Trang chủ » V. Kỷ luật đối với trẻ con

V. Kỷ luật đối với trẻ con

by Hậu Học Văn
13 views

Nhiều người thường hỏi : Đến tuổi nào mới nên áp dụng kỷ luật đối với trẻ con ?

Người xưa thường nói : « Dạy con từ thuở nên ba… » Theo ý kiến của một số người, như thế đã là quá sớm rồi. Họ tưởng tốt hơn nên để trẻ lớn một chút hãy dạy, chớ còn nhỏ quá chúng nào có biết gì đâu mà dạy. Ta thường đợi con trẻ lên ba hay bốn tuổi mới thật sự bắt trẻ học vâng lời. Nhưng như thế thật quá trễ. Đến tuổi đó con trẻ đã có ý muốn mạnh mẽ. Do sự nuông chiều của người lớn từ trước đến giờ, nó nghĩ rằng nó là « trung tâm điểm của vũ trụ ». Nó sẽ bắt mọi người làm theo ý muốn của nó hơn là nó phải vâng lời người khác. Vì vậy, với câu hỏi trên, xin đáp : Mục đích của việc áp dụng kỷ luật là tập cho trẻ tự chủ. Bởi thế, ta cần đặt trẻ vào kỷ luật càng sớm càng tốt, nếu nghĩ rằng làm vậy là vì phúc lợi mai hậu của đứa bé.

Cây non lúc nào cũng dễ uốn hơn cây lớn. Ta cần đặt đứa bé vào vòng kỷ luật ngay trước khi nó biết lý luận. Hầu hết các nhà giáo dục đồng ý rằng nên bắt đầu tập cho trẻ vâng lời ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Tập cho nó quen lúc nào cần bú, lúc nào phải nằm yên để cho má lo việc nhà, giờ nào là giờ tắm rửa, giờ nào là giờ đi dạo mát…

Kỷ luật là một phần trong chương trình giáo dục, vì vậy ta phải kiên nhẫn và mềm dịu mà uốn nắn trẻ. Phải tập cho trẻ thói quen tốt. Nhờ đó sau nầy có thể tránh được sự va chạm quá dễ dàng giữa ý muốn của nó và quyền lực, nổi lên trong đầu óc nó, để khỏi vô cớ chống đối lại cha mẹ và thầy giáo, bất mãn chánh phủ, trả thù xã hội và thách thức cả Đấng Tạo Hóa nữa. Nói thế không có nghĩa kỷ luật chỉ tạo nên những con người nô lệ đâu. Trái lại, nó giúp con người sống tự chủ, sống có qui củ và tổ chức hẳn hoi trong tư tưởng cũng như công việc làm để có thể phấn đấu với đời.

Đối với phần lớn các bậc làm cha mẹ hiện nay, việc áp dụng kỷ luật với trẻ không phải là việc dễ. Họ hoang mang giữa ý tưởng trái ngược của quan niệm cũ và mới. Một đằng thì kỷ luật dường như có nghĩa là hình phạt hãi hùng. Đằng khác lại cho rằng :

« Con trẻ cần tình yêu của cha mẹ hơn hết… xét những trường hợp của các thiếu niêm phạm tội, người ta thấy trong lúc còn trẻ, chúng thiếu tình thương hơn là thiếu kỷ luật… Khi trẻ bướng bỉnh, cha mẹ không nên nổi giận với con, nhưng phải bày tỏ tình yêu nhiều hơn… »

Những ý tưởng xung khắc nầy làm cho ta hơn một lần cảm thấy vô cùng rối trí. Nếu không may đã bị những trận đòn chí tử hồi bé, ta nhớ lại lòng căm phẫn đối với cha mẹ như thế nào, thì càng dễ hoang mang hơn nữa. Ta không muốn con cái mình có ý nghĩ giống như mình xưa kia, nên dễ tiếp nhận quan niệm sai lầm vượt quá ý định của những lý thuyết gia mới. Nếu đi thái quá, những lý thuyết kia trở nên một tai họa kinh khủng, vì con trẻ điều khiển lại cha mẹ, và chúng rất đáng ghét. Nó làm cho trẻ mất tư cách. Nó làm cho ta cố thành siêu nhân, cố đè nén cơn tức giận trong khoảnh khắc, nhưng sẽ bùng nổ sau đó.

Có thể ta rất hiền lành, lễ độ, lại để cho con cái chống đối, « loạn » thái quá. Có thể ta rất vui lòng mà để cho chúng – và cả người ngoài nữa – hỗn xược với mình. Nếu nghiên cứu kỹ, có thể thấy rằng ta đã bị đàn áp thái quá trong lúc thiếu thời vì cha mẹ ta « kém hiểu biết », và vì ta thể theo lý thuyết mới, nên để cho con cái bộc lộ ra sự bất mãn của chúng cho « hợp tinh thần dân chủ ».

