Trang chủ » Luận Ngữ – Chương 16 – Quý Thị

Luận Ngữ – Chương 16 – Quý Thị

by Hậu Học Văn
471 views

QUÝ THỊ ĐỆ THẬP LỤC

1. Họ Quý sắp đánh nước Chuyên Du. Nhiễm Hữu, Quý Lộ ra mắt Đức Khổng Tử, nói: “Họ Quý sắp sinh chuyện với nước Chuyên Du.”

Đức Khổng Tử nói: “Cầu, đó không phải chính là lỗi của ngươi ư? Này nước Chuyên Du, xưa kia Tiên vương lấy làm chủ tế ở Đông Mông, vả lại ở trong bờ cõi nước nhà, đó là bầy tôi của xã tắc. Sao lại đánh ?”

Nhiễm Hữu nói: “Ông ta muốn đánh. Hai gia thần chúng tôi đều không muốn.”

Đức Khổng Tử nói : “Cầu! Ông Châu Nhâm có lời rằng: ‘Ra sức được, hãy đứng vào hàng ngũ cai trị; không có khả năng, hãy thôi đi.’ Nguy biến mà không gìn giữ được, ngả nghiêng mà không nâng đỡ được, thì sao kẻ kia còn được dùng để giúp đỡ chứ? Vả lại, ngươi nói sai rồi. Con cọp, con tê giác ra khỏi chuồng; mai rùa, viên ngọc bị hư nát ở trong rương, lỗi của ai chứ?”

Nhiễm Hữu nói: “Hiện nay nước Chuyên Du kiên cố mà lại gần ấp Phí (của họ Quý). Bây giờ không lấy, đời sau ắt trở thành mối lo cho con cháu.”

Đức Khổng Tử nói: “Cầu! Người quân tử ghét kẻ ham muốn mà lấy lời biện bạch. Khâu này nghe rằng người có nước có nhà, không lo ít người mà lo không đều; không lo nghèo mà lo chẳng yên. Hễ đều thì không nghèo, hoà thì không ít người; yên thì không nghiêng đổ. Này, như thế, ví bằng người ở xa không phục, hãy tu sửa văn đức khiến người ta tìm đến; đã đến rồi, thì làm cho họ được yên. Nay Do và Cầu giúp đỡ ông ta, người ở xa không phục mà chẳng biết vời họ đến. Nước nhà phân rẽ, tách lìa mà chẳng giữ lại được. Lại còn mưu phát động chiến tranh trong nước. Ta e rằng nỗi lo của họ Quý Tôn không ở tại Chuyên Du mà ở trong bức tường kín đáo của mình thôi.”

BÌNH GIẢI:

Nước Chuyên Du là một nước nhỏ phụ thuộc nước Lỗ, ở trong bờ cõi nước Lỗ. Họ Quý là một trong ba họ Mạnh Tôn, Thúc Tôn và Quý Tôn, cùng chia quyền bính ở nước Lỗ.

Nhiễm Hữu và Quý Lộ (Tử Lộ) là gia thần của họ Quý, một hôm đến báo cho Đức Khổng Tử biết ý định của họ Quý muốn đánh chiếm nước Chuyên Du. Chuyên Du không có lỗi gì. Việc chinh phạt này không ngoài lý do là muốn chiếm thành, chiếm đất, chiếm dân.

Đức Khổng Tử phản đối ý định này và quy trách nhiệm cho Nhiễm Hữu và Quý Lộ; trong đó Nhiễm hữu có lỗi nặng hơn vì ông này được họ Quý trọng dụng.

Đức Khổng Tử lấy lời của sử thần Châu Nham ngày xưa ra dẫn chứng, muốn cho Nhiễm Hữu và Quý Lộ từ chức di, đừng giúp họ Quý làm điều sai trái nữa. Ngài lại dùng hình ảnh con cọp, con tê giác xổ chuồng là do lỗi người canh gác, mai rùa, ngọc nát là do lỗi người giữ rương để quy lỗi cho Nhiễm Hữu. Nhiễm Hữu giúp họ Quý mà không khuyên được họ Quý giữ chính đạo, đó là có lỗi.

