Trang chủ » Ta là Cái đó [Mục 1 – 6] – Ý thức ta hiện hữu

Ta là Cái đó [Mục 1 – 6] – Ý thức ta hiện hữu

by Hậu Học Văn
1565 views

1. Ý thức ta hiện hữu

Hỏi: Theo kinh nghiệm thường ngày, thế giới đột nhiên xuất hiện ngay khi người ta thức dậy. Vậy nó từ đâu đến?

Maharaj: Trước khi bất cứ gì có thể xuất hiện thì phải có người để nó xuất hiện đối với người đó. Tất cả mọi xuất hiện và biến mất bao hàm một sự thay đổi đối với một hậu cảnh bất biến.

Hỏi: Trước khi thức dậy tôi không có ý thức.

Maharaj: Theo nghĩa nào? Đã quên đi, hay chưa từng kinh nghiệm? Thế không phải ông vẫn kinh nghiệm ngay cả khi không có ý thức? Liệu ông có thể tồn tại mà không biết? Có phải một sự ngắt quãng trong ký ức là bằng chứng của sự không tồn tại? Liệu có hợp lý khi ông nói về sự không tồn tại của ông như là một kinh nghiệm thực tế? Thậm chí ông cũng không thể nói rằng tâm ông đã không tồn tại trong khi ngủ. Thế không phải ông tỉnh dậy khi được gọi hay sao? Và ngay khi thức dậy, không phải ý thức “Ta hiện hữu” xuất hiện trước tiên? Một mầm mống nào đó của ý thức chắc chắn phải tồn tại ngay cả trong khi ông ngủ hay bất tỉnh. Khi thức dậy, kinh nghiệm diễn ra: “Ta hiện hữu – thân xác – trong thế gian.” Kinh nghiệm này có vẻ như xuất hiện theo trình tự trong một chuỗi diễn tiến, nhưng thật ra nó hình thành cùng một lúc – một ý tưởng duy nhất về sự có một thân xác trong thế giới. Liệu có thể có ý thức “Ta hiện hữu” mà không là một người nào đó hay một cái gì đó?

H: Tôi luôn luôn là một người với những ký ức và thói quen riêng. Tôi không biết cái “Ta hiện hữu” nào khác.

M: Có thể một cái gì đó ngăn che không cho ông biết. Khi người khác biết một cái gì đó mà ông không biết thì ông làm gì?

H: Tôi sẽ nhờ họ chỉ dẫn để tìm ra nguồn gốc sự hiểu biết của họ.

M: Theo ông – tìm hiểu có phải ông chỉ là thân xác hay ông là một cái gì khác – có quan trọng không? Hoặc, có thể ông không là gì cả? Ông không thấy rằng tất cả mọi vấn đề của ông đều là vấn đề của thân xác hay sao – thực phẩm, quần áo, chỗ ở, gia đình, bằng hữu, tên tuổi, danh vọng, sự an toàn, sự sống còn – tất cả những thứ này sẽ mất đi ý nghĩa ngay khi ông nhận ra rằng ông không phải chỉ là một thân xác.

H: Biết được tôi không phải thân xác thì có lợi lạc gì?

M: Thậm chí nói rằng ông không phải là thân xác thì cũng không đúng hẳn. Về một phương diện nào đó, ông là tất cả các thân xác, tất cả những trái tim, tất cả tâm và nhiều cái khác nữa. Đi sâu vào ý thức “Ta hiện hữu” ông sẽ tìm ra. Ông phải làm gì để tìm ra một cái gì đó mà ông đã để sai chỗ hay quên đi? Ông để nó trong tâm cho đến khi nào nhớ ra nó. Ý thức hiện hữu, ý thức “Ta hiện hữu” xuất hiện trước tiên. Hãy tự hỏi nó từ đâu đến, hoặc im lặng quan sát nó. Khi tâm an trú trong cái “Ta hiện hữu” bất động, ông nhập vào một trạng thái không thể diễn tả bằng ngôn từ, nhưng có thể chứng nghiệm được. Tất cả những gì ông cần làm là thường xuyên tinh tấn.  Xét cho cùng, ý thức “Ta hiện hữu” lúc nào cũng ở với ông, chỉ có điều ông ràng buộc đủ mọi thứ vào nó – thân xác, cảm thọ, ý nghĩ, ý tưởng, sự sở hữu, vân vân. Tất cả những nhận dạng về chính mình như thế đều sai lạc. Chính vì chúng mà ông cho ông là những gì không phải là ông.

H: Vậy tôi là cái gì?

M: Chỉ cần biết cái mà ông không phải, là đủ. Ông chẳng cần biết ông là cái gì. Vì chừng nào biết có nghĩa là sự mô tả theo những gì đã biết, qua nhận thức hay khái niệm, thì không thể nào có cái gọi là biết chính mình, vì cái mà ông không thể mô tả được, ngoại trừ sự phủ định hoàn toàn. Ông chỉ có thể nói: “Ta không là cái này, Ta không là cái kia”. Ông không thể nói: “Ta là cái này.” Điều này hoàn toàn vô nghĩa. Những gì ông có thể chỉ ra như “này”, “kia” thì không thể nào là chính ông. Chắc chắn, ông không thể là “một cái gì” khác. Ông là cái không thể nhận thức được, hay tưởng tượng ra được. Nhưng, nếu không có ông thì không thể có nhận thức hay tưởng tượng. Ông quan sát trái tim rung động, tâm trí tư duy, thân xác hành hoạt; ngay chính hành vi nhận thức chứng tỏ rằng ông không phải là những gì được ông nhận thức. Liệu có thể có nhận thức, kinh nghiệm mà không có ông? Một kinh nghiệm thì phải “thuộc về”. Phải có một người nào đó xuất hiện và tuyên bố kinh nghiệm đó là của mình. Nếu không có người kinh nghiệm thì kinh nghiệm không thật. Chính người kinh nghiệm đem lại hiện thực cho kinh nghiệm. Một kinh nghiệm mà ông không thể có được thì có giá trị gì đối với ông?

