Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 13 – Tử Lộ

Luận Ngữ – Chương 13 – Tử Lộ

by Hậu Học Văn
684 views

TỬ LỘ ĐỆ THẬP TAM

1. Tử Lộ hỏi về chính trị. Đức Khổng Tử nói: ”Hãy làm trước, hãy chịu nhọc nhằn.”

Xin hỏi thêm, ngài nói: “Không mệt mỏi.”

BÌNH GIẢI:

Đã có nhiều người hỏi Đức Khổng Tử về chính trị. Mỗi lần, câu trả lời của ngài một khác, nhưng đều nói lên một khía cạnh nào đó của việc cai trị.

Đối với Tử Lộ là một người đầy thiện chí và có dũng lực, ngài nêu ra bí quyết: “Hãy làm trước, hãy chịu nhọc nhằn.” Việc chính trị xưa nay sở dĩ kém thành công bởi vì người lãnh đạo chỉ biết “chỉ tay năm ngón” và “phán bảo” cấp dưới thi hành. Khi công việc đã tiến hành, người lãnh đạo cũng không cần để mắt vào kiểm soát xem chính sách có hợp lòng dân không, có được thi hành đúng đắn không. Chung cuộc người lãnh đạo lại tin vào báo cáo của cấp dưới, còn thực chất nền cai trị có tốt đẹp không, dân chúng có hưởng ứng không, có được no đủ, có được bảo đảm an ninh không, cấp lãnh đạo không biết rõ.

Giờ đây, bí quyết của Đức Khổng Tử dạy cho Tử Lộ là: “Hãy làm trước, hãy chịu nhọc nhằn.” Nhà cầm quyền muốn dân làm điều thiện, hãy làm thiện trước. Muốn dân tôn kính cha mẹ và các bậc trưởng thượng, hãy tôn kính cha mẹ mình và các bậc trưởng thượng trong dân trước. Muốn dân chúng đừng sa vào các tệ nạn xã hội (rượu chè, cờ bạc… ) thì chính mình phải làm gương sống mẫu mực trước. Muốn dân chúng đừng trộm cắp thì chính mình không tham lam của công, không nhận của đút lót, biếu xén… Muốn cho dân tận tâm tận lực tham gia vào các việc công ích, nhà cầm quyền phải bắt tay vào việc, đồng cam cộng khổ với dân.

Dĩ nhiên, việc làm trước và chịu nhọc nhằn đó phải xuất phát từ sự thực tâm, không phải đóng kịch; do đó, việc phục vụ phải được tiến hành không biết mệt mỏi, không chán nản (vô quyện).

Nếu dân chúng thấy nhà cầm quyền ra tay trước và chịu nhọc nhằn vì dân, chắc chắn dân sẽ hy sinh tất cả sức lực của cải và đem cả sinh mệnh của mình ra mà thi hành lệnh trên, lấy cả gia đình mình làm phên giậu che chắn cho sinh mệnh của nhà cầm quyền. Như thế, việc chính trị sẽ thành tựu tốt đẹp.

2. Trọng Cung làm quan Tể cho họ Quý, hỏi về chính trị. Đức Khổng Tử nói: “Trước là các quan hữu tư, tha thứ các lỗi nhỏ, cất nhắc người hiền tài.”

Hỏi: “Làm sao biết người hiền tài mà cất nhắc?”

Đáp: “Hãy cất nhắc người mà ngươi biết; những người mà ngươi không biết, người ta bỏ ư?”

BÌNH GIẢI:

Làm quan Tể một thái ấp của họ Quý, tức là lãnh đạo việc cai trị mốt số dân cả ngàn hộ, tương đương với một phủ hay một tỉnh ngày nay. Dưới quyền quan Tể là các quan hữu tư trông coi các việc hành chính theo từng ban ngành. Vì thế, Đức Khổng Tử mới bảo Trọng Cung về cách cai trị có ba việc:

1. Trước hết là trao trách nhiệm cho các quan hữu tư, mỗi người thực hiện chức vụ của mình một cách chu đáo. Quan Tể chỉ có việc theo dõi, đôn đốc và kiểm tra công việc của các quan hữu tư mà không cần phải trực tiếp điều khiển việc hành chính các sở, ty. Như thế, quan Tể tránh được sự mệt nhọc do ôm đồm công việc, tâm trí được thảnh thơi, lại tạo điều kiện cho các quan hữu tư phát huy sáng kiến.

2. Tha thứ các lỗi nhỏ cho các quan, cho các viên chức và cho cả dân chúng để biểu lộ lòng nhân từ. Như thế mọi người sẽ không phải lo lắng, sợ sệt, lén lút, sẽ không tìm cách chống đối và an tâm thi hành công việc.

3. Cất nhắc những người hiền tài vào các chức vụ trong guồng máy cai trị. Như thế, guồng máy cai trị sẽ dần dần loại bỏ được những hạng bất tài vô hạnh, và dân chúng cũng nô nức học tập, thăng tiến đạo đức để được tiến cử vào guồng máy công quyền. Để tạo nên một phong trào “cử hiền”, quan Tể chỉ cần cất nhắc một hai người hiền tài mà chính mình biết; sau đó, tự khắc chính họ sẽ tiến cử lẫn nhau, đồng thời dân chúng cũng sẽ tìm cách giới thiệu những người hiền tài còn ẩn dật trong dân. Thế là các người hiền tài sẽ tán thưởng và đua nhau kéo về hỗ trợ, giúp đỡ. Được những người hiền tài ra giúp và được dân chúng nô nức ủng hộ, việc chính trị sẽ thành công tốt đẹp và thái ấp sẽ ổn định, an ninh, thịnh vượng, phát triển về mọi phương diện.

3. Tử Lộ nói: “Vua Vệ tiếp đãi thầy mà mời làm chính trị, thầy tiến hành điều gì trước?”

Đức Khổng Tử nói: “Ắt là phải chính danh thôi.”

Tử lộ nói: “Có thế sao? Thầy làm không hợp lẽ rồi. Sao lại chính?”

Đức Khổng Tử nói: “Anh Do quê mùa thay! Người quân tử hễ thấy điều gì không biết, đáng lẽ phải bỏ trống. Danh mà không chính thì lời nói chẳng thuận, lời nói chẳng thuận thì việc chẳng thành, việc chẳng thành thì lễ nhạc không dấy lên, lễ nhạc không dấy lên thì hình phạt chẳng trúng, hình phạt chẳng trúng thì dân không biết bỏ tay chân ở đâu (sống ra sao). Vậy nên người quân tử nêu danh ắt có thể nói ra được, nói ra được ắt có thể làm được. Người quân tử nói ra lời không chỗ nào là không thận trọng ấy vậy.”

BÌNH GIẢI:

Câu chuyện trao đổi giữa Tử Lộ và Đức Khổng Tử về chính trị nước Vệ ở trên diễn ra khi nước Vệ đang ở trong một cuộc biến động chính trị lớn: cha con tranh giành ngôi vua. Từ nơi lưu đày, Khối Quý đem quân về dành ngôi vua với con là công tử Triếp. Trong cục diện đó, cha chẳng cư xử ra cha, con cũng chẳng cư xử ra con, mẹ cũng chẳng cư xử ra mẹ (như trường hợp bà Nam Tử).

Để giải quyết tình hình ấy, Tử Lộ giả định rằng nếu vua Vệ mời Đức Khổng Tử làm chính trị thì ngài tính làm sao. Đức Khổng Tử chủ trương trước hết phải thực hiện sự chính danh: Cha cư xử ra cha, con cư xử ra con…

Tử Lộ cho cách giải quyết của thầy là quá xa vời (vu khoát), không hợp lẽ và cũng không thích ứng với tình hình. Đức Khổng Tử đã chê Tử Lộ là quê mùa vì không thấy được sự lý của chính trị. Chính trị là việc đem lại sự chính đáng cho mỗi người cho nên phải khởi từ sự chính danh. Mang danh hiệu một ông vua, một ông quan, một người làm cha, một người làm con… thì phải làm hết bổn phận và thể hiện đúng danh hiệu của mình. Nếu vua không xứng danh vua thì bề tôi cũng bắt chước mà không thi hành đúng bổn phận; nếu cha không xứng danh cha, thì con cũng chẳng làm đủ bổn phận người con. Danh hiệu đã không chính đáng thì lời nói không thuận lẽ, không được tôn trọng. Do đó việc nước, việc nhà sẽ không thành. Việc không thành thì lễ nhạc, pháp độ cai trị sẽ không được thiết lập và phát triển tốt (bất hưng). Lễ nhạc pháp độ không được thiết lập tử tế thì lấy đâu chuẩn mực mà sửa phạt những điều lỗi lầm; như thế tức là hình phạt không trúng. Hình phạt đã không trúng sẽ tạo nên nhiều mối oan ức, bất bình, hoang mang thì dân chúng còn biết sống làm sao cho phải (dân vô sở thố thủ túc).

