Trang chủ » 2. Từ 4 đến 6 tuổi

2. Từ 4 đến 6 tuổi

by Hậu Học Văn
3 views

Trẻ cỡ bốn, năm tuổi có vẻ thích và có khả năng « đọc sách » hơn các em của nó. Hiện giờ nó nói nhiều và rõ hơn trước. Thế giới dường như quá rộng lớn đối với nó, nhưng nó rất háo kỳ, muốn tóm thâu hết về mình. Lúc nầy trẻ hỏi rất nhiều. Nó lấy làm lạ với các chữ in, muốn hiểu ý nghĩa của chữ kia. Cả một chân trời mới mở ra để thêm niềm vui của trẻ và giúp nó sẵn sàng để đọc hơn.

Những đứa trẻ thấy nhiều mà ít nghe thường gặp trở ngại trong việc đọc sách. Các trẻ ít được chơi chung với trẻ khác cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đọc sách vì chúng ít được nghe, ít được dùng chữ mới. Đứa bé nào nói chuyện giỏi thường đọc sách được dễ dàng. Trẻ vào tuổi nầy rất ưa dùng chữ mới. Học được chữ nào, nó dùng ngay chữ ấy mà có khi không hiểu nghĩa gì cả. Vì vậy, không nên lấy làm lạ khi thấy một đứa bé lên bốn, năm tuổi mà đã biết chưởi thề. Nó hoàn toàn không hiểu gì cả, nên không thể nói nó muốn ám chỉ gì trong tiếng ấy. Nó nghe người lớn hoặc các em trẻ lớn hơn nó nói, để ý, rồi bắt chước. Nếu ta lắng nghe một mẫu chuyện đối thoại giữa một trẻ lên bốn và một đứa khác lên chín, ta sẽ thấy rất lý thú với những tiếng trai trại nhau mà đứa lớn dùng.

Vào tuổi nầy, trẻ vì tò mò muốn biết chữ, ta có thể dạy nó một vài chữ cái với nét đậm, thẳng, dễ nhận như I, T, L, H, v.v… Khi ra phố trẻ sẽ nhận được những chữ kia trên bản hiệu cửa hàng hoặc các bản quảng cáo và trên mặt sách, báo.

Nếu trẻ muốn biết viết, tạo cho nó viết lối chữ in một chữ dễ viết nào đó mà nó dễ nhận ra, hoặc như chữ đầu của tên nó. Cứ để cho nó tập đến khi nào nó chán thì thôi chớ đừng ép nó quá. Cứ để cho chữ nghĩa sinh sôi nẩy nở lần trong trẻ chớ đừng để sự thúc đẩy không hợp lý cản trở tánh hiếu học của nó đi.

Nếu con em ta không bày tỏ ham thích đọc và viết, đừng lo gì cả. Trẻ con thường phát triển ở tuổi tác khác nhau. Những đứa thoạt tiên có vẻ chậm biết, chẳng bao lâu sẽ theo kịp các trẻ khác. Cứ tỏ cho trẻ biết là những gì nó làm được, đủ cho ta thỏa lòng rồi. Đừng ép nó. Dục tốc bất đạt.

Vào tuổi nầy trẻ thích khám phá mọi sự. Nó lục lọi khắp nơi, tháo đồ chơi, nhổ cây hoa quí của mẹ, lục các ngăn kéo bàn viết của cha, v.v… Nếu ta khéo hướng dẫn, tức ta đã giúp chúng rất nhiều trong việc chuẩn bị tập đọc, tập viết rồi vậy. Những sự khám phá nầy cho nó nhiều ý nghĩa để khi đến trường nó sẽ có nhiều điều để nói, để viết. Khi đọc sách nó có thể hiểu dễ dàng và tìm kiếm thêm những ý kiến mới lạ khác nữa. Nếu trong tuổi nầy mà trẻ bị cấm hỏi, cấm tìm kiếm việc lạ, nó sẽ kết luận rằng khám phá là điều bậy, không nên tiếp tục nữa.