Ta hoang mang vì muốn tránh lỗi lầm của người xưa, vì ta cảm thấy như phạm trọng tội khi rầy la, đánh phạt con cái. Nhưng ta sẽ cảm thấy thế nào khi con cái mình giết người ngay trước mặt mình, hoặc hơn thế nữa, chính mình lại khuyết khích chúng có hành động ấy ? Một phần lớn trở ngại trong việc áp dụng kỷ luật là sự lầm bầm, chống đối của trẻ. Chính điều nầy làm cho ta buồn lòng, khó nghĩ, khi phải nghiêm phạt trẻ con.

Ta hẳn từng có kinh nghiệm rằng dễ chống trả lịnh truyền xẳng xớm, nghịch lại công việc mình theo đuổi. Nếu ta không muốn ai rầy la mình, thì ta dùng điều ấy để nhắc nhở lấy mình mà đừng la trẻ. Nên dùng tình yêu mà chỉ dẫn trẻ. Đừng để chúng có cảm tưởng rằng chúng phải nghe theo ta vì chúng yếu mà ta mạnh, vì chúng là con cái còn ta là cha mẹ. Con trẻ có thích thú say mê mới học hỏi được. Vì vậy, nếu muốn gián đoạn việc nó đang làm, cha mẹ phải nhận xét coi việc nó làm có hại hay không, hoặc phải có những lý do thật mạnh và hữu lý để buộc nó ngưng. Nếu muốn trẻ ngưng một việc gì, đừng buộc phải ngưng đột ngột. Làm vậy chỉ gây sự chống đối, có thể không chống ra mặt nhưng ngấm ngầm bên trong. Ta có thể hòa mình để cùng chơi với chúng, giúp đỡ chúng mà vẫn giữ lèo lái cho chúng theo đường ngay nẻo thẳng được.

Nhiều cha mẹ phạm một lỗi lớn, là làm ra vẻ thật có uy quyền khi ra lịnh :

– Có nín đi không !

– Ngưng ngay tao coi !

– Đã biểu thôi rồi mà !

– Lại biểu !

– Đi chỗ khác chơi lập tức !

– …

Những câu ra lịnh tương tự như thế, những nét mặt nghiêm cứng lại, làm cho trẻ khiếp sợ hơn vâng phục. Thêm giọng nói đanh đá thét to lên như muốn bể màn tai làm mất cả hiệu lực giáo dục của lịnh truyền. Đứa trẻ sẽ vô cùng hoang mang. Nó nhớ giọng nói mà quên lời chỉ dạy. Nghe giọng la, trẻ sẽ run lên. Tuy nó làm theo lịnh nhưng làm cách miễn cưỡng, vấp váp và miệng lầm thầm lời chống nghịch. Như thế ta thấy lớn tiếng sẽ hết hiệu lực.

Tuy phải áp dụng kỷ luật cách cương quyết nhưng nếu dùng lời nói dịu dàng, sẽ chế ngự được trẻ, sẽ làm cho trẻ nhớ lâu hơn. Đừng lên giọng, đừng giận dữ khi sửa trị trẻ. Cần làm cho trẻ chú ý tới lời dạy bảo của ta hơn là xao lãng bởi giọng the thé kinh hồn. Cần răn dạy trẻ trong cách ta thật am hiểu tình cảnh đó, để nó khỏi nghĩ rằng, cứ làm người lớn là được quyền đánh đập nó dầu nó không có lỗi gì cả. Phải để cho trẻ thấy ngoài cương vị làm cha mẹ, ta còn là một người bạn thân của nó.

Có bao giờ thấy một đứa trẻ từ một đến ba tuổi quá lo lắng về những lời cảnh báo đầy hăm dọa của người lớn chăng ? Trẻ ở tuổi ấy không nên quá lo sợ hậu quả của việc nó làm. Trẻ học được là qua việc nó làm, như cách hay nhứt để học biết hấp lực của địa cầu là . Tuy nhiên nói thế không có nghĩa là ta không bao giờ nên rầy ngăn trẻ, nhưng đừng dùng những lý lẽ vượt quá tầm hiểu biết của chúng, và những lời dọa nạt không đúng sự thật.

Bé Dũng, vừa lên ba, cầm cặp kính đeo mắt của ba nó lên coi trong lúc ba đang ngủ. Má nó thấy, liền rầy :

– Dũng, con không được đụng đến cặp kính, vì con sẽ làm bể và ba con không thấy đường nữa.

Dũng rất lo sợ. Ý tưởng « ba không thấy đường… không thấy đường » đập mạnh vào trí nó. Vài phút sau, Dũng mở cửa nhà định ra sân chơi. Má Dũng la hoảng lên :

– Đừng mở cửa, con. Dũng ra đường lạc mất, má tìm không được.

Trong trí non nớt của Dũng lại nẩy lên một sự lo sợ : « Dũng lạc mất… không tìm ra ! »

Một lát sau Dũng thấy sự cám dỗ bên ngoài hấp dẫn quá, lén mở cửa. Má nghe tiếng động, quay lại nhìn. Thấy thế, má nói :

– Được rồi, Dũng không nghe lời má thì má đi chỗ khác ở, không thèm ở nhà nữa.

