Trang chủ » Chương 7: Từ mối quan hệ nghiện ngập đến mối quan hệ đích thực

Chương 7: Từ mối quan hệ nghiện ngập đến mối quan hệ đích thực

by Trung Kiên Lê
126 views

Những mối quan hệ yêu/ghét

Trừ khi và cho tới khi bạn tiếp cận với tần suất ý thức trở về hiện tại, không thì mọi mối quan hệ, đặc biệt là mối quan hệ yêu đương nam nữ, đều có những khiếm khuyết sâu sắc, cuối cùng mối quan hệ sẽ yếu dần và chấm dứt.

Chúng tưởng chừng rất hoàn hảo trong một giai đoạn ngắn, ví dụ như khi bạn đang yêu, nhưng sự hoàn hảo bề ngoài tưởng chừng mãi mãi đó sẽ bị phá vỡ khi có những tranh cãi, xung đột, không thỏa mãn, và những rối loạn về tinh thần, thậm chí là thể chất.

Dường như hầu hết những mối quan hệ yêu đương đều trở thành quan hệ yêu/ghét trước khi chúng có thể kéo dài lâu. Tình yêu khi đó đã chuyển thành sự đả kích tàn nhẫn, cảm giác hận thù, hoặc hoàn toàn trở nên lạnh nhạt, không cảm giác chỉ trong một thoáng chốc. Điều này được xem là bình thường.

Nếu bên trong những mối quan hệ của mình, bạn trải nghiệm cả yêu và thái cực ngược lại của nó là ghét – sự tấn công, sự rối loạn cảm xúc, v.v… – thì có khả năng cao là chính bạn đang nhầm lẫn giữa cái tôi chấp trước với chấp thủ bám víu lấy tình yêu một cách nghiện ngập.

Bạn không thể yêu người đó trong lúc này và sau đó tấn công anh ta hoặc cô ta vào lúc khác. Tình yêu thực sự không có sự đối lập. Nếu tình yêu của bạn có sự đối lập ghét – thù hận, thì nó không phải là tình yêu mà chỉ là nhu cầu bản ngã mạnh mẽ cho một cảm giác sâu sắc hơn về bản thân, một nhu cầu mà cần đối phương tạm thời đáp ứng.

Tuy nhiên, sẽ đến lúc người yêu của bạn cư xử theo những hướng không thể đáp ứng được những gì bạn cần, hay nói cách khác là những nhu cầu cho cái tự ngã của bạn. Những cảm giác lo sợ, đau khổ, và thiếu thốn trở thành một phần nội tại của tâm thức đầy tính tự ngã, nhưng được bù đắp bởi mối quan hệ yêu đương đang hiện lên trên bề nổi.

Cũng giống như mọi sự nghiện ngập khác, bạn sẽ được thăng hoa khi thuốc có sẵn cho bạn, và đến một lúc nào đó thuốc không còn hiệu lực nữa.

Khi cảm giác đau khổ xuất hiện trở lại, bạn cảm nhận chúng thậm chí còn mạnh hơn so với trước đó, và tệ hơn, bạn sẽ nhìn nhận người yêu của bạn như là nguồn gốc của mọi khổ sở mà bạn đang trải qua. Điều này có nghĩa là bạn đã biểu lộ toàn bộ cảm xúc ra ngoài và tấn công người khác bằng hành động hung hăng, đó chính là một phần trong sự đau khổ của bạn.

Sự tấn công này có thể đánh thức nỗi đau bên trong của đối phương, và anh/cô ta có thể phản công lại. Ở thời điểm này, tự ngã vẫn hy vọng một cách vô thức, mông muội rằng sự tấn công của nó hay những nỗ lực để thao túng sẽ là hình phạt đủ để khiến đối phương thay đổi hành vi, và do đó tự ngã có thể sử dụng người yêu của bạn như một phần bù đắp cho nỗi đau của bạn.

