Trang chủ » Chương 26 – Giáo viên và tính kỉ luật

Chương 26 – Giáo viên và tính kỉ luật

by Hậu Học Văn
171 views
❁ Lời nói đầu Chương 1. Vai trò của trẻ nhỏ trong việc tái thiết Thế giới ❁ Chương 2. Giáo dục quyết định cả cuộc đời ❁ Chương 3. Những giai đoạn phát triển của trẻ ❁ Chương 4. Con đường mới ❁ Chương 5. Kì tích của tạo hóa Chương 6. Phôi thai học và hành vi ❁ Chương 7. Phôi tinh thần ❁ Chương 8. Sự độc lập của trẻ ❁ Chương 9. Khởi nguồn của Sự sống Chương 10. Sự phát triển ngôn ngữ của trẻ Chương 11. Tiếng gọi của ngôn ngữ Chương 12. Ảnh hưởng của những trở ngại Chương 13. Tác dụng của vận động đối với sự phát triển của trẻ Chương 14. Đôi tay và trí tuệ Chương 15. Phát triển và mô phỏng Chương 16. Từ người sáng tạo đến người lao động Chương 17. Văn hóa và trí tưởng tượng Chương 18. Sự hình thành tính cách của trẻ Chương 19. Để trẻ phát triển bình thường Chương 20. Sự hình thành tính cách phụ thuộc vào bản thân trẻ Chương 21. Tâm lý chiếm hữu của trẻ và sự chuyển hóa tâm lý chiếm hữu Chương 22. Trẻ em và sự phát triển của xã hội Chương 23. Sự gắn kết của xã hội Chương 24. Sai lầm và cách sửa chữa Chương 25. Ba giai đoạn của sự phục tùng Chương 26. Giáo viên và tính kỷ luật Chương 27. Công tác chuẩn bị của giáo viên Chương 28. Trẻ em - ngọn nguồn của tình yêu thương    

Chúng ta luôn luôn cần nhớ rằng, tính kỉ luật trong sâu thẳm nội tâm là thứ được hình thành trong cuộc sống chứ không phải là bẩm sinh đã có. Nhiệm vụ của chúng ta chính là đưa ra phương hướng cho việc hình thành tính kỉ luật. Khi trẻ có thể dồn toàn bộ sự chú ý lên những sự vật mà đối với trẻ có sức hấp dẫn, điều này chứng tỏ trẻ đã có tính kỉ luật.

Người giáo viên thiếu kinh nghiệm này tuy rất nhiệt tình và cũng cho rằng trong sâu thẳm nội tâm trẻ có tính kỉ luật, nhưng cô phát hiện ra rằng bản thân mình đang gặp phải một vấn đề rất lớn.

Cô biết rằng trẻ cần được tự do lựa chọn việc mình làm, hành vi tự phát của trẻ không nên bị làm phiền. Cô cũng biết rằng giáo viên không nên bắt ép học sinh làm việc gì đó, đồng thời không nên đe dọa, khen thưởng hay trừng phạt trẻ. Vai trò của giáo viên chỉ là im lặng, bị động, đồng thời có đủ lòng kiên nhẫn, dường như nên ẩn mình bên cạnh trẻ, ngăn chặn việc cá tính cá nhân có thể gây ảnh hưởng đến trẻ, đồng thời tạo đủ không gian cần thiết cho sự phát triển tâm lí của trẻ. Cô cũng đã chuẩn bị rất nhiều đồ dùng cho bọn trẻ. Tuy nhiên ý thức phục tùng của bọn trẻ không những không tăng lên mà còn giảm đi.

Lẽ nào những nguyên tắc mà cô đã học là sai? Không phải. Vấn đề là cô đã bỏ qua một số điều giữa lí luận và kết quả, đó chính là kinh nghiệm thực tế của giáo viên. Về vấn đề này, những người mới vào nghề cần được giúp đỡ và khuyên bảo. Tình trạng này cũng xảy ra với bác sĩ khoa nội hoặc một số người đã quen suy nghĩ theo quan điểm hay nguyên tắc nào đó. Họ phát hiện vấn đề mà mình gặp phải khó khăn hơn nhiều so với những kiến thức cần có để giải phương trình toán học.

