Trang chủ » Chương 22 – Trẻ em và sự phát triển của xã hội

Chương 22 – Trẻ em và sự phát triển của xã hội

by Hậu Học Văn
191 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Phân tách con người theo độ tuổi là một việc làm vô cùng tàn nhẫn và không có nhân tính, đối với trẻ cũng vậy. Làm như vậy chính là cắt đứt mối liên hệ trong đời sống xã hội, khiến con người và con người không thể nào học tập lẫn nhau. Tuyệt đại đa số trường học trước hết sẽ căn cứ vào giới tính, sau đó căn cứ vào độ tuổi để phân chia lớp học. Đây là một sai lầm lớn, và cũng là căn nguyên của rất nhiều tội ác.

Vấn đề quan trọng nhất của trẻ là sự tập trung chú ý, đó là nền tảng của hành vi và sự hình thành tính cách của trẻ. Trẻ phải học cách tập trung chú ý, để làm được điều này, chúng phải tìm được thứ có thể khiến bản thân chú ý. Vì vậy, những sự vật xung quanh trẻ rõ ràng rất quan trọng đối với chúng, bởi vì không có người nào có thể khiến trẻ tập trung chú ý. Chỉ có bản thân đứa trẻ mới có thể tự điều tiết tâm lí của mình, người khác không thể làm giúp trẻ việc này. Đó chính là mục đích giáo dục của trường chúng tôi, nhà trường là nơi trẻ có thể tập trung vào làm một việc gì đó.

Đương nhiên là những khu vực khép kín sẽ có tác dụng hỗ trợ sự tập trung. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng vậy, nếu con người muốn tập trung chú ý thì sẽ tìm đến một nơi kín đáo yên tĩnh. Chúng ta trong nhà thờ và đền miếu là như vậy, đó là những nơi có bầu không khí có thể khiến ta tập trung. Đền thờ có thể thúc đẩy sự hình thành một loại tính cách nào đó của chúng ta. Có rất ít trẻ em dưới 5 tuổi được đưa đến trường, như vậy chúng ta đã bỏ lỡ thời kì tốt nhất hình thành nên tính cách cho trẻ. Trường học mà chúng tôi xây dựng sẽ mang lại cho trẻ một nơi kín đáo, ở đó trẻ có thể dần dần hình thành nên những nét tính cách quan trọng.

Lần đầu tiên đưa ra quan điểm sáng tạo môi trường đáp ứng nhu cầu của trẻ, chúng tôi đã khơi dậy hứng thú của khá nhiều kiến trúc sư, nghệ thuật gia và các nhà tâm lí học. Một số người trong đó đã tiến hành thảo luận với tôi về ảnh hưởng của độ to – nhỏ, cao – thấp và bài trí của căn phòng đối với khả năng tập trung của trẻ. Căn phòng này không chỉ là căn phòng đơn thuần mà còn có ý nghĩa về tâm lí học. Tất nhiên giá trị của nó không chỉ được quyết định bởi hình thái và màu sắc, mà còn được quyết định bởi những thứ đã được bố trí sẵn cho trẻ trong đó, chỉ những thứ mà bọn trẻ có thể tận tay chạm vào đó mới ảnh hưởng đến khả năng tập trung chú ý của chúng. Tất nhiên đó không thể là những thứ được bố trí một cách tùy tiện mà là những thứ được đúc kết và tạo ra sau một thời gian dài quan sát bọn trẻ.

