Trang chủ » Chương 2: Nguồn gốc của nỗi sợ hãi

Chương 2: Nguồn gốc của nỗi sợ hãi

by Trung Kiên Lê
123 views

Cảm giác sợ hãi tâm lý khác hẳn với sự sợ hãi đến từ bất kỳ mối nguy hiểm nào ngay tức thì và rõ ràng. Trạng thái tâm lý này sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau như: cảm giác khó chịu, bất an, lo lắng, bồn chồn, băn khoăn, căng thẳng, chán nản, sợ sệt hay bị ám ảnh.

Nỗi lo sợ tâm lý sẽ luôn là nỗi lo sợ vô cớ về một sự việc nào đó có thể xảy ra hoặc không, thay vì lo sợ về một mối nguy nào hay sự kiện nào đang xảy ra ngay lúc này. Thực chất là bạn đang ở đây và ngay trong giây phút hiện tại, trong khi tâm trí bạn đang ở tương lai.

Điều đó sẽ tạo ra một khoảng trống lo âu. Và nếu bạn đồng hóa mình với tâm trí, và bạn đánh mất đi sự kết nối với sức mạnh và sự giản đơn của Hiện Tại, khoảng trống lo âu này sẽ trở thành người bạn đồng hành bền lâu của bạn.

Bạn có thể đương đầu và ứng phó với bất kỳ giây phút hiện tại nào, nhưng bạn không thể làm như vậy đối với một cái gì đó chỉ là sự mường tượng giả tạo từ tâm trí – nói cách khác, bạn không thể ứng phó với những gì trong tương lai mà chưa hề diễn ra.

Thêm vào đó, khi bạn đồng hóa mình với tâm trí, chính bản ngã hay cái tôi trong bạn sẽ thống trị và kiểm soát hoàn toàn cuộc sống của bạn.

Bản chất của bóng ma bản ngã giả tạo, mặc dù có những cơ chế phòng vệ kỹ lưỡng, rất dễ bị tổn thương và luôn có cảm giác bất an hoặc không an toàn, chính bản ngã sẽ luôn nhìn thấy có một mối nguy rình rập ngay cả khi nó có vẻ bề ngoài rất tự tin.

Bây giờ, hãy nhớ rằng một cảm xúc tức thời chỉ là sự phản ứng lại của cơ thể đối với tâm trí. Vậy cơ thể liên tục nhận được những thông điệp gì từ bản ngã, hay cái tôi giả tạo, được hình thành bởi trí năng? Câu trả lời là: Nguy hiểm quá! Tôi đang bị đe dọa. Và thông điệp liên tiếp gửi đến cơ thể sẽ tạo ra cảm xúc gì? Câu trả lời hiển nhiên đó là: Cảm giác sợ hãi.

Nỗi sợ hãi dường như sẽ đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Sợ bị mất mát, sợ bị thất bại, sợ bị tổn thương v.v… nhưng cuối cùng tất cả cảm giác sợ hãi đó đều xuất phát từ cảm giác sợ hãi của chính bản ngã về cái chết, về sự lụi tàn. Đối với bản ngã, cái chết luôn cận kề ở xung quanh.

Trong trạng thái đồng hóa bản thân mình với tâm trí, cảm giác sợ hãi về cái chết ảnh hưởng đến mọi mặt trong cuộc sống của bạn.

Ví dụ, thậm chí một việc tưởng chừng rất nhỏ nhặt và bình thường (như nhu cầu nhất thiết phải là người đúng trong một cuộc tranh luận và người khác phải sai trong cuộc tranh luận đó) lại chính là nỗi sợ hãi về cái chết của bản ngã.

Nếu bạn đồng hóa mình với một vị thế tưởng tượng định vị từ trong tâm trí, và sau đó nếu bạn là người sai trong cuộc tranh luận, bạn cảm thấy như thể bản thân mình bị tiêu diệt.

