Trang chủ » IV. Một vài thói quen xấu của trẻ

IV. Một vài thói quen xấu của trẻ

by Hậu Học Văn
6 views

Những khả năng thiên phú, những bộ óc siêu việt không phải là dấu chỉ con người ấy có một cá tánh đáng chuộng. Danh tiếng ở đời, bằng cấp cao cũng không tạo được cá tánh con người. Trong đời người không còn gì quí bằng cá tánh, vì nếu phải là bỏ đời sống tạm bợ nơi dương thế nầy để vào cõi vĩnh sanh, thì cá tánh là thứ duy nhứt con người được cứu có thể đem theo.

Tập quán có ảnh hưởng rất lớn với cá tánh nếu ta không muốn nói chúng là anh em sanh đôi. Vì vậy, nếu ta thấy cần luyện thói quen tốt cho trẻ sớm, cũng phải sớm luyện cá tánh của nó.

1) Trẻ gây gổ

Một trong những rắc rối quan trọng mà gần như mọi gia đình đều gặp phải, là trẻ con trong nhà thường gây gổ nhau. Thật ra các nhà giáo dục nghiên cứu và thấy rằng anh chị em trong nhà gây gổ nhau là việc thông thường ; dầu rằng sự thông thường này không thể ước lượng được. Những sự rắc rối nầy xảy ra ở hầu hết chớ không phải ở mọi gia đình. Những cuộc gây gổ này phát sinh bởi nhiều nguyên nhân khác nhau ở trong những gia đình khác nhau.

Chúng ta không thể viện cớ rằng gây gổ là việc tự nhiên của trẻ con để làm ngơ trước những hậu quả không mấy quan trọng kia. Ta không thể nào để gia đình biến thành bãi chiến trường, cũng không thể để con trẻ quen và phát triển bản tánh ấy. Trên phương diện người hướng dẫn gia đình, ta phải tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh lại tình trạng nầy.

Nguyên nhân của việc gây gổ thì nhiều vô kể, nhưng có thể rút gọn lại là : trẻ không được thỏa mãn nhu cầu của nó. Vì vậy cha mẹ cần phải tìm nguyên nhân của những va chạm trong gia đình và loại hẳn đi.

Những chuyện gây gổ vặt kia phát sinh dễ dàng. Nhiều khi không phải chỉ xảy ra trong vòng trẻ cùng chung một nhà, những trẻ của gia đình nầy lại có chuyện xích mích với trẻ thuộc gia đình khác. Nhiều khi người ta phải có sự khôn ngoan như Sa-lô-môn mới giải quyết ổn thỏa nổi. Dầu vậy cũng có lắm trường hợp con trẻ tự giải quyết êm đẹp với nhau được.

Nhiều lúc trẻ dễ gây gổ chỉ vì chúng khó chịu trong mình mà bịnh trạng chưa lộ hẳn dấu hiệu trên thể xác.

Những sự khó ở nầy có thể do thiếu ngủ hoặc chương trình học ở trường quá nặng nề. Bởi thế mọi con trẻ đều cần được khám bịnh kỹ, ít nhất mỗi năm một lần. Đấy cũng là dịp rất tốt để khám phá ra những bịnh ngặt trong thời kỳ sơ khởi của chúng. Nếu không phải vì bịnh thể xác làm cho trẻ quạo quọ, ta cần tìm nguyên nhân khác.

Không nên để con trẻ sống trong bầu không khí khó chịu, giận hờn như vậy mãi, vì sự bất hòa nầy có thể gây bịnh thật sự cho cơ thể và ảnh hưởng vô cùng nguy hại đến đời sống tình cảm của trẻ.

Sự cảm thấy thiếu đảm bảo cũng làm trẻ con dễ quạo. Sự bất hòa giữa cha mẹ, hoặc tình yêu của cha mẹ không tuôn tràn xuống chúng cũng làm chúng dễ gây. Nhiều trường hợp trẻ hay gây là do cảm thấy cha mẹ yêu thương, chiều chuộng anh, chị hoặc em nó hơn yêu nó, nên ganh tức và tỏ phản ứng của nó. Bởi vậy cha mẹ cố thương yêu đều nhau và đối xử công bình với mọi đứa con mà không nên biệt đãi một đứa trẻ nào, dầu điều nầy rất khó thực hiện.

Nhiều khi sự xuất hiện của một em bé trong gia đình làm cho những đứa lớn hơn ganh tức. Chúng ganh tức vì thấy người lớn cứ thay phiên nhau lo lắng cho em bé mà không ai ngó ngàng gì đến chúng cả. Thỉnh thoảng chúng lén cha mẹ để ngắt, véo em bé , hoặc tỏ thái độ cành nanh, nhảy xô vào lòng mẹ khi thấy mẹ cho em bú… Trong trường hợp nầy cha mẹ cần dẫn giải cho trẻ hiểu là em bé thật yếu đuối và bất lực nên cha mẹ phải săn sóc nhiều hơn, nhưng cha mẹ vẫn yêu con lớn (cần tỏ hẳn trong việc làm). Khuyến khích trẻ bày tỏ tình yêu đối với cha mẹ và em bé bằng cách giúp cha mẹ để săn sóc em bé.

Đối với các thiếu niên từ 12 tuổi trở lên thì sự gây gổ do những nguyên nhân hơi khác hơn. Ở tuổi nầy trai cũng như gái đều cảm thấy mình là người lớn và muốn được mọi người coi như người lớn. Nếu có một người bà con gặp lại họ sau nhiều năm xa cách và đối xử với họ như khi họ hãy còn bé, chắc họ sẽ rất bất mãn.