Vấn đề chính danh quan trọng cho việc chính trị như thế, cho nên người quân tử khi nêu danh phải có lời nói phù hợp với danh; đã có lời nói thì phải hành động đúng như vậy. Do đó, người quân tử nói ra điều gì phải hết sức thận trọng không thể cẩu thả được.

4. Phàn Trì xin học trồng lúa. Đức Khổng Tử nói: “Ta không bằng ông già làm ruộng.”

Xin học làm vườn, ngài nói: “Ta không bằng ông già làm vườn.”

Phàn Trì ra, Đức Khổng Tử nói: “Phàn Tu thật là nhỏ mọn thay! Người trên ưa thích lễ, thì dân chẳng dám không kính trọng. Người trên ưa thích nghĩa, thì dân chẳng dám không tuân phục. Người trên ưa giữ niềm tin, thì dân chẳng dám không cư xử tình cảm. Phàm như vậy, thì dân bốn phương sẽ cõng địu con cái mà đến vậy, sao phải đi trồng lúa?”

BÌNH GIẢI:

Phàn Trì xin học trồng lúa, học làm vườn với Đức Khổng Tử. Dĩ nhiên, Đức Khổng Tử không thể dạy cho Phàn Trì về hai môn học này. Thời ấy, chưa có môn nông học. Người ta trồng lúa, trồng rau chỉ theo kinh nghiệm của người trước truyền lại cho người sau. Đức Khổng Tử chỉ nghiên cứu về lễ nhạc, về đạo làm người với mục đích xây dựng một xã hội có trật tự ổn định. Vì thế, cái học của Ngài thích hợp cho việc trị nước, an dân. Đức Khổng Tử trả lời cho Phàn Trì rằng ngài không bằng ông già làm ruộng, làm vườn là ngài nói thật, không có ý mỉa mai gì.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là ngài cho sở thích của Phàn Trì là nhỏ mọn. (Tiểu nhân tai Phàn Tu dã!) Ngài chỉ muốn các đệ tử của ngài trở thành quân tử là những người có đạo đức ở địa vị lãnh đạo, cai trị dân. Ngài nói đại ý: người lãnh đạo mà chuyên chăm về lễ, nghĩa, tín thì dân sẽ kính phục mà mọi người bốn phương đều quy hướng ủng hộ. Cần gì phải học trồng lúa?

Rõ ràng Đức Khổng Tử có cùng một tâm lý chung với dân chúng lúc bấy giờ là trọng sĩ, đề cao quan chức. Tâm lý ấy đã có từ ngàn xưa và cho đến ngày nay vẫn vậy. Trong tứ dân “sĩ, nông, công, thương”, người xưa đã xếp đứng đầu. Người bình dân Việt Nam cũng không ra ngoài thông lệ ấy. Ca dao nói:

“Chẳng tham ruộng cả ao liền Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ.”

Tham cái bút, cái nghiên vì hy vọng anh đồ sẽ có cơ hội thi đỗ làm quan. Chỉ khi nào gặp lúc kinh tế khủng hoảng người ta mới đảo lại bậc thang giá trị: “Nhất sĩ, nhì nông; hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.

Cái học làm quan ấy càng ngày càng được thượng tôn ở các triều đại về sau. Qua các khoa thi, triều đình tuyển những người giỏi thi ca từ phú và lý luận, cho đậu cử nhân, tiến sỹ rồi bổ ra làm quan cai trị dân. Vì thế cái học thực nghiệp về các ngành kinh tế, khoa học không phát triển lên được. Có phải cái tâm lý chung ấy của người Á Đông đã khiến khu vực này chậm tiến hơn so với các nước Tây phương nên về sau đã bị Tây phương khống chế về khoa học kỹ thuật?

Có phải do hoàn cảnh lịch sử, xu hướng thời đại đã chi phối tư tưởng con người cho nên một bậc thầy như Đức Khổng Tử mà cũng coi nhẹ nghề nông như vậy?

5. Đức Khổng Tử nói: “Đọc thuộc ba trăm bài kinh Thi, được trao cho việc cai trị, chẳng thành tựu; được sai đi bốn phương, chẳng có khả năng ứng đối; tuy nhiều mà để làm gì?”

BÌNH GIẢI:

Kinh Thi được xem như túi khôn của người Trung Hoa thời cổ, nói nhiều việc với nghĩa lý rành rẽ. Người có học mà thấm nhuần Kinh Thi sẽ giỏi việc tề gia, trị quốc.

Nhưng nếu người thuộc Kinh Thi được trao cho quan chức mà cai trị dân không thành, được cử đi sứ các nước để lo việc ngoại giao mà chẳng có khả năng ứng đối, khiến cho việc ngoại giao thất bại, làm thiệt hại đến quyền lợi nước nhà, như vậy thì tuy có học nhiều cũng vô ích, chẳng làm được việc gì.

6. Đức Khổng Tử nói: “Thân mình chính đáng, không ra lệnh cũng làm; thân mình không chính đáng, tuy ra lệnh cũng không theo.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử nói câu trên dành cho những người ở địa vị lãnh đạo. Người lãnh đạo mà sống chính đáng trong ngôn ngữ, trong hành vi, mặc dầu không ra lệnh cho dân phải sống theo luật pháp, phải hy sinh vì quyền lợi đất nước, thì dân cũng tự nguyện theo gương người lãnh đạo sống đúng luật pháp, tự nguyện hy sinh vì lợi ích chung. Nếu người lãnh đạo mà sống không chính đáng, miệng nói điều hay thân làm điều dở; tuy có ra lệnh cho dân sống theo luật pháp thì dân cũng không tuân theo.

Hành vi của người lãnh đạo là kim chỉ nam cho dân chúng. Bí quyết của việc chính trị, căn bản của sự ổn định và thăng tiến xã hội nằm ở đây vậy.

7. Đức Khổng Tử nói: “Nền chính trị của nước Lỗ và nước Vệ như anh em vậy.”

BÌNH GIẢI:

Nước Lỗ và nước Vệ đều là chư hầu nhà Chu. Thuở xưa, nước Lỗ là đất phong cho Chu Công; nước Vệ là đất phong cho Khang Thúc. Chu Công và Khang Thúc là anh em ruột, con của Chu Văn Vương. Do đó, nước Lỗ và nước Vệ có cùng một truyền thống văn hoá, lễ nghĩa như nhau.

Trải qua 500 năm, đến thời Xuân Thu, cả hai nước Lỗ, Vệ cùng suy vi, rối loạn như nhau; các vua của hai nước đều suy nhược, bị quyền thần lấn lướt. Vì thế, Đức Khổng Tử mới nói: “Nền chính trị của nước Lỗ và nước Vệ như anh em vậy.” Tuy cả hai nước đều đang suy loạn, nhưng cùng có một truyền thống văn hoá lễ nghi tốt, ví như biết chấn chỉnh lại thì cả hai nước đều có cơ hội phục hưng được.