Nếu ta phải nghe mãi những lời như thế, chắc không còn muốn sống nữa làm gì. Hơn nữa, trong lời hăm dọa kia không có sự thật. Dũng sẽ nghĩ thế nào khi một hôm nó thấy ba nó không đeo kính mà vẫn thấy đường đi, vẫn đọc sách được. Hôm khác, nó cãi lời má. Má nó ẵm vô, nhốt trong phòng chớ má nó không bỏ nhà đi như bà đã dọa nó. Như vậy lời nói của người lớn không có giá trị gì cả sao ?

Nếu ngược lại, Dũng ngoan ngoãn vâng lời thì loại vâng lời ấy là vâng lời « nô lệ » có hại cho sự tự chủ sau nầy.

Còn việc hăm he cũng gần giống như dọa nạt có rất nhiều hậu quả trong vấn đề kỷ luật. Một vài trường hợp trẻ thử đánh giá cả sự không vâng lời.

Ba của Thu Tâm cấm em băng ngang qua đường, vì đường nhiều xe cộ nên sợ em bị tai nạn. Ba hăm em qua đường ba sẽ cất phần bánh tráng miệng. Một hôm ăn cơm xong, má chia phần bánh ngọt cho mọi người trong nhà. Thu Tâm không nhận phần bánh. Ba ngạc nhiên hỏi :

– Sao con không ăn bánh ? Con có đau gì không ?

Thu Tâm trả lời :

– Ba dặn hễ con qua đường thì không được ăn bánh. Hồi nãy con có qua đường. Bây giờ con không ăn bánh.

Đôi khi trẻ có những ý tưởng ngây ngô, cả nhà đem ra chế giễu. Khi trẻ phạm một lỗi lầm, lại đem ra hạ nhục. Đó không phải là cách sửa trị, cũng không phải cách dạy con. Dạy trẻ là ta muốn chúng tự tin, muốn chúng cố gắng. Nên khuyến khích, an ủi, nung chí trẻ hơn. Nếu hạ nhục trẻ, vô tình ta làm cho nó mất đức tự tin, bóp nát ý muốn cố gắng và giết chết quyết định đi đến thành công của nó.

Minh đã năm tuổi mà vẫn còn đái dầm. Nó thường bị rầy, bị đòn về việc ấy nên buồn lắm. Tuy không biết phải làm sao cho hết đái dầm, nhưng nó thầm gắng sức để khỏi đái trên giường, và đã thành công trong một vài đêm. Nhưng mấy hôm sau nó đái dầm trở lại. Một hôm, nhơn có các bạn nó đến nhà chơi, ba nó mới biểu các bạn đừng chơi với nó vì « lớn đầu mà còn đái dầm, mắc cỡ lắm ». Minh xấu hổ và đâm liều, không thèm cố gắng nữa.

Ta phải coi lời sửa trị như cặp kính. Đeo kính vào mắt để thấy sáng tỏ hơn, chớ không phải để mù lòa.

Có những người, con cái của người ngoài làm gì cũng được họ khen thưởng, có tội gì cũng được tha thứ dễ dàng, nhưng với con mình thì gần như việc gì của chúng làm cũng đều bị chê bai cả. Hễ mở miệng ra thì gần như lúc nào họ cũng nói : « Con trai mà làm vậy thì xấu quá đi », hoặc giả « Con gái gì mà hư vậy ! » Ở đời ai tránh khỏi lỗi lầm mãi được. Dầu trẻ đã cố gắng hết sức cũng không được khuyến khích, nhưng chỉ nghe toàn lời chê trách thoát ra từ miệng cha mẹ, nên riết rồi chúng đâm liều, ra sao thì ra, đã xấu thì cứ hành động như kẻ xấu.

Điều ấy cũng gieo thêm mối nguy hại khác là làm vỡ năng lực ý chí của trẻ khác đi. Người không có năng lực ý chí sẽ thất bại trước khi khởi sự làm việc. Ta phải giúp đỡ, phải luyện cho trẻ tự phán đoán, tự lo cho mình, tự tiến bộ mà không ăn mày tình thương của kẻ khác.

Dầu cố tránh đi nữa, thế nào cũng có lúc ta phạt con cái bằng roi vọt, hoặc bằng những phương cách khác. Một số nhà giáo dục mới không tán thành việc dùng roi vọt để sửa trị trẻ con. Họ cho rằng roi vọt sẽ gây nên thương tích. Roi có thể gây nên thương tích thật, nhưng tùy cách ta sử dụng nó, và cũng tùy thái độ ta trong lúc dùng nó, mà việc dùng roi sẽ có kết quả mong muốn hay không.

