Trang chủ » Sợ chết

Sợ chết

by Hậu Học Văn
5 views

Một đám xác đi ngang qua nhà khêu dậy tánh tò mò của trẻ, nó liền hỏi :

– Người ta làm gì đó ba ?

Ba nó trả lời :

– Người ta đem chôn người chết ?

– Chôn là sao, hở ba ?

– Là người ta đào lỗ thật sâu, rồi đặt người chết nằm xuống đó, rồi lấp đất lại ?

Đứa nhỏ lại hỏi :

– Người đó có lên được không, ba ?

– Chết rồi, đâu có lên được nữa.

Đứa bé càng thêm thắc mắc :

– Chết là gì hở ba ? Tại sao người ta chết ?

Nếu có dịp đi ngang nghĩa địa, đứa bé níu áo mẹ nó, hỏi :

– Chỗ nầy để làm gì vậy má ?

– Để chôn người chết đó con à ?

– Mình còn gặp được người chết không, hở má ?

– Không, con à.

Đứa trẻ hoang mang, lo sợ về sự chết lắm. Dầu có trò vui chơi làm cho nó tạm quên, nhưng rồi sẽ trở lại với ý tưởng « chết ». Khi con trẻ thấy việc gì, nó lại đem ứng dụng cho nó. Thấy một người chạy xe gắn máy qua, nó quên lửng người lái xe đi mà tưởng tượng nó đang lái xe. Thấy bà gánh chuối chưng đi bán, nó cũng bắt chước quảy gánh đi rao hàng. Gặp một đứa bé tật nguyền, nó mang lấy tâm trạng khốn khổ của người tàn tật. Bây giờ đến sự chết, sự chết làm cho người ta bị chôn vùi dưới đất sâu, không nói chuyện với ai được hết, nó cũng liên tưởng đến nó phải chết, phải chịu phân cách với mọi người, thì nỗi khổ của nó lớn biết bao nhiêu. Nhưng ta không thể che giấu con trẻ được. Ở thời buổi chiến chinh nầy sự chết xảy ra ngày một, và có khi vào ngay nhà đứa bé nữa.

Có nhiều người giải thích cho con trẻ, theo tôn giáo của mình rằng : « Chúa rước người ấy lên trời rồi », hoặc « Người ấy đã lên cõi niết bàn, đến miền cực lạc »… Đối với đứa bé hai, ba tuổi, nó không thể nào hiểu nổi Chúa rước đi tại sao lại làm cho người ta phải chết chôn dưới đất ? Niết bàn ở đâu ? Cực lạc là gì ? Nó không cần gì cả, chỉ muốn ở bên mẹ cha thôi. Nó không muốn theo Chúa, theo Phật, cũng không muốn ba, má nó bỏ nó để theo Chúa, theo Phật.

Một số người khác lại nói : « Những người già cả mệt mỏi lắm rồi, nên họ rất vui mừng mà được nằm xuống nghỉ an như một giấc ngủ ngon thật dài ». Họ cố giải thích sự chết như là một cái gì êm ái, cần thiết, chớ không đáng khiếp sợ, nhưng chết là chôn dưới đất, là không nói chuyện được, và… nằm xuống ngủ một giấc thật dài, thật ngon… liệu tối nay nó đi ngủ, nó có chết luôn không ?

Con trẻ lo sợ vì nó đang ở trong tăm tối mịt mù, tăm tối của kém kinh nghiệm, của dốt nát, của không nhận biết sự việc mau lẹ. Có khi nào trong đêm khuya ta bỗng cảm thấy vô cùng hãi khiếp vì một tội lỗi nào đó, vì một ý tưởng nào đó mà khi trời sáng tỏ nỗi kinh khiếp ấy dường như hoàn toàn tan biến trong ánh sáng mặt trời ? Con trẻ cũng mang tâm trạng như vậy, và nỗi lo sợ của nó dài đằng đẵng vì bóng tối của ngu dốt bao trùm trên con trẻ khá lâu. Nếu người ta đem những cảnh ở thập điện, những hình phạt trong địa ngục mà dọa trẻ, mong nó ăn ở tử tế hơn, kết quả lại càng bi đát hơn.

Nếu bà mẹ là người sợ xác chết, chắc chắn bà không cho phép con bà được lại gần xác của người bà con, và nếu ngoài đường có tai nạn làm chết người, bà sẽ kéo con vô nhà đóng cửa lại. Như thế mà hay, nếu không con của bà sẽ thâu nhận tất cả hãi hùng của bà để biến thành nỗi hãi hùng của nó.

