Trang chủ » Cái hại của kém hiểu biết

Cái hại của kém hiểu biết

by Hậu Học Văn
4 views

Ta không thể nào bưng bít mãi chuyện nầy được, vì sớm muộn gì trẻ cũng biết sự thật ở đời, mà thường biết sớm hơn ta nghĩ. Vì vậy, các nhà giáo dục mới đã nghĩ rằng cha mẹ nên giải thích cho con cái hiểu trước khi người ngoài xen vào phá hoại trí của trẻ với những lời giải thích không đứng đắn. Họ cho rằng các bậc cha mẹ nào khôn khéo trong việc nầy sẽ giữ được lòng tin của con cái mãi mãi. Sau các cuộc thăm dò bịnh nhân, các bác sĩ cũng đồng ý rằng nếu các bậc cha mẹ có thái độ đúng cách trong vấn đề nầy, tức họ đã cất đi không biết bao nhiêu lo sợ, bồn chồn nơi con trẻ và những kẻ sắp thành nhơn.

Có nhiều phương pháp để đề cập đến vấn đề nầy, nhưng làm sao để tránh lỗi lầm ? Cách nào thích hợp với ta hơn ?

Ta cần tự tìm hiểu lấy mình cũng như thái độ của mình trước khi thử dẫn giải cho trẻ. Để khỏi bối rối hay xấu hổ khi trẻ hỏi đến, ta cần phải có câu trả lời sẵn từ trước.

Thật ra nói đến vấn đề giáo dục tính dục ta không khỏi bỡ ngỡ, ngại ngùng vì các bậc đi trước ta không mở lối đúng cách, hoặc không dám đả động đến sự thật nầy.

Họ coi việc ấy là việc dơ dáy, là tội lỗi, cần giấu kín mà không ai có quyền biết đến. Được bồng ẵm đứa bé trên tay họ vui mừng ra mặt, nhưng khi được hỏi bởi đâu có đứa bé ấy, họ lại thẹn lịm người đi. Sở dĩ họ bị như vậy vì người ta có quan niệm hẹp hòi trong vấn đề tính dục. Họ cho tính dục chỉ là vấn đề va chạm xác thịt giữa người đàn ông và đàn bà mà thôi. Dầu vậy đi nữa, thái độ ấy không thiết thực chút nào. Nếu kể đó là nhiệm vụ cần thiết cho cơ thể, tại sao ta lại phải khó chịu khi đề cập đến ? Đã có biết bao nhiêu người mang bịnh thực sự chỉ vì mãi nơm nớp lo sợ phải nói đến việc truyền giống của con người. Ta có thể tránh khỏi mọi sự rối trí nầy bằng cách tập phát triển thái độ đứng đắn và hợp lý trước.

Vấn đề tính dục chiếm giữ một tầm mức rộng lớn chớ không phải chỉ ở trong việc đứa bé được cấu tạo như thế nào mà thôi. Nó gồm cả việc người nam và người nữ sống hòa hợp như thế nào, và họ có phần gì trong thế giới bao la nầy.

Ví dụ một cậu trai thấy cha nó xử tệ với mẹ nó luôn, khi đến trường, giáo sư giảng luận rằng hôn phối là sự kết hợp giữa người nam và người nữ trong tình luyến ái, nghĩa tương trợ và lòng kính nể lẫn nhau, cậu nhớ lại những kinh nghiệm diễn ra trước mắt mỗi ngày ở nhà và thấy sự thật khác hẳn đi. Đến khi biết được mặt thể xác của tính dục, cậu sẽ kết hợp hình ảnh ấy với con người xử tệ với đàn bà mà cậu biết, là cha cậu. Một cô gái rất yêu cha và anh em trai, nhưng đến một lúc nọ cô thấy cha cô cư xử quá tệ bạc với mẹ cô, cô an ủi mẹ và bà mẹ tâm sự với cô rằng bà đã chịu đựng cảnh ấy từ nhiều năm mà không dám hé môi, cô bèn ôm mối hận với tất cả đàn ông vì nghĩ rằng đàn ông muốn gì được nấy, còn đàn bà chỉ là nạn nhân, chỉ để đàn ông mua vui trong giây lát thôi. Trong những hoàn cảnh như thế, dầu có bao nhiêu sách báo nói về đời sống tính dục và sự đẹp đẽ của cuộc hôn nhân hạnh phúc, cũng không thể thay đổi được thành kiến cố định trong trí người trẻ tuổi qua kinh nghiệm và những lời họ nghe, thấy. Sau nầy dầu có lập gia đình, họ cũng không thể điều chỉnh cho xứng hợp với cuộc đời làm vợ, làm mẹ được.

