Trang chủ » 2. Trẻ phá hoại

2. Trẻ phá hoại

by Hậu Học Văn
11 views

Khi trẻ cố tình đập phá đồ chơi hay các vật dụng khác thì tình trạng có vẻ khá trầm trọng. Ta phải thường tự tìm hiểu : tại sao nó làm vậy ? Có phải nó bất mãn với những sự kềm chế quá đáng chăng ? Nó cảm thấy được yêu thương và được cần đến chăng ? Trong gia đình có việc gì để nó ganh tị không ?…

Đừng đòi hỏi quá nhiều nơi nó. Nó cần được khuyến khích hơn. Cố tìm coi tại sao nó không thể sống hòa hợp với người khác được. Hãy khích lệ nó tạo thành những tình bạn mới trong hòa khí và tiếng cười. Tương lai của nó tùy nơi sự giúp đỡ của ta hôm nay.

Có những trẻ gây rắc rối như vậy là muốn người ta chú ý đến mình. Cũng có thể nó nhàm chán với trò chơi hoặc công việc thông thường quá rối. Bạn cố cung cấp cho nó những vật dụng kiến trúc để nó chơi. Nếu ta thấy trẻ cần phải xé nát, cung cấp cho nó những báo cũ, vải vụn, v.v… nếu nó cần đè bẹp đồ vật, nên cho nó chơi với đất sét. Đập, phá, xé nát như vậy cung là một cách giải thoát những sự căng thẳng, bực bội bên trong. Ta cũng có thể tập cho nó làm vườn, nhổ cỏ, v.v…. nhưng nên nhớ trong việc nầy cần tạo nên không khí của một trò chơi đầy hứng thú. Đừng lấn lướt những cảm xúc của nó quá. Cố giúp cho nó có nụ cười trên môi luôn.

Ta cũng cố tìm xem, nếu trẻ có ý thức về máy móc, hãy cung cấp cho nó những đồ chơi tháo ráp được. Nếu đứa trẻ có khuynh hướng về nghệ thuật hội họa, cần sắm cho nó một tấm bảng lớn và khuyến khích nó sử dụng thường. Làm thế chẳng những ta giúp nó phát triển năng khiếu riêng của nó, mà ta khỏi ráp lại những vật dụng bị trẻ tháo bung, hoặc cạo rửa vách tường bị trẻ vẽ đầy.

Những đứa trẻ không bao giờ dám mó tay vào đất hoặc thọc chân vào bùn không hẳn là trẻ tốt. Có đứa thích làm xáo trộn mọi vật hoặc rải bừa đồ chơi ra nền nhà. Giải pháp cho trường hợp này là một thùng cát, mỗi cạnh một thước và cao hai tấc tạm đủ rồi, hoặc cho trẻ một góc vườn, một góc sân để tự do « vùi bùn ». Hãy để cho trẻ sống tự do theo ý thích của nó trong phạm vi định sẵn cho nó. Đàn áp chúng trong phương diện nầy không có lợi cho sức khỏe của chúng, và tay chân trắng trẻo chưa hẳn là điều đáng chuộng. Những trẻ cứ lầm lì, không hoạt động gì cả có thể là dấu chỉ mặt tình cảm của nó bị xáo trộn ít nhiều. Hãy để cho trẻ hoạt động theo cách trẻ con thường tình phải hoạt động.

Khi một đứa trẻ nô đùa quá bạo (thường là bé trai), ta nên ngồi lại kể cho nó nghe một câu chuyện trầm tĩnh. Nhớ chuẩn bị sẵn sàng luôn một câu chuyện để kể cho trẻ nghe. Một vài phút ngồi lại với trẻ như vậy có thể giúp ta thoát hằng giờ khổ tâm hoặc phải tái thiết những đổ vỡ do trẻ tạo nên sau nầy.

Nếu quanh nhà ta không có đất trống để cho trẻ chạy nhảy tự do, nên gởi chúng học nơi trường có sân rộng. có thể cần phải cho trẻ gia nhập vào các tổ chức hướng dẫn sinh hoạt thanh thiếu niên thích hợp với cỡ tuổi của trẻ như các hội hướng đạo chẳng hạn, nhờ đó chẳng những trẻ được tận dụng sức lực tiềm tàng trong chúng mà còn học thêm được nhiều điều rất có lợi. Cố tránh việc la rầy trẻ liền miệng, nhứt là la rầy cách vô lý. Dùng tình thương và lòng kiên nhẫn để hướng dẫn trẻ sẽ có lợi hơn. Việc luyện cho trẻ có một cá tánh quân bình không phải dễ dàng, cũng không thực hiện mau chóng, nhưng kết quả sẽ đưa đến sự thỏa lòng khó có chi sánh được.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x