Trang chủ » Chương 10 – Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ

Chương 10 – Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ

by Hậu Học Văn
206 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Ngôn ngữ là một bức tường, nó bao quanh một nhóm người nào đó, đồng thời lại cách li một nhóm khác ở bên ngoài. Đây có thể là nguyên nhân tại sao từ ngữ có một tác dụng thần bí trong não con người, nó có thể vượt ra khỏi biên giới dân tộc để gắn kết con người với nhau. Ngôn ngữ chính là sợi dây nối liền con người với con người.

Trước khi chuyển chủ đề sang sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, chúng ta cần tiến hành tìm hiểu một chút, nếu không sẽ không thể hiểu được quan hệ giữa ngôn ngữ và cuộc sống. Ngôn ngữ không chỉ khiến một người có thể hòa nhập vào cộng đồng và dân tộc nơi anh ta sinh sống, mà còn là điểm chính để phân biệt giữa con người và các loài vật khác. Ngôn ngữ cũng đồng thời là nền tảng của sự biến đổi môi trường (chúng ta gọi là nền văn hóa).

Cuộc sống của con người khác với các loài động vật khác ở chỗ không hoàn toàn phụ thuộc vào bản năng, chúng ta cũng không thể dự đoán một đứa trẻ sau này sẽ làm gì. Nhưng có một điều chắc chắn là, nếu không thể giao tiếp với người khác, đứa trẻ đó hầu như không thể làm được gì. Chỉ có sức mạnh tư duy là không đủ. Trí thông minh không đủ để tạo ra sự giao tiếp và phối hợp hài hòa giữa người với người, trong khi sự giao tiếp và phối hợp đó lại có vai trò vô cùng quan trọng trong sự thành công của một người. Ngôn ngữ chính là công cụ của “tư tưởng tập thể”.

Trước khi chào đời, con người chưa có ý niệm về ngôn ngữ. Đối với thai nhi, ngôn ngữ chỉ là sự chuyển động của không khí hoặc một chuỗi âm thanh mà thôi.

Những âm thanh này đối với trẻ không có bất cứ ý nghĩa nào. Ví dụ, đối với trẻ, đồ chứa và từ “ấm đun nước” không có bất cứ mối liên hệ logic nào. Từ “ấm đun nước” sở dĩ có ý nghĩa là bởi vì người ta đã gán cho nó một ý nghĩa nhất định. Ý nghĩa của các từ khác cũng vậy. Ý nghĩa sẵn có của mỗi một từ đều là kết quả của sự công nhận của cả một cộng đồng người, chỉ những người hiểu từ đó mới có thể hiểu ý nghĩa của từ. Cùng biểu thị một ý nghĩa giống nhau, những cộng đồng người khác nhau sẽ dùng những hệ thống kí tự khác nhau.

Vì thế, ngôn ngữ là một bức tường, nó bao quanh một nhóm người nào đó, đồng thời lại cách li một nhóm khác ở bên ngoài. Đây có thể là nguyên nhân tại sao từ ngữ có tác dụng thần bí trong não con người, vượt ra khỏi biên giới dân tộc để gắn kết con người với nhau. Ngôn ngữ chính là sợi dây kết nối con người với con người, phát triển và biến hóa theo nhu cầu của con người. Có thể nói, ngôn ngữ phát triển theo tư tưởng của con người.

Điều kì diệu là, những từ phức tạp rối rắm đến đâu cũng đều được cấu thành bởi số lượng âm thanh có hạn. Những âm thanh này có thể tổ hợp với nhau bằng rất nhiều phương thức khác nhau, số lượng từ được tạo thành nhờ thế có thể nói là vô hạn. Những thứ gọi là âm thanh đó, một số được phát ra do nhu cầu cần thiết, một số tự nhiên phát ra, một số âm khi phát ra cần mím chặt môi, có âm lại cần mở rộng miệng.