Trẻ cỡ bốn, năm tuổi rất thích nghe đọc và kể chuyện. Trong nước hiện chưa có loại chuyện thích hợp cho trẻ cỡ tuổi nầy, nên ta có thể tuyển chọn những chuyện cổ tích hoặc chuyện các nước khác để kể cho nó nghe. Kể chuyện cho trẻ còn nhiều điều lợi khác nữa mà chúng tôi sẽ bàn đến trong chương Sức Mạnh Của Câu Chuyện. Nếu ta cùng thảo luận với trẻ, nó sẽ phát triển năng khiếu đọc sách và biết nhận xét loại sách hoặc loại chuyện nào có giá trị, loại nào đáng bỏ đi, tuy nó chưa biết đọc.

Sau đây là những lãnh vực để trẻ học và thêm kinh nghiệm.

Nuôi thú : Việc nuôi thú vừa giải trí vừa có lợi trong việc học hỏi. Một lồng chim, một hồ cá hoặc những gia súc khác sẽ làm trẻ thích thú vô cùng. Có nhiều loại sách viết về loài thú và còn không biết bao nhiêu chuyện để nói về thú mà ta có thể dùng để chỉ dạy thêm cho trẻ.

Trồng cây : Một vài hột đậu xanh, đậu phụng, một vài líp xà lách hoặc cải củ tạo cho trẻ biết bao hứng thú và có không biết bao nhiêu câu hỏi để hỏi và để học. Cải xà lách, cải xanh hoặc dá, đáng chuộng hơn, vì người ta cần nhổ sớm để ăn. Các loại khác phải tương đối lâu ngày mới dùng được.

Báo cũ : Khám phá báo cũ là một lý thú kỳ diệu cho trẻ. Các loại báo kia phải có nhiều hình ảnh, và hình càng lớn, càng nhiều màu sắc, càng đẹp thì càng tốt. Đứa bé có thể mở rộng tờ báo ra trên đất, rồi bò lên đó mà xem hình, và nếu cần, nó có thể cắt hình ra chơi.

Đi viếng : Đi viếng những cơ sở công kỹ nghệ, nhà bưu điện, bến tàu, ga xe lửa, phi cảng, chợ búa, v.v… cho trẻ có nhiều thì giờ để nhìn thấy nếp sống của các hạng người khác nhau, cho trẻ quen với mùi lạ, và hỏi bất cứ câu hỏi nào nó muốn hỏi, để nó nhận định vị trí của nó đối với xã hội hiện tại và chuẩn bị cho vai trò của nó ở tương lai.

Du ngoạn : Được đi du ngoạn với lời chỉ dẫn cặn kẽ cũng giúp rất nhiều trong việc mở tầm kiến thức cho trẻ. Trẻ ở thành thị có thể về thôn quê, và ngược lại trẻ ở thôn quê cần ra thành thị để nhận xét lối sống hoàn toàn khác nhau của các vùng ấy. Thăm những thắng cảnh, vườn hoa, sở thú để nhận thấy những vẻ đẹp tự nhiên, hoặc ngắm cảnh núi non hùng vĩ, rừng xanh mịt mù, biển cả bao la để thấy những sắc thái khác nhau của địa cầu. Những chuyến du ngoạn như vậy không cần phải lâu ngày, cũng không phải xin giấy thông hành phiền phức, vì những cảnh đó ở ngay trong xứ, bên cạnh ta.

Ngày nay ở tuổi nầy, một số trẻ đã được vào vườn trẻ hoặc lớp mẫu giáo. Nơi đó chúng được làm quen với những trẻ khác và cô giáo mới. Cha mẹ cần chuẩn bị tinh thần trước cho trẻ khỏi bỡ ngỡ, như đã nói ở chương Chuẩn Bị Vào Học Đường. Bây giờ đứa trẻ đã thành một người khác, sống một lần trong hai thế giới-gia đình và học đường – và đều muốn khám phá hết cả hai. Trẻ vẫn còn thích nghe đọc sách cũng như thích nghe kể chuyện. Ý thích của trẻ vào tuổi nầy cũng thay đổi không chừng. Mới vừa đòi được nghe một chuyện cổ tích đây, liền chuyển qua đòi nói về hỏa tiễn, vệ tinh…

Trẻ cũng đã ý thức được tư hữu. Nó rất thích được có sách riêng và rất quí trọng sách của những người khác tặng. Nó cũng muốn có cả những sách mà cha nó say mê hồi còn bé như nó. Nếu có thể và có chỗ cất, nên cho trẻ có một kệ sách riêng. Đứa bé cũng rất hãnh diện để được đem sách riêng vô trường khoe với các trẻ khác, hoặc nhờ cô giáo đọc lên cho cả lớp nghe.