Đầu tiên chúng tôi bố trí một phần nhỏ các đồ vật trong môi trường sinh hoạt của trẻ, sau đó cho trẻ chọn lựa các món đồ. Chúng tôi giữ lại những thứ bọn trẻ muốn sử dụng, và mang đi những thứ mà chúng chẳng bao giờ đụng đến. Những gì chúng tôi cung cấp cho bọn trẻ không phải là những thứ tổng kết từ một hay một vài trường học mà là thông qua tất cả các trường học ở khắp nơi. Vì vậy chúng tôi có thể chắc chắn rằng đó là những đồ vật mà bọn trẻ đã lựa chọn. Chúng tôi còn phát hiện ra những thứ khiến tất cả trẻ em thích thú và cho rằng đó là những thứ vô cùng quan trọng. Một số thứ khác dường như không bao giờ được lũ trẻ đụng đến (ở tất cả các quốc gia), có một số thậm chí nằm ngoài dự liệu của người lớn. Nếu cho phép một đứa trẻ phát triển bình thường được tự do lựa chọn, các bạn sẽ phát hiện hiện tượng tương tự, bọn trẻ sẽ chọn một số loại côn trùng và hoa. Rõ ràng là trẻ cần những thứ đó. Những thứ được trẻ lựa chọn là thứ sẽ giúp ích cho sự trưởng thành của chúng. Ban đầu chúng tôi đã cung cấp cho trẻ một số đồ chơi, nhưng dường như chúng không động tới những đồ chơi này. Chúng tôi còn cung cấp cho trẻ khá nhiều đồ vật có màu sắc nhưng chúng thường chỉ chọn một loại, đó là những ống trụ chúng ta thường sử dụng. Tình trạng này xuất hiện ở tất cả các quốc gia. Ở một số khu vực của người da màu, chúng tôi cũng cho trẻ tự do lựa chọn thứ mình muốn. Sự lựa chọn của bọn trẻ ở mọi nơi đều tương tự như nhau, điều này cũng phản ánh một số vấn đề về phương diện đời sống xã hội. Nếu cung cấp cho trẻ quá nhiều thứ, lũ trẻ sẽ trở nên hỗn loạn, vì vậy khi có nhiều trẻ em ở cùng một chỗ, chúng tôi chỉ cung cấp cho trẻ một số lượng nhỏ các món đồ.

Chúng tôi chỉ cho trẻ chọn một món trong số các đồ vật khác nhau. Khi một đứa trẻ đang dùng món đồ này thì những đứa trẻ khác nếu muốn sử dụng sẽ buộc phải chờ đợi đến lượt mình. Điều này sẽ giúp hình thành cho trẻ một phẩm chất làm người quan trọng. Lũ trẻ hiểu rằng, chúng phải lặp lại việc của người khác, không phải vì ai đó yêu cầu chúng làm thế mà bởi vì kinh nghiệm cuộc sống hàng ngày yêu cầu như vậy. Vì mỗi loại đồ vật chỉ có một món nên lũ trẻ phải chờ đợi để được sử dụng. Việc như vậy xảy ra hàng ngày, hàng năm; lặp lại công việc của người khác, chờ đợi cơ hội sẽ trở thành tập quán sinh hoạt của trẻ, đẩy nhanh sự thành thục của trẻ.

Như vậy trẻ dần dần thích ứng với xã hội. Xã hội không thể vận hành dựa vào ý muốn của một ai đó, mà nó là một chỉnh thể phát triển hài hòa của mọi loại hành vi. Thông qua những hành vi này, trẻ sẽ hình thành một phẩm chất ưu tú khác – sự kiên nhẫn. Có được tính kiên nhẫn, một số đặc điểm tính cách khác sẽ tự nhiên hình thành. Chúng ta không thể khiến một đứa trẻ 3 tuổi có được những phẩm chất này chỉ bằng giáo dục, mà chính kinh nghiệm của bản thân trẻ sẽ thúc đẩy sự hình thành của những phẩm chất này. Bởi vì những điều kiện khác không thúc đẩy sự phát triển bình thường của trẻ, nên chúng ta thấy lũ trẻ ở khắp nơi trên thế giới đều tranh giành thứ mà chúng muốn có được. Khi nhìn thấy những đứa trẻ trong trường của chúng tôi có thể kiên nhẫn đến thế, người ngoài đã cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Họ hỏi chúng tôi: “Sao các bạn có thể khiến lũ trẻ ngoan ngoãn như vậy? Sao lại nghe lời thế?” Nhưng đây đều không phải là những thứ chúng tôi dạy trẻ, mà chúng tôi chỉ khéo tạo ra môi trường cho trẻ, mang lại cho trẻ sự tự do. Dưới điều kiện này, những phẩm chất vốn không có ở những đứa trẻ 3–6 tuổi đã dần dần xuất hiện.