Khi đứa bé lớn lần, cũng như con người bước ra ngoài ánh sáng lần lần, nó nhờ những trò vui chơi, những say mê khác làm xao lãng bớt ý tưởng chết chóc. Mặt khác ta cũng có thể giải thích lần cho trẻ hiểu nơi cuối con đường đời có chiếc xe tang chờ đợi, nhưng bên sau đó còn có sự sống vĩnh cửu chào đón những con người cùng trong một niềm tin nơi Đấng Cứu Thế, để không bao giờ họ phải bị phân cách nữa. Tuy nhiên, nên bảo đảm cho trẻ rằng ta sẽ sống với nó thật lâu, thật dài, cho đến khi thật già ; rồi ôm con vào lòng thật chặt mà hôn để cho nó cảm thấy được an lòng trong vòng tay yêu thương che chở của cha mẹ.

Nếu chẳng may mà trong nhà có tang, điều ấy gây một xáo trộn mãnh liệt trong nếp sống tình cảm của đứa bé. Sự hiện diện của tử thần đã cướp mất đi ông cha, bà mẹ, anh, chị, hoặc em bé, gây nên khiếp sợ cho đứa bé : sợ người chết và sợ bị chết. Nhứt là sợ bị chết, sợ bị phân chia với những người thân.

Trước hết nó cảm thấy một sự mất mát trống vắng, đặc biệt khi người qua đời lại là người gần gũi nó hơn cả. Có một câu chuyện muốn hỏi, một kinh nghiệm muốn san sẻ, nó tìm đến người « tâm đầu ý hợp » hầu thổ lộ tâm tình, để chỉ thấy người ấy không còn nữa. Mỗi ngày nó muốn tìm đến người ấy hằng chục lần, hằng trăm lần, để được an ủi, khen thưởng, chỉ dạy, tiếp trợ, và mỗi lần tìm đến là một lần mang thêm vết thương mới, còn tâm trí thì bàng hoàng bởi sự thiếu vắng ấy, mà phải nhiều tháng sau, nhờ những mê say mới mà nó nguôi ngoai lần.

Ngoài ra đứa trẻ còn mang một tâm trạng khác rất nguy hại cho tinh thần của nó. Đó là mặc cảm tội lỗi. Con trẻ mang lấy mặc cảm tội lỗi nầy không những qua hành động xấu, mà còn qua ý muốn xấu của nó. Và ý muốn xấu thoạt hiện mỗi khi nó gặp việc không vừa ý. Mỗi ngày đứa bé có không biết bao nhiêu cơ hội để giận hờn. Giận vì sự chọc ghẹo của trẻ hàng xóm, bị anh chị hiếp đáp, bị cha mẹ rầy, la, đánh, phạt. Một số căm tức của con trẻ được trút ra, làm cho đối thủ của nó phải đổ nước mắt, hay ít nữa phải bị cha mẹ rầy la nó mới hả hơi. Chúng ta chẳng lạ gì những cảnh đứa bé cứ la khóc mãi cho đến khi nào người « chọc ghẹo » nó bị phạt mới chịu nín. Có những đứa khác thì đánh lại, ném đá rồi chạy, hoặc xé áo, hay đập phá đồ chơi của « kẻ thù ».

Nhiều khi cha mẹ phải lên tiếng cảnh cáo những hành động trả đũa công khai và dõng mãnh của con trẻ bằng những câu : « Coi chừng mầy làm gãy tay nó bây giờ ». « Thôi chớ ! Bộ mầy muốn giết nó sao ? » « Đó, nó muốn lòi tròng con mắt ra rồi kìa ».

Vào những dịp khác, vô tình mà cha mẹ dạy cho trẻ rằng bịnh tật phát sinh do sự không vâng lời, và ý ác của con trẻ. Khi con trẻ làm ồn, bà mẹ hai tay bịt đầu, la lên : « Các con làm um sùm, má nhức đầu quá rồi đây nè ! », hoặc : « Tao thiệt nhức mình nhức mẩy vì tụi bây… » « Bây chơi tạt nước vậy, em đau bây giờ cho coi ».