Một nhà thông thái xưa – vua Sa-lô-môn – đã nhận xét kỹ và thấy rõ giá trị của roi vọt cho nên đã nói : « Những thương tích và dấu vít làm cho sạch điều ác, và roi vọt thấm vào nơi kín đáo của lòng » (Kinh Thánh, sách Châm ngôn 22 : 30). Những ngọn roi quất vào mông là kết quả hiểu nhiên của việc bất phục tùng. Tuy nhiên, đánh con trẻ như thế ta cố hướng nó về đường công bình, chớ không phải ta đánh vì thù ghét nó. Sa-lô-môn lại nói : « Hãy sửa phạt con trong lúc còn trông cậy ; nhưng chớ toan lòng giết nó » (Châm ngôn 19 : 18). Ta thử xét lại lòng mình xem đã có bao nhiều lần đánh con vì tức giận, tức giận vì hành động ngỗ nghịch của trẻ, tức giận vì trẻ không vâng lời ta, v.v… Có biết bao nhiêu bậc cha mẹ đánh con với bất cứ vật gì nằm vào tầm vói tay – tay cây roi, chiếc đũa cho đến khúc củi, bình hoa, ghế đẫu, v.v… – đánh vào bất cứ nơi nào trên người đứa con mà không kể những chỗ phạm. Nếu không vớ được roi, củi, gậy gộc, thì họ dùng tay, chân để đấm đá đứa bé chẳng chút xót thương. Những trận đòn như thế không hề chứa đựng một chút răn dạy gì cả. Đó chỉ là hành động trả thù, đánh cho bỏ ghét, đánh cho hả giận mà người bị đánh không thể, cũng không có quyền đỡ đòn. Những trận đòn như thế rất có hại cho trí khôn, thần kinh và sức khỏe của đứa trẻ. Đành rằng : « sự ngu dại vốn buộc vào lòng con trẻ, song roi răn phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó » (Châm ngôn 22 : 15), nhưng roi răn phạt quyết không phải roi trả thù. Roi răn phạt không phải cách làm cho con trẻ lánh xa người răn phạt nó hơn là lánh xa tội nó đã phạm. Vì vậy, dầu có tức giận mấy ta cũng phải cố dằn lòng mình xuống trước khi đánh trẻ. Cố hết sức đừng đánh vào đầu, vào mặt trẻ, vì đánh như vậy ta có thể làm hại những bộ phận chủ yếu mà vô cùng mỏng manh trong đầu đứa bé. Nên dùng roi vào chỗ mà dường như Tạo Hóa đã dành cho việc nầy.

« Thương con cho roi cho vọt ». Lại nữa : « Người nào kiêng roi vọt ghét con trai mình, song thương con ắt cần lo sửa trị nó » (Châm ngôn 13 : 24). Roi vọt là kết quả của tội lỗi con trẻ đã làm, nên phải dùng cho đúng mức và dứt khoát. Không nên dùng roi như một phương cách luyện tội dai dẳng.

Đối với đứa bé « cứng đầu », không nên kéo dài sự hình phạt cho đến khi nó chừa bỏ lề lối sai quấy của nó mới thôi. Làm vậy chỉ kéo dài trận chiến với đứa bé, làm cho nó hiểu sai mục đích của sự răn dạy và gây một ấn tượng không đẹp đẽ suốt đời nó. Hình phạt không chinh phục được ai cả, nhưng tình yêu sẽ làm cho người khác nghe theo mình. Những lời răn dạy trầm tĩnh thêm vài roi thật đau đủ để trẻ nhớ suốt đời mà không phạm lỗi lầm trước nữa. Không cần phải đánh nhiều. Không phải lúc nào cũng đánh. Tình yêu phát xuất từ lòng cha mẹ tỏa ra bao phủ lấy tâm trí con trẻ, ngấm sâu trong lòng chúng để hòa với tình yêu của chúng, cùng nhắm vào một hướng đi, bấy giờ không ai còn muốn làm phiền lòng ai nữa cả.

Có nhiều người không muốn đánh con, nhưng phạt trẻ bằng cách buộc chúng lên giường nằm im, hoặc nhốt vào phòng ngủ, nhà tắm, v.v… Nhưng công dụng của những chỗ ấy đâu phải như vậy. Giường là để ngủ, để nghỉ trong lúc mệt mỏi, đau yếu chớ không phải chỗ trừng phạt. Phòng ngủ hay phòng tắm cũng vậy, phải được dùng đúng mục đích của những chỗ đó, chớ không phải là phòng giam. Nếu dùng không đúng cách, sau nầy ta khuyên chúng nên lên giường nghỉ sau trận đùa chơi đến mệt đừ, chúng lại tưởng ta đang phạt chúng. Có nhiều đứa bé rất sợ phải vào phòng ngủ vì lý do nầy.