Trong giai đoạn đầu tiên trẻ chuẩn bị bước vào xã hội, nếu người lớn cố tình can thiệp thì có thể sẽ mang lại những hậu quả tiêu cực. Khi lũ trẻ đang xếp thành một hàng đi về phía trước, rất có thể sẽ có một đứa trẻ rời khỏi hàng và chạy theo hướng ngược lại, vì thế sẽ không thể tránh khỏi xảy ra mâu thuẫn. Giải pháp của người lớn là tóm lấy đứa trẻ, đưa nó trở lại hàng. Nhưng trẻ biết cách lo cho bản thân, chúng sẽ giải quyết vấn đề của bản thân. Cho dù cách làm của trẻ không giống người khác, nhưng cách chúng lựa chọn sẽ là cách có thể thỏa mãn tối đa nhu cầu của bản thân trẻ. Trẻ ở mọi giai đoạn phát triển đều gặp phải vấn đề này, nó mang lại cho trẻ niềm vui. Nếu người lớn can thiệp, trẻ sẽ cảm thấy không vui. Nếu được tự do lựa chọn, trẻ sẽ có cách hành xử của riêng mình. Trẻ thu được kinh nghiệm xã hội từ đó. Việc tích lũy kinh nghiệm này có thể giúp trẻ giải quyết một cách chính xác những vấn đề mình phải đối mặt. Cho dù thế nào thì giáo viên cũng không thể giúp trẻ làm được như vậy, ngược lại, họ sẽ can thiệp vào việc của bọn trẻ. Cách làm của giáo viên hoàn toàn không giống với cách nghĩ của trẻ, và cũng phá vỡ sự hòa thuận giữa lũ trẻ. Trừ một vài trường hợp đặc biệt, ngoài ra chúng tôi thường để trẻ tự giải quyết vấn đề của mình. Chúng ta nên nghiên cứu hành vi của trẻ một cách khách quan, bởi vì hiểu biết của chúng ta về hành vi của trẻ còn rất hạn hẹp. Trật tự xã hội được hình thành chính là nhờ thông qua những kinh nghiệm thường nhật này.

Những giáo viên dùng phương pháp can thiệp trực tiếp không biết trường học Montessori bồi dưỡng hành vi xã hội của trẻ như thế nào. Họ nghĩ trường học Montessori sử dụng phương pháp học thuật chứ không phải phương pháp xã hội. Họ nói rằng: “Nếu bọn trẻ cứ tùy tiện muốn làm gì thì làm thì cuộc sống sẽ trở nên thế nào?” Nhưng nếu chúng ta không thể giải quyết vấn đề xã hội thì làm sao nói đến cuộc sống xã hội? Nếu không thể giải quyết vấn đề xã hội thì hành vi của trẻ em làm sao có thể bình thường, mục đích mà trẻ theo đuổi làm thế nào để không gây ảnh hưởng đến số đông được? Đối với những giáo viên này, đời sống xã hội chính là lũ trẻ ngồi với nhau một cách trật tự, nghe ai đó nói chuyện. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại.

Ở các trường học bình thường, chỉ có vui chơi và hoạt động dã ngoại mới có thể được gọi là đời sống xã hội chân chính, trong khi chúng tôi luôn sống trong một cộng đồng sôi nổi.

Khi lớp học đủ lớn, các loại tính cách khác nhau sẽ bộc lộ rõ ràng, trẻ mới có thể thu được nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu lớp học quá nhỏ thì sẽ rất khó khăn. Vì sự hoàn mĩ có được là thông qua đời sống xã hội.

Lũ trẻ tập hợp cùng nhau dưới phương thức nào? Chúng tụ tập lại thành nhóm ngẫu nhiên nhưng cũng trải qua sự chọn lựa nhất định. Lũ trẻ sống trong môi trường này thuộc các độ tuổi khác nhau (3–6 tuổi). Đây là điều không thường thấy ở các trường học bình thường, trừ trường hợp có những đứa trẻ lớn hơn nhưng do vấn đề trí lực nên bị lưu ban. Phương thức tổ hợp lớp học của chúng ta dựa trên cơ sở tuổi tác, chỉ có rất ít trường học bình thường áp dụng phương pháp phân lớp theo chiều dọc như trong các trường học của chúng tôi.