Bây giờ anh, chị hoặc em của đứa nhỏ bị bịnh tật hoặc vì nguyên do nào đó mà chết, nó ôm mối ân hận lớn trong lòng, nghĩ rằng vì mình có ý hại nên anh, chị hoặc em mình mới bị chết. Ý nghĩ tội lỗi đối với người qua đời nổi dậy trong lòng con trẻ rất khác nhau, nếu người qua đời là người gần gũi và được đứa bé yêu thương hơn cả, thì ý thức tội lội của nó ít hơn, đối với người nó thù ghét thì nhiều hơn. Nhưng đứa bé càng lớn càng ít cảm thấy tội lỗi về cái chết kia, vì nó biết rõ hơn nguyên do gây nên sự chết. Tuy nhiên nó cũng mang một sự hối hận cũng như người lớn hối hận vì đã không chăm nom thuốc men cho đúng mức ; tại sao đưa đi chữa bịnh trễ quá ; tại sao không chịu tốn hơn một chút để đưa đến bịnh viện lớn, nhờ bác sĩ chuyên môn chăm nom ; hoặc tại sao không cho người bịnh ăn đủ món ngon vật lạ trong những ngày còn ăn được. Nói cách khác người ta mang một ý thức tội lỗi về những gì đã làm, và những gì chưa làm được cho người chết.

Phản ứng của đứa bé đối với cái tang trong gia đình rất khác nhau tùy nó là gái hay trai, tùy đời sống nội tâm, tùy nền giáo dục nó thụ hưởng, tùy hoàn cảnh xã hội, v.v… Một đứa bé có thể khóc đến sưng mắt, đến bỏ cả ăn uống, trong khi đứa con anh trai ngồi trầm ngâm lầm lì ở một góc.

Ta phải làm thế nào với cảm nghĩ tội lỗi của đứa bé đối với người quá vãng ? Người La Mã có câu châm ngôn đáng cho ta lưu tâm : « Đừng nói xấu người chết ». Đây cũng là một điều rất khó nghĩ cho trẻ con. Đành rằng ta không nói điều gì xấu về người đã qua đời, nhưng nếu ta cho rằng đứa bé đã chết là một đứa con thật hiếu thảo, chắc chắn nó sẽ thành một thiên thần thánh thiện trên vòm trời cao, sẽ làm cho những đứa con còn lại mang nặng mặc cảm tội lỗi hơn, là dám giận, dám chưởi và có ý hãm hại một thiên thần. Bởi vậy trong câu chuyện thân mật mà cha mẹ nhắc đến đứa con khuất mặt, ngoài việc nhắc đến tất cả những điều tốt đứa bé đã làm, tưởng cũng nên thêm vào một câu với đầy đủ sự hiểu biết mà không hề chỉ trích hay nói xấu, rằng : thỉnh thoảng đứa bé kia cũng làm cho ta bực mình, nặng tiếng. Như thế những đứa con trong gia đình sẽ cảm thấy dễ chịu hơn và nhẹ bớt mặc cảm tội lỗi, vì cha mẹ cũng có ý nghĩ giống nó và cha mẹ không mang mặc cảm tội lỗi đối với đứa con đã khuất bóng. Ngay khi người quá vãng trong gia đình là người cha, hoặc người mẹ, thì người còn lại thỉnh thoảng nên nhắc lại một vài việc không thật đẹp của người kia với con cái, không phải nhắc trong ý nghĩa phụ bạc, nhưng để con trẻ nhớ đến cha hoặc mẹ của nó với hình dáng và tính nết thật chớ không thần thánh hóa, cũng không cố ý biến thành ác quỉ : « Các con có nhớ, mỗi lần các con không thuộc bài thì ba giận như thế nào không ? » hoặc « Chắc cũng có lần các con giận má lắm vì má hay đánh các con trước khi hỏi cho ra sự thật ? »

Việt Nam là quốc gia duy nhứt trên thế giới trong thế kỷ XX phải chịu đựng cuộc chiến dai dẳng trên hai mươi lăm năm rồi. Mỗi ngày có hàng trăm người chết, gây cho không biết bao nhiêu đứa trẻ mất cha, vắng mẹ. Nơi đây tôi xin đặt vấn đề thiếu bóng đàn ông trong gia đình. Đành rằng thiếu mẹ, con cái thiếu mất một cái gì rất cần thiết trong cuộc đời nó, nhưng người cha có thể tìm một vú em, một chị giúp việc biết chăm nom, chăm sóc, yêu thương con cái của mình, mà không bị xã hội lên án hay hiểu lầm. Mặt khác, người mẹ không thể nào tìm một người đàn ông về tạm thay mặt chồng để dạy dỗ con cái.

