Trang chủ » Chương 3: Hồi Quang Thủ Trung

Chương 3: Hồi Quang Thủ Trung

by Trung Kiên Lê
203 views

Tổ Sư nói : 

Danh từ “Hồi quang” xuất xứ từ đâu ?


Danh từ này bắt nguồn từ Văn Thủy chân nhân Quan Doãn Tử (1). 
Thực hành công pháp “Hồi quang”, Khí Âm Dương trong Trời Ðất không gì là không ngưng tụ. 

Chuyện “Tinh tư” (2), chuyện “Thuần khí” (3) mà mọi người thường hay nói tới , thực chất là chỉ công pháp “Hồi quang” .

Khi bắt đầu thực hành công pháp này , ta phải làm sao cho “trong có tựa như không”, nghĩa là tập trung tư tưởng nhưng không gượng ép. Tập luyện lâu ngày Ánh sáng tự nhiên ngưng tụ , đạt tới bước từ Thân sản sinh ra một Pháp Thân , như vậy là “từ không sinh có”, tức là ánh sáng từ trạng thái phân tán chuyển sang trạng thái ngưng tụ. 

Nếu như chuyên tâm luyện công một trăm ngày thì Ánh sáng kia sẽ từ ảo trở thành thực, từ Ảo quang trở thành Chân quang . Chân quang ấy chính là Thần Hỏa. Sau một trăm ngày, ánh sáng tự nhiên có thể ngưng tụ . 
“Hồi quang” lâu ngày , cực tĩnh sẽ sinh động , Dương khí trong người nảy sinh , một chút Chân dương trong cơ thể bỗng nhiên sản sinh ra một viên ánh sáng màu vàng bằng hạt gạo nếp, y hệt như đàn bà sau khi lấy chồng có thai vậy . 

Lúc này cần bình tĩnh đợi chờ đừng bao giờ nóng vội. 
Mức độ và liều lượng “Hồi quang” đó chính là “Hỏa hậu” (5) mà mọi người thường bàn tới.
Trong Trời Ðất mênh mang có Dương quang tồn tại.

Nhờ có Dương quang , với danh nghĩa là sức mạnh toàn năng , nên đã làrn cho vạn vật bộc lộ sức sống dồi dào. 
Trong các Thiên thể , Mặt Trời là nguồn gốc của Dương quang. 
Trong mỗi con người , đôi mắt là nơi Thần quang lui tới , vào ra. 

Thông qua đôi mắt để cho Thần quang lọt ra là thuận chiều , là dễ nhất. 
Chính vì thế , nguyên lý “Hồi quang”, nói một cách tổng quát , nằm ở phương pháp biến cơ chế lọt ra , thuận chiều thành quay về , ngược chiều. 

Cần nhớ rằng : mục đích của Hồi Quang không phải chỉ là phản hồi Khí tinh hoa vào trong cơ thể người , mà còn đi ngược về cội nguồn , phản hồi Khí Chân Nhất tạo dựng nên Trời Ðất . 

Không phải chỉ là trừ bỏ những vọng tưởng nhất thời , mà còn là luyện cho hết cặn Âm , phục hồi Dương thể , giải thoát khỏi vòng Luân hồi nghìn kiếp (6). 

Vì thế , xem thời gian một hơi thở là một năm , ý muốn nói con người , thông qua tu luyện , kéo dài cuộc sống của mình , xem thời gian một hơi thở là một trăm năm , ý muốn nói thông qua tu luyện con người đã làm trì hoãn nhịp bước Luân hồi.

Con người , kể từ lúc nằm trong bụng mẹ cất tiếng khóc chào đời , từ đó cứ chìm nổi thuận theo thời cuộc cho tới lúc đầu bạc răng long , chẳng hề bao giờ hồi quang nhìn ngược vào trong , giảm mức tiêu hao tinh khí , Dương khí dần dà suy kiệt , đó chính là từng bước đi dần tới tử vong. 

Vì vậy Kinh Lăng Nghiêm nói : “Thuần tưởng tức phi , thuần tình tức đọa”. 

