Trang chủ » VIII. Chuẩn bị vào học đường

VIII. Chuẩn bị vào học đường

by Hậu Học Văn
4 views

Việc chuẩn bị để đi vào thế giới bên ngoài phải khởi sự sớm. Tuy khó định rõ mực thước học hành cho chính xác, nhưng nếu quan sát ta sẽ thấy mực độ trẻ học hỏi được trước khi thực thụ bước chân vào học đường thật đáng kể. Ta thử ôn lại xem. Chỉ việc phân biệt sự việc khác nhau không mà thôi, cũng quá »vĩ đại » rồi. Nào là việc học tên từng vật một, rồi còn học ngửi, học nếm, học nhận định qua xúc giác… không phải là việc dễ đối với một « công dân » quá mới và quá non trẻ của thế giới nầy. Khi đã hòa hợp được với những khám phá mới mẻ nầy rồi, còn cả một lãnh vực học hỏi bao la đang phô bày ra trước những dò dẫm ngập ngừng của đứa bé.

Một điều đặc biệt quan trọng khác của những năm thơ ấu nầy là thái độ của đứa bé đang thành hình. Thái độ và tánh nết mà con người sẽ mang suốt đời thường được cấu tạo trong những năm thơ ấu nầy. Điều ấy trái hẳn với quan niệm thông thường là : đứa bé càng hiểu biết hơn, rồi nó sẽ bớt cộc cằn, ích kỷ, độc ác. Có thể nó có vẻ bớt những tánh xấu ấy thật, nhưng đó chỉ là thái độ bên ngoài để dễ chung đụng với đồng loại, còn gốc rễ của những tánh kia vẫn còn chôn sâu trong lòng trẻ, khi gặp cơ hội thuận tiện, sẽ lộ ra ngay. Nếu không được huấn luyện chặt chẽ hằng ngày, làm sao con trẻ phát triển được thái độ vui vẻ, thỏa lòng và đáng yêu ?

Con trẻ sớm thích tự mình làm việc lấy một mình. Trong khi ấy nếu có người bên cạnh để toàn thiện, toàn mỹ hóa sự khôn khéo của nó, sẽ có ảnh hưởng rất lớn cho cá nhân đứa bé và những người sẽ liên lạc với nó sau nầy.

Kho sức lực vô tận của đứa bé phải được sử dụng vào những hoạt động hữu ích. Nó cần phải học tập tự gánh lấy trách nhiệm của mình và của kẻ khác. Các trò chơi thật cần thiết trong việc phối hợp phát triển đều đặn giữa các giác quan và cơ thể, nhưng mọi trò chơi, nếu cứ chơi mãi sẽ làm cho con trẻ nhàm chán. Nó cần tạo ra sự việc, ra hình dáng hẳn hoi. Nếu không có cơ hội nào để cho nó làm đúng theo khả năng mình, nó sẽ tung sức lực thừa thãi kia vào những trò chơi nghịch ngợm, dữ dội, tàn nhẫn, hoặc gây gổ với nhau.

Cần phải dạy cho đứa bé tự mặc, cởi áo quần, săn sóc vệ sinh cơ thể và dọn dẹp chỗ nằm của nó. Nó cần biết những nguyên tắc căn bản về sức khỏe và tự ý làm theo càng nhiều càng hay. Có điều người lớn không để ý là họ thường không nhận định đúng mức trí thông minh và khả năng của con trẻ. Nó thường dư sức để làm những công việc thường ngày nó vẫn phải làm.

Mặt khác, không bao giờ nên đặt cho con trẻ trách nhiệm quá nặng, hoặc buộc chúng phải làm những việc chúng không thể làm nổi.

Thay vì đưa con trẻ ngay vào chương trình học ở nhà trường, cha mẹ nên nhấn mạnh với nó về những tài liệu tổng quát và tập lần cho nó thói quen tự chủ, vì khi lìa ngưỡng cửa gia đình để bước vào trường học, nó sẽ cảm thấy vô cùng bỡ ngỡ, vì đó là lần đầu tiên nó lọt vào giữa vòng người lạ, mà không có bà mẹ hằng cứu giúp ở bên cạnh để che chở cho nó và đỡ đần trong việc khó khăn. Dầu rằng đã được chuẩn bị cho khung cảnh nầy từ lâu, đứa bé cũng phải điều chỉnh lại lối sống để hòa mình trong không khí ấy. Nếu trước đó, ở nhà, nó được dạy bảo phải lắng nghe lời giáo huấn của cha mẹ và làm theo những điều cha mẹ chỉ dạy, thì chương trình học của nó sẽ tương đối suôn sẻ hơn.

