Trang chủ » II. Sáu năm đầu tiên

II. Sáu năm đầu tiên

by Hậu Học Văn
6 views

Có người đã nói : « Gây dựng một đứa bé quí hơn va víu một người lớn ».

Sáu năm đầu tiên là sáu năm quyết định cả một đời người. Khoảng đời thơ ngây nầy sẽ đúc kết cơ cấu của thói quen và chiều hướng của cảm xúc. Tùy theo sự giáo dục của cha mẹ và học đường trong những năm phát triển và tìm hiểu triệt để nầy mà đứa bé sẽ trở nên một người có lợi hoặc có hại cho xã hội tương lai.

Ông cha ta ngày xưa đã từng dặn dò : « Dạy con từ thuở còn thơ… » hẳn phải có lý do vô cùng chánh đáng. Một nhà thông thái xưa – vua Sa-lô-môn – của người Do-thái, đã từng cảnh cáo những người làm cha mẹ : « Hãy dạy cho trẻ thơ con đường nó phải theo, dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa khỏi đó ». (Châm ngôn 22 : 6). Ngày nay, những nhà giáo dục mới cùng những nhà tâm lý mới bắt đầu nhìn nhận « thân cây nhỏ cong, lớn lên sẽ cong luôn ».

« Nhơn chi sơ tánh bổn thiện ». Đành vậy, nhưng đứa bé lỡ ra đời trong một thế giới tội lỗi, sống giữa khung cảnh gian tham, bất cần, thì nếu nó không hoài nghi, cô độc đối với cuộc đời, nó không thể nào làm khác hơn những người sống quanh nó. Sheldon và Eleanor Glueck nghiên cứu 500 trường hợp thiếu niên phạm pháp ở Mỹ, nhận thấy gần phân nửa số ấy đã phạm pháp trước khi chúng được 8 tuổi đầu.

Bàn về nguồn gốc của tội ác thiếu niên, ông tòa Joe Glasser của tòa án thiếu niên nhận định rằng :

« Tôi tin chắc gần 95 phần trăm thiếu niên phạm pháp, là do những yếu tố ngoại lai và sự dạy dỗ sai phép của cha mẹ trong những năm quyết định (6 năm đầu tiên) ấy, trước khi tội ác thực sự được lộ ra ». (Link, tháng Hai 1957)

Những lời chứng của các nhân vật có thẩm quyền trên chỉ rõ mầm mống của sự vâng phục hay bất-tuân, tinh thần vững chắc hay tình cảm xáo trộn của lòng tôn kính hay bất kính, đều đã được gieo vào tâm trí trẻ trong lúc chúng hãy còn non dại. Trong quyển Child Guidance trang 26, Bà Ellen G. White viết :

« Công việc giáo huấn, đào luyện trẻ con phải khởi sự ngay khi trẻ hãy còn rất bé, vì tâm trí chúng dễ thâu nhận nhứt, và những bài học kia sẽ được nhớ kỹ ».

Cũng trong quyển ấy, nơi trang 27, bà viết : « Người trẻ tuổi cần phải được huấn luyện cẩn thận cách khéo léo, vì những tập quán xấu đã thành hình trong tuổi trẻ thường đeo đuổi họ trọn đời ».

Bây giờ chúng ta có lẽ nên tự hỏi : Con em của mình được hấp thụ sự giáo dục nào ? Chúng nó chịu ảnh hưởng bởi vâng lời, trật tự, kỷ luật, sạch sẽ, yêu thương, lễ độ, kính trọng lẫn nhau, gia đình lễ bái và làm việc có hệ thống hay không ?

Hay cả ngày chúng chỉ nghe những lời chỉ trích cay đắng và không ai tín nhiệm chúng cả ? Chúng nó chứng kiến những hành động trái phép của người lớn, cũng như những cử chỉ không thèm đếm xỉa gì đến quyền lợi của kẻ khác chăng ?