Các giáo viên trong trường của chúng tôi đề nghị nên sắp xếp trẻ cùng một độ tuổi trong một lớp, nhưng thực tế đã chứng minh cách sắp xếp này tồn tại vấn đề rất lớn. Cũng giống như lũ trẻ ở nhà, một bà mẹ có sáu đứa con sẽ cảm thấy dễ dàng đối phó với cả sáu đứa trẻ. Nhưng nếu một người mẹ mang thai đôi, vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn. Hãy thử nghĩ xem, hai đứa trẻ cùng muốn những điều giống nhau sẽ khiến người mẹ cảm thấy rất phiền não. Bà mẹ của sáu đứa con có độ tuổi chênh lệch nhau cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn bà mẹ một con. Con một khó đối phó hơn không phải vì trẻ phiền phức, mà là vì trẻ thiếu bầu bạn. Cha mẹ luôn cảm thấy nuôi đứa con đầu vất vả hơn đứa con thứ hai. Cha mẹ cho rằng đó là vì họ thiếu kinh nghiệm, nhưng thực tế chỉ là vì đứa trẻ thứ hai trong gia đình đã có bầu bạn mà thôi.

Sức hấp dẫn của đời sống xã hội nằm ở chỗ chúng ta có thể tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Cứ thử suy ngẫm xem, ngôi nhà toàn người lớn tuổi thật sự rất vô vị. Phân tách con người theo độ tuổi là một việc làm vô cùng tàn nhẫn và không có nhân tính, đối với trẻ cũng vậy. Làm như vậy chính là cắt đứt mối liên hệ trong đời sống xã hội, khiến con người và con người không thể nào học tập lẫn nhau. Tuyệt đại đa số trường học trước hết sẽ căn cứ vào giới tính, sau đó căn cứ vào độ tuổi để phân chia lớp học. Đây là một sai lầm lớn, và cũng là căn nguyên của rất nhiều tội ác. Đó là sự cách li do bàn tay của con người, nó cản trở nghiêm trọng sự phát triển của cảm giác cộng đồng. Trong trường học của chúng tôi, những đứa trẻ không cùng độ tuổi thường giúp đỡ lẫn nhau. Những đứa trẻ nhỏ tuổi sẽ quan sát những đứa lớn hơn và yêu cầu những đứa trẻ lớn hơn giải thích một số việc. Những đứa trẻ lớn hơn cũng sẽ giảng giải cho những đứa trẻ nhỏ hơn. Việc giảng giải này vô cùng quan trọng, bởi vì tư duy của một đứa trẻ 5 tuổi và tư duy của một đứa trẻ 3 tuổi gần gũi hơn nhiều so với tư duy của người lớn chúng ta với trẻ 3 tuổi, việc học tập vì thế cũng dễ dàng hơn. Giữa những đứa trẻ ở độ tuổi khác nhau có sự giao lưu và hòa hợp, sự giao lưu và hòa hợp này là thứ rất khó thấy giữa người lớn và trẻ nhỏ.