Đó là nguyên nhân vì sao sau khi giai đoạn đầu đẹp đẽ đã qua, chỉ còn lại nhiều nỗi bất hạnh, nhiều đau khổ trong những mối quan hệ yêu đương. Mối quan hệ không phải là nguyên nhân tạo ra đau khổ và bất hạnh. Chúng chỉ phơi bày ra sự bất hạnh và đau khổ đã có ở trong ta. Mọi sự nghiện ngập đều như vậy. Mọi sự nghiện ngập đều đạt tới đỉnh cao khi nó không còn có tác dụng với ta thêm nữa, và sau đó ta sẽ cảm thấy sự đau khổ dằn vặt đến tột độ hơn bao giờ hết.

Đấy là nguyên nhân khiến cho hầu hết mọi người đang cố gắng né tránh và chạy trốn khỏi giây phút hiện tại và đang tìm kiếm một sự cứu rỗi nào đó trong tương lai. Chướng ngại đầu tiên mà họ có thể vấp phải nếu họ tập trung chú ý vào giây phút hiện tại đó là nỗi đau khổ của chính họ, và đấy là cái mà họ lo sợ.

Nếu họ biết cách tiếp cận với Hiện Tại, sức mạnh của sự an trú trong từng giây phút hiện tại sẽ hóa giải quá khứ và những nỗi đau gắn với nó, sự thật sẽ hóa giải mọi ảo giác, mông muội. Nếu họ biết họ đang đến gần với thế giới thực của chính họ, họ có thể biết được họ đã gần với Thượng Đế đến mức nào.

Việc né tránh những mối quan hệ nhằm trốn chạy khỏi những sự khổ đau không phải là câu trả lời, hay giải pháp thực sự. Sự đau khổ vẫn tồn tại. Ba mối quan hệ thất bại trong nhiều năm có thể sẽ giúp bạn thức tỉnh, còn hơn là ở lại trong ốc đảo sa mạc hay cô quạnh trong phòng suốt ba năm. Nếu bạn có thể hiện hữu trong hiện tại một cách sâu sắc khi bạn ở một mình, bạn có thể áp dụng nó.

Từ mối quan hệ nghiện ngập đến mối quan hệ đích thực

DÙ BẠN ĐANG SỐNG MỘT MÌNH HAY SỐNG VỚI NGƯỜI BẠN ĐỜI, đây chính là chìa khóa cho bạn: Hãy an trú trong hiện tại và làm tăng thêm sự hiện hữu của bạn bằng cách điều chỉnh ý thức đi sâu hơn nữa vào từng giây phút Hiện Tại.

Để cho tình yêu được nở rộ, ánh sáng ý thức của hiện tại cần phải đủ mạnh để bạn không bị chiếm hữu bởi những suy nghĩ mông lung hay sự khổ đau, và rồi nhầm lẫn những suy nghĩ mông muội và cảm xúc tiêu cực đó là chính bạn.

Hiểu rõ mình là Bản Thể Đích Thực đằng sau những suy nghĩ, sự tĩnh lặng đằng sau những âm thanh ồn ào trong tâm trí, tình yêu và sự hoan lạc phía sau nỗi đau khổ, chính là sự tự do, sự cứu rỗi và giác ngộ.

Thoát khỏi việc đồng hóa mình với đau khổ chính là mang sự hiện hữu và ý thức trở về với nỗi đau, sau đó chuyển hóa nó. Tách bản thân khỏi trạng thái suy tư có nghĩa là bạn phải biến mình thành người quan sát thầm lặng những suy nghĩ và hành động, đặc biệt là những thói quen tư duy của tâm trí được lặp đi lặp lại và vai trò, cũng như tác động của tự ngã đến chúng.

Nếu như bạn ngừng đầu tư vào tâm trí đầy cái tôi, tâm trí sẽ mất đi khả năng ép buộc hay thúc đẩy của nó. Khả năng này về căn bản chính là sự thôi thúc để phán xét, do đó sẽ kháng cự lại và phủ nhận những gì đang xảy ra với bạn, tạo ra sự mâu thuẫn, xung đột, thảm kịch và nỗi đau khổ mới.

