Trang chủ » VI. Chế ngự nỗi sợ của trẻ con

VI. Chế ngự nỗi sợ của trẻ con

by Hậu Học Văn
5 views

Nhiều phụ huynh thường than :

– Con tôi sao nhát quá.

– Con Chi Mai của tôi lại rụt tè không chịu nổi. Không đời nào dám gặp mặt ai. Khách đến thăm nó cũng không dám ra chào hỏi một tiếng.

– Thằng Minh của tôi mười một, mười hai tuổi rồi mà còn sợ ma lạ lùng. Hễ trời tối xuống khó lòng có ai sai nó đi đâu được.

– Còn thằng Dũng lại sợ giặc, sợ tiếng súng. Tên thì Dũng, mà hễ nghe tiếng súng thì mất cả thần sắc.

– Tâm thì sợ chết. Ai đời đi tắm biển nó cũng không dám đi vì sợ chết. Cho đến chích thuốc mà nó cũng sợ chết nữa mới khổ cho tôi.

Tại sao con nít có những sự lo sợ như thế ? Sự sợ hãi như vậy phải do ảnh hưởng di chuyền chăng ?

Đành rằng con trẻ khi lọt lòng mẹ đã mang theo ít nhiều sợ hãi, nhưng phần lớn những nỗi sợ là do kinh-nghiệm hãi hùng mà nó đã gặp, do hoàn cảnh và sự giáo dục kết thành, mà người lớn phải chịu trách nhiệm trên những nỗi sợ ấy. Tất cả những mối lo sợ kia đều có thể rút gọn lại là : trẻ sợ cho sự an toàn của bản thân nó.

Như đã nói, con trẻ vốn mang theo nó ít nhiều sợ hãi khi lọt vào thế giới khủng khiếp nầy. Thoạt tiên nó chỉ biết có hai mối sợ, đó là sợ tiếng động mạnh, và sợ gương mặt lạ đối với nó. Sau đó nó mới biết thêm những sự sợ hãi khác do người lớn « dạy » cho chúng. Quí vị phản đối chăng ? Quí vị có nhớ chăng đã biết bao lần ta hăm dọa con cái ta với những hình ảnh quái đản, những danh từ lạ tai, và kể những hành động bắt giết con nít không chút tình thương của những ông kẹ, ông ba bị, chú chệt bán thịt heo, v.v… làm thế nào ta có thể áp đảo được cơn khóc tạm thời của trẻ, nhưng lại vô tình gieo vào đầu óc non nớt của nó những nỗi sợ vu vơ, sợ kẻ có nét mặt lạ, có dáng điệu lạ. Thậm chí có người đem những người có trách nhiệm bảo vệ con trẻ ra đe dọa nhát nó, như nhát chú lính, ông cảnh sát, và sau nầy rủi bị lạc cha mẹ, đứa trẻ thà nghe theo tên lưu manh hơn là trông cậy vào sự tận tâm giúp đỡ của người hữu trách.

Một tệ hại khác nữa là người lớn thường đem những chuyện ma quỉ ra kể cho con trẻ nghe, nhứt là lại chuyện vào lúc ban đêm. Họ thích kể những chuyện giựt gân, chuyện rởn tóc gáy, như quỉ nhập tràng, ma lai rút ruột, v.v… là những chuyện có hại cho trẻ con hơn là có lợi. Đối với một số ít trẻ lì lợm, ta thấy dường như không có hại bao nhiêu, nhưng với những trẻ có bản chất nhút nhát thì sự tai hại không biết đến đâu mà lường.

Nếu cần phải kể chuyện cho con trẻ nghe, nếu ta đem những gương anh minh, những nhân vật đã quên mình để giúp đỡ kẻ khác, đem cái dũng để chiến thắng cường bạo, những người hùng thắng sự sợ hãi, những gương cương trực… mà kể cho chúng nghe, sẽ có lợi cho con trẻ hơn, đồng thời tạo cho chúng lòng tôn sùng những sự hào hiệp và thêm can đảm để đương đầu với những nỗi khó mà chúng có thể sẽ gặp phải sau nầy. Trong câu chuyện, ta có thể kể lại những mối nguy hiểm nhưng không phải những nét kinh khiếp, những hành động dã man.

Có thể vì những chuyện ta kể mà con trẻ không dám ngủ trong bóng tối. Cũng có thể do những hình ảnh méo mó bởi ánh đèn giọi ra in trên tường mà ta đã dùng để dọa chúng, hoặc do thói quen ta tạo cho chúng phải ngủ dưới ánh đèn mờ mờ từ khi hãy còn rất nhỏ. Ta cố tìm ra nguyên do và bắt đầu sửa chữa từ đó sẽ có kết quả hơn rầy la, đánh đập trẻ. Ta phải luyện cho trẻ một ý chí chống sự sợ hãi. Điều cần phải nhớ là con trẻ rất khác nhau, không đứa nào giống đứa nào cả. Vì thế ta nên tìm hiểu bản tánh của từng đứa một. Nếu sự sợ hãi của chúng ít, ta có thể tiến bộ mau chóng. Trái lại, nếu sự sợ hãi đã kết tinh trong nó, ta không nên vội vã cũng không nên quá cứng rắn, vì như thế có thể ta làm cho chúng khiếp sợ hơn là bớt sợ. Hơn nữa không khí của gia đình không phải là hãi hùng, mà là tin tưởng, thương yêu. Việc nầy phải được thể hiện trong mọi sinh hoạt của gia đình, nhứt là trong bữa ăn và trước giờ ngủ.