Chúng ta luôn luôn cần nhớ rằng, tính kỉ luật trong sâu thẳm nội tâm là thứ được hình thành trong cuộc sống chứ không phải là bẩm sinh đã có. Nhiệm vụ của chúng ta chính là đưa ra phương hướng cho việc hình thành tính kỉ luật. Khi trẻ có thể dồn toàn bộ sự chú ý lên những sự vật mà đối với trẻ có sức hấp dẫn, điều này chứng tỏ trẻ đã có tính kỉ luật. Những vật thể có sức hấp dẫn này không những cung cấp cho trẻ kinh nghiệm thực tiễn mà còn có thể giúp trẻ khống chế sai sót. Chính nhờ tác dụng của kinh nghiệm thực tiễn này, tâm lí của trẻ bắt đầu có tính thống nhất hoàn chỉnh, lũ trẻ trở nên yên lặng một cách vui vẻ, đạt tới cảnh giới quên mình, không suy tính thiệt hơn. Khả năng chinh phục thế giới này của trẻ khiến người ta kinh ngạc, nó cho chúng ta thấy giá trị to lớn của tâm lí con người. Công việc của giáo viên chính là chỉ ra cho trẻ con đường tới sự hoàn mĩ, dạy cho trẻ phương pháp, giúp trẻ loại bỏ các chướng ngại… bởi giáo viên cũng có thể trở thành trở ngại lớn nhất. Nếu trẻ đã có sẵn tính kỉ luật thì công việc của chúng ta chẳng còn cần thiết nữa, bản năng của trẻ có thể khiến trẻ khắc phục mọi khó khăn.

Những đứa trẻ 3 tuổi vào trường của chúng tôi, tình trạng chúng phải đối mặt vô cùng nghiêm trọng. Trẻ đã hình thành một kiểu ý thức phòng ngự, bản tính của trẻ đã bị chôn giấu rất sâu. Chúng tôi không nhìn thấy ở những đứa trẻ này sự yên tĩnh, ổn định và trí tuệ mà lẽ ra chúng phải có. Cá tính trẻ bộc lộ ra rất nông cạn – hành động lười biếng, biểu hiện mơ hồ, không nghe theo sự quản thúc của người lớn.

Nhưng trí tuệ và tính kỉ luật của trẻ đang đợi chúng tôi thức tỉnh. Dù trẻ đã phải chịu sự áp chế, nhưng trẻ không hoàn toàn bị đánh gục, chúng tôi cũng không phải không thể sửa chữa những khuyết điểm cho trẻ. Nhà trường cần cung cấp cho trẻ đủ không gian tinh thần và cơ hội để phát triển. Đồng thời giáo viên cần nhớ rằng, phản ứng phòng ngự và những hành vi không tốt là những trở ngại cho quá trình phát triển tâm lí bình thường của trẻ. Chỉ có loại bỏ những trở ngại này, trẻ mới có được sự tự do hoàn toàn.

Giáo dục nên coi đó là điểm xuất phát. Nếu giáo viên không thể phân biệt giữa những xung động thuần túy và các khả năng được tạo ra một cách tự nhiên từ tâm lí bình ổn thì hành vi của anh ta sẽ không mang lại bất cứ kết quả nào. Có thể phân biệt hai loại hành vi trên là một nền tảng tốt cho công việc của giáo viên. Hai kiểu hành vi này có những đặc điểm riêng, bởi vì cả hai loại đều dựa vào ý muốn tự do của trẻ nhưng lại hoàn toàn trái ngược nhau. Chỉ khi có thể phân biệt được hai kiểu hành vi này thì giáo viên mới có thể trở thành người quan sát và chỉ đạo. Công việc này có nhiều nét tương đồng với công việc của bác sĩ. Đầu tiên bác sĩ phải phân biệt được trạng thái sinh lí bình thường và trạng thái bệnh lí. Nếu ngay cả có bệnh hay không cũng không phân biệt được thì làm sao dám nói tới việc phân biệt được các loại bệnh khác nhau, đương nhiên bác sĩ đó cũng không thể phán đoán được chính xác về tình trạng bệnh. Muốn theo đuổi sự hoàn mĩ, trước tiên cần có khả năng phân biệt tốt – xấu. Chúng tôi có thể mô tả chính xác các giai đoạn phát triển tâm lí của trẻ không? Đương nhiên là có. Đồng thời chúng tôi còn có thể cung cấp cho giáo viên những đặc trưng tiêu biểu của từng giai đoạn.

