Trang chủ » Thứ sáu, 25 tháng 3 năm 1983

Thứ sáu, 25 tháng 3 năm 1983

by Hậu Học Văn
135 views

Hôm nay là buổi sáng thứ hai của mùa xuân. Cảnh vật đẹp một cách lạ lùng. Đêm qua trời đã mưa rất nhiều, tất cả đều được cọ rửa sạch sẽ y như mới, và những chiếc lá đều sáng lên dưới ánh bình minh. Ta hít thật sâu cho đầy lồng ngực hương thơm của ngàn cánh hoa, và ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm ẩn hiện những cụm mây trôi lững lờ. Ôi sao sáng hôm nay đẹp quá, nhất là khi nó thuộc về mọi người chứ không phải của riêng ai. Một buổi sáng tinh mơ, buổi sáng mà người ta cầu mong đừng vội qua đi. Không khí ở trên thung lũng này thật trong lành với ánh sáng thật êm dịu, lấp lánh và thanh tịnh. Những cây cam với những trái vàng óng đã được mưa rửa sạch sáng bóng lên như đón chào ánh ban mai đầu tiên trong đời. Đất sũng nước và núi đầy tuyết tạo nên một buổi sáng đẹp khôn tả.

Ở tít đằng xa kia, những ngọn núi làm đường viền cho thung lũng đang chờ ánh chiêu dương xua tan khí lạnh của đêm qua. Tất cả những tảng đá, những viên sỏi và ngọn suối xinh xinh như bừng sống dậy.

Ta hãy ngồi xuống đây, im lặng, xa cách hẳn mọi sự, để ngắm nhìn bầu trời, để cảm nhận mùi đất trọn vẹn và cái thuần tịnh mỹ miều của tất cả những gì đang sống và đang máy động mà không có con người xen vào. Con người cứ như thế mãi từ bao nhiêu thế kỷ nay, và vẫn cứ là thế ngày nay, ngày mai, ngày mốt. Thời gian và chuyển biến đã đưa con người trở về với thực tại. Tương lai của họ cũng vẫn là như thế, trừ phi có một cuộc cách mạng tâm linh thật sâu sắc và vững chãi.

Theo quan niệm vật lý cũng như tâm linh thì thời gian rất quan trọng với mỗi người trong chúng ta – thì giờ để học hỏi, để thâu thập một kinh nghiệm, để trở thành và để chết. Ta cần thời gian để học thêm một ngoại ngữ, để trau dồi đạo đức, để ăn nói và để đón nhận những hiểu biết. Không có thời gian thì ta khó mà tom góp của cải hầu xây dựng nên một căn nhà: phải có thời gian để đúc gạch; để đi đây đi đó. Thời gian là một yếu tố tối cao của cuộc sống – để thâu thập, để tiêu xài, để lành bệnh hay để viết một lá thư. Bạn cho là ta cần thời gian tâm lý, thời gian của cái đã xảy ra, bị thay đổi trong hiện tại và tiếp diễn trong tương lai. Thời gian là quá khứ, hiện tại và vị lai. Trong thâm tâm, con người bám vào thời gian tất cả hy vọng; hy vọng và thời gian chỉ là một. Tương lai với những ngày mai dành dụm cho ta thời gian để nội tâm được trưởng thành – là cái này và thành cái kia. Theo tính cách vật lý thì trở thành là nhỏ biến ra to, còn theo tính cách tâm lý thì từ vị trí tầm thường bạn tiến dần đến địa vị tối cao.

Ta cho là mình cần thời gian để đổi “cái này” thành “cái kia”. Những từ “hy vọng” và “biến đổi” cũng có nghĩa là thời gian. Rõ ràng là ta cần thời gian để đi du lịch, để ghé vào một hải cảng hay một quốc gia nào đó nghỉ ngơi sau một cuộc hành trình kéo dài rồi đi tiếp đến một nơi đã định trước. Điểm hẹn này là tương lai. Bạn muốn lập thành tích, muốn thâu thập, muốn vun bồi tay nghề qua quá trình thực tập ư? Trong địa hạt ấy thời gian không những cần thiết mà còn là điều kiện tất yếu. Nhưng rồi sang địa hạt tâm lý bạn cũng nghĩ theo cách đó.

