn của vua nước Cô Trúc, đã cùng với người em thứ ba là Thúc Tề bỏ vào núi Thú Dương ẩn dật bởi vì không đồng quan điểm với Vũ Vương diệt Trụ. Y Doãn vốn là một ẩn sĩ, cày ruộng ở đất Hữu Sằn, đã giúp vua Thành Thang dựng nên nghiệp Vương.

Mạnh Tử cho biết: Bá Di là một hiền nhân khảng khái, trung nghĩa; nước an trị thì ra làm quan, nước loạn lạc thì rút lui. Y Doãn cũng là hiền nhân, nhưng có thái độ khác hẳn Bá Di. Ông có thể phụng sự bất cứ ông vua nào, điều khiển bất cứ dân nào, miễn là vua ấy xứng đáng và biết thương dân. Nước an trị cần đến, ông ra làm quan; nước loạn lạc, ông vẫn làm quan để cố gắng đem trị an đến cho đất nước.

Còn Khổng Tử thì thông đạt thức thời hơn. Ngài chủ trương “Vô khả, vô bất khả” (chẳng phải nên, chẳng phải không nên). Ngài tùy thời tiến thối; trường hợp nào đáng ở lâu, đi chậm, khi nào đáng ở chóng, đi nhanh, ngài đều thích ứng đúng thời. Ngài hành động theo châm ngôn: “Quân tử kiến cơ nhi tác” (người quân tử nhìn ra điềm máy động báo trước thì hành động).

Mạnh Tử tự nhận mình chưa có khả năng hành xử như ba vị thánh ấy nhưng có ước nguyện bắt chước Khổng Tử.

Bá Di, Y Doãn, Khổng Tử tuy có những điểm khác nhau nhưng có điểm chung là: nếu gặp thời, được làm vua, chỉ một nước nhỏ bé trăm dặm đất, tài năng của các ngài có thể khiến cho các chư hầu quy phục, thiên hạ thái bình.

Đức hạnh của các ngài vượt trên người phàm: dù làm một điều bất nghĩa hay giết một kẻ vô tội mà nên nghiệp vương thống trị thiên hạ, cũng không làm.

Bàn đến chỗ khác nhau giữa các cổ thánh ấy, Mạnh Tử trích dẫn lời nhận xét của ba đệ tử của Khổng Tử là Tể Ngã, Tử Cống, Hữu Nhược. Các ông ấy đều khen ngợi Khổng Tử là người phi thường vượt xa vua Nghiêu, vua Thuấn, một người gồm đủ tài đức siêu quần bạt tuỵ.

3. Mạnh Tử nói: “Người lấy sức mạnh nói giả là nhân nghĩa, tức là bậc bá; bậc bá ắt cần nước lớn. Người lấy đạo đức mà thi hành nhân nghĩa, tức là bậc vương; bậc vương không đợi phải có nước lớn. Vua Thang dựng nghiệp từ bảy mươi dặm đất; Văn Vương dấy nghiệp từ một trăm dặm.

“Lấy sức mạnh khuất phục người, người ta chẳng tâm phục, chẳng qua sức không đủ [chống lại] mà thôi. Lấy đạo đức khuất phục người, người ta vui vẻ trong lòng mà thành thật khâm phục, như bảy mươi đệ tử phục Khổng Tử vậy.

“Kinh Thi rằng: ‘Từ tây, từ đông, từ nam, từ bắc, không nơi nào mà chẳng khâm phục.’ Lời thơ ấy đã nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Thời Xuân Thu có Ngũ Bá. Bá chủ là một vị vua chư hầu lấy sức mạnh quân sự, vũ khí để bắt dân chúng phải tùng phục mình, ép buộc các nước khác phải phụ thuộc mình. Tuy nhiên, Bá chủ vẫn rêu rao, tuyên truyền là thi hành nhân nghĩa, thi ân bố đức cho dân, che chở bảo vệ nước yếu. Vì giả dối như vậy, cho nên muốn làm bá chủ phải có một nước lớn, dân chúng đông đúc, tài nguyên dồi dào. Có như thế, Bá chủ mới đủ quân lực, khí tài để ép buộc mọi người nghe theo mình. Đường lối cai trị và chinh phục theo cách ấy gọi là bá đạo. Từ thời Xuân Thu, Chiến Quốc cho đến đời Tần Thủy Hoàng và các đời sau, bá đạo vẫn là đường lối cai trị được vận dụng thường xuyên.

Trái lại, bậc Vương là người lấy đạo đức thi hành nhân nghĩa với mọi người. Dùng đức trị, nhân trị thì không phải đợi có nước lớn, dân đông. Lịch sử cổ đại cho biết, vua Thành Thang chỉ có bảy mươi dặm đất, vua Văn Vương chỉ có một trăm dặm đất; nhưng nhờ đạo đức nhân nghĩa mà xây dựng nên nghiệp vương.