Có thể ta nên vào nằm với chúng một lát, và trong bóng tối của căn phòng ấy, ta kể cho chúng nghe vài mẫu chuyện về can đảm để kích thích lòng can đảm của chúng. Nếu gia đình có đạo, nên đồng quì gối cầu nguyện. Lòng tin tưởng vào Đấng Thánh là sự tán trợ hữu hiệu và sự bảo đảm chắc chắn cho con trẻ. Khi ra khỏi phòng, cứ để cửa mở. Phải kiên nhẫn và gây dựng lần sự gan dạ của trẻ.

Với những sự sợ hãi khác cũng vậy. Bí quyết để thắng những nỗi lo sợ nầy nằm trong tình yêu, cảm thông, hiểu biết và cách hướng dẫn khéo léo của cha mẹ.

Có những đứa bé mang một nỗi sợ khác : sợ đám đông, sợ người ngoài gia đình. Chúng không muốn gặp gỡ người lớn tuổi, khó làm bạn với trẻ khác cùng lứa tuổi nên chỉ rút vào nhà chơi một mình. Nếu thái độ nầy không quá đáng, ta không nên quá nghịch lại chúng. Có những đứa bé rụt rè có những đức tánh đáng yêu hơn những đứa trẻ bạo dạn. Chúng phản ảnh được nhiều điểm tốt, sẵn sàng hướng lòng mình vào việc thiêng liêng, hết dạ yêu kính cha mẹ và bất cứ người nào thâu được lòng tín nhiệm của chúng.

Tuy chúng rụt rè như thế nhưng sau nầy có thể lắm chúng sẽ là những triết gia lỗi lạc, những nhà bác học kỳ tài, những nhà có óc phát minh đáng kể, những văn nhân, thi sĩ hữu danh, v.v… Tuy thế, việc tiếp xúc với xã hội là việc cần thiết cho mọi người. Ta nên tìm cách cho chúng giao thiệp với một nhóm người nhỏ trước, và chỉ dẫn chúng cách thức xử sự trước mặt người khác. Nhưng dù sao mặc lòng, đừng tưởng rằng ta có thể hoàn toàn thay đổi chúng, cũng đừng nên có ý định ấy, vì trên đời có những thứ cây chỉ sống ngoài ánh nắng, ngược lại cũng có những thứ cây chỉ sống trong bóng mát. Nếu con em ta quá rụt rè, rất có thể chúng thuộc hạng sau.

Ngoài phạm vi gia đình, người có đủ khả năng nhứt để thay mặt cha mẹ hướng dẫn con trẻ liên lạc với các trẻ khác, để cùng nô đùa, cùng làm việc, cùng học tập, không ai khác hơn là cô giáo lớp mẫu giáo. Nhưng lớp mẫu giáo cũng có thể thực hiện ngay trong gia đình và bà mẹ là cô giáo đầu tiên của con trẻ. Một bà mẹ hết lòng lo cho con sẽ có thì giờ dành cho con dầu có bận rộn đến đâu cũng vậy. Bà sẽ kể chuyện cho con nghe, dạy con hát, mời các trẻ khác đến dự trò chơi với con mình và dẫn con mình đi thăm người khác. Nhờ thế, tánh e thẹn của con trẻ sẽ lui bước lần mà ta không cần phải la hét, than thở với con cái ta.

Có nhiều bậc cha mẹ biểu con mình ra nhảy múa, ca hát hay đọc thơ cho khách nghe, hoặc đi quá một chút, đưa chúng đi trình diễn những nơi công cộng. Đây là việc không đáng khuyến khích, vì những trẻ rụt rè sẽ cảm thấy vô cùng xấu hổ mà chưa chắc gì đã khắc phục được nỗi sợ của trẻ.

Con trẻ chịu ảnh hưởng trực tiếp của gia đình, nên chúng cũng sợ những gì cả gia đình sợ. Nếu trong gia đình cứ bàn về những vấn đề chiến tranh cùng những sự giết chóc kinh khủng mà ta đã nghe, đã chứng kiến với vẻ khiếp hãi, thì con trẻ thế nào cũng sợ chiến tranh. Hơn nữa những hình ảnh giết chóc trên mặt báo, những khung cảnh ghê rợn diễn ra trên màn bạc thường có tác động mạnh mẽ phi thường trong đầu óc con trẻ, làm chúng sợ gặp phải tình cảnh ấy.

Con trẻ Việt Nam trong thời đại nầy đã sanh ra trong tiếng gào thét giết chóc, lớn lên theo tầm bom đạn, hỏa tiễn, thì chiến tranh là sự việc hiển nhiên không thể che đậy được. Tuy không hề có ý cổ võ chiến tranh, nhưng tôi nghĩ trong khổ nạn của dân tộc, ta có thể dạy cho trẻ biết chấp nhận một phần sự thật, trầm tĩnh chờ đợi những sự việc sẽ xảy ra cho cả nhân loại sau khi đã chuẩn bị tinh thần cho những biến chuyển càng ngày càng nguy kịch xảy ra trên thế giới. Kinh Thánh có chép về thời đại cuối cùng nầy bằng những lời :

« Các ngươi sẽ nghe nói về giặc : hãy giữ mình, đừng bối rối, vì những sự ấy phải đến, song chưa là cuối cùng đâu. Trong khi người ta nói hòa bình và an ổn thì tai họa thình lình vụt đến… Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia… nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất. Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại… » (Ma thi ơ 24 : 6-8)

Ta cần dạy cho con trẻ biết tin tưởng nơi Đấng Tạo Hóa, tức Đấng cầm vận mạng cả vũ trụ, để cứ tiếp tục giữ cuộc sống bình thản như hiện tại.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x