Người ta cũng phạt trẻ bằng cách buộc chúng phải làm việc, hoặc phải học thêm giờ. Điều nầy có thể làm trẻ ý thức sai việc làm và việc học hành. Đáng lý ta phải dạy cho trẻ biết nhiệm vụ của con người, Đấng Tạo Hóa ra lịnh cho họ phải làm việc chớ không phải ở không, và công việc ấy cũng không phải là một hình phạt nào cả, vì con người lúc bấy giờ chưa phạm tội. Đấng Tạo Hóa thấy trước rằng con người « nhàn cư vi bất thiện », nhưng việc làm sẽ giúp họ mạnh khỏe trong phần xác và tâm hồn được thanh thản. Ta phải dạy cho trẻ biết làm việc để san sẻ bớt gánh nặng mà cha mẹ phải mang để nuôi dưỡng chúng nên người, cho chúng ý thức rằng con người sống là để phụng sự chớ không phải chỉ biết thụ hưởng. Nếu dùng công việc làm không đúng chỗ, trẻ sẽ có cảm tưởng mỗi khi làm việc gì là chúng bị hình phạt khổ sai, và như thế dĩ nhiên trẻ sẽ không thể nào thích làm việc được. Điều đó sẽ tạo nên khó khăn cho cá nhân nó và cho xã hội loài người nữa.

Cũng một thể ấy, ta không nên làm trẻ lẫn lộn giữa việc học và hình phạt. Người ta kể rằng lúc còn bé Ludwig van Beethoven rất chán ghét âm nhạc, vì cha cậu thường bắt cậu phải thức dậy nửa đêm để tập lại một đoạn nhạc cậu đàn chưa thạo, dầu lúc ấy cậu mới lên ba bốn tuổi đầu. Cũng bởi đó mà nhạc tài của Beethoven bị ảnh hưởng không ít. Nhưng may mắn thay, Beethoven lại là con người có ý chí sắt đá nên ngày nay nhân loại mới có được một kho tàng vô giá về nhạc nghệ vậy. Ta cứ thử đặt mình vào trường hợp của trẻ sẽ thấy được mình có phản ứng thế nào với những sự hình phạt trên.

Để sửa phạt con trẻ, ta phải có những lý lẽ vững chắc. Ta cần đặt tiêu chuẩn trên căn bản lẽ phải. Trước khi phạt phải cho trẻ thấy rõ tội của chúng. Không nên tha thứ những tội cần phải phạt, vì làm thế trẻ sẽ khinh lờn ta và bất cần đến luật lệ của ta nêu ra cho chúng. Tội nào cần phạt, phải phạt ngay mà không nên hoãn lại dịp khác, cũng không thể chồng ba bốn tội để phạt một lần. Lúc phạt, không nên phạt quá đáng, vì làm thế trẻ sẽ bất mãn, sanh lòng công phẫn và sẽ có thái độ chống đối ta, hoặc bỏ nhà ra đi, rồi nhập bè nhập lũ với ai bằng lòng dung nạp chúng. Hơn nữa làm vậy tình yêu giữa cha mẹ và con cái sẽ bị giảm sút, bầu không khí trong gia đình vì đó sẽ rất nặng nề.

Đừng vì tự ái hay uy quyền của người lớn mà ta làm ngơ những lỗi lầm của mình đối với trẻ con. Nếu ta làm lỗi với chúng, thẳng thắng nhận lỗi. Làm thế ta không bị mất thể diện đâu, nhưng tập cho trẻ biết tôn trọng sự thật và lẽ phải. Ta cũng phải nhìn nhận lý lẽ chánh đáng của trẻ vì đứa trẻ là một con người sống động hẳn hoi, nên ta cần đối xử như một người thật sự. Hơn thế, ta đang giáo dục chúng, mà phương pháp giáo dục lý tưởng là tập trẻ suy luận lấy, chớ không phải chỉ lập lại lời của người khác cách mù quáng.

Với một đứa bé hãy còn quá nhỏ, ta không nên lý luận với nó nhiều. Chỉ cần làm những gì phải làm. Lý luận với nó, cũng không thể hiểu nổi. Còn hỏi ý nó, chắc nó sẽ trả lời « không », rồi cha hoặc mẹ phải dẫn giải nó cả năm, mười phút mà chẳng ngã ngũ được. Nếu một đứa bé hai hoặc ba tuổi có dấu hiệu mắc tiêu, cứ dắt nó vô cầu tiêu, hoặc cho ngồi bô mà không cần giải thích hành động của mình. Nếu đến giờ ăn, đừng hỏi trẻ :

– Bây giờ con muốn lại bàn ngồi ăn hay không ?

Cứ ẵm, hoặc dắt con lại bàn ăn, vừa đi vừa nói đùa với em về ý nghĩ còn ở trong đầu em, như một trò chơi, một câu chuyện dở dang chẳng hạn, để chuyển qua việc ăn cơm mà không bị gián đoạn đột ngột. Bắt trẻ ngưng một trò chơi lý thú không phải là chuyện dễ, nên cha mẹ cần phải rất khôn khéo.

Với trẻ lớn hơn, bốn hoặc năm tuổi chẳng hạn, ta có thể khuyến cáo chúng được. Nếu trẻ đang chơi ráp nhà bằng giấy mà sắp tới giờ ăn cơm, bà mẹ có thể nói :

– Con lợp mái nhà mau đi. Mẹ muốn xem ngôi nhà của con làm xong trước khi mình ăn cơm.