Dùng sức mạnh quân sự tấn công ồ ạt thì có thể phá được thành, giết được cả tướng sĩ lẫn dân chúng, khiến người ta chịu khuất phục bề ngoài, nhưng trong lòng không phục; lại còn căm ghét, oán hận. Người ta chưa đánh lại được vì người ta chưa đủ thế lực; nhưng người ta vẫn âm thầm chống đối, nuôi chí phục thù. Do đó, sự ổn định đất nước dưới chính sách bá đạo chỉ có tính cách nhất thời, không bền vững lâu dài.

Dùng đạo đức nhân nghĩa chinh phục, thì không cần tốn một mũi tên, viên đạn mà người ta vui lòng, thành thật khâm phục; cho nên đất nước được thái bình thịnh trị lâu dài.

Ngày xưa, nhờ các hành vi đạo đức, nhân cách thanh cao, khiêm hạ và sự khôn ngoan minh triết mà Đức Khổng đã khiến cho các đệ tử khâm phục, trọng nể yêu kính còn hơn cha mẹ. Khi ngài chết, cả trăm đệ tử làm nhà bên mộ để cư tang, tưởng nhớ.

Kinh Thi cho biết khi Văn Vương khởi nghiệp, các dân tộc từ bốn phương đông, tây, nam, bắc đều hướng về ngài, cũng vì đức độ của ngài đã khiến mọi người khâm phục.

4. Mạnh Tử nói: “Có nhân, được vẻ vang; không có nhân, bị nhục nhã. Nay ghét nhục nhã, mà ở không có nhân; cũng như ghét ẩm ướt mà ở chỗ dưới thấp. Nếu như ghét nhục nhã, không gì bằng quý đức hạnh mà tôn kính kẻ sĩ, cho người hiền có địa vị, người tài năng có chức phận; vào thời buổi nước nhà rảnh rang yên ổn, hãy làm sáng tỏ (cải cách) nền hành chính, hình pháp. Dẫu các nước lớn ắt phải nể sợ.

“Kinh Thi rằng: ‘Vào lúc trời chưa có mưa gió âm u, ta lấy vỏ cây dâu kia, ràng buộc cửa lớn, cửa nhỏ. Từ nay đám dân dưới kia, người nào dám khinh dễ ta?’

“Khổng Tử nói: ‘Người làm bài thơ đó biết đạo lý chứ gì? Khéo cai trị nước nhà, ai mà dám khinh dễ?’

“Nay vào thời buổi nước nhà rảnh rang yên ổn, lại đeo đuổi vui chơi, lười biếng, ngạo mạn, thế là tự tìm tai họa. Họa phúc chẳng phải là không tự mình tìm kiếm.

“Kinh Thi rằng: ‘Luôn luôn nói năng hợp với mệnh Trời, ấy là tự tìm kiếm được nhiều phúc.’

“Thiên Thái Giáp (Kinh Thư) nói: ‘Trời làm tai vạ, còn có thể tránh; tự mình làm tai vạ, chẳng thể sống được.’ Những lời ấy đã nói lên như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Ở đây, Mạnh Tử nói về đạo trị nước. Một ông vua có lòng nhân sẽ được dân chúng yêu mến. Mọi người đoàn kết với nhau theo lệnh vua thì nước nhà sẽ thịnh trị; đã thịnh trị, lại giao hảo với các nước chư hầu, sẽ được các chư hầu trọng nể; uy tín nước nhà sẽ lên cao. Như thế, ông vua đó sẽ được vẻ vang.

Một ông vua không có lòng nhân, hà hiếp dân chúng khiến họ phải lầm than; họ sẽ oán ghét. Vua và dân chúng không đồng lòng, thì giặc giã sẽ hoành hành; nước nhà sẽ suy yếu. Đất nước nảy sinh nội loạn sẽ là cái cớ cho các chư hầu khinh dễ, nhòm ngó, xâm lăng. Như thế, ông vua ấy sẽ bị nhục nhã.

Nay vua ghét nhục nhã mà ăn ở bất nhân, có khác gì người ghét chỗ ẩm ướt mà cứ tìm đến cư ngụ ở chỗ trũng thấp. Đó là điều nghịch lý.

Nếu như vua thật lòng ghét nhục nhã, thì phải ăn ở có nhân. Đó là vua phải sống đạo đức, yêu quý người đức hạnh, tôn trọng kẻ sĩ là những người có học thức. Vua phải chọn những hiền sĩ mà trao cho họ địa vị quan trọng, phải chọn những tài tuấn chuyên môn mà trao cho họ chức phận xứng đáng.

Vào lúc nước nhà yên ổn thái bình, vua phải chăm chỉ cải cách hệ thống hành chính từ trung ương tới địa phương để cho guồng máy cai trị được thông thoáng, dân chủ hoá, tránh những cơ chế phức tạp, phiền hà đối với dân chúng; lại phải sửa sang hình pháp cho công minh để ngăn ngừa tội phạm, loại trừ tham nhũng. Nếu làm được như vậy, đất nước sẽ thịnh vượng, dân chúng an lạc, các nước lớn ở chung quanh ắt phải nể sợ mà sai sứ đến giao hảo.