8. Đức Khổng Tử bảo rằng công tử Kinh nước Vệ khéo sống trong gia dình. Lúc ban đầu có của thí nói: “Tạm được rồi.” Lúc có thêm một chút thì nói: “Tạm đầy đủ rồi.” Lúc giàu thì nói: “Tạm tốt đẹp rồi.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử bảo công tử Kinh nước Vệ là người khéo sống trong gia đình, có nghĩa là khen công tử Kinh biết nghệ thuật sống. Người biết nghệ thuật sống không vọng cầu, không tham lam, không mơ tưởng điều gì quá phận mình, cho nên luôn được an vui. Có ít sống theo ít, có nhiều sống theo nhiều, đó là nghĩa lý của sự tri túc (biết đủ). “Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc” – Biết đủ, được đủ, đợi đủ, bao giờ mới đủ.” (Nguyễn Công Trứ)

Lúc ban đầu, chưa có nhiều của cải, công tử Kinh nói: “Tạm được rồi”; tức là ông ta biết chấp nhận thực tại, biết như thế là đã được. Nhờ thế mà ông được thảnh thơi. Đến lúc có thêm một chút nữa, ông cảm thấy thoả nguyện, cho nên mới nói: “Tạm đầy đủ rồi.” Khi giàu có hơn, ông lại nói: “Tạm tốt đẹp rồi.” Ba gia đoạn trong đời, ba tình cảnh khác nhau, thế mà trong tình cảnh nào ông cũng thấy hài lòng. Như thế thật là phù hợp với tư tưởng trong sách Trung Dung: “Quân tử tố kỳ vị nhi hành, bất nguyện hồ kỳ ngoại. Tố phú quý, hành hồ phú quý. Tố bần tiện, hành hồ bần tiện, tố di địch, hành hồ di địch, tố hoạn nạn, hành hồ hoạn nạn. Quân tử vô nhập nhi bất tự đắc yên. – Người quân tử hành động trong địa vị hiện tại của mình, không mong ước gì ở ngoài. Vốn sẵn giàu sang, hành động theo giàu sang; vốn sẵn nghèo hèn, hành động theo nghèo hèn; vốn sẵn là mọi rợ, hành động theo mọi rợ (quê mùa); vốn sẵn hoạn nạn, hành động theo hoạn nạn. Người quân tử không vào đâu mà không được vui lòng.” (Trung Dung, chương 14).

Sống như vậy mới đúng là một đạt nhân quân tử. Giá như công tử Kinh được ở ngôi vua, hẳn là dân nước Vệ được phúc trạch rất nhiều.

9. Đức Khổng Tử đi đến nước Vệ, Nhiễm Hữu cầm cương xe. Đức Khổng Tử nói: “Đông đúc thay!”

Nhiễm Hữu nói: “Đã đông đúc rồi, phải thêm gì nữa?” Ngài nói: “Làm cho giàu có.”

Lại nói: “Đã giàu có rồi, phải thêm điều gì nữa?”

Đáp: “Hãy giáo hoá.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử và Nhiễm Hữu đi đến nước Vệ, thấy cảnh tượng dân chúng đông đúc sinh hoạt, ngài cất tiếng ngợi khen: “Đông đúc thay!” Vào thời ấy, cảnh tượng dân chúng đông đúc là một dấu hiệu cho thấy một đất nước có nền chính trị tương đối tốt và có tiềm năng thịnh vượng.

Bấy giờ, thiên nhiên với nhiều tài nguyên rộng rãi bao la, núi cao, rừng rậm, sông dài; lại có nhiều muông thú trên rừng núi, nhiều cá tôm dưới sông biển. Thế mà, con người lại ít, không đủ nhân lực khai thác thiên nhiên. Y học chưa phổ biến, tiến bộ, pháp vệ sinh kém cỏi, cho nên con người có sinh nhưng nuôi được ít, người ta bị chết non, chết sớm rất nhiều. Vì thế, mối lo lắng đầu tiên của người cai trị là làm sao để có dân số đông đúc, có sức khỏe; trai gái tới tuổi trưởng thành thì có vợ có chồng. Đó là vấn đề “thứ chi” (làm cho dân đông) trong chính trị.

Khi dân đã đông đúc rồi, việc thứ hai của người cai trị là làm cho dân được giàu có, đủ ăn đủ mặc. Muốn vậy, phải tìm phương cách phát triển kinh tế về mọi mặt: nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Đó là vấn đề “phú chi”. Dân chúng giàu có, không có người đói rét, đất nước mới có thể ổn định, bình an.

Khi dân đã giàu có rồi, việc thứ ba của người cai trị là phát triển giáo dục để dạy dỗ dân về lễ nghĩa, liêm sỉ.., đặt ra những thuần phong mỹ tục, chỉnh sửa phong hoá để kiến tạo một nền văn hoá tốt đẹp giàu nhân tính. Đó là vấn đề “giáo chi”.

Trong lời nói thì có sự phân định từng bước tiếp nối nhau như thế, theo như câu hỏi và câu trả lời của Nhiễm Hữu và Đức Khổng Tử, nhưng trên thực tế, ba vấn đề đó đi song song với nhau. Người cai trị cần phải có kế hoạch tốt vừa khiến cho dân được đông đúc, vừa khiến cho dân được giàu có, vừa giáo hoá dân trở nên những người lương thiện, phát triển nhân tính tốt đẹp. Tóm lại, quan niệm về chính trị của Nho giáo bao gồm ba điểm liên kết: thứ, phú, giáo.

10. Đức Khổng Tử nói: “Ví bằng dùng đến ta, trong vòng một tháng tới một năm thì đã khá, ba năm thì thành công.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử dự tính rằng, nếu như có vị vua nào dùng ngài làm chính trị, chỉ trong vòng một tháng tới một năm thì đất nước đã ổn định khá, sau ba năm thì việc trị nước sẽ thành đạt. Bấy giờ, xã hội có trật tự ổn định, dân chúng no đủ, không có trộm cướp giặc giã, ngoại bang kính nể mà không xâm lăng. Đạo đức văn hố được tài bồi, đất nước bình an và bắt đầu thăng tiến, phát triển.

11. Đức Khổng Tử nói: “Bậc thiện nhân trị nước một trăm năm, cũng có thể cảm hoá được kẻ tàn bạo, bỏ được sự giết chóc. Lời nói đó đúng đắn thay.”

BÌNH GIẢI:

Vào thời Đức Khổng Tử, trong dân gian đã lưu truyền một câu cổ ngữ: “Bậc thiện nhân trị nước một trăm năm cũng có thể cảm hoá được kẻ tàn bạo, bỏ được sự giết chóc.” Đức Khổng Tử khen ngợi lời nói đó thật đúng đắn.

Câu cổ ngữ trên nói lên một trường hợp giả định: Giả như có các bậc lãnh đạo thật tốt lành thay nhau trị nước trong khoảng một trăm năm, thì chính sách tốt đẹp và tấm gương đạo đức của các vị ấy có thể khiến cho đất nước không còn những kẻ tàn bạo nữa, mọi người đều trở nên thuần lương và án lệnh chém giết có thể bỏ được, không cần dùng đến để răn đe dân chúng nữa.

Trên thực tế, dường như chuyện giả định đó chưa từng được diễn ra. Trong những năm gần đây, trên thế giới đã có một số nước bỏ án tử hình vì thấy việc giết người đền tội là vô nhân đạo. Tuy nhiên, đã có nước sau khi bỏ án tử hình được vài năm, lại tái lập vì thấy đạo tặc sát nhân gia tăng.

Bỏ án tử hình là niềm mơ ước của nhân loại, là điều tốt đẹp trong sự nghiệp chính trị, nhưng sự kiện đó chỉ thành tựu khi liên tiếp có những bậc thiện nhân trị nước trong cả trăm năm. 

12. Đức Khổng Tử nói: “Nếu như có bậc vương giả cai trị, ắt một thế hệ sau mới có nhân đạo.”

BÌNH GIẢI:

Bậc “vương” được Đức Khổng Tử nói đến ở đây không phải là một ông vua tầm thường, mà là một thánh nhân. Nhưng vị thánh nhân này lại cũng không hiểu theo nghĩa phổ thông là một người đạo đức tốt lành. Vương ở đây là một thánh nhân có tài đức của một người lý tưởng, đứng vào hàng Tam tài: Thiên, Địa, Nhân. Con người lý tưởng ấy có tài đức sánh với tài thiên (năng lực càn: ánh sáng, dưỡng khí…) và tài địa (năng lực khôn: dưỡng chất nuôi nấng vạn vật), lại yêu thương phục vụ mọi người hết mực.

Cho nên, trong học thuyết lý tưởng của Nho giáo, có thể nói bậc “vương” này “quán Tam tài” (thông suốt ba tài năng Trời, Đất, Người). Vì thế, chữ vương được hình tượng hoá bằng ba gạch song song, có một vạch xuyên suốt từ trên xuống dưới: .