Thằng Tâm có vẻ chán ngán quá đỗi. Gần đến ngày đi học rồi. Mỗi khi làm việc gì sai quấy, cha mẹ thường dọa :

– Được lắm con. Ráng đợi đi ! Mai mốt đi học rồi thầy giáo sẽ trị cho mà biết thân…

Tâm cảm thấy lời hăm dọa ấy có vẻ vô cùng kinh khủng, nên cố tránh ngày nhập trường lâu chừng nào tốt chừng nấy. Nó hình dung ông thầy giáo với cây roi mây dài, sẵn sàng đập lên đầu học trò bất cứ lúc nào. Nó nhớ những lúc đi ngang qua trường, nó nghe tiếng roi đập bốp bốp và tiếng trẻ khóc, la, làm cho nó rùng mình kinh sợ.

Thật không may cho Tâm, vì cha mẹ đã chuẩn bị cho em vào trường một cách quá kém, làm như học đường là nơi trừng giới chớ không phải chỗ người ta lập nên để giúp nó nên người. Vì vậy mỗi lần đi ngang một trường học, nó cố tỏ vẻ thản nhiên hay coi thường bằng cách nhún vai, tuy không che nổi sự sợ hãi lộ ra trên nét mặt và trong cặp mắt.

Một lần nọ Tâm dừng chân bên đường, tò mò nhìn vào lớp học, nó thấy thầy giáo đứng trong lớp ngó thẳng ra nó. Tuy có một sân rộng và hàng rào bằng cây trà rừng ngăn cách, nó vẫn cảm thấy sợ quá nên cắm đầu bỏ chạy. Dầu không một ai nói rõ cho nó biết việc gì sẽ xảy ra một khi nó bị « tống » vào trường, nhưng nó phác họa trong trí một hình ảnh vô cùng đen tối. Cha mẹ đã vô tình cung cấp cho Tâm những tài liệu thật tai hại về học đường, mà ảnh hưởng đã lộ ra quá rõ rệt trong quãng đời học trò của Tâm.

Em Bé cũng vừa tới tuổi đi học. Một hôm Bé cùng mẹ đi vào sân trường và Bé đã nô đùa ở đó một lúc. Hai mẹ con cùng nghĩ và bàn luận rằng, nếu Bé được cùng nô đùa với các trẻ khác tại nơi đó chắc sẽ vui hơn chơi một mình. Đến ngày khai trường, mẹ lại dắt Bé vào trường để xem qua phòng học, chỗ uống nước và làm quen với cả khung cảnh nhà vệ sinh. Vì nhà trường mà Bé muốn vào học buộc học sinh phải mặc đồng phục, nên trước đó má của Bé đã cho em mặc vài lần bộ quần áo kia, để cho em quen với màu sắc, kiểu nút áo, túi quần, v.v… để em sử dụng được dễ dàng. Mẹ em cũng lo xa, đưa em đi chích ngừa những bịnh cần thiết để khi nhập học Bé khỏi chích nữa, để khỏi mang cánh tay xụi lơ hoặc ôm cái mông ê ẩm vì chích thuốc.

Cô giáo không phải nặng lời rát cổ với Bé vì em đã học tánh vâng lời và tự chủ lúc hãy còn thơ ấu. Em cũng được nhắc nhở nhiều lần rằng khi đến trường em phải giúp đỡ trẻ khác. Vì vậy Bé tự cảm thấy mình có trách nhiệm ôm sách giùm và giúp Thu bước lên tam cấp vì Thu có tật một chân. Khi thấy Lệ sợ hãi và kêu khóc vì mẹ Lệ để em ở lại trường một mình, Bé định bụng sẽ đến làm bạn với Lệ và khuyên Lệ đừng sợ.