Mạnh Tử đã trích dẫn một bài Kinh Thi, trong đó người sáng tác đã miêu tả một con chim khôn ngoan biết kiếm vỏ cây dâu về ràng buộc tổ cho chặt chẽ kín đáo trong lúc trời chưa nổi cơn mưa gió âm u. Con chim là hình ảnh của ông vua; trời mưa gió âm u biểu thị những cơn tai biến bất ngờ có thể ập đến trên đất nước. Một ông vua biết tiên liệu phòng xa, có thể giữ cho đất nước được yên ổn trong những cơn tai biến bất ngờ. Như thế, các nước chư hầu chung quanh làm sao dám khinh dễ, coi thường?

Đức Khổng đã khen ngợi người sáng tác ra bài Kinh Thi đó, cho rằng người ấy đã thấu đáo đạo tề gia, trị quốc.

Chuyện đơn giản là thế, mà có biết bao ông vua, vào lúc đất nước yên ổn thì lo ăn chơi trụy lạc, làm gương mù cho các quan; lười biếng chẳng chịu sửa sang quốc chính; lại còn kiêu ngạo, khinh mạn dân chúng, coi rẻ các bậc hiền sĩ. Thế là ông vua đó tự rước tai họa vào cho mình và tai họa cho dân chúng vậy.

Kinh nghiệm lịch sử cho biết tai họa và phúc lành không phải tự dưng tìm đến mà do chính con người tự tìm kiếm mà thôi.

Kinh Thi giải rằng: người nào ăn ở, nói năng luôn luôn hợp với mệnh Trời, ấy là người ấy tự tìm được nhiều phúc lành. Mệnh Trời chí công, chí chính cho nên luôn luôn đứng về phía những người công chính, nhân nghĩa.

Thiên Thái Giáp trong Kinh Thư lại nói lên một chân lý nữa: Trời làm tai vạ như đổ cơn giông gió, mưa bão, người ta còn có thể tránh được; người nào tự gieo tai vạ cho mình thì không thể sống được.

Những chân lý trong Kinh Thi, Kinh Thư là lời của các thánh hiền đã xác chứng cho quan điểm của Mạnh Tử về đạo trị nước.

5. Mạnh Tử nói: “Tôn trọng bậc hiền, sử dụng người tài năng; cho bậc tuấn kiệt có chức vị thì những kẻ sĩ trong thiên hạ đều vui mừng mà tình nguyện đứng trong triều đình của vua.

“Nơi thị trấn, hàng quán không bị đánh thuế, đặt luật pháp mà không thu tiền hàng quán, thì những nhà buôn trong thiên hạ đều mừng vui mà tình nguyện trữ hàng hoá nơi thị trấn của vua.

“Nơi cửa ô, có xét hỏi mà không đánh thuế thì các lữ khách trong thiên hạ đều vui mừng mà đi lại trên đường xá của vua.

“Người cày ruộng, chỉ phải dùng sức giúp công mà không phải nộp thuế, thì những nhà nông trong thiên hạ đều vui mừng mà tình nguyện cày cấy trên ruộng đồng của vua.

“Nơi thị trấn, không phải nộp thuế quyên góp lặt vặt phiền tối, thì người trong thiên hạ đều vui mừng mà tình nguyện làm dân của vua.

“Thật lòng thi hành năm điều trên, thì dân các nước láng giềng sẽ kính ngưỡng vua như cha mẹ. Thống lĩnh con em đánh lại cha mẹ, từ khi con người sinh ra tới nay, chưa có ai ủng hộ. Như thế, vua hẳn là vô địch trong thiên hạ. Người vô địch trong thiên hạ là quan của Trời. Thế mà không thịnh vượng (nên nghiệp vương), chưa hề có vậy!”

BÌNH GIẢI:

Để việc trị nước được hoàn hảo, thành tựu nghiệp vương, khiến thiên hạ thái bình, Mạnh Tử nói đến những biện pháp trọng yếu sau đây:

– Vấn đề căn bản phải là: vua cần sử dụng những người có đức hạnh, tài năng lỗi lạc hơn người, tín nhiệm họ trong những chức vị xứng đáng. Như vậy, những kẻ sĩ trong các nước chư hầu khác đều vui mừng tìm đến, tình nguyện hợp tác với vua trong việc chính trị.

– Thứ đến vua phải nhẹ phần thuế má; không nên thu vét quá nhiều tiền thuế thì dân chúng mới phấn khởi tụ họp làm ăn, phát triển kinh tế.

– Ngày xưa, nơi thị trấn, nhà nước xây các phố chợ có các hàng quán cho dân đến họp; chỉ lấy tiền mướn phố chợ mà không đánh thuế hàng hoá trong hàng quán. Có khi rộng rãi hơn, nhà nước chỉ đặt luật thương mãi cho dân buôn bán có trật tự mà không lấy tiền thuế hàng quán (pháp nhi bất triền). Do đó, các nhà buôn trong các nước chư hầu đua nhau đem hàng hoá đến bán.