Bậc vương hay thánh nhân này có tâm tư thành thật như Trời (đấng tối cao). Sách Trung Dung đã diễn tả bậc thánh nhân này như sau: “Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính, tắc năng tận nhân chi tính. Năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hoá dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hoá dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hỹ. (Chỉ có bậc chân thành hết mức trong thiên hạ mới có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của mình. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tình của mình, thì mới có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của người. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của người thì có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật. Có thể hiểu biết trọn vẹn bản tính của vật thì có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hoá của trời đất. Có thể giúp vào công việc nuôi nấng và chuyển hoá của trời đất thì có thể cùng tham dự vào trời đất vậy.” (Trung Dung, chương 22)

Như thế, bậc vương chí thành sánh với năng lực càn (trời) và năng lực khôn (đất) thành tam tài: thiên, địa, nhân. Sách Trung Dung lại nói đến kết quả của đức chí thành của bậc vương ấy như sau: “Cố chí thành vô tức. Bất tức tắc cửu, cửu tắc trưng, trưng tắc du viễn, du viễn tắc bác hậu; bác hậu tắc cao minh. Bác hậu, sở dĩ tải vật dã; cao minh, sở dĩ phúc vật dã; du cửu, sở dĩ thành vật dã. Bác hậu phối địa, cao minh phối thiên; du cửu vô cương. Như thử giả, bất hiện nhi chương, bất động nhi biến, vô vi nhi thành.” (Vậy nên bậc chí thành không ngừng nghỉ (trong việc thành tựu chính mình và tác thành mọi vật), không ngừng nghỉ thì lâu bền, lâu bền thì có hiệu nghiệm ở ngoài, hiệu nghiệm ở ngoài thì phổ cập ra xa, phổ cập ra xa thì rộng dày, rộng dày thì cao cả sáng láng. Rộng dày cốt để chở mọi vật, cao cả sáng láng cốt để che cho mọi vật, phổ cập bền lâu cốt để tác thành mọi vật. Rộng dày thì sánh với đất, cao cả sáng láng, thì sánh với trời, phổ cập bền lâu không giới hạn. Như thế ấy, không hiện ra mà vẫn tỏ rõ, không tác động mà vẫn tạo nên sự biến đổi, không có ý làm mà cũng thành tựu.” (Trung Dung, chương 26)

Như vậy, nếu có được một bậc vương cai trị đất nước, bấy giờ vua mới được chính danh là vương (vị vua lý tưởng). Được bậc vương như thế lãnh đạo, sau khoảng một thế hệ (30 năm) thì nhân đạo sẽ phổ cập khắp nước. Mọi người sẽ đua nhau làm điều nhân đức, bấy giờ thiên hạ sẽ thực sự thái bình.

Dĩ nhiên, đây chỉ là dự phóng của Đức Khổng Tử, một hiền triết tha thiết với cảnh tượng dân chúng đạo đức thái bình thịnh vượng. Trên thực tế, Đức Khổng Tử không dám nhận mình là bậc thánh nhân như thế; không những thế, từ thời Xuân Thu tới nay cũng chưa có bậc vương hay thánh nhân lý tưởng như vậy cai trị thiên hạ. Ngay vào thời hoàng kim, Đế Nghiêu, Đế Thuấn cũng chưa đạt đến mức như thế!

Không có trong thực tế lịch sử, nhưng tại sao Đức Khổng Tử vẫn dự phóng như thế? Nói thế có phải là vu khoát chăng? Đành rằng khó có thể đạt được như thế, tuy nhiên Đức Khổng Tử vẫn nêu ra lý tưởng đó để cho các đệ tử cố gắng vươn tới. Mặc dù không đạt trăm phầm trăm thì cũng hy vọng đạt được năm mươi phần, hay hai mươi phần cũng là tốt rồi. Đã gọi là học thuyết, bao giờ cũng phải nêu ra mức tuyệt đỉnh như vậy.

13. Đức Khổng Tử nói: “Ví thử chính được thân mình rồi, mới theo việc chính trị, có chăng? Không thể chính được thân mình, thì chính người sao được?”

BÌNH GIẢI: 

Đức Khổng Tử đã từng chủ trương “chính trị là làm cho chính đáng” (chính giả chính dã 政者正也). Vì thế, làm chính trị tức là khiến cho thân mình và mọi người được trở nên chính đáng. Đức Khổng Tử chất vấn các đệ tử: Liệu có người nào biết chính đáng thân mình trước khi theo việc chính trị?

Sở dĩ việc chính trị không thành công là vì người cai trị không thực hiện điều này. Ở tiết 1, Đức Khổng Tử từng nói với Tử Lộ: “Tiên chi, lao chi” (Hãy làm trước, hãy chịu nhọc nhằn.) Ý tứ trong câu đó cũng giống như ý tứ trong tiết này. Nếu người cai trị không tu sửa thân mình cho chính đáng trước, sao có thể bắt người khác phải chính đáng?

14. Nhiễm Hữu rời triều về, Đức Khổng Tử nói: “Sao muộn vậy?” Đáp rằng: “Có việc chính trị.”

Đức Khổng Tử nói: “Đó là việc riêng thôi. Như có việc chính trị, tuy không có ta ở đó, thì ta cũng được dự nghe.”

BÌNH GIẢI:

Qua cuộc đối thoại ngắn ngủi trên giữa Nhiễm Hữu và Đức Khổng Tử, người ta có thể luận ra rằng lúc này họ Quý chuyên quyền, không kể đến vua Lỗ nữa. Triều đình đây là nhà riêng của họ Quý. Việc chính trị là việc riêng của họ Quý. Nhiễm Hữu là gia thần của họ Quý cho nên Nhiễm Hữu được tham dự bàn bạc. Nếu là việc quốc gia đại sự có vua Lỗ chủ trì, ắt Đức Khổng Tử cũng được mời dự nghe để triều đình tham vấn, tuy ngài không còn ở địa vị Nhiếp tướng sự hay Trủng tể. Sự kiện này chứng tỏ, từ khi Đức Khổng Tử từ nhiệm khỏi chức quyền, cha con Quý Hoàn Tử và Quý Khang Tử đã không còn coi vua Lỗ ra gì nữa.

15. Định Công hỏi: “Một lời mà có thể hưng thịnh được nước, có chăng?” Đức Khổng Tử đáp rằng: “Lời nói không thể bằng được như thế, nhưng gần như vậy. Người ta nói rằng: ‘Làm vua khó, làm tôi không dễ.’ Nếu như biết làm vua khó, chẳng phải gần như một lời mà hưng thịnh được nước ư?”

Lại hỏi: “Một lời mà làm mất nước, có chăng?”

Đức Khổng Tử đáp rằng: “Lời nói không thể bằng được như thế, nhưng gần như vậy. Người ta nói rằng: ‘Ta không vui được làm vua, chỉ vui vì lời nói của ta chẳng ai dám chống lại.’ Nếu như lời nói tốt lành mà không ai chống lại, chẳng tốt lành sao? Nếu như lời nói dở mà không ai chống lại, chẳng gần như một lời mà làm mất nước ư?”

BÌNH GIẢI:

Trả lời cho vua Định Công nước Lỗ hỏi về một lời nói có thể hưng thịnh đất nước, Đức Khổng Tử đáp đại ý thế này: Một lời nói không thể làm hưng thịnh đất nước ngay được nhưng có tác động gần như dần dần sẽ khiến cho đất nước hưng thịnh.

Ngài đưa ra ví dụ, người ta thường nói câu này: “Làm vua khó, làm bề tôi không dễ.” Nếu như vua nghe lời đó mà chịu khó sửa mình, làm gương đạo đức cho các quan, lại tận tụy đêm ngày tìm phương thế thích hợp để trị quốc an dân; đồng thời các quan cũng theo vua hết lòng nỗ lực phục vụ đất nước; chắc chắn, chỉ trong một thời gian ngắn đất nước sẽ hưng thịnh. Như thế, câu nói “Làm vua khó, làm bề tôi không dễ” hẳn là một câu nói làm hưng thịnh đất nước.

Trả lời cho câu hỏi của vua Lỗ Định Công về một câu nói làm mất nước, Đức Khổng Tử cũng đáp lại tương tự: Một lời nói không thể làm mất nước ngay, nhưng cũng gần như dần dần sẽ làm mất nước. Ngài cũng ví dụ, người ta thường nhắc câu này của một ông vua: “Ta không vui vì được làm vua, chỉ vui vì lời nói của ta chẳng ai dám chống lại.” Nếu như vua nói điều tốt, có lợi cho đất nước, mà ai cũng thuận theo, quả là thật tốt rồi. Nhưng nếu vua nói điều dở, có hại cho quyền lợi dân chúng mà không có vị quan nào dám chống lại, dám khuyên can, như thế vua lại lấy làm vui lòng; câu nói đó của vua hẳn là một câu nói làm mất nước rồi.

