Trang chủ » Chừng nào ba má mới hiểu con?

Chừng nào ba má mới hiểu con?

by Hậu Học Văn
9 views

Hồi chiều ba đưa em Hải và con ra lan can ngồi chơi. Những lúc được ngồi bên ba như chiều nay, con vui mừng vô kể. Ba ngồi giữa, một tay ôm em, một tay áp con vào ngực ba. Ba đâu biết được lúc đó con muốn khóc lên vì sung sướng. Ba có nhớ không ? Con úp mặt vào ngực ba thật lâu để chùi nước mắt chảy ra. Được gần ba, con cảm thấy sung sướng biết bao nhiêu, nhưng nào được hưởng phút ấy thường !

Rồi ba bận việc gì đó nên bỏ vô nhà, để em và con ngồi lại. Một lúc sau, có con sâu rọm đen thui, lông lá xù xì bò lần lại chỗ em và con ngồi. Em chỉ cho con thấy con sâu, mặt lộ vẻ sợ hãi. Con cũng sợ. Con nhảy xuống đất, em Hải còn nhỏ quá, không dám nhảy theo. Em vội đứng lên lan can, kêu lớn : « Ba ơi ! » Nhưng không thấy ba ở đâu cả.

Con vật đen đúa ghê gớm kia cứ bò lại càng lúc càng gần em con hơn. Em càng sợ, càng kêu thét nhiều mà chẳng thấy ba ra. Con thương em quá. Con biểu em ngồi xuống rồi thòng chơn ra để con ẵm em đi chỗ khác. Phải chi con cao hơn một chút nữa thì con ẵm em con được rồi.

Em Hải phần sợ con sâu, phần sợ té nên không dám ngồi. Con nắm hay chơn em kéo nhẹ để em trợt ngồi bẹp trên lan can thì con sẽ ẵm em đi dễ hơn. Em níu lại. Con kéo mạnh thêm. Không hiểu tại sao em con lại té luôn xuống. Em Hải khóc thét lên, lăn trên thềm gạch. Con hoảng hốt khòm xuống nắm tay em kéo dậy.

Lúc đó ba ở trong nhà chạy ra, thấy vậy chẳng hỏi chẳng rằng, ôm con đánh liên hồi. Con càng khóc, ba càng đánh nhiều hơn. Ba lại la lớn tiếng rằng : « Mầy là đồ hung ác… Tao biết mầy muốn hại em mầy lắm… Đồ thú chớ không phải con người… ! » Ba ơi, lời mắng nhiếc của ba mới làm cho con đau lòng hơn những cái tát tai, những cái đập của ba. Ba có đánh con mấy cũng không sao. Mấy đứa nhỏ hàng xóm có chế giễu mấy cũng mặc. Nhưng con van ba đừng mắng nhiếc con như thế ! Con đâu có ghét em. Con đâu muốn hại em như ba nói.

Khi ba đỡ em dậy, thấy có máu dính sau ót em, ba vội ẵm vô nhà. Con sợ quá, chạy theo. Con hối hận lắm. Vì muốn giúp đỡ em nên bây giờ em con mới bị đau.

Vừa vô khỏi cửa, má ở dưới bếp đi lên. Thấy em Hải như vậy, sẵn chiếc đũa bếp ở trong tay, má giơ cao lên, mắt nhìn con tức giận. Vừa thấy má giơ tay lên, con biết trước việc gì sẽ xảy ra rồi. Con sợ quá, khóc thét lên nhưng không dám chạy trốn khi chiếc đũa bếp nện xuống đầu con. Má vừa đánh vừa nhiếc : « Tao biết mầy từ lâu rồi mà. Đồ súc sanh ! »

Con khóc to lắm, không phải vì bị đòn đau, nhưng là muốn bày tỏ nỗi oan ức của con. Má la thêm : « Còn khóc nữa, hả Minh ? Có im đi không ? Bộ oan cho mầy lắm sao mà khóc dữ vậy ? Thật là đồ khốn kiếp ! » Má ơi. Thật oan cho con đó ! Nhưng làm sao cho má hiểu được. Ước gì con chết liền cho ba má vui lòng, con cũng chịu.

Ba má vội thay quần áo, đón xe đưa em đi nhà thương. Con đã sợ bây giờ lại càng sợ thêm. Mà giận nữa. Con chui xuống gầm bàn mà trốn, không muốn thấy ai hết. Khi đi ra, ba dặn với lại : « Ở nhà đó coi nhà. Đợi tao về rồi biết ! »

Ba má đi khỏi hết rồi, con ở nhà càng khóc to hơn nữa. Mồ hôi ra ướt hết mình mẩy, con không cần lau chùi bớt đi. Con muốn khóc cho sụp bể nhà hết để bày tỏ nỗi oan ức của con. Chắc ba tưởng một đứa bé lên sáu, bảy tuổi đầu như con không hiểu biết gì hết ? Chính vì muốn giúp ba, con mới tìm cách đỡ em xuống. Chính vì ba không chịu lại bên em khi em kêu la vì đã quá sợ, nên mới ra nông nỗi nầy. Nhưng ai hiểu con bây giờ ? Ai hiểu con ? Ai hiểu ?