Nhưng sự trở thành về tâm lý có thực hiện hữu chăng? Chúng ta bảo có, xem như lẽ đương nhiên mà ta không bao giờ xét lại. Các tôn giáo và sách vở nói về tiến hóa đã dạy chúng ta là cần có thời gian để biến “cái đang là” thành “cái sẽ là”; và thời gian là khoảng cách phải vượt qua. Chúng ta cho là sự chuyển di từ bạo động sang bất bạo động có nghĩa là hết cay đắng đến ngọt bùi, và cần có nhiều thời gian để đạt được lý tưởng đó. Trong đời sống, ta mù quáng chạy theo mô hình này mà không xem xét kỹ càng, không nghi ngờ gì cả. Ta cứ nhắm mắt tin theo lề thói từ ngàn xưa truyền lại. Quá trình thực hiện lòng mong mỏi ấy thật gay go và là một trong những tai họa của con người.

Thời gian biến đổi cái đang là thành một thứ gì hoàn toàn khác hẳn, có thật sự là thành phần của lãnh vực tâm lý không? Những lý tưởng, những lý thuyết chính trị hay tôn giáo có liên quan gì đến sự biến đổi ấy không? Không phải đấy cũng chỉ là những quan niệm do con người đặt ra rồi từ đó nảy sinh những chống trái sao? Nói cho cùng thì những lý thuyết phe tả hoặc phe hữu hoặc phe trung lập đều phát xuất từ hành vi nghiên cứu, cân nhắc, phán đoán một ý tưởng rồi đưa đến một kết luận, để không còn thắc mắc gì nữa.

Những lý thuyết đã hiện hữu từ ngàn xưa, bao lâu con người còn có thể nhớ được. Chúng có cùng một bản chất với những đức tin khiến con người chia cách nhau. Sự chia rẽ này ngày càng rõ rệt hơn: từ “cái tôi”, cái tự ngã, từ cá nhân đến gia đình, từ gia đình đến đoàn thể, từ bộ tộc đến quốc gia. Những phân chia bộ tộc có bao giờ bị quá tải không? Con người luôn cố gắng hợp nhất các quốc gia vốn chỉ là những bộ lạc vĩ đại nhưng họ cứ mãi mãi thất bại: các quốc gia vẫn giữ nguyên vị trí của mình. Sự tiến hóa đã chia rẽ các đoàn thể, và các cuộc chiến vì lý do tôn giáo hay vì lý do nào khác cứ bùng lên. Thời gian không thay đổi được chiến tranh. Sự hiểu biết, kinh nghiệm và những kết luận cuối cùng phát xuất từ đó không bao giờ nảy sinh được sự cảm thông phổ quát, một mối liên hệ với toàn thế giới, một tinh thần tổng hợp.

Cần biết xem có thể thay đổi “cái đang là”, cái hiện tại, mà không để ý đến sự di chuyển của thời gian. Bạn có thể nào thay đổi được sự bạo động – mà không cần phải trở nên bất bạo động, vì như thế là đối chiếu với cái đang là, và là một giao động của tư tưởng? Bạn có thể thay đổi lòng ham muốn với tất cả những gì đồng nghĩa với nó mà không cần đến thời gian? Bạn phải biết là danh từ “thay đổi” có nghĩa là khái niệm thời gian, và danh từ “chuyển biến” không có nghĩa đó, vì chuyển biến là sự chuyển di từ một hình thức này sang một hình thức khác. Nhưng bạn muốn dập tắt ao ước mà không cần đến thời gian ư?

