Trang chủ » 5. Những chuyện không nên kể

5. Những chuyện không nên kể

by Hậu Học Văn
11 views

Đã thấy một câu chuyện có ảnh hưởng đến trẻ con như thế nào, ta cần phải thận trọng trong việc lựa chọn câu chuyện để kể cho con trẻ nghe. Có thể phải thận trọng hơn cả việc lựa sách cho con trẻ đọc nữa, vì số sách trẻ đọc được có giới hạn, còn nguồn tài liệu chuyện tích thì nhiều vô kể. Riêng các bậc phụ huynh đọc được ngoại ngữ thì càng có nhiều chuyện để kể cho con trẻ nghe hơn.

Theo tiêu chuẩn giáo dục thuần túy và đạo đức, người ta đề nghị không nên kể cho con trẻ nghe các loại chuyện nầy :

Thần thoại : Hoang đường, huyễn hoặc, do trí tưởng tượng của người mà thôi. Lối sống, cách hành động và lời nói của các thần nầy đều là tưởng tượng, không đáng cho ta noi theo. Người ta đem những buồn, vui, thương, ghét, ăn, uống, cưới, gả, giết chóc, làm ái tình, cả những tội lỗi hàng ngày của con người mà gán cho các thần, thì các thần kia còn kém hơn con người vì do con người đặt ra theo cảm nghĩ và ý muốn của họ, nên không đáng cho ta tôn sùng. Hơn nữa, nếu trong nhà có thờ, hoặc trong trường có dạy về Chân Thần, những chuyện thần thoại sẽ làm trẻ lẫn lộn thần giả với thần thật, càng làm cho trẻ hoang mang thêm. Để được an toàn hơn, đừng kể chuyện thần thoại cho trẻ nghe.

Tiên thánh : Cũng là những chuyện bịa đặt, cố làm cho người ta tin có một hạng người nào đó-cả thiện và ác có quyền phép siêu phàm, thoạt biến, thoạt hiện, làm những việc mà con người không thể làm được. Loại chuyện nầy làm cho trẻ hoang mang giữa hư và thật. Đối với người có đạo Cơ Đốc, loại chuyện nầy có hại đặc biệt, vì làm cho người nghe nghi ngờ đến phép lạ ghi trong Kinh Thánh, không nhận biết thiên sứ hộ vệ mà Đức Chúa Trời ban xuống để bảo vệ con cái Chúa ở trần gian, và làm cho người ta nghi ngờ luôn sự thực hữu của Đức Chúa Trời nữa.

Võ hiệp kỳ tình : Thường quá hung bạo và quá lãng mạn, hoàn toàn không thích hợp với trí non nớt đang tìm hiểu của trẻ, dầu loại chuyện này được khoác bên ngoài hình thức hài hước cho con trẻ dễ đọc. Dầu trong chuyện có đề cao cử chỉ hào hiệp nhưng cũng không kém những mưu mô quỉ kế, những cử chỉ hoặc lời nói đê tiện, mà con trẻ dễ bắt chước làm theo.

– Chuyện ma quỉ : Loại chuyện nầy không phải chuyện giải trí, không có tác dụng giáo dục nhưng người lớn ưa kể, thích nghe. Người ta muốn sống vài phút trong nghẹt thở, căng thẳng tinh thần qua câu chuyện quái đản, cho lòng hồi hộp với những nét khiếp đảm, hãi hùng. Người lớn mà còn « toát mồ hôi lạnh » thì tâm trí non nớt, thần hồn kém yếu của con nít còn nguy hại biết mấy mà kể. Những chuyện ma quỉ chỉ làm cho con nít sợ bóng tối, sợ chiếc áo treo trên tường, sợ cây chuối rung mình trong cơn gió sau hè. Và khi bất cứ cái gì quanh nó cũng có thể làm cho nó lo sợ, thì giữa hại và lợi, điều nào lớn hơn ?

Đề cao điều ác : Ngoài những chuyện bịa đặt, hoang đường, không thích hợp với trẻ, thì ta còn lại chuyện thật. Nhưng không phải chuyện thật nào cũng tốt, cũng có lợi cho trẻ đâu. Một án mạng, một hành động tàn bạo khéo kể thường làm cho người ta thích thú trong tội ác. Những loại chuyện như thế lại xuất hiện trong hầu hết các loại sách báo ngày nay, và là nguyên nhân của việc thiếu niên phạm pháp càng ngày càng tăng thêm. Những khía cạnh không được đẹp của câu chuyện mà người ta nêu lên, dầu là ác mộng hay là diễn tả tỉ mỉ sự thật đều gây nên ảnh hưởng như nhau.

Có người lý luận rằng kể những câu chuyện gian ác như vậy là để dạy trẻ đừng làm theo. Nhưng dạy bằng cách đó có kết quả thỏa đáng hay không ? Hay đó là hành động phản giáo dục ?

