Trang chủ » 2. Buổi học đầu tiên

2. Buổi học đầu tiên

by Hậu Học Văn
7 views

Đưa một em bé bốn hoặc năm tuổi đến vườn trẻ, chẳng khác nào thả cọp về rừng. Nó không cần tập cho quen không khí nhà trường cho lắm. Nhưng đối với đứa trẻ ba tuổi, cần phải tế nhị hơn nhiều. Nó hãy còn quá rụt rè, sợ sệt và còn tùy thuộc nơi mẹ nhiều. Bà mẹ đưa con đến trường rồi bỏ về, thoạt tiên có thể đứa bé không gây gổ liền, nhưng một lúc sau vẫn không thấy mẹ đâu cả, nó sẽ hoảng sợ lên. Hôm sau có thể lắm là nó không hề dám bước chân ra khỏi nhà.

Với một trẻ như thế, ta cần tập cho nó quen với nhà trường từ từ. Trong những ngày đầu tiên, có thể bà mẹ nên ở gần bên khi nó nô đùa. Một lúc sau lại đưa trẻ về nhà, lần lần nên tăng thêm thời gian ở lại trường của hai mẹ con. Trong khi ấy lòng triều mến của đứa bé hướng lần về cô giáo và các trẻ khác trong lớp, là những người giúp cho nó được vui và không còn quá xa lạ với nó nữa. Đồng thời vắng mẹ ít lâu nó cũng không thấy có nguy hiểm lắm. Ít hôm sau đứa bé vẫn vui chơi tuy không có bà mẹ nó ở đó. Nhưng một hôm, em bị té đau và bỗng cảm thấy cần mẹ hơn bao giờ cả. Trong trường hợp nầy, giáo viên sẽ hội ý với gia đình thử xem bà có nên trở lại trường thêm ít ngày nữa hay không. Dầu có phải đến trường với con, bà mẹ chỉ nên đóng vai phụ ở xa xa mà thôi. Cần tập cho trẻ phát triển việc hòa mình với kẻ khác để nó « quên » việc phải có mẹ bên mình luôn luôn.

Khi bà mẹ phải xa con lần đầu, sự lo sợ của bà thường vượt quá sự lo sợ của con. Vì vậy khi bà dặn con ở lại học cho giỏi, nét mặt lại lộ vẻ không an lòng, làm cho đứa bé lo sợ thầm : « Má về rồi, thế nào mình cũng gặp việc nguy hiểm. Vậy mình đeo má luôn cho yên ». Thế là đáng lý trẻ phải ngoan ngoãn ở lại học, bây giờ đeo sát mẹ nó luôn, không dám rời ra nửa bước.

Đôi khi con trẻ e ngại hoặc không muốn trở lại học nơi trường mà ta thấy là rất tốt, ta nên cương quyết và giải thích cho nó biết ai cũng phải đi học cả. Chính ta phải tỏ vẻ rất tin tưởng nơi học đường và giáo viên chịu trách nhiệm dạy dỗ con em ta, để tạo sự tin tưởng cho chúng.

Nếu đứa bé không chịu ở lại mà không có mẹ, người cha thử đưa con đi học vài hôm, có thể vài tuần lễ. Trong trường hợp nầy mà vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ta thử thảo luận với giáo viên mẫu giáo, vì người có nhiều kinh nghiệm và giỏi tâm lý trẻ con. Có thể ta cần đưa con em đến hỏi ý kiến bác sĩ thần kinh hoặc bác sĩ chuyên về bịnh nhi đồng.

Có nhiều trẻ thấy dường như kiệt lực đi trong mấy ngày hoặc mấy tuần lễ đầu tiên ở nhà trường. Có em ở nhà không được hoạt động nhiều, vô trường lại dự đủ mọi sinh hoạt của lớp nên mệt. Có em không quen với không khí mới mẻ, đồ vật mới, cô giáo mới… Có em vì quá bồn chồn hoặc lạ chỗ nên không nghỉ trưa được (trong trường hợp nhà trường giữ trẻ lại buổi trưa). Vì lý do nào mặc lòng, khi thấy con em có vẻ uể oải lúc ở trường về, chớ vội cho rằng con mình không đủ sức đi học. Nó chỉ cần điều chỉnh lần cho thích hợp với tình cảnh mới. Ta thử thảo luận với giáo viên xem có nên tạm cắt bớt giờ học của trẻ lại hay không. Nếu có thể bớt giờ học, nên cho trẻ đi học trễ hơn là về sớm hơn, vì con trẻ không muốn bỏ lỡ trò chơi nửa chừng. Cũng có thể cần giữ trẻ ở nhà một hoặc hai ngày trong một tuần lễ, để điều chỉnh lại tình trạng sức khỏe. Có nhiều trẻ dầu mệt nhọc mấy cũng vẫn giữ được vẻ tươi tỉnh ở trường, nhưng khi về đến nhà thì như kiệt quệ hẳn đi. Trong những trường hợp như thế bà mẹ đừng e ngại gì mà không đi hỏi ý kiến của cô giáo. Một cô giáo mẫu giáo được huấn luyện kỹ, thường là người hiểu rộng trong các vấn đề trẻ con dầu có hay không liên quan đến học đường. Có thể họ cũng đã gặp tình cảnh khó khăn tương tự như vậy từ trước và đã có kinh nghiệm về việc ấy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x