Do vậy, bạn hay cái bản ngã trong bạn sẽ không thể chịu đựng nổi nếu bạn là người sai trong cuộc tranh luận. Bị sai có nghĩa là chết. Nhiều cuộc chiến đã nổ ra vì điều này, vì bản ngã và vô số các mối quan hệ cũng đã mất đi.

Một khi bạn không đồng hóa mình với tâm trí, dù là bạn sai hay đúng cũng sẽ không ảnh hưởng gì đến cảm nhận của bạn về bản thân mình, do đó nhu cầu sâu thẳm từ trong vô thức và cấp bách rằng bạn phải đúng, cái suy nghĩ và nhu cầu này thực chất là một dạng bạo lực, sẽ không còn tồn tại trong bạn nữa.

Lúc này bạn có thể khẳng định rõ ràng và chắc chắn về cảm giác của bạn hoặc bạn đang nghĩ gì, nhưng bạn sẽ không bao giờ trở nên hung hăng hay bảo vệ ý kiến của bạn đến cùng nữa. Cảm nhận của bạn về bản thân sẽ bắt nguồn từ một nơi sâu thẳm hơn và đúng đắn hơn, thay vì từ trong tâm trí.

HÃY CẨN TRỌNG VỚI BẤT KỲ LOẠI HÌNH PHÒNG THỦ HAY TỰ VỆ NÀO ở bên trong bạn. Bạn đang phòng thủ, hay bảo vệ cái gì? Phải chăng chỉ là một ảo giác về chính mình, một hình ảnh được tạo ra bởi sự tưởng tượng trong đầu bạn, một thực thể hoàn toàn không thực.

Bằng cách lôi những lối mòn suy nghĩ như vậy ra ánh sáng của ý thức, bằng cách quan sát nó, bạn sẽ tách khỏi sự đồng hóa giữa chính mình với thực thể đầy ảo tưởng này. Dưới ánh sáng của tiềm thức, những lối mòn suy nghĩ hay cảm xúc vô thức sẽ nhanh chóng được loại bỏ.

Và đấy chính là cái kết cho tất cả những tranh luận, cãi vã, những cuộc chơi hay cuộc tranh chấp quyền lực, tất cả những thứ chỉ làm tổn hại thêm cho mọi mối quan hệ trong xã hội, giữa con người với con người.

Vị thế hay quyền lực dùng để chinh phục kẻ khác thực chất chính là sự yếu đuối sâu bên trong được ngụy trang bởi sức mạnh hay vũ lực. Sức mạnh thực sự là ở bên trong, và nó luôn ở bên bạn trong hiện tại.

Tâm trí luôn tìm mọi cách để từ chối Hiện Tại và để chạy trốn khỏi nó. Nói cách khác, bạn càng đồng hóa mình với tâm trí, bạn càng bị tổn thương nhiều hơn.

Hoặc bạn có thể nói theo cách này: Khi bạn càng có khả năng chân thật với chính mình và chấp nhận Hiện Tại, bạn càng thoát khỏi sự đau đớn, dằn vặt, và nỗi khổ – bạn cũng sẽ thoát khỏi trạng thái tự ngã, tâm trí với đầy bản ngã bên trong.

Nếu bạn không còn muốn tạo ra sự khổ sở cho mình và cho người khác, nếu bạn không còn muốn tăng thêm nỗi khổ của quá khứ, xin đừng dành thêm nhiều thời gian, hoặc ít nhất là không nhiều hơn lượng cần thiết để giải quyết tất cả các vấn đề trong cuộc sống của bạn. Vậy làm thế nào để ngừng lại việc tiêu tốn thời gian?

CẢM NHẬN THẬT SÂU SẮC RẰNG GIÂY PHÚT HIỆN TẠI là tất cả những gì bạn có. Hãy tạo ra Hiện Tại của bạn – điều tập trung then chốt trong cuộc sống của bạn.

Mặc dù trước đây bạn đã vùi mình vào thời gian và ít để ý đến Hiện Tại, bây giờ hãy đặt mình vào Hiện Tại, thỉnh thoảng ghé thăm quá khứ và tương lai khi bạn cần giải quyết những vấn đề thực tế trong những tình huống diễn ra trong cuộc sống.