Dưới đây chúng ta sẽ thảo luận về trẻ 3–4 tuổi, trẻ ở độ tuổi này còn chưa tiếp xúc với bất cứ nhân tố nào có thể làm nảy sinh tính kỉ luật trong nội tâm. Chúng ta sẽ mô tả một cách đơn giản về ba loại hình và những đặc trưng của ba loại hình đó:

  1. Rối loạn hành vi chủ động. Ở đây chúng ta chỉ nói về bản thân hành vi chứ không nói về động cơ của hành vi. Loại hành vi này có thể bộc lộ ra trạng thái cực kì mâu thuẫn và thiếu hài hòa. Triệu chứng này vô cùng quan trọng, nó có ý nghĩa về mặt thần kinh học hơn là triết học. Các bác sĩ có thể phát hiện ra một số khiếm khuyết trong hành vi chủ động ở một số người có tình trạng bệnh nghiêm trọng (ví dụ trong giai đoạn đầu của bại liệt). Họ biết rằng những khiếm khuyết này vô cùng quan trọng, vì vậy họ sẽ không chỉ tiến hành chẩn đoán tình trạng bệnh dựa trên cơ sở tâm lí bất thường và rối loạn hành vi. Tâm lí bất thường và rối loạn hành vi cũng là triệu chứng của bệnh này. Những đứa trẻ có hành vi ngốc nghếch có thể còn bộc lộ những đặc trưng khác, ví dụ như cử chỉ vô lễ, thường có động tác lao đầu về phía trước hoặc quay vòng vòng, thường nói to… Nhưng những hành vi này không có nhiều giá trị chẩn đoán. Bằng giáo dục, chúng ta có thể khiến những sự vận động đầu tiên của trẻ trở nên hài hòa, tình trạng rối loạn hành vi chủ động cũng giảm bớt. Giáo viên không cần từng bước sửa đổi các hiện tượng rối loạn trong quá trình phát triển bình thường của trẻ mà chỉ cần cung cấp một phương thức thú vị giúp sự phối hợp vận động của trẻ phát triển bình thường là được.
  2. Một đặc trưng khác của rối loạn này là trẻ không thể tập trung chú ý vào một vật thể nào đó, bộ não trẻ có khuynh hướng ảo tưởng. Trẻ chỉ thích chơi những thứ như hòn đá, lá cây và thường nói chuyện với những thứ này. Sau khi trưởng thành, trí tưởng tượng của những đứa trẻ này lại càng trở nên mạnh mẽ (bay bướm). Bộ não của người này càng xa rời những chức năng bình thường thì càng cảm thấy mệt mỏi, cuối cùng trở thành tù binh của trí tưởng tượng. Thật không may là rất nhiều người cho rằng những ảo tưởng ảnh hưởng đến sự phát triển cá tính này sẽ thúc đẩy sự phát triển tâm lí, cho rằng đây là trí tưởng tượng mang tính sáng tạo. Sự thật hoàn toàn không phải như vậy, kiểu tưởng tượng này – đối với trẻ – ngoài hòn đá, lá cây thì chẳng phải là gì khác.

Thế giới tinh thần của con người được xây dựng trên cơ sở là nhân cách hoàn chỉnh có thể hòa hợp với thế giới bên ngoài. Hoang tưởng, xa rời thế giới hiện thực không phải là một trạng thái phát triển bình thường. Hoang tưởng sẽ làm nảy sinh những suy nghĩ sai lệch, cũng không thể khiến tư tưởng của chúng ta trở nên hài hòa. Con người càng quan tâm đến sự vật thực tế, ảo tưởng lại ảnh hưởng đến sự quan tâm của con người đến sự vật thực tế. Có thể nói, ảo tưởng là một kiểu suy thoái của cơ quan mà thế giới tinh thần dựa vào. Giáo viên có thể thông qua một số phương pháp để khiến trẻ tập trung chú ý vào một số sự vật nào đó, ví dụ như cho trẻ bày biện bàn ăn, phương pháp này không có bất cứ tác dụng thực tế nào. Giúp trẻ phối hợp vận động và tập trung vào thế giới hiện thực là biện pháp tốt nhất để loại trừ triệu chứng không tốt này.

Chúng ta không cần phải lần lượt sửa chữa từng triệu chứng, một khi trẻ đã có thể tập trung chú ý vào sự vật thực tế thì trẻ sẽ dần dần khôi phục trạng thái lành mạnh, các chức năng cũng sẽ được phát huy bình thường.