Người học Ðạo mà chính niệm ít , tình dục nhiều thì Âm Dương mất cân bằng , sẽ luôn trầm luân trong kiếp người hèn kém. Chỉ có nghiêm túc thực hành nội quán , hơi thở tự nhiên , gạt bỏ mọi tạp niệm , tâm thanh tịnh, mới có cơ giác ngộ , tu thành chính quả. 

Chính vì thế mới nói phương pháp hồi quang nội thị là phương pháp duy nhất giúp hành giả tu thành chính quả. “Kinh âm phù nói : “Mấu chốt của phép tu luyện là ở đôi mắt”. Trong “Hoàng Ðế Nội Kinh Tố vấn” nói : “Khí vi diệu trong cơ thể người bốc lên trên nuôi dưỡng các khiếu ngũ quan” chính cũng đã chỉ cho thấy nguyên lý của hồi quang. 

Hiểu được những điều cốt lõi trình bày trong chương này , các vị chẳng những có thể kéo dài tuổi thọ , mà còn có thể thoát khỏi sự trói buộc của vòng sinh tử. 

Ðây chính là nguyên lý chung của phép dưỡng sinh của Tam giáo: Nho, Thích, Ðạo. Ánh sáng không ở trong cơ thể , nhưng cũng không ở ngoài cơ thể. Xin hãy nhìn Ðất Trời sông núi , ánh sáng mặt Trời , mặt Trăng chiếu rọi tất thảy, cho nên nói ánh sáng không phải chỉ riêng ở trong cơ thể. 

Thông minh tài trí, nhất cử nhất động của con người không một cái gì là không dựa vào Ánh Sáng ấy , vì thế nó cũng không ở ngoài thân , ánh sáng của Ðất Trời che phủ khắp Ðại thiên Thế giới (8). Ánh Sáng của cơ thể hòa hợp với ánh sáng của Ðất Trời , vì vậy cũng có thể nói được là soi rọi khắp Ðất Trời.

Vì thế chỉ cần các vị thực hành công phu Hồi quang thì Ðất Trời sông núi kia cùng tất thảy mọi sự vật cũng sẽ Hồi Quang , trở về với bản chất của chính mình theo ngay tức khắc . Mọi tinh hoa của con người đều hướng thượng ngưng tụ ở hai con mắt. 

Mắt là nhân tố then chốt quyết định thành quả của tập luyện. Các vị thử nghĩ , nếu như một ngày không tĩnh tọa “Hồi quang”, Ánh Sáng kia theo thị giác tuôn chảy vung vãi khắp chốn khắp nơi , đến một lúc nào đó có thể không cạn kiệt được chăng ? 

Nếu biết sắp xếp cho dù chỉ một chút thời gian tĩnh tọa thì cảnh sinh ly tử biệt, mọi nỗi buồn phiền sẽ theo đó mà giảm bớt đi ,rồi dứt hẳn. Tất thảy mọi phương pháp tập luyện cuối cùng đều qui về một chữ ” Tĩnh” . Ðây đúng thực là chuyện thần kỳ , một:chân lý không ai chối cãi được !

Ðề cập đến công phu tĩnh tọa và phương pháp nhập môn , trước hết vẫn phải đi dần từng bước , từ nông đến sâu, từ thô đến tinh . Ðiều quan trọng nhất là công phu không được gián đoạn , phải tập luyện thường xuyên , như vậy sẽ ngày càng minh tiến, càng cảm thấy nhiều điều kỳ diệu . 

Tĩnh tọa trước sau phải thật “tĩnh”, tư mình trải nghiệm các cảm giác và cảnh tượng , giống như khi ta uống nước , nóng lạnh thế nào tự mình , mình biết , mình hay . Phải làm sao đạt được cảnh giới tâm vắng lặng , không vương vấn điều gì , chỉ thấy Trời Ðất mênh mông , Vạn pháp như như (9), mới xem là nắm được yên tĩnh của tĩnh tọa . 

Phương pháp mà các bậc thánh hiền truyền dạy từ đời này qua đời khác không bao giờ rời xa pháp “Phản chiếu”, “Tri chỉ” mà Khổng Tử nói tới , “Quán tâm” mà đức Thích Ca nêu ra , “Nội thị” mà Lão Tử khởi xướng. Tất cả đều là phương pháp “Phản chiếu”. Thế nhưng , từ “Phản chiếu” ai cũng có thể nói được , nhưng không hành được , không biết cách áp dụng vào thực tiển và đạt hiệu quả thực tế . 