Họ Quý muốn chiếm nước Chuyên Du không những chỉ muốn cướp đất, cướp thành mà còn muốn cướp cả dân, bởi thời đó dân chúng còn ít ỏi. Nước nào đông dân, nước ấy mạnh. Đức Khổng Tử cho rằng người làm vua (có nước), người làm quan lớn (có nhà) không nên lo ít người mà lo không đều. Không đều tức là của cải tài nguyên không được phân phối cân bằng trong dân chúng. Không nên lo nghèo mà lo chẳng yên. Chẳng yên tức là loạn lạc, rối ren. Đất nước đã loạn lạc, rối ren, dân chúng làm sao yên bụng làm ăn để gia tăng của cải. Hễ có sự phân phối đồng đều về tài nguyên trong nước và có luật pháp bảo vệ tử tế, tránh cho dân khỏi nạn người bóc lột người thì đất nước sẽ không nghèo. Khi mọi người đã hoà với nhau, yêu thương nhau, có đủ cơm ăn áo mặc, dân số sẽ gia tăng. Xã tắc đã yên ổn thái bình thì không thể nghiêng đổ được.

Đất nước thi hành đường lối cai trị như thế ắt mọi người phương xa phải khâm phục mà quy tụ về. Giá như người ta vẫn không phục thì người lãnh đạo nước phải sửa lại dáng mạo bên ngoài (văn) cho tốt đẹp, tu tâm dưỡng tính cho đức hạnh được phát huy (đức). Được vậy, chắc chắn thiên hạ sẽ đua nhau tìm đến quy phục, nương nhờ và nhà cai trị chỉ có việc vỗ về cho họ an cư lạc nghiệp. Bấy giờ, dân về đông đúc, đất nước sẽ cường thịnh, lo gì phải đem quân đi đánh chiếm lấy đất, lấy thành, lấy dân, lấy của? Đó là đường lối chính trị hoà bình mà tự nhiên đất nước được mở mang, binh lực hùng mạnh, thiên hạ nể phục.

Đức Khổng Tử cho rằng Quý Lộ (Do) và Nhiễm Hữu (Cầu) kém cỏi trong cách cai trị; giúp đỡ họ Quý mà không biết phương thế làm cho người phương xa quy phục. Nước Lỗ đã bị phân rẽ làm ba mảnh nằm trong thế lực của ba nhà Mạnh, Thúc, Quý mà Quý Lộ và Nhiễm Hữu không khuyên được họ Quý sửa đổi chính trị để nước nhà được thống nhất, lại còn a dua với họ Quý phát động chiến tranh với Chuyên Du. Đó là sự sai trái, kém cỏi, đáng tiếc và đáng trách; thật uổng công theo thầy học đạo trong nhiều năm.

Sau khi nặng lời thống trách hai đệ tử, Đức Khổng Tử còn tiên đoán rằng nỗi lo của họ Quý về mối nguy của con cháu đời sau không ở Chuyên Du mà nằm ngay trong nội bộ của nhà họ Quý mà thôi. Đã ở ngay trong nội bộ nhà mình, mối nguy ấy sẽ lộ diện tức thì chứ không còn lâu lắc gì nữa.

Qua cuộc đối thoại trên, chúng ta càng thấy rõ Đức Khổng Tử là người chủ trương một nền chính trị vương đạo, lấy đạo đức làm nền tảng và ngài rất nặng lòng với sự tồn vong của quê hương đất nước.