  1. Hiện tượng thứ ba là khuynh hướng mô phỏng, có mối liên hệ mật thiết với hai hiện tượng nói trên. Khuynh hướng này đã trở nên càng ngày càng gần hiện thực. Đây là một biểu hiện của điểm yếu cơ bản của con người, là biểu hiện cơ bản của cá tính trẻ 2 tuổi (hành vi mô phỏng ở trẻ lứa tuổi nhỏ hơn không giống thế này, chúng ta đã thảo luận về điểm này trong chương 15). Bởi vì những năng lực tương ứng vẫn chưa được hình thành, trẻ chỉ có thể mô phỏng hành vi của người khác. Hành vi này không thuộc phạm vi phát triển bình thường của trẻ, trẻ lúc này trôi dạt giống như con thuyền thiếu mất cánh buồm. Khi quan sát trẻ 2 tuổi, chúng ta có thể phát hiện ra rằng, tất cả những tri thức trẻ có được đều nhờ cách mô phỏng, đây là một hình thức thoái hóa tâm lí. Tình trạng này có mối liên hệ với rối loạn và biến động tâm lí của trẻ. Nó không có lợi cho việc nâng cao năng lực của trẻ, mà chỉ khiến trẻ trượt dốc.

Một đứa trẻ có thể làm sai một việc gì đó, hoặc gào thét la hét, lăn ra đất ăn vạ, những đứa khác có thể sẽ học theo đứa trẻ đó, thậm chí còn làm tốt hơn. Hành vi này lan truyền trong cả đám trẻ, thậm chí có thể lan ra ngoài phạm vi lớp học. “Bản năng quần thể” này không những có thể khiến trẻ tỏ ra bất thường, có những hành vi vi phạm thường quy xã hội, mà hành vi mô phỏng còn khiến những khiếm khuyết ở cá nhân này truyền sang cá nhân khác, cuối cùng dẫn đến sự thoái hóa toàn diện.

Sự thoái hóa này càng nghiêm trọng thì chúng ta càng khó lôi kéo trẻ trở lại quỹ đạo bình thường. Nhưng một khi chúng ta đã làm được điều đó thì tất cả những biểu hiện bất thường cũng sẽ bị xóa bỏ.

Khi giáo viên được phân công quản lí một lớp học, nếu giáo viên chỉ biết phương pháp giúp đỡ trẻ phát triển, cho trẻ tự do thể hiện bản thân thì giáo viên sẽ phát hiện ra mình đang phải đối mặt với khá nhiều vấn đề đau đầu. Những “con người nhỏ bé” này bắt đầu trở nên vô kỉ luật, tùy tiện sử dụng mọi thứ, nếu giáo viên để yên thì mọi thứ sẽ càng trở nên hỗn loạn, khắp tứ phía là tiếng ồn ào cãi cọ. Khi gặp phải tình trạng này thì cho dù là do thiếu kinh nghiệm hay do suy nghĩ sai lầm, giáo viên cũng đều sẽ phải nghiên cứu về tâm lí giản đơn nhưng rất phong phú của trẻ. Giáo viên phải chạy ngược chạy xuôi để giúp đỡ những đứa trẻ (ông tướng bà tướng) này. Giáo viên phải dùng cách nào đó để “cảnh tỉnh” chúng. Một khẩu khí uy nghiêm nhưng không kém phần mềm mại có thể sẽ có tác dụng. Đừng sợ ngăn cản những hành vi sai trái của trẻ, cũng giống như việc chúng ta gọi tên trẻ trước khi yêu cầu trẻ trả lời câu hỏi, nếu muốn thức tỉnh trẻ, chúng ta phải lay động tâm hồn trẻ. Giáo viên phải mang đi mọi thứ nhỏ bé bên cạnh trẻ, vứt bỏ hết những nguyên tắc trẻ đã học được, sau đó bắt tay giải quyết vấn đề này. Chỉ có trí tuệ của giáo viên mới có thể giải quyết được vấn đề một cách hiệu quả tùy người tùy việc. Giáo viên biết sai sót của trẻ nằm ở đâu, vì vậy họ sẽ biết cách giải quyết nó. Người bác sĩ giỏi không phải là cỗ máy kê đơn thuốc; người thầy giỏi cũng tương tự như vậy, không phải là cỗ máy chỉ áp dụng phương pháp giáo dục, mà nên dùng phán đoán của bản thân để giải quyết vấn đề. Họ có thể cao giọng, cũng có thể hạ giọng nói chuyện với trẻ để thu hút sự chú ý của học sinh, dùng phương pháp này để khôi phục trật tự trong lớp học. Tất cả những điều này đều do người giáo viên tự mình lựa chọn, cũng giống như âm điệu hài hòa phát ra từ chiếc đàn piano có thể đè bẹp tất cả những tạp âm khác vậy.