Nhưng đáng ngạc nhiên hơn là việc bộ não của con người có thể ghi nhớ số lượng khổng lồ tổ hợp âm thanh và ý nghĩa đi kèm của nó. Đây là vấn đề tư duy, nó có thể khiến các từ đơn tổ hợp thành câu. Các từ đơn trong câu được sắp xếp theo một trật tự nhất định chứ không thể tổ hợp một cách tùy tiện. Người nói và người nghe đều căn cứ vào những nguyên tắc nhất định để biểu đạt và lí giải ý nghĩa của câu. Để biểu đạt một thứ, người nói buộc phải sử dụng tên của thứ đó, đồng thời thêm tính từ cần thiết vào trước hoặc sau tên đó. Chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ có vị trí nhất định trong câu. Không chỉ cần sử dụng đúng từ đơn mà trật tự từ cũng rất quan trọng. Hãy thử lấy một ví dụ: Viết ra một câu đúng, sau đó lần lượt bỏ đi từng từ đơn trong đó, và tổ hợp ngẫu nhiên các từ còn lại, câu mới được tạo ra sẽ mất đi ý nghĩa ban đầu. Vì vậy, có thể nói rằng, việc sắp xếp trật tự từ cũng có một chuẩn mực chung.

Vì vậy, ngôn ngữ là trí tuệ siêu việt của con người. Trong lịch sử, sự phát triển ngôn ngữ không hề thuận buồm xuôi gió, khi nền văn minh mà một ngôn ngữ nào đó thuộc về bị phá vỡ, loại ngôn ngữ đó cũng khó thoát khỏi vận đen, hơn nữa vì việc ghi nhớ lại nó rất khó khăn nên cuối cùng sẽ dần dần biến mất. Ban đầu con người tưởng rằng ngôn ngữ là thứ trời phú, nhưng chúng ta không thể không công nhận rằng, ngôn ngữ vượt quá khả năng của tự nhiên, nó thể hiện tư tưởng và là kết quả của trí tuệ con người. Ngôn ngữ giống như một mạng lưới vô tận tỏa ra khắp nơi, có thể biểu đạt bất cứ sự vật, sự việc gì. Chúng ta có thể tốn rất nhiều năm nghiên cứu tiếng Phạn hay tiếng Latinh nhưng vẫn không thể hoàn toàn nắm bắt được chúng. Đó là một bí ẩn không thể lí giải. Chúng ta cần hiểu rằng, mỗi công việc con người làm được đều dựa trên cơ sở là ngôn ngữ chung. Ngôn ngữ là thứ quan trọng nhất trong số những gì con người cần dùng.

 Con người nắm bắt ngôn ngữ như thế nào? Nghi vấn này thôi thúc chúng ta nghiên cứu quá trình học ngôn ngữ của trẻ nhỏ. Sự tiếp thu và học hỏi ngôn ngữ của trẻ là một việc rất huyền bí và khó hiểu mà trước đây chúng ta chưa dành cho nó sự quan tâm đúng mức. Chúng ta thường quan niệm rằng: “Chỉ cần ở cùng với người biết nói, trẻ nhỏ cũng tự nhiên có thể học nói.” Những người hiểu chút ít về tính phức tạp của ngôn ngữ sẽ biết rằng đây là một quan niệm hết sức hời hợt. Nhưng nó lại đứng vững suốt mấy ngàn năm mà không thay đổi chút nào.

 Khi nghiên cứu về vấn đề này, chúng ta lại phát hiện một hiện tượng kì lạ khác: Một ngôn ngữ dù cao siêu đến mấy thì những người bản địa chưa từng trải qua trường lớp nào cũng có thể nói được một cách thành thạo. Ví dụ, đối với những người coi biến thể tiếng Latinh là tiếng mẹ đẻ như chúng ta, tiếng Latinh là thứ ngôn ngữ rất khó nắm bắt, trong khi đó những nô lệ trong đế quốc Rome trước kia cũng nói tiếng Latinh. Độ khó của tiếng Latinh từ đó đến nay chưa hề thay đổi. Chẳng phải những nô lệ cũng nói một thứ tiếng Latinh giống như những đứa trẻ trong Hoàng cung Rome hay sao?

Chẳng phải nhiều năm trước, ở Ấn Độ, những nông dân và những kẻ lang thang trong rừng cũng đều thông thạo tiếng Phạn hay sao?

 Những thắc mắc này khiến chúng ta bắt đầu quan sát và nghiên cứu tỉ mỉ về quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ. Ở đây chúng ta bàn về “phát triển” chứ không phải “dạy dỗ”, bởi ngôn ngữ không phải là thứ mẹ có thể dạy được cho trẻ. Ngôn ngữ là sự phát triển tự nhiên, là do tự nhiên sáng tạo. Đồng thời sự phát triển ngôn ngữ ở tất cả trẻ em đều tuân theo một quy luật cố định. Cho dù trẻ sống ở đâu, nói thứ ngôn ngữ nào, đơn giản hay phức tạp thì các giai đoạn phát triển ngôn ngữ cũng đều cơ bản giống nhau. Ngày nay vẫn còn những tộc người chưa được khai hóa và sử dụng thứ ngôn ngữ rất đơn giản, nhưng các giai đoạn phát triển ngôn ngữ của những đứa trẻ nói thứ ngôn ngữ này không có gì khác biệt so với những đứa trẻ nói thứ ngôn ngữ phức tạp hơn. Tất cả trẻ em đều phải trải qua các giai đoạn: Giai đoạn phát âm đơn giản, giai đoạn sử dụng từ đơn và cuối cùng là giai đoạn thành thạo ngữ pháp, cú pháp.