– Nơi quan ải và cửa ô ra vào các thị trấn, nhà nước chỉ nên xét hỏi khách qua lại để tránh gian phi xâm nhập mà không đánh thuế vào hàng hoá người ta mang theo. Như thế, các lữ khách khắp nơi sẽ đến du lịch, ăn ở trên đất nước của vua.

– Theo phép tỉnh điền ngày xưa, tám gia đình trong một khu ruộng 900 mẫu, chỉ cần góp công sức cày cấy cho một khu công điền ở giữa. Công sức ấy được coi như tiền thuế góp cho công quỹ nhà nước; dân cày không còn phải đóng một khoản thuế nào nữa. Thế thì nhà nông nào chẳng muốn cày cấy trên ruộng đồng của vua.

– Vào thời ấy, trong các nước chư hầu, ở nơi thị trấn, dân chúng thường phải nộp cho nhà nước một tấm vải bố hay một số tiền trị giá tương đương, thay cho công sức trồng dâu (để nuôi tằm dệt vải) chung quanh nhà của dân ở nông thôn (phu lý). Số tiền đó gọi là “phu lý chi bố” (tấm vải của nông phu ở chốn hương lý). Số tiền lặt vặt ấy gây phiền tối cho dân thị thành, cho nên còn được gọi là “hà quyên tạp thuế”. Nay, nếu vua bỏ tiền thuế đó, một cớ cho quan lại cấp dưới nhũng nhiễu dân chúng, thì dân chúng khắp nơi sẽ vui mừng, ai mà chẳng muốn đến làm con dân của vua.

Một khi vua thật lòng thi hành những điều trên, chắc hẳn dân các nước láng giềng sẽ ngửa cổ kính mến vua như cha mẹ của họ, mong mỏi vua đến với họ. Giá như có ai thống lĩnh họ tham gia vào đội quân đi đối địch với vua, thì họ coi việc đó như xúc phạm đến cha mẹ của họ. Tự cổ chí kim, có con cái nào lại dám đánh lại cha mẹ bao giờ? Vì thế, bỗng dưng vua trở thành người vô địch trong thiên hạ. Đã là người vô địch, người ấy ắt là được Trời chọn làm quan thay Trời trị dân (Thiên lại). Như thế, đất nước của vua ắt thịnh vượng, và mặc dù không muốn, vua cũng được thiên hạ tôn lên bậc vương, thống trị tất cả.

6. Mạnh Tử nói: “Người ta đều có lòng chẳng nỡ đối với người khác. Các tiên vương có lòng chẳng nỡ đối với người khác, do đó có đường lối chính trị chẳng nỡ làm khổ người khác. Đem tấm lòng chẳng nỡ đối với người, thi hành đường lối chính trị chẳng nỡ làm khổ người, nên việc cai trị thiên hạ như thể vận động trên bàn tay.

“Sở dĩ bảo người ta đều có lòng chẳng nỡ đối với người khác là: nay người nào chợt thấy đứa trẻ sắp rơi xuống giếng, đều có lòng kinh sợ thương xót. Chẳng phải tại kết giao với cha mẹ đứa trẻ; chẳng phải tại muốn được bạn làng xóm khen ngợi; chẳng phải tại ghét tiếng xấu mà như vậy.

“Do sự quan sát ấy thì: không có lòng thương xót, chẳng phải là người; không có lòng hổ thẹn, chẳng phải là người; không có lòng nhường nhịn, chẳng phải là người;không có lòng biết phải trái, chẳng phải là người.

“Lòng thương xót là đầu mối của đức nhân; lòng hổ thẹn là đầu mối của đức nghĩa; lòng nhường nhịn là đầu mối của đức lễ; lòng biết phải trái là đầu mối của đức trí. Người ta có sẵn bốn đầu mối ấy, cũng như có tay chân vậy. Có bốn đầu mối ấy, mà tự bảo rằng mình không có khả năng làm, đó là tự hại mình vậy. Bảo vua không có khả năng làm, đó là hại vua vậy.

“Đã có bốn đầu mối ấy nơi ta, biết mở rộng ra cho sung mãn, thì giống như lửa bắt đầu cháy lên, suối bắt đầu lưu thông. Ví bằng làm cho sung mãn thì đủ để giữ gìn bốn biển; ví bằng chẳng làm cho sung mãn thì không đủ phụng sự cha mẹ.”

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn này, Mạnh Tử trình bày về khả năng thực hành chính trị vương đạo của một ông vua, đồng thời nói lên quan niệm của mình về tính bản thiện của con người.

Mạnh Tử cho rằng đã là người, ai cũng có lòng chẳng nỡ. Lòng chẳng nỡ là sự xúc động thương xót tự nhiên trước những hoạn nạn của người khác. Các tiên vương ngày xưa như vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Hạ Vũ, vua Thang, Văn Vương, Vũ Vương… đều có lòng chẳng nỡ ấy; khi đem tấm lòng ấy vào việc chính trị, các ngài chẳng nỡ xử tệ, chẳng nỡ tàn nhẫn với dân. Bằng đường lối chính trị khoan nhân độ lượng, các ngài đã cai trị dân một cách dễ dàng, không phải vất vả khó nhọc.