16. Diệp Công hỏi về chính trị. Đức Khổng Tử nói: “Những người ở gần được vui vẻ, những người ở xa tìm đến.”

BÌNH GIẢI:

Diệp Công là một quan chức cai trị huyện Diệp ở nước Sở. Có lẽ ông đã hỏi về chính trị với Đức Khổng Tử khi ngài ghé thăm nước Sở trên đường chu du liệt quốc. Đức Khổng Tử đã trả lời một cách vắn tắt nhưng ý tứ rất rộng rãi; đại ý rằng: một nền chính trị lý tưởng là làm sao cho những người ở gần được vui vẻ và những người ở xa nghe tiếng lành mà tìm đến. Những người ở gần là những người trực thuộc quyền cai trị của nhà cầm quyền. Những người ở xa là những người ở các nước chư hầu khác.

Thực tế cho biết dân chúng chỉ vui vẻ khi được ấm no và sống thoải mái trong một bầu không khí thanh bình, không bị o ép, bắt nạt. Muốn được như vậy, nhà cầm quyền cần lưu ý đến những điểm sau đây:

– Phải đặt quyền lợi và sinh mệnh của dân trên quyền lợi và sinh mệnh của mình.

– Không được đặt gánh nặng trên dân, tránh sưu cao thuế nặng.

– Pháp luật đặt ra cho dân thì nhà cầm quyền và gia thuộc phải tuân giữ trước.

– Bảo vệ dân khỏi nạn trộm cướp, xâm hại.

– Thi hành chính sách văn hoá giáo dục thích hợp để mở mang dân trí và phát triển đạo đức.

– Phát triển kế hoạch kinh tế cho dân được thịnh vượng.

– Lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân, v.v.

Dân chúng sẽ được vui vẻ khi thấy nhà cầm quyền thương dân như cha mẹ thương con, cư xử thân thiết với dân như bạn hữu thâm tình. Bấy giờ, những người ở nơi xa, các nhân tài, hiền sĩ ẩn dật trong chốn thôn dã sẽ tìm đến để được hưởng không khí thanh bình của một nền chính trị nhân hậu. Đó là kết quả của việc cai trị thành công, tốt đẹp vậy.

17. Tử Hạ làm quan Tể ấp Cử Phủ, hỏi về việc chính trị. Đức Khổng Tử nói: “Đừng muốn nhanh chóng, đừng nhắm tới lợi nhỏ. Muốn nhanh chóng thì không thành tựu; nhắm tới lợi nhỏ thì việc lớn không thành công.”

BÌNH GIẢI:

Theo dõi câu trả lời của Đức Khổng Tử dành cho Tử Hạ, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác của việc chính trị. Có hai điều trở ngại cho việc thành công trong chính trị là: muốn nhanh chóng và nhắm tới lợi nhỏ.

Người nào có bản tính hấp tấp, nóng nảy, làm việc gì cũng muốn nhanh xong thì làm chính trị sẽ hỏng. Tham gia vào chính sự, cần phải suy nghĩ kỹ, tính toán lợi hại về việc sắp làm; khi đã tiến hành, phải thong thả, bình tĩnh; việc trước, việc sau phải được tiến hành từng bước theo thứ tự, cẩn thận, chắc chắn. Bởi vì việc chính trị liên hệ tới toàn dân; nếu muốn nhanh chóng cho xong mà vội vàng, hấp tấp thì dễ hỏng việc; gây hậu quả thiệt hại cho nhiều người, nhiều thế hệ.

Ngoài ra, người làm chính trị đừng nhắm tới lợi nhỏ. Lợi nhỏ là những mối lợi chỉ đem lại lợi ích trong một thời gian ngắn, hoặc đem lại lợi ích cho một thiểu số. Nếu chỉ nhắm tới lợi nhỏ, thi hành những kế hoạch nhỏ nhoi, hạn hẹp, cục bộ, thì những việc lớn lao ích nước lợi dân đâu có được để ý tới? Như thế việc lớn quốc gia kinh bang tế thế không thể thành công.

Người làm chính trị cần phải biết tiên liệu, biết nhìn xa trông rộng, biết triển khai những kế hoạch có lợi ích lâu dài và tiến hành một cách vững chắc, thì sự nghiệp chính trị mới thành công, dân chúng cả nước trong nhiều thế hệ mới được thịnh vượng.

18. Diệp Công nói với Đức Khổng Tử rằng: “Xóm tôi có người ngay thẳng: người cha ăn trộm dê, người con ra làm chứng.”

Đức Khổng Tử nói: “Người ngay thẳng của xóm tôi khác thế: cha che giấu cho con, con che giấu cho cha, sự ngay thẳng ở bên trong thôi.”

BÌNH GIẢI:

Diệp Công khoe với Đức Khổng Tử rằng ở nơi ông cai trị có người ngay thẳng, tộn trọng luật pháp, đến nỗi con đứng ra làm chứng (hay tố cáo) vềâ việc cha mình ăn trộm dê.

Đức Khổng Tử bày tỏ quan điểm bằng cách nêu ra trường hợp người ngay thẳng ở quê hương mình “Cha che giấu cho con, con che giấu cho cha, ngay thẳng ở bên trong thôi.” Nói như vậy, Đức Khổng Tử có ý chê người ngay thẳng xóm Diệp Công quá khắc nhiệt, làm mất tình nghĩa giữa con với cha.

Nếu vậy, phải chăng Đức Khổng Tử có lập trường vị tình riêng, bỏ qua luật pháp, mà bao che cho tội ác của cha hay con? Thưa rằng không phải thế!

Trong chương Lý Nhân ở trên, Đức Khổng Tử nói: “Sự phụ mẫu cơ gián, kiến chí bất tùng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán.” (Thờ phụng cha mẹ thì nhỏ nhẹ khuyên can. Thấy ý chí không theo mình thì vẫn kính trọng mà không lìa bỏ, chịu khó nhọc mà không oán trách.) (Lý nhân: tiết 18).

Căn cứ vào đây, chúng ta thấy quan điểm của Đức Khổng Tử là: cha mẹ làm điều ác thì con phải khuyên can. Khuyên can nhưng vẫn kính trọng không lìa bỏ cha mẹ. Trong khi khuyên can có bị cha mẹ đánh mắng (khó nhọc) thì cũng không oán trách. Như thế, sự ngay thẳng của con nằm trong sự khuyên can đó. Nếu khuyên can không được, chuyện vỡ lở ra, đến nỗi chính quyền phải xử lý theo pháp luật thì đành chịu. Đạo hiếu đối với cha mẹ, đạo từ đối với con cái (phụ từ, tử hiếu) không chấp nhận con tố cáo cha mẹ hay cha mẹ tố cáo con cái. Nếu tố cáo, tình nghĩa cha mẹ con cái không còn nữa. Đó là giải pháp dung hoà của Đạo Nho vận dụng trong tình huống nan giải khi có sự xung đột giữa luật pháp và tình nghĩa gia đình.

19. Phàn Trì hỏi về điều nhân, Đức Khổng Tử nói: “Tại nhà thì ở khiêm cung, tiếp nhận công việc thì kính cẩn, giao tiếp với người thì thật lòng. Tuy ở chốn mọi rợ, cũng không thể bỏ được.”

BÌNH GIẢI:

Ở đây, chúng ta lại thấy một khía cạnh khác của đức nhân, nhưng rất phổ thông, khi Đức Khổng Tử trả lời cho Phàn Trì một lần nữa. Người có nhân khi ở nhà rảnh rang với gia đình vẫn phải có thái độ khiêm cung; khi tiếp nhận công việc ngoài xã hội thì phải tôn kính đối với người giao việc cho mình và cẩn thận trong việc làm; khi giao tiếp với người khác, bất kể ai, thì phải thật lòng, không giả dối.

Đó là ba điều cần thiết gắn liền với người nhân, không kể người ấy sống ở đâu, ngay cả khi ở chốn mọi rợ, giao thiệp với những người dốt nát, kém văn hoá cũng vậy. Nghĩa là, trong bất cứ không gian, thời gian nào, người có đức nhân vẫn một mực sinh hoạt thật tốt, không chê được.

20. Tử Cống hỏi rằng: “Như thế nào mới có thể gọi là kẻ sĩ?”

Đức Khổng Tử nói: “Hành vi của mình có hổ thẹn, đi sứ bốn phương không làm nhục mệnh vua, có thể gọi được là kẻ sĩ.”

Hỏi: “Dám hỏi về bậc dưới.”

Đáp: “Họ hàng ca ngợi là hiếu thảo, làng xóm ca ngợi là thuận hoà.” Lại hỏi: “Dám hỏi về bậc dưới nữa.”