2. Đức Khổng Tử nói: “Thiên hạ có đạo thì lễ nhạc, lệnh chinh phạt từ thiên tử đưa ra. Thiên hạ không có đạo thì lễ nhạc, lệnh chinh phạt từ chư hầu đưa ra. Từ chư hầu đưa ra, khoảng mười đời ít khi không mất nước. Từ đại phu đưa ra, năm đời ít khi không mất nước. Hạng gia thần nắm quyền trị nước, ba đời ít khi không mất nước. Thiên hạ có đạo thì chính quyền không ở quan đại phu. Thiên hạ có đạo thì người thường dân không bàn việc chính trị.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử nói những lời này không phải là những lời tiên tri, nhưng đó là kết luận được rút ra qua kinh nghiệm nghiên cứu lịch sử Trung Hoa trong thời Xuân Thu (722-480 trước Công nguyên).

Bấy giờ vua nhà Chu là thiên tử lãnh đạo các nước chư hầu. Bên dưới các vua chư hầu có các quan đại phu giúp việc cai trị nước. Giúp việc cho các đại phu là các gia thần (bồi thần).

Ngài nhận thấy rằng khi thiên hạ ổn định (có đạo), lúc ấy quyền hạn của thiên tử nhà Chu được các chư hầu tôn trọng thì tất cả lễ nhạc trên các nước đều do thiên tử ấn định; lệnh chinh phạt một chư hầu nào vô đạo cũng do thiên tử đưa ra. Nghĩa là có giềng mối thống nhất từ trung ương tới các địa phương.

Ngài cũng nhận thấy khi thiên hạ mất ổn định (vô đạo), thiên tử không nắm được quyền lãnh đạo tối cao nữa, các chư hầu đua nhau đưa ra các hình thức lễ nhạc khác nhau và tự tiện ra lệnh chinh phạt lẫn nhau. Vì không thống nhất về lễ nhạc và lệnh chinh phạt được các vua chư hầu đưa ra tùy tiện nên thiên hạ đại loạn; không có kỷ cương giềng mối nào được tôn trọng nữa.

Đức Khổng Tử đã nghiệm thấy khi sự rối loạn đó phát xuất từ các nước chư hầu thì trong vòng mười đời vua, ít khi không xảy ra mất nước. Trong khoảng thời gian 242 năm (khoảng 10 đời vua) từ năm 722 đến năm 480 trước Công nguyên (năm chấm dứt cuốn sử Xuân Thu), thực tế lịch sử cho biết có tới gần 100 nước chư hầu bị diệt vong. Vào đầu thời Xuân Thu (722 trước Công nguyên), tương ứng với triều Lỗ Ẩn Công, nước Trung Hoa có khoảng 100 nước chư hầu quy phục nhà Chu. Đến hết thời Xuân Thu (480

trước Công nguyên) chuyển sang thời Chiến Quốc, Trung Hoa chỉ còn lại 7 nước: Yên, Tề, Triệu, Ngụy, Hàn, Sở, Tần.

Ngài lại nghiệm thấy nếu lễ nhạc và lệnh chinh phạt từ hàng đại phu đưa ra, vua chư hầu chỉ còn làm bù nhìn, thì ít khi tới năm đời; nước sẽ bị mất. Chuyện ấy đã xảy ra ở nước Lỗ dưới thời họ Quý nắm quyền. Còn đến hạng gia thần nắm quyền trị nước, trong vòng ba đời ít khi không mất nước.

Qua kinh nghiệm gặt hái được do nghiên cứu lịch sử, Đức Khổng Tử nhận thấy khi thiên hạ ổn định (có đạo), chính quyền không ở quan đại phu mà ở trong tay vua. Bấy giờ, dân chúng an ổn làm ăn, không ai lạm bàn đến việc chính trị. Chỉ khi nào đất nước hỗn loạn, chính trị hư nát, quan lại tham nhũng, người dân không phân biệt giỏi dốt mới lo lắng bàn bạc với nhau về việc chính trị mà thôi.

3. Đức Khổng Tử nói: “Của cải đi khỏi kho nhà nước đã năm đời rồi. Chính quyền thuộc về hàng đại phu đã bốn đời rồi. Cho nên con cháu ba nhà Mạnh, Thúc, Quý phải suy vong thôi.”