Đừng tưởng đứa trẻ còn quá nhỏ nên không biết gì. Thật ra sự hiểu biết của nó theo ngày tháng mà tăng thêm trên mọi phương diện. Đành rằng tánh khí của những đứa trẻ một phần do thụ bẩm từ cha mẹ. nhưng phần lớn do nó « học » được, nó « luyện » nên, mà sáu năm đầu tiên trong đời người là khoảng thời gian dễ chấp nhận và ảnh hưởng lại lâu bền nhứt. Khi đứa bé mới ra đời nó chỉ biết ngủ, khóc, bú, rồi lại ngủ, khóc, bú… Nhưng chỉ một khoảng thời gian ngắn sau, nó lộ rõ vẻ ồn ào, bạo dạn, hoặc trầm lặng, e dè… và những cá tánh ấy còn lưu với trẻ ít nữa suốt quãng đời ấu nhi. Các nhà thần kinh và tâm lý học quả quyết rằng những tập quán xã hội đặc biệt, dầu tốt hay xấu, đều do tập tành với kinh nghiệm ở đời mà ra như các đặc tánh chân thật, xảo trá, nhận lãnh trách nhiệm, vô trách nhiệm, thuần lương, hay vô luân, tiết độ hoặc say sưa, vô kỷ luật, phạm pháp, v.v…

Những cá tính của trẻ con có thể thay đổi tùy theo sự biến chuyển bên trong cơ thể cũng như ảnh hưởng bên ngoài, qua các giai đoạn khôn lớn của đời người, mà cha mẹ cần tìm hiểu để hướng dẫn con trẻ phát triển tánh tốt và chận đứng xu hướng kém lành mạnh của trẻ.

Đứa bé từ một đến ba tuổi cố tranh đấu lấy sự tự do cho nó. Nó chê món ăn nầy, đòi cho được đồ chơi kia, không chịu để người khác mặc áo cho nó… Khi ra đường nó muốn phải đi hướng nầy, rồi đổi qua hướng nọ. Nếu phải làm theo cha mẹ thì chỉ vì cha mẹ, lớn, mạnh, có quyền, nên nó không có cách nào khác hơn là phải chiều theo.

Từ ba đến sáu tuổi, đứa bé bước qua một giai đoạn khác. Những ý muốn trước kia giảm lần. Bây giờ nó nhìn cha mẹ nó như là thần tượng. Lại nữa cũng tùy theo từng đứa trẻ mà nó sống theo đúng khuôn mẫu của cha mẹ. Con trai thì cố bắt chước ba, còn con gái theo tánh nết của má. Dường như sự bắt chước quan trọng nhứt của trẻ con vào tuổi nầy là bắt chước làm cha mẹ. Sự kiện đó bày tỏ rõ rệt hơn nơi con gái. Với những động tác giản dị, đứa bé gái đặt con búp bê nằm xuống giường, đắp mền, rồi lại ẵm lên, ru cho búp bê ngủ. Thời gian qua, vai trò của « bà mẹ nhỏ » đóng có vẻ thiết thực hơn. Đứa bé gái cho búp bê bú sữa, thay tã, thay quần áo, tắm rửa búp bê, muốn búp bê có nhiều áo quần hơn. Bây giờ đứa bé gái nô đùa với « con », dỗ, rồi la rầy đúng y giọng điệu mà bà mẹ thường dùng với nó hoặc em nó ở trong nhà. Như vậy ba năm sau nầy là thời gian nó tập tành để có một thái độ cần thiết cho loài người, đó là thái độ làm cha mẹ vậy. Nếu có thể ghi âm giọng điệu của đứa bé đối với con búp bê của nó, để mười lăm hoặc hai mươi năm sau mở ra nghe lại, ta sẽ ngạc nhiên mà thấy bà mẹ (bây giờ đứa bé gái đã thành bà mẹ rồi) cũng thốt ra với con mình âm điệu trìu mến, nâng niu tương xứng với âm điệu ghi trong băng nhựa từ thuở xưa.

Con trẻ không phải chỉ bắt chước cách thức và lời ru con mà thôi. Tất cả những gì lọt qua tai, nhập vào mắt của nó cũng đều được ghi nhớ kỹ, chờ dịp thuận tiện để diễn xuất cho thoát thần. Tuy nhiên cũng còn may mắn đối với những lỗi lầm của phụ huynh trong những năm tháng nầy, nếu kịp thời sửa chữa và chừa bỏ hẳn lề lối cũ, vì con trẻ đang bước qua một giai đoạn biến chuyển khác trong đời nó.

Từ 7 tuổi trở lên, đứa bé gái tạm thời gác lại việc chăm sóc búp bê – mặc dầu vẫn còn thích búp bê – cho đến lúc sẽ săn sóc chính những đứa con mình sanh ra.