H: Thế không phải ý thức “Ta hiện hữu”, ý thức chính mình là người kinh nghiệm cũng là một kinh nghiệm?

M: Hiển nhiên, bất cứ gì được kinh nghiệm đều là một kinh nghiệm, và trong mỗi kinh nghiệm đều có người kinh nghiệm nó xuất hiện. Ký ức tạo ra ảo tưởng về sự liên tục, nhưng trong thực tế mỗi một kinh nghiệm có riêng người kinh nghiệm của nó, và cảm tưởng về sự giống nhau là do yếu tố chung ở tại gốc rễ của tất cả những tương quan giữa người kinh nghiệm và kinh nghiệm. Sự giống nhau và sự liên tục không phải là một. Mỗi bông hoa có mầu sắc riêng của nó, nhưng tất cả mầu sắc đều được tạo ra bởi cùng một ánh sáng; tương tự như thế có vô số người kinh nghiệm xuất hiện trong tánh biết nguyên vẹn và bất khả phân chia; mỗi người kinh nghiệm thì riêng biệt trong ký ức, nhưng lại giống nhau trong tánh thể. Tánh thể này là gốc rễ, là nền tảng, là khả năng phi thời và phi xứ của tất cả kinh nghiệm.

H: Làm sao tôi tìm ra tánh thể đó?

M: Ông chẳng cần tìm ra nó, vì ông nó. Nó sẽ tìm ông nếu ông cho nó cơ hội. Hãy quẳng bỏ mọi ràng buộc của ông với những cái hư giả thì cái chơn thật sẽ nhanh chóng và dễ dàng đi vào vị trí của nó. Hãy chấm dứt tưởng tượng chính ông là cái này hay cái kia, hoặc làm cái này hay cái kia, thì sự giác ngộ ra rằng ông là nguồn gốc và là trái tim của tất cả sẽ bừng nở trong ông. Cùng đến với sự giác ngộ là tình yêu vĩ đại, không lựa chọn, không thiên vị, không trói buộc, mà là một sức mạnh biến tất cả mọi thứ thành đáng yêu và dễ yêu.

2. Nỗi ám ảnh về thân xác

Hỏi: Maharaj, ông đang ngồi trước mặt tôi, và tôi ngồi đây dưới chân ông. Sự khác biệt căn bản giữa ông và tôi là gì?

Maharaj: Chẳng có sự khác biệt căn bản nào cả.

H: Nhất định phải có một sự khác biệt thực tế nào đó. Tôi đến với ông, nhưng ông không đến với tôi.

M: Vì tưởng tượng ra những khác biệt nên ông bôn ba đây đó tìm người “siêu việt” hơn ông.

H: Ông cũng là một người siêu việt. Ông nhận mình là người biết cái chơn thật, còn tôi thì không.

M: Có bao giờ Ta nói ông là người hèn kém vì ông không biết? Hãy để những ai nghĩ ra những khác biệt như thế chứng minh sự khác biệt. Ta không tự nhận mình biết cái mà ông không biết. Thật ra, ta biết còn ít hơn ông.

H: Lời lẽ của ông thông thái, cung cách của ông cao cả, lòng từ ái của ông đầy uy lực.

M: Ta không hề biết đến những thứ đó, và cũng chẳng thấy sự khác biệt nào giữa Ta và ông. Cũng như cuộc đời ông, cuộc đời Ta chỉ là một chuỗi các diễn tiến. Chỉ có điều là Ta không bị ràng buộc, Ta thấy vở tuồng trôi qua là vở tuồng trôi qua, còn ông thì vướng mắc đủ mọi thứ và lăn trôi cùng với chúng.

H: Điều gì đã làm cho ông thản nhiên như thế?

M: Chẳng có gì đặc biệt cả. Có được sự thản nhiên ấy là do tín tâm của Ta đối với Tôn sư. Ngài bảo Ta không là gì khác ngoài cái Ta của Ta, và Ta đã tin lời. Tin tưởng Tôn sư, Ta đã hành xử theo lời Ngài chỉ dạy và không còn bận tâm đến những gì không phải là Ta, hoặc của Ta.

H: Vì sao ông có cơ may đặt tất cả tín tâm vào Tôn sư, trong khi sự tin tưởng của chúng tôi chỉ là hình thức và ngôn từ?

M: Ai biết được? Chuyện chỉ xảy ra như thế. Mọi chuyện xảy ra không hề có nguyên nhân hay lý do, mà xét cho cùng, ai là ai thì có gì quan trọng? Những cao kiến của ông về Ta chỉ là ý kiến của ông. Ông có thể thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào. Tại sao lại ràng buộc sự quan trọng vào ý kiến, ngay cả ý kiến của ông?