Vào tuổi nầy người con trai thường có những hành động rất dõng mãnh, thường phô trương sức mạnh, dọa người nầy, đòi đánh người kia mà cặp mắt đảo liên xem ai có thán phục mình không. Trong những trò chơi, họ thường la lối, cố lấn lướt bạn bè để mình nổi bật, mong được người khác phải để ý.

Người con gái cũng tương-tự như vậy. Khi nào chỗ đông người, các cô thường để mắt quan sát coi đàn ông có nhường lối cho mình không, hoặc người ta có trầm trồ, liếc, ngó khi mình đi qua không. Nếu có vậy thì đó là dấu hiệu chứng tỏ cô đã lớn, và cô thích vậy.

Anh chị em trong nhà thường ganh đua nhau để cố thành người lớn trước hơn. Họ làm thế mà không biết rằng sự lấn lướt kia là dấu chỉ họ còn « con nít », còn non kém. Họ hay thách thức và chế giễu công việc làm của anh chị em mình, xem dường như đó là trò trẻ, chẳng có giá trị gì cả.

Hơn nữa thanh thiếu niên lại bị áp lực nhiều nơi – ngoài gia đình – dồn ép. Ở trường họ bị thầy giáo thúc đẩy để học nhiều hơn. Rồi bạn bè quyến rũ làm điều nầy, điều nọ, bất kể đến cha mẹ có bằng lòng hay không. Xóm giềng buộc họ phải có tư cách như ông bà cụ. Tất cả những áp lực ấy dồn ép họ cả ngày. Họ không dám hỗn láo với thầy, không dám đối địch lại bạn hữu, không dám chống lại viên cảnh sát ở đầu đường, đến khi về nhà họ thấy có thể để mọi bực tức kia nổ tung với anh, chị, em, là những người họ có thể thắng được, hoặc ít ra không sợ bị trả đũa đau đớn.

Đôi khi có thể để trẻ tự giải quyết với nhau, nhưng thường thường cha mẹ phải để ý đến khi cuộc gấu ó bắt đầu hay đang đến chỗ gay go quyết liệt.

Tuy anh chị em một nhà hay gây gổ nhau, nhưng không đến nỗi trầm trọng lắm. Gặp cơn rắc rối với người ngoài, chúng luôn luôn binh vực nhau. Đứa nầy bị tổn thương, những đứa khác bị đau đớn lây. Đến tuổi trưởng thành họ sẽ thương mến nhau và gần gũi nhau hơn. Đến khi thảy đều lập gia đình riêng, họ bỗng cảm thấy thời gian sống dưới mái nhà cha mẹ thật nhiệm mầu, đáng ghi tâm khắc cốt.

Để hạn chế bớt những trận gây gổ trong gia đình như vậy, ta nên lưu ý vài điểm sau đây :

1) Lo những bữa ăn đầy đủ và ăn đúng giờ. Tránh ăn vặt ngoài ba bữa chánh. Tối cho trẻ đi ngủ sớm.

2) Đừng bắt trẻ làm việc hoặc học hành quá sức. Đừng buộc trẻ lúc nào cũng phải đứng nhứt lớp. Tránh việc học thêm, càng nhiều càng hay. Nếu chương trình đã nặng rồi, không nên cho trẻ học thêm vài ba lớp nhạc và ngoại ngữ khác nhau nữa.

3) Lo cho mỗi đứa trẻ đều có cơ hội vận động mạnh ngoài trời.

4) Hạn chế những buổi xem xi-nê. Tránh hẳn những phim kích thích mạnh.

5) Nên đối xử dịu hiền và công bình với mọi trẻ. Đừng thiên vị và phải bày tỏ nhiều tình yêu.

Khi bạn gặp đứa nầy đánh đứa kia, bạn phải làm gì ? Đánh trả thù giùm đứa bị hà hiếp chăng ? Có thể lắm, nhưng đó không phải là biện pháp thích đáng, vì đứa trẻ rất dễ hiều lầm người lớn.

Trong những trò chơi cần sức mạnh, thế nào cũng có đứa bị đau. Những trẻ hay hoạt động và có sức thường có thể tự xoay xở lấy, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt. Vì vậy người lớn chớ vội nhúng tay vào để trả đũa cho đứa trẻ bị đau.

Có những trẻ quá dư sức chịu đựng nên hay đấm đá, làm đau đớn bạn hữu mà không ý thức rõ ràng việc mình làm. Chúng cần phải làm vậy để xả hơi bớt. Trường hợp nầy chỉ cần giải thích cho trẻ hiểu là đủ. Nhưng nếu trẻ cứ tiếp tục đấm đá người khác mãi thì lại là chuyện khác. Có thể vì nó ganh tị. Việc này không thể bỏ qua được, vì có thể sẽ phát sinh những xáo trộn tình cảm rất có hại cho nó về sau. Cần tìm ra nguyên nhân và điều chỉnh ngay.

Trẻ hiện đang sống trong thế giới văn minh nên nó cũng cần phải « văn minh », có nghĩa là phải tôn trọng quyền hạn và tự ái của trẻ khác chứ không phải mình muốn làm gì thì làm. Tận trong thâm tâm chắc không có đứa trẻ nào muốn làm người khác phải đau đớn, nhưng nó khó kiểm soát được hành động của nó, không phải bằng quyền sức nhưng bằng yêu thương và lòng nhân từ. Khi nó thấy có người yêu thương và cảm thông nó, bấy giờ nó sẽ nhận được có những giới hạn nào đó mà nó không có quyền vượt qua. Đấy là trách nhiệm chung của cha mẹ và giáo viên để giúp trẻ có sự thanh tịnh trong tâm hồn và trở nên người đáng được mến phục trong xã hội vậy.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x