Trang chủ » 4. Ăn cắp

4. Ăn cắp

by Hậu Học Văn
8 views

Trong những bản tánh của con người, dường như bản tánh chiếm hữu phát hiện sớm nhứt. Có người cho bản tánh ấy phát hiện đồng một lần với sự tiêu hóa. Một đứa trẻ ôm cứng vú mẹ bú mãi cho đến khi nó chán chê hoặc ngủ thiếp đi mới chịu buông ra. Tuy vậy trẻ chưa hề có ý niệm tư sản. Ý niệm ấy chỉ phát hiện khi trẻ được hai tuổi trở lên. Vì vậy cha mẹ phải sớm dạy cho con cái biết tôn trọng trật tự chung của xã hội, tức trọng tư sản của người khác.

Một trong những nguyên nhân của tánh ăn cắp là sự bất mãn. Trẻ bất mãn vì bị dứt sữa quá sớm hoặc ăn uống thiếu thốn trong mấy tháng đầu tiên của cuộc đời, là lúc sự tiêu hóa mới chớm và phát triển mạnh. Cũng có thể trẻ bất mãn vì bị ngược đãi, bị bỏ rơi và dường như lúc nào cũng đòi hỏi công lý.

Có nhiều bậc phụ huynh tốt bụng muốn tập cho con em mình tánh vị tha, buộc trẻ phải cho bớt đồ chơi của nó đi, hứa sẽ mua món khác bù lại, nhưng họ quên thực hiện lời hứa của mình. Qua những sơ hở đó, cha mẹ đã đẩy con mình vào đường trộm cắp hồi nào không hay. Đành rằng thời đại chúng ta rất hiếm những con người vị tha, và để quân bình mức sống của xã hội, cần sớm phát triển lòng rộng lượng nơi trẻ con, nhưng nếu không khéo, người lớn làm con trẻ cảm thấy chúng bị truất mất quyền tư hữu đi. Sự bực dọc vì vậy ngấm ngầm nẩy nở trong con trẻ mà nó không thể nói ra được. Càng không nói ra được, sự bất mãn càng mạnh thêm mãi đến độ nó bất cần cái qui chế bất công của xã hội, cũng không thèm tôn trọng quyền tư hữu của người khác làm gì.

Có phải việc lấy đồ vật của người khác lúc nào cũng bị liệt vào hạng trộm cắp chăng ? Không hẳn như vậy đâu. Một đứa trẻ từ 1 đến 3 tuổi lấy đồ của người khác không thể bị kể là ăn cắp, vì nó chưa ý thức được tư sản, nó không hiểu được vật nào là vật của nó và vật nào là vật của người khác. Nó lấy vì nó thích. Bởi thế đừng làm cho trẻ cảm thấy nó bi phạm tội trọng, mà chỉ cần nhắc nó rằng vật ấy là vật của Hải, một lát nữa Hải cần có để chơi.

Nhưng với đứa bé từ sáu tuổi trở lên, việc lấy đồ vật của người khác là trộm cắp hẳn hoi. Nó đã biết rõ việc lấy đồ vật của người khác như vậy là không phải, nên nó lấy một cách lén lút, giấu kỹ vật nó đã lấy, và chối phăng khi bị hỏi đến.

Tuy nhiên, cũng có trường hợp đứa bé đã bảy tám tuổi, con nhà khá giả, có đầy đủ đồ chơi, thế mà thỉnh thoảng ăn cắp một ít tiền trong túi áo của má, một cây viết chì của bạn học, một cây thước của cô giáo, v.v… Đôi khi nó lại không cảm thấy việc lấy đồ vật của người khác như vậy là ăn cắp vì nó cũng có những vật như vậy, mà còn đẹp hơn là khác. Thật ra tình cảm nó bị xáo trộn mãnh liệt, nó cảm thấy thiếu thốn một cái gì nên thử làm thỏa mãn bằng cách lấy đồ vật của người khác mà nó không cần đến. Các đứa trẻ như thế thường cảm thấy bất hạnh hoặc cô độc ít nhiều. Có thể nó không hưởng được sự yêu thương nồng ấm của cha mẹ, hoặc giả không được hoàn toàn thành công trên đường kết bạn (tuy được rất nhiều người biết đến). Những trẻ cảm thấy cha mẹ xa cách với chúng quá lại không được sự triều mến của bạn bè, thường thấy mình quá lạc loài, nên ăn cắp để đi « mua chuộc » bằng hữu bằng bánh kẹo hoặc tiền mặt.