Để chứng minh lòng chẳng nỡ vốn là bản tính tự nhiên, Mạnh Tử đưa ra một ví dụ: giá như có người nào đó bất chợt thấy một đứa trẻ sắp ngã xuống giếng; tự nhiên lòng người ấy cảm thấy bồi hồi xúc động, kinh sợ thương xót; còn có thể người ấy chạy ngay tới để cứu đứa trẻ. Người ấy muốn cứu như vậy không phải vì vốn đã kết thân với cha mẹ đứa trẻ, hay muốn được mọi người chung quanh khen ngợi hay muốn tránh tiếng xấu là người bất nhân. Phản ứng nảy sinh trong lòng người ấy là một phản ứng tự nhiên bất chợt, chưa kịp suy nghĩ, tính toán gì. Đó là một ví dụ chứng minh bản tính con người vốn thiện, không cần phải được giáo dục hay do tập quán mới có.

Từ sự quan sát ấy, ta có thể suy thêm ra: chẳng những lòng thương xót, chẳng nỡ vốn có sẵn trong con người mà cả đến lòng hổ thẹn, lòng nhường nhịn, lòng biết phải trái cũng vốn có sẵn trong con người nữa. Sở dĩ những tấm lòng ấy không phát huy ra được là do hoàn cảnh xấu đã đưa đẩy, khiến người ta dần dần bị chai đá trong hận thù, ghen tương, chán ghét hay trụy lạc… Vì vậy, những tình cảm tốt lành trong con người bị lụi tàn đi.

Cho nên, có thể phát biểu rằng: nếu ai không có lòng thương xót, lòng hổ thẹn, lòng nhường nhịn, lòng biết phải trái, kẻ ấy chẳng phải là con người đích thực nữa; họ trở thành lang sói mất rồi!

Trở lại với con người đích thực, ta phải nói rằng:

– Lòng thương xót là đầu mối của đức nhân. Đức nhân rộng lớn bao la; nhưng gần gũi nhất, đức nhân là lòng yêu người. Phải có lòng thương xót, chẳng nỡ, ta mới biết yêu người.

– Lòng hổ thẹn là đầu mối của đức nghĩa. Đức nghĩa là sự giao hoà tốt đẹp trong một đoàn nhóm; trong đó có nghĩa cha mẹ và con cái, nghĩa vợ chồng, thầy trò, bè bạn, hàng xóm, đồng bào, v.v. Có biết hổ thẹn vì điều xấu mới có thể cư xử tốt đẹp, duy trì tình nghĩa được.

– Lòng nhường nhịn là đầu mối của đức lễ. Đức lễ là sự kính trên nhường dưới trong gia đình, xã hội. Phải biết quên mình để nhường nhịn người khác, phải khiêm hạ để tôn trọng người khác mới gọi là biết lễ.

– Lòng biết phải trái là đầu mối của đức trí. Đức trí là khả năng phân biệt phải trái, tốt xấu. Biết phân biệt sáng suốt để tránh điều trái, tìm điều phải, bỏ điều xấu, tìm điều tốt mới là người trí.

Như thế, bốn đức nhân, nghĩa, lễ, trí của người quân tử đã vốn có sẵn trong bản tính con người rồi. Có các đầu mối tốt lành trong mình mà tự bảo mình không có khả năng thi hành nhân, nghĩa, lễ, trí tức là tự hại mình, khiến cho mình không thể tiến lên bậc hiền thánh, làm lợi cho nhà, làm ích cho nước.

Vua cũng là con người, cũng có sẵn các đầu mối tốt lành ấy. Nếu bảo vua không thể thi hành nhân, nghĩa, lễ, trí tức là làm hại vua, không nỗ lực giúp vua trở nên bậc Vương đem thái bình an lạc đến cho thiên hạ.

Bốn đầu mối tốt lành ấy tuy có sẵn nơi ta, nhưng cần phải tu tập để mở rộng thêm ra, trở thành các đức nhân, nghĩa, lễ, trí thật sung mãn. Khi đã sung mãn, những đức ấy sẽ phát huy năng lực cuồn cuộn như lửa bắt đầu cháy, suối bắt đầu chảy. Lửa cháy, nước chảy lan nhanh ra chung quanh như thế nào thì các đức nhân, nghĩa, lễ, trí sẽ tác động trên mọi người cũng nhanh chóng như vậy. Các đức ấy thật sung mãn, có thể giúp vua trị nước thành công và còn giúp vua bảo bọc được thiên hạ khắp nơi (bốn biển).

Nếu chẳng biết phát huy, lại còn làm thui chột những đầu mối tốt lành ấy đi, người ta không đủ khả năng nuôi nấng và làm cho cha mẹ được vui lòng.