Người ta có kể chuyện một người nọ rất muốn làm giàu. Anh bằng lòng hy sinh mọi sự, sẵn sàng chịu bất cứ một sự cực khổ nào cũng được, miễn là mình có thể trở nên giàu có. Anh ta được mách đến một thầy phù thủy nọ có đủ tài phép để làm cho anh ta giàu đến đỗi bạc và vàng chỉ đáng để lót đường đi mà thôi. Anh ta mừng quá, bán hết mọi tài sản, đem tiền đến dâng cho thầy phù thủy nọ để đổi lấy câu thần chú làm giàu. Thầy phù thủy dặn anh ta về nhà, trong ba ngày đêm liền đừng nói đến đuôi chồn, cũng không được nghĩ tới hay tưởng tượng ra đuôi chồn thì trở thành người giàu nhứt thiên hạ ngay. Người nầy có trở nên giàu thật hay không ? Dĩ nhiên là không, vì trong tâm trí anh ta cứ lởn vởn mấy cái đuôi chồn hoài. Anh lại nằm mơ thấy cả bầy chồn đến quét đuôi vào mặt, vào mình anh ta. Trước kia không bao giờ anh ta nghĩ đến đuôi chồn, nhưng khi thầy phù thủy « giới thiệu » cho anh ta đuôi chồn và biểu đừng nghĩ đến, thì đuôi chồn lại mãi hiện ra trong trí anh ta. Anh cố quên, nhưng càng cố quên lại có nghĩa là nhắc nhở mãi, và hình ảnh kia càng in sâu đậm trong tâm trí anh ta hơn.

Xem đấy, chúng ta thấy nếu dùng chuyện tích để dạy trẻ, phải cẩn thận kẻo kết quả sẽ hoàn toàn trái ngược điều ta mong muốn. Muốn được an toàn, ta nên tránh kể những câu chuyện có tánh cách quảng cáo điều ác.

– Trẻ tồi tệ trở thành vĩ nhân : Những câu chuyện về các trẻ tồi tệ mà về sau lại thành vĩ nhân, tạo nên những hình ảnh méo mó trong trí trẻ. Trên thực tế cũng có những chuyện như vậy thật. Có những người lúc còn bé thật gian ác, sau lại nhờ quyên phép thiên thượng mà trở nên người có lợi cho xã hội.

Người lớn chấp nhận chuyện nầy như một ngoại lệ. Nhưng trẻ con lại đinh ninh đó là chuyện thường tình xảy ra ở đời. Nhiều khi trẻ nghĩ rằng nếu muốn thành vĩ nhân như người trong chuyện, nó phải có hành động như người kia lúc còn trẻ tuổi.

Mặt khác, ta có thể nêu những câu chuyện rất thật để dạy cho trẻ biết tâm tánh con người lúc bé thế nào, lớn lên phải thế ấy. Florence Nightingale, bà tổ của ngành điều dưỡng, khi còn bé thích săn sóc, nuôi nấng chó hoang, mèo hoang ở trong làng. Cậu Thomas Edison lúc nào cũng say mê thí nghiệm với chai, lọ, công thức nọ, kia. Felix Mendelssohn đã sống với hồn nhạc từ lúc hãy còn bé tí teo, thường dùng tiếng đàn để diễn tả cho chị vú nghe chim hót mê li như thế nào, tiếng suối reo quyến rũ ra sao. Marie Rosa Bonheur phải hai tay mới cầm nổi cọ vẽ mà đã bắt đầu vẽ hình các loại thú nhà. Khi còn nhỏ Trần Quốc Tuấn vì căm giận quân thù mà bóp nát quả cam lúc nào không hay, v.v… Đó là những gương sáng để trẻ noi theo và rất có thể chúng sẽ thành công như người trong chuyện.

Mạ lị tôn giáo : Những chuyện có tánh cách mạ lị tôn giáo hay chế giễu những người lo chức vụ tinh thần, rất có hại cho trẻ con. Nếu dùng chuyện trong Kinh Thánh, không nên xuyên tạc, không nên dùng như là chuyện hài hước đảo lộn chân lý trong ấy. Trái lại, nên tập cho trẻ biết kính trọng những sự vật thánh và tách rời khỏi hẳn việc thường tình.

Khi người ta tư tưởng mãi việc gì, họ dễ chuyển tư tưởng ấy thành hành động. Một câu chuyện kể đúng cách dễ làm người ta suy tưởng. Như vậy chuyện tích thật quan trọng biết chừng nào trong vấn đề giáo dục trẻ con. Bởi lẽ ấy, những bậc cha mẹ, giáo viên, những người có phận sự chăm lo trẻ con, nếu thật tâm dạy dỗ con trẻ, hẳn không thể nào không cố gắng để nghiên cứu thuật kể chuyện.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x