H: Nhưng ông vẫn khác biệt. Tâm ông hình như lúc nào cũng tĩnh lặng và an lạc. Phép lạ xảy ra quanh ông.

M: Ta chẳng hề biết đến phép lạ, Ta tự hỏi liệu thiên nhiên có thừa nhận ngoại lệ đối với những quy luật của nó hay không, trừ khi chúng ta đồng ý rằng cái gì cũng là phép lạ. Theo Ta thì không có chuyện như thế. Chỉ có ý thức mà trong đó mọi chuyện xảy ra. Điều này quá hiển nhiên và trong phạm vi kinh nghiệm của mỗi người. Ông quan sát chưa kỹ đó thôi. Hãy quan sát kỹ, và sẽ thấy cái Ta thấy.

H: Ông thấy cái gì?

M: Ta thấy cái mà ông cũng có thể thấy – ở đây và bây giờ – nếu tiêu điểm chú ý của ông không sai lệch. Ông chẳng hề chú ý đến cái Ta của chính ông. Tâm ông luôn luôn bận bịu với sự kiện, con người và ý tưởng, nhưng chẳng bao giờ với cái Ta của ông. Hãy đặt cái Ta của ông vào tiêu điểm của sự chú ý, và biết rõ sự tồn tại của chính ông. Hãy thấy chính ông hành xử như thế nào, quan sát những nguyên do và hậu quả các hành động của ông. Bằng sự chú ý, hãy tìm hiểu cái nhà tù ông đã dựng lên quanh ông. Bằng cách biết cái không phải là ông, ông sẽ biết được cái Ta của chính ông. Con đường trở lại với cái Ta của ông là con đường thông qua sự phủ nhận và khước từ. Có một điều chắc chắn: cái thật không phải là tưởng tượng, nó không phải là sản phẩm của tâm. Ngay cả ý thức “Ta hiện hữu” cũng không liên tục, mặc dù nó là một chỉ điểm hữu ích; nó chỉ chỗ tìm kiếm ở đâu, nhưng không chỉ cái gì phải tìm.

Hãy quan sát nó thật kỹ. Một khi ông tin rằng ông không thể nói bất cứ điều gì đúng thật về cái Ta của ông, ngoại trừ cái “Ta hiện hữu”, và những gì có thể chỉ điểm được thì không thể là ông, lúc đó ý thức “Ta hiện hữu” sẽ không còn cần thiết nữa – vì ông không còn có ý định ngôn từ hóa cái mà ông là. Tất cả những gì ông cần là từ bỏ cái khuynh hướng định nghĩa cái Ta của ông. Tất cả mọi định nghĩa chỉ áp dụng cho thân xác của ông và những thể hiện của nó. Một khi nỗi ám ảnh thân xác không còn nữa, ông sẽ trở lại trạng thái tự nhiên một cách tùy nghi và chẳng cần cố gắng.

Sự khác biệt duy nhất giữa ông và Ta là: Ta biết rõ trạng thái tự nhiên của Ta, còn ông thì bối rối. Cũng giống như vàng khi được làm thành đồ trang sức chẳng hề có ưu thế hơn vàng cám – trừ khi cái tâm bày vẽ ra như thế – vì vậy chúng ta là một trong hiện hữu, và chỉ khác hình tướng bề ngoài. Chúng ta phát hiện ra điều này bằng sự thành khẩn, bằng tìm hiểu, bằng thắc mắc, bằng tra vấn hằng ngày và hằng giờ, bằng sự dâng hiến cuộc đời cho sự khám phá này.

3. Hiện tại sinh động

Hỏi: Như chỗ tôi thấy, không có gì bất ổn với thân xác của tôi, cũng như với sự hiện hữu chơn thật của tôi. Cả hai đều không phải do tôi tạo ra, và cũng chẳng cần phải làm cho tốt đẹp hơn. Cái bất ổn là cái “nội thân”, gọi là tâm, ý thức, Antahkarana, hay bất cứ danh xưng nào khác.

Maharaj: Điều gì làm ông cho rằng tâm ông bất ổn?

H: Nó không an nghỉ, nó ham muốn lạc thú và sợ hãi phiền trược.

M: Có gì là không đúng khi tâm ông tìm kiếm lạc thú và trốn tránh phiền trược? Giữa hai bờ đau khổ và lạc thú là dòng đời trôi chảy. Chỉ khi nào tâm không chịu trôi theo dòng đời, mà vướng mắc hai bên bờ thì lúc đó vấn đề mới khởi sinh. Trôi theo dòng đời, Ta muốn nói là chấp nhận – cái gì đến thì cứ để nó đến, cái gì đi thì cứ để nó đi. Chẳng ham muốn, và cũng chẳng lo sợ; quan sát cái đang xảy ra như nó đang xảy ra và khi nó xảy ra, vì ông không phải những gì xảy ra – những gì xảy ra là xảy ra đối với ông. Cuối cùng, ngay cả ông cũng không phải là người quan sát. Ông là tiềm năng tối hậu mà sự biểu thị và thể hiện của nó là ý thức bao trùm tất cả

H: Nhưng giữa thân và cái Ta là một đám mây ý nghĩ và cảm thọ, chẳng phục vụ gì cho thân hoặc cái Ta. Những ý nghĩ và cảm thọ này rất mong manh, vô thường và vô nghĩa; chúng là lớp bụi tâm lý tạo ra ngăn che và bế tắc, nhưng chúng có đó, gây chướng ngại và phá hoại.

