Trang chủ » X. Coi chừng con trẻ lắng tai nghe

X. Coi chừng con trẻ lắng tai nghe

by Hậu Học Văn
9 views

Người lớn chúng ta thường sống trong thế giới riêng của mình, biệt lập hẳn thế giới riêng của trẻ con. Tuy trẻ con hằng ở bên cạnh và ngay trước mặt nhưng ta ít khi chịu khó tìm hiểu thế giới ấy. Trong khi ta không quan tâm đến con trẻ, thì trái lại, trọn khoảng thời gian ấy, trẻ con để tâm quan sát thế giới của người lớn. Trong lúc ta cho con nít còn quá nhỏ, chẳng biết gì, thì chúng âm thầm cố công dò xét, ghi nhận những gì chúng thấy và nghe, rồi giải thích theo lối riêng, để dùng mọi điều ấy tạo thành một vũ trụ riêng biệt của trẻ con.

Có bao giờ ta thử tìm hiểu làm sao trẻ con biết nói, làm sao chúng học hỏi được ? Con trẻ biết nói và học hỏi được là nhờ chúng nghe và thấy. Chúng nghe giọng ta nói khi thấy đôi môi ta mấp máy, chúng liền vận dụng trí năng của chúng để bắt chước theo đúng như điều chúng thấy và nghe. Nếu một hài nhi chẳng may bị điếc, hẳn nó sẽ bị câm luôn.

Đứa trẻ lớn dần, nó càng cố ý bắt chước nhiều hơn. Bởi đâu nó biết nói tục, mở miệng ra là chửi thề, v.v… ? Trong giai đoạn bắt đầu biết khôn nầy, phải chi những người làm cha mẹ biết thận trọng lời nói, để chỉ gieo vào lòng trẻ niềm tin cậy, lời lễ độ, tư thái khoan hòa để giúp trẻ phát triển một tư chất tốt đẹp thì quí biết chừng nào !

Trong thực tế, những quan điểm trao đổi nơi bàn ăn cũng như cách đối đãi thiếu tự trọng giữa vợ chồng, thêm vào những gì con trẻ nghe và thấy nơi hàng xóm, chỉ chứa toàn tư tưởng chán nản, tuyệt vọng, được diễn tả bằng những lời nói đầy thống trách, đã ghi lại cho con trẻ một ấn tượng đen tối về cuộc đời. Ta ít lưu tâm nhưng chính những lời nói được thốt ra nơi bàn ăn quyết định một phần lớn những vấn đề nan giải trong gia đình. Bác sĩ Bossard, giáo sư xã hội học của Đại học đường Pennsylvania, sau nhiều năm nghiên cứu bằng cách cho máy ghi âm thâu vào băng nhựa mọi câu chuyện trao đổi nhau nơi bàn ăn của trăm ngàn gia đình, đã mạnh bạo cảnh cáo điều nầy. Theo bác sĩ thì con người hầu hết đều có một thói quen cố hữu và thuộc về một hạng người rõ rệt, mà hạng chỉ trích là hạng đông nhứt.

Bác sĩ than : « Họ là nhóm người ít khi nói một lời có lợi cho kẻ khác. Họ cứ ba hoa luôn mồm, nói đi nói lại mãi những chuyện của bạn bè, cha mẹ, bà con ; họ cứ vạch lá tìm sâu, bươi móc những chuyện riêng tư của người khác, từ chuyện bếp núc, chợ búa của bà nầy, bà nọ, đến chuyện vớ vẩn, đần độn của ông nọ, ông kia ».

Có những người chuyên bộc lộ những câu chuyện khác ngay trong gia đình, giữa bàn ăn, mà bác sĩ gọi họ là những người chuyên cãi lộn. Đây là hành động có tánh cách nguy hại trầm trọng mà người ta ít khi nghĩ đến. Con trẻ của chúng ta phải sống trong bầu không khí nầy với mọi thành kiến sâu đậm, và ảnh hưởng ấy sẽ di truyền mãi để phát hiện sau lúc chúng thành lập gia đình.

Có những trường hợp mà lời nói vô ý thức của người lớn với nhau trước mặt con trẻ có ảnh hưởng cấp thời. Một giáo viên vì đau ốm liên miên nên không thể dạy học hăng hái và đầy đủ bổn phận. Trong cuộc thảo luận ở gia đình, ông hiệu trưởng quyết định sẽ cho thầy nghỉ dạy. Hôm sau, nơi lớp học, thầy vẫn chưa hay biết gì cả, kêu con ông hiệu trưởng lên trả lời. Thằng bé không thuộc bài nên bị khiển trách. Nó lớn tiếng trả lời :

– Thầy đừng có làm tàng. Mai mốt thầy không còn dạy ở đây nữa đâu mà lên mặt…

Nếu xét cho kỹ ta sẽ thấy rất nhiều phụ huynh có thái độ tương tự như ông hiệu trưởng nầy. Vin vào một sơ xuất nhỏ của giáo viên, họ không tiếc lời chỉ trích, sỉ vả ông thầy trước mặt con dầu là không có mặt ông thầy nơi đó. Qua hành động ấy họ vô tình làm mất lòng cảm phục giáo viên vốn có trong tâm trí non nớt của con cái mình, để rồi sau nầy dầu lời thầy dạy rất hay, con trẻ vẫn dè dặt hoặc xem như đó là lời giả dối. Nếu cha mẹ biết dè giữ miệng lưỡi mình, nếu cảm thông và hiểu biết, công việc của giáo viên sẽ nhẹ đi nhiều, và chính phụ huynh và con cái mình đã được phần lợi lớn hơn.