Làm thế có lợi hơn đợi mãi đến giờ ăn rồi buộc chúng ngưng ngay công việc của chúng đang đến độ say mê nhứt, để phải la hét hoặc phá bỏ đồ chơi của chúng. Nếu không khéo, chắc chắn không khí trong bàn ăn hôm ấy rất nặng nề và không ai còn lòng dạ nào để thưởng thức những món ngon mà bà mẹ đã tốn nhiều công để nấu nướng.

Một bà mẹ của một đứa bé khác lên ba, nghĩ rằng phải lý luận cho trẻ hiểu biết sự việc. Tới giờ đi dạo, bà không làm như những bà mẹ khác là mặc áo quần cho con rồi dắt con đi. Bà khởi sự :

– Bây giờ mình mặc áo quần nghe con ?

– Không.

– Coi. Mình cần đi ra ngoài thở không khí trong sạch chớ !

Bà muốn lý luận với con thì liền được dịp để lý luận từng điểm một. Đứa bé hỏi mà không thật chủ tâm tìm hiểu :

– Tại sao ?

– Không khí trong sạch làm cho con mạnh khỏe, khỏi đau ốm gì cả.

– Tại sao ?

– …

Cứ như thế, hai mẹ con đã lý luận với nhau hằng giờ mà chẳng đi tới đâu cả. Những câu hỏi bướng bỉnh, những lời giải thích vô ích như thế không làm trẻ hợp tác với mẹ hơn, cũng không kính nể mẹ nó như đứa con tốt.

Một bà mẹ quả quyết trong việc mình làm và lèo lái đứa con trong tình bằng hữu, đứa con sẽ cảm thấy được bảo đảm hơn. Trong việc dạy con, người mẹ có một phần quan trọng không kém người cha. Điều nầy không phải là một ý tưởng mới mẻ, vì từ xưa ông bà ta đã từng nói « mẹ ngoảnh đi con dại, mẹ ngoảnh lại con khôn » hay « mẹ dạy thì con khéo, bố dạy thì con khôn », và kết quả là đã có biết bao nhiêu anh hùng liệt nữ, những người làm nên sự nghiệp là nhờ sự giáo huấn của bà mẹ.

Khi con cái còn nhỏ, cần cất giấu những vật gì xét ra có hại cho nó, hướng nó vào sự vật lý thú mà nó vô hại. Khi trẻ lớn lần, nó sẽ học được những bài học rằng ở đời còn có nhiều điều nguy hại, bấy giờ ta mới có thể ra lịnh : « Không ! Đừng làm… ! » Nếu con trẻ hỏi tại sao, ta có thể trả lời vắn tắt mà đầy đủ với ngôn ngữ chúng hiểu được. Đừng giải thích dông dài quá với ý nghĩ rằng chúng sẽ hiểu hết. Qua lời giải thích của ta, cho chúng hiểu rằng chúng hãy còn ít kinh nghiệm, chúng sẽ sẵn sàng theo sự hướng dẫn của ta.

Làm sao cho trẻ vâng lời cách dễ dàng bằng việc tránh dùng chữ « đừng », « không được », « cấm làm », v.v… mà phải đùng chữ « nên làm » để ra lịnh cho trẻ. Đứa trẻ sẽ hoang mang, nghi ngờ, chán ghét người lớn nếu cả ngày chỉ nghe những câu « không được làm cái nầy », « đừng làm thế nọ », « cấm đụng vào cái kia »… Nếu không muốn trẻ làm ồn trong nhà, cho nó có một cuốn sách hình thật đẹp, hoặc cuốn truyện hay để đọc, hay cho phép chúng ra sân làm một việc gì khác có lợi hơn. Nếu muốn trẻ chấm dứt một trò chơi mà ta thấy nguy hại , nên tổ chức cho chúng dự một trò chơi khác. Làm thế trẻ không thấy bị cấm cản, không thấy người lớn xa cách chúng nên chúng không phải chống lại cho bỏ ghét. Ta nghĩ thế nào nếu một hôm muốn đi Sài-gòn lo việc gấp, mà đường nào cũng có để bảng cấm lưu thông. Trẻ con cũng có phản ứng tương tự như vậy. Vì thế ta cần phải cất hết những bản « cấm « mà dựng lên những bản « cho phép », dĩ nhiên cho phép trên điều lợi ích để chống lại những điều cấm đoán kia.

Một trong những trở ngại cho việc áp dụng kỷ luật đối với con cái trong nhà là cha và mẹ ít khi nào đồng ý nhau trên một hình phạt nào đó. Đứa con vì lầm lỗi nên bị ba đánh đòn.

Má thương con quá nên binh con, cằn nhằn ba. Đứa trẻ nghĩ thế nào về ba và má của nó ? Nếu sau nầy có lỗi lầm gì nó sẽ chạy đi đâu ? Nó sẽ ỷ vào ai để có quyền sơ xuất trong cách ăn ở cũng như việc làm ?