Bé cũng quen biết Dũng, « một con trâu cổ » mà Bé thường chạy mặt, cùng nhập học một ngày và một lớp với mình. Bé định bụng sẽ lánh xa Dũng. Nhưng ba của em dạy em không nên trốn tránh như vậy mà phải đề cao luật lệ và tôn trọng « tinh thần thể thao ».

Trẻ em mới đến trường lần đầu thường không quen với những trò chơi tập thể. Đối với chúng, trò chơi có tính cách cá nhân hơn. Vì vậy tập cho trẻ biết đợi đến phiên mình là điều rất có lợi cho trẻ và cho cả việc duy trì trật tự và an ninh chung. Sau đó, những sinh hoạt tập thể lại đưa con trẻ lần đến chỗ hợp lực với nhau. Hầu hết con trẻ đều có anh chị em, nên những trò chơi ở nhà trước tuổi đi học là một thể thức giáo dục rất quí báu. Thái độ và tư cách của chúng được tạo lần trong giai đoạn nầy sẽ tồn tại suốt đời chúng. Vì vậy phụ huynh phải buộc chúng tuân theo tinh thần thể thao và tập thái độ tốt ngay trong những năm thơ ấu ấy. Cha mẹ có trách nhiệm khuyến khích con cái mình sống có tâm hồn, tương trợ, cảm thông cùng mọi đặc điểm đáng yêu khác. Còn gì đẹp đẽ bằng một đứa bé – hiền lành, thật thà như đóa hoa hàm tiếu trong khi ngoài đời đầy rẫy nhưng con người ích kỷ, hung ác, tham làm và đủ mọi tánh xấu khác.

Có một nhà giáo dục cho rằng hầu hết những rắc rối của con trẻ gây ra cho ta là ở trong vấn đề tự cải tiến. Nếu truy lần ra, ta sẽ thấy những lời càu nhàu, những thái độ bướng bỉnh của trẻ con hay lộ ra nơi bàn ăn, vì cha mẹ đã làm cho nó có ý tưởng sự ăn uống của nó là một ân huệ dành riêng cho cha mẹ nó, bởi thế nó tự cảm thấy có quyền dằn vật, làm cho kẻ khác cầu lụy van xin trước khi nó ban ra đặc ân kia. Mọi việc nầy phát sinh chỉ vì một câu nói của bà mẹ hôm nào rằng :

– Con ơi, tội nghiệp mẹ lắm. Lại ăn giùm mẹ đi.

Phải làm cho trẻ thấy việc ăn, uống, ngủ trưa, tắm, rửa là việc thông thường mà chúng cần làm. Nếu để cho chúng thấy chúng có quyền hạn trong lãnh vực nào đó, chúng sẽ thi hành cách gắt gao. Nếu tình trạng nầy không được chận đứng, chúng sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn và bắt buộc mọi người chung quanh chúng phải chầu lụy chúng luôn.

Ta có thể giúp điều chỉnh đứa bé « lỡ » bước vào con đường sai lạc kia bằng cách dời điều chúng ưa thích lại đến sau khi chúng làm xong phận sự cần thiết, hoặc sau khi chúng tỏ thái độ hiểu biết :

– Sau khi ăn cơm xong, cha con mình sẽ cùng xem quyển sách hình rất đẹp mà ba má mới mua hồi chiều.

– Tắm rửa sạch sẽ rồi ba với má sẽ đưa con đi xem mấy con gà con vừa mới nở hồi nãy.

– …

Những ý tưởng nho nhỏ như thế sẽ lần lần đưa chúng vào sự tự chủ và không còn bắt người khác quá chú trọng đến mình nữa.

Đừng biện luận với trẻ. Biện luận với chúng chỉ phí thì giờ thôi. Nếu chúng không làm theo điều phải mà ta chỉ dạy, cần phải có biện pháp đối phó và thi hành ngay.