Nguyên nhân chính là do không hiểu được ý nghĩa sâu xa của từ nầy. “Phản” có nghĩa là làm cho Tâm từ trạng thái có tri giác phản hồi trở lại trạng thái tiên thiên khi tinh thần là thể xác chưa phân , nghĩa là từ trong cơ thể sáu thước của mình mong muốn đi ngược trở lại tìm kiếm cái bản thể trước lúc Trời Ðất hình thành , tức là trạng thái hư vô tiên thiên. 

Những người học Ðạo ngày nay chỉ biết mỗi ngày ngồi tĩnh tọa một hay tiếng , lòng vẫn vương vấn bao nhiêu tạp niệm , không thể dứt bỏ , rồi nói là đã “Phản chiếu” rồi , như vậy thử hỏi sẽ đạt được điều gì ? 

Giáo Tổ Phật giáo và Ðạo giáo dạy các đệ tử lúc tĩnh tọa nhìn vào chóp mũi . Ðiều đó không có nghĩa là khuyên các vị tập trung ý nghĩ vào chóp mũi , cũng không phải là nhắc các vị mắt nhìn vào chóp mũi , còn ý niệm thì tập trung ở bộ vị Trung Hoàng (11). 

Bởi lẽ , mắt nhìn tới đâu thì tâm ý cũng theo tới đó , tâm tới đâu , khí cũng theo tới đó. Vậy thì làm sao có thể một ở trên một ở dưới , một ở chỗ này , một ở chỗ khác được ? Theo cách hiểu như vậy , y hệt như một ví dụ tuyệt hay “Nhìn ngón tay ngỡ là Mặt Trăng” (12) , nêu ra trong “Kinh Lăng Nghiêm” .

Vậy thì rút cục nên làm như thế nào là phải? Tôi nói rằng từ “chóp mũi” là vô cùng tuyệt diệu ! Ở đây chẳng qua là mượn “chóp mũi” làm tiêu chuẩn cho mắt nhìn , chứ thực ra mấu chốt không phải là mũi . Bởi lẽ, khi tĩnh tọa , nếu mắt mở quá to tất sẽ nhìn quá xa , như thế sẽ không nhìn thấy mũi , còn nếu mắt nhắm nghiền thì cũng như khép mắt lại , cũng sẽ không nhìn thấy mũi . 

Khuyết điểm của mắt mở to là ánh sáng rọi ra ngoài , rất dễ xảy ra hiện tượng phân tán tư tưởng 

Khuyết điểm của nhắm mắt nghiền là ánh sáng chiếu vào trong , rất dễ xảy ra hiện tương mê man không tĩnh . 
Duy chỉ có khép mắt lim dim vừa vặn , còn nhìn thấy chóp mũi là thích hợp nhất. Vì thế nên lấy chóp mũi làm chuẩn. 

Làm như thế là nhằm gíúp các vị khi lim dim mắt vừa mức , ánh sáng sẽ tự nhiên từ hai mắt rọi vào trong cơ thể, chẳng cần các vị chủ động chăm chú nhìn hoặc không chăm chú nhìn . Sở dĩ nêu ra qui tắc mắt nhìn chóp mũi là chỉ nhằm nói lên hoạt động của con mắt ở bước đầu , lúc sắp nhập tĩnh , còn về sau các vị chẳng cần để tâm tới nữa , cũng giống như khi xây tường, người thợ xây treo quả rọi vậy.

Anh ta treo quả rọi , rồi cứ thế xây lên theo dây rọi , không nhất thiết lúc nào cũng phải vừa xây vừa chăm chú nhìn vào dây .

Công pháp “Chỉ quán” nguyên là của Phật gia , không có gì bí mật cả. 
Nội dung của công pháp này là : hai mắt nhìn kỹ chóp mũi , ngồi ngay ngắn , không gò bó, tập trung ý nghĩ vào bộ vị “Duyên Trung “.”Duyên Trung” mà Phật gia nói tới chính là “Trung Hoàng” nói trong kinh sách của Ðạo gia , tuy hai mà một. 