Trên thực tế, trong giây phút bạn ngừng phán xét và chấp nhận những gì nó vốn là, nó đang là, bạn sẽ đạt được sự tự do thoát khỏi tâm trí. Bạn sẽ dành nhiều thời gian cho tình yêu, niềm hân hoan và sự bình an.

ĐẦU TIÊN BẠN HÃY NGỪNG PHÁN XÉT BẢN THÂN; sau đó, bạn ngừng phán xét người yêu của bạn. Điều quan trọng nhất để có được sự thay đổi trong mối quan hệ đó là hoàn toàn chấp nhận người bạn yêu, mà không cần đánh giá hay thay đổi họ theo mọi cách.

Thái độ này ngay lập tức sẽ đưa bạn vượt lên trên tự ngã. Mọi trò chơi của tâm trí và sự bám víu một cách nghiện ngập hoàn toàn chấm dứt. Ở đây sẽ không có nạn nhân và thủ phạm, không có người tố cáo và bị can nữa.

Đây cũng là điểm kết thúc của việc phụ thuộc lẫn nhau, chấm dứt tình trạng bị tác động bởi một lối mòn tư duy vô thức của một ai khác. Bạn sẽ trở nên tách biệt – trong tình yêu – hoặc cùng nhau đi vào trạng thái sâu hơn của Hiện Tại, trạng thái an nhiên tự tại. Nó đơn giản vậy sao? Có chứ, vì nó chỉ đơn giản là vậy.

Tình yêu thương chính là trạng thái của Bản Thể Đích Thực, là trạng thái tồn tại thật sự. Tình yêu của bạn không phải ở bên ngoài bản thân bạn, mà nó nằm sâu bên trong bạn. Bạn không bao giờ mất nó, và nó cũng không thể rời bỏ bạn. Nó không phụ thuộc vào bất kỳ ai, hay bất kỳ hình thức bề ngoài nào.

TRONG SỰ TĨNH TẠI TỪ SỰ HIỆN DIỆN CỦA BẠN, bạn có thể cảm nhận thực tại vô tướng vô hình và vô thời gian của chính mình, nó giống như một sự sống vô hình đã truyền vào bên trong cơ thể bạn. Sau đó, bạn có thể cảm nhận được sự sống tương tự như vậy ở sâu bên trong từng con người và mọi sinh vật khác.

Bạn đã nhìn vượt lên tấm màn che của hình dạng bên ngoài và sự tách biệt, để nhận ra một bản thể chung, một cái duy nhất cho tất cả. Bạn đã chứng ngộ được Nhất Thể. Đó chính là tình yêu.

Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn ngủi, nhưng tình yêu không thể nảy nở trừ khi bạn đã thoát ly vĩnh viễn khỏi sự khống chế của tâm trí, và sự hiện hữu trong hiện tại của bạn đủ mạnh để giải tỏa mọi nỗi đau – hoặc ít nhất bạn có thể giữ nguyên ở hiện tại như một nhân chứng, một người quan sát lặng lẽ những gì xảy ra bên trong bạn. Khi đó, nỗi đau sẽ không thể chiếm hữu bạn và sẽ không thể làm tổn hại đến tình yêu nữa.

Mối quan hệ như là một sự rèn luyện về tâm linh

Khi con người càng đồng hóa họ với tâm trí của họ, hầu hết mọi mối quan hệ không tạo được nền tảng hay gốc rễ từ Bản Thể Đích Thực, do đó các mối quan hệ đều trở thành nguồn gốc của sự khổ đau và chìm đắm vào những vấn đề, những mâu thuẫn.

Nếu những mối quan hệ kích thích, làm tăng thêm những khuôn mẫu tư duy đầy tính tự ngã và đánh thức nỗi đau đớn sâu kín bên trong, như chúng đang làm trong lúc này, thì tại sao chúng ta không thể chấp nhận sự thật hiển nhiên này thay vì tìm cách trốn chạy khỏi nó?