Trẻ nhỏ có khả năng phân biệt giống đực và giống cái, số ít và số nhiều, thời của động từ, thể của câu, tiền tố và hậu tố… Cho dù thứ tiếng mẹ đẻ có khó khăn phức tạp hay có cách sử dụng đặc biệt đến mấy, trẻ vẫn có thể tiếp thu và học hỏi, đồng thời độ tuổi trẻ sử dụng ngôn ngữ này tương đương với độ tuổi trẻ em châu Phi sử dụng từ vựng cơ bản của mình.

Nếu chú tâm quan sát việc phát âm các âm thanh khác nhau, chúng ta sẽ phát hiện việc phát âm này cũng tuân theo quy luật nhất định. Các âm tiết từ đơn đều phát ra dưới một cơ chế nhất định. Một số âm tiết đòi hỏi sự phối hợp vận động của mũi và họng, có âm tiết đòi hỏi sự phối hợp của cơ lưỡi và cơ má. Các bộ phận trên cơ thể người đều tham gia vào cơ chế này để khiến trẻ có thể học tập và nắm bắt tiếng mẹ đẻ tốt hơn. Một người trưởng thành khó có thể nghe chuẩn phát âm, chứ chưa nói đến việc học tập ngôn ngữ của một đất nước khác. Chúng ta chỉ có thể sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ của mình mà thôi. Chỉ có trẻ mới có thể thiết lập nên cơ chế ngôn ngữ này, cũng chỉ có trẻ mới có thể học tập thành thạo thứ ngôn ngữ mà mình nghe được.

Quá trình học ngôn ngữ ở trẻ không phải là một quá trình có ý thức, mà được bắt đầu và hoàn tất trong trạng thái vô thức của bộ não. Khi nghe thấy một ngôn ngữ nào đó, nó đã trở thành một phần trong con người trẻ. Người lớn chúng ta chỉ có thể tưởng tượng ra quá trình học ngôn ngữ một cách có ý thức là như thế nào, bởi chúng ta chỉ có thể học một cách có ý thức. Nhưng ta buộc phải hiểu về một hình thức khác nữa. Đó là một cơ chế tự nhiên, nói cách khác là cơ chế siêu việt của tự nhiên, không liên quan đến việc học tập có ý thức. Ta không thể quan sát nó bằng mắt thường, nhưng nó lại có tác dụng với toàn bộ nhân loại.

Toàn bộ quá trình để lại cho chúng ta ấn tượng sâu sắc, và sâu sắc hơn cả là một số chi tiết. Một trong số đó là phát âm ngôn ngữ được liên tục truyền từ đời này sang đời khác. Thứ hai là một ngôn ngữ khó và một ngôn ngữ dễ hơn đối với trẻ em không hề có sự phân biệt khó dễ. Tất cả trẻ em đều không hề cảm thấy việc học tiếng mẹ đẻ là một việc khó khăn, cơ chế ngôn ngữ này khiến ngôn ngữ trở thành một chỉnh thể đơn giản, cho dù trên thực tế nó phức tạp hay đơn giản.

Việc học tập và tiếp thu ngôn ngữ này ở trẻ khiến chúng ta nghĩ tới một hiện tượng tương tự. Giả dụ chúng ta cần hình ảnh nào đó. Chúng ta có thể dùng bút tự vẽ hoặc có thể chụp ảnh. Hình ảnh sẽ được ghi lại trên phim âm bản cảm quang, dù là chụp ảnh 1 người hay 10 người cũng vậy, hình ảnh đều được ghi lại trong chớp mắt. Cho dù chụp 1000 người cũng không khác gì chụp 1 người. Cho dù phản ứng hóa học là đơn giản hay phức tạp thì cũng đều được hoàn thành trong thời gian rất ngắn ngủi. Nhưng đối với chúng ta thì việc tự tay vẽ một bức chân dung là khá mất thời gian, số lượng người cần vẽ càng nhiều thì thời gian vẽ càng nhiều.