M: Chắc chắn là vậy, ký ức về một sự kiện hay dự tính về một sự kiện thì không thể được cho là chính sự kiện. Nhưng sự kiện hiện tại là ngoại lệ duy nhất, khác với cái trước đó hay cái sắp đến. Nó có một sự sinh động, một hiện thực; nó nổi bật như thể được chiếu sáng. Chỉ cái hiện thực mới mang “dấu ấn của thực tại” còn quá khứ và tương lai thì không.

H: Cái gì ban cho hiện tại “dấu ấn của thực tại”?

M: Chẳng có gì đặc thù trong sự kiện hiện tại khiến cho nó khác với quá khứ và tương lai. Quá khứ đã từng là hiện thực trong một khoảnh khắc, và tương lai cũng sẽ trở thành như thế. Vậy cái gì làm cho hiện tại khác biệt? Rõ ràng là sự có mặt của Ta. Ta là thật vì Ta luôn luôn là bây giờ, trong hiện tại, và những gì hiện hữu với Ta bây giờ đều dự phần trong thực tại của Ta. Quá khứ ở trong ký ức, còn tương lai trong tưởng tượng. Tự thân sự kiện hiện tại thì chẳng có gì làm chính nó nổi bật như cái thật. Nó có thể là một sự xảy ra đơn điệu và định k , giống như tiếng gõ của đồng hồ. Chúng ta biết rằng những tiếng đồng hồ gõ liên tiếp đều giống nhau, nhưng tiếng gõ hiện tại rất khác với tiếng trước và tiếng sau – vì tiếng trước được ghi nhớ, và tiếng sau được mong đợi. Một vật được đưa vào tiêu điểm của hiện tại thì hiện hữu cùng Ta vì Ta luôn luôn hiện tại. Ta truyền đạt thực tại của chính Ta cho sự kiện hiện tại.

H: Nhưng chúng ta hành xử với những gì được ghi nhớ như thể chúng là thật.

M: Chỉ khi nào ký ức xuất hiện trong hiện tại thì chúng ta mới nghĩ đến nó. Cái đã bị quên đi thì không được biết tới cho đến khi người ta được gợi nhớ – điều này hàm ý đưa nó vào bây .

H: Đúng, tôi có thể thấy trong hiện tại có một số yếu tố không biết được, và chính yếu tố này làm cho cái hiện thực ngắn ngủi trở thành thực tại nhất thời.

M: Ông không thể nói nó là cái không biết được, vì ông thấy nó hoạt động không ngừng. Từ khi ông được sinh ra đến nay, nó có bao giờ thay đổi? Sự việc và ý nghĩ luôn luôn thay đổi. Nhưng cảm giác thì chẳng bao giờ thay đổi, ngay cả trong chiêm bao.

H: Trong giấc ngủ sâu không hề có kinh nghiệm về thực tại hiện tiền.

M: Tình trạng vô ký của giấc ngủ sâu hoàn toàn là do sự trống vắng những ký ức riêng biệt nào đó. Nhưng ký ức tổng quát về một trạng thái an lành vẫn còn đó. Có một sự khác biệt trong cảm thọ khi chúng ta nói “Tôi đã ngủ sâu,” và “Tôi đã vắng mặt.”

H: Trở lại câu hỏi mà chúng tôi đã bắt đầu lúc nãy: ở giữa nguồn sống và thể hiện của sự sống (có nghĩa là thân xác) là: tâm và những trạng thái thường xuyên biến dịch của nó. Dòng chảy của những trạng thái tâm thì bất tận, vô nghĩa và đầy đau khổ. Đau khổ là yếu tố bất biến. Cái mà chúng ta gọi là lạc thú chỉ là một khoảng trống, một sự xen vào giữa hai trạng thái đau khổ. Tham ái và lo sợ là những đường chỉ dọc, ngang của đời sống, và cả hai đều được tạo ra từ đau khổ. Câu hỏi của chúng tôi là: Liệu có thể có một cái tâm an lạc?

M: Tham ái là ký ức của khoái lạc, và lo sợ là ký ức của đau khổ. Cả hai làm cho tâm bất an. Những khoảnh khắc của khoái lạc đơn thuần chỉ là những khoảng trống trên dòng đau khổ. Làm sao tâm có thể an lạc?

H: Điều đó đúng khi chúng ta ham muốn khoái lạc hay chờ mong đau khổ. Nhưng cũng có những lúc vui sướng bất ngờ, không dự tính trước. Vui sướng thuần túy, không bị nhiễm ô bởi tham ái – không tìm kiếm, không biện bạch được, và Trời cho.

M: Nhưng, vui sướng là vui sướng trước một hậu cảnh khổ đau.

H: Đau khổ là một sự kiện vũ trụ, hay thuần túy tâm lý?

M: Vũ trụ thì viên mãn, và ở nơi viên mãn, nơi không có gì thiếu vắng, thì cái gì có thể gây đau khổ?

H: Vũ trụ có thể viên mãn khi là một tổng thể, nhưng khi đi vào chi tiết thì không trọn vẹn.

M: Một phần của tổng thể được thấy trong tương quan với cái tổng thể thì cũng viên mãn. Chỉ khi nào được thấy trong cô lập thì mới trở nên khiếm khuyết và do đó gây đau khổ. Cái gì tạo ra sự cô lập?

H: Dĩ nhiên là những hạn chế của tâm. Tâm không thể thấy một phần như tổng thể.