7. Mạnh Tử nói: “Người chế tạo tên há bất nhân hơn người chế tạo áo giáp chăng? Người chế tạo tên chỉ sợ không hại được người; người chế tạo áo giáp chỉ sợ người bị hại. Người đồng cốt, người đóng áo quan cũng thế. Cho nên làm nghề không thể không thận trọng.

“Khổng Tử nói: ‘Xóm có đức nhân thì tốt đẹp, chọn lựa mà không ở nơi có nhân, sao được gọi là sáng suốt?’ Kìa đức nhân, là tước hiệu cao quý của Trời, là chỗ ở yên ổn của người. Không ai cản trở mà sống bất nhân, ấy là không sáng suốt.

“Chẳng có nhân, chẳng sáng suốt, không có lễ, không có nghĩa, là kẻ làm tay sai cho người. Kẻ làm tay sai mà hổ thẹn trong phận sai khiến, cũng như kẻ làm cung mà hổ thẹn trong việc làm cung, kẻ làm tên mà hổ thẹn trong việc làm tên. Như biết hổ thẹn, chẳng bằng làm điều nhân.

“Người làm điều nhân giống như bắn cung. Người bắn cung giữ thân mình cho ngay ngắn rồi mới bắn. Bắn mà không trúng, thì không oán kẻ thắng mình; phải quay về xét lại mình mà thôi.”

BÌNH GIẢI:

Ban đầu, người chế tạo tên không hề bất nhân hơn người chế tạo áo giáp. Nhưng chính nghề nghiệp đã dần dần làm cho lòng người biến đổi. Do sự đòi hỏi của nghề, người chế tạo tên phải làm những mũi tên sắc nhọn, có thể bay xa và đâm sâu vào kẻ địch, để gây thương vong càng nhiều càng tốt. Mong muốn mũi tên của mình giết được người khiến cho lòng người chế tạo tên dần dần hoá ra độc ác, dữ tợn. Cũng do sự đòi hỏi của nghề, người chế tạo áo giáp phải làm những chiếc áo giáp bền chắc cho quân lính mặc để có thể chống lại được mũi tên, ngọn giáo của đối phương. Mong muốn bảo vệ thân thể quân lính được an toàn khiến cho lòng người chế tạo áo giáp dần dần hoá ra nhân từ, hiếu sinh.

Đối với người đồng cốt và người đóng áo quan cũng vậy. Đồng cốt là người làm công việc cầu khấn thần linh thay cho người khác. Vì thường xuyên cầu khấn thần linh phù hộ, ban phước, cho nên người đồng cốt thấm nhuần câu kinh, lời khấn mà tâm hồn trở nên nhân hậu. Người đóng áo quan thấy không có ai chết thì áo quan bị ế, cho nên thấy có nhiều người chết thì lại mừng; do đó tâm hồn sẽ lệch lạc theo hướng bất nhân.

Như thế, rõ ràng nghề nghiệp và hoàn cảnh có thể khiến người ta có nhân hoặc bất nhân. Vì vậy, việc chọn nghề nghiệp cho mình cần phải thận trọng lắm. Trong Bát chánh đạo của nhà Phật, chánh mạng là chọn những nghề nuôi thân chân chánh, xa lánh năm nghề có thể tạo nghiệp xấu như: buôn bán vũ khí, buôn bán nô bộc, nghề nuôi thú vật để làm thịt hay nghề đồ tể, buôn bán chất say (rượu, ma tuý), buôn bán độc dược.

Muốn trở nên người nhân đức, lại cần phải chọn nơi có nhiều người nhân (Lý nhân, Luận ngữ) mà ở để học tập thêm điều nhân và được sống yên ổn, tránh những gương xấu. Nhân là đức hạnh đứng đầu của con người, cho nên nhân là một tước hiệu cao quý của Trời ban cho loài người, và là chỗ ở yên ổn cho con người. Người nhân hiếu hoà, tâm hồn thanh thản yên tĩnh, cho nên thường sống lâu. Thi hành điều nhân, chẳng những không bị cản trở, lại còn được khen ngợi quý mến, thế mà có người vẫn sống bất nhân; đó là người thiếu khôn ngoan, sáng suốt.

Hầu hết những kẻ không có nhân, trí, lễ, nghĩa đều là tiểu nhân, chỉ có thể làm tay sai, tôi tớ cho người. Kẻ ấy chẳng thể hiên ngang làm chủ được mình như một bậc quân tử hiền nhân. Làm nô dịch cho người mà huênh hoang, không biết hổ thẹn là kẻ đáng trách rồi. Còn kẻ làm nô dịch, cũng như kẻ làm cung, làm tên mà biết hổ thẹn trong công việc của mình là kẻ đáng thương. Nhưng dù sao cũng chẳng bằng người biết làm điều nhân.

Người tập làm điều nhân cũng như người tập bắn cung vậy. Bắn không trúng đích, người bắn phải xét lại thế đứng và cách giương cung của mình, sao cho đúng cách, cho vững vàng. Người tập làm điều nhân thấy mình thi hành nhân đức mà không đạt kết quả, không được người ái mộ, tôn trọng, thì đừng trách người mà phải quay về xét lại mình. Mình làm điều nhân mà thiếu sự thành khẩn chăng? Tự khoe khoang chăng? Xem nhẹ người khác chăng? Đụng chạm tự ái của người hay làm phiền lụy đến người chăng?