 Không chỉ có vậy, hình ảnh chụp từ máy ảnh được ghi lại trên phim âm bản trong bóng tối. Quá trình phát triển ngôn ngữ cũng được hoàn tất trong “bóng tối” như vậy. Ngôn ngữ hình thành một cách tự nhiên, một khi đã định hình thì không có cách nào thay đổi được.

Cơ chế tâm lí của việc trẻ nhỏ học tập ngôn ngữ bắt đầu trong trạng thái hoàn toàn vô thức của bộ não, sau khi hoàn tất ngôn ngữ sẽ trở thành một phần trong bộ não. Không còn nghi ngờ gì nữa, cơ chế ngôn ngữ đặc biệt của trẻ đã khiến xảy ra hiện tượng này.

Khi đã tin tưởng vào lí luận này, tự nhiên chúng ta sẽ nghĩ đến việc quá trình này diễn ra như thế nào. Ngày nay có rất nhiều người đang nghiên cứu về vấn đề này, trong số đó, một số nghiên cứu chỉ mang tính quan sát, thông qua quan sát thu được kết quả và chúng ta có thể tự tiến hành. Nhưng những nghiên cứu này đòi hỏi phải thật sự chính xác. Công việc nghiên cứu có liên quan đang được thực hiện nghiêm túc, trong khoảng thời gian từ khi trẻ mới ra đời cho đến 2 tuổi hoặc từ 2 tuổi trở lên, ghi chép mọi hoạt động diễn ra mỗi ngày, thậm chí còn cần ghi chép một số giai đoạn trì trệ không có sự tiến triển. Thông qua ghi chép, chúng ta sẽ phát hiện khá nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt. Lượng hoạt động nội tại của trẻ là rất lớn, nhưng những biến đổi mà mắt thường của chúng ta nhìn thấy thì lại rất nhỏ. Điều này cho thấy tỉ lệ biểu hiện bên ngoài và tiến triển bên trong là không giống nhau. Có thể chúng ta sẽ phát hiện, những tiến triển mà mắt thường nhìn thấy thường không diễn ra dần dần mà xuất hiện theo từng bước nhảy vọt.

Ví dụ, khả năng phát âm âm tiết của trẻ đột ngột xuất hiện một lúc nào đó, sau đó chững lại trong khoảng thời gian vài tháng không có tiến triển gì. Nhìn từ biểu hiện bên ngoài thì trẻ có vẻ như không có bước tiến nào, nhưng rồi chúng ta đột ngột nhận ra trẻ đã có thể nói được các từ đơn. Rồi lại một thời gian dài trôi qua, trẻ vẫn chỉ nói được một, hai từ đơn, mọi chuyện có vẻ tiến triển rất chậm. Nhưng các hình thức hoạt động khác thì cho thấy, bên trong trẻ đang có những thay đổi ổn định và rõ ràng.

Mọi chuyện thật sự khác xa so với những kinh nghiệm của chúng ta? Ngược dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng người nguyên thủy đã từng trải qua trình độ văn minh thấp nhất, vài thế kỉ trôi qua mà dường như cuộc sống của họ không có bước tiến nào. Nhưng đó chỉ là những biểu hiện bên ngoài mà các sử gia có thể nhìn thấy. Trên thực tế, cuộc sống của người nguyên thủy đã có những đổi thay rất lớn, cuối cùng dẫn đến giai đoạn thay đổi nhanh chóng, rồi lại bước vào thời kì phát triển chậm chạp, sau đó lại bước vào thời kì biến đổi nhanh chóng.

Hiện tượng này cũng xảy ra trong thời kì học nói của trẻ. Các chuyên gia tâm lí cho rằng, trẻkhông học dần dần từng chữ từng câu mà có “thời kì bùng nổ”. Hiện tượng này không phải do người dạy dỗ trẻ tạo ra, mà là do bàn tay của tự nhiên. Mỗi đứa trẻ đều có một thời điểm đột nhiên có thể phát âm chính xác rất nhiều từ đơn. Đứa trẻ mà 3 tháng trước chẳng biết gì thì 3 tháng sau đã có thể dễ dàng biểu đạt danh từ, tiền tố, hậu tố và động từ. Bước tiến này, đối với hầu hết trẻ em, sẽ diễn ra vào thời điểm 2 tuổi.