M: Tốt, Tâm, do bản chất của nó, phân chia và gây đối nghịch. Liệu có thể có một cái tâm nào khác, hợp nhất và hòa hợp tất cả, thấy cái toàn thể trong một phần và một phần hoàn toàn liên quan với cái toàn thể?

H: Cái tâm khác – tìm nó ở đâu?

M: Bằng cách vượt ra ngoài cái tâm hữu hạn, phân chia và gây đối nghịch. Bằng sự chấm dứt tiến trình tâm lý như chúng ta biết nó. Khi tiến trình này chấm dứt, cái tâm đó khởi sinh.

H: Trong cái tâm đó, vấn đề vui sướng và đau khổ không còn?

M: Không như chúng ta biết chúng qua ưa thích hay chán ghét. Đúng ra, nó trở thành vấn đề của sự thể hiện tìm kiếm tình yêu và đối diện với trở ngại. Một cái tâm dung nhiếp là tình yêu trong hành động, đương đầu với mọi hoàn cảnh; khởi đầu trở ngại, nhưng tối hậu thành công.

H: Có phải tình yêu tạo dựng cây cầu giữa tâm linh và thân xác?

M: Còn gì khác hơn? Tâm tạo ra hố thẳm, trái tim vượt qua hố thẳm đó

4. Thế giới thật ở ngoài tâm

Hỏi: Trong nhiều dịp, câu hỏi được nêu lên là vũ trụ có tuân theo luật nhân quả không, hay nó hiện hữu và hoạt động ngoài mọi luật lệ. Hình như ông cho rằng vũ trụ không do nhân duyên nào tạo ra, và mọi vật, dù nhỏ đến đâu đều không do nhân duyên mà có, chúng xuất hiện và biến mất không vì bất cứ lý do gì có thể biết được.

Maharaj: Tương quan nhân quả có nghĩa là sự nối tiếp trong thời gian của các sự kiện xảy ra trong không gian – không gian là không gian vật lý hoặc không gian tâm lý. Thời gian, không gian, tương quan nhân quả là những dạng tâm thức, nổi lên và chìm xuống cùng với tâm.

H: Chừng nào tâm còn hoạt động thì luật nhân quả vẫn có hiệu lực.

M: Cũng như những gì thuộc về tâm, cái gọi là luật nhân quả mẫu thuẫn với chính nó. Không cái gì tồn tại lại có một nguyên nhân riêng biệt nào đó; toàn thể vũ trụ góp phần cho sự tồn tại của ngay cả những cái nhỏ nhất; không gì có thể như chính nó là nếu vũ trụ không là chính vũ trụ. Khi nguồn gốc và nền tảng của tất cả mọi vật là nguyên nhân duy nhất của tất cả mọi vật, thì nói về tương quan nhân quả như một quy luật vũ trụ là sai. Vũ trụ không hề bị ràng buộc bởi nội dung của chính nó, vì tiềm năng của vũ trụ thì vô biên; ngoài ra, vũ trụ là một sự biểu thị, hoặc sự thể hiện của một nguyên lý căn bản và hoàn toàn tự do.

H: Vâng, xét cho cùng một người có thể thấy rằng khi nói một cái là nguyên nhân duy nhất của một cái khác là hoàn toàn sai. Nhưng trong thực tế cuộc sống, chúng ta bao giờ cũng khởi sinh một hành động với ý định mong chờ một kết quả.

M: Đúng, có rất nhiều hành động như thế đang xảy ra vì vô minh. Nếu người ta biết được rằng không gì có thể xảy ra trừ khi toàn thể vũ trụ làm cho nó xảy ra, thì có lẽ họ đã đạt được nhiều hơn mà lại ít tiêu hao năng lực hơn.

H: Nếu mọi cái đều là sự thể hiện của một tổng thể các nguyên nhân, thì làm sao chúng ta có thể nói về một hành động có chủ đích hướng về một sự thành tựu?

M: Ngay chính sự thôi thúc để đạt thành cũng là một sự thể hiện của toàn thể vũ trụ. Nó đơn thuần cho thấy rằng nguồn năng lượng tiềm tàng đã dâng đến một điểm nhất định nào đó. Chính ảo tưởng về thời gian làm cho ông nói đến tương quan nhân quả. Khi quá khứ và tương lai được thấy trong cái vô thời, như những thành phần của một mô hình chung, thì cái ý tưởng nhân quả mất đi giá trị, và sự tự do sáng tạo sẽ thay chỗ của nó.

H: Nhưng tôi vẫn không thể hiểu được vì sao mọi vật xuất hiện mà không có một nguyên nhân.

M: Khi nói một vật hiện hữu mà không có nguyên nhân, Ta muốn nói rằng nó có thể hiện hữu mà không có một nguyên nhân riêng biệt nào đó. Ông không cần mẹ ruột của ông sinh ông ra, bất cứ người đàn bà nào khác đều có thể sinh ra ông. Nhưng ông không thể được sinh ra mà không có mặt trời và trái đất. Ngay cả mặt trời và trái đất cũng không thể làm ông sinh ra nếu không có yếu tố quan trọng nhất: lòng ham muốn được sinh ra của chính ông. Chính lòng ham muốn đó tạo ra sự sinh, tạo ra danh xưng và hình tướng. Dục vọng được tưởng ra và cần đến, nên thị hiện tự thân thành một cái gì đó hữu hình hay có thể nhận thức được. Thế giới mà trong đó chúng ta sống, thế giới cá nhân của chúng ta, được tạo ra như thế. Thế giới thật thì ở ngoài sự hiểu biết của tâm; chúng ta nhìn thế giới ấy qua tấm lưới của lòng tham ái, nên nó bị chia cắt thành lạc thú và đau khổ, đúng và sai, bên trong và bên ngoài. Muốn thấy vũ trụ này như nó là, ông phải bước ra khỏi tấm lưới. Điều này chẳng mấy khó khăn, vì tấm lưới đầy những lỗ hổng.