Tồn là đứa bé trai lên ba tuổi. Vì là con đầu lòng nên được mẹ nuông chiều đủ thứ. Cũng vì vậy mà mẹ em bị khổ sở nhiều khi em không chịu vâng lời mẹ dạy. Một hôm Tồn lấy muỗng đập mạnh vào cái xoong không, gây ra tiếng động đinh tai nhức óc. Mẹ em giải thích rằng tiếng động như thế rất hại cho thần kinh. Bà khuyên em nên lấy xe hơi hoặc cục gỗ làm nhà chơi có lợi hơn. Tồn nhìn mẹ, chăm chú nghe. Khi mẹ dứt lời, em ngồi yên một chút, nhoẻn miệng cười, rồi tiếp tục dùng muỗng đập vô xoong còn mạnh hơn lúc nãy nữa. Mẹ em lắc đầu bỏ đi.

Ít hôm sau, hai mẹ con Tồn qua nhà bà nội chơi. Tồn lấy muỗng đập vào cái thau. Bà nội rầy :

– Tồn, ở trong nhà không được làm ồn như thế.

Tồn dừng tay, nhìn lên bà nội, nhoẻn miệng cười, tiếp tục đập mạnh. Bà nội bước tới, kéo Tồn đứng lên, đánh mạnh vào đít em và đem nhốt vào phòng riêng trước khi bà trở lại rổ may

Tồn hết sức kinh ngạc, khóc thét lên, những cũng cố hỏi bà nội với giọng đáng thương :

– Sao bà… bà nội đánh và… nhốt cháu ?

Bà nội bình tĩnh trả lời :

– Bà vẫn làm thế với những đứa bé nào không biết nghe lời bà !

– Cháu không làm ồn nữa, bà nội có cho cháu ra ngoài chơi không ?

– Bà sẽ cho.

Có nhiều em bé « nổi loạn » chỉ bởi lúc nào cũng bị cả một hàng rào kiên cố bằng lời khuyên, chỉ dạy, giám sát bao quanh. Không một ai muốn bị giam giữ trong ngục tù ấy vì nó làm cho nạn nhân kiệt quệ đi. Thỉnh thoảng nên cho trẻ tự do chạy, nhảy, leo, trèo, cả té nữa cũng không sao vì chúng cần thí nghiệm, cần khám phá, cần học hỏi những định luật của vũ trụ – ở trong vùng đất tương đối an toàn. Đôi khi trẻ có vẻ ngỗ nghịch, chớ vội hoảng kinh vì điều ấy không hẳn là dấu hiệu của tội ác. Ngoài những luật lệ và mạng lịnh khẩn cấp, cha mẹ phải dự trữ thật nhiều tình yêu, sự cảm thông và lời nói êm ái để dạy bảo trẻ, lần lần chúng sẽ hiểu và học được những bài học có lợi cho chúng sau nầy.

Con trẻ cần nghe những lời nói ngọt dịu nhưng đầy đủ uy quyền của phụ huynh cũng như của thầy giáo. Nó cần được cười lớn, cũng cần nghe tiếng cười nữa. Nhờ tiếng cười mà con trẻ không buồn giận lâu. Tiếng cười đánh tan bầu không khí ngột ngạt mà người lớn vô tình gây ra. Tiếng cười giải tỏa những căng thẳng dồn ép tình cảm của con người. Tiếng cười làm cho trẻ mãi hồn nhiên và đáng yêu vô cùng.

Tư cách của đứa bé thường gây nên vấn đề nan giải trong gia đình. Có người cho rằng tư cách đứng đắn biểu lộ một tâm hồn khả ái. Lễ độ không phải là bản tánh tự nhiên trẻ vốn có từ khi chào đời. Ta cũng không thể nào buộc chúng phải nhận định sự việc như người trưởng thành. Chúng ta phải châm chế cho tuổi thơ non dại của chúng. Nói thế không phải ta cứ để cho chúng đeo đuổi theo tư cách xấu mãi đâu. Chúng cần học cách ăn nói hợp lẽ như muôn ngàn việc khác mà chúng cần phải học.

Bản tính tự nhiên của con trẻ là muốn mọi người đều phải lo lắng cho mình. Điều nầy cũng không phải là dấu chỉ chúng mắc phải tánh tư kỷ không chữa trị được. Tập cho trẻ trọng vật của người khác và chia phần đồ chơi của mình, sẽ được người ta quí chuộng hơn. Nhờ đó khi trẻ bước chân vào ngưỡng cửa học đường, những phẩm chất nầy sẽ san bằng nhiều đoạn đường chông gai khúc khuỷu cho nó rồi vậy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x