Lớp học của một giáo viên giàu kinh nghiệm không bao giờ xảy ra tình trạng hỗn loạn, bởi trước khi rời lớp, người giáo viên đó đã dành thời gian chỉ đạo trẻ, ngăn chặn lũ trẻ trở nên hỗn loạn khi không có ai quản lí. Vì vậy người giáo viên cần làm một số công tác chuẩn bị, khiến trẻ cảm thấy thầy cô giáo có thể giúp mình rất nhiều. Lời khen hoặc dạy bảo của thầy cô nên bình tĩnh, kiên định và nhẫn nại. Một số phương pháp có thể sẽ rất hữu dụng, ví dụ như cho trẻ khiêng bàn ghế về chỗ thích hợp, hoặc xếp ghế thành hàng, sau đó ngồi lên ghế, hoặc nhẹ nhàng chạy từ đầu này đến đầu kia của phòng học. Khi cảm thấy thời cơ đã chín muồi, giáo viên có thể nói: “Tốt, các em hãy trật tự nào.” thì sự trật tự sẽ xuất hiện một cách thần kì. Phương pháp đơn giản này có thể khiến trẻ từ trạng thái vô kỉ luật trở về với việc mà trẻ nên làm. Sau đó giáo viên có thể dần dần cung cấp cho trẻ một số đồ vật nhỏ, nhưng không được đưa cho trẻ trước khi trẻ biết sử dụng chúng như thế nào.

Bây giờ thì lớp học đã trở nên trật tự. Lũ trẻ trở về với thế giới hiện thực. Các hành vi của trẻ đều có mục đích nhất định, ví dụ như dọn bàn, quét sàn, lấy đồ vật từ trong tủ ra ngoài và sử dụng những đồ vật này một cách chuẩn xác…

Rõ ràng là khả năng tự do lựa chọn của trẻ được tăng cường nhờ thực tiễn. Giáo viên cũng bắt đầu cảm thấy hài lòng. Nhưng họ cảm thấy số lượng đồ vật mà phương pháp Montessori cung cấp là chưa đủ, trong suốt một tuần, bọn trẻ cứ phải dùng đi dùng lại những đồ vật đó. Tình trạng này diễn ra trong khá nhiều trường học.

Có một vấn đề cho thấy sự mong manh của trình tự này, đồng thời là mối đe dọa với cả cơ chế: Trẻ không ngừng chơi hết món đồ này đến món đồ khác. Mỗi món đồ trẻ chỉ sử dụng một lần, sau đó lại tìm hiểu món đồ khác. Bọn trẻ không ngừng chạy về phía tủ đựng các món đồ. Không có món đồ nào đủ sức kích thích hứng thú khiến năng lực của trẻ được phát triển. Cá tính của trẻ không được rèn luyện cũng không được phát triển. Sự thay đổi không ngừng này không thể mang lại sự hài hòa cho tâm lí của trẻ. Trẻ lúc này giống như một chú ong không ngừng bay đi bay lại giữa những bông hoa, nó sẽ không thể tìm được bông hoa có mật khiến nó mãn nguyện. Nếu không có sự thức tỉnh hành vi bản năng trong nội tâm, thúc đẩy sự phát triển của tính cách và tâm lí thì trẻ sẽ không thể tiến hành công việc được.

Khi tình trạng không ổn định này xuất hiện, giáo viên sẽ cảm thấy công việc của mình thật khó khăn. Họ chỉ có thể loay hoay với học sinh, đồng thời truyền cả nỗi lo lắng của mình cho những đứa trẻ. Những đứa trẻ cảm thấy buồn chán chỉ đợi giáo viên quay đi là bắt đầu bày bừa các món đồ. Khi giáo viên ở cạnh những đứa trẻ này, chúng có thể vẫn xảy ra nhiều vấn đề. Sự phát triển đạo đức và trí lực đến lúc này vẫn chưa xuất hiện, vẫn chờ đợi chúng ta khai phá.

Tính kỉ luật này vô cùng yếu ớt. Để ngăn chặn xuất hiện tình trạng vô kỉ luật, giáo viên luôn luôn ở vào trạng thái căng thẳng. Rất nhiều giáo viên chưa được rèn luyện nhiều và còn thiếu kinh nghiệm. Họ trông chờ nhiều ở “những đứa trẻ mới đến”, đồng thời cũng làm rất nhiều việc nhưng hiệu quả thu được vẫn không cao. Rốt cuộc họ không thể không thừa nhận trạng thái căng thẳng này là cả một nỗi đày đọa với giáo viên, và đối với học sinh thì nó cũng chẳng mang lại ích lợi gì.