Một trong những nguyên nhân gây tội ác càng ngày càng tăng gia là tâm trí của cha mẹ quá bận rộn với những công việc khác, trừ việc dạy dỗ con cái. Ta nên nhớ luôn rằng nhiệm vụ của ta là đào luyện cá tánh của con cái, mà cá tánh ấy phải được đặt nền tảng trong gia đình, qua gương mẫu của người lớn chúng ta.

Đôi khi chúng ta thấy mình lỡ lầm trước mặt trẻ con, nhưng không muốn nhìn nhận là mình đã lầm lỗi. Không nhìn nhận mình lầm lỗi có nghĩa là mình sẽ khó thay đổi được cách sống, khó mà bắt con cái mình sống khác hơn cách sống của mình. Biết bao nhiêu lần ta rầy la con cái mà không chịu xét coi ai đã làm gương xấu cho chúng. Ở xứ Congo có một câu chuyện nhỏ như sau :

Tất cả các loài cá trong xứ Congo đều hội lại trong một cái hồ lớn, rồi theo từng loại, từng giống mà chúng biểu diễn cách lội của chúng trước mặt mọi giống cá. Sau cuộc biểu diễn, trên đường về, con lươn mẹ bơi cặp theo bầy lươn con mà rầy :

– Tụi bây hôm nay làm xấu mặt tao quá chừng ! Sao không cứ thẳng mình mà lội như các loại cá khác coi phải đẹp hơn không ? Đằng nầy cứ ẹo ẹo cái mình mà bươn tới, coi thật xấu xí quá chừng…

Mấy con lươn con không dám trả lời tiếng nào cả. Chúng vẫn ẹo ẹo thân mình mà lội tới.

Một con cá chép già ở phía sau thấy vậy mới lên tiếng :

– Nầy chị lươn ơi, mẹ nào con nấy, sao chị còn trách chi tội nghiệp bầy trẻ. Chị ẹo ẹo thân mình mà lội thì con chị cũng lội giống y như vậy đó.

Bác sĩ giáo sư Bossard có đề nghị một phương pháp gọi là phương pháp khách quan. Theo phương pháp nầy, những người lớn họp lại để thảo luận với nhau về những vấn đề trong gia đình một cách đứng đắn, với tinh thần hiểu biết và trầm lặng, nhưng đôi khi điểm thêm nét khôi hài ý nhị. Con cái cũng được mời đến dự cuộc thảo luận nầy, chúng có quyền góp ý kiến và người ta cũng sẵn sàng nghe chúng. Bác sĩ cho biết phương pháp nầy rất có kết quả, và đã giúp ích rất nhiều gia đình rồi.

Vẫn theo cách trên, nhưng nếu không thể hợp một lần nhiều gia đình, ta có thể họp riêng gia đình ta. Nên nhớ cuộc hội họp nầy không phải để kiểm thảo lẫn nhau, mà là nêu lên một đề tài để cùng nhau thảo luận, như thế tâm trí chúng ta không còn rảnh rang để nghĩ đến những chuyện vô ích, và ta cũng không có thì giờ để chỉ trích người khác.

Một viên luật sư đã theo phương pháp nầy trong nhiều năm liền. Nơi bàn ăn, vị luật sư đề nghị một đề tài thảo luận. Vợ, hai con và ông cùng góp ý kiến và cùng nghiên cứu mọi khía cạnh của vấn đề. Ngày nay cả hai đứa con của ông đều đã có gia đình riêng, nhưng cuộc thảo luận của ngày nào vẫn còn in rõ trong trí họ và được phác họa lại ngay trong gia đình riêng của họ.

Nói đến vấn đề thảo luận gia đình nầy, chúng tôi không dám bảo đảm rằng con em ta sau nầy sẽ hòa mình phù hợp hoàn toàn với xã hội, nhưng ít ra chúng cũng giữ được nét quân bình, tin tưởng nơi cha mẹ hơn và cả gia đình có thể tránh được một thói quen không mấy đẹp.

Ta phải hết sức thận trọng lời nói trước mặt con cái, vì vị giáo sư đại tài Giê-su Cơ Đốc đã từng dạy : « Chẳng phải điều chi vào miệng làm dơ dáy người, nhưng điều chi ở miệng ra, ấy mới là điều làm dơ dáy người vậy ».(Ma thi ơ 15 : 11)

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x