Sau đó, thím Ba ở nhà bên cạnh mới qua tìm con. Chắc tại thím nghe con khóc hoài, không nín. Thím ôm con vào lòng, vuốt tóc và lau nước mắt cho con. Ôi ! Êm dịu biết chừng nào ! Con nói to lên trong tiếng nấc với thím là con muốn giúp ba nhưng ba không hiểu. Thím dắt con ra hàng ba, bắt con kể lại đầu đuôi câu chuyện. Con cố kể lại qua tiếng khóc. Xong, thím vuốt dịu con, nói : « A, thì ra vậy đó à ? Thôi cháu nín đi ». Chừng đó con mới nín được vì có người đã hiểu con dầu người ấy không phải là ba má. Thím Ba ở lại chơi với con cho tới khi ba má về.

Nhìn thấy em con nằm thiêm thiếp trên hai tay của ba và đầu băng trắng toát, khi ba má ở nhà thương về, con sợ quá. Đến khi nghe má nói với thím Ba là bác sĩ cho biết không sao, vì bị thương nhẹ, chỉ cần may vết đứt lại thôi, con vui mừng biết bao nhiêu. Con sợ em con phải nằm nhà thương lâu ngày.

Con tự cảm thấy như là đứa con tội lỗi nên không dám nhìn thẳng vào mặt ba má, không dám mở miệng hỏi thăm em con, mặc dầu con không có tội chi hết. Giúp ba, giúp em là tội sao ?

Đặt em nằm xuống xong, ba chỉ vào mặt con, nói : « Mầy mà còn làm hại em nữa, tao giết mầy chết ! » Con đã rưng rưng nước mắt từ khi ba má về, bây giờ nghe ba nói vậy, con vụt khóc òa lên trong uất ức. Má đứng gần bên, tiện tay cú mạnh vào đầu con mấy cái và đuổi : « Mầy còn khóc nữa hả ? Đi đâu đi cho khuất mắt tao đi ! Ở đó mà khóc thì chết với tao. Nghe chưa ? Đồ khốn kiếp ! »

Bây giờ con chỉ biết khóc ngoài hè, trong bóng tối đen. Ba má ơi ! Con yêu ba má lắm ! Nhưng chừng nào ba má mới hiểu con ? !

Đó chỉ là một trong hằng ngàn sự việc tương tự xảy ra hằng ngày quanh ta. Có thể ngay trong gia đình ta.

Có những người chống lại việc đánh đập con vô lý như thế. Ý định của họ rất tốt, nhưng rủi thay, họ tại tạo một cực đoan không kém nguy hại. Họ sống với con cái trong tư cách đứa trẻ thơ chớ không phải là một người cha.

Có một phiên tòa ở Hoa kỳ đáng cho ta suy ngẫm : Một người cha đứng giữa tòa, mặt ngơ ngác, nói :

– Tôi thật không hiểu gì cả. Tôi có làm gì bậy đâu ? Tôi chỉ cố trở thành trẻ thơ để làm một người bạn với con tôi mà thôi.

Ông tòa trả lời :

– Phải lắm. Ông có thể làm một người bạn với con ông. Nhưng ông có thử làm một người cha của nó hay không ? Nó cũng cần một người cha như cần bạn vậy !

Trong mọi sự ở đời, việc đào luyện một người phải được coi là quan trọng hơn hết. Daniel Webster đã từng nói :

« Nếu ta khắc vào cẩm thạch, nó sẽ tan biến đi. Nếu ta khắc vào bản đồng, thời gian sẽ xóa nhòa. Nếu ta cất nhà thờ, nó sẽ thành tro bụi. Nhưng nếu chạm vào hồn người, ghi khắc vào đó những nguyên tắc căn bản : Kính sợ Đức Chúa Trời và yêu thương đồng loại, tức là ta đã chạm trổ vào tấm bản sẽ rạng chiếu đời đời ».

Việc nầy khởi đầu từ gia đình, quanh bàn ăn, trong trò chơi, những buổi du ngoạn, trong giờ lễ bái, ngay bên giường ngủ… Ta không thể hoàn toàn trông cậy vào học đường để dạy bảo con em ta, mà phải tự mình đích thân dự vào sự uốn-nắn đứa bé, vì học đường chỉ nhấn mạnh hoặc tái xác những nguyên tắc đã áp dụng tại gia đình.

Tuy không cố ý phá vỡ cái vòng thiêng liêng của gia đình, nhưng ngày nay nhiều khi người ta không còn coi trọng chức vụ làm cha mẹ trong gia đình nữa. Một số sách, báo, kịch vui, tuồng hát, v.v… đã đem chức vụ cha mẹ để làm ra mục tiêu chế giễu. Vô tình họ đã làm mất lần ảnh hưởng của cha mẹ trong gia đình, và nhiều khi con cái lại thành công trong việc đứng lên tước đoạt quyền hạn của cha mẹ. Vì vậy những bậc làm cha mẹ cần phải luôn luôn cảnh giác, không phải để bảo vệ quyền thế của cha mẹ ở trong nhà, nhưng để tạo ảnh hưởng trung trực, can đảm, kỷ luật và mọi đức tính cao quí khác cho con cái mình. Có thể chúng ta không để ý, nhưng chính trong gia đình mà con trẻ nếm trước không khí của thiên đàng hay địa ngục vậy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x