Đáp: “Nói ắt giữ niềm tin, hành động ắt cương quyết, là kẻ tiểu nhân hẹp hòi cố chấp đấy, nhưng xem ra cũng có thể được xem là bậc dưới nữa.” Lại hỏi: “Hiện nay những kẻ ra làm chính trị thì thế nào?”

Đức Khổng Tử nói: “Ôi! Hạng người khí cục hèn mọn ấy, sao tính đủ được?”


BÌNH GIẢI:


Tử Cống muốn hỏi thầy xem những người có học mà đã ra làm quan (kẻ sĩ) phải có những điều kiện nào mới xứng đáng với danh hiệu ấy. Đức Khổng Tử nêu ra hai điều kiện:

– Được gọi là kẻ sĩ (ra làm quan) phải có đạo đức, tức là biết hổ thẹn về những hành vi xấu của mình. Vì biết hổ thẹn cho nên kẻ sĩ không dám làm điều gì xấu. Người không biết hổ thẹn thì có điều xấu nào cũng dám làm.

– Được gọi là kẻ sĩ (ra làm quan) phải có tài, nhờ có thực tài lại giỏi ứng đối, khi đi sứ các nước mới không bị chê bai, bắt bẻ, mới không làm nhục sứ mệnh vua giao cho.

Tử Cống hỏi thêm về kẻ sĩ bậc dưới, tức là hạng hai. Đức Khổng Tử cũng nêu ra hai điều kiện:

– Được họ hàng ca ngợi là người hiếu thảo với cha mẹ.

– Được làng xóm ca ngợi là người thuận hoà với anh em.

Người làm chính trị có hai điều kiện này, tuy kém tài, nhưng có đức, có thể đảm đương được việc nước. Đó là hạng kẻ sĩ thứ hai.

Tử Cống lại hỏi về kẽ sĩ bậc dưới nữa, tức là hạng ba. Đức Khổng Tử cũng nêu ra hai điều kiện:

– Nói ắt giữ niềm tin, tức là đã nói ra thì giữ lấy lời, không nuốt lời.

– Hành động ắt cương quyết, không bê trễ, chần chừ.

Loại người này chưa phải là bậc quân tử thông đạt, bởi vì hay hẹp hòi cố chấp (khanh khanh nhiên), không biết linh động quyền biến tùy theo thời cơ. Người như thế chỉ là hạng tiểu nhân thôi; bởi vì trong thực tế có những hành động không đáng phải cương quyết, cương quyết quá có thể bị vấp váp hoặc phật lòng mọi người. Tuy hành xử cứng nhắc thiếu khôn ngoan nhưng tuân thủ nguyên tắc hướng đến điều tốt, đó cũng tạm gọi là kẻ sĩ hạng ba.

Còn đối với những người ra làm chính trị hiện nay (tức là thời Xuân Thu ở Trung Hoa), Đức Khổng Tử than thở rằng: “Ôi! Hạng người khí cục hèn mọn ấy, sao tính đủ được?”

Nghĩa đen của bốn chữ “đẩu sao chi nhân” là bọn người có lòng dạ như cái đấu đong thóc, cái rá vo gạo; ngày nay, chúng ta gọi là bọn “giá áo túi cơm” (thân như cái giá mắc áo, bụng như cái túi đựng cơm); tức là bọn người tâm trí nhỏ nhoi, chỉ nghĩ đến cơm áo, đến địa vị, đến vinh thân phì gia, đến danh tiếng hão huyền; đâu có lượng cả bao dung đến những người nghèo hèn thấp cổ bé miệng; đâu có nghĩ đến quyền lợi đất nước, đến sự thái bình thịnh vượng của toàn dân. Họ để cho dân “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”! Bọn đó thì quá nhiều, đâu đáng gọi là kẻ sĩ, làm sao tính cho xuể!

Qua lời than thở của Đức Khổng Tử, ngày nay chúng ta mới biết rõ lý do đại loạn của thời Xuân Thu (722 – 480). Trong thời ấy, quyền bính của nhà Chu dần dần rơi vào tay các vua chư hầu và chế độ phong kiến đang dần dần trở thành chế độ quân chủ chuyên chế. Nước chư hầu nào mạnh thì xưng Bá chủ (Ngũ bá), nước nọ thôn tính nước kia. Chiến tranh liên tiếp, cương thường đổ nát, đạo lý suy đồi, dân chúng lầm than. Vào khoảng thời gian ấy, có tới 36 vụ giết vua, có 483 lần hành quân, các tội ác như cha con giết nhau, cướp vợ của nhau, anh em, vợ chồng hại nhau không kể xiết… (Theo Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê: Đại cương Triết học Trung Quốc, Cảo Thơm xuất bản, trang 28). Bấy giờ, những người ra làm chính trị ở nước Lỗ và các nước chư hầu khác hầu hết không đáng gọi là kẻ sĩ hạng ba, mà chỉ là hạng “đẩu sao chi nhân” mà thôi!

21. Đức Khổng Tử nói: “Chẳng được những người đi trong trung đạo để mà giao thiệp, chỉ có hạng người có chí cao và có khí tiết thôi. Hạng người có chí cao thì tiến lên; hạng người có khí tiết thì có chỗ không làm.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử nói câu này có ý nhắm vào các đệ tử của mình. Trong hàng đệ tử của ngài, không có hạng người đi trong trung đạo. Trung đạo là đường lối không thiên lệch. Trình Tử nói: “Bất thiên chi vị trung. 未不偏之謂中” (Không thiên lệch gọi là trung.) (Trung Dung, Chu Hy chương cú).

Người đi trong trung đạo, sinh hoạt không thiên lệch khỏi đạo Trời. Không thiên lệch khỏi đạo Trời là sống theo quy luật âm dương. Kinh Dịch nói:“Nhất âm, nhất dương chi vi đạo.” (Một âm, một dương gọi là đạo.) (Kinh Dịch: Hệ từ). Có sống trong đạo trời thì mới tu sửa được nhân đạo. Nhân đạo là đường lối sống tốt đẹp trong cõi người. Đạt được nhân đạo thì mới có khả năng tiến lên Thánh đạo, thành con người lý tưởng phối Thiên.

Đức Khổng Tử có nguyện vọng hướng dẫn các học trò trở nên đạt nhân quân tử, thành tựu nhân đạo, để rồi tiến lên Thánh đạo. Tuy nhiên, ngài tỏ ý tiếc rằng trong hàng đệ tử không có hạng người đi trong trung đạo để ngài có thể truyền Thánh đạo.

Trong hàng đệ tử của ngài chỉ có loại người có chí cao (cuồng giả) và loại người có khí tiết (quyến giả) thôi. Người chí cao thì hay ngông nghênh, thiếu khiêm cung. Người khí tiết thì thẳng thắn, không nịnh bợ, không làm càn, nhưng thiếu linh hoạt quyền biến.

Tuy nhiên, với hai hạng người đó, ngài cũng được an ủi rồi. Người chí cao thì có năng lực tiến lên. Năng lực này cần thiết cho người ta bước từ tiểu nhân lên quân tử, rồi dần dần tiến lên hiền thánh. Còn người khí tiết thì biết giữ mình, không dám làm điều gì trái đạo lý. Năng lực giữ mình ngay thẳng cũng có thể giúp từ bỏ đường trái mà bước sang đường ngay của bậc hiền thánh được; mặc dầu cả thầy và trò đều phải kiên trì, nhẫn nại. Thầy kiên trì nêu gương và dạy dỗ. Trò nhẫn nại tu tập từng bước một.

Thế là trong đám người cuồng quyến đó, Đức Khổng Tử đã truyền đạo được cho Nhan Hồi và Tăng Sâm; hai thế hệ sau có thêm Tử Tư và Mạnh Tử; cộng lại thành Tứ phối (có thể sánh với thầy). Ngoài ra còn có Thập triết (mười vị hiểu biết thấu đáo) và Thất thập nhị hiền (72 người có đức hạnh tốt).

22. Đức Khổng Tử nói: “Người phương Nam có câu rằng: ‘Người mà không có lòng giữ bền, không thể làm thầy cúng, thầy thuốc.’ Đúng lắm!” “Không giữ bền đức của mình, e rằng đương lấy xấu hổ.” Đức Khổng Tử nói: “Chẳng đoán xét mà thôi!”