Có rất nhiều điều giáo viên không thể truyền thụ được cho một đứa trẻ 3 tuổi nhưng một đứa trẻ 5 tuổi lại có thể giải quyết chuyện này rất dễ dàng. Trẻ 3 tuổi và trẻ 5 tuổi có mối liên hệ tâm lí tự nhiên. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể cảm thấy những việc mà đứa trẻ 5 tuổi làm là rất thú vị, bởi vì những việc đó không quá xa so với năng lực của chúng. Những đứa trẻ lớn tuổi hơn có thể sẽ trở thành anh hùng hay thầy giáo trong mắt trẻ nhỏ tuổi hơn và khiến chúng ngưỡng mộ. Dưới sự khuyến khích của trẻ lớn, trẻ nhỏ sẽ tiếp tục làm những việc mà trẻ lớn đã làm. Ở các trường học bình thường, dường như tất cả lũ trẻ đều ở cùng độ tuổi, đứa trẻ thông minh hơn một chút có thể dạy những đứa khác, nhưng thường không được sự cho phép của giáo viên. Việc duy nhất mà những đứa trẻ này có thể làm đó là trả lời thay những đứa trẻ không quá thông minh khi chúng không trả lời được câu hỏi của giáo viên. Kết quả là trí tuệ của đứa trẻ này trở thành nỗi ghen tị của những đứa trẻ khác. Nếu ở độ tuổi khác nhau thì giữa bọn trẻ sẽ không xảy ra tình trạng ghen tị. Những đứa trẻ nhỏ tuổi không vì những đứa trẻ lớn có thể trả lời câu hỏi mà cảm thấy xấu hổ, bởi vì chúng biết mình nhỏ tuổi hơn, sau này nhất định cũng sẽ trả lời được những câu hỏi như thế. Giữa trẻ độ tuổi khác nhau có một loại tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ, đó thực sự là tình cảm anh em. Còn ở các trường học kiểu cũ, cách duy nhất để được lên lớp chính là cạnh tranh, và điều này sẽ dẫn đến cảm giác ghen tị, oán ghét và xấu hổ. Bọn trẻ sẽ trở nên coi bản thân là trên hết và thích kiểm soát người khác. Ngược lại, trong trường của chúng tôi, những đứa trẻ lớn cảm thấy giúp đỡ những đứa trẻ nhỏ hơn là một việc đương nhiên phải làm. Nhà trường luôn luôn ở trong bầu không khí nồng hậu: lớn giúp đỡ bé, bé tôn trọng lớn. Kiểu lớp học như vậy cũng trở nên rất vững mạnh. Cuối cùng bọn trẻ đều hiểu được tính cách của nhau và có thể giúp đỡ lẫn nhau. Những đứa trẻ ở trường học kiểu cũ thường nói “bạn nào đó xếp thứ nhất” hoặc “bạn nào đó kém nhất”. Tình cảm giữa người với người không thể được bồi dưỡng nên trong hoàn cảnh đó. Độ tuổi chính là nhân tố quan trọng hình thành nên tính cách khác nhau của trẻ trong môi trường.

Có thể chúng ta sẽ lo lắng rằng việc một đứa trẻ 5 tuổi giảng giải cho một đứa trẻ 3 tuổi sẽ không có lợi cho sự trưởng thành của trẻ. Trước hết, trẻ không dành toàn bộ thời gian để giảng giải cho những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn. Những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn cũng vẫn tôn trọng tự do của những đứa trẻ lớn hơn. Thứ hai, hành vi giảng giải sẽ giúp trẻ hiểu sâu hơn những tri thức mình từng học. Trước khi giảng giải cho các em nhỏ, những đứa trẻ lớn buộc phải tiến hành phân tích và chỉnh lí những kiến thức mình đã học được. Vì vậy hành vi giảng giải này không phải là không có tác dụng tốt cho trẻ lớn.

Phòng học của trẻ 3–6 tuổi hoàn toàn không tách biệt với phòng học của trẻ 7–9 tuổi. Những đứa trẻ 6 tuổi vẫn có thể học được những thứ ở lớp học lớn hơn. Giữa các lớp trong trường chúng tôi chỉ ngăn cách bằng những bức tường cao đến thắt lưng của trẻ, trẻ có thể dễ dàng chạy sang lớp học khác, chúng tôi cũng không hề ngăn cản việc làm này của trẻ. Nếu một đứa trẻ 3 tuổi chạy vào phòng dành cho trẻ 7–9 tuổi, chúng sẽ không ở lại đó lâu, bởi vì chúng sẽ phát hiện rằng ở đó không có thứ gì hữu ích với mình. Vì vậy giữa các lớp học chỉ cần bố trí một bức tường nhỏ chứ không cần phân tách hoàn toàn. Những đứa trẻ ở độ tuổi khác nhau có thể giao lưu với nhau.