Ở đây người mới học không nhất thiết phải tập trung ý nghĩ ở trong đầu ,chỉ cần gắn liền ý nghĩ với điểm nằm giữa hai con mắt là được. Ánh sáng là thứ vô cùng linh động, khi gắn liền ý nghĩ với điểm nằm giữa hai con mắt, thì ánh sáng tự khắc sẽ rọi vào, chẳng cần phải tập trung ý nghĩ vào bộ vị Trung Hoàng. 

Mấy câu trên của tôi đã khái quát toàn bộ yếu lĩnh của công pháp Phật gia. Còn những điểm cần lưu ý trước và sau nhập tĩnh , xin các vị tham khảo cuốn “Tiểu Chỉ Quán” của Ðại sư Trí Khải đời Tùy (13) .Hai chữ “Duyên Trung” thật tuyệt ! 

“Trung” , theo qui ước tồn tại trong vạn sự vạn vật , là cơ sở tồn tại của mọi sự vật nói rộng ra,tất cả Ðại thiên thế giới không ngoại sự biểu hiện của “Trung”. “Trung” nói lên nhân lõi của giới Tự nhiên. 

Còn “Duyên” có nghĩa là thuận theo , là bắt đầu , là manh nha từ điểm khởi đầu đó. Các vị chẳng đã lần lần từng bước đi theo điểm khởi đầu đó đấy ư ? 

Ý nghĩa của hai chữ đó thật sinh động , thật tuyệt diệu! Hai chữ “chỉ” và “quán” vốn không tách rời nhau , đó cũng là “Ðịnh” và “Huệ”. Sau này , khi các vị ngồi tĩnh tọa , nếu như xuất hiện tạp niệm , không nên cứ khư khư ngồi yên chỗ cũ , có thể tìm xem ý nghĩ đó xuất hiện ở chỗ nào ? Dấy lên ở đâu và mất đi ở đâu ? 

Cứ thế tìm mãi , tìm mãi cho tới khi tìm không ra kết quả , đó chính là chỗ ý nghĩ nảy sinh. Ở đây các vị không nên cứ khăng khăng , cố tìm cho ra chỗ tạp niệm nảy sinh , mà cách hay nhất là đạt tới trình độ : “Tìm Tâm chẳng thấy đâu , như thế là ta đã an tâm cho người rồi đó!” (14). 

Như vậy mới đúng gọi là “Chỉ quán”, còn làm khác đi là “Tà quán”. Sau khi tìm ý nghĩ mà không sao tìm được , vẫn có thể nảy sinh ý nghĩ mới , lúc này ta lại phải cắt đứt nó , rồi tiếp đến quán tưởng nó , quán tới mức độ phù hợp , rồi lại cắt đứt ý nghĩ mà ta quán tưởng , công pháp này được gọi là “Ðịnh Huệ song tu”. 

Ðây cũng chính là “Phương pháp hồi quang” mà ta đã giảng giải ở trên.”Hồi” tức là “Chỉ”, “Quang” tức là “Quán”. 
“Chỉ” mà không “Quán” gọi là “Hồi” mà không có “Quang”. Còn “Quán” mà không “Chỉ” gọi là có “Quang” mà không “Hồi”. 

Xin các vị nhớ kỹ cho điều đó. 

Chú Thích

1. Văn Thủy Chân nhân : tức Quan Doãn Tử, người cùng thời với Lão Tử. Tương truyền , khi qua cửa Hàm Cốc , Lão Tử đã tặng sách “Ðạo Ðức Kinh” cho Quan Doãn Tử , hiện đương làm một chức quan , trông coi tại đó . 

Trong sách “Quan Doãn Tử. Ngũ giám” có viết : “Ví dụ , đôi con mắt có thể nhìn Trời Ðất , Vạn Vật , giờ tạm thời “Hồi quang”, không nhìn thấy nữa”. Ở đây lần đầu tiên Quan Doãn Tử dùng từ “Hồi quang”.