Con người vốn có bản năng tầm nguyên rất mãnh liệt. Một đứa con không cha, hay không mẹ, sẽ tìm đủ cách để tìm biết về người đã sinh thành ra mình, dầu phải đợi nhiều năm, và dầu biết rằng người kia không muốn nhìn mình, hoặc không thể giúp đỡ gì mình được cả. Chúng ta sẽ nói đến chuyện vắng bóng người cha không vì lý do bỏ phế gia đình, hay ly thân, nhưng chỉ nói đến sự vắng bóng vì chiến tranh hoặc tử biệt mà thôi. Dầu cố gắng cách mấy, người đàn bà vẫn không thể là một người cha. Nếu người mẹ chỉ quen giao phó mọi sự dưỡng dục cho người cha thì sự ra đi của người cha gây một nỗi khổ không ít cho gia đình. Tuy người mẹ không thể là một người cha, nhưng bà có thể tạo hoặc nuôi dưỡng hình ảnh người cha cho con cái.

Chúng ta biết rằng đứa bé cần có cả cha lẫn mẹ. Nếu vắng bóng một người trong gia đình, nó cứ hỏi đến mãi, đòi có sự thay thế trong chỗ trống vắng ấy. Nếu nó đã biết mặt cha, nó sẽ cố gợi lại hình ảnh cha nó trong ký ức. Nếu nó chưa từng biết mặt cha, nó sẽ cố tạo dựng một hình ảnh người cha qua những câu chuyện do má nó hoặc những người thân thuộc kể lại cho nó, thêm vào lòng ngưỡng vọng của nó đối với người lớn mà nó biết, để ước ao rằng cha nó cũng giống như vậy.

Chiến tranh đã tạo nên cảnh tử biệt, sinh ly. Người chết dĩ nhiên không thể trở về. Nhưng người còn sống, nhiều khi trở về, xưng cha với đứa bé, nhưng đứa bé không chịu nhận cha ; nó chỉ vào ảnh, hoặc vào bóng đổ trên tường mà gọi đó là cha như trong câu chuyện người Thiếu Phụ Nam Xương. Người cha không được con nhận như thế hẳn buồn lắm. Nhưng người cần kiên nhẫn để chinh phục ý nghĩ và tình cảm của con mình vì biết rằng con người là giống cần có cha và mẹ trong đời sống tình cảm của mình, và nếu cần, sẽ tạo ra những bậc ấy, ít nữa trong suy tưởng. Dĩ nhiên một người cha thực sự lúc nào cũng hơn một người cha tưởng tượng, nên chẳng bao lâu, đứa con sẽ sẵn sàng ngồi trên đầu gối, bứt râu và đòi kể chuyện đời xưa cho nó nghe.

Nếu người cha không còn trên đời nữa, người mẹ không nên tự đóng vai người cha, cũng không thật cần thiết đi tìm một người về làm cha nó, nhưng cần tạo một không khí lành mạnh để con trẻ nuôi lấy hình ảnh tốt đẹp về cha nó trong trí tưởng tượng.

Đứa bé gái cũng cảm thấy cần có một người cha như đứa bé trai. Từ ba đến sáu tuổi, đứa bé gái cần có một người cha bằng xương bằng thịt để làm mồi lửa cho tình yêu đắm đuối sẽ nẩy nở sau nầy. Nếu không có cha, đứa bé cần hình ảnh, hay tưởng tượng ra một người cha theo lời mẹ kể lại, hay nhìn những người đàn ông mà nó gặp. Hình ảnh nầy hợp với những hình ảnh đáng kính của bà mẹ cùng mối tương quan giữa cha và mẹ có ảnh hưởng rất lớn cho lý tưởng của nó đối với cuộc hôn phối khi nó trưởng thành. Bởi vậy bà mẹ cần giúp cho con gái mình nghĩ đến điều tốt đẹp nhứt của cha nó. Ngay trong cách sống của bà cũng vậy, nếu bà tỏ vẻ khinh chồng, lạnh nhạt với những người bà giao tiếp, hay coi đàn ông chỉ là bọn võ phu, thô tục, ích kỷ, tàn bạo vì bà đã từng trải với một người như vậy rồi, bà có thể tin chắc rằng lớn lên, con gái mình sẽ tệ hại chớ không phải có lợi nhứt.