Giáo viên cần hiểu tình trạng này của trẻ. Tâm lí của trẻ đang trải qua một giai đoạn chuyển mình. Cánh cửa phát triển rộng lớn vẫn chưa mở ra trước mặt trẻ, những đứa trẻ này vẫn đang quanh quẩn phía ngoài cánh cửa. Thực tế, dường như chúng ta cũng không nhận thấy bất cứ sự phát triển nào ở chúng. Tình trạng này gần với sự hỗn loạn hơn là có trật tự. Những việc trẻ làm trong tình trạng này chắc chắn không thể nào hoàn mĩ được. Về cơ bản trẻ có thể có được sự vận động nhịp nhàng nhưng thiếu sức lực và mĩ cảm, đồng thời có lúc tốt có lúc xấu. So với tình trạng không thể tiếp xúc với thế giới hiện thực trong giai đoạn đầu tiên thì cho đến lúc này, dường như trẻ vẫn không có bước tiến lớn nào. Tình trạng trẻ như thể người mới ốm dậy vậy, trẻ đang nằm trong một giai đoạn quan trọng của quá trình phát triển, trong giai đoạn này, giáo viên phải phát huy được hai vai trò khác nhau: Là người đôn đốc và từng bước tiến hành giáo dục trẻ. Nói như vậy cũng có nghĩa là giáo viên phải dạy học sinh cách sử dụng từng đồ vật. Giám sát toàn bộ lớp học và chỉ dạy từng học sinh là hai phương pháp chính để giáo viên có thể giúp đỡ học sinh. Trong giai đoạn này, giáo viên cần nhớ rõ khi chỉ dạy một học sinh thì không được quay lưng lại với những học sinh khác. Trước mặt những đứa trẻ bối rối này, giáo viên phải đảm bảo sự tồn tại của mình. Giáo viên nên có những chỉ đạo chuẩn xác cho học sinh, sự chỉ đạo này cần tiến hành theo một cách cực kì thân mật, như vậy mới có thể lay động tâm hồn của trẻ. Rồi sẽ có một ngày những tâm hồn nhỏ bé này bừng tỉnh, những đồ vật trong tay trẻ sẽ khiến chúng cảm thấy vô cùng thích thú, đồng thời không ngừng dùng đi dùng lại những món đồ đó, khả năng tập trung chú ý của trẻ cũng theo đó mà tăng lên, khả năng vận động của đôi tay cũng được nâng cao. Trạng thái tích cực và thỏa mãn này của trẻ cho thấy tâm lí của trẻ đã bước vào một giai đoạn mới.

Trong quá trình phát triển tâm lí của trẻ, tạo cho trẻ cơ hội được tự do lựa chọn là điều vô cùng quan trọng. Chỉ khi trẻ hiểu được nhu cầu thực tế của sự phát triển tâm lí của bản thân thì mới có thể nói đến chuyện tự do lựa chọn. Khi trẻ bị thu hút bởi nhiều yếu tố kích thích ở thế giới bên ngoài, đồng thời mỗi một kích thích đều khiến trẻ thích thú thì sau khi khám phá một đồ vật này, trẻ sẽ tiếp tục chuyển sang đồ vật khác, ý chí của bản thân cũng không thể chi phối được, như vậy thì không thể nói đến việc tự do lựa chọn. Giáo viên nhận thức được điều này là việc rất quan trọng. Nếu trẻ không có những kiến giải chủ quan nhất định thì không thể bước vào con đường phát triển hoàn mĩ. Trẻ vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ hoàn cảnh, trở thành nô lệ của mọi kích thích đơn giản nhất. Tâm lí của trẻ giống như con lắc không ngừng dao động. Chỉ khi có được năng lực tự nhận biết thì mới có thể tĩnh tâm làm một việc nhất định nào đó, lúc đó tâm lí của trẻ mới có thể nói là thành thục.

Chúng ta có thể nhìn thấy hiện tượng đơn giản mà quan trọng này ở tất cả các sinh vật. Mỗi sinh vật đều có khả năng tiến hành chọn lựa trong môi trường phức tạp. Khả năng tự do lựa chọn này có thể nói là vô cùng hữu ích cho mỗi sinh vật.