BÌNH GIẢI: Kể từ đời Lỗ Tuyên Công cho đến Lỗ Định Công là năm đời vua, thuế má của cải lẽ ra phải thu vào kho nhà nước (công thất) thì đã vào kho lẫm của ba nhà họ Mạnh, Thúc, Quý. Mặc dầu nước Lỗ vẫn có vua, nhưng quyền hành đã nằm trong tay ba họ thuộc con cháu của Lỗ Hoàn Công, nhất là trong tay họ Quý, bắt đầu từ Quý Võ Tử đến Quý Hoàn Tử là bốn đời.

Theo nhận xét căn cứ vào lịch sử ở trên, hàng đại phu nắm quyền năm đời ít khi không mất nước; từ đó, Đức Khổng Tử tiên đoán đã đến lúc con cháu của ba họ Mạnh, Thúc, Quý (Tam hoàn) phải suy vong.

4. Đức Khổng Tử nói : “ Có ba loại bạn ích lợi, ba loại bạn tổn hại. Bạn ngay thẳng, bạn tin thực, bạn biết nhiều, thì có lợi. Bạn hay giả vờ, bạn khéo chiều chuộng, bạn hay nịnh hót, thì tổn hại.”

BÌNH GIẢI:

Bạn là ngươì sống gần ta, góp ý với ta trên đường học vấn, cũng như hỗ trợ, hợp tác với ta trong sinh hoạt. Đức Khổng Tử đã chỉ ra ba loại bạn ích lợi và ba loại bạn tổn hại. Ba loại bạn ích lợi gồm có: bạn ngay thẳng, bạn tin thực, bạn biết nhiều.

Bạn ngay thẳng là người không dối trá, luôn luôn tôn trọng sự thật, thấy sao nói vậy, sẵn sàng đưa ra những nhận xét đúng đắn về ta mà không sợ ta giận.

Bạn tin thực là người thật thà, đáng cho ta tin tưởng, có thể gửi gấm những gì cần thiết mà không sợ bị lừa lọc.

Bạn biết nhiều là người có nhiều kiến thức do học rộng nghe nhiều, có thể làm thầy dạy bảo ta về nhiều phương diện.

Giao du với ba loại bạn trên, có thể nhờ họ mà ta tiến bộ, bớt được nhiều lỗi lầm, có thể tín nhiệm gửi gấm họ nhiều thứ, có thể tiếp thu được nhiều điều hay.

Ba loại bạn tổn hại gồm có :

Bạn hay giả vờ là người thất thường, không thành thật, ý nghĩ một đàng, nói ra một nẻo. Người ấy có thể đưa ta vào hỏa mù chân và giả, khiến cho ta không biết phải thích ứng ra sao.

Bạn khéo chiều chuộng là người khéo chiều theo ý ta để thu lợi, nhưng có thể phản bội ta.

Bạn hay nịnh hót là người tâng bốc để lấy lòng ta nhưng không thật lòng với ta mà chỉ muốn lợi dụng.

Giao du với ba loại bạn này dễ bị tổn hại: phí thời giờ, không học tập thêm được đức hạnh gì và còn có thể bị thua thiệt.

5. Đức Khổng Tử nói: “Có ba điều yêu thích ích lợi, ba điều yêu thích tổn hại. Yêu thích điều tiết bằng lễ nhạc, yêu thích nói rõ điều lành của người, yêu thích nhiều bạn hiền, thì ích lợi. Yêu thích kiêu căng ham vui, yêu thích chơi bời phóng túng, yêu thích tiệc tùng vui đùa, thì tổn hại.”

BÌNH GIẢI:

Trong cuộc sinh hoạt phải có những điều yêu thích. Người nào muốn thành công trong đời hay muốn trở nên quân tử, thánh hiền phải biết yêu thích những điều ích lợi và tránh yêu thích những điều tổn hại.