BÌNH GIẢI:

Ở Trung Hoa, người phương Nam sống về nông nghiệp, có tiếng hiếu hoà, nhẫn nhục, bền bĩ hơn người phương Bắc. Nói chuyện với Tử Lộ, Đức Khổng Tử đã từng ngợi khen tính mạnh mẽ của người phương Nam. Ngài nói: “Khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo, Nam phương chi cường dã. Quân tử cư chi. (Lấy khoan dung mềm dẻo để dạy dỗ, không báo thù kẻ vô đạo, đó là sức mạnh của người phương Nam. Người quân tử sống với sức mạnh ấy.) (Trung Dung, chương 10).

Theo sách Sử Ký của Tư Mã Thiên, Lão Tử là người nước Sở, thuộc phương Nam, nên đã chủ trương triết thuyết “Nhu nhược thắng cương cường 柔弱 勝彊強。 (Mềm yếu thắng cứng mạnh.” (Đạo đức kinh, chương 36).

Vì hiếu hoà, nhẫn nhục, bền bĩ, người phương Nam được tiếng là gần gũi minh triết, cho nên có những câu ngạn ngữ khôn ngoan. Ở đây, Đức Khổng Tử khen câu ngạn ngữ: “Người mà không có lòng giữ bền, không thể làm thầy cúng, thầy thuốc” là đúng.

Vậy câu này có ý nghĩa gì?

Người không có lòng giữ bền (vô hằng: không có hằng tâm) là người mà tâm tư hay bị ngả nghiêng, bị lôi kéo, không có lập trường rõ rệt, không chuyên chú vào một hướng nào, thay đổi ý kiến luôn luôn. Người đó không thể thành công trong đời. Ngạn ngữ Pháp nói: “Pierre qui roule n’amasse pas mousse.” (Hòn đá lăn hoài không kết được rong rêu.) Dĩ nhiên, một hòn đá cứ lăn lóc hết chỗ này đến chỗ nọ, chỉ có mòn đi, chứ đâu có rong rêu nào bám vào hay mọc lên được. Cũng vậy, người mà không giữ đạo thường hằng, không có hằng tâm bền chí, sẽ không tích lũy được số vốn kiến thức nào cho mình, cũng không tự tạo được kỹ năng gì; vì thế, chẳng làm nên sự nghiệp gì và không gom góp được tài sản nào. Người đó sẽ phải sống lây lất, nhờ vả hết người nọ đến kẻ kia. Đã chẳng lập được công nghiệp lớn lao thì chớ, đến như làm thầy cúng,thầy thuốc cũng không xong. Tại sao?

Thầy cúng là người thay mặt gia chủ, dâng lễ vật và lời khấn nguyện đến các vong linh tổ tiên đã khuất. Thầy cúng chính là kẻ trung gian giữa người còn sống và người đã khuất, trong nền văn hoá và tôn giáo của người cổ ở Đông phương. Muốn đóng vai trò trung gian ấy, thầy cúng phải có lòng thành khẩn, giữ bền (hằng) đức hạnh và niềm tin vào thế giới siêu hình, mới có sự cảm ứng với các vong linh. Nếu không có lòng hằng, tâm trí lông bông, lời khấn nguyện và bộ điệu, cử chỉ không thành khẩn, ai tín nhiệm mà nhờ cúng vái!

Còn thầy thuốc càng cần có hằng tâm lắm. Để làm thầy thuốc, phải có tâm chuyên nhất (hằng) mới có thể nghiệm xét và chiêm đoán bệnh tật, theo dõi diễn tiến của cơn bệnh, theo dõi diễn tiến của con người trước cơn bệnh, hay trước sự thay đổi của thời tiết, thay đổi của thực phẩm. Nếu không có tâm chuyên nhất nghiên cứu, học tập, thử nghiệm (vô hằng), làm sao có thể định bệnh chính xác và cho thuốc thích hợp?

Vì thế Đức Khổng Tử đã phải khen câu ngạn ngữ của người phương Nam là đúng, là tốt lành (thiện), đầy tính minh triết. Để làm sáng tỏ đạo hằng; ngài còn nhắc đến một câu Kinh Dịch. Câu này là hào từ Cửu Tam, tương truyền của Chu Công, trong quẻ Lôi Phong Hằng. Nguyên văn là: “Bất hằng kỳ đức, hoặc thừa chi tu; trinh, lẫn.” (Không giữ bền đức của mình, e rằng đương lấy xấu hổ; giữ mãi điều đó, đáng tiếc!) Hào Cửu Tam chỉ người cương mãnh thái quá, lại bất trung, không hợp với đạo hằng, không giữ bền được đức của mình, có khi lại bị ngả nghiêng, bị lôi kéo mà đi đến những hành vi đáng xấu hổ. Nếu cứ giữ mãi tình trạng đó (trinh), thì rất đáng tiếc (lẫn)! Lời Tiểu Tượng giải thêm rằng: “Bất hằng kỳ đức, vô sở dụng dã.” (Không giữ bền đức của mình, không có chỗ nào dùng vậy.) Người không giữ bền đức của mình, không có lập trường rõ rệt, lại hay thay lòng đổi dạ, lấy chỗ nào mà dung thân, có ai chứa chấp cho nổi!

Nhắc lại câu Kinh Dịch rồi, Đức Khổng Tử nói: “Chẳng đoán xét mà thôi..” Ngài có ý phê bình rằng: bởi vì không chịu đoán xét việc đời kỹ càng, cho nên người ta mới không giữ đạo hằng (vô hằng). Một khi người nào chịu khó học hỏi và chiêm nghiệm những tấm gương trong trường đời, trong lịch sử, sẽ biết rằng giữ đạo hằng là cần thiết cho sự thành công, lập nghiệp và cũng cần thiết cho việc tu đức để tiến lên bậc quân tử, thánh hiền.

23. Đức Khổng Tử nói: “Quân tử hoà vui với người mà không cùng giống như người; tiểu nhân cùng giống như người mà không hoà vui với người.”

BÌNH GIẢI:

Quân tử là người sống trong đạo đức cho nên sẵn sàng dẹp bỏ ý riêng, bỏ sang một bên lối sinh hoạt khác biệt của mình để hoà vui với mọi người; chẳng những hoà trong cách ăn uống… mà còn hoà trong sinh hoạt phù hợp với phong tục, tập quán, văn hoá để làm vui lòng người; nhưng không hoàn toàn cùng lập trường, cùng quan điểm, cùng lý tưởng với người, nhất là không phụ họa, a dua với người trong những hành vi trái đạo lý.

Trái lại, tiểu nhân là người sẵn sàng từ bỏ lập trường, quan điểm của mình để hùa theo người khác, phụ họa a dua với người, kể cả trong những hành vi xấu, cốt lấy lòng người nhất thời, nhằm thủ đắc quyền lợi, nhưng tâm hồn lại không hoà vui được với người. Tiểu nhân sẵn sàng gây nên sự xích mích tranh chấp, phản bội người khi không được như ý.

Hoà nhi bất đồng” còn chỉ thái độ của người quân tử sẵn sàng hoà hợp với người khác để tiến tới hạnh phúc chung như ổn định, thịnh vượng xã hội, nhưng không đồng quan điểm với người về lý tưởng riêng tư. Trường hợp này thường diễn ra trong những lãnh vực: chính trị, tôn giáo, triết lý, nghệ thuật…

24. Tử Cống hỏi rằng: “Người trong làng đều ưa thích, người ấy ra sao?”

Đức Khổng nói: “Chưa thể cho là được.”

[Hỏi tiếp]: “Người trong làng đều ghét, người ấy ra sao?”

Đức Khổng nói: “Chưa thể cho là được. Không bằng người thiện trong làng ưa thích, người xấu trong làng ghét.”

BÌNH GIẢI:

Tử Cống có ý hỏi rằng: Con người được mọi người trong làng đều ưa thích đã thật là người tốt chưa? Và con người bị mọi người trong làng đều ghét, đã thật là người xấu chưa?.

Trong cả hai trường hợp, Đức Khổng Tử đều trả lời: “Chưa thể cho là được.” Nghĩa là không thể căn cứ vào sự ưa thích hay sự ghét bỏ của người trong làng mà xác định một người nào là tốt hay xấu. Bởi vì, trong làng có cả người tốt lẫn kẻ xấu.

Quy luật bình dân: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.” (Trâu tìm trâu; ngựa tìm ngựa.) và quy luật dịch lý nói rằng: “Đồng thanh tương ứng; đồng khí tương cầu. (Cùng tiếng thì đáp ứng nhau; cùng khí chất thì tìm kiếm nhau.) Như vậy, cả hai quy luật đó đều nói lên một thực tế: Người tốt tìm kẻ tốt; người xấu tìm kẻ xấu. Nếu cả làng đều tốt mà ưa thích một người, hẳn người ấy là tốt; nếu cả làng đều xấu, mà ưa thích một người; hẳn người ấy là xấu. Ngược lại, nếu cả làng đều tốt mà ghét một người, người ấy hẳn là xấu; nếu cả làng đều xấu, mà ghét một người, người ấy hẳn là tốt.