H: Ông nói những lỗ hổng là thế nào? Và làm sao tìm ra chúng?

M: Hãy nhìn tấm lưới và vô số mâu thuẫn của nó. Cứ mỗi bước ông tạo ra rồi lại hủy đi. Ông muốn hòa bình, yêu thương, hạnh phúc nhưng làm hết sức để gây đau khổ, hận thù và chiến tranh. Ông muốn trường thọ nhưng ăn uống quá độ, ông muốn tình hữu nghị nhưng bóc lột thẳng tay. Thấy tấm lưới của ông được đan kết bởi những mâu thuẫn như thế, và loại bỏ chúng – chính sự thấy biết của ông làm cho chúng cuốn gói ra đi.

H: Sự thấy biết các mâu thuẫn của tôi làm cho mâu thuẫn ra đi, vậy không có liên quan nhân quả nào giữa cái thấy của tôi và sự ra đi của các mâu thuẫn hay sao?

M: Tương quan nhân quả, cho dù chỉ là một quan điểm, không áp dụng cho sự hỗn loạn.

H:   chừng mực nào thì lòng tham ái là một yếu tố nhân quả?

M: Một trong vô số. Có vô số yếu tố tương quan nhân quả đối với mọi vật. Nhưng nguồn gốc của tất cả những gì hiện hữu là Khả Năng Vô Biên, là Thực Tại Tối Thượng – nó ở ngay trong chính ông, nó tỏa năng lượng, ánh sáng và tình yêu cho từng kinh nghiệm. Nhưng nguồn gốc này không phải là một nguyên nhân và không nguyên nhân nào lại là một nguồn gốc. Chính vì thế mà Ta nói mọi vật hiện hữu không có nguyên nhân. Ông có thể truy tìm một cái gì đó xảy ra như thế nào, nhưng không thể nào ông biết được tại sao một vật như chính nó là. Một vật hiện hữu như chính nó là, bởi vì vũ trụ như chính vũ trụ là.

5. Cái gì được sinh ra phải chết đi

Hỏi: Ý thức nhân chứng có thường hằng hay không?

Maharaj: Nó không thường hằng. Người biết thăng trầm với cái bị biết. Cái mà trong đó cả người biết và cái bị biết nổi lên và chìm xuống thì siêu việt thời gian. Từ ngữ thường hằng hay vĩnh cửu đều không áp dụng được ở đây.

H: Trong khi ngủ không hề có cái bị biết và cũng chẳng có người biết. Cái gì giữ cho thân xác nhạy cảm và tiếp nhận cảm giác?

M: Chắc chắn ông không thể nói rằng người biết vắng mặt. Kinh nghiệm về sự việc và ý nghĩ không có vào lúc đó, chỉ thế thôi. Nhưng không có kinh nghiệm cũng là kinh nghiệm. Cũng giống như khi vào một phòng tối và bảo: “Tôi không thấy gì.” Một người mù bẩm sinh thì không hề biết bóng tối là gì. Tương tự như thế, chỉ có người biết biết mình không biết. Ngủ chỉ là một sự ngắt quãng của ký ức. Sự sống tiếp tục.

H: Còn chết là gì?

M: Chết là sự thay đổi trong tiến trình sống của một thân xác riêng biệt nào đó. Sự hòa hợp chấm dứt và sự tan rã xảy ra.

H: Thế còn người biết. Liệu người biết có biến mất cùng với sự mất đi của thân xác?

M: Người biết của thân xác xuất hiện khi sinh thì người biết cũng biến mất khi tử.

H: Và chẳng có gì còn lại?

M: Sự sống còn lại. Ý thức cần một phương tiện và một công cụ để thị hiện. Khi sự sống tạo nên một thân xác khác, một người biết khác lại xuất hiện.

H: Có một liên quan nhân quả nào giữa thân và người biết kế tiếp, hoặc thân và tâm kế tiếp?

M: Có, có một cái có thể gọi là thân ký ức, hay thân nhân quả, một sự ghi lại của tất cả những gì đã được nghĩ tưởng, mong muốn và hành động. Nó giống như một đám mây của những hình ảnh quyện lại với nhau.

H: Ý thức về sự tồn tại riêng biệt này là gì?

M: Đó là ảnh phản chiếu của thực tại duy nhất trong một thân riêng biệt. Trong ảnh phản chiếu này cái vô hạn và cái hữu hạn lẫn lộn với nhau và bị lầm tưởng là giống nhau. Hóa giải sự lẫn lộn này là mục đích của Yoga. H: Không phải cái chết hóa giải sự lẫn lộn này?

M: Khi chết thì chỉ có thân xác chết. Sự sống không chết, ý thức không chết, thực tại không chết. Và sự sống chưa bao giờ sống động như sau khi chết.

H: Nhưng một người có tái sinh không?