Phải nuôi đứa con gái không cha, bà mẹ cảm thấy tương đối dễ hơn nuôi đứa con trai không cha, vì bà đã biết gần như tất cả những gì cần biết về con gái qua kinh nghiệm làm con gái của mình. Hơn nữa bà là cái gương sống cho con gái mình noi theo trong trọn thời gian con gái sống với bà. Tuy nhiên nếu bà mẹ còn giữ được mọi mối liên hệ với gia đình, thường đưa con đi gặp ông nội, ông ngoại, để dùng hình ảnh sống của người đàn ông đáng kính kia tạo nên mối liên hệ cha con cách có lợi. Một sự thật ta cần phải nhìn thẳng là người mẹ giờ đây phải lo sinh kế cho cả gia đình, nên không có đủ thì giờ cần thiết để dạy dỗ con cái, nhứt là gia đình đông con.

Bà mẹ góa cảm thấy bỡ ngỡ khó khăn khi nuôi con trai, vì bà là đàn bà, bà không hiểu rõ nhu cầu đứa con trai. Phải làm sao để xứng hợp với nó, để giúp đỡ khi nó gặp khó khăn ? Nếu bà đã nuôi vài đứa con trai rồi, bà có thể ôn lại kinh nghiệm của những đứa trước để dạy đứa nhỏ. Giờ đây ta thử ôn sơ lại những biến chuyển của đứa bé trai trong mối tương quan với cha và mẹ của nó.

Được sáu tháng, một đứa bé đã biết phân biệt những người từng săn sóc nó và bắt đầu phát triển mối cảm tình đối với người ấy. Bà mẹ hoặc vú em được đứa bé đặc biệt đeo dính liền trong suốt hai năm kế tiếp. Trong khoảng thời gian nầy nó chưa thấy tầm quan trọng của người cha trong gia đình nếu người cha không quấn quít bên nó thường, nhưng nó cũng đã để ý đến sự đối xử giọng nói, cách thức nô đùa, nghiêm phạt của người đàn ông khác hơn đàn bà.

Giữa hai và ba tuổi, đứa bé trai bắt đầu ý thức được rằng lớn lên nó sẽ thành đàn ông. Từ đó đến sáu tuổi, nó bắt chước theo cách ăn ở của ba nó, của các anh hoặc các bạn trai. Nó để ý coi những người kia thích cái gì, chơi trò chơi nào, ăn nói ra sao, cử chỉ, điệu bộ, đi, đứng, cách cư xử với các bạn trai cũng như cách cư xử với con gái. Từ ba đến bốn tuổi, đứa bé trai thêm vào sự triều mến người mẹ là người bảo vệ chu toàn cho nó, bằng một mối tình đối với người khác phái. Cũng trong thời gian nầy, đứa bé trai tuyên bố nó sẽ cưới má nó. Một tình yêu bồng bột của giống người phát hiện mãnh liệt đến đứa bé trai cảm thấy bực tức với những cử chỉ yêu đương săn sóc của cha nó đối với mẹ nó, vì vậy nó nẩy sinh tánh bướng bỉnh, ngấm ngầm chống đối cha nó. Nhưng nó thấy cha nó lớn hơn, mạnh hơn, khôn hơn, có quyền trên nó, nên dầu có ganh tị, nó cũng cảm thấy không chống trả nổi cha nó, đành đè nén mọi sự vào tiềm thức. Khoảng lên sáu, đứa bé trai quá xốn xang với ý nghĩ thầm kín trong lòng, đồng thời cũng học được sự khôn ngoan ở đời nên nó phủ nhận ý tưởng dành mẹ riêng cho mình nó trước kia, đồng thời tuyên bố lớn lên sẽ không lấy vợ. Cũng từ đây nó không còn hãnh diện khi được mẹ hôn, trái lại còn cảm thấy khó chịu, ít nữa khi có mặt nhiều người. Càng này nó càng cảm thấy khó chịu với con gái, cùng chuyện yêu thương. Đến giai đoạn nầy, nó bị thu hút bởi thế giới bên ngoài cần nhiều thách thức như tìm hiểu thiên nhiên, khoa học, trò chơi, v.v… Nó muốn bắt chước theo những đứa con trai lớn hơn nó trong cách ăn mặc cũng như lời nói.