Yêu thích điều tiết bằng lễ nhạc khiến cho sinh hoạt của con người được tốt đẹp, thoải mái, dễ chịu hơn. Yêu thích nói rõ điều lành của người thì thêm được bạn, bớt được thù và được người ta quý mến. Yêu thích nhiều bạn hiền sẽ được gần gũi những người tốt, học tập được nhiều điều hay và được họ nâng đỡ nhiều mặt.

Trái lại yêu thích kiêu căng ham vui, yêu thích chơi bời phóng túng, yêu thích tiệc tùng vui đùa chỉ làm cho ta tiêu phí thời giờ và tiền bạc, gây khó chịu cho nhiều người xung quanh, hao tổn sức khỏe, tinh thần mỏi mệt v.v… Đó là những điều yêu thích tổn hại.

6. Đức Khổng Tử nói: “Hầu chuyện với bậc quân tử có ba lỗi lầm: chưa đến lúc nói mà nói gọi là hấp tấp; đến lúc nói mà không nói, gọi là giấu diếm; chưa thấy sắc mặt ra sao mà nói, gọi là mù quáng.”

BÌNH GIẢI:

Bậc quân tử là người tài đức, người có địa vị đáng kính ở trên ta, có thể làm thầy ta. Hầu chuyện bậc quân tử ta cần thận trọng, lưu ý tránh ba lỗi lầm sau:

Không nên nói trước hoặc nói leo. Người trên hỏi đến ta hãy nói. Chưa hỏi mà nói gọi là hấp tấp; có khi còn bị mang tiếng là vô lễ.

Người trên hỏi đến thì đáp lời. Nếu chẳng đáp lời thì gọi là giấu diếm hoặc bị coi là khinh dễ.

Trước khi nói cần phải xem sắc mặt của người đối diện, đã đưa mắt về ta để lắng nghe chưa, chưa thấy sắc diện ra sao mà đã nói gọi là mù quáng.

7. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tủ có ba điều đề phòng: lúc trẻ trung, khí huyết chưa ổn định, đề phòng sắc dục; đến khi trưởng thành, khí huyết đương mạnh mẽ, đề phòng ham tranh đấu; đến khi già cả, khí huyết đã suy tàn, đề phòng tính tham lam.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử là người học đạo thánh hiền, đang tiến bước trên đường thành nhân, cho nên cần phải đề phòng ba điều:

Đề phòng sắc dục vào lúc thiếu niên. Bấy giờ, khí huyết chưa ổn định, tinh thần bồng bột, chưa vững vàng, dễ lao vào sắc dục. Điều đó sẽ nguy hại cho sức khỏe thể chất, sẽ khiến tinh thần mờ tối, ý chí suy thoái.

Đề phòng ham tranh đấu vào tuổi trưởng thành. Lúc ấy, khí huyết mạnh mẽ, nghị lực dồi dào, dễ sa vào tính háo danh, ham tranh đấu với người này kẻ kia để giành quyền bính, địa vị, tài sản. Điều đó sẽ gây nên thù oán với người, làm hại đức từ bi bác ái và có thể chuốc lấy tai hoạ đến tử vong.

Đề phòng tính tham lam trong tuổi già. Lúc này, khí huyết suy tàn, người già hay lo lắng về sự thiếu thốn, đói khát trong giai đoạn cuối đời, cho nên dễ sinh ra tính tham lam, keo kiệt. Điều đó sẽ làm cho những người xung quanh khó chịu, khinh bỉ và lánh xa.

8. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử có ba điều sợ: sợ mệnh Trời, sợ bậc đại nhân, sợ lời của thánh nhân. Kẻ tiểu nhân chẳng biết mệnh Trời nên chẳng sợ, khinh thường bậc đại nhân, nhạo báng lời của thánh nhân.

BÌNH GIẢI:

Người quân tử tin có Trời là thực tại siêu hình linh thiêng, cội nguồn và chi phối vũ trụ vạn vật. Lại tin có mệnh Trời là ý chí mãnh liệt của Trời, đồng thời là sứ mệnh của Trời trao cho ai đó. Vì tin, cho nên người quân tử sợ mình không thực hiện được trọn vẹn sứ mệnh Trời trao cho .