Tại sao không ngừng hợp tác với nó thay vì phải trốn tránh những mối quan hệ hay tiếp tục chạy theo một bóng ma ảo tưởng về một đối tác lý tưởng nhằm giải quyết những vấn đề của bạn hoặc nhằm thỏa mãn một cảm giác nào đó trong bạn?

Chấp nhận sự thật cũng đồng nghĩa với việc bạn đã thoát ra khỏi chúng ở một mức độ nào đó. Ví dụ, khi bạn biết rằng ở đó không có sự hòa hợp và bạn cứ giữ lại cái nhận biết đó, sẽ có những sự kiện mới xuất hiện, và mối bất hòa sẽ không còn được giữ nguyên mà không thay đổi nữa.

KHI BẠN BIẾT BẠN ĐANG TRONG TRẠNG THÁI BẤT AN, cái biết đó tạo ra một khoảng không tĩnh lặng để bao quanh cái bất an trong bạn với một cái ôm ấp dịu dàng và trìu mến, sau đó sẽ chuyển hóa cái bất an đó thành sự bình an.

Khi nói về sự chuyển hóa bên trong, bạn không thể làm được gì với nó. Bạn không thể chuyển hóa chính bạn, và đương nhiên bạn cũng không thể chuyển hóa người bạn yêu hay bất cứ người nào. Những gì bạn có thể làm đó là tạo ra một khoảng không để sự chuyển hóa có thể diễn ra, để sự ân sủng và tình yêu có thể đi vào.

Vì vậy, bất cứ khi nào mối quan hệ của bạn trở nên xấu đi, khi nào mối quan hệ đó đẩy bạn và đối phương đi đến sự tức tối, điên rồ, hãy cảm thấy vui lòng. Khi đó, tất cả những gì vô minh từ trong vô thức sẽ được chiếu rọi bởi ánh sáng ý thức. Đó là một cơ hội để cứu rỗi bạn và mối quan hệ của bạn.

TRONG TỪNG GIÂY PHÚT, HÃY GIỮ LẤY “CÁI BIẾT” CỦA TỪNG GIÂY PHÚT, đặc biệt là về trạng thái bên trong. Nếu bên trong có sự tức giận, hãy biết rằng bạn đang tức giận. Nếu trong đó có sự ghen tuông, phòng thủ, muốn tranh cãi, nhu cầu là người luôn đúng, có một đứa trẻ bên trong đòi hỏi sự yêu thương và được chú ý đến, hoặc sự đau đớn trong cảm xúc – bất kể nó là gì, bạn hãy nhận biết thực tại của giây phút đó ở trong bạn, và giữ lấy cái biết đó.

Mối quan hệ lúc này trở thành sadhana, hay sự luyện tập về tâm linh của bạn. Nếu bạn quan sát những hành động vô minh của người mình yêu, hãy ôm nó trong vòng tay yêu thương bằng sự hiểu biết của bạn, do đó bạn sẽ không phản ứng lại.

Sự vô minh và thức tỉnh không thể cùng tồn tại dài lâu – kể cả khi chỉ có một người thức tỉnh trong khi người còn lại đang cư xử một cách vô minh. Hình thái năng lượng nằm phía sau sự thù địch và công kích sẽ không thể chấp nhận tình yêu thương và sự bao dung.

Nếu bạn phản ứng lại với tất cả những hành động vô minh từ đối phương, bạn đã biến chính bạn thành người vô minh. Nhưng nếu sau đó bạn bắt đầu nhớ ra và nhận biết được hành động của bạn, sẽ không có gì ảnh hưởng nữa.

Những mối quan hệ chưa từng sinh ra nhiều vấn đề và mâu thuẫn như hiện thời. Nếu bạn để ý, những mối quan hệ này không phải để làm bạn thấy vui vẻ, hạnh phúc hay được thỏa mãn. Nếu bạn tiếp tục theo đuổi cái đích là kiếm tìm sự cứu rỗi thông qua một mối quan hệ, bạn sẽ bị vỡ mộng triền miên.