Thực vật hút những thành phần dinh dưỡng nhất định mà nó cần trong lòng đất. Côn trùng cũng vậy, chúng chỉ “quan tâm” tới một loài hoa nhất định nào đó. Tình trạng này cũng tồn tại ở loài người, chỉ có điều khả năng này ở con người là thứ sau này rèn luyện mà thành chứ không phải là bản năng bẩm sinh. Tâm lí của trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi vô cùng nhạy cảm. Sự giáo dục sai lầm có thể bóp chết tính nhạy cảm này của trẻ, khiến trẻ hứng thú trước mọi loại kích thích, cuối cùng trở thành nô lệ của những kích thích cảm quan bên ngoài. Phần lớn người trưởng thành chúng ta đều đã mất đi tính nhạy cảm, vì thế khi thấy trẻ có năng lực này, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng kinh ngạc. Một giáo viên chưa từng được huấn luyện có thể dễ dàng giết chết loại năng lực này giống như một con voi vô tình giẫm nát một bông hoa vừa chớm nở.

Khi trẻ dồn sự chú ý vào một vật thể và không ngừng sử dụng vật thể đó, tâm lí của trẻ đã nằm trong trạng thái an toàn và nhẹ nhõm. Lúc này chúng ta không cần lo lắng về trẻ nữa, điều chúng ta cần làm chính là thỏa mãn nhu cầu của trẻ và loại bỏ những trở ngại mà trẻ có thể gặp phải.

Trước khi khả năng tập trung của trẻ có thể đạt đến trạng thái này, giáo viên cần học cách kiểm soát bản thân, để cho tâm lí của trẻ được tự do phát triển. Việc giáo viên nên làm là không làm phiền công việc trẻ đang làm, khả năng kiểm soát của giáo viên lúc này có tác dụng rất to lớn. Là giáo viên, không đơn giản có nghĩa là chỉ giúp đỡ trẻ, thậm chí không có nghĩa là ngồi yên bất động. Trong khi giúp đỡ và phục vụ trẻ, giáo viên đồng thời cũng cần tiến hành quan sát trẻ, bởi vì sức chú ý của trẻ là một hiện tượng vô cùng tinh tế. Đương nhiên giáo viên không nên trực tiếp lộ mặt, cũng không nên tùy tiện giúp đỡ trẻ mà cần thông qua quan sát để hiểu được trẻ, hiểu được khả năng tập trung của trẻ, cũng như hiểu được tình trạng phát triển tâm lí của trẻ.

Đối với trẻ, tập trung chú ý là việc rất vui vẻ. Trẻ không còn quan tâm đến mọi sự xung quanh mình, mà trở nên giống như một “ẩn sĩ”. Cá tính của trẻ dần dần hình thành trong quá trình này. Khi trẻ rời mắt khỏi sự vật mình đã quan tâm, thế giới trong mắt trẻ sẽ trở nên đầy mới mẻ. Trẻ cũng trở nên tràn đầy tình yêu với con người và vạn vật, hòa đồng với mọi người, đồng thời bắt đầu biết yêu những gì đẹp đẽ. Đây là một quá trình tâm lí rất giản đơn: Cách li bản thân khỏi thế giới để thu được khả năng hòa nhập vào thế giới tốt hơn. Khi ngồi trên máy bay, chúng ta có thể nhìn thấy mặt đất rõ hơn. Tâm lí con người là vậy. Để có thể hòa nhập với những người xung quanh mình, chúng ta cần có thời gian tách khỏi họ và tích lũy sức mạnh của tình yêu. Những trí giả trước khi làm việc tốt cho nhân loại cũng tự nhốt mình trong phòng để nghĩ cách mang lại điều tốt cho mọi người. Mọi sự chuẩn bị cho sự nghiệp tình yêu và hòa bình vĩ đại này đều được âm thầm chuẩn bị.

Trẻ cách li khỏi thế giới bên ngoài thông qua khả năng tập trung chú ý, để sau đó hình thành một tính cách kiên định và bình tĩnh, đầy tình yêu với mọi người xung quanh. Đồng thời trẻ còn có những phẩm chất ưu tú như biết hi sinh bản thân, làm việc có quy luật, biết phục tùng. Tình yêu cuộc sống của trẻ giống như dòng suối tuôn trào và chia sẻ tình yêu đó cho mọi người bên cạnh mình.

Sự tập trung chú ý có thể bồi dưỡng ý thức xã hội cho trẻ, giáo viên cần chú ý tới điểm này. Sau khi ý thức xã hội này của trẻ được hình thành, giáo viên cần giúp đỡ trẻ. Những đứa trẻ này muốn học hỏi từ người thầy của mình cũng giống như chúng cần hít thở dưỡng khí từ trời xanh và hoa cỏ vậy.