Thời gian là tư tưởng. Thời gian là quá khứ. Thời gian là động cơ. Bạn có thể nào thay đổi – xin chú ý đến từ ngữ này – mà không cần đến động cơ không? Từ ngữ động cơ chính nó đã không bao hàm một hướng đi, một kết luận sao? Khi bạn đã có một mục đích thì bạn không cần phải thay đổi cái gì cả. Lòng ham muốn cũng có một kết cấu phức tạp. Ước ao thay đổi hay ý muốn thay đổi trở thành một động cơ, và chính động cơ này biến dạng cái gì cần thay đổi, cái gì cần chấm dứt. Sự chấm dứt không có trong thời gian.

Mây thong thả tụ lại quanh ngọn núi, dần dần che khuất mặt trời rồi tuôn ra những giọt mưa hệt như cảnh tượng ngày hôm qua. Mùa mưa đang ngự trị vùng này; mưa không bao giờ đến trong mùa hè; khi trời nắng hạn thì thung lũng như một bãi sa mạc. Bên kia những ngọn đồi là bãi sa mạc kéo lê thê đến vô tận. Nhưng sa mạc với không gian bao la lại tuyệt đẹp vào các mùa khác. Khi mùa xuân rũ áo ra đi thì vạn vật đều nóng lên, khiến cây tàn, hoa rụng. Cái nóng khô cằn đã làm tất cả đều trong sáng.

Thưa Ngài, tại sao Ngài bảo là thời gian không cần thiết cho sự thay đổi?

Ta hãy cùng tìm hiểu sự thật mà không chấp nhận cũng không từ chối những gì đã được nghe nói, hãy cùng bàn bạc để khai triển vấn đề nha. Từ xưa đến nay các cụ đã dạy chúng ta rằng muốn thay đổi phải có thời gian, có phải không? Thời gian trở nên quan trọng hơn người ta tưởng. Ở đây chúng ta không nên nói đến thời gian vật chất cần thiết cho việc thu thập một kinh nghiệm, mà nên tự hỏi rằng tâm lý có khi nào trở nên đáng kể và tốt đẹp hơn nó đang là, khi đạt đến một trình độ ý thức triệt để. Đây là một giao động của đo lường, của so sánh.

Bây gời chúng ta xét đến ý nghĩa của sự thay đổi. Chúng ta đang sống trong sự hỗn loạn, mê mờ, lưỡng lự, và thường chống đối cái này hay o bế cái kia. Chúng ta khoái được khen và sợ bị phạt. Ta muốn được an ổn, nhưng những gì ta làm lại gây nên bất an. Cái này, và cái còn lại, làm xáo trộn cuộc sống thường nhật của chúng ta. Ta không thể lôi thôi hay lơ là với công việc chẳng hạn. Ta phải chính xác, suy nghĩ rõ ràng và hợp lý. Nhưng ta lại không duy trì thái độ này trong phạm vi tâm lý. Ta luôn cần chạy trốn cái đang là, trở nên khác hẳn với cái mà ta tưởng tượng ra, tránh né những nguyên nhân của rối loạn.

Con hiểu điều này, anh ta nói. Quả vậy, con chạy trốn cái đang là. Con chưa bao giờ xem xét một cách cẩn thận và ý tứ cái gì đang xảy ra trong con. Con chỉ tìm cách loại bỏ hoặc tôn vinh cái đang là. Nếu phải chịu đựng một nỗi khổ thật lớn trong tâm, con không bao giờ quan sát nỗi đau đớn ấy thật sâu. Con muốn tức tốc xóa bỏ nỗi khổ ấy để tìm một nguồn an ủi khác. Và luôn luôn có một trận chiến để đạt đến trạng thái không biết đau khổ hay phức tạp là gì. Nhưng càng cố sắp xếp lại trật tự thì dường như con lại càng bị rối loạn hơn và hậu quả là lắm chuyện rắc rối phát sinh theo.