Trường hợp khác, khi bà mẹ đánh mắng con, ông cha lại phụ họa để mắng con thêm, rồi nhắc lại cả những lỗi lầm từ năm xưa để đàn áp tinh thần đứa bé. Làm thế người cha được cái lợi là ve vãn được vợ mình, nhưng đứa con sẽ vô cùng khổ sở mà thấy cả cha và mẹ đều hợp nhau để « tố khổ » nó, nhứt là khi bị bươi móc những tội không ăn nhập gì với hiện tại. Đứa trẻ cảm thấy lẻ loi giữa vòng những trường hợp lực nhau để hành hạ nó, và sau nầy nếu có cơ hội thuận tiện nó không ngần ngại gì mà không lìa khỏi gia đình để phải sống cuộc đời lang thang, vì ít nữa nó cũng không bị sự khủng bố liên tục và áp bức dai dẳng.

Cũng có những bà mẹ, để giữ vững địa vị yêu thương trong lòng con trẻ, hoặc tự cho mình không đủ uy quyền để sửa phạt con, nên dùng câu « mẹ đánh một trăm, không bằng cha ngâm một tiếng » mà dồn đẩy sự răn phạt lại cho người cha. Nói con không được, mẹ ngăm.

– Được rồi cứ làm đi. Đợi ba mầy về rồi biết !

Tại sao phải đợi ba về ? Trẻ có lỗi sao không sửa trị ngay ? Nếu việc giáo huấn con cái cần sự hợp tác chặc chẽ của cha lẫn mẹ, thì việc răn dạy con không thể chỉ trông cậy vào một mình người cha. Nếu cha phải đi xa lâu ngày, mà con không cần phải vâng lời mẹ, thì bây giờ ai sẽ nói cho trẻ nghe theo ?

Đành rằng phải sửa phạt con trẻ, nhưng ta cần xét sự việc theo tầm hiểu biết và khôn lớn của đứa trẻ, để trẻ thấy sự hình phạt ấy là đúng. Một trong những mối nguy hại là người lớn chúng ta nhận xét sự việc theo quan điểm của mình, rồi buộc con trẻ cũng phải ở vào tầm ấy. Đó là chưa nói đến việc vì một bực tức gì đó, bị một gánh nặng tinh thần nào đó, hoặc cơ thể không được khỏe khoắn mà ta thành gắt gỏng với con trẻ, làm cho chúng phải hoang mang, lạc lõng trong thế giới người lớn. Một đoạn văn, một lời tâm huyết của nhà văn Washington Livingston Larned trong tác phẩm « A Little Boy » mà tôi cảm thấy rất gần gũi với chúng ta, là phản ánh của việc ta làm, và rất có lợi cho việc dò xét lòng mình, nên tôi xin chép lại đây để ta tự nhắc nhở mình trong việc đối xử với con cái :

Con yêu của ba,

Ba thì thầm lời này với con khi con đang ngủ say, gác gò má phệ lên cánh tay, một vái sợi tóc dính sát vào vầng trán trỉn mồ hôi. Ba đã lẻn vào phòng con một mình. Mới vài phút trước đây, khi ngồi đọc báo bên thư phòng, một sự hối hận sôi bỏng lướt qua tâm hồn ba. Ba không thể nào chống trả được. Vì thế ba lên phòng, đứng bên giường con với dáng điệu đầy tội lỗi.

Con yêu, ba nghĩ đến nhiều điều lắm. Ba đã đối xử cộc cằn với con. Lúc thay áo quần để đi học, ba đã trách mắng con vì con chỉ dùng khăn quẹt sơ qua để lau mặt. Ba đã phạt con nặng nề vì con không chịu đánh bóng đôi giày con mang. Khi bắt gặp những món đồ chơi con vất bừa bãi, ba gọi con đến, giọng giận dữ.

Vào lúc ăn lót lòng, ba cố tìm vạch lỗi lầm của con. Con làm đổ tháo đồ ăn. Con ngốn lấy ngốn để món ăn. Con chống cùi chỏ lên bàn. Con chan nước mắm nhiều quá. Khi con ra đi chơi, ba chạy đón xe đi làm, con vẫy tay : « Chào ba, chúc ba đi bình an ! » Ba nhăn mặt để đáp lại : « Đứng thẳng lưng lên coi, thằng khỉ ! »

Xế chiều, mọi việc ấy lại tái diễn. Khi leo lên dốc về nhà, ba nhìn con với cặp mắt soi mói lúc con đang quì bò ra mặt đất chơi bắn đạn. « Mầy bỏ dép ở đâu ? » Ba đã làm nhục con trước bạn bè con bằng cách bắt con phải bỏ chơi, đi trước mặt ba mà về nhà. « Giày dép bây giờ mắc lắm, nếu mầy bỏ tiền ra mua chắc mầy sẽ gìn giữ cẩn thận hơn ». Con ơi, hãy tưởng tượng đi, một người cha mà thốt lời như thế với đứa con của mình ! Thật là lối lý luận ngu xuẩn, điên rồ.