Để cho minh bạch, phải nhận định rằng: Nếu những người tốt trong làng đều ưa thích và những người xấu trong làng đều ghét một người nào, hẳn người ấy là tốt. Nếu những người tốt trong làng đều ghét và những người xấu trong làng đều ưa một người nào, hẳn người ấy là xấu.

25. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử dễ phục vụ, nhưng khó làm cho vui lòng. Để làm cho vui, không lấy đạo lý thì không vui. Đến khi sai khiến người, thì căn cứ vào khả năng.

Kẻ tiểu nhân khó phục vụ, nhưng dễ làm cho vui lòng. Để làm cho vui, tuy không lấy đạo lý cũng vui. Đến khi sai khiến người, lại đòi hỏi hoàn toàn.

BÌNH GIẢI:

Quân tử là người sống đức hạnh, giản dị, ít nhu cầu, không đòi hỏi gì nhiều, nên người dưới dễ phục vụ; tuy nhiên lại khó làm cho người quân tử vui lòng. Bởi vì, để làm vui lòng, bất cứ điều gì cũng phải hợp tiêu chuẩn đạo lý. Lời nói, hành vi, ngay đến phẩm vật trao tặng đều phải hợp đạo lý, người quân tử mới vui vẻ chấp nhận. Khi sử dụng người nào, người quân tử chỉ tùy theo một khả năng nào đó mà giao việc, không đòi hỏi người ấy phải hoàn toàn mọi phương diện, vì biết rằng: “Nhân vô thập toàn – 人無十全 ” (Người ta không ai giỏi tất cả.).

Kẻ tiểu nhân không có đạo đức, nhiều ham muốn, nhu cầu cho nên khó phục vụ, khó đáp ứng; nhưng lại dễ làm cho vui lòng. Bởi vì, không cần theo tiêu chuẩn đạo lý, bất cứ điều gì, vật gì đáp ứng được sự ưa thích nhất thời, đều có thể làm cho kẻ tiểu nhân vui lòng ngay. Khi sử dụng người nào, kẻ tiểu nhân lại đòi hỏi người ấy phải hoàn toàn về mọi phương diện; không hoàn toàn thì bị chê bai trách móc.

26. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử an vui mà không kiêu căng; kẻ tiểu nhân kiêu căng mà không an vui.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử trên không oán trời, dưới không trách người (Thượng bất oán thiên, hạ bất vưu nhân), luôn luôn sống trong đức nhân, đức hoà, cho nên tâm hồn được an vui mà không kiêu căng. Kiêu căng là dáng bộ của người cảm thấy mình hơn người hay vượt trội mọi người. Người quân tử thấy mình cũng như người hay còn kém người, tự thấy mình không hoàn toàn, cho nên có thái độ khiêm cung, từ tốn mà không lộ vẻ kiêu căng.

Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ muốn vượt trội hơn người, lấn lướt người, muốn người thua kém mình và phải tôn sùng mình, cho nên luôn lộ vẻ kiêu căng. Vì luôn luôn bận tâm ganh đua hơn kém, oán ghét, sân hận, thiếu khoan dung độ lượng, cho nên tâm hồn kẻ tiểu nhân không bao giờ được an vui.

27. Đức Khổng Tử nói:“Cứng rắn, quả quyết, chất phác, nói năng chậm chạp thì gần gũi đức nhân.”

BÌNH GIẢI:

Cứng rắn là tính cách của người có lập trường vững vàng, không bị ngã nghiêng, xiêu đổ trước những cám dỗ, không bị những thế lực xấu lôi kéo.

Quả quyết là tính cách của người có ý chí mãnh liệt, không rụt rè, chần chừ; một khi đã có ý định làm gì thì thực hiện ngay và không lùi bước.

Chất phác là tính cách của người ngay thật, không dối trá lươn lẹo, ý nghĩ và lời nói đi đôi với nhau, không có âm mưu quỉ quyệt lừa đảo.

Nói năng chậm chạp biểu hiện tính cách của người không hấp tấp, lời nói ra có sự suy nghĩ cẩn thận, chín chắn; do đó, những lời nói ấy có thể thực hiện được và đáng tin cậy.

Người nào có đủ bốn tính cách ấy, tuy chưa sửa mình theo đức nhân, nhưng đã gần gũi với đức nhân rồi; chỉ cần cố gắng học hỏi và điều chỉnh quân bình những tính cách ấy thì có thể trở nên bậc nhân. Người nhân là người hiểu thấu đạo Trời, thông suốt đạo người, cư xử đúng mực và thân yêu mọi người.

28. Tử Lộ hỏi rằng:“ Như thế nào mới có thể được gọi là kẻ sĩ?”

Đức Khổng Tử nói: “Thân mật khuyên nhủ lẫn nhau, vui vẻ với nhau, có thể được gọi là kẻ sĩ. Bạn bè thì thân mật khuyên nhủ lẫn nhau, anh em thì vui vẻ với nhau.”

BÌNH GIẢI:

Trong chương này, tiết 20, Tử Cống đã từng hỏi Đức Khổng Tử về kẻ sĩ. Kẻ sĩ được đề cập tới trong những câu trả lời của Đức Khổng Tử ở đấy là kẻ sĩ đã ra làm quan.

Ở đây, kẻ sĩ chỉ cho những người học đạo thánh hiền, sống đời bình thường trong gia đình, trong làng xóm, chưa tham gia việc chính trị. Cùng một câu hỏi về kẻ sĩ, mà Đức Khổng Tử trả lời thành hai trường hợp như vậy, có lẽ ngài hiểu được thâm ý của đệ tử khi chất vấn.

Những người học đạo thánh hiền đáng được gọi là kẻ sĩ, phải thể hiện đạo lý trong cách cư xử. Cư xử với bạn bè, kẻ sĩ phải thân mật chí tình, thành thật khuyên nhủ nhau cùng thăng tiến trong điều thiện, xa lánh điều ác. Cư xử với anh em trong nhà, kẻ sĩ phải vui vẻ hoà thuận, không được gây xích mích, tranh cạnh quyền lợi với nhau.

29. Đức Khổng Tử nói: “Bậc thiện nhân dạy bảo dân trong bảy năm, cũng có thể khiến dân tham gia việc chiến trận được.”

BÌNH GIẢI:

Bậc thiện nhân ở đây chỉ các nhà cai trị giỏi và có đạo đức. Vì có đạo đức nên người ấy thương dân, bảo bọc dân, biết giáo dục dân trong công chính. Vì giỏi cai trị, người ấy không chỉ lo phát triển kinh tế, giáo dục mà còn biết lo xa về vấn đề an ninh quốc phòng. Việc quốc phòng có ổn định mới bảo vệ được đất nước không bị ngoại bang xâm lược hoặc khi bị xâm lược thì có đủ khả năng chống lại để giữ gìn sinh mệnh và tài sản của dân. Bởi thế, nhà cai trị giỏi phải biết tiên liệu, tức là phải biết huấn luyện dân về quân sự cho thành thạo. Đức Khổng Tử cho rằng nhà cai trị giỏi dạy bảo dân trong bảy năm có thể khiến dân đủ khả năng tham gia việc binh được. Bảy năm là một khoảng thời gian tương đối dài đủ để huấn luyện dân trở thành quân sĩ tinh nhụê, có tinh thần vững chãi, biết sử dụng vũ khí thành thạo để thắng địch.

30. Đức Khổng Tử nói: “Đem những người dân không được huấn luyện ra chiến đấu, ấy là phế bỏ dân.”

BÌNH GIẢI:

Câu này bổ sung cho ý tứ của câu trên, nói về nhà cai trị dở và thiếu đạo đức. Người này chẳng nghĩ gì đến sinh mệnh của dân; thời bình thì mặc sức ăn chơi, không lo huấn luyện cho dân về kỹ thuật quân sự, phương thức chiến đấu; đến khi có quân địch xâm lấn, mới xua dân ra trận. Làm như thế chẳng khác nào lùa dê ra trước bầy hổ, chỉ là đưa dân làm bia đỡ đạn, xua dân vào chỗ chết uổng mà thôi.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x