Mỗi đứa trẻ đều có chỗ cố định của mình, nhưng chúng không hoàn toàn tách biệt. Bọn trẻ có thể sang lớp khác để học thêm những điều mới lạ. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể phát hiện một đứa trẻ 9 tuổi đang dùng bàn tính để giải căn bậc hai. Có thể nó sẽ hỏi đứa trẻ 9 tuổi đang làm gì. Nếu nhận được câu trả lời mà chẳng thể nào hiểu nổi, nó sẽ quay lại phòng học của mình. Bởi vì ở đó trẻ có thể tìm thấy thứ khiến mình hứng thú. Nhưng đứa trẻ 6 tuổi có thể lờ mờ hiểu được việc đứa trẻ 9 tuổi đang làm, nó có thể đứng lại quan sát một lúc, từ đó học được một vài điều. Việc được tự do hoạt động trong phòng có thể khiến trẻ hiểu được sự khác nhau về năng lực lí giải của từng độ tuổi. Và thực tế là thông qua sự sắp xếp này, chúng tôi cũng đã hiểu được trẻ 8–9 tuổi có thể hiểu được ý nghĩa của việc giải căn bậc hai, bởi vì thực tế đã chứng minh chúng có đủ kiên nhẫn quan sát những đứa trẻ 12–14 tuổi giải toán căn bậc hai. Cũng tương tự như vậy, chúng tôi cũng thấy rằng trẻ 8 tuổi có hứng thú với môn đại số. Sự phát triển của trẻ không chỉ phụ thuộc vào độ tuổi tăng dần mà còn phụ thuộc vào việc chúng ta có để cho chúng được tự do quan sát hay không.

Phương pháp học ở trường chúng tôi rất linh hoạt. Lí giải những việc trẻ lớn đã làm là một việc rất thú vị đối với trẻ nhỏ hơn, còn niềm vui của trẻ lớn là giảng giải cho trẻ nhỏ những gì mình đã học được. Giữa bọn trẻ không có sự phân biệt cao thấp, sang hèn, bằng việc học hỏi lẫn nhau, trẻ sẽ đạt được mục đích trưởng thành lành mạnh.

Tất cả những điều này cho thấy, những thành tích to lớn mà trường chúng tôi đã có được đều là nhờ tác dụng của quy luật tự nhiên.

Qua việc nghiên cứu hành vi của những đứa trẻ này và quan hệ giữa chúng trong không khí tự do, chúng ta sẽ hiểu được bí mật thực sự của xã hội. Bí mật này vô cùng kì diệu, chúng ta phải quan sát tỉ mỉ trên góc độ tâm lí, nhưng nó mang lại hứng thú vô cùng lớn, bởi vì nó có thể phản ánh bản tính của con người. Vì vậy có thể coi trường học của chúng tôi là một phòng thí nghiệm nghiên cứu tâm lí. Phòng thí nghiệm này không phù hợp với những nghiên cứu theo nghĩa thông thường mà là một nơi tiến hành quan sát trẻ nhỏ. Ở đây có nhiều tình trạng rất đáng chú ý.

Chúng tôi đã từng nói rằng, trẻ có thể tự giải quyết vấn đề của mình mà không cần đưa ra nguyên nhân. Nếu không làm phiền mà chỉ ở bên quan sát trẻ, chúng ta sẽ phát hiện thấy nhiều điều kì lạ. Phương thức trẻ giúp đỡ lẫn nhau không giống người lớn chúng ta. Nếu một đứa trẻ có được một thứ rất quan trọng, những đứa trẻ khác sẽ không giúp nó nữa. Chúng sẽ tôn trọng những nỗ lực của đứa trẻ đó, chỉ trong tình trạng bắt buộc trẻ mới giúp đỡ người khác chứ không giúp những việc không cần thiết. Có một lần, một đứa trẻ đánh rơi toàn bộ số thẻ hình học bằng gỗ xuống đất (gần 100 tấm). Đúng lúc ấy bên ngoài trường có một đám diễu hành đi qua, tất cả bọn trẻ đều chạy ra xem, chỉ có cậu bé nọ là không ra ngoài, bởi trước khi sắp xếp lại những thứ mình đánh rơi thì cậu chưa đi được. Cậu bé đó cố gắng nhặt các tấm thẻ vào đúng chỗ, trong khi những đứa trẻ khác không hề có ý muốn giúp bạn mình. Cậu bé òa khóc, bởi vì cậu rất muốn xem diễu hành. Một vài đứa trẻ bắt đầu chú ý đến cậu và quay lại giúp cậu. Khi ở vào tình trạng khẩn cấp, người lớn sẽ không có khả năng phân biệt như vậy. Nhiều khi họ sẽ giúp đỡ những việc không cần thiết.