Việc trẻ cảm thấy cha mẹ xa cách với chúng, không hẳn là xa cách thật ở thể xác, mà thường xa cách ở tinh thần. Cha mẹ thường hay cấm đoán trẻ trong gần hết mọi mặt, không tán thưởng những thành quả của nó dầu chỉ là những thành quả nhỏ nhen mà chúng thâu gặt được. Nói tóm lại, cha mẹ không hiểu trẻ, không cùng sống với trẻ. Việc xa cách nầy có thể kéo dài đến suốt đời, nhưng phần lớn ở những năm đầu của tuổi dậy thì là lúc trẻ cảm thấy cô độc hơn bao giờ cả. Sở dĩ trẻ cảm thấy cô độc như vậy vì vào tuổi nầy trẻ tự quan tâm đến mình, rất nhạy cảm và thích độc lập hơn.

Ngoài ra còn có những yếu tố khác dự phần vào việc lấy cắp của trẻ, mà những yếu tố nầy cũng ngã về mặt tình cảm, như sợ hãi, ganh tị, chống đối, trả thù…

Có những trẻ lấy cắp tiền đi tiêu pha phung phí trước bạn bè để lấn áp cái mặc cảm thấp kém của mình. Bác sĩ Allundy gặp một trường hợp đứa trẻ lấy tiền của người lớn để mua đồ chơi cho con của người ấy nhỏ hơn nó. Nó muốn tỏ ra rộng lượng mà cũng để trả thù sự thiếu thốn của nó khi nhỏ.

Có những trường hợp lấy cắp khác do từng nhóm trẻ tổ chức. Chúng coi như đó là hành động của những người dám sống và đáng sống. Vài trường hợp một trẻ hiền lành lại đi lấy cắp như vậy, vì nó muốn các trẻ khác nhận nó vào đoàn thể nên phải bày tỏ cho người khác thấy nó cũng « thành người » như ai vậy.

Khi có một trường hợp mất cắp, ta có thể đoán ra nguyên nhân bằng cách tìm coi vật mất cắp là gì, tánh tình của người bị mất ra sao và trẻ lấy vật kia để làm gì. Khi đã tìm ra nguyên nhân rồi, cần trị nguyên nhân kia mới có thể chữa được tật ăn cắp. Cho trẻ biết đích xác nó đã lấy vật gì, lấy ở đâu và buộc chúng phải hoàn lại cho chủ cũ. Nói cách khác, cha mẹ hoặc giáo viên phải quả quyết như vậy là để cho trẻ khó nói dối được. Có thể cha mẹ hoặc giáo viên cần theo giúp đỡ hoặc thay mặt mà hoàn lại vật trẻ đã lấy. Làm nhục trẻ không ích lợi gì cả.

Có lần ông hiệu trưởng trường tiểu học nọ đồng ý với cha của đứa trẻ, đem bêu xấu nó giữa lớp học. Kết quả là đứa bé đâm liều, càng lấy cắp nhiều hơn nữa. Dầu sao nó cũng đã xấu rồi, cần gì phải gìn giữ nữa. Trong trường hợp ấy, nếu người ta cảm thông nỗi bực tức, bất mãn nào đó ngấm ngầm sôi dậy trong nó mà bày tỏ tình yêu thương và lòng triều mến nó, kết quả có thể khác hẳn.

Cần trừng phạt kẻ lấy cắp chăng ? Phải thận trọng đặc biệt. Thường khi người ta chỉ trừng phạt tội đứa bé vụng về để bị bắt gặp khi lấy cắp hơn là trị tội lấy cắp. Cần cho trẻ biết chắc chắn rằng tội lấy cắp bị cấm đoán hẳn trong luật pháp của loài người cũng như luật pháp của Thượng Đế.

Việc trộm cắp cũng giống như con vi trùng. Nếu không có cơ địa thuận lợi và khí hậu thích hợp, không thể nào sanh sản được. Vì vậy đừng tạo cơ hội cho trẻ ăn cắp còn hơn là để trẻ ăn cắp đến mực trầm trọng mới đem trừng trị.

Đừng đối xử bất công với trẻ. Theo lời bác sĩ Allundy thì đứa trẻ ăn cắp là đứa trẻ bị một sự bất công nào đó, mà sự bất công kia có thể là sự thật, nhưng cũng có thể chỉ ở trong trí tưởng tượng của trẻ thôi. Giúp cho trẻ bày tỏ sự bực bội của nó ra, tức đưa có khỏi con đường ăn cắp vậy.

« Ăn cắp quen tay ». Cũng giống như nói dối, trẻ càng ăn cắp càng điêu luyện hơn. Nó có thể dùng quỉ kế hoặc lời nói dối đã được chuẩn bị để đánh lạc hướng những người nghi ngờ nó. Thoạt tiên nó chỉ lấy vật nhỏ thôi, nhưng lần lần nó sẽ lấy vật lớn hơn, mãi về sau nó có thể cướp cả mạng sống, sự an vui và hạnh phúc của người khác. Vì vậy cần sớm dạy cho trẻ biết tôn trọng qui tắc của xã hội mà nó cần phải theo. Qui tắc ấy không phải làm nó bị thiệt thòi, nhưng là sự bảo đảm vững chắc cho nó khỏi quyền hạn của kẻ mạnh hơn nó.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x