Nhưng nếu bạn chấp nhận mối quan hệ hiện có, thì chính mối quan hệ ấy sẽ dẫn bạn đến sự cứu rỗi thực sự, và bạn sẽ đưa chính mình lên một tầm nhận thức cao hơn. Tầm nhận thức đó đến một giai đoạn sẽ muốn được sinh ra trong thế giới này.

Đối với những ai cố lưu giữ những khuôn mẫu tư duy cũ, họ sẽ càng gặp phải những đau khổ, bạo lực, rối ren và điên cuồng hơn.

Bạn cần bao nhiêu người để chuyển đổi cuộc sống của bạn thành một bài thực hành về tâm linh? Không cần phải lo lắng nếu đối phương của bạn không muốn hợp tác. Sự thức tỉnh, hay ý thức, chỉ có thể đi vào thế giới này thông qua bạn. Bạn không cần phải đợi cho cả thế giới này tỉnh thức, hoặc một ai đó sống một cách thức tỉnh, đầy ý thức thì bạn mới có thể giác ngộ. Nếu vậy, bạn sẽ phải chờ đợi mãi mãi.

Bạn đừng nên cáo buộc lẫn nhau về việc người này vẫn còn đang mê muội trong vô minh. Cái giây phút bạn bắt đầu tranh luận và ngụy biện là lúc bạn đã xác định một quan điểm nhất định và hiện giờ bạn đang cố bảo vệ không chỉ chính kiến đó của bạn mà còn cả cảm giác của bản ngã, hay cái tôi trong bạn nữa.

Lúc đó, bản ngã trong bạn đang thao túng bạn. Bạn đã trở nên vô minh trong mê muội một cách vô thức. Có thể trong một số trường hợp sẽ là hợp lý nếu bạn chỉ ra một số điểm trong cách cư xử của đối phương.

Nếu bạn đang rất thức tỉnh, và ý thức được sự hiện hữu của mình trong hiện tại, bạn có thể làm như vậy mà không hề dính líu đến cái tôi – không có sự đổ lỗi, cáo buộc, hoặc dẫn đến những sai lầm.

Khi đối phương cư xử một cách vô thức, thiếu kiểm soát và mông muội, hãy loại bỏ tất cả những phán xét trong đầu bạn. Vì phán xét tức là bạn hoặc đang lẫn lộn giữa hành vi của đối phương với chính con người chân thực của họ, hoặc bạn đang phóng chiếu chính sự vô minh, thiếu hiểu biết của mình lên người còn lại và nhầm lẫn rằng những cái đó chính là con người thực của họ.

Từ bỏ sự phán xét đối với người khác không có nghĩa là bạn không còn khả năng nhận ra sự tha hóa, hay vô minh, thiếu hiểu biết của người khác khi bạn vấp phải những hành vi như vậy.

Nó có nghĩa là “là một người hiểu rõ” hơn là “là người phản ứng lại”, hay một vị quan tòa chuyên phán xét. Sau đó, bạn sẽ hoặc hoàn toàn thoát ly khỏi mọi hành vi phản ứng, hoặc bạn có thể phản ứng và vẫn duy trì trạng thái tỉnh thức, nhận biết được điều đó, bạn vẫn tạo ra một khoảng trống giữa phản ứng với chính bạn để quan sát và cho phép hành vi đó được diễn ra.

Thay vì phải chiến đấu với bóng tối, bạn đã mang mọi thứ phơi bày dưới ánh sáng của ý thức. Thay vì phản ứng với những ảo tưởng giả tạo, bạn nhìn nhận được những ảo tưởng đó và cùng lúc nhìn xuyên thấu nó.

“Người hiểu rõ” tạo ra một khoảng không khoáng đạt cho sự hiện diện của tình yêu và lòng trắc ẩn, qua đó cho phép mọi thứ và tất cả mọi người được hiện hữu với bản chất đích thực của họ.