Từ hiện tượng này, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy tin tưởng và đủ nhẫn nại chờ đợi trẻ hơn. Sau những giai đoạn trì trệ, chúng ta có thể tự tin mong chờ sự phát triển, sự trì trệ này chỉ là biểu hiện bên ngoài mà thôi, sau đó có thể sẽ là những bước tiến mà chúng ta chưa ngờ tới.

Hiện tượng bùng nổ ngôn ngữ xảy ra khi trẻ 2 tuổi. Khi đó, trẻ có đủ khả năng diễn đạt những câu phức tạp, hơn nữa còn biết chia thời của động từ. Điều khiến chúng ta ngạc nhiên là trẻ còn có thể sử dụng các câu dài, vế câu. Ở tuổi này, trẻ đã tự mình xây dựng nên cơ chế biểu đạt ngôn ngữ và kết cấu tâm lí đặc trưng của chủng tộc và xã hội mà trẻ đang sống. Đứa trẻ đã trang bị đầy đủ năng lực ngôn ngữ này từ nay bắt đầu nói không ngừng nghỉ.

2 tuổi chính là đường ranh giới của tâm lí con người. Lứa tuổi lên 2 mở ra một thời kì tổ chức ngôn ngữ. Trong thời kì này, ngôn ngữ tiếp tục phát triển, nhưng sự phát triển không thuộc kiểu bùng nổ như trước nữa mà là một phương thức mới mẻ, tự nhiên. Giai đoạn thứ hai tiếp tục kéo dài đến 5, 6 tuổi. Trong thời kì này, trẻ học được rất nhiều từ đơn mới, đồng thời dần dần hoàn thiện cách sử dụng các kiểu câu. Đương nhiên, nếu trẻ chỉ học được vốn từ ít ỏi từ môi trường, hơn nữa lại là các âm tiết địa phương thì trẻ sẽ tiếp thu những thứ đó. Nếu trẻ được tiếp xúc với những đứa trẻ có văn hóa, vốn từ vựng của những đứa trẻ này rất lớn thì trẻ cũng sẽ dần dần đạt đến trình độ tương đương. Mặc dù môi trường có vai trò vô cùng quan trọng, nhưng cho dù môi trường như thế nào đi chăng nữa, ngôn ngữ của trẻ trong giai đoạn này cũng trở nên vô cùng phong phú.

Các nhà tâm lí học Bỉ đã phát hiện ra rằng, một đứa trẻ 2 tuổi rưỡi có vốn từ vựng khoảng 200–300 từ, cho đến 6 tuổi, lượng từ của trẻ có thể tăng lên tới hàng nghìn. Trẻ chẳng cần đến một giáo viên nào dạy dỗ, đó là một quá trình tiếp thu tự nhiên. Vậy mà sau khi trẻ đã hoàn thành tất cả những công việc này, người lớn mới đưa ra một quyết định có vẻ rất trọng đại là: Đưa trẻ tới trường, cho trẻ bắt đầu học bảng chữ cái!

Chúng ta phải chú ý cả hai hướng phát triển mà bình thường có mối quan hệ rất mật thiết: Một là hoạt động vô thức trong quá trình học ngôn ngữ, mặt khác là quá trình có ý thức phía sau đó.

 Kết quả cuối cùng là gì? Chính là con người hoàn chỉnh trước mắt chúng ta. Khả năng biểu đạt ngôn ngữ của trẻ 6 tuổi đã cực kì chuẩn xác. Trẻ hiểu và có thể vận dụng một số quy tắc trong tiếng mẹ đẻ, đồng thời hoàn toàn quên mất những hoạt động mình đã làm một cách vô thức trước đó. Dù sao đi nữa, trẻ đã trưởng thành và tự mình hoàn thành quá trình học tập ngôn ngữ. Nếu không có năng lực học tập ngôn ngữ một cách tự giác, tự nhiên này, lịch sử loài người sẽ không thể có được những thành tựu huy hoàng như vậy, đó chính là tiến bộ của văn minh nhân loại.

Đây là thái độ đúng đắn mà chúng ta cần giữ vững, nó thể hiện tầm quan trọng của trẻ. Trẻ khiến cho mọi chuyện đều trở thành có thể. Nền văn minh được phát triển trên nền tảng là những hành động của trẻ. Đó là lí do vì sao chúng ta cần thỏa mãn như cầu của trẻ, giúp đỡ và không để trẻ phải cô độc trên con đường phát triển của mình.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

5 2 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x