Con còn nhớ chăng, sau đó, khi ba đọc báo trong thư phòng, con lén lén nhẹ bước và rụt rè đi vào với khóe nhìn sợ hãi, đau đớn ? Ba nhìn lên, mất cả kiên nhẫn vì sự làm gián đoạn của con, khi con hãy còn do dự nơi cửa vào. Ba hỏi, giọng cốc lốc « Muốn gì đó mầy ? »

Con không nói gì cả, chạy ùa vào, ngã dúi vào mình ba, choàng hai cánh tay nhỏ bé qua cổ, hôn ba, hôn tới tấp, cánh tay nhỏ bé siết chặt với tình thương yêu lai láng mà Đức Chúa Trời đã làm hoa nở trong lòng con, và dầu bị xao lãng nó cũng không tàn héo. Rồi con đi ra, tiếng chân bước nhẹ lên thang gác.

Nầy con, chỉ một chút sau đó, tờ báo tuột rơi khỏi tay ba, một cơn sợ hãi choáng váng, kinh khiếp tràn ngập tâm trí ba. Thình lình ba nhìn thấy ba với cả chân tướng thực hữu, ích kỉ khủng khiếp, và lòng ba tan nát ra.

Thói quen đã tác động thế nào trong ba ? Cái thói trách móc, vạch lá tìm sâu, quở mắng – tất cả những cái đó là phần đáp ứng của ba dành cho con chỉ vì con là một thằng bé nhỏ. Những việc đó xảy ra không phải tại ba không thương con, chỉ tại ba đòi hỏi quá nhiều trong khi tuổi của con hãy còn non dại. Ba đo lường con bằng mẫu mực năm tháng của đời ba.

Có biết bao nhiêu điều tốt đẹp và chân thật trong bản tánh của con. Con ơi, con đâu đáng để bị ba đối xử như vậy. Tuy tấm lòng con nhỏ bé, nhưng nó cũng lớn như ánh bình minh rạng rỡ trên dãy đồi bao la. Mọi điều ấy đều được bày tỏ ra trong việc con hưởng ứng theo tiềm năng tự nhiên, chạy đến ôm ba trước khi đi ngủ. Con yêu quí của ba, đêm nay không còn gì khác đáng cho ba để ý đến nữa. Ba đã đến bên giường con, trong bóng tối, nghẹn lời bởi mối xúc cảm trào dâng và tấm lòng xấu hổ.

Việc làm nầy chỉ là một sự chuộc tội. Ba đã biết nếu ba nói những lời nầy trong khi con thức giấc, con sẽ không hiểu gì cả, nhưng ba phải thốt ra những lời ba đang thốt. Ba phải đốt lên ngọn lửa hy sinh, ngay trong phòng con đây, và tự nguyện xưng ra mọi lỗi lầm.

Ba đã cầu xin Đức Chúa Trời tăng cường cho ba trong quyết định mới nầy. Bắt đầu từ ngày mai, ba sẽ sống đúng danh nghĩa một người cha. Ba sẽ thành bạn với con, đau đớn khi con đau đớn và cười vui lúc con cười vui. Nếu có lời nóng nảy thoạt đến, ba sẽ cắn lưỡi ngậm miệng lại. Ba sẽ luôn thì thầm câu nầy như là một khẩu quyết : « Nó chỉ là một đứa bé, một đứa bé thơ ! »

Ba e rằng ba đã từng hình dung con như một người lớn. Tuy nhiên lúc ba nhìn con hiện giờ đây, hỡi con yêu dấu của ba, con mệt mỏi, đờ đẫn trong giường của con, ba mới thấy con vẫn còn là một đứa bé con. Mới hôm qua đây, con hãy còn nằm trong vòng tay của mẹ con, ngả đầu lên vai của mẹ con. Ba đòi hỏi nơi con nhiều quá !

Hỡi con yêu bé bỏng của ba ! Một kẻ sám hối đang quì gối bên bàn thờ thơ ấu của con, dưới ánh trăng chênh chếch nầy. Ba âu yếm hôn những ngón tay bé nhỏ, vầng tráng trên mồ hôi của con, mái tóc bồng ; và nếu việc ấy không đánh thức con dậy, ba đã ẵm con lên và siết chặt vào ngực ba.

Giọt lệ tuôn rơi, tấm lòng tan nát và lương tâm cắn rứt, ba nghĩ một tình yêu quảng đại hơn, sâu thẳm hơn tuôn trào lai láng khi con muốn chạy qua cửa thư phòng để hôn ba ! »

Áp dụng kỷ luật với con trẻ là giúp chúng tự chủ để có thể phấn đấu với đời, bởi thế không nên áp dụng kỷ luật với thái độ ghét bỏ, đàn áp, hoặc hành hạ chúng. Cần phải phạt trẻ như là kết quả hiển nhiên của tội lỗi gây ra, nhưng cần đặt mình vào hoàn cảnh của trẻ để dễ hiểu trẻ chớ không thể bắt trẻ phải sống theo mực độ trưởng thành hoặc cằn cỗi của người lớn. Hình phạt không thể thay đổi tâm tính trẻ, không làm trẻ tốt hơn được. Chỉ có sự cảm thông và tình yêu mới hoán cải và nâng con trẻ lên mực độ cao quí hơn mà thôi.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x