M: Cái gì được sinh ra thì phải chết đi. Chỉ cái bất sinh thì mới bất tử. Tìm xem cái gì chẳng bao giờ ngủ và chẳng bao giờ thức dậy, và ảnh phản chiếu lờ mờ của nó là ý thức “Ta” của chúng ta.

H: Làm sao tôi khởi sự cuộc tìm kiếm này?

M: Làm sao ông khởi sự tìm kiếm một cái gì? Bằng cách dồn hết tâm trí cho nó. Phải để tâm và thường xuyên nhớ. Nhớ những gì cần được nhớ là bí quyết của thành công. Ông chỉ có thể đến với nó bằng sự thành khẩn.

H: Ông muốn nói rằng chỉ mong muốn đi tìm là đủ? Chắc chắn phải cần đến cả khả năng và cơ hội.

M: Những thứ đó sẽ đến với sự thành khẩn. Điều quan trọng tối hậu là thoát ra khỏi mọi mâu thuẫn: mục đích và con đường không thể ở hai bình diện khác nhau; sự sống và ánh sáng không xung đột với nhau; cách hành xử không phản lại sự tin tưởng. Gọi nó là lòng thành thật, chính trực, toàn vẹn; ông không được quay trở lại, phá hủy, làm bung rễ, và từ bỏ những công trình đã chinh phục được. Kiên trì với mục đích và thành thật trong sự theo đuổi sẽ đưa ông đến đích.

H: Lòng kiên trì và thành thật là những đức tính thiên bẩm, chắc chắn là như thế Tôi không có được một chút nào của hai đức tính đó.

M: Tất cả sẽ đến nếu ông tiếp tục dấn thân. Hãy đi bước đầu tiên trước. Mọi phước báu sẽ đến từ bên trong. Quay vào trong. Ông biết cái “Ta hiện hữu”. Hãy ở với nó trong mọi lúc mà ông có thể giành được thời gian, cho đến khi ông có thể trở lại với nó một cách tùy nghi. Chẳng còn cách nào đơn giản hơn và dễ dàng hơn.

6. Thiền

Hỏi: Tất cả các Đạo sư đều khuyên hành thiền. Mục đích của thiền là gì?

Maharaj: Chúng ta biết thế giới bên ngoài của các cảm giác và hành động, nhưng  thế giới bên trong của ý nghĩ và cảm thọ thì chúng ta biết rất ít. Mục đích chính của thiền  là trở nên có ý thức vào đời sống nội tâm, và quen thuộc với đời sống nội tâm của chúng  ta. Mục đích tối hậu của thiền là đến được cội nguồn của sự sống và ý thức.  Thực hành thiền định tác động sâu xa, một cách ngẫu nhiên, đến bản tính của  chúng ta. Đối với những gì không biết, chúng ta là nô lệ, nhưng đối với cái đã biết chúng  ta là chủ nhân. Dù nội tâm có xấu xa hay yếu đuối đến đâu nhưng khi phát hiện và hiểu rõ  những nguyên do và hành hoạt của nó thì chúng ta sẽ vượt qua bằng chính sự hiểu biết;  cái vô thức sẽ tan biến khi được đưa vào ý thức. Sự tan biến của cái vô thức tỏa ra năng  lượng; tâm cảm thấy thỏa mãn và trở nên tĩnh lặng.  H: Một cái tâm tĩnh lặng có công năng gì?

M: Khi tâm tĩnh lặng, chúng ta sẽ biết mình như một nhân chứng thuần túy.  Chúng ta thoát ra khỏi kinh nghiệm và người kinh nghiệm, đứng riêng ra trong tánh biết  thuần túy, tánh biết đó vừa ở giữa, vừa ở bên ngoài kinh nghiệm và người kinh nghiệm.  Tính cách cá nhân, dựa trên sự nhận dạng cái Ta, tưởng tượng mình là một cái gì đó: “Ta  là thế này, Ta là thế nọ” thì vẫn tiếp tục, nhưng chỉ là một phần của thế giới khách quan.  Sự đồng hóa của cá nhân với nhân chứng chấm dứt.

H: Theo chỗ tôi hiểu, tôi sống trên nhiều bình diện khác nhau và sự sống trên mỗi  bình diện cần đến năng lượng. Cái Ta, do bản chất của nó, hài lòng với bất cứ cái gì và  năng lượng của nó tuôn chảy ra ngoài. Thế không phải mục đích của thiền là ngăn giữ  năng lượng ở những bình diện cao hơn, hoặc đẩy lùi năng lượng ngược lên, để tạo cho  các bình diện cao hơn sung mãn?

M: Đây không phải bình diện mà đúng hơn là tính chất – Gunas. Thiền là một  sinh hoạt thanh tịnh, chơn thật với mục đích loại bỏ hoàn toàn quán tính hay sức ì –  Tamas – và động lực – Rajas. Sự hài hòa thuần tịnh – Sattva – là hoàn toàn không còn  biếng nhác và hiếu động.

H: Làm thế nào để Sattva trở nên kiên cố và trong sạch?

M: Sattva luôn luôn trong sạch và mãnh liệt. Nó cũng giống như mặt trời. Nó có  thể bị mây và bụi che khuất, nhưng chỉ theo quan điểm của người nhận thức. Hãy giải  quyết những nguyên nhân của sự ngăn che, chứ không phải mặt trời.

H: Sattva có công dụng gì?