Trong những tháng đầu của lớp năm, trẻ chỉ mới chuẩn bị chớ chưa dấn mình sâu vào việc đọc sách. Trước hết nó cần phải làm quen với cô giáo mới, cần được quen với chương trình học, cần được chỉ dẫn tại sao phải làm thế nầy, thế nọ. Phụ huynh cũng cần cho giáo viên biết con cái mình đặc biệt chú ý đến gì ? Tại sao nó rụt rè ? Câu chuyện nào nó thích nhất ?… Cả hai – giáo viên và phụ huynh – cùng hợp tác với nhau sẽ rất có lợi cho đứa bé hơn.

Tập đọc cũng như tập đi, phát triển vào cỡ tuổi khác nhau tùy theo từng đứa trẻ một. Trẻ cũng cần người lớn dìu dắt và khuyến khích khi chúng vấp váp. Đừng có tham vọng rằng con mình sẽ giỏi nhứt lớp, hoặc so sánh nó với đứa bé hàng xóm, rồi đánh phạt khi nó không được như ý ta muốn. Làm thế có hại cho trẻ hơn là lợi. Có lẽ ta đã quên là phải mất bao nhiêu năm trường mình mới tự đọc sách cách độc lập. thay vì đánh đập trẻ, ta cần thảo luận với giáo viên xem ở trường nó học hành ra sao và cần giúp thêm gì ở nhà.

Nơi trường, trẻ từ sáu đến bảy tuổi đã học được những câu ngắn gọn, với những chữ đơn sơ nhứt. Có thể một hôm nào đó, đứa bé mang về cho ta tờ giấy ban khen về khả năng đọc chữ. Hãy làm ra vẻ ngạc nhiên và khen nó. Một trong những động lực chánh đã thúc đẩy đứa bé cố đọc, tìm đọc, là « khoe khoang » rằng nó đã biết đọc. Nó đọc xong một đoạn hoặc một bài văn ngắn, khuyến khích nó đọc lại. Càng đọc nhiều, nó càng thuần thục và nhận thấy chữ mau lẹ hơn. Ước gì những nhà giáo dục ở nước ta chú ý và cho ấn hành các loại sách với số từ vựng nhiều, ít khác nhau, cho trẻ vào tuổi nầy đọc.

Nhìn tổng quát ta thấy sách báo mệnh danh là cho nhi đồng, nhưng thật ra nhắm cho lứa tuổi lớn hơn, đã biết đọc giỏi, hoặc cho phụ huynh của các em, là những người có tiền để bỏ ra mua.

Thường khi cha mẹ không hiểu tại sao con mình nói chuyện về hỏa tiễn liên lục địa cách mạch lạc, hoặc rất thông thạo về phi thuyền không gian, lại được nhà trường cho đọc những câu gần như ngớ ngẩn, vô lý như : « Kìa, xem ! Xem kìa, một trái banh lăn trên mặt đất… »hoặc : « Con cá nó lội, con chim nó bay… »

Khi nghe trẻ đánh vần từng chữ một với giọng điệu ngang phè, cha mẹ có vẻ bất bình. Có thể lắm đứa bé cứ đọc sai mãi một chữ nào đó. Trí hiểu biết và khả năng đọc chữ của đứa bé không phát triển ngang nhau. Nó cần tập nhiều, không phải chỉ ở trường mà ở nhà nữa. Để khuyến khích và làm gương cho trẻ, ta tìm một câu chuyện thật hấp dẫn đọc lớn cho trẻ nghe. Trẻ cần đọc lớn cho quen và qua hình ảnh đọc sách của ta, trẻ có thể kết luận : « A ! đọc sách thú vị thật ».