Bạn có nhận thấy rằng khi mà những chính trị gia muốn giải quyết một vấn đề, thì chính là lúc họ tạo ra vô số rắc rối khác không? Và chuyện này cứ tiếp diễn mãi.

Thưa Ngài, có phải Ngài muốn nói là thời gian không phải là yếu tố của sự thay đổi? Con hơi nhận ra điều này, nhưng chưa hiểu rõ lắm. Như vậy theo Ngài thì con bị thúc đẩy bởi sự thay đổi, và động cơ này chính nó lại làm trở ngại sự thay đổi. Quả vậy, động cơ là lòng ham muốn của con, và sự khao khát này thúc ép con trốn chạy nỗi chán chường khó chịu để tầm cầu một trạng thái dễ chịu làm mình sung sướng. Một mục đích hay một nguyên nhân cuối cùng rồi cũng phải phô bày hình trạng của nó về mặt tâm lý. Con hiểu điều này. Con nhận được điều Ngài nói. Con bắt đầu mường tượng ra ẩn ý của sự kiện thay đổi vượt thời gian.

Thế thì ta hãy tự hỏi xem có sự nhận thức nào về cái đang là mà không cần có khái niệm thời gian không. Nói cách khác thì ta có thể nào nhìn, hoặc quan sát cái đang là mà không cần nhắc đến quá khứ, đến những kỷ niệm chồng chất, những tên tuổi, những từ ngữ, hành động không? Ta có thể nào quan sát cảm nghĩ, một phản ứng mà ta gọi là ước muốn chẳng hạn, mà không cần đến sự can thiệp của người tạo tác, của người ôm ấp các kỷ niệm về những sự cố đã qua?

Thời gian không đơn thuần là chuyện mặt trời mọc rồi lặn hôm nay, hôm qua hoặc ngày mai, mà là một chuyện phức tạp và tinh tế hơn nhiều. Để thật sự hiểu được thiên nhiên và chiều sâu của thời gian, ta cần phải thiền quán về trường hợp ngẫu nhiên trong đó thời gian ngừng lại. Ở đây ta không nói đến thời gian hư cấu hay những lý luận dị thường lãng mạn do trí tưởng tượng vẽ vời nên, mà ta muốn tự hỏi xem có bao giờ thời gian trong lãnh vực tâm lý thật sự đọng lại. Đó mới là vấn đề.

Bạn có thể phân tích bản chất của thời gian, nghiên cứu, khám phá xem diễn tiến tâm lý là một sự thật hay một hy vọng mong manh của con người đang tìm cầu một cái gì đem lại an ổn dễ chịu cho mình. Thời gian có bắt nguồn từ trên trời không? Khi ngắm nhìn bầu trời với các hành tinh và vô số những vì sao, bạn có thể hiểu được vũ trụ với một đầu óc lệ thuộc vào thời gian không? Bạn có cần phải có thời gian để nhận thức và hiểu rõ động tác mạnh mẽ của vũ trụ và của con người để có được tri giác về sự thật vĩnh cửu không?

Ta có thể nào gợi ý rằng phải luôn luôn quan sát (chứ không chỉ nghĩ đến) toàn thể các động tác của thời gian, và động tác này không gì khác hơn là động tác của tư tưởng? Thời gian và tư tưởng không phải là hai thứ tách biệt nhau, hai hành vi hay hai động tác khác biệt. Thời gian là tư tưởng và tư tưởng là thời gian. Ta cũng có thể hỏi xem khi nào thì tư tưởng, tức là cái hiểu biết, hoàn toàn đứng lại.

Cái biết là thời gian, giống như tư tưởng, và ta tự hỏi xem đến khi nào con người mới thôi tích chứa hiểu biết, thôi gom góp thật nhiều thông tin và thôi tiến sâu vào những phức tạp của hiện hữu. Tư tưởng có khi nào dừng lại khi đang tạo nên tinh túy của tâm linh như nỗi sợ hãi, niềm vui, lòng khắc khoải, nỗi cô đơn, cơn thống khổ và cái khái niệm mình khác người? Hành vi tự kỷ này có thể chấm dứt hoàn toàn không? Chúng chỉ chấm dứt khi chết đi. Đây không phải là cái chết vĩnh viễn mà chỉ là sự đình chỉ một nhận thức về tư tưởng và về thời gian.