M: Sự công dụng của chân lý, của cái thiện, của sự hài hòa, của cái đẹp là gì?  Chúng là mục đích của chính chúng. Chúng thể hiện một cách tự sinh khởi và dễ dàng  khi mọi chuyện cứ được để tự nhiên – không bị can thiệp, không bị lảng tránh, hay mong  cầu, hay bị khái niệm hóa – mà chỉ được kinh nghiệm trong sự tỉnh thức hoàn toàn. Chính  sự tỉnh thức như thế là Sattva. Nó chẳng cần dùng đến sự vật hay con người – nó đáp ứng  tất cả.

H: Vì không cải thiện được Sattva, tôi chỉ còn cách giải quyết Tamas và Rajas? Làm sao tôi giải quyết chúng?

M: Bằng cách quan sát ảnh hưởng của chúng trong ông và đối với ông. Biết rõ  Tamas và Rajas trong khi chúng hoạt động, quan sát những thể hiện của Tamas và Rajas  trong ý nghĩ, lời nói, và hành động của ông; dần dần sự kiềm tỏa của Tamas và Rajas sẽ  giảm đi và quang minh của Sattva sẽ xuất hiện. Đây không phải là một tiến trình cam go,  và dai dẳng; lòng thành khẩn là điều kiện duy nhất để thành công.

H: Ông không đắm chìm miên viễn trong cái trừu tượng?

M: Trừu tượng thuộc về tâm, thuộc về ngôn từ. Nó biến mất trong khi ngủ, hay  bất tỉnh, và tái xuất hiện trong thời gian. Ta ở trong trạng thái phi thời của chính Ta –  . Qua khứ và tương lai chỉ ở trong tâm – Ta là .

H: Thế giới cũng là bây giờ.

M: Thế giới nào?

H: Thế giới quanh ông và tôi.

M: Đó là thế giới của ông mà ông có trong tâm, không phải của Ta. Ngay cả cuộc  đối thoại giữa Ta và ông cũng ở trong thế giới của ông, ông biết gì về Ta? Ông không có  một lý do nào để tin được thế giới của Ta giống với thế giới của ông. Thế giới của Ta thì  thực có và chơn thật như nó được nhận thức, còn thế giới của ông xuất hiện và biến mất  theo trạng thái của tâm ông. Thế giới của ông là một cái gì xa lạ và ông sợ hãi nó. Thế  giới của Ta là chính Ta. Ta ở ngay trong nhà.

H: Nếu ông là thế giới, làm sao ông biết được nó? Thế không phải chủ thể của ý  thức khác với đối tượng của nó?

M: Ý thức xuất hiện và biến mất cùng với thế giới, do đó chúng là hai phương  diện của cùng một trạng thái.

H: Trong khi ngủ không có tôi nhưng thế giới vẫn tiếp tục.

M: Làm sao ông biết?

H: Khi thức dậy tôi biết. Ký ức của tôi cho tôi biết.

M: Ký ức ở trong tâm. Tâm vẫn tiếp tục trong khi ông ngủ.

H: Trong khi ngủ, một phần của nó không hoạt động.

M: Nhưng hình ảnh mà nó có về thế giới thì không bị ảnh hưởng. Chừng nào tâm  còn đó, thân ông và thế giới của ông còn đó. Thế giới của ông do tâm tạo ra, nó chủ quan,  giới hạn trong nội vi của tâm, nó manh mún, tạm bợ, cá nhân, và đeo bám trên sợi chỉ của  ký ức.

H: Không phải thế giới của ông cũng thế?

M: Không. Ta sống trong một thế giới của những hiện thực, còn thế giới của  ông là của những tưởng tượng. Thế giới của ông là thế giới cá nhân, riêng tư, không chia  sẻ được, và mật thiết với chính ông. Không ai có thể thâm nhập được thế giới của ông để  thấy như ông thấy, nghe như ông nghe, cảm nhận những xúc động của ông và suy nghĩ  những ý nghĩ của ông. Trong thế giới của ông, ông thực sự một mình, ông nằm gọn trong  giấc mộng vô thường của ông mà ông cho đó là cuộc đời. Thế giới của Ta là một thế giới  rộng mở, chung cho tất cả, và tất cả đều có thể tiếp cận. Trong thế giới của Ta chỉ có cái  chung, sự sáng suốt, tình yêu, phẩm chất chơn thật; cái cá nhân là cái toàn thể, cái toàn  thể – trong cái cá nhân. Tất cả là Một và Một là tất cả.

H: Thế giới của ông có đông người và đầy những sự, vật như thế giới của tôi?

M: Không, nó chỉ đầy chính Ta.

H: Nhưng ông có thấy và nghe như chúng tôi?

M: Có, Ta có vẻ như nghe, thấy, nói chuyện và hành hoạt, nhưng đối với Ta nó  chỉ xảy ra, cũng như sự tiêu hóa và bài tiết xảy ra với ông. Bộ máy thân tâm điều hành  những chuyện như thế, nhưng chừa Ta ra. Cũng như ông không bận tâm đến chuyện tóc  mọc, thì Ta cũng chẳng bận tâm đến lời lẽ và hành vi. Chúng cứ xảy ra và để mặc Ta vô  tâm, vì trong thế giới của Ta không bao giờ có sự sai lầm xảy ra

❁ ❁ ❁

Nisargadatta Maharaj Ta là Cái đó (I am That)
Ảnh: Zac Durant on Unsplash

3 2 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x