8. Mạnh Tử nói: “Thầy Tử Lộ được người ta báo cho biết mình có lỗi thì mừng rỡ. Vua Vũ được nghe điều thiện thì lạy tạ. Vua Đại Thuấn có tấm lòng rộng lớn hơn nữa: cùng làm điều thiện với người. Ngài bỏ mình mà theo người; vui vẻ chọn lấy ở người điều hay mà làm điều thiện. Từ lúc còn đi cày cấy, làm đồ gốm, đánh cá, cho đến khi lên ngôi đế, không lúc nào ngài chẳng chọn lấy điều hay ở người.

“Chọn lấy điều hay ở người để làm điều thiện, đó là cùng với người làm điều thiện vậy. Cho nên bậc quân tử chẳng có gì lớn lao bằng cùng với người làm điều thiện.”

BÌNH GIẢI:

Trong đoạn này, Mạnh Tử cho rằng bổn phận lớn lao của người quân tử ở cương vị trị nước là làm điều thiện và khuyến khích mọi người cùng làm điều thiện với mình.

Trị nước là làm cho dân được ấm no, yên ổn trong một đất nước thái bình thịnh vượng; nhưng cốt lõi của việc trị nước là làm điều thiện. Tất cả mọi người; từ vua cho tới dân chúng đều làm điều thiện thì mọi việc từ nhà đến nước đều tiến hành tốt đẹp trôi chảy, kinh tế sẽ phát triển, dân chúng sẽ được ấm no. Điều thiện chủ trì đất nước sẽ không có lường gạt, bắt nạt, tham nhũng, trộm cướp, giặc giã; do đó đất nước sẽ được yên ổn thái bình, thịnh vượng. Nếu làm chính trị mà chỉ chú trọng vào những phương thức để điều khiển dân chúng theo ý riêng mình, chỉ chú trọng vào các kế hoạch riêng rẽ như phát triển quốc phòng, kinh tế, y tế, giáo dục kiến thức, v.v. mà bỏ quên việc đề cao điều thiện thì tất cả đều hỏng, cũng như xây nhà bằng cách xếp gạch lên cho cao mà không trét hồ vữa.

Vì thế, ở đây, Mạnh Tử đã nêu ra ba tấm gương của người xưa tha thiết với điều thiện.

Thầy Tử Lộ, đệ tử của Đức Khổng, được người ta cho biết lỗi của mình thì chẳng giận mà còn mừng rỡ; bởi vì có được nghe nói về lỗi của mình, mình mới biết sửa lỗi để trở nên tốt hơn.

Vua Vũ nhà Hạ được nghe người khác nói điều thiện thì lạy tạ cám ơn vì coi như mình được ban phúc.

Vua Đại Thuấn nhà Hữu Ngu có tấm lòng còn rộng lớn hơn nữa: chẳng những mình làm điều thiện lại còn tạo điều kiện cho mọi người cùng làm điều thiện với mình. Vì thế, ngài bỏ những khuyết điểm của mình mà theo điều hay của người; tích luỹ những điều hay ở người để giúp mình làm điều thiện.

Từ khi còn sống cảnh hàn vi ở chốn quê mùa, lúc đi cày ruộng, cấy lúa ở đất Lịch, lúc làm đồ gốm ở bến sông Hà, lúc đánh cá ở hồ Lôi, ngài luôn luôn học hỏi, chọn lựa điều hay của người xung quanh mà tiếp thu. Đến khi được vua Nghiêu đem lên ngôi vị đế vương cai trị thiên hạ, ngài vẫn thường xuyên chọn lấy điều thiện ở những quan lại cấp dưới.

Chọn lấy điều hay ở người để làm điều thiện tức là khích lệ người ta cùng làm điều thiện với mình. Đó là cách hay nhất của người quân tử đảm đương việc chính trị. Cách hay nhất sẽ đem đến kết quả lớn lao nhất là: quốc gia vĩnh an, thiên hạ thái bình, nhân dân hạnh phúc.

Từ xưa tới nay, sở dĩ việc chính trị không thành công, thậm chí nói đến chính trị còn khiến cho nhiều người rùng mình ghê sợ, bởi vì trong chính trị người ta thường dùng xảo thuật, gian trá, tàn nhẫn. Đâu có mấy người làm chính trị nhận ra điều cốt lõi là làm điều thiện!

9. Mạnh Tử nói: “Ông Bá Di, không phải vua xứng đáng, không phụng sự; không phải bạn xứng đáng, không kết bạn. Không đứng trong triều đình của kẻ ác; không nói chuyện với kẻ ác. Đứng trong triều đình của kẻ ác, nói chuyện với kẻ ác giống như mặc áo chầu, đội mũ chầu mà ngồi bên bùn than. Suy từ tấm lòng ghét ấy của ông, nếu như ông đứng với người trong làng mà đội mũ không ngay ngắn, chắc ông bỏ đi mà không quay mặt lại, dường như sắp bị dây bẩn vậy. Thế nên, các chư hầu tuy có gửi văn thư khéo léo đến cho, ông chẳng thèm nhận. Chẳng nhận vì e rằng chẳng thành tựu được sự trong sạch của mình.