Khi trẻ đã thích đọc sách rồi, dường như không có gì cấm cản chúng đọc được nữa. Chúng thường tìm các loại sách xứng hợp với ý thích của chúng, sách về khoa học, vạn vật, chuyện tích, v.v… Ở nước ta chưa có đủ các loại sách cho trẻ đọc. Thật là một kém khuyết rất lớn cho sự giáo dục và mở rộng tầm kiến thức cho trẻ. Nếu có thể được, ta nên tìm sách theo ý thích nghiên cứu của trẻ. Có nhiều trẻ bộc lộ ý thích của mình ra, những trẻ khác lại giữ kín trong lòng. Có đứa bày tỏ ý thích của nó nơi học đường và không hề hé răng ở nhà. Lại có đứa có ý thích rất mơ hồ, nếu được khuyến khích, sẽ lộ hẳn ra. Việc chọn sách theo ý thích của trẻ không phải dễ vì ý thích ấy có thể thay đổi rất thường. Nếu ta tỏ ra thông cảm và muốn nghe trẻ nói, nó sẽ tin tưởng và bộc lộ ý muốn nó.

Các trẻ từ sáu đến mười hai tuổi đều có thú tiêu khiển riêng như : đánh đàn, sưu tập tem thư, đá hoa, nhãn thuốc, nút chai nước ngọt, v.v… Có những ý thích mau phai, chỉ vài tuần lễ hoặc sau vài ngày, cũng có những ý thích khác lâu bền hơn, hằng tháng hoặc cả nhiều năm. Nếu cha mẹ chịu quan sát và giúp trẻ có thể khuyến khích trẻ tìm tòi thêm nơi sách vở để hiểu rõ môn nó thích.

Các môn sưu tập, như tem thư chẳng hạn, là lối thúc đẩy trẻ học thêm sử ký và địa lý. Môn sưu tập nầy rất có lợi và thường làm trẻ thích thú hằng nhiều năm. Sưu tập các loại côn trùng cũng là môn học rất có ích, thường đòi hỏi trẻ phải đọc sách nhiều và hoạt động ngoài trời nữa.

Các loại sưu tập khác như, nhãn quẹt và nút chai, không giúp ích trẻ bao nhiêu. Trẻ mau chán và sẽ đổi qua những môn sưu tập khác có lợi hơn, nếu nó biết.

Những đứa trẻ khác lại thích đi cắm trại, nấu cơm, làm bánh, v.v… cần được hướng dẫn và chỉ bảo đọc thêm sách, báo dạy về những môn ấy.

Nếu chú ý, ta thấy dường như bất cứ một khía cạnh nào của cuộc sống con trẻ cũng đều có thể được lợi dụng để hướng dẫn trẻ đến đọc sách.

Sách hài hước : Có thể từ 90 đến 95 phần trăm trẻ giữa tám đến mười lăm tuổi đọc các loại sách ta tạm gọi là sách hài hước. Học sinh lớp nhứt thích đọc loại nầy hơn cả. Con gái khởi đọc loại sách nầy sớm hơn, đọc ít hơn và chán đọc sớm hơn con trai. Không phải chỉ trẻ nhỏ mới đọc loại nầy, mà có đến ba mươi lăm phần trăm người lớn là độc giả thường xuyên.

Theo sự điều tra của các đoàn thể thì việc đọc sách hài hước nầy ít ảnh hưởng đến việc học ở trường. Từ những học sinh xuất chúng đến đứa học chậm đều có đọc loại sách nầy cả. Dầu vậy nó vẫn là mối lo ngại của phụ huynh khắp thế giới. Quốc hội Mỹ đã từng phái một ủy ban đi điều tra vấn đề nầy.

Tại sao sách hài hước lại là mối lo ngại của phụ huynh ?

Loại sách nầy có tầm biến đổi rộng lớn, từ những cuốn có hình thú vật hoặc người có vẻ hoạt kê, đến những chuyện mạo hiểm, giết người vô cùng kinh khiếp, hoặc hoang đường vô lý, thuộc loại « chưởng ».