2. Tinh tư : thuật ngữ luyện nội , chỉ phương pháp tu tâm , dưỡng tính, tập trung tư tưởng, hướng nội.

3. Thuần khí : thuật ngữ luyện nội , chỉ phương pháp tập trung tư tưởng , dẫn khí đi theo các kinh mạch.

4. Ðạo Ðạo : ở đây muốn chỉ con đường giải thoát khỏi mọi mối ưu phiền , căng thẳng , sống thanh thản , ung ung , tự tại , hòa đồng với Ðất Trời , Vạn Vật…

5. Hỏa Hậu : các nhà Nội Ðan ví Hỏa (Lửa) với Thần. 
Trình độ kết hợp Thần và Khí trong thuật Luyện Ðan gọi là Hỏa Hậu. 
Hậu chỉ các giai đoạn luyện Nội Ðan. 

Mỗi giai đoạn tu luyện đều có yếu quyết về Hỏa Hậu. 
Trong thuật Luyện Ðan , nắm được bí mật của Hỏa Hậu chính là nắm được thiên cơ. 
Trong sách “Ngộ Chân trực chỉ”, Lựu Nhất Minh đời Thanh viết : “Luyện được Kim Ðan hoàn toàn dựa vào hỏa Hậu. 

“Hỏa” xem như công lực tu luyện , còn “Hậu” là trình tự tu luyện. 
Hái thuốc cần biết sớm trưa , luyện thuốc cần biết thời tiết . 
Hỏa Hậu được xem là bí mật của công pháp Nội Ðan , vì thế trong Ðạo giáo có thuyết cho rằng : “Thánh nhân truyền Dược không truyền Hỏa”. 
Ðiều đó đủ nói lên rằng , Hỏa Hậu là then chốt của phép tu luyện Nội Ðan.

6. Luân hồi : thuật ngữ Phật học , cho rằng chúng sinh bắt đầu kể từ không , luôn luôn luân chuyển sống chết trong Tam giới như bánh xe quay , không sao thoát ra được.

7. Kinh Âm Phù : bộ kinh chính của Ðạo giáo , tên gọi đầy đủ là “Kinh Hoàng Ðế Âm Phù. “Âm” có nghĩa là bí mật , kín đáo , không ai biết , “Phù” có nghĩa là “hợp”. “Âm Phù” là cách thức hành động phù hợp với thiên cơ , hiểu rõ Ðạo Trời và Ðạo của con người. 

Thời gian ra đời của bộ Kinh này hiện nay không rõ , tương truyền do Hoàng Ðế , người khai sáng ra nền văn hóa Trung Hoa truyền lại. Kinh Âm Phù: do Lý Thuyên đời Ðường phát hiện thấy ở vách núi Tung Sơn. Từ xưa tới nay đã có nhiều nhà nghiên cứu chú giải Kinh Âm Phù. 

Bộ kinh gồm cả thảy ba phần. Phần một chủ yếu trình bày cơ sở lý luận của học thuyết âm Dương Ngũ Hành , nói rõ người học Ðạo phải thừa hành Thiên Ðạo , Thiên Nhân tương ứng , trong sạch lương tâm , có như thế mới đạt được cảnh giới tối cao của phép Dưỡng sinh. 

Phần hai trình bày sự biến hóa động tĩnh của Âm Dương Ngũ Hành, nhằm minh họa mối quan hệ, giữa con người với Trời Ðất và Vạn Vật. Phần ba khuyên người học Ðạo phải biết ngăn giữ đôi mắt , tu tĩnh lương tâm , gạt bỏ những ý nghĩ xấu xa , không được vi phạm Ðạo Trời .

8. Ðại thiên Thế giới : chỉ Thế giới bao la không bờ không bến.

9. Vạn pháp như như : vạn pháp đều lấy “Tĩnh” làm gốc , đều trở về trạng thái “Tĩnh”. Như biểu thị trạng thái thanh tịnh, tự nhiên.

10. Tri chỉ : xem “Lễ ký. Ðại học” : “Ðại học chi Ðạo tại minh minh đức tại thân dân , tại chỉ ư chí thiện . Tri chỉ nhi hậu hữu định , định nhi hậu năng tĩnh , tĩnh nhi hậu năng an , an nhi hậu năng lự , lự nhi hậu năng đắc”. 