Bậc đại nhân là người có chức phận lớn, đức hạnh cao. Người quân tử sợ bậc đại nhân vì cảm thấy mình kém tài đức không xứng đáng gần gũi, không đủ khả năng đối thoại.

Lời của thánh nhân là những châm ngôn sâu sắc đáng làm kim chỉ nam cho đời. Người quân tử sợ lời của thánh nhân vì e rằng mình không đủ sức để tuân theo những lời vàng ngọc ấy.

Trái lại, kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ đến danh lợi, những điều khôn vặt và đeo đuổi những đam mê tầm thường; vì thế họ chẳng biết có mệnh Trời hay chăng nên chẳng sợ. Tiểu nhân lại còn khinh thường bậc đại nhân, bởi vì đại nhân vô giá trị đối với họ. Ngoài ra, nghe ai nói đến lời của thánh nhân thì tiểu nhân nhạo báng, giễu cợt, vì không biết đó là những lời trân quý hướng dẫn con người trở nên toàn thiện. Họ chỉ chú ý đến những lời nói về lợi lộc mà thôi.

9. Đức Khổng Tử nói: “Người mới sinh ra đã biết là bậc trên; người học mà biết là bậc thứ; khốn khổ mà học, là bậc thấp hơn; khốn khổ mà chẳng học, người như thế là hạng chót.”

BÌNH GIẢI:

Đức Khổng Tử chia người ta ra làm bốn loại:

Hạng nhất hay bậc trên là hạng người mới sinh ra đã biết, không cần học. Đây là bậc siêu phàm, bậc Thánh, hiểu theo nghĩa cao cả nhất. Tuy nhiên bậc này rất hiếm hoi trong nhân loại; chính bản thân Đức Khổng Tử, ngài không dám tự nhận là bậc này.

Trong chương Thuật nhi, Đức Khổng Tử đã nói với các học trò: “Ngã phi sinh nhi tri chi giả, hiếu cổ, mẫn dĩ cầu chi giả dã.  (Ta không phải là người sinh ra đã biết, chỉ là ưa thích chuyện xưa, cố gắng tìm hiểu mà thôi.)” Ngài lại nói thêm: “Nhược thánh dữ nhân, tắc ngô khởi cảm. Ức vi chi bất yếm, hối nhân bất quyện, tắc khả vị vân nhĩ dĩ hỹ. (Ví bằng bậc thánh và bậc nhân thì ta sao dám? Chẳng qua thực hành đường lối của thánh nhân, dạy người không mỏi mệt, có thể được như thế mà thôi.”

Hạng thứ hai là những người do học hành mà biết. Đức Khổng Tử tự nhận mình thuộc về hạng này. Nhiều nhà hiền triết, bác học của nhân loại cũng đứng trong hạng này.

Hạng thứ ba là những người sau khi đã gặp khốn khổ rồi mới chịu học. Hạng này chiếm một số lớn trong nhân loại; tuy có chậm chạp nhưng cũng còn đáng khen.

Hạng chót là những người mặc dầu đã gặp khốn khổ nhưng vẫn lười biếng không chịu học. Đây là loại tệ nhất; không còn gì đáng nói nữa.

10. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử có chín điều nghĩ ngợi: nhìn nghĩ đến rõ ràng, nghe nghĩ đến sáng tỏ, hình sắc nghĩ đến ôn hoà, dáng vẻ nghĩ đến cung kính, nói nghĩ đến trung thực, việc làm nghĩ đến kính cẩn, nghi ngờ nghĩ đến hỏi han, giận nghĩ đến hoạn nạn, thấy được lợi nghĩ đến điều nghĩa.”

