Trang chủ » XIII. Sức mạnh của câu chuyện

XIII. Sức mạnh của câu chuyện

by Hậu Học Văn
11 views

Lịch sử của nước Việt Nam mến yêu chúng ta cũng như lịch sử của bất cứ một quốc gia nào trên thế giới, đều là bằng chứng rõ ràng và mạnh mẽ nhứt để chứng minh câu « bạo quyền không thu phục được nhân tâm ». Dầu bao nhiêu hùng binh ngoại cường giày xéo quê hương dầu phố xá bị tàn phá, làng xóm tiêu điều, dầu bao nhiêu đầu rơi dưới bạo lực, lòng người dân Việt cũng không hề thay đổi. Những cuộc chinh chiến chỉ tạo nên chết chóc. Tranh luận chỉ để vào ngõ bí. Duy chỉ khát vọng mới thay đổi được lòng người. Vì con người là sinh vật đầy tình cảm, nên chỉ có điều gì khêu gợi tình cảm của họ lên mới làm họ chiều theo, mà chuyện tích là một trong những phương tiện gợi cảm hay nhứt, đặc biệt đối với con trẻ.

Khi kể cho ai nghe một câu chuyện, dường như mình có một vật gì rất quí báu để san sẻ cho, nên họ sẵn sàng đưa tay đón nhận. Nếu dùng lý luận để dạy dỗ ta sẽ gặp sự chống trả, vì những ấn tượng đã ăn sâu vào lòng người từ lâu, biến họ thành những con người lý luận vững vàng, bởi thế họ sẽ lý luận trả lại những ai thích lý luận với họ. Nhưng một câu chuyện có thể gây một vài ước muốn nơi con trẻ, gợi ý để thanh niên tạo những quyết định hợp lý cho đời mình và thay đổi quan điểm của người trưởng thành. Như vậy chuyện tích là phương tiện quí báu nhứt trong những phương tiện giáo dục xưa nay. Chuyện tích làm cho người ta chú ý, và khi chú ý người ta mới học hỏi được.

Nếu có ai nghi ngờ điều nầy, nên xét lại cách Đức Chúa Giê-su, vị giáo sư lớn nhứt trong thiên hạ xưa nay, vẫn thường dùng chuyện tích để giảng dạy dân chúng, mà ngày nay ảnh hưởng của đạo Ngài đã lan rộng ra khắp thế giới.

Sở dĩ chuyện tích có ảnh hưởng rõ rệt và rộng lớn như vậy vì chuyện tích dễ hiểu ; ứng dụng được cho mọi cỡ tuổi, mọi từng lớp người trong xã hội ; gợi ý niệm hoặc hình ảnh quen thuộc ; so sánh tiêu chuẩn nầy với tiêu chuẩn khác ; nêu lên quan điểm thật khách quan. Các nhà diễn thuyết thường dùng chuyện tích như là những ví dụ để dân chúng dễ hiểu và dẫn chứng cho lập luận của mình.

Một tiếng chim hót, một tiếng động dữ dội, một tiếng còi tàu đều nhắc nhở ta những giây phút, những biến cố nào đó trong cuộc đời mình có liên quan đến tiếng kia. Một câu chuyện là những biến cố nối tiếp và liên hệ với nhau. Vì vậy nếu ta dạy trẻ dưới hình thức một câu chuyện thường thôi, trẻ sẽ nhớ lâu hơn bài diễn thuyết hùng hồn, hoặc bài khảo cứu công phu. Trẻ chú ý đến những điều chúng thích hơn những bài lý luận khô khan. Khi trẻ chú ý nghe chuyện, tức ấn tượng đang ăn sâu lần vào trong trí, mà cái gì đã ăn sâu vào tâm trí rồi, sẽ ở luôn nơi đó. Cho nên những tư tưởng, những tiêu chuẩn luân lý mà ta dạy trẻ qua câu chuyện sẽ được trẻ nhớ và thường gợi lại trong trí chúng mỗi lần chúng gặp một tình cảnh tương tự trong chuyện.

Hơn nữa chuyện tích còn có cái lợi, là ta dùng những cái trẻ đã biết rồi, qua câu chuyện, ta dạy chúng những cái chúng chưa biết. Dùng cái cụ thể để dạy cái trừu tượng. Chúa Giê-su đã dùng những vật thông thường tùy theo từng vùng, từng xứ mà dân chúng thường thấy như lưới, cá, lúa, chim, hoa, cỏ, hột giống, v.v… để dạy dân chúng đạo lý cao siêu. Mỗi lần dân chúng thấy các vật kia, họ nhớ lại lời Chúa dạy.

Những lợi ích của một câu chuyện khéo kể thật khó ước lượng hết nổi. Như chúng ta đã biết, con người dầu ở trong thành phần nào của xã hội, hoặc vào cỡ tuổi nào của cuộc đời cũng đều thích nghe chuyện. Các giáo viên nếu biết lợi dụng câu chuyện, sẽ thâu được những lợi điểm đáng kể. Dĩ nhiên những điều giáo viên dùng được cho lớp học, cha mẹ cũng có thể dùng được nơi cho gia đình, trong những trường hợp tương tự, hoặc muốn tạo ảnh hưởng tương tự.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x