Thời gian đã thay đổi quan niệm của người ta về việc giáo dục tính dục trên ba mươi năm nay. Các nhà giáo dục nghĩ rằng người lớn nên nói thật với con trẻ vấn đề ấy, dĩ nhiên bằng cách khéo léo và lời lẽ trang nghiêm. Ngày xưa người ta dùng những chuyện huyễn hoặc để báo cho trẻ biết tại sao nó có mặt trong gia đình, rồi sau đó chính họ lại chế giễu sự không biết ấy của trẻ. Trẻ cảm thấy bị gạt gẫm và mất tín nhiệm đối với cha mẹ.

Tại sao lại có chuyện dối gạt trẻ như vậy ? Làm thế có giải quyết được gì chăng ? Hầu hết những chuyện tiếu lâm bẩn thỉu đều phát nguồn từ thái độ không tự nhiên nầy. Việc nầy đặc biệt nguy hiểm cho trẻ ở thành thị nhiều hơn. Trẻ ở thôn quê thường được chứng kiến khía cạnh sống thật của cuộc đời « biểu diễn » trước mặt chúng qua các loài gia súc. Dầu vậy không phải ở thôn quê thiếu chuyện tiếu lâm dơ dáy đâu, và cũng không thiếu gì người lớn có những trò đùa vô cùng bỉ ổi.

Hầu hết các trẻ vào tuổi học trò đều biết nhiều vấn đề tính dục hơn cha mẹ chúng nghĩ đến. Tuy vậy, chúng biết những gìbiết cách nào về vấn đề nầy mới là điều quan trọng.

Người ta truy nguyên ra những trường hợp của các bà sống độc thân thì thấy những người đáng thương ấy không có những chi tiết xác thực và đầy đủ về cuộc đời lúc họ cần đến nhứt. Có nhiều cuộc hôn phối bất hạnh cũng chỉ vì lý do kia. Bởi thế ta thấy vấn đề giáo dục tính dục là việc rất có ý nghĩa trong đời sống của những trẻ thơ ngây đang cần biết sự thật ở đời.

Ở tuổi hay hỏi nhứt là từ hai tuổi rưỡi đến năm tuổi, người ta cũng gọi thời kỳ nầy là thời kỳ « tại sao », vì những câu hỏi « tại sao » của trẻ làm cha mẹ mệt trí không ít. Sớm hay muộn gì trẻ cũng hỏi đến việc bởi đâu mà có nó. Vậy ta cần chuẩn bị trước và bắt đầu dạy chúng qua thiên nhiên. Vào tuổi ấy, trẻ đã thích chạy chơi ngoài vườn, thích bắt bướm, hái hoa. Nhơn đó ta dạy cho chúng nguồn gốc của mọi vật và luật lưu truyền của mọi loài. Ta có thể ươm hột giống cho trẻ theo dõi sự nẩy nở và lớn lên của cây cỏ, để dùng đó chuyển qua sự sinh trưởng của con người.

– Đứa bé ở đâu ra ?

Câu ấy dường như là câu hỏi đầu tiên trong loại nầy. Khi trả lời, ta cần trả lời đơn sơ như trẻ hỏi :

– Trẻ con sống trong một chỗ riêng biệt trong bụng mẹ.

Chúng ta không cần giải nghĩa dài dòng làm gì nếu trả lời như thế đủ cho trẻ thỏa mãn tạm thời. Có thể ít phút, vài hôm, hoặc nhiều tháng sau, nó lại tìm ta để hỏi thêm những câu hỏi khác, chẳng hạn :

– Làm sao đứa nhỏ vô trong bụng mẹ được ?

Câu hỏi nầy làm cho các bà mẹ và nhiều ông cha khó chịu vô cùng. Có người vội kết luận :

– Mới chừng đó tuổi đầu mà đã đòi biết việc đàn ông và đàn bà ăn nằm với nhau.

Rồi họ đánh đập, nạt nộ để trẻ đừng hỏi đến vấn đề ấy nữa mà không chịu giải thích cho nó hiểu gì hơn. Thật ra không phải đứa trẻ muốn biết việc chung chạ của đàn ông và đàn bà, hay của cha mẹ nó. Nó cũng chẳng biết tí gì về phương diện khoái cảm của việc kia. Nhưng sự thắc mắc của đứa trẻ rất có lý và đáng được giải thích. Ta đã nói đứa bé lớn lên trong bụng mẹ, bây giờ nó muốn biết đứa bé vào đó như thế nào để rồi lớn lên trong đó. Ta có thể giải quyết vấn đề nầy bằng câu :

– Một cái trứng nhỏ xíu lớn lên rất mau trong một cái bầu (tử cung) trong bụng mẹ.