BÌNH GIẢI:

Người quân tử luôn luôn theo dõi, nghĩ ngợi về các hành vi của mình sao cho hoàn hảo. Sau đây là chín điều nghĩ ngợi:

– Khi nhìn một vật gì phải nghĩ đến nhìn cho rõ ràng để tránh lầm lạc, lẫn lộn, tránh lỗi trông gà hoá cuốc.

– Khi nghe thì nghĩ đến phải nghe cho sáng tỏ, tránh nhầm tiếng nọ sang tiếng kia.

– Khi ra ngoài giao thiệp phải nghĩ đến hình sắc sao cho ôn hoà để đẹp lòng mọi người.

– Lại cần phải nghĩ đến dáng vẻ cử chỉ cung kính.

– Lời nói phải trung thực; có thì nói có, không thì nói không, đừng thêm điều đặt chuyện.

– Khi làm việc phải nghĩ đến sự kính cẩn, thận trọng để công việc được thành tựu.

– Khi có điều nghi ngờ phải nghĩ đến hỏi han người khác.

– Khi giận dữ phải nghĩ ngay đến hoạn nạn có thể xảy ra do cơn giận mà kiềm chế lại.

– Thấy được lợi lộc phải nghĩ xem có hợp nghĩa không, có phạm đến quyền lợi của ai không.

11. Đức Khổng Tử nói: “’Thấy điều thiện như theo không kịp, thấy điều xấu như thò vào nước nóng.’ Ta đã thấy người như thế, đã nghe lời nói như thế. ‘Sống ẩn dật để tìm chí hướng của mình; làm điều nghĩa để thành tựu đạo lý của mình.’ Ta đã nghe lời nói như thế nhưng chưa được thấy người nào như thế.”

BÌNH GIẢI:

Thấy điều thiện, người quân tử phải vội vàng theo đuổi ngay, sợ không kịp sẽ mất cơ hội làm điều thiện. Thấy điều xấu người quân tử phải lánh xa ngay như rút tay ra khỏi nước nóng, kẻo bị tai hoạ.

Đức Khổng Tử xác nhận chính mình đã từng gặp người quân tử ấy và đã được nghe lời nói ấy. Thời Xuân Thu có người như thế, không hiểu thời nay còn có được mấy người?

Còn loại người quân tử thứ hai: thấy thời loạn bèn đi ở ẩn, giấu tên tuổi, giấu tài đức để giữ gìn và nuôi chí hướng; đồng thời đích thân làm điều nghĩa để thành tựu đạo lý nơi mình. Đức Khổng Tử xác nhận có nghe lời nói như thế nhưng chưa thấy người nào như thế. Vậy, thời Xuân Thu cách nay 2.500 năm đã không còn bậc hiền nhân ấy nữa rồi! Lời kể ấy có lẽ là chuyện đời xưa truyền lại mà Đức Khổng Tử nghe được.

12. Tề Cảnh Công có bốn ngàn cỗ xe ngựa. Vào ngày chết, dân không có gì để khen ngợi. Bá Di, Thúc Tề chết đói ở dưới núi Thủ Dương, đến nay dân còn khen ngợi. “Thành tựu không vì giàu, cũng được kính vì khác thường.” Là muốn nói như thế chăng?

BÌNH GIẢI:

Tề Cảnh Công là vua nước Tề, chư hầu nhà Chu, đồng thời với Đức Khổng Tử. Ông ta có bốn ngàn cỗ xe ngựa; như thế là rất giàu có. Nhưng Cảnh Công không có một công trình gì ích quốc lợi dân, cũng chẳng có đức hạnh nào đáng làm gương mẫu cho đời sau; cho nên khi chết, dân chúng chẳng có một lời khen ngợi.

Còn Bá Di, Thúc Tề là hai hoàng tử nước Cô Trúc, đã nhường ngôi vua cho nhau để rồi cùng đi ẩn dật. Hai ông sống dưới thời Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu, trước Đức Khổng Tử trên 600 năm. Vì không tán thành việc Vũ Vương diệt vua Trụ, hai ông vào ẩn náu tại núi Thủ Dương, chỉ ăn rau vi mà không chịu ăn thóc nhà Chu, cuối cùng bị chết đói. Dân chúng khen ngợi hai ông vì có khí tiết và bản lĩnh khác người. Có thể dùng hai câu Kinh Thi “Thành tựu không vì giàu, cũng được kính vì khác thường” để nói đến trường hợp của Bá Di, Thúc Tề.