Chúng ta thường thấy nam giới lịch sự nhấc ghế giúp nữ giới hay dìu nữ giới lên xuống cầu thang, trong khi đó không phải là nhu cầu thực sự của nữ giới. Khi thật sự cần điều gì đó, tình trạng sẽ hoàn toàn khác. Khi một người đang cần giúp đỡ khẩn cấp thì chẳng có ai giúp anh ta, còn khi không thực sự cần giúp thì lại được giúp, vì vậy mà trẻ nhỏ không học được gì từ người lớn. Tôi cho rằng trong tiềm thức của trẻ còn lưu lại một số dấu vết từ trước đó, đó chính là chỉ giúp đỡ người khác trong trường hợp thật sự cần thiết. Đây là nguyên nhân tại sao trẻ chỉ giúp đỡ người khác khi không trở thành trở ngại của họ.

Một mặt thú vị khác của trẻ thể hiện ở cách chúng xử sự với kẻ phá rối trật tự trong phòng học. Ví dụ trong phòng học có một đứa trẻ mới đến và vẫn chưa hoàn toàn làm quen với môi trường nên không thể ngồi yên, thỉnh thoảng lại làm phiền những đứa trẻ khác. Lúc ấy giáo viên sẽ nói: “Không được làm như vậy, như vậy là không tốt”, hoặc “em đúng là một đứa trẻ nghịch ngợm!”

Nhưng phản ứng của bọn trẻ lại hoàn toàn khác với giáo viên. Chúng có thể sẽ đi đến trước mặt đứa trẻ mới đến đó và nói: “Cậu thật nghịch ngợm, nhưng đừng lo, lúc mới đến bọn tớ cũng giống cậu.”

Bọn trẻ biết hành vi của đứa trẻ mới đến đó là sai, nhưng chúng không cho đó là cố ý, đồng thời ra sức an ủi cậu ta, chờ đợi thức tỉnh được phẩm chất ưu tú của cậu ta.

Nếu người lớn chúng ta cũng biết an ủi những người thiếu đạo đức, kiên nhẫn giáo dục tội phạm thì thế giới sẽ trở nên tốt đẹp biết mấy. Cần biết rằng, những hành vi thiếu đạo đức thường bắt nguồn từ nguyên nhân bệnh lí, có thể do điều kiện gia đình, cũng có thể vì những nhân tố bất lợi khi chào đời gây ra. Chúng ta cần có sự thông cảm với những con người này, đồng thời giúp đỡ họ. Như vậy cũng là đã giúp làm sạch xã hội này.

Khi trẻ phạm lỗi, ví dụ như đánh vỡ bình hoa, trẻ sẽ cảm thấy rất day dứt. Chúng không hề cảm thấy vui vẻ vì làm hỏng đồ, mà cảm thấy xấu hổ vì đã không bảo vệ được món đồ đó. Phản ứng bản năng của các bậc cha mẹ có thể là sẽ hét lên thật to: “Con lại đánh vỡ bình hoa rồi. Mẹ đã dặn con bao nhiêu lần là không được động đến bình hoa cơ mà.” Ít nhất cha mẹ cũng sẽ yêu cầu trẻ thu dọn những mảnh vỡ để lần sau trẻ ghi nhớ chuyện này.

Còn phản ứng của lũ trẻ thì sao? Có thể chúng sẽ chạy lại giúp và dùng giọng nói nhẹ nhàng để an ủi: “Không sao đâu, chúng mình có thể kiếm một bình hoa mới.” Sau đó tất cả cùng thu dọn các mảnh vỡ, có đứa trẻ còn lau dọn nước vung vãi trên nền nhà. Mọi đứa trẻ đều có bản năng giúp đỡ, khích lệ và an ủi kẻ yếu thế hơn. Bản năng này của trẻ có thể thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trên thực tế, tiến bộ lớn nhất của loài người là có thể dang tay giúp đỡ người nghèo và kẻ yếu chứ không phải là áp bức họ.