Mấy năm trước đây, các bậc làm cha mẹ ở Hoa kỳ phản đối, chống loại sách nầy. Có nhiều người cho rằng việc thiếu niên phạm pháp càng tăng là do ảnh hưởng của loại sách nầy. Để củng cố việc làm ăn, các nhà xuất bản họp lại và đề ra những tiêu chuẩn cao hơn cho loại sách bán chạy nầy. Dầu vậy, loại sách nầy vẫn không được cha mẹ chuộng để mua cho con cái mình đọc. Nhưng sách vẫn bán chạy vì rẻ tiền. Người ta bày bán ở các sạp báo bán lẻ, ở lề đường cho đến tiệm sách. Sách rẻ nhờ in nhiều, giấy xấu, đóng cẩu thả, hình vẽ thô sơ, mầu lòe loẹt, không cần chú trọng đến lời đối thoại hay văn chương gì cả. Đọc sách loại nầy không gợi ý cho người ta suy tư, không cần phải nhạy cảm, không tốn nhiều thì giờ.

Trẻ để ra hằng giờ để đọc loại sách rẻ tiền nầy. chúng trao đổi với nhau để đọc cho đến khi rách te tua cả ra. Có thể ta cần nêu câu hỏi : Đọc các loại sách được chọn lọc kỹ, để thách thức trí thức và rung động tâm hồn chúng nó chăng ? Viễn ảnh thật đáng bi quan !

Sách bán chạy là nhờ con buôn khai thác những điểm nầy để làm lợi khí :

– Thỏa mãn lòng ham muốn hoạt động và thám hiểm của trẻ.

– Diễn biến câu chuyện thay đổi liền liền để dễ thỏa lòng và gợi thêm những gay cấn khác, hứa hẹn nhiều gay cấn hơn.

– Dễ đọc : Một phần lớn không cần phải đọc chữ, chỉ theo dõi hình ảnh cũng đủ hiểu câu chuyện, cho nên trẻ nhỏ chưa biết chữ cũng đọc được.

– Có bán khắp nơi. Quảng cáo mạnh.

Ngoài loại sách nầy, trẻ không còn cách nào khác để đọc.

Hầu như tất cả trẻ con đều đọc sách nầy vì chúng thấy các trẻ khác đọc. Đứa bé muốn được giống như mọi người nên cũng đọc. Có nhiều bậc phụ huynh tưởng con cái mình không bao giờ đọc loại sách vô giá trị nầy. Họ không cho phép chúng mua, không cất giữ ở nhà. Nhưng họ có biết đâu chúng nhịn ăn để mua, rồi mượn, trao đổi lẫn nhau để đọc trong lớp học, ngoài sân chơi, trên đường đến trường, trên đường từ trường về nhà, và nguy hơn nữa, đọc ngay trong lúc thầy giảng bài. Trước sự kiện ấy dầu có cấm đoán trẻ cũng còn khó, đôi khi còn làm cho trẻ điêu luyện hơn trong sự gian dối để qua mặt người lớn.

Giờ chỉ còn cách cho chúng sách khác, sách có giá trị hơn để đọc. Các bậc phụ huynh phải chịu tốn tiền để mua sách giá trị. Hãy ủng hộ các hiệp hội, đoàn thể hoặc nhà xuất bản nào dám gánh lấy trách nhiệm chọn lọc sách đứng đắn để ấn hành cho trẻ. Các loại sách hoang đường được phát hành nhiều chừng nào thì loại sách giá trị đứng đắn cũng phải được sản xuất ít nữa, nhiều chừng nấy, để trẻ dễ lựa chọn. Trẻ đã quen lối kể chuyện bằng hình minh họa câu chuyện. Sách cho trẻ cần ngắn, đủ cho nó đọc luôn một mạch. Sách dài dễ làm trẻ chán. Sách chuyện đứng đắn cho trẻ đọc cũng cần phải lý thú, vui, vì loại sách hài hước làm trẻ vui, nên chúng thích đọc mà không cần ai khuyến khích chúng cả.

Nếu thật quan tâm đến phần giáo dục trẻ qua sách báo, ta nên lựa những sách báo hợp với những tiêu chuẩn lành mạnh, hướng thiện và mở mang kiến thức của trẻ.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x