Không tồn tại một chất xúc tác nào cho sự chuyển hóa bên trong có thể mạnh mẽ hơn điều này. Nếu bạn luyện tập nó, đối phương của bạn không thể tiếp tục mối quan hệ với bạn trong khi vẫn còn duy trì lối hành xử thiếu hiểu biết kia.

Nếu cả hai đều đồng ý duy trì mối quan hệ để mối quan hệ trở thành phương tiện luyện tập về tâm linh cho cả hai, thì điều này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

Bạn có thể bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc cùng nhau ngay khi chúng xuất hiện, ngay khi một phản ứng xảy ra, và do đó bạn sẽ không để cho những cảm xúc hay nỗi bất bình chưa được thừa nhận, không được nói ra có thời gian đâm chồi và nảy nở bên trong bạn.

HÃY HỌC CÁCH BÀY TỎ những cảm nhận của bạn mà không cần phải trách móc. Học cách lắng nghe đối phương một cách cởi mở và không có tính phòng thủ, hoặc tự vệ cho mình.

Hãy cho đối phương một khoảng không riêng để họ tự biểu lộ chính mình. Hãy luôn hiện hữu trong hiện tại. Những lối cư xử mà bạn thường dựng lên để củng cố hay bảo vệ bản ngã, hoặc để đáp ứng những nhu cầu của cái tôi (như cáo buộc, chống chế, và đả kích) đều trở nên thừa thãi. Điều cần thiết ở đây là hãy để cho những người khác, cũng như chính bạn, có một không gian. Tình yêu không thể nảy nở nếu không có không gian.

Khi bạn loại bỏ được hai yếu tố thường gây hại cho những mối quan hệ – khi sự đau khổ đã được chuyển hóa và bạn không còn đồng hóa với tâm trí và chủ kiến của bạn – và nếu đối phương cũng làm được như vậy, bạn sẽ có được niềm vui sướng từ sự nở hoa trong mối quan hệ.

Thay vì phản chiếu lại sự đau đớn và vô minh, những hành động vô thức của nhau, thay vì thỏa mãn những nhu cầu đầy tính tự ngã, bạn sẽ phản chiếu lẫn nhau thứ tình yêu mà bạn cảm nhận từ sâu bên trong, thứ tình yêu xuất phát từ sự thức tỉnh của bạn về sự hợp nhất giữa bạn với hiện hữu.

Đó là thứ tình yêu không có sự đối nghịch.

Nếu người bạn đời của bạn vẫn còn bị đồng hóa với tâm trí và nỗi đau khổ trong khi bạn đã thoát khỏi những đau khổ đó, đây sẽ là một thách thức lớn – không phải cho bạn mà cho chính người bạn đời của bạn. Không dễ dàng sống với một người đã thức tỉnh, giác ngộ, hoặc là tự ngã của người còn lại sẽ dễ dàng đi vào tình thế bị đe dọa.

Hãy nhớ rằng bản ngã luôn cần có những rắc rối, xung đột, và “kẻ thù” để củng cố và làm mạnh hơn cảm giác được phân tách ở bên trong, nhờ đó mà cái bản ngã đó có thể phụ thuộc vào. Tâm trí đầy vô minh của người bạn đời kia vẫn còn bị rối bời từ trong sâu thẳm, chúng sẽ trở nên lung lay và yếu đi, có nguy cơ bị sụp đổ, dẫn đến sự chết đi của bản thân người đó.

Sự đau khổ đang đòi hỏi những phản ứng và hồi đáp lại nhưng không nhận được những phản hồi ấy từ bạn. Người đó muốn có sự tranh chấp, bi kịch, và xung đột nhưng tất cả đều không được đáp ứng.

Chấm dứt mối quan hệ với chính mình

Dù đã giác ngộ hay chưa, bạn cũng đã có một giới tính, là nam giới hoặc nữ giới, do đó xét về phương diện hình tướng, bạn vẫn chưa được hoàn thiện. Bạn chỉ là một nửa trong cái hoàn thiện.