Suy cho cùng thì biết nghĩa là tích chứa đủ thứ kinh nghiệm trong thời gian, là thâu thập mọi sự cố và dữ kiện; là dồn chứa vào trong đầu, và từ đó tạo nên tinh túy của thời gian. Khi nào thì bạn cần thu thập, và về mặt tâm lý, không thu thập có được không? Điều quan trọng không phải là chọn lọc những tri thức hay những kỹ thuật thiết yếu, mà là hiểu rõ bản chất và nguyên nhân vì sao con người thu thập để từ đó hành động rồi phản ứng.

Khi cảm thấy bị xúc phạm hoặc bị tổn thương về mặt tâm lý bởi một lời nói, một cử chỉ hay một hành vi, thì tại sao bạn phải ghi nhận sự tổn thương ấy? Bạn không thể phớt lờ lời nịnh hót hay mắng chửi, để tâm khỏi chất chứa quá nhiều ngõ hầu được thảnh thơi, và chấm dứt thói ngã chấp sao? Cái tự ngã do thời gian và tư tưởng tạo thành? Bạn luôn sợ hãi cái mà mình chưa hề thấy, gặp gỡ hay quen biết. Không ai tạo kinh nghiệm về sự thật cả. Muốn có kinh nghiệm thì phải có một chủ đề. Chủ đề của kinh nghiệm là sản phẩm của thời gian, của sự dồn chứa những kỷ niệm, những hiểu biết, v.v…

Như ta đã từng nói, thời gian cần được hiểu bén nhạy và chăm chú. Bạn có thể nào hiện hữu trong đời sống hằng ngày mà không có chút khái niệm nào về thời gian không? Xin lỗi, từ ngữ khái niệm không thích hợp lắm, nhưng hãy nói nội tâm ta có thể nào sống không thời gian? Những đám mây trên trời không ở trong thời gian và tư tưởng.

Thưa Ngài, những gì Ngài nói quả là một thực tại thường nhật. Khi nghe Ngài nói về thời gian và tư tưởng, con cảm thấy những bình luận ấy đơn giản và sáng sủa đến nỗi con có cảm tưởng thời gian quả có ngừng lại trong một hoặc hai giây. Nhưng nếu con quay về với guồng máy của mình với sự chán chường mỏi mệt, thì ngay cả thú vui cũng trở nên nhạt nhẽo. Con sẽ trở lại với sự vận hành cũ rích của mọi sự. Con thấy thật khó mà buông bỏ cuộc đời này để bình thản nhìn thời gian xoay vần. Nhưng con bắt đầu hiểu (và con tin là không phải chỉ bằng lời nói suông) rằng ta có thể không ghi nhận, nếu con được phép lập lại từ ngữ Ngài đã dùng.

Con nhận ra rằng mình giống như một cái đĩa lập trình để là cái này hay là cái nọ. Nhận ra chuyện này rồi gạt nó qua một bên thì quá dễ. Nhưng muốn ngừng suy tư và chấm dứt cái thời gian phức tạp thì đòi hỏi sự chú ý triệt để và quan sát kỹ càng. Nhưng ai là người làm việc này, nếu chính người làm việc đó cũng là sản phẩm của thời gian? Con nắm được một điều. Đúng ra Ngài bảo: hãy nhìn mà không có phản ứng, hãy chú ý đến những chuyện bình thường của đời sống rồi tìm ra trong đó cái khả năng chấm dứt thời gian và tư tưởng. Con xin cám ơn Ngài về buổi nói chuyện lý thú hôm nay.

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x