Khoảng thời gian quấn quít bên mẹ từ ba đến sáu tuổi thật quan trọng để tạo một lý tưởng yêu đương của nó khi nó thành nhơn. Trong một gia đình bình thường, đứa bé trai dầu có « yêu » mẹ đến đâu cũng còn e ngại bởi ba yếu tố : sợ cha, tình yêu của mẹ cũng dành cho cha chớ không thuộc trọn về nó, và bà mẹ khéo léo không để con đeo dính bên mình mãi.

Những cũng có trường hợp các bà mẹ đối với con hơi khác. Có bà đem trút tất cả tình yêu của mình cho đứa con trai vì những tình cảm êm đẹp của hai vợ chồng không còn nữa. Có bà vì muốn người khác giống yêu thương và tuân phục mình trong mọi việc. Cũng có những bà mẹ có những ý tưởng bịnh hoạn khác mà cố giữ đứa con trai nhỏ khắn khít bên mình luôn mà không cho nó có dịp hòa đồng với những đứa con trai khác. Có bà lại tính dạy con trai may vá, nấu cơm nước, lo mọi việc nhà như con gái, đem mọi bí ẩn, nhưng khó khăn mà bà gặp phải, đem chuyện những bà bạn mà kể với đứa con trai như cách bà tâm sự với người bạn gái.

Các bà mẹ cũng cần để ý đến ý muốn làm một người đàn ông bùng dậy mãnh liệt trong đứa bé trai, và nó sẽ tìm cách thoát vòng kềm tỏa của bà mẹ. Lúc nào nó cũng nuôi ý nghĩ nó có một người cha, cố hình dung ra hình ảnh thân yêu đó và đi theo đường lối của cha, nếu mẹ có giữ đúng vai trò của mình. Bởi vậy bà mẹ cần bày tỏ cho con trai mình biết rằng bà cũng quí mến hình bóng người cha và kính nể người như là cha của đứa bé.

Nếu đứa con đã lớn, đã đi học khá rồi, bà mẹ có thể đem những vấn đề tài chánh trong gia đình ra bàn với con, nếu nó làm có tiền, cũng nên để cho nó có tiền riêng, và trên hết bà cần nhớ rằng nó là đứa con trai của bà chớ không phải một người bạn của người đàn bà. Thỉnh thoảng bà có thể tổ chức cùng đi xa với con. Nếu có thể, mời vài người bạn của con cùng tham dự chuyến đi. Bà cần khuyến khích nó tham gia vào sinh hoạt thích hợp với nó, phải biết làm bạn, biết tiếp nhận sự đón mời của người khác. Hơn nữa, khi nó đến tuổi yêu đương, bà đừng ganh tị với cô bạn của nó. Không khéo, cậu trai không thổ lộ tâm tình với mẹ mà giữ riêng ý nghĩ về cô bạn, về cuộc hẹn hò cùng mọi sinh hoạt khác. Cậu sẽ khổ sở mà nghĩ rằng bà là người khác phái, người của thế hệ xưa, làm sao hiểu nổi cậu được.

Những triều mến khắn khít của khoảng đời trước sáu tuổi, bây giờ dường như không còn ghi lại chút dấu vết nào nơi cậu trai. Cậu lại khó chịu đối với sự gần gũi thân mật của mẹ. Vào tuổi nầy bà mẹ không thể đem vấn đề kỷ luật ra áp dụng với nó được nữa. Nếu đứa con trai vào tuổi nầy có cãi lời mẹ, điều đó không có nghĩa nó từ bỏ bà, hoặc không còn coi bà ra gì nữa cả. Nếu có ý kiến gì đó mà bà cho là bà phải, bà không thể hiểu được con trai, thì bà cứ giữ ý đó đi. Dầu con trai của bà có cãi lời, đôi khi nó cũng được cái lợi là biết rõ ý muốn và lập trường của mẹ. Tuy nhiên bà mẹ có thể đề nghị con đi hỏi ý người lớn, một mục sư, một linh mục, một giáo sư, hay chú, bác hoặc cậu của nó.

Có những bà mẹ phải cố gắng và hy sinh thật nhiều để dưỡng dục đứa con mất cha nên người hẳn hoi. Đó là phần thưởng quí nhất cho bà vậy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x