Cái thiếu hoàn thiện này được cảm nhận rõ trong sự thu hút giữa nam và nữ, sự lôi kéo hướng về đối cực năng lượng bên kia, bất kể bạn đã giác ngộ được đến đâu. Tuy nhiên, trong trạng thái bên trong được kết nối, bạn sẽ thấy sức hút này chỉ ở bề ngoài trong cuộc sống của bạn.

Điều này không có nghĩa là bạn đã không còn kết nối sâu đậm với những người khác hoặc người bạn đời của bạn. Trên thực tế, mối liên hệ với người khác chỉ trở nên sâu sắc khi bạn ý thức được Bản Thể Đích Thực.

An trú trong hiện tại, bạn mới có thể tập trung ý thức vượt lên trên tấm rèm che của những hình thái bề ngoài. Ở trong Bản Thể Đích Thực, thì giới tính không còn là sự phân cách, cả nam giới và nữ giới đều là một. Hình tướng của bạn có thể vẫn còn, nhưng Bản Thể Đích Thực thì không.

Vì Bản Thể Đích Thực đã trọn vẹn và hoàn thiện. Nếu những nhu cầu kia được đáp ứng thì quả là tuyệt vời, tuy nhiên, cho dù chúng có được đáp ứng hay không cũng sẽ không tạo ra sự khác biệt cho trạng thái bình yên sâu thẳm bên trong.

Vì thế, khi nhu cầu nam nữ không được đáp ứng, một người đã giác ngộ hoàn toàn có thể cảm nhận được sự không hoàn thiện ở hình tướng bề ngoài của anh ta hoặc cô ta, nhưng cùng lúc đó, người này vẫn thấy được sự toàn vẹn, hoàn thiện, được thỏa mãn, và bình yên ở bên trong.

Nếu bạn không cảm thấy thoải mái với chính mình khi ở một mình, bạn sẽ đi tìm kiếm một mối quan hệ để bù đắp cho sự bất an đó. Bạn có thể chắc chắn rằng sự bất an đó sẽ xuất hiện trở lại dưới một vài hình thái khác bên trong mối quan hệ bạn tạo ra, và bạn có thể quy trách nhiệm cho đối phương về những bất an đó.

TẤT CẢ NHỮNG GÌ BẠN CẦN LÀ HOÀN TOÀN CHẤP NHẬN GIÂY PHÚT NÀY. Sau đó, bạn có thể cảm thấy thư thái ở đây, ngay bây giờ và với chính mình.

Nhưng bạn có thực sự cần một mối quan hệ với chính mình không? Tại sao bạn không thể chỉ là chính bạn thôi? Khi bạn có mối quan hệ với bản thân bạn, bạn đã chia tách mình ra làm hai nửa: “bạn” và “bản thân bạn”, là chủ thể và khách thể. Sự phân biệt này là nguyên nhân gốc rễ của mọi sự phức tạp không cần thiết, của mọi rắc rối và mâu thuẫn trong cuộc sống.

Khi ở trong trạng thái thức tỉnh và giác ngộ, bạn là chính bạn – “bạn” và “bản thân bạn” đã hòa làm một. Bạn không phán xét chính bạn, bạn không thấy có lỗi với bản thân mình, bạn không tự hào về chính bạn, bạn không yêu chính bạn, cũng không ghét bỏ nó, v.v… Sự phân tách sẽ được hàn gắn, và sự bất an, đau khổ sẽ được xóa bỏ. Ở đó không có cái tôi, hay bản ngã cần phải được bảo vệ, che chở hay nuôi nấng nữa.

Khi bạn đã thức tỉnh, có một mối quan hệ sẽ không còn tồn tại: mối quan hệ với chính bạn. Một khi bạn đã từ bỏ nó, tất cả những mối quan hệ khác đều trở thành mối quan hệ với đầy tình yêu thương.

Tác giả: Eckhart Tolle
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 1 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x