“Ông Liễu Hạ Huệ không cảm thấy hổ thẹn với ông vua nhơ nhuốc, không cảm thấy thấp hèn với chức quan nhỏ nhoi. Ra làm quan, ông không giấu tài đức, ắt đem đạo ra thi hành. Nếu bị bỏ sót phải ẩn dật, ông không oán hận. Gặp cảnh khốn khổ cùng cực, ông không lo buồn. Cho nên ông nói: ‘Ngươi là ngươi, ta là ta. Tuy xăn tay áo, cởi trần hay ở truồng bên ta, liệu ngươi làm dây bẩn được ta sao?’ Do vậy, ông đều vui vẻ với mọi người mà chẳng tự đánh mất chính mình. Ai kéo ông dừng lại thì dừng. Kéo ông dừng lại thì ông dừng, vì e rằng việc ra đi chẳng hợp lẽ.”

Mạnh Tử nói: “Ông Bá Di thì hẹp hòi, ông Liễu Hạ Huệ thì dễ dãi (thiếu cung kính). Hẹp hòi và dễ dãi, người quân tử chẳng giống như vậy.”

BÌNH GIẢI:

Để làm sáng tỏ lập trường xử thế của người quân tử, Mạnh Tử nêu ra hai nhân vật thời xưa có cách cư xử khác hẳn nhau: Bá Di, con vua nước Cô Trúc, một hiền nhân cuối đời nhà Ân và Liễu Hạ Huệ, một hiền nhân nước Lỗ ở thời Xuân Thu.

Bá Di là người đạo đức có cách sống hẹp hòi, khắc nghị. Ông rất căm ghét điều xấu, cho nên không chịu hợp tác với một ông vua bất xứng, không chịu kết bạn với người thiếu phẩm hạnh. Thái độ quá khắt khe, nghiêm túc trong lễ giáo của ông khiến người ta nghĩ rằng ông không thèm đứng bên cạnh một người đồng hương đội mũ lệch, vì đó là biểu hiện của sự cẩu thả, vô lễ. Vì chặt chẽ, nghiêm khắc như vậy, cho nên ông từ chối tất cả những lời thỉnh cầu hợp tác của vua các chư hầu thời bấy giờ.

Liễu Hạ Huệ cũng là một người hiền đức, nhưng có cách sống trái ngược hẳn với Bá Di. Ông sẵn sàng hợp tác trong một chức quan thấp hèn với một ông vua nhơ nhuốc mà không cảm thấy hổ thẹn. Ông chỉ cần có cơ hội để đem tài đức phụng sự đất nước; vì thế ông sẵn sàng trổ tài hành đạo mỗi khi có dịp. Ông không oán hận, lo buồn vì bị bỏ quên hay bị khốn cùng. Ông hiên ngang sống bên cạnh những kẻ xấu xa, đê tiện mà vẫn tự chủ; tự tin rằng những điều xấu không thể dính bén vào mình được. Vào trường hợp bất đắc dĩ, phải từ quan ra đi, giả như có ai kéo tay giữ lại, thì ông ở lại, vì e rằng việc ra đi của mình chẳng phải lẽ, có hại cho đất nước.

So sánh hai ông, chúng ta thấy Bá Di thì hẹp hòi, cố chấp, khắc nghị quá; Liễu Hạ Hụê thì dễ dãi, xuề xoà quá.

Hẹp hòi cố chấp, khắc nghị thì không hoà mình được với đời; không hoà được thì không có cơ hội để cải tạo xã hội.

Người như vậy chỉ giữ được điều thiện cho riêng mình (độc thiện kỳ thân) mà không giúp ích được nhiều cho đời.

Dễ dãi, xuề xoà thì dễ hoà đồng với mọi người nhưng đôi khi bị người ta khinh nhờn, hay hiểu lầm là a dua vì ham danh, hám lợi. Dễ dãi, xuề xoà quá thì không có uy để điều chỉnh những sự lệch lạc của người đời.

Thái độ của Bá Di và Liễu Hạ Huệ là hai thái cực mà người quân tử chẳng nên bắt chước. Người quân tử trong đạo Nho là người tùy thời cư xử, tùy thời hành động; khi nào liệu có thể điều chỉnh được chính trị thì tham chính, không thể điều chỉnh được thì rút lui. Ở bất cứ nơi nào, người quân tử cũng giữ đạo lý “hoà nhi bất đồng” (giữ hoà khí nhưng không a dua), cố gắng nêu gương mẫu nghiêm trang để điều chỉnh lại những tà vạy, khai thông những chỗ bế tắc để cho đạo có thể phát huy được.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

3.5 2 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x