Luôn nói “Có” với từng phút giây hiện tại.

Chấm dứt ảo tưởng về thời gian tâm lý

Đây chính là chìa khóa: Hãy kết thúc mọi ảo tưởng về thời gian. Thực chất rất khó để phân tách thời gian và tâm trí. Loại bỏ yếu tố thời gian ra khỏi tâm trí và nó sẽ ngừng hoạt động, trừ khi bạn lựa chọn tiếp tục sử dụng nó.

Khi bạn đồng hóa mình với tâm trí, những cảm xúc hay suy nghĩ mông lung, điều này có nghĩa là bạn đã bị mắc kẹt trong thời gian. Trong trạng thái này, trong bạn sẽ có những khao khát hay sự hối thúc để bạn chỉ hầu như sống với những ký ức và những kỳ vọng.

Chính điều này khiến tâm trí bạn luôn trở nên bận bịu với cả quá khứ và tương lai, không muốn thừa nhận và trân trọng từng phút giây hiện tại, cũng như cho phép hiện tại được diễn ra như nó vốn dĩ như thế.

Sở dĩ có sự hối thúc này là vì chính quá khứ đã giúp bạn biết bạn là ai và tương lai sẽ luôn hứa hẹn cho một sự cứu rỗi, những thành tựu sẽ đạt được ở bất kỳ hình thức nào. Tất cả chỉ là ảo tưởng.

Khi bạn càng chú tâm vào thời gian tâm lý – quá khứ và tương lai – bạn càng mất đi cái Hiện Tại, cái quý giá nhất ở đây mà bạn có.

Tại sao nó lại là điều quan trọng nhất? Thứ nhất, vì nó là thứ duy nhất và chỉ duy nhất có thực đang tồn tại. Cái phút giây hiện tại bất tận này chính là khoảng không ở bên trong, ở đó toàn bộ cuộc đời bạn được phô ra, yếu tố này là cái duy nhất không bao giờ thay đổi. Cuộc sống chỉ diễn ra trong lúc này. Cuộc sống của bạn sẽ không bao giờ diễn ra khi nó đã là quá khứ hay nó sẽ đến trong tương lai.

Thứ hai, phút giây Hiện Tại là điểm mốc duy nhất có thể đưa bạn vượt lên trên những hạn chế, hay những giới hạn nhất định của tâm trí. Chỉ giây phút Hiện Tại mới là điểm để dẫn bạn đi vào cảnh giới của cõi Vô Tướng, Miên Viễn, Vô Cùng.

Bạn đã bao giờ trải nghiệm, thực hiện, suy nghĩ, hoặc cảm nhận về một cái gì đó ở ngoài Hiện Tại chưa? Bạn có nghĩ rằng sẽ có lúc bạn làm vậy không? Liệu có thể có cái gì đó xảy ra hoặc tồn tại ở bên ngoài Hiện Tại? Câu trả lời đã quá hiển nhiên và rõ ràng, đúng không nào?

Không gì có thể diễn ra trong quá khứ, nó chỉ xảy ra ở hiện tại. Không có gì sẽ diễn ra trong tương lai, nó chỉ diễn ra trong hiện tại.

Tâm trí thông thường sẽ không thể hiểu nổi cái chân lý thực sự mà tôi đã đề cập. Khi bạn thấu suốt và trải nghiệm được chân lý này, bạn sẽ có một bước chuyển hóa trong tiềm thức, từ tâm trí đến Bản Thể Đích Thực, từ cảm nhận về thời gian tâm lý thông thường đến việc lưu ý tới từng phút giây hiện tại. Bất chợt, mọi thứ bạn cảm nhận xung quanh đều rất sống động và tỏa đầy năng lượng.

Tác giả: Eckhart Tolle
(Nếu bạn yêu thích hãy mua sách giấy ủng hộ tác giả, dịch giả và nhà xuất bản)

5 2 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x