Y học phát triển chính trên cơ sở nguyên tắc này. Y học không chỉ có thể giúp đỡ kẻ yếu mà còn có thể giúp đỡ cả nhân loại. Khích lệ và giúp đỡ kẻ yếu không phải là một việc xấu, nó có thể thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. Trong mỗi đứa trẻ đã có sẵn những phẩm chất này. Sự khích lệ và giúp đỡ không chỉ thể hiện ở cách trẻ đối xử với kẻ yếu mà còn thể hiện ở cách chúng đối xử với các loài động vật.

Người ta thường cho rằng, nếu không được giáo dục thì con người sẽ không biết tôn trọng động vật, bởi vì chúng ta luôn cho rằng một đứa trẻ vừa sinh ra đã tàn bạo, không có tình cảm, nhưng cách nghĩ này thực sự không chính xác. Một đứa trẻ bình thường sẽ có khuynh hướng bảo vệ động vật. Trường học ở Laren của chúng tôi có nuôi một con sơn dương và ngày nào chúng tôi cũng cho nó ăn. Mỗi lần cho ăn, tôi thường giơ đồ ăn lên cao để con sơn dương đưa chân trước lên lấy đồ ăn. Tôi phát hiện ra là con sơn dương dần dần quen với tư thế này, đồng thời coi đó là một việc thú vị. Nhưng một hôm, có một cậu bé chạy đến, đưa tay đỡ lấy bụng của con sơn dương hòng giúp nó đứng vững. Nét mặt cậu bé cho tôi thấy rằng cậu sợ con sơn dương đứng bằng hai chân sẽ bị mệt. Không còn nghi ngờ gì, hành vi này biểu hiện bản chất lương thiện và tự nhiên của trẻ.

Ở trường học của chúng tôi còn có nhiều sự việc không thường thấy khác, ví dụ như sự tôn trọng kẻ mạnh. Những đứa trẻ không những không đố kị mà còn nhiệt liệt biểu dương những đứa trẻ có năng lực. Tình trạng đó xuất hiện khi trẻ học viết chữ. Việc một đứa trẻ viết được một từ đơn có thể khiến những đứa còn lại vô cùng hào hứng. Đứa nào cũng nhìn đứa trẻ biết viết chữ đầu tiên đó bằng ánh mắt ngưỡng mộ. Chúng sẽ cố gắng học tập và nói “Cháu cũng biết viết”. Thành tích của một đứa trẻ đã kích thích lòng nhiệt tình của cả đám trẻ. Lúc học viết chữ cái cũng vậy, bạn sẽ nhìn thấy lũ trẻ đưa những gì mình viết được cho giáo viên xem. Chúng tỏ ra vui vẻ khác thường, tiếng vỗ tay của chúng to đến nỗi những người ở tầng dưới (phòng học của chúng tôi ở tầng trên cùng) phải chạy lên xem rốt cuộc chuyện gì đang diễn ra. Và giáo viên của chúng tôi không thể không giải thích: “Bọn trẻ đang học chữ cái, chúng vui quá đấy mà.”

Giữa lũ trẻ có một tinh thần đồng đội rất rõ ràng. Tinh thần đồng đội này dựa trên nền tảng là tình cảm cao thượng, đồng thời có tác dụng thúc đẩy sự đoàn kết. Ví dụ này nói với chúng ta rằng, khi tình cảm của trẻ đạt đến một mức độ cao, khi cá tính của trẻ phát triển bình thường, chúng sẽ cảm thấy say mê. Việc những đứa trẻ lớn đối đãi tốt với những đứa trẻ nhỏ hơn chính là biểu hiện cụ thể của tình trạng này. Và ngược lại, cách đối xử của những đứa trẻ đã phát triển bình thường với những đứa trẻ mới đến, và cách chúng đối xử với những đứa trẻ đã thích ứng với môi trường cũng đều là biểu hiện cụ thể của tình trạng này.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x