Dịch nghĩa : “Ðạo của Ðại học là ở chỗ làm sáng tỏ Ðức sáng , ở chỗ làm mới dân và ở chỗ đứng vào nơi chí thiện. Biết dứt bõ rồi sau mới có thể định , định rồi sau mới có thể tĩnh , tĩnh rồi sau mới có thể yên , yên rồi sau mới có thể nghĩ , nghĩ rồi sau mới có thể thu hoạch được”.

11. Trung Hoàng : trong các Ðan thư, Trung Hoàng chỉ trung Ðan Ðiền. Nhưng ở đây chỉ Thiên Tâm giữa hai lông mày.

12. Nhìn ngón tay ngỡ là Mặt Trăng : trong “Kinh Lăng Nghiêm” có đưa ra một ví dụ : một người lấy ngón tay chỉ mặt Trăng cho người khác ngắm. Người này chẳng để ý gì đến Mặt Trăng , mà chỉ ngắm ngón tay của người kia , xem ngón tay là Mặt Trăng , như vậy chẳng những mất Mặt Trăng mà còn mất cả ngón tay nữa. 

13. Tiểu Chỉ Quán : còn có tên là “Ðồng mông chỉ quán” hay “Pháp yếu tu tập tọa thiền chỉ quán” do Ðại sư Trí Khải đời Tùy trụ trì ở chùa Tu Thiền núi Thiên Ðài Sơn thuật. 
Toàn bộ cuốn sách gồm mười chương. 

Qua các chương này , Ðại sư Trí Khải , người đầu tiên trình bày về các yếu lĩnh điều thân , điều tức , điều tâm. 
Trong sách còn mô tả cụ thể các tư thế trong điều thân ; khí và hơi thở trong điều tức ; nhập định , trú định , xuất định trong điều tâm. Có thể nói , đây là cuốn sách đặc biệt cần thiết đối với những người muốn đi sâu nghiên cứu khí công Phật gia. 

14. Truyền thuyết Phật giáo Thiền tông kể rằng , Sư tổ Bồ Ðề Ðạt Ma chín năm diện bích tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn. Một hôm Thần Quang đến , quỳ trước Tổ bạch :
– “Tâm” con không an, xin Tổ dạy cho phép an “Tâm”.

Vậy ngươi hãy đem “Tâm” ra đây ta an cho.
Thần Quang sửng sốt tìm lại không thấy “Tâm”, thưa :
– Bạch Tổ , con kiếm “Tâm” mãi mà không thấy .
Thế là ta đã an “Tâm” cho ngươi rồi đó.

Nghe Tổ dạy , Thần Quang bỗng nhiên giác ngộ và được Tổ đổi tên thành Tuệ Khả.
Ðúng như lời Tổ dạy , trong mỗi con người những tạp niệm luôn luôn trỗi dậy , thúc bách , giằng xé rối bời , làm ta xao xuyến không yên. Thế nhưng chúng ta lại thường ngộ nhận , lầm chấp những tạp niệm đó là “Tâm” mình,cho nên chẳng lúc nào thấy “Tâm” an.

Bởi “Tâm” không an , nên con người bôn tẩu khắp nơi tìm phép an Tâm . 
Diệu thuật của của Tổ Ðạt Ma buộc ta nhìn thẳng lại xem “Tâm” là gì , thử xem nó có thật hay không mà cầu an. 
Khi đã vỡ lẽ nó không thật , nó tự lặng lẽ tan biến , đó là an “Tâm”. 

Khi “Tâm” đã dứt bỏ hết tạp niệm gọi là “vô niệm” hay “không tâm”. 
Lúc này không còn hình tướng gì nữa nên gọi là “không”. 
Tu luyện đạt đến chỗ “không tâm” hay “vô niệm” sẽ nhận ra cảnh giới “không” ấy là chân thực. Và cũng chính vì vậy cửa Thiền trượng gọi là cửa “Không”. An thần tổ khiếu hấp tụ tiên thiên 

❁ ❁ ❁
Tác Giả: Lã Đồng Tân
Liên Thanh sưu tập
Nguồn: Tủ sách Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x