Có thể đứa bé lại hỏi :

– Cái gì làm cho trứng lớn ?

– Hột giống (tinh trùng) của người cha hợp với cái trứng kia, làm cho trứng nhỏ hơn đầu cây kim lớn lên rất mau. Sau chín tháng, cái trứng bây giờ đã thành một đứa bé cân nặng độ ba kí lô.

– Làm sao đứa bé ra ngoài được ?

– Do một đường đặc biệt dành cho việc nầy như đường tiểu để tiểu tiện, như đường tiêu để đại tiện vậy.

Ta có thể dùng bông hoa để dẫn giải cho trẻ hiểu. Hoa mẹ có cái bầu, trong đó có mầm sẵn. Khi mầm hoa đực rơi vào hòa với mầm kia, nó sẽ thành trái, có hột giống để mọc lên cây khác…

Ta cần trả lời đủ để thỏa tánh tò mò tự nhiên của nó thôi, và nên nói thật hơn là lối nửa đùa nửa thật :

« Thằng nầy là con của ai ?

Là con của chú bán khoai

Ở trong lỗ đít chần ngần chun ra… »

Khi đứa bé lớn hơn, ta có thể giải thích cho nó biết bộ phận sanh dục có phận sự gì trong sự truyền giống.

Lúc đứa con gái thấy kinh nguyệt lần đầu tiên, có thể nó hoảng lên, ngờ rằng đã bị thương tích rất nặng. Bà mẹ cần bình tĩnh giải thích cho nó biết đó là hiện tượng tự nhiên nơi đàn bà, ai cũng vậy, mỗi tháng phải trải qua một lần kinh nghiệm kia, mà em bị đây là lần đầu. Đó là dấu hiệu chỉ cô gái đã lớn và đang ở trong thời kỳ chuẩn bị để làm mẹ. Cũng nên giải thích cho cô rõ là từ đây, ngực cô sẽ no tròn lần, lông sẽ bắt đầu mọc lên nơi nách và bên ngoài bộ phận sinh dục.

Thái độ của bà mẹ khi nói chuyện nầy với con gái sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần của con mình. Có bà mẹ lại nói với con gái mình rằng kinh nguyệt là một sự khổ sở, một rủa sả cho đàn bà. Có bà không hề giải thích gì cả, lại bảo con giữ kín, đừng cho ai biết cả, làm cô gái lo sợ và hoang mang mãi về vấn đề ấy. Thái độ như thế không hợp lý, nhứt là đối với trí óc non nớt của đứa bé mới lớn lên. Các bác sĩ và các nhà giáo dục càng thảo luận càng thấy kinh nguyệt là một hiện tượng hết sức tự nhiên nơi các cô gái mạnh khỏe, không có gì khó chịu quá đáng. Thỉnh thoảng mới có một vài cô gái bị kinh nguyệt đau đớn đến phải tạm nghỉ học vài hôm thôi, và việc nầy thường xảy ra cho những cô gái chưa chuẩn bị hoặc đã được chuẩn bị tinh thần sai lối.

Khi đứa con con trai đến tuổi phát dục, người cha cũng cần chỉ dẫn cho hiểu dương vật cứng lên và thỉnh thoảng xuất tinh là việc thông thường của người con trai mạnh khỏe. Không nên định một giới hạn an toàn nào cho việc xuất tinh cả, vì làm thế cậu cứ lo sợ mãi khi thấy mình bị xuất tinh thường hơn hoặc ít hơn giới hạn trung bình.

Đành rằng cha mẹ cần giáo dục con cái về tính dục nhưng phải thật cẩn thận, kẻo chúng cho rằng cha mẹ quá coi thường vấn đề nầy. Qua thái độ đó, con trẻ có thể mất cả ý nghĩ chính xác và cao quí đi. Các nhà tâm lý cho rằng làm vậy, cha mẹ vô tình đẩy con cái mình vào đường mình không muốn chúng đi.

Cần khuyến khích trẻ suy nghĩ và hành động tích cực. Hãy trám đầy trí của chúng với những tư tưởng thanh cao. Nói sự thật cách khéo léo để thu phục lòng tin cậy của chúng. Cung cấp cho chúng một gia đình ấm cúng để chúng tìm được tình yêu và chân hạnh phúc. Giúp chúng tán thưởng những sự thanh cao ở đời. Hãy làm mọi sự nầy để khi lớn lên, những ký ức gia đình luôn luôn thỏa đáng và chúng sẽ ấp ủ mãi những hình ảnh êm đẹp ấy đến hơi thở cuối cùng.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x