Sự nhiệt tình của trẻ – đối với giáo viên không có kinh nghiệm – lại hình thành một áp lực to lớn. Trong giai đoạn đầu tiên, giáo viên không nên lãng phí thời gian với những hành vi hỗn loạn của trẻ mà thay vào đó là cần quan tâm tới những nhu cầu cơ bản của chúng, cũng như không nên bị chìm đắm vào đủ thứ hiện tượng mà cần quan tâm tới những việc chính. Những công việc lúc này của giáo viên có tác dụng giống như bản lề cửa, công việc sau cánh gà, đồng thời khống chế toàn bộ cục diện.

Công việc của người thầy là một công việc có tính chuẩn xác và thường xuyên. Ban đầu giáo viên có thể cảm thấy mình thật vô tích sự, bởi vì những tiến bộ của trẻ không đáng là bao so với những gì họ đã phát huy. Nhưng không lâu sau, họ lại phát hiện ra trẻ ngày càng trở nên độc lập, năng lực biểu đạt của trẻ ngày càng mạnh mẽ, tốc độ phát triển cũng ngày một nhanh. Lúc này giáo viên mới cảm thấy những công việc hậu trường của mình trở nên có giá trị. Lúc này người thầy nên nghĩ đến câu nói của John the Baptist khi nhìn thấy Chúa Cứu Thế: “Người này được tiên đoán sẽ trưởng thành, còn ta phải rút lui.”

Lúc này trẻ rất cần có một sức mạnh để chỉ đạo mình. Sau khi vận dụng trí lực và hành vi của bản thân để hoàn thành một việc nào đó (ví như vẽ một bức tranh hay viết một từ đơn), trẻ sẽ chạy ngay đến trước mặt thầy cô giáo để xin ý kiến. Trẻ không cần người khác chỉ bảo mình cần làm việc này như thế nào. Một tâm hồn tự do có thể tự do lựa chọn và tự tiến hành công việc của mình. Nhưng sau khi hoàn thành công việc, trẻ cần nhận được sự công nhận của thầy cô giáo.

Trẻ luôn tuân theo những nhu cầu của nội tâm, bản năng này của trẻ có thể bảo vệ sự riêng tư của thế giới tinh thần. Tương tự như vậy, trẻ cũng cần khoe thành quả của bản thân với người lớn, để đảm bảo những nỗ lực mà bản thân đã bỏ ra là đúng. Điều này thể hiện ở việc trẻ tập đi, dù rằng trẻ đã có khả năng đi lại được, nhưng trẻ vẫn mong chờ có người lớn dang rộng cánh tay đón chờ trước mặt chúng. Lúc này giáo viên nên khích lệ trẻ, thậm chí là tặng cho trẻ một nụ cười. Đương nhiên sự trưởng thành và tự tin của trẻ chủ yếu quyết định bởi bản thân trẻ, không có quan hệ gì với giáo viên.

Khi trẻ đã đủ niềm tin với công việc của mình, trẻ sẽ không còn tìm kiếm sự khích lệ của người khác mà thay vào đó, chúng lần lượt làm hết việc này đến việc khác trong khi người lớn không hay biết, trẻ chỉ chú trọng đến thành quả là tốt hay xấu chứ không quan tâm đến bất cứ việc gì khác. Điều khiến trẻ hứng thú chính là bản thân công việc chứ không phải là sự ngưỡng mộ của người khác. Những người từng đến thăm quan trường chúng tôi vẫn còn nhớ, khi chúng tôi giới thiệu với họ thành quả công việc của trẻ, chúng tôi không bao giờ giới thiệu họ tên của đứa trẻ. Bởi vì giáo viên của chúng tôi biết rằng trẻ không hề quan tâm đến việc họ tên mình có được giới thiệu hay không. Trong những trường học khác, nếu giáo viên quên không giới thiệu tên học sinh đã tạo ra tác phẩm, họ sẽ cảm thấy khó chịu, bởi học sinh đó có thể sẽ nói bằng giọng oán trách: “Đó là do em làm.”

Còn trong trường học của chúng tôi, tác giả của tác phẩm xinh xắn đó có thể đang ở một góc nào đó, bận rộn với một công việc khác mà không muốn bị ai làm phiền. Khi đó, cùng với việc nghiêm túc lần lượt hoàn thành từng tác phẩm, trẻ sẽ dần dần hình thành nên tính kỉ luật. Trẻ bận rộn nhưng không rối loạn, có ý thức phục tùng và đầy tình yêu thương, giống như hoa nở mùa xuân là để chờ đợi để được thu hoạch vào mùa thu vậy.

❁ ❁ ❁

Ảnh: Viktor Jakovlev on Unsplash

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x