Các bé trai từ bảy đến mười tuổi lại say mê trò chơi « hội kín ». Chúng nó họp nhau lại, tìm một chỗ thích hợp, cử các chức viên, vẽ phù hiệu, định luật lệ gia nhập và khai trừ khỏi đảng. Chúng làm y như thật, dường như có điều gì quan trọng và vô cùng kín giấu cần phải giữ bí mật với nhau, trong khi thật ra chúng khó nghĩ được điều gì có thể gọi là bí mật. Trò chơi thật say mê, nhưng chỉ vài ngày hoặc vài tuần, hội kín kia tan rã mất. Vài tháng sau một niềm rạo rực mới thúc đẩy chúng tái lập hội. Lập hội không phải để tìm bạn mới, vì các hội viên đều là những trẻ đã chơi thân với nhau. Đấng Tạo Hóa dường như sắp đặt sẵn cho chúng một con đường, giao phó một nhiệm vụ quan trọng sau nầy mà chúng cần phải tập tành trước khi thực sự bắt tay vào việc. Có phải chăng trò chơi ấy ngấm ngầm dạy cho con trẻ ý thức được tổ chức của xã hội, mà một ngày nào đây, khi lớn lên, chúng sẽ chiếm một chỗ trong đoàn người tranh đấu cho chân lý, tự do, diệt bạo, diệt tham nhũng và tội ác ? Hay sẽ đứng ra lập một cơ sở kỹ nghệ, thương mại mới ? Nếu con trẻ chỉ thấy, nghe những gương xấu mỗi ngày, hoặc nếu có những đứa trẻ không tốt lọt vào cầm đầu, thì tiêu chuẩn của hội kín ấy sẽ ra sao ? Sau nầy chúng sẽ đảm nhiệm vai trò gì trong xã hội ?

Tuổi thơ ấu đáng thương và cũng đáng sợ vô cùng, nhưng người ta lại ít quan tâm đến vì cho rằng chúng chẳng biết gì cả. Đến khi người ta tin chắc chúng đã biết thì muộn quá rồi, không còn cách nào cứu vãn được nữa. Có nghe những em, mười hai mười ba tuổi, mở miệng ra là thốt lời bi quan, oán trách xã hội, chán ghét đời người, ta mới cảm thấy thấm thía. Tôi từng gặp gỡ hằng trăm em như vậy : cướp, giựt, móc túi, đâm, chém, lang thang, không nghề nghiệp, không nơi nương tựa. Truy nguyên thì thấy chúng bị bỏ rơi, bị ngược đãi và nuôi đầu óc hận thù mọi người, kể cả những người ra tay giúp chúng (để kiếm tư lợi) từ lúc hãy còn rất nhỏ, lúc sáu, bảy tuổi đầu.

Bảng thống kê ở Hoa kỳ trong năm 1958 có đến 3.000.000 vụ án quan trọng. Trong số những người bị bắt giữ vì tội trộm, cắp xe, đón đường, cướp giựt, có đến 53 phần trăm tội nhân dưới 18 tuổi. Năm 1957 những vụ án phạm đến thân thể tăng lên 7 phần trăm. Những vụ giết người cũng tăng. Một lần nữa người ta lại thấy đa số phạm nhân là trẻ vị thành niên. Ở nước ta tình trạng tuy chưa đến nỗi trầm trọng như vậy, nhưng những tin tức mà báo chí đập vào mắt ta mỗi ngày, cho ta thấy việc kia cũng không còn xa lắm.

Tôi dịch và ghi theo trên đây lời tự thú của Nicky, tên trùm của một nhóm du đảng khét tiếng ở New York, Hoa kỳ, vào năm 1958. Nicky thuộc đảng Mau Mau, gồm toàn thiếu niên Tây Ban Nha, dân Puerto Rican. Họ mặc chiếc áo đỏ chói, sau lưng có hai cữ M M to tướng. Lời chứng nầy cho ta thấy rõ cái ảnh hưởng vô cùng tai hại của việc bỏ bê con trẻ, dầu nó mới lên bốn, năm tuổi thôi.

❁ ❁ ❁

(Ebook này được thực hiện theo dự án phi lợi nhuận « SỐ HÓA 1000 QUYỂN SÁCH VIỆT MỘT THỜI VANG BÓNG » của diễn đàn TVE-4U.ORG
Cảm ơn tác giả LÊ VĂN KHOA và nhà xuất bản THỜI TRIỆU đã chia sẻ với bạn đọc những kiến thức quý giá.)

0 0 Đánh giá
Đánh giá bài viết

❁ Cánh cửa mở rộng ❁

guest

0 Bình luận
Inline Feedbacks
Xem tất cả bình luận
0
Ý kiến của bạn luôn tuyệt vời, hãy để lại bình luận ...x