Bài này chắc là lời của Đức Khổng Tử, nhưng thiếu ba chữ “Khổng Tử viết” ở trước. Không hiểu tại sao?

13. Trần Cang hỏi Bá Ngư rằng: “Anh có được nghe điều gì khác chăng?” Đáp: “Chưa. Cha tôi thường đứng một mình, Lý tôi rảo bước qua sân. Cha tôi nói: ‘Học Kinh Thi chưa?’ Tôi đáp: ‘Chưa.’ ‘Không học Kinh Thi, không lấy gì để nói năng.’ Lý tôi lui xuống mà học Kinh Thi. Ngày khác, cha tôi lại đứng một mình; Lý tôi rảo bước qua sân. Cha tôi nói: ‘Học Kinh Lễ chưa?’ Tôi đáp: ‘Chưa.’ ‘Không học Kinh Lễ, không lấy gì để đứng vững.’ Lý tôi lui xuống mà học Kinh Lễ. Tôi được nghe hai điều đó.” Trần Cang lui ra mừng rỡ nói: “Hỏi một câu mà được ba điều: nghe học Kinh Thi, nghe học Kinh Lễ, lại nghe người quân tử sống xa con mình.”

BÌNH GIẢI:

Trần Cang, tự là Tử Cầm, đã hỏi Bá Ngư tức Khổng Lý (con trai duy nhất của Đức Khổng Tử), xem anh ta có học được điều gì khác với mình là hàng đệ tử chăng. Bá Ngư cho biết, có hai lần đi rảo qua sân đều thấy Đức Khổng Tử đứng một mình và hỏi con về việc học mà thôi. Lần thứ nhất hỏi về Kinh Thi; lần thứ hai hỏi về Kinh Lễ. Như vậy Thi và Lễ là hai cuốn sách nhập môn của đạo Nho; trước khi học những sách khác cần phải học kỹ Thi và Lễ để biết nói năng cho đúng cách, hợp lẽ và biết cách cư xử với người trên kẻ dưới.

Trần Cang vui mừng biết được như vậy và còn phát hiện thêm một điều thứ ba là: người quân tử sống xa con mình, nghĩa là không quá gần gũi, thân mật suồng sã với con, e rằng con sẽ khinh nhờn mà chẳng chịu nghe lời dạy bảo.

14. Vợ vua một nước, vua xưng hô là “phu nhân”. Phu nhân tự xưng là “tiểu đồng”. Người trong nước xưng hô là “quân phu nhân”; xưng với người nước khác là “quả tiểu quân”; người nước khác xưng hô cũng gọi là “quân phu nhân”.

BÌNH GIẢI:

Ở nước chư hầu thời Xuân Thu, vua gọi vợ mình là “phu nhân”, nghĩa là người của chồng. Vợ vua tự xưng mình là “tiểu đồng”, nghĩa là đầy tớ nhỏ. Người trong nước gọi vợ vua là “quân phu nhân”, nghĩa là phu nhân của vua. Khi giao tiếp với người khác, dân trong nước gọi vợ vua của mình là “quả tiểu quân” với ý khiêm nhường và tự hào, nghĩa là vị vua nhỏ ít tài đức. Người nước khác cũng gọi là phu nhân của vua.

Có lẽ đây cũng là lời Đức Khổng Tử nói, nhưng người sao chép lại viết thiếu mấy chữ “Khổng Tử viết”.

❁ ❁ ❁
TỨ THƯ BÌNH GIẢI
Luận Ngữ – Mạnh Tử – Đại Học – Trung Dung
